Phần XI
[WALL OF TEXT]
#Sông_Ái_Nha #KCCSAN #P11
Căn hộ 505 trong khu chung cư Sông Ái Nha lại vang lên tiếng mắng chửi.
Bà cụ Kiều sống trong phòng 505 cao tuổi lắm rồi, ngày thường được cô con gái Lý Phân Phương chăm sóc.
Giờ ai ở đây cũng biết cái tính điêu ngoa, hách dịch của Lý Phân Phương. Hồi chị ta còn nhỏ, sống trong khu chung cư Sông Ái Nha này thì ra vẻ là một cô bé ít nói, ngoan ngoãn, nghe lời. Sẽ xách làn đi chợ giúp mẹ, sẽ nhặt rau giúp mẹ, đã vậy lại còn chia sẻ việc nhà, nấu cơm với mẹ nữa. Thậm chí ngay từ khi còn rất nhỏ, Lý Phân Phương đã có thể tự ôm thau quần áo ra ngoài ban công, cầm lấy gậy phơi quần áo lên cao cho khô. Nhưng hình như đây chỉ là những việc mà một đứa con gái nên học từ khi còn nhỏ, bởi vậy cũng không có gì to tát cả.
Sau này Lý Phân Phương lấy chồng, chẳng mấy khi về lại Sông Ái Nha nữa, chỉ mỗi tối Tất niên dắt con về ăn một bữa rồi thôi.
Cứ thế cho đến năm ngoái, bà cụ Kiều phải làm phẫu thuật tim, cần có người chăm sóc ngày đêm, Lý Phân Phương mới dọn về đây.
Gần như ngày nào tiếng mắng chửi của Lý Phân Phương cũng vang lên một lần, dội vào tai cả tầng 5.
Lúc mới đầu, chị ta chỉ đứng chửi trong nhà thôi, về sau ra ngay ngoài cửa chửi đổng như một mụ la sát, tay chống eo, chỉ ngón tay vào người mẹ già đang ngồi xe lăn: Mẹ ăn ít một tí thì ch.ết à? Tôi đã bảo không được ăn cái đấy rồi mà, mẹ không hiểu tiếng người à? Mẹ biết đi khám bệnh mất bao nhiêu tiền không hả? Trong thẻ ngân hàng của mẹ còn tiền gì nữa chứ?
Bà cụ Kiều tuổi già sức yếu, chỉ có thể ngồi trên xe lăn, gằm mặt không cất tiếng.
Hàng xóm trông vậy cũng chả chịu nổi, lần nọ thấy Lý Phân Phương lại gân giọng chửi rủa bèn lao ra khỏi nhà, nói đỡ cho bà cụ Kiều: Chị thế này mà gọi là con à? Có loại con nào suốt ngày ăn nói thế với mẹ mình không? Cũng già đầu rồi mà ngày nào cũng để người khác cười cho!
Lý Phân Phương: Liên quan đến cô à? Cô là cái gì của bà ấy chứ? Cô đổ bô cho bà ấy à?
Lý Phân Phương ném đống đồ lỉnh kỉnh trong tay xong nghênh ngang rời khỏi: Được thôi, tôi kệ đấy, các người lo hết đi.
.
Thực ra cũng có dạo Lý Phân Phương hay dẫn con gái mình đến thăm bà cụ Kiều, để cháu ngoại được gặp bà.
Khi ấy cả nước đang chìm trong tiếng hoan hô dịp Olympic, sự nhiệt tình như lửa ấy tưởng chừng có thể làm tan chảy tất cả những chuyện cũ lạnh buốt lòng. Lý Phân Phương - người hàng năm chỉ trở về nhà ngoại được bốn, năm lần kể từ khi lấy chồng - nay lại đổi khác nhiều lắm, tháng nào cũng dẫn con gái đến Sông Ái Nha thăm cha mẹ đấy nhé, nhìn gia đình hoà thuận, vui vầy phải biết.
Sau này cũng vì cái chuyện dẫn con về mà hai bên cãi vã om sòm, trước ra sao giờ lại vậy, mỗi năm thăm hỏi được vài ba bận là cùng.
Có lần Lý Phân Phương gửi con gái ở nhà ông bà ngoại để ra ngoài ăn cơm với bạn. Trước khi đi, chị ta còn dặn cha mẹ rằng cháu nó ngoan lắm, ông bà bảo ban cháu nó làm bài tập là được rồi, cho xem TV với chơi bời ít thôi.
Bà cụ Kiều đồng ý luôn mồm. Nhưng khi Lý Phân Phương trở lại, chị ta trông thấy con gái mình đang ở trong bếp rửa bát hộ bà ngoại.
Bởi vậy, Lý Phân Phương cãi nhau to với cha mẹ, chị ta dẫn con gái rời khỏi. Hai bên cứ thế chẳng qua lại gì với nhau mãi cho đến khi cha mắc bệnh nặng sắp qua đời.
Lý Phân Phương rất nghiêm với con gái, phải gọi là nghiêm có tiếng luôn ấy chứ. Bởi thế cô con gái thích chạy sang nhà bà ngoại chơi, bởi bà ngoại sẽ không bắt con bé học bài, tập thổi sáo. Nhưng càng là vậy, sự mâu thuẫn giữa Lý Phân Phương và mẹ lại càng thêm sâu nặng.
Cũng bởi vụ cãi vã lần trước nên Lý Phân Phương chỉ đành thuê một người giúp việc chăm sóc mẹ một khoảng thời gian. Cô giúp việc với bà cụ Kiều ngồi trên ghế salon, cả hai tán dóc: Cháu thấy con gái bà dữ quá.
Bà cụ Kiều gật đầu bảo ừ.
Cô giúp việc: Ai cũng bảo con gái là tấm áo sưởi ấm cho cha mẹ, sao lại thành ra vậy chứ.
Bà cụ Kiều: Đấy, con trai tốt hơn nhiều.
Bà cụ Kiều: Tôi còn một thằng con út.
Bà cụ Kiều không những có một cô con gái, bà còn có một thằng con trai đang đi làm xa.
Cô giúp việc ngớ người: Được quá ấy chứ, nhà có nếp có tẻ. Con trai bà đâu rồi? Cháu chưa gặp bao giờ.
Bà cụ Kiều: Nó bận đi làm xa, không làm phiền nó được. Căn hộ này để dành cho nó lấy vợ đấy.
Cô giúp việc: Vậy bà ở đâu giờ?
Trước đó bà cụ Kiều từng đánh tiếng với Lý Phân Phương rằng mình sẽ dọn sang nhà con gái ở, nhưng lại bị chị ta chửi cho một chập. Lý Phân Phương trợn mắt, trông không khác gì quỷ dữ: Mẹ không có nhà à? Đây không phải nhà của mẹ à? Mẹ dọn sang nhà tôi làm gì? Nhà của tôi là do tôi và chồng tôi tự mua, liên quan gì đến mẹ?
Lý Phân Phương: Tôi biết thừa mẹ nghĩ gì đấy, mẹ muốn để dành căn nhà này cho thằng út lấy vợ chứ gì? Mẹ nghĩ nó có nhà cửa đàng hoàng là lấy vợ được à? Nó nhiêu tuổi rồi? Còn định lấy vợ gì nữa?
.
Dần dà, người dân sống trong khu chung cư Sông Ái Nha cũng chẳng dám chọc Lý Phân Phương nữa, đi đâu cũng né cái phòng 505 kia ra.
Con gái của Lý Phân Phương tốt nghiệp Đại học, tìm được một công việc khá ngon lành. Cuối tuần định về Sông Ái Nha thăm bà ngoại nhưng Lý Phân Phương bảo con bé không cần phải tới.
Tính cô con gái khác Lý Phân Phương như kiểu người trên trời kẻ dưới vực vậy, con bé dịu dàng e ấp lắm, cuối tuần vẫn xách hộp trà sang cho bà. Lý Phân Phương gầm lên: Mày mới đi làm được nhiêu tiền mà mua này mua kia vậy hả? Chuyện trong nhà không cần đứa con nít con nôi như mày bỏ tiền.
Cô con gái: Con mua cho bà ngoại mà.
Lý Phân Phương nhếch mép cười: Nói như kiểu bà ấy từng mua cho mày được món gì rồi đó.
Lý Phân Phương nói xong lại cảm thấy không ổn, chị ta không muốn con gái mình bị tổn thương, thế là xách trà đi pha, kêu con gái gọt mấy quả táo, ngồi xem TV với bà ngoại.
Lý Phân Phương dạy con khuôn khổ phải biết, chỉ cần học giỏi là được.
Lý Phân Phương giận cha mẹ mình cũng vì cái chuyện học hành này. Chị ta dần lớn khôn, giận dỗi năm xưa cũng dần lên men, trở thành hận.
Năm ấy chị ta thi đậu Học viện Dược, nhưng cha mẹ bàn bạc một lúc rồi quyết định để chị ta đi kiếm việc làm. Sang năm em út thi Đại học, trong nhà chỉ có thể nuôi một người sinh viên thôi.
Lý Phân Phương trở thành công nhân, sau này làm nhân viên bán hàng. Nhân lúc có chính sách cải cách vật giá, chị ta xin đổi chân nhân viên kiểm đếm trong một siêu thị lớn. Ấy là một công việc chẳng mấy ai hiểu, nhưng lại ẩn giấu nhiều lối phát triển, nhờ có đầu óc buôn bán, Lý Phân Phương kiếm được khá nhiều tiền.
Chẳng rõ là vì khoe khoang hay muốn nhận được sự tán thành của cha mẹ mà khi vừa kiếm được tiền, Lý Phân Phương đã vội gửi hết ở chỗ cha mẹ. Lúc chị ta sắp lấy chồng, đi đòi lại số tiền kia thì nghe cha mẹ bảo: Đưa cho em mày lấy vốn làm ăn rồi.
.
Em trai của Lý Phân Phương dường như chưa bao giờ xuất hiện.
Bà cụ Kiều nói, con trai bận làm ăn xa.
Bà cụ Kiều chỉ nhận được điện thoại của con trai đúng theo định kỳ, lần nào nói chuyện cũng được xíu xiu. Con trai nói đang làm bên mảng vật liệu xây dựng, phải mấy năm nữa làm xong dự án này rồi mới về được.
Bà cụ Kiều: Con thiếu gì không? Mặc quần áo cho ấm vào, phải ăn uống đồ nóng đấy...
Bà cụ Kiều ngó mắt vào trong bếp, thấy con gái mình đang nấu cơm, bà ta nói nhỏ với đầu dây bên kia: Bao giờ con về, mình dối chị con đi đâu đó để mẹ còn dẫn con lên uỷ ban làm thủ tục sang tên?
Bà cụ Kiều quen tay hay việc vụ dối gạt này lắm, lúc mới đầu bà ta còn bảo thẳng với con gái, ví dụ, mày ăn quả táo nhỏ đi, em mày phải ăn quả to mới no được. Sau này bà ta nhận ra rằng nếu làm vậy thì hai chị em sẽ không hoà thuận, thế là bà ta bắt đầu học cách dối con gái mình đi đâu đó, rồi mới lôi cái bánh mà bà ta đã chuẩn bị sẵn trong tủ ra cho con trai.
Bà ta biết mình có lỗi với con gái, nhưng bà ta cũng cảm thấy mình chẳng có gì sai cả. Bởi người mẹ nào, ít nhất là người mẹ nào mà bà ta biết cũng làm vậy. Con trai có thể kế thừa một dòng họ, con trai có sức làm việc, gặp khó khăn gì cũng có thể đứng ra gánh vác cả gia đình, nếu trong nhà không có con trai thì nhiều chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn hẳn.
Nói thẳng ra là, chỉ cần nuôi con trai cho tốt, đợi nó thành công rồi ai trong nhà cũng được hưởng phần.
Bà cụ Kiều vẫn luôn đau đáu chuyện này trong lòng, bà ta tưởng tượng môt mai kia, con trai mình thành người có tiền có quyền, áo gấm trở về làng, nó sẽ dẫn theo một cô vợ đang bụng mang dạ chửa, sau đó sửa lại căn nhà cũ này cho sang trọng, đã thế còn mua một con xe mới cho chị nó. Đến lúc đó, tất cả mọi oán giận của Lý Phân Phương sẽ tan theo mây khói.
Bà cụ Kiều cũng dẫn dắt suy nghĩ, tư tưởng cho con gái mình: Thực ra em trai mày cũng tốt bụng, có lương tâm lắm.
Bà cụ Kiều: Lúc nó còn nhỏ, mọi người hỏi nó sau này kiếm được tiền sẽ cho ai, nó nói giữ lại cho nó một phần, cho ba mẹ một phần, cho chị một phần luôn.
Lý Phân Phương: Mẹ nói cái chuyện này bao nhiêu năm rồi? Nó kiếm được đồng nào chưa?
Bà cụ Kiều: Kiếm được ít rồi mà, năm nọ nó mang về một bịch táo đấy thây. Tao chưa bao giờ được ăn quả táo nào ngọt vậy...
Lửa giận bỗng thiêu đốt cõi lòng Lý Phân Phương: Nó đi nộp viện phí cho mẹ chưa? Đã thức suốt đêm chăm mẹ bao giờ chưa? Nó lau nhà, nấu cơm cho mẹ bao giờ chưa? Đổi tã cho mẹ bao giờ chưa?
Bà cụ Kiều: Nó bận đi làm, mai sau nó là chỗ dựa của cả gia đình này. Mày là chị nó, mày cũng là con gái của tao, mày phải biết thông cảm cho nó chút chứ...
Bà cụ Kiều: Ngày xưa tao dẫn nó xem bói, người ta nói nó thành đạt muộn. Đàn ông con trai toàn thế, mày phải tin em mày có thể thành đạt...
Lý Phân Phương xông ra khỏi nhà, chị ta không muốn nghe mẹ mình nói nữa. Chị ta va phải một người phụ nữ ở ngay ngoài cửa. Người phụ nữ này hơn chị ta vài tuổi, xách theo một hộp đùi heo jambon, đang định giơ tay gõ cửa.
.
Người phụ nữ tên Trương Mai, xét theo huyết thống thì đây chính là chị ruột của Lý Phân Phương.
Trương Mai bị cha mẹ tặng cho nhà khác ngay từ khi còn nhỏ. Năm đó cha mẹ tưởng thai thứ hai là con trai, ai ngờ lại thành cô con gái Lý Phân Phương, trong nhà nuôi không nổi nên tặng cô con gái đầu Lý Hiểu Mai cho một người phụ nữ đẩy sạp bán thức ăn sáng, sau đổi tên thành Trương Mai.
Thỉnh thoảng Trương Mai sẽ đến thăm mẹ đẻ, làm vài việc vặt phụ em gái. Chị ta là một người hiền lành, ít nói, nấu ăn rất ngon.
Trương Mai nhắc chuyện căn hộ này với Lý Phân Phương: Bà ấy tính để cho Tiểu Quân đúng không?
Tiểu Quân là em trai của họ.
Lý Phân Phương: Tôi muốn giành thử xem, tại sao tôi không thể giành nó cho con gái tôi chứ.
Trương Mai: Nếu bà ấy qua đời, trên hộ khẩu còn mỗi cô với Tiểu Quân thôi, phải xem xem có di chúc không đã.
Lý Phân Phương nhìn người mẹ đang nằm ngủ trên xe lăn: Tiểu Quân còn phải ở trong đấy một khoảng thời gian nữa.
Lý Tiểu Quân bị bắt vào tù vì tội lừa đảo và tụ tập đánh bạc, nhưng ba chị em giấu không cho mẹ biết, nói hắn ta đi làm xa.
Lý Tiểu Quân còn phải ở trong đó hơn một năm nữa, nếu hắn ta được ra sớm, chắc cũng phải đợi đến mùa đông năm sau.
Sang năm, nhà Lý Phân Phương đón chuyện mừng, con gái với bạn trai nó tính đính hôn. Giống với bao người trẻ ở cái thành phố này, cha mẹ sẽ bỏ tiền tiết kiệm cả đời mình ra để trả món tiền cọc mua nhà làm phòng cưới, đôi trẻ chỉ cần từ từ trả góp theo lương tháng là được.
Lý Phân Phương bỗng nghĩ, tại sao mình không thể giành lấy căn nhà kia? Nếu giành được, con gái và con rể sẽ không cần phải vất vả vậy nữa.
Hộ khẩu của mình vẫn ở căn hộ 505 trong khu chung cư Sông Ái Nha, mình cũng đã làm gần hết mọi nghĩa vụ phụng dưỡng cả rồi. Chị ta quyết định bàn chuyện này với mẹ mình, một tháng nữa Lý Tiểu Quân mới ra tù, nếu bà ấy không chịu sang tên thì chị ta sẽ mặc kệ, không chăm lo gì suốt một tháng tới.
Lý Phân Phương vào thẳng vấn đề. Trông hai mẹ con chẳng khác gì hai người chơi môn đấu kiếm đang so chiêu, ai ai cũng sắc bén vô cùng, bà cụ Kiều không màng nữa: Cái nhà này cho em mày, không có nhà sao nó lấy vợ được.
Nhưng bà ta cũng có chiêu khác: Ngoài cái nhà này ra, những thứ khác cho mày tất, vòng vàng, tiền tiết kiệm, coi như tao cho cháu gái tao.
Lý Phân Phương: Tôi thực hiện hết mọi nghĩa vụ phụng dưỡng, những thứ đó đáng bao nhiêu nào? Ý mẹ là muốn con gái tôi phải tự cố gắng, còn mọi thứ để cho con mình chứ gì?
Bà cụ Kiều: Con bé có chồng mà? Chồng nó là hạng vô tích sự sao?
Bà cụ Kiều: Mày không nuôi tao thì cũng có xã hội nuôi tao, viện dưỡng lão nuôi tao. Cái nhà này là của em mày, không ai xin xỏ mày nuôi tao, mày không có cửa đâu.
.
Lý Phân Phương trở về nhà, chị ta ngồi trên sofa xem chương trình giải trí trên TV với con gái. Hai mẹ con bóc cam ăn được một lúc, chẳng hiểu sao Lý Phân Phương lại rơi nước mắt nữa.
Lý Phân Phương nghẹn ngào: Mẹ là một người mẹ vô dụng.
Chị ta khóc bất chợt, chồng và con gái chẳng hiểu rõ tại sao, điện thoại vang lên, người gọi là quản lý trong khu chung cư Sông Ái Nha, nói muốn gặp Lý Phân Phương, ban nãy bà cụ Kiều đau tim, bà ấy bảo gọi cho số này.
Lý Phân Phương nhận điện thoại, chị ta gào khóc, bà ấy còn có một thằng con trai kia mà? Bảo bà ấy đi mà tìm con trai đi.
Quản lý: Nhưng không gọi được cho con trai bà ấy.
Lý Phân Phương: Ai thích lo thì đi mà lo! Không gọi được thì đi mà hỏi tổng đài!
Quản lý: Bà cụ già rồi, là con cái thì phải...
Lý Phân Phương cười: Sao không nói vậy với con trai bà ấy đi?
Quản lý: Tôi bảo rồi mà, không gọi được cho...
Lý Phân Phương: Rồi, điện thoại nhà tôi cũng hỏng rồi, cũng không gọi được nữa.
Chị ta cúp điện thoại, rút dây cắm ra, tắt nguồn điện thoại.
Nhưng đến tối chị ta lại nằm trằn trọc không ngủ được. Cuối cùng vẫn mở điện thoại lên.
1 giờ sáng, Lý Phân Phương ngồi bên giường bệnh viện, nhìn người mẹ đang nằm truyền dịch của mình với vẻ mệt mỏi.
.
Lý Phân Phương chăm mẹ cho đến khi ra viện, từ ấy thái độ của bà cụ Kiều cũng khác hẳn.
Bà ta chủ động hỏi về chồng chưa cưới của cháu gái, chẳng hạn thằng bé đó có kiếm được nhiều tiền không, có cần trong nhà giúp đỡ hay không. Trong trí nhớ của Lý Phân Phương, mẹ chẳng mấy khi hỏi han chị ta hay con gái của chị ta.
Bà cụ Kiều: Nghĩ cũng chẳng dễ dàng gì.
Bà cụ Kiều: Hồi bọn tao cũng đâu biết nhà cửa sẽ đáng tiền như bây giờ đâu.
Lý Phân Phương đứng ngoài cửa hút thuốc, chị ta bỗng dập tắt điếu thuốc trên tay, ngồi xổm cạnh xe lăn: Tôi bảo mẹ một câu, giờ tôi chăm mẹ cũng chỉ vì căn nhà này thôi.
Lý Phân Phương: Tôi cầu xin mẹ thay con gái của tôi đấy. Tôi muốn cho bọn trẻ được nhẹ nhàng, thoải mái, ngày nào nó cũng phải làm đến 11 giờ đêm, cuối tuần cũng phải tăng ca. Mẹ cũng là mẹ mà, mẹ không thấy thương sao? Lòng tôi như bị dao cắt vậy.
Lý Phân Phương: Con gái cũng là người mà, sao con gái lại không phải người vậy?
Bà cụ Kiều: Đừng nói vớ vẩn, tao không coi mày là người bao giờ?
Lý Phân Phương: Vậy tôi sinh ngày nào?
Bà cụ Kiều không nói, nhìn sang chỗ khác.
.
Trước hôm Lý Tiểu Quân được thả về, tin hắn ta ở tù bỗng vang khắp khu chung cư.
Bên uỷ ban nhận được danh sách những người hoàn thành thời hạn giam giữ, họ cử người lên phòng 505 báo tin cho bà cụ Kiều, khá là nhiệt tình nhưng lại thành ra phá hoại. Bà cụ Kiều nghe vậy, ngây ra như phỗng, còn tưởng là Lý Tiểu Quân nào đó bị trùng tên.
Về sau mới biết đó đúng là con mình, ba chị em giấu chẳng cho bà ta hay.
Bà cụ Kiều tức giận với cô con gái: Chồng mày là công an mà? Sao mày không bảo chồng giúp nó?
Trương Mai cũng có mặt, chị ta chỉ có thể khuyên can: Bọn con sợ bà không chịu nổi...
Bà cụ Kiều: Tao tuổi này rồi, có chuyện gì mà không chịu được? Thế sau này Tiểu Quân phải làm sao đây? Tao phải để lại đồ cho nó thôi.
Bà cụ Kiều chỉ vào mặt hai cô con gái: Bọn mày nói xem nó còn có thể đi đâu? Nó chỉ có thể ở đây với tao, bọn mày là chị nó mà định bắt nó ra đường ăn xin à?
Bà cụ Kiều: Còn trách tao mấy cái chuyện xưa xửa, nói tao không coi bọn mày là người, thế bọn mày thì sao? Bọn mày có coi em bọn mày là người không?
Hôm Lý Tiểu Quân ra tù, hai chị em dẫn mẹ đi đón hắn ta về.
Ở trong đấy gầy đi nhiều, nhìn im ắng hẳn. Bà cụ Kiều với cậu con trai ôm nhau khóc, sau đó cả bốn người lên xe. Bà ta muốn đi lập di chúc.
Di chúc viết để lại nhà cho con trai. Lý Phân Phương nói thẳng: Tôi cũng có phần, tôi làm mọi nghĩa vụ phụng dưỡng. Nó có làm gì đâu.
Bà cụ Kiều: Mày với chồng mày có nhà, con gái mày cũng đã có khoản tiền cọc mua phòng rồi, bọn mày có hai căn nhà, tao với Tiểu Quân có mỗi một căn, mày còn định cướp à?
Ánh mắt của tất cả mọi người dồn về phía Lý Phân Phương.
Chị ta im lặng hồi lâu. Mãi cho đến khi bà cụ Kiều định đặt con dấu, chị ta mới cất giọng: Mẹ.
Lý Phân Phương: Hồi nhỏ ăn táo, lần nào nó cũng ăn quả to, tôi ăn quả nhỏ, nhiều lúc không có mà ăn. Mỗi khi trong nhà có cá, có thịt, tôi vừa mới giơ đũa định gắp đã bị mẹ đánh vào tay, phải nhường nó ăn trước. Đã vậy...
Bà cụ Kiều: Mày điên rồi.
Lý Phân Phương: Sao?
Bà cụ Kiều: Nhà này bỏ đói mày à? Khiến mày đói điên à? Có cái chuyện con tí mà nhớ lâu vậy?
Lý Phân Phương: Tôi còn phải bỏ học vì nó...
Bà cụ Kiều thở dài: Mày được đi học thì cũng có ích gì?
Lý Phân Phương: Mẹ không nhớ ngày trước mẹ nói gì với tôi và chị Mai à?
Bà cụ Kiều nói với mọi người xung quanh: Nhớ gì chứ? Hai đứa nó lớn tồng ngồng, khoẻ mạnh đứng tại đây. Hồi của tôi ấy, nuôi con không phải chuyện dễ dàng, tôi mà không đối xử tốt với chúng nó, sao chúng nó có thể lớn thế này?
Bà cụ Kiều: Tao không nhớ, mày hỏi Tiểu Quân có nhớ hay không đi.
Lý Tiểu Quân không nói gì, hắn ta đứng chắn giữa mẹ và chị, để mẹ ký tên trên tờ giấy di chúc kia.
Họ bước ra khỏi uỷ ban, lại đi làm thủ tục sang tên. Lúc xuống lầu, Lý Tiểu Quân nhấc chiếc xe lăn của mẹ xuống.
Lý Phân Phương đi phía sau, chị ta bỗng vươn tay ra, đẩy hai người kia xuống.
.
Ngay sau đó, Lý Phân Phương bừng tỉnh. Em út và mẹ đã xuống dưới lầu, chị ta vẫn đứng ngẩn ngơ ngay đầu cầu thang.
Nhân viên trong sảnh đỡ xe lăn phụ Lý Tiểu Quân: Đây là mấy người con của bà ạ?
Bà cụ gật đầu: Con trai tôi đấy, bên kia là hai đứa con gái.
Người kia mỉm cười: Nhà bà có phúc quá, người ta nói nhiều con nhiều phúc.
Đã mấy năm rồi bà cụ Kiều chưa cười tươi đến thế: Nhiều gì mà nhiều, có mỗi thằng con trai.
________________
Truyện: Tuyển tập những vụ án bí ẩn trong khu chung cư Sông Ái Nha - Phần Nhiều con
Tác giả: 扶他柠檬茶
Ảnh: 喵呜不停
Dịch: Linh Lung Tháp
Dịch và đăng tải với sự đồng ý của tác giả.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top