Truyền Thuyết Về Nữ Oa

Thần thoại Bàn Cổ Thị khai thiên lập địa chỉ nói về khởi nguồn của trời đất, đó chỉ có một người là Bàn Cổ Thị, về sau thế giới tại sao lại có thể sinh ra nhiều người đến như vậy? Một chuyện thần thoại khác nói về Nữ Oa Thị sẽ giải đáp vấn đề này. Truyền thuyết kể rằng, sau khi Bàn Cổ Thị qua đời, trời đất vẫn vắng vẻ, trống trải, tịnh không một bóng người. Không biết đã trải qua biết bao nhiêu năm, mới lại xuất hiện một vị thủy tổ của loài người tên gọi là Nữ Oa Thị. Nữ Oa là một người đàn bà đơn độc giữa trời đất, cảm thấy quá cô thân liền tạo ra nhiều người để cùng chung sống. Một hôm, Nữ Oa Thị dùng nước hòa trộn một đống bùn vàng, dùng bùn vàng nặn thành người đất. Một lúc bà nặn một người đàn ông, lúc sau bà lại nặn người đàn bà. Nói ra kể cũng kỳ lạ, Nữ Oa Thị nặn xong một người, thổi một hơi vào người đó, rồi đặt xuống đất, người đất này liền biến thành người sống, biết chạy nhảy, biết nói cười. Nặn một người, sống một người, nặn hai người, sống hai người. Bà nặn bao nhiêu người thì sống bấy nhiêu người. Những người đó biến thành đoàn thành tộc vây xung quanh Nữ Oa Thị, nhảy múa hò hét nhiệt tình gọi Nữ Oa Thị là Mẹ. Nữ Oa Thị cứ nặn mãi, nặn mãi, nặn liên tục không ngừng, nặn cho tới khi cảm thấy thực sự quá mệt mỏi, bà mới tạm ngơi tay. Thế nhưng số bùn vàng hòa trộn vẫn còn thừa rất nhiều. Nữ Oa Thị có vẻ không vui, bà tiện tay nhặt từ dưới đất lên một sợi dây thừng to, nhằm trúng đống đất vàng đã hòa trộn mà vung mạnh. Nào ngờ, bà vừa vung sợi dây thừng, lại hệt như lúc dùng tay nặn, đám bùn vàng bắn tung tóe, tất thảy đều biến thành đám người sống, lớn, nhỏ khác nhau. Những con người được Nữ Oa Thị tạo ra này cứ lớn dần lên, cùng lao động, cùng chung sống, sinh sôi ra con cháu đời sau. Những đứa bé chơi đùa nhảy nhót, về sau cũng phương trưởng, cũng làm cha, làm mẹ, cứ thế sự sinh tồn kéo dài hết đời này qua đời khác. Thế nhưng sự việc lại diễn ra theo chiều hướng xấu. Giữa lúc con người đang không ngừng sinh sôi nảy nở thì trời đất bỗng nhiên dở chứng. Thời cổ đại, con người cho rằng trời tròn, đất vuông. Trời sở dĩ có thể bao trùm lên mặt đất được là bởi vì bốn góc của đất có bốn cây cột chống giữ. Ngày tháng trôi qua, gió thổi, nắng mưa giãi dầu, bốn cây cột chống trời này đều mục nát cả, trời đất bị đung đưa, chao đảo, hình như sắp sập xuống. Trên mặt đất đã xuất hiện rất nhiều vết nứt, trong những vết nứt đó không ngừng bốc ra lửa nóng và nước thối. Trên trời xanh thì xuất hiện rất nhiều lỗ dột, nước mưa, băng tuyết và thiên thạch không ngừng rơi xuống qua những lỗ dột này. Tai nạn đột ngột giáng xuống con người ở thế gian. Trên mặt đất có chỗ lửa bốc cao ngùn ngụt, có nơi trở thành biển rộng mênh mông, hung cầm, mãnh thú thừa cơ giết hại con người. Những con chim hung dữ từ trên trời bổ nhào xuống, dùng mỏ sắc nhọn cắp đi những bà già và trẻ con yếu đuối không chạy kịp. Cảnh ngộ của con người quả thực là cực kỳ bi đát và muôn vàn nguy hiểm. Chính trong lúc con người không tìm ra được cách nào để tiếp tục cuộc sống yên ổn thì Nữ Oa Thị, thủy tổ của con người, đã ra tay cứu vớt con cháu của bà.
Bà đốt cháy từng đống củi lau để luyện thành những tảng đá năm màu đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, rồi dùng những tảng đá này để tu bổ, vá lấp những chỗ thủng dột trên trời xanh. Bà lại bắt từ biển cả những con rùa cực lớn, chặt lấy bốn chân của chúng thay thế bốn cột trời đã bị mục gẫy. Nước mưa từ trên trời đổ xuống lênh láng, đây là tai họa do Rồng đen tạo ra. Nữ Oa Thị liền giết chết Rồng đen. Nước hôi thối từ dưới đất phun lên quá nhiều, Nữ Oa Thị liền dùng đất trộn củi lau bịt chặt chỗ nứt có dòng nước phun. Với sự cố gắng của Nữ Oa Thị, cuối cùng bầu trời xanh đã được hàn vá xong, bốn cây cột chống trời cũng đã được trọng tu, các loài mãnh thú uy hiếp sự sinh tồn của loài người đều bị tiêu diệt. Trên mặt đất cây cối và hoa cỏ lại bắt đầu đâm chồi, nẩy lộc, loài người lại có thể được sống bình yên. Nữ Oa Thị vĩ đại chẳng những đã tạo ra con người, hơn thế còn cứu vớt được loài người thoát khỏi thảm cảnh hủy diệt của thiên nhiên.

Thần thoại Nữ Oa Thị tạo ra con người và vá trời tuy là rất hoang đường nhưng cũng đã phản ánh được hiện trạng cuộc sống của xã hội loài người trong thời thượng cổ. Ngày nay, qua rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ta được biết trong lịch sử nhân loại đích thực đã có một thời kỳ Công xã thị tộc mẫu hệ. Trong Công xã thị tộc mẫu hệ một lão Tổ mẫu đảm nhận chức thủ lĩnh của Công xã thị tộc, phụ nữ có vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Các công việc thu hái thức ăn, nung chế đồ gốm, nuôi trẻ, dưỡng già...cơ bản là do phụ nữ đảm nhiệm. Đàn ông chủ yếu là ra ngoài săn thú, cuộc sống lang thang không ổn định. Lúc đó còn chưa xuất hiện gia đình và quan hệ hôn nhân một vợ một chồng như ngày nay, con cái chỉ biết nhận mẹ chứ không được nhận cha. Câu chuyện thần thoại đã nói Nữ Oa Thị là tổ tiên và người bảo hộ của loài người chẳng phải đã phản ảnh Công xã thị tộc Mẫu hệ đó sao?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top