Năm.
Đèn ngoài các lối đi trong cung đã được tắt gần hết, trông ra chỉ thấy vài bóng sáng yếu ớt hắt lên mặt đá gọi là đủ thấy đường đi. Cung Bạch Long hiếm hoi còn đèn sáng rõ; vệ sĩ đi tuần truyền tai nhau cậu hoàng Nguyễn Cảnh chăm đọc sách, đúng là gương sáng cho mọi người noi theo.
Nguyễn Cảnh đúng là có đọc sách, chỉ là không đọc một mình.
– Khang tần mới có thai – Thụy Kha ngồi trên đùi Nguyễn Cảnh mở miệng.
– Có liên quan gì đến em? – Nguyễn Cảnh biết rõ câu trả lời, hỏi cho có lệ, tay siết chặt quanh vòng eo nhỏ.
Thụy Kha dựa đầu vào vai Nguyễn Cảnh, hai tay mân mê ống tay áo vàng mà chỉ người trong hoàng tộc mới được mặc.
– Cậu hoàng biết em nói gì. Đừng giả vờ.
Nguyễn Cảnh gấp sách lại, dù gì có người đọc chung tốc độ cũng giảm đi nhiều lần, vốn là không được bao nhiêu.
– Em đã gặp cha ta rồi, chắc không bao lâu nữa là được gọi vào thôi.
Thụy Kha xoay mặt lại chỉ thấy nét buồn hắt đậm lên mặt Nguyễn Cảnh, vàng ủng vàng ôi. Nó vòng tay qua cổ người yêu, nói như thở vào tai.
– Cậu hoàng hiểu cho em. Bà hoàng đã chọn em vào cung, em không dám trái lệnh. Với lại chỉ ở trong hậu cung, em mới tìm ra kẻ đã giết chú mình.
– Ta hiểu – Nguyễn Cảnh hôn lên trán Thụy Kha – mà vì hiểu nên ta buồn. Hoàng nam là gì chứ. Cái uy trong cung là cái uy hờ. Đến người mình yêu còn giữ không được, phải dâng cho cha.
– Cậu hoàng đừng nói vậy. Sinh ra trong hoàng tộc, ăn sung mặc sướng đã là tốt hơn nhiều người. Có này mất kia, đến khi sắp chết rồi nhìn lại sẽ thấy ông trời công bằng lắm.
– Mở miệng ra là nói chết chóc.
Nguyễn Cảnh dựa đầu lên vai Thụy Kha, thở ra một hơi nặng nhọc. Hít ngửi mái tóc người đàn ông mình kề cận hơn tháng nay, Thụy Kha bỗng thấy lòng yên bình đến lạ, hệt như khi quấn cùng cha một chăn, uống chung một cốc trà nóng trong buổi sớm rét đậm ngoài Hà Bắc. Ký ức đánh đu, tiếng cười trong trẻo văng vẳng vọng về từ nơi thẳm sâu nào đó của vùng nhớ, khiến tim lành lạnh mà se lại. Ôm chặt cái cổ to cứng, vùi mặt vào đôi vai rộng chắc, tim chảy giọt như sáp nến. Ấm nóng đến đau lòng.
Sinh ra ngay tại lầu xanh, mấy tuổi đầu đã phải khom người còng lưng lau cả sảnh lớn, nhìn qua khe cửa thấy cha đang trần trụi oằn mình trong từng nhịp đưa đẩy với mấy người đàn ông khác, tức đến vắt khăn khô không còn giọt nước. Đến khi chú vào cung, cả hai cha con mới được ra ngoài, nhưng đi chợ vẫn nghe sau lưng xầm xì to nhỏ. Được ba năm chú mất trong cung, tro đưa về Hà Bắc cũng là lúc cha khốn đốn với nợ nần. Cha dắt tay đến nhà người lạ, trước lúc bỏ đi chảy một giọt nước mắt. Nước mắt trong veo nơi đuôi mắt đã hai đường nhăn.
– Ấm quá – cha cầm đôi bàn tay gầy nhỏ của con ép lên gò má xương xương của mình – có xa nhau cũng phải ấm hoài, con nhé...
Khóc đỏ cả mặt, đêm vắng cha lại khóc, nhưng hôm sau đã không khóc nữa. Ở nhà mới bị mẹ nuôi chèn ép, cũng không mở miệng than vãn với cha nuôi. Một buổi sớm trời rét đậm, nước giặt lạnh buốt vào xương tay, chạy vào nhà bếp lấy hòn than đỏ nắm vào, nhìn thấy ảo ảnh của một cốc trà nóng, tay lớn bao tay nhỏ, tay nhỏ cầm cốc trà, hai cha con uống chung. Lòng bàn tay bị phỏng, bây giờ nhìn lại còn vết mờ mờ.
Một năm trước, trưởng hoàng nam Nguyễn Cảnh đi ngao du khắp nước thăm thú dân tình, ngang qua Hà Bắc thấy cảnh đẹp, người đẹp nên nán lại. Sen Hà Bắc có tiếng, lúc Nguyễn Cảnh ghé qua là đương mùa, sen nở ngát từng ao. Giữa ao kia có cậu trai dáng người thanh nhã mặc áo dài nâu, đội nón lá chèo thuyền hái sen, bắt hồn ai giấu vào từng lớp lá. Bừng tỉnh khỏi giấc mộng ban ngày ngắn ngủi, Nguyễn Cảnh chợt nhớ ra một bức tranh y hệt ở cung cha, cũng nhớ ra một Nguyên phi lúc nào cũng cười thật hiền, kể cả khi hấp hối.
Nguyễn Cảnh ở lại Hà Bắc thêm một tháng thì bị ông hoàng gọi về, đành để lại lời hứa "sẽ trở lại rước em vào cung" ở ao sen kia. Nào ngờ một năm thân chinh dẹp loạn ở biên giới phía nam về lại thấy người em trai nhỏ ngày nào áo dài tha thướt vào cung làm vợ cha mình. Một tháng Thụy Kha học lễ giáo trong cung, cả hai ôn lại tình cũ, rốt cuộc chỉ dám gói tâm tư giấu vào đêm tối. Thi thoảng tối trời gặp nhau một chút, cũng chỉ dám ôm hôn, không dám đi đến hết đường, sợ gây tội lớn.
Tách khỏi môi Nguyễn Cảnh, Thụy Kha đứng dậy chỉnh lại áo dài. Đưa tay thắt nốt nút áo cuối cùng cho người yêu, Nguyễn Cảnh nói.
– Một tuần sau em hãy đến. Ta bận công chuyện cha giao.
– Dạ. Em chào cậu hoàng.
Thụy Kha choàng khăn hòa vào đêm, bước về cung Bạch Liên đã thấy tối hẳn hết các nhà. Đêm ở Nam Thành không lạnh như Hà Bắc, nhưng bước đi một mình cũng phải ép chặt khăn choàng vào thân. Hơi ấm kia chỉ là tạm thời, trông về đường xa lại thấy mình mình bước đi cô độc. Cậu hoàng yêu mình bằng trái tim nóng ran, nhưng lạnh kia đã thấu vào xương, vết thương nóng chảy mặt ngoài chỉ khiến bên trong như muốn vỡ.
Lúc nhìn lại lòng bàn tay phỏng rát, Thụy Kha đã tự nhủ mình, ta là Phan Kha, ta là Phan Kha. Họ Dương có tội với họ Phan, hoàng tộc cũng có tội với họ Phan, tất cả đều phải trả. Tiếng hét không ra âm, thoát từ trong lòng vút lên trời, lại từ đỉnh mây vọng xuống, xoáy vào điểm yếu mềm nhất của trái tim, đau nhức đến tái người.
– Cậu hoàng yêu em, kiếp sau em sẽ trả. Kiếp này, em trả chỉ có thù.
Bước đi nhè nhẹ, dáng xiêu vẹo đổ hết vào đêm. Thụy Kha mệt mỏi đóng lại cửa nhà, bất ngờ bị một bàn tay nắm chặt cửa chặn lại. Một giọng nói đồng hương vang lên lại khiến nó càng thêm sợ hãi, lạnh sau gáy buốt vào tận óc.
– Em Kha định đóng cửa ngủ sớm hôm nay sao?
Đôi mắt của Văn Duy sáng lên trong nền tối xanh tím, trông tinh nghịch quỷ quái khác hẳn vẻ thơ ngây ngày thường. Thụy Kha hoảng hồn, ngã ngửa về sau, hông va vào ghế gỗ đau điếng.
– Đừng la lớn. Đi đêm không sợ gặp ma, gặp tôi lại khiếp hãi làm gì? – Văn Duy luồn tay ra sau đóng cửa lại, nhà tối om nhìn không thấy mặt nhau, kỳ lạ là vẫn thấy đôi mắt kia sáng lên xoáy vào trong não – Hay em làm chuyện bậy sợ tôi hay?
Thụy Kha cố gắng trấn tĩnh, điều chỉnh âm giọng bình thường mới nói.
– Dạ, em không ngủ được nên đi bộ loanh quanh thôi ạ.
Nói dứt lời đã nghe tiếng cười lạnh ma mị trong đêm. Văn Duy cong môi đã khác ngày thường rất nhiều. Thụy Kha không phải chưa gặp qua những người quỷ kế đa đoan, nhưng thay mặt như trở bàn tay thế này thì hiếm ai làm được.
– Em tưởng tôi đui mù không thấy em rời cung Bạch Liên? Hay tưởng tôi ngu dốt không biết cung Bạch Long là của cậu hoàng Cảnh?
Bàn tay trên nền gạch đã run run. Hơi thở bắt đầu trở nên nặng nhọc; giọng nói cũng vì thế mà hơi nghẹn lại.
– Dạ em không dám.
– Một dạ hai thưa ba không dám, tôi thấy em còn muốn trèo lên đầu bà hoàng ngồi như chú em ngày xưa mới hả dạ.
Nói xong Văn Duy thong thả bước lại ghế ngồi, để Thụy Kha gục mặt ngồi dưới đất.
– Tôi theo dõi từ lâu đã biết hết thân phận và nguyên do em vào cung rồi. Cả mớ kế hoạch của em, tôi nhìn vào cũng đoán ra hết.
Lời Văn Duy là cây kéo cắt đứt sợi dây mỏng manh mà Thụy Kha đang đi thăng bằng trên đó. Kế hoạch chết non, tay bất giác sờ lên cổ.
– Em khoan lo chuyện đầu bay khỏi cổ. Tôi chưa báo lên bề trên để bắt gian tại trận là có nguyên do. Chỉ cần em giúp tôi làm vài chuyện, bảo đảm chuyện em làm không đến được tai ai. Ví như hôm nay, tôi đã bỏ thuốc ngủ vào trà của Đức tần, nó mới không thức mà canh em được.
Văn Duy tiến lại, đặt hai tay lên vai Thụy Kha. Cơn lạnh từ vai truyền lên, lại thêm một trận nhức đầu.
– Thằng khốn đó tưởng nó được phong tần sớm, còn em nó có thai thì nó đứng đầu cung Bạch Liên được. – nhắc tới người mình ghét vẫn có thể mở miệng tươi cười, khả năng này không phải ai cũng có – Cái miệng nó, tôi phải nhờ em trị.
Biết tình hình không cho phép mình lựa chọn, Thụy Kha gật đầu.
– Cậu tần cứ nói.
– Ông hoàng đưa Trịnh Khang sang cung An Bình, giờ nó thành Khang phi, tôi không dễ dàng tiếp cận được. Nhưng em có gương mặt giống Nguyên phi ngày xưa, nói ngọt với ông hoàng mấy lời là xong. Diễn thế nào chắc em không cần tôi nói.
– Cậu tần định...?
– Đừng nhìn tôi bằng ánh mắt đó. – Văn Duy kéo Thụy Kha đứng dậy, lại từ tốn phủi bụi vạt áo dài phía sau cho nó – Em muốn trả thù thì trước sau gì cũng phải làm mấy chuyện này. Thai của Khang phi còn chưa lớn, em giúp nó bỏ đi đỡ phải đi lại nặng nhọc sau này là làm phước chứ không hại nó đâu.
Nói rồi Văn Duy đứng dậy bước đến gần cửa. Thụy Kha cầm ống sứ nhỏ bằng đốt ngón tay út, nuốt xuống một ngụm.
– Em làm thế nào tùy em. Thời hạn là một tháng. Cấm không được nói với anh tôi. Tôi là người có nốt ruồi ở dưới mắt trái, em sau này dựa vào đấy phân biệt.
Tay đẩy nhẹ cánh cửa, Văn Duy hạ giọng.
– Hãy nhớ, em làm chuyện này thất bại chỉ mình em chết; em mà không làm thì không những em mà cậu hoàng Cảnh cũng sẽ bị liên lụy. Có ít tình thì cũng nhiều nghĩa, chắc trong kế hoạch của em không có chuyện hại cậu hoàng, đúng không?
Văn Duy đi khỏi, Thụy Kha mới ngồi lên ghế, thở ra một hơi rồi hít lấy hít để không khí, cảm thấy buồng phổi mình như bị nghẽn. Tay run run sờ lên bàn cầm chắc ống sứ, tim vẫn còn đang đập liên hồi.
Thụy Kha nhắm mắt lại, ngồi qua một khắc thì thấy nhịp thở mình dần trở lại lại đều đặn. Mở mắt ra, một tia sáng lướt qua đầu. Xoay xoay ống sứ trong lòng bàn tay mà suy tính, đến khi trời mờ sáng vẫn còn ngồi nguyên chỗ cũ.
Thụy Kha ra ngoài tắm, trở lại nhà lau khô tóc rồi đi ra ngoài thì thấy một đoàn người đang tiến về phía nhà Trịnh Khang. Lê Hiên từ nhà kế bên bước lại gần giải thích.
– Mấy người họ đến mang đồ của Khang phi sang cung An Bình.
Thụy Kha chỉ ừ nhẹ. Lúc rương cuối cùng đi ra ngoài, cả hai thấy Trịnh Đức đang thong dong bước lại gần.
– Em chào cậu tần.
Đồng thanh xong thấy người kia gật gật đầu, cười đắc ý.
– Nguyên phi được ông hoàng thương yêu rất nhiều, nhưng đã mất cách đây nhiều năm. Chỉ một gương mặt gợi nhắc mấy ký ức nguội lạnh chắc không bằng tình nóng một năm nay rồi.
– Cậu tần dạy phải ạ.
Thấy Thụy Kha không phản ứng gì, Trịnh Đức mất hứng quay người bỏ đi. Thụy Kha nhíu mày nhìn theo dáng Trịnh Đức đi vào nhà lớn mới cười lạnh bỏ lại vào trong nhà mình. Lê Hiên nhìn qua, tự nhiên thấy sợ người anh này lần đầu tiên từ khi gặp mặt. Nghĩ Thụy Kha không vui, Lê Hiên nối gót vào bên trong, định bụng có lời an ủi.
Lê Hiên bước vào thấy Thụy Kha đang chải đầu. Tóc vừa khô chưa bao lâu vẫn còn rối, nét lược trúc trắc từng đoạn, người kia cũng không có vẻ gì là quan tâm. Lê Hiên không dám lại gần, nhưng liếc thấy gương của Thụy Kha bị lệch, bèn kiếm cớ tiến lên chỉnh lại.
– Em có gì nói đi. Tôi đang nghe.
Lúng túng một hồi, Lê Hiên mới dè dặt, nén giọng xuống mà thưa.
– Anh đừng giận em, em nói không lại Đức tần, không thể bênh vực cho anh. Nhưng em nghĩ Đức tần cũng chỉ nói cho sướng miệng thế thôi, không phải có ý xấu với anh đâu.
Thụy Kha lưng đối với Lê Hiên, đảo mắt một vòng suy nghĩ thật nhanh. Cứ để đứa trẻ này nghĩ sai hướng đi vậy.
– Đức tần nhắc chuyện chú tôi đã mất nên tôi buồn thôi. Tôi không giận Đức tần cũng không giận em.
– Cảm ơn anh.
Nghe tiếng Lê Hiên lí nhí sau lưng, Thụy Kha bật cười quay lại, vỗ vai đứa nhỏ.
– Không cần mở miệng ra là xin lỗi với cảm ơn. Chúng ta là anh em.
Lê Hiên nghe hai chữ "anh em" đã cười ra tiếng. Giọng Lê Hiên không trong và cao như Thụy Kha mà lại hơi trầm khàn, được chỗ mỏng và nhẹ nên nghe vẫn thuận tai. Thụy Kha nhìn lên mới thấy nụ cười của nó rất sáng, sáng hơn cả của chính mình. Thụy Kha giống Phan Nguyên nhiều phần, phần không giống lại chính là thần thái của nụ cười, trong khi đứa trẻ này dù khuôn miệng hơi khác nhưng khi cười lại cho người đối diện cảm giác tương tự vị Nguyên phi ngày nào. Chính là cảm giác an tĩnh như mùa thu ở một làng sen nhỏ. Hiền như gỗ, như đất, như ao sen qua mùa hoa nở, như nắng nhạt hắt lên chiếc nón lá rộng vành để quên nơi thềm nhà.
Sen Hà Bắc mùa hạ nở ngát ao, ẩn đi nét cười duyên của người con trai mới lớn da trắng môi hồng; hương sen tới mũi, cảnh sen vào mắt là chân đi còn lòng ở lại. Ao sen vùng ngoại Nam Thành mùa hạ chỉ nở vài bông, nhưng thơm thoang thoảng dìu dịu đến tận cuối thu; lòng người như được vẩy lên dòng nước ngọt mát, thầm muốn khoảnh khắc thư thái này kéo dài mãi mãi.
Dẫu sen Hà Bắc hay sen Nam Thành thì đều có bóng áo dài của một người con trai. Dáng thanh mảnh mà không yếu mềm, khuôn ngực trẻ phập phồng sau tà áo, da trơn sạch như lá sen, hơi thở lại thơm hương sen đầu mùa, một đôi guốc mộc đi từ đời thật vào cơn mơ của người khách phương xa. Nét đẹp ấy như làn khói lờn vờn trong tâm trí, xua hoài không hết, nghĩ tới lại thấy con tim tê dại như bàn tay ai tinh nghịch xoa vào.
Nhưng nét đẹp chỉ là một khoảnh khắc. Có khoảnh khắc bị đóng khung, treo trên tường cung Hoàng Long, ám ảnh ông hoàng từng đêm mộng mị. Có khoảnh khắc bỏ lại ao sen nhỏ vùng ngoại Nam Thành, trở thành nhớ thương của người đàn bà xa con chưa quen thói. Có khoảnh khắc rơi xuống chạm đáy bùn một ao sen Hà Bắc, là vấn vương của một cậu hoàng trong cung, cũng là hoài niệm xám mờ trong đáy lòng một người con trai trẻ.
Gió thổi hương sen bay đi, phất phơ tà áo. Ảo ảnh mờ nhòe, lại thấy những bức tường xám nâu cao cao cùng mấy lối đi lát đá.
Nuốt ngược tiếng thở dài.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top