Phần XII
[WALL OF TEXT]
#Sông_Ái_Nha #KCCSAN #P12
Con mèo ở căn hộ 305 trong khu chung cư Sông Ái Nha vừa mới ch.ết.
.
Chủ căn hộ 305 ấy là một bà già không mấy ai ưa.
Nhân viên xã hội từng đến đây rất nhiều lần để khuyên bà Kim dọn đống rác ụ ngoài cửa với lối ra vào hành lang. Cứ mấy tháng là lại có phóng viên của một đài truyền hình nhỏ tại địa phương đến ghi hình. Các chuyên gia cũng đã phổ cập rất nhiều lần về chứng ám ảnh tích trữ này, sau cùng vẫn đưa ra cái kết luận y như buổi đầu: Con cái nên về nhà thăm cha mẹ nhiều hơn.
Rác càng ngày càng chất đống, trong căn hộ cũ này nồng nặc một mùi hôi khó tả, đã vậy, thỉnh thoảng chủ căn hộ này lại cãi vã với hàng xóm vì việc họ không chịu đựng được nữa, tự ý dọn đống rác ngoài hành lang.
Tên đầy đủ của bà Kim là Kim Ngọc Tử, tuy hiện giờ toàn bị mọi người gọi là "Bà nhặt rác". Chẳng ai thích một bà già bốc mùi hôi cả, bọn trẻ con trong toà nhà cũng ghét bà ta cực, cứ tan học là chúng nó lại chạy đến phòng 305 để ấn chuông cửa liên hồi sau đó chạy đi mất, có khi còn bê đống thùng carton bỏ đi vứt ngoài hành lang kia lại đặt ngay trước cửa phòng 305.
.
Kim Ngọc Tử gặp Tiểu Thuỵ ngoài cửa căn hộ 305 vào hôm thứ Sáu.
Cứ thứ Sáu là trường Tiểu học sẽ cho học sinh về sớm hơn mọi khi, radar trong đầu Kim Ngọc Tử bảo với bà ta rằng, á à lại một đứa nghiệp chướng định ăn trộm rác của mình đây mà.
Bà ta lao ra khỏi cửa, la mắng ầm ĩ. Sau đó bà ta trông thấy một con bé gầy đét như kiểu có mỗi da bọc xương đang đứng ngoài cửa, tay phe phẩy cái chổi con. Con bé đeo khẩu trang, nhưng không phải khẩu trang cỡ thường thấy, mặt lại bé tí nên trông cứ như một cái mặt nạ phòng độc thì đúng hơn.
Bởi đứa nhóc này còi quá thể, nên Kim Ngọc Tử im miệng, chẳng rằng gì nữa. Nom con bé không khác gì một bộ xương khô, mình doạ một cái, có khi tan tành luôn ấy chứ.
Giọng con bé ồm ồm sau lớp khẩu trang: Con có hoạt động ngoại khoá...
Lúc này đây, ba mẹ của con bé đang đứng cạnh đấy cũng vội chạy lại: Dạ cháu làm phiền bà ạ, trường của con gái cháu yêu cầu phải làm hoạt động công ích quét dọn hành lang. Nếu bà không ngại...
Kim Ngọc Tử không kiên nhẫn, bà ta vung tay: Cút đi!
Bấy giờ, một bóng xám có bộ lông mượt mà len ra khe cửa, nhìn khung cảnh ồn ã phía ngoài bằng ánh mắt tò mò. Con bé ngồi xổm xuống, giọng hào hứng: Mèo con!
Một giây sau, người lớn của cả hai nhà đều khẽ cất giọng gọi, xông lên tách đứa bé và con mèo kia ra.
.
Kim Ngọc Tử nuôi một con mèo.
Bà ta nuôi mèo từ lâu lắm rồi, đặt tên Khang Khang. Nó được nhặt ở đâu đó ngoài kia, đến nay vẫn luôn theo chân bà ta. Lúc ra khỏi cửa, Khang Khang sẽ ngoan ngoãn bò trên vai bà ta, hoặc lọt thõm trong cái xe kéo mua đồ ăn.
Sau hôm đó, Tiểu Thuỵ thường lấm la lấm lét nhìn cửa phòng 305, con bé muốn xem bé mèo kia, mặc dù ba mẹ không đồng ý. Đường hô hấp của Tiểu Thuỵ bị dị dạng bẩm sinh, cả đời không thể tiếp xúc với những thứ có lông xù.
Ở nước ngoài có chỗ sản xuất mấy món đồ chơi dạng lông cho trẻ em mắc bệnh hô hấp, giá đắt cực. Mẹ Tiểu Thuỵ bỏ cả đống tiền ra để mua trọn bộ, nhưng dù vậy, con trẻ vẫn thích một bé mèo con còn sống hơn.
Con bé chờ mãi mới thấy Kim Ngọc Tử dẫn mèo ra khỏi cửa, thế là chạy lại vuốt mèo. Kim Ngọc Tử chửi nó: Mày làm gì thế hả?
Nhưng Khang Khang cứ nằm im để Tiểu Thuỵ vuốt lông, chẳng tránh né gì, chứ trước giờ nó không chịu để ai ngoài Kim Ngọc Tử vuốt lông nó đâu.
Tiểu Thuỵ: Tuần này con lại có bài tập làm hoạt động công ích, con có thể qua nhà bà dọn vệ sinh không ạ?
Kim Ngọc Tử định từ chối thẳng thừng, nhưng lại nhìn thấy Khang Khang lăn tròn, ra vẻ sung sướng khi được Tiểu Thuỵ vuốt ve.
Bà ta mềm lòng, nói: Mày quét đại vài ba nhát ngay ngoài cửa thôi.
Tiểu Thuỵ vẫn luôn đeo cái mặt nạ kia, nên cũng chẳng ngửi thấy mùi hôi trên người bà ta. Ở trong trường, Tiểu Thuỵ bị gọi là đồ ho lao, con bé không được tham gia bất kỳ hoạt động nào.
Tính ra, nhà con bé vốn ở một thành phố khác, nhưng vì chữa bệnh cho con nên chuyển đến thành phố A, bởi ở đây có trình độ y học tốt hơn.
Thành phố này cũng là quê hương của mẹ Tiểu Thuỵ, con bé chẳng rõ những chuyện đời của thế hệ trước, nghe mẹ con bé nói, gì mà "nhà cha để lại". Tiểu Thuỵ nghe mấy lần mới rõ, "cha" chắc là ông ngoại của nó.
Mẹ Tiểu Thuỵ vừa dọn về tầng 7 trong chung cư Sông Ái Nha là vội sang từng nhà chào hỏi, bởi trong toà nhà có rất nhiều đồng nghiệp cũ khi xưa của cha. Việc dọn nhà, nhập học bạ khiến người lớn sứt đầu mẻ trán, không thể trông chừng con gái từng phút từng giây được.
Con bé lại bước xuống căn hộ 305, nó phát hiện đống rác đặt ngay ngoài lối ra vào hành lang đã bị dọn đi đâu một ít. Bà Kim đang cầm chổi quét rác chỗ cửa nhà: Bà sợ mày bị mấy thùng ấy đè ch.ết!
Tiểu Thuỵ chạy lại quét cùng, được mấy nhát chổi đã đòi chơi với mèo.
Kim Ngọc Tử ôm Khang Khang ra cửa, đưa cho con bé vuốt ve. Tiểu Thuỵ hỏi: Sao lại gọi Khang Khang vậy bà?
Kim Ngọc Tử: Nó là con trai của bà, con trai của bà tên là Khang Khang.
Trong nhà 305 cũng chất đầy thùng giấy và đồ dùng cũ. Có mỗi cái bàn trang điểm sạch sẽ tí, nhưng nhìn sờn lắm, hiển hiện nét mờ ảo thời xa xưa.
Có mấy khung ảnh đặt trên bàn trang điểm. Trong đó có một tấm hình chụp trẻ con.
Tiểu Thuỵ: Ai vậy bà?
Kim Ngọc Tử: Đây là Khang Khang, con trai của bà.
Tiểu Thuỵ: Woah, vậy chú ấy đâu rồi ạ?
Bà Kim: Nó ch.ết rồi, ch.ết hồi lớn được vậy đấy.
Hồi đó bà Kim có một đứa con trai, nhưng ch.ết rồi. Vừa ra đời đã mắc bệnh hiểm nghèo, bỏ cả đống tiền ra để chữa, đi cầu biết bao nhiêu chùa miếu nhưng chẳng được ích gì, lúc ch.ết còn chưa tròn ba tuổi.
Tiểu Thuỵ ngẫm nghĩ: Bác sĩ cũng nói với ba mẹ con, bảo chẳng mấy nữa con sẽ ch.ết đó bà.
Kim Ngọc Tử túm gáy con bé: Vớ vẩn, mau nói phủi phui đi!
Tiểu Thuỵ: Thật mà bà. Ba mẹ với bác sĩ đứng ngoài cửa nói chuyện, tưởng con không nghe thấy...
Tiểu Thuỵ bị bà Kim mắng một chập, còn bị đẩy ra khỏi cửa, quay qua lại gặp phải mấy đứa học chung lớp chuyên thói gây sự. Đám nhóc gào "Đồ ho lao hợp tác với Bà lượm rác", sau đó xịt chai Cocacola bị lắc sủi bọt về phía Tiểu Thuỵ và phòng 305.
Tiểu Thuỵ hét to, vội chạy trốn. Bà Kim cầm chổi xông ra, vung trước mặt bọn nhóc. Que gỗ trên bàn chổi xẹt qua khoé mắt của một con bé trong đám, nó hét lên, inh tai nhức óc hơn cả Tiểu Thuỵ, sau đó chạy xuống dưới lầu.
.
Công an tiến hành hoà giải một lúc lâu thì phụ huynh của con bé bị thương khoé mắt kia mới thôi. Ba mẹ Tiểu Thuỵ hãi hùng khôn nguôi, cả hai vội dẫn con gái về nhà, dặn con đừng xuống đấy chơi nữa.
Hàng xóm, đồng thời là đồng nghiệp cũ của ông ngoại nhà Tiểu Thuỵ nghe được chuyện này, ông ấy cố ý đến nhắc nhở mẹ con bé: Chú bảo này Mộng Mộng, Tiểu Thuỵ không được khoẻ mạnh như con người ta, cháu đừng cho nó đi xuống tầng 3, ở đó toàn ụ rác ngoài hành lang không.
Ông cụ: Đầu óc của bà ấy cũng chẳng được bình thường, chồng con qua đời hết cả, nặng vết thương lòng nên cứ điên điên khùng khùng.
Ông cụ: Bà ấy không chịu nghe ai, bên phường cũng có tình nguyện viên chăm lo cho người già neo đơn cả đấy, nhưng bà ấy chửi rồi đuổi người ta đi.
Mẹ Tiểu Thuỵ: Sao con chạy xuống đó vậy Tiểu Thuỵ?
Tiểu Thuỵ không dám nói vì mèo, con bé nói tại có bài tập.
Ông cụ hàng xóm mỉm cười, xoa đầu Tiểu Thuỵ: Quét rác thôi mà, sang nhà ông quét cũng được đó, nhà ông chẳng có ai quét cả.
Ông cụ: Mà hồi còn trẻ, bà Kim là người có tiếng trong xưởng bông đấy, toàn gọi Tây Thi Bông.
Kim Ngọc Tử hồi trẻ nổi bần bật ấy chứ, người xinh, hát lại còn hay, tổ sản xuất tơ lụa có "Năm đoá hoa bông", cả năm cô đều sắc nước hương trời, nhưng bà Kim xếp mâm đầu tiên.
Kim Ngọc Tử còn lấy được anh chồng xịn, giáo viên Tiểu học đàng hoàng, viết bút máy đẹp cực, tính tình lại dịu dàng lễ độ, đã vậy còn biết chơi violon. Hình ảnh Kim Ngọc Tử và chồng cùng đàn hát một bài tiếng Nga tại Đêm hội Văn hoá Công nhân từng trở thành biểu tượng cho tình vợ chồng sâu nặng trong lòng của những cô cậu công nhân trẻ tuổi có mặt lúc bấy giờ.
Sau này, con trai ra đời.
Vừa lọt lòng đã vô cùng yếu ớt, o oe vài tiếng rồi chẳng khóc nữa, tưởng như chẳng hơi sức để gào khóc gọi cha mẹ.
Mặt trắng bệch, tím bầm, lạnh toát. Y tá ôm thằng bé lại chỗ bác sĩ để xem tình hình, xác định bị hở van hai lá bẩm sinh. Đứa bé này, vừa nhìn bề ngoài là đã biết "không nuôi sống được".
.
Tiểu Thuỵ đang nằm ngủ, bỗng lại nghe thấy tiếng động ngoài cửa sổ.
Lúc con bé ngủ sẽ đeo máy trợ thở oxy. Loại máy này sẽ tạo ra tiếng ồn ù ù mỗi khi hoạt động, bởi vậy con bé chẳng được ngủ ngon bao giờ.
Bé mèo xám Khang Khang ngồi ngoan ngoãn ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng lại giơ vuốt cào ô cửa. Tiểu Thuỵ vội tháo máy thở ra, đeo khẩu trang vào xong mở của sổ vuốt ve Khang Khang. Chơi được một hồi, Khang Khang dọc theo ven tường, trở về tầng 3.
Kim Ngọc Tử trở về nhà sau chuyến gom rác, bà ta lượm được một bức tượng Quan Âm bị người ta bỏ. Bà ta lau sạch bức tượng gỗ, lôi cồn ra lau đàng hoàng, đợi lát nữa Tiểu Thuỵ xuống đây, bà ta sẽ bảo con bé lạy tượng Quan Âm.
Tiểu Thuỵ: Cô giáo nói vậy là mê tín đó.
Kim Ngọc Tử: Cô giáo mày mới nhiêu tuổi? Mày cứ lạy đi, Bồ Tát sẽ phù hộ cho người tốt.
Tiểu Thuỵ đành phải cúi người lạy một cái, Kim Ngọc Tử quỳ xuống dập đầu. Năm ấy Khang Khang mắc bệnh nặng, chẳng gì có thể chữa khỏi cả, bà ta chỉ có thể ôm con đi lạy Bồ Tát.
Kim Ngọc Tử bảo Tiểu Thuỵ: Bây giờ cuộc sống đủ đầy, con nít con nôi bị bệnh gì cũng chữa được hết. Mày sẽ khỏi thôi.
Tiểu Thuỵ: Con sẽ khỏi ạ? Con không muốn đeo mặt nạ đi ngủ nữa đâu.
Tiểu Thuỵ: Hồi trước bác sĩ cũng nói với bà là con của bà có thể khỏi sao?
Kim Ngọc Tử: Không có nói, hồi đó điều kiện y tế trong nước không thể thực hiện ca phẫu thuật lớn, bác sĩ nói thật với bà, bảo không chữa được.
Kim Ngọc Tử còn nhớ khoảnh khắc mà mình nghe thấy câu nói thẳng nói thật đó khi đứng trong văn phòng của bác sĩ. Cô Tây Thi Bông năm nào bạc trắng mái đầu, trông như một con sư tử cái tuyệt vọng khốn cùng, cứ nắm lấy tay áo của bác sĩ rồi kêu gào.
Bà ta không biết mình có thể làm gì khi bác sĩ bảo bà ta rằng, con của chị không thể sống được nữa, thằng bé sẽ ch.ết. Dù cha mẹ có thương yêu nó cỡ nào đi nữa thì cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn nó bước về phía tử vong.
Vào giây phút hấp hối cuối đời của Khang Khang, bà ta ôm thằng bé, chạy ra khỏi cổng bệnh viện, vọt vào trong miếu, liên tục dập đầu cầu xin tượng phật trên cao. Mặt bà ta lạnh tanh, cứ thế dập đầu trên nền đá, bụng nghĩ cứ dập ch.ết luôn cho rồi, một mạng đổi lấy một mạng.
Nửa cuộc đời của bà ta là những gì tươi đẹp, êm đềm chẳng một lỗi lầm, bà ta cởi tấm áo công nhân, khoác lên mình trang phục biểu diễn mới may, sáng soi cả nhà văn hoá. Về sau, bà ta và chồng bắt đầu đi nhặt rác sau giờ làm để có thêm tiền chi tiêu và trả món nợ đã vay để chữa bệnh cho con. Dây thanh của Kim Ngọc Tử khàn đi vì khóc lóc quá nhiều, Tiểu Thuỵ nghe nói ngày xưa bà ta hát hay lắm nên muốn nghe thử, bà ta chỉ có thể ngân Ca-chiu-sa bằng giọng hát khô khốc, tàn tạ.
Hoa lê nở khắp vùng trời, tấm lụa mỏng bay lượn phủ mặt sông.
Kim Ngọc Tử nghĩ, nếu biết con mình không thể cứu sống, bà ta sẽ dùng tấm lụa mỏng này để đưa tiễn nó ngay khi chào đời. Ngay khi nó còn chưa có linh hồn, ngay khi mình còn có thể ra tay tàn độc. Cuộc đời ngắn ngủi ba năm của Khang Khang bắt đầu từ việc cố vùng vẫy trong yếu ớt để rồi ch.ết đi, lúc ch.ết trông chẳng khác gì một khúc củi khô, một bộ xương con tí.
Chồng bà cũng trải qua ba năm đau thương ấy, một khoảng thời gian sau khi đứa bé mất, ông ấy cũng ra đi bởi chảy máu não, lúc qua đời cũng chưa được ba mươi.
Tiểu Thuỵ chơi quên thời gian, ngủ thiếp ở phòng 305 lúc nào chẳng hay. Lúc con bé tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong một vòng tay ấm áp, Kim Ngọc Tử ôm lấy Tiểu Thuỵ bằng tất cả dịu dàng, khe khẽ vuốt tóc mai của con bé.
Kim Ngọc Tử đưa Tiểu Thuỵ lên nhà nó trên tầng 7, còn giúp con bé vỗ quần áo trên người cho sạch, đỡ dính lông mèo.
Ngay lúc này, cánh cửa mở ra, Lưu Hiểu Mộng - mẹ của Tiểu Thuỵ mở cửa, chị ta biết con gái mình đã trở về.
.
Lưu Hiểu Mộng mời Kim Ngọc Tử vào nhà ngồi, bởi nhắc khách tới chơi phải đổi giày, cộng với việc xịt dung dịch khử trùng lên người đối phương nên chị ta cảm thấy rất áy náy.
Kim Ngọc Tử: Vì con cả mà.
Lưu Hiểu Mộng: Đường hô hấp của Tiểu Thuỵ yếu lắm, phải đeo cái mặt nạ đó suốt.
Lưu Hiểu Mộng: Con bé cứ lên chỗ bà như vậy có phiền lắm không ạ?
Kim Ngọc Tử lắc đầu, nói con bé ngoan lắm.
Tiểu Thuỵ nằm say giấc trong phòng, tiếng hoạt động của máy trợ thở dội ra ngoài phòng khách. Kim Ngọc Tử nhắc đến con trai Khang Khang của mình: Mấy đứa chăm một đứa bé ốm yếu lớn được thế này cũng chẳng phải việc dễ dàng.
Lưu Hiểu Mộng: Lúc trước cha mẹ cháu cũng chăm cháu vậy thôi. Hồi cháu còn nhỏ cũng bệnh suốt.
Lúc đó y tế chưa phát triển nhiều, chất lượng cuộc sống cũng có hạn, việc nuôi một đứa bé mắc bệnh bẩm sinh vô cùng khó khăn.
Nhưng cha mẹ của Lưu Hiểu Mộng vẫn kiên trì chăm sóc chị ta, lương tháng có hơn 200 đồng, mua hộp sữa bột dành riêng cho trẻ mắc bệnh đã mất 50, 60 đồng, đã vậy một tháng phải uống ba hộp mới đủ.
Sau này Lưu Hiểu Mộng có con, đứa bé cũng không khoẻ mạnh. Đôi lúc chị ta ôm Tiểu Thuỵ ru con bé ngủ, chị ta nghĩ phải chăng mình không nên sinh con, người như chị ta chắc chẳng thể sinh được một đứa bé khoẻ mạnh.
Lưu Hiểu Mộng cảm ơn Kim Ngọc Tử vì đã chơi với con bé, nhưng chị ta cũng lo nghĩ về môi trường ở đó: Chúng cháu mong con bé có thể có được một nơi mà con bé muốn đi, nhưng, cháu là mẹ, cháu biết yêu cầu của mình rất ích kỷ, nhưng dưới phòng 305... Mấy món đồ không dùng được ấy...
Kim Ngọc Tử trở về nhà, hiếm lắm mới thấy bà ta dọn dẹp đồ đạc.
Năm ấy, vì chữa bệnh cho Khang Khang cũng như kiếm tiền trang trải cuộc sống, bà ta và chồng bắt đầu đi nhặt rác sau mỗi giờ làm. Bây giờ bà ta dọn từng chút, từng chút rác ra ngoài, căn nhà lại trở về dáng vẻ vốn có của nó.
Người chồng thích văn nghệ chọn gỗ lát sàn sẫm màu, đồ gia dụng mang sắc tím nâu. Trong nhà còn có một chiếc tủ xinh đẹp để treo những món trang phục biểu diễn lộng lẫy của người vợ trẻ, một ngăn tủ gỗ lim nho nhỏ để cất chiếc đàn accordion của chồng.
Còn có một thiết bị bán dẫn cũ mèm, to bằng rương đựng đồ. Một cuộn băng từ xước tung toé đã mất tiếng, bên trong ghi lại bản Ca-chiu-sa mà hai vợ chồng cùng đàn, cùng hát.
Kim Ngọc Tử vừa dọn vừa khóc, trong mắt mọi người thì đấy chỉ là một bà già xấu xí co quắp đang khóc lóc, đang cố quét dọn vệ sinh, nhìn đầy vẻ khôi hài.
.
Sau khi dọn dẹp đống rác bỏ đi, đồ đạc chất đống không có chỗ để, tình nguyện viên bên phường phải mất mấy ngày mới dọn xong. Kim Ngọc Tử ngồi phụ một tay, cậu tình nguyện viên tốt tính lắm: Bà ra vựa thu gom với tụi cháu đi, mấy thứ này tái chế được hết, có thể đổi được vài đồng mua rau mua cỏ.
Bà ta bước lên xe vận chuyển. Tiểu Thuỵ và Khang Khang đang ngồi chơi trong nhà, Lưu Hiểu Mộng yêu cầu con bé mặc cả bộ quần áo phòng hộ kín mít, trông như một người tuyết màu xanh.
Mất khoảng nửa tiếng mới đến vựa thu gom, khi họ quay trở về chung cư thì thấy một chiếc xe cứu hoả sơn màu đỏ tươi đậu dưới sân.
Có mấy đứa nhóc tan học về, ghé qua phòng 305 để bày trò nghịch ngợm, chẳng biết đứa nào lại lôi bật lửa ra để đốt mấy thùng giấy còn chưa kịp dọn. Ngọn lửa men theo thùng giấy, len vào cánh cửa, trong phòng chỉ có Khang Khang và Tiểu Thuỵ.
.
Tiểu Thuỵ được đưa lên xe cứu thương.
Lưu Hiểu Mộng gào khóc khản cổ, chị ta điên dại, chỉ tay vào đám người đứng vây xem, người phụ nữ gầy gò, nhã nhặn thường ngày nay lại đầu bù tóc rối chẳng khác gì ma quỷ: Các người sẽ gặp báo ứng! Các người... Tôi sẽ không buông tha một ai cả...
Chồng Lưu Hiểu Mộng cố gắng an ủi vợ, cả hai bước lên chiếc xe cứu thương lao nhanh về phía bệnh viện.
Kim Ngọc Tử ôm lấy Khang Khang, lảo đảo chạy đến một bệnh viện thú y gần nhất.
Khang Khang đã bắt đầu thở không ra hơi, trào bọt mép. Kim Ngọc Tử quỳ xuống ngay chỗ đăng ký khám bệnh: Cứu Khang Khang, tôi xin các người cứu lấy Khang Khang...
Chẳng thể cứu sống Khang Khang.
Kim Ngọc Tử trông thấy bác sĩ lắc đầu. Bà ta nhớ đến hôm nhặt được Khang Khang, ấy là hôm giỗ của con trai, chẳng nhớ năm nào, bà ta đi viếng mộ chồng và con trai, rồi trông thấy một con mèo bé xíu có bộ lông xám đang co ro trong góc tấm bia. Nó lao về phía bà ta, cạ đầu vào đầu gối của bà ta.
Khang Khang cũng từng dựa vào người mẹ như vậy.
Lưu Hiểu Mộng đứng ngoài phòng cấp cứu, chị ta quỳ ngay cửa ra vào. Người chồng khẽ giọng an ủi: Không phải lỗi của em, không phải lỗi của em.
Lưu Hiểu Mộng thầm thì, chị ta nói, là lỗi của em.
Mẹ sai rồi, mẹ vô dụng quá, mẹ không thể sinh con với hình hài khoẻ mạnh...
Bác sĩ lấy tờ giấy báo bệnh nguy kịch, mời người thân ký tên, chuẩn bị tâm lý. Lưu Hiểu Mộng khóc hét, túm lấy bác sĩ, y như Kim Ngọc Tử năm xưa.
Bác sĩ muốn tôi làm gì cũng được, bác sĩ cứu con tôi với, muốn đổi mạng của tôi cũng được.
Kim Ngọc Tử lấy tấm khăn quấn quanh người Khang Khang, ôm nó về nhà.
Mèo xám nằm gọn trong vòng tay của bà ta, trông như một đứa bé đang ngủ say.
Nó vẫn còn hơi thở cuối, dù rằng chỉ là hấp hối.
Kim Ngọc Tử ôm lấy nó, quỳ trước bức tượng Quan Âm được nhặt về. Tựa như năm ấy, Kim Ngọc Tử ôm con mình, dập đầu lạy thần linh hết lần này đến lần khác.
Kim Ngọc Tử nói, con sắp phải đi rồi đúng không Khang Khang?
Kim Ngọc Tử: Con đi đi, con đi trước đi. Nhưng con phải giúp mẹ một việc.
Kim Ngọc Tử khẽ vuốt tai Khang Khang: Mẹ cho con đi. Con đi rồi thì phải đổi mạng đấy, con phải dẫn đứa bé kia trở về.
Kim Ngọc Tử: Con phải cho đứa bé kia trở về, về với mẹ của con bé.
Khang Khang ra đi trong vòng tay của bà ta.
Ngoài phòng ICU, Lưu Hiểu Mộng vốn đang co ro nằm trên ghế để chờ đợi kết quả bỗng giật mình tỉnh dậy.
Chị ta nghe thấy một tiếng mèo kêu.
.
Con bé nằm mơ.
Tiểu Thuỵ mơ thấy mình đang đi giữa bóng đêm thì gặp được Khang Khang, có một cậu bé chẳng rõ mặt mày đứng cạnh Khang Khang.
Một người, một mèo cứ đi về phía trước, con bé bước theo chân họ. Vừa đi đến nơi đây thì họ chợt biến mất, Tiểu Thuỵ rơi xuống dưới, rơi xuống một nơi ấm áp, dịu êm.
Con bé mở mắt, thấy mình đang nằm trong vòng tay mẹ.
___________
Truyện: Tuyển tập những vụ án bí ẩn trong khu chung cư Sông Ái Nha - Phần Mèo ba đầu
Tác giả: 扶他柠檬茶
Ảnh: 喵呜不停
Dịch: Linh Lung Tháp
Dịch và đăng tải với sự đồng ý của tác giả.
________________
Khang Khang dẫn Tiểu Thụy về xong cũng phải trở về nhà với mẹ đấy. ❤️
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top