Lời giới thiệu:

Tác giả: P.PICHA

Dịch:Rín

Một cuốn sách, câu chuyện được kết nối như thế nào thì không ai biết. Bìa sách màu vàng kim, cứng cáp, bên trong chưa bao giờ được mở ra đọc. Thời gian trôi qua lâu, cuốn sách như được ôm ấp mãi, như thể nếu lật một trang giấy nào đó thì trái tim sẽ vỡ vụn ngay tại đây.

Thực ra, nội dung bên trong có hơn một trăm sự kiện, nhưng tất cả đều xảy ra với chỉ một người. Nếu kể lại, hẳn phải bắt đầu từ nơi đây...

Tại Đại sứ quán, tòa nhà kiến trúc Haussmann, trung tâm thành phố Paris, Pháp, một người đàn ông trẻ mặc bộ vest đen, quần vải ống côn, giày Oxford, tạo dáng thanh thoát, từ đầu đến chân đều tỏa ra vẻ lịch lãm. Khuôn mặt anh mịn màng, làn da trắng mượt, không giống người phương Tây nhưng lại hòa hợp khi đứng ở nơi này. Điều này là bởi Rati Diér đã sống và trưởng thành ở nước ngoài, trong đó có tòa nhà này hơn mười năm.

"Đã xong rồi thưa cha." Câu nói đầu tiên khi cánh cửa văn phòng khép lại, chỉ còn người bên trong ở lại. Người sở hữu giọng nói tràn ngập niềm vui, nhảy nhót quanh phòng mà không giữ được vẻ uy nghiêm lúc trước. Người cha mỉm cười, cầm giấy chứng nhận đóng dấu lãnh sự và cuốn sổ tay nhỏ rồi xem xét kỹ lưỡng. Người con trai tiếp lời: "Ông Florian còn nói rằng chuyến tàu tới Xiêm sắp tới, ông ấy sẽ giới thiệu con làm người đi theo cùng đoàn."

"Cha đã biết rồi, con sớm thành công thôi." Người đàn ông 45 tuổi, nói với niềm tự hào, "Hãy nhanh chóng về báo tin cho mọi người ở nhà nhé, chắc hẳn họ đang lo lắng không yên rồi đó."

"Dạ, con đi ngay đây."

Nơi ở của Đại sứ Pháp, dù có vẻ cũ kỹ nhưng luôn mang lại cảm giác ấm áp, bao bọc xung quanh. Ngôi nhà được xây dựng chủ yếu bằng đá với những bức tượng điêu khắc tinh xảo, nổi bật như biểu tượng của quý tộc. Mùi hương của ngọc lan tỏa theo gió mùa xuân, làn môi mịn màng nở nụ cười khi hít vào từng nhịp thở. Anh đoán em gái đã tin tưởng anh đến mức chuẩn bị món ăn yêu thích để đón chúc mừng thành công lần này.

Anh nhẹ nhàng gọi: "Belle."

"Anh Ti!" Cô gái có vóc dáng cao ráo, gần bằng chiều cao anh, rời khỏi nồi thịt hầm, lao vào ôm lấy anh. Mặc dù cô đã biết kết quả rồi nhưng vẫn không thể an tâm vì vẫn còn rất nhiều người tài giỏi ở Pháp đang quan tâm đến văn hóa ngôn ngữ nước ngoài. Cô ngẩng đầu, đôi mắt xanh lấp lánh thể hiện sự tò mò thay cho lời nói. Khi anh khẽ nhướn miệng cười, nghiêng đầu nhẹ, cô đã hiểu ngay đáp án: "Em đã biết rồi, vì vậy em đã làm món thịt hầm chờ sẵn. Anh Ti giỏi tiếng Thái nhất ở Pháp nên ai mà dám so sánh chứ. Biết đâu anh còn nói tiếng Thái thành thạo hơn cả người Thái nữa ấy."

"Em khen anh quá rồi."

"Đến lúc cha về thì chắc mặt trời cũng đã lặn rồi. Anh hãy ăn chút bánh cho đỡ đói đã, rồi chúng ta cùng đợi để chúc mừng với nhau. Em sẽ ra vườn hái hoa trang trí khắp nhà cho ngày quan trọng của anh Ti rồi."

"Chỉ tổ mệt người thôi." Chàng trai với gương mặt hiền lành nhìn em gái với ánh mắt trìu mến, bàn tay khẽ xoa đầu cô một cách yêu thương. "Anh sẽ lên gặp mẹ báo tin vui này. Em có thể hái giúp anh một ít hoa sứ được không?"

"Anh Ti đi tắm đi, lát nữa em sẽ chuẩn bị sẵn cho."

Người anh mỉm cười, nói: "Cảm ơn em."

Trước mặt là bức chân dung một người phụ nữ xinh đẹp, hơi nghiêng người về bên trái, nụ cười duyên dáng thu hút ánh nhìn. Cô khoác lên mình bộ váy có điểm xuyết ren và chuỗi ngọc trai dài ngắn xen kẽ. Mái tóc được quấn gọn, cài một bông hoa vừa vặn làm tôn lên khuôn mặt thanh tú. Bức tranh được đặt trong một khung mạ vàng nổi bật giữa phòng như một dấu ấn tưởng nhớ.

Rati nhẹ nhàng đặt khay hoa sứ xuống—loài hoa được chính người phụ nữ trong bức ảnh trồng trước khi rời quê hương sang Pháp. Đến nay, hoa vẫn nở rực rỡ mỗi khi mùa đến, nhưng người đã gieo hạt ngày ấy nay đã đi xa mãi mãi, chẳng thể quay về.

"Thưa phu nhân, con đã thi đỗ và trở thành thông dịch viên chính thức của đoàn ngoại giao. Sau này, chắc chắn con có thể giúp ngài đại sứ trong nhiều việc."

Nếu ngược dòng thời gian, người phụ nữ trong bức tranh từng sống động, đầy khí chất. Cô nhận được hôn sự từ đức vua, kết duyên cùng đại sứ Pháp, tin tức này lan truyền khắp kinh thành. Có người cho rằng cô thật may mắn, nhưng cũng có kẻ bàn tán rằng cô quá táo bạo, không giữ nề nếp kín đáo của một thiếu nữ đoan trang theo truyền thống Thái.

Mademoiselle Siriburapha Prapai—vẻ ngoài đoan trang, tác phong thanh nhã, nhưng có phần chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Cô yêu thích học hỏi từ người nước ngoài, thường lui tới giao du với quý bà nhà Ramsay suốt ngày. Nhờ đó, cô gặp được đại sứ và qua những lần trò chuyện dài, tình cảm giữa họ nảy nở. Vì hôn nhân của giới quý tộc phải có sự chấp thuận của nhiều bên nên khi thấy ông Lutin Dierre có địa vị vững vàng, lại được quốc vương tin tưởng, cuối cùng, đức vua cũng đã ban hôn sự cho họ.

Lễ cưới được tổ chức trọng thể, tin tức lan truyền đến hoàng thân và họ hàng khắp các tỉnh. Cô mong muốn tổ chức lễ thành hôn tại nhà trước khi chuyển sang một vùng đất xa lạ.

"Con chạy loanh quanh làm gì thế này? Tránh ra!"

Tiếng quát lớn vang lên từ một hướng khác khiến người phụ nữ trong bộ váy lộng lẫy phải ngoảnh lại. Chỉ trong chốc lát, đứa trẻ bị quát mắng đã chạy đến trước mặt cô, bàn tay bé nhỏ lấm lem vội bấu vào chiếc váy lụa, nép mình sau lưng cô như muốn trốn khỏi 'mụ phù thủy'.

"Có chuyện gì vậy?" Giọng nói dịu dàng cất lên, gương mặt kiều diễm cúi xuống hỏi han. Nhưng lần này, người trả lời không phải đứa trẻ, mà là 'mụ phù thủy' kia...

"Xin thứ lỗi, thưa phu nhân. Đứa trẻ này cứ chạy nhảy khắp nơi, chẳng chịu ở yên trong nhà. Người ngợm thì lấm lem, dơ bẩn vô cùng."

Nói dứt lời, bà ta liền quay lại trừng mắt với đứa bé.

"Mau buông váy của phu nhân ra ngay lập tức!"

"Thôi được rồi, như vậy cũng đủ làm nó hoảng sợ lắm rồi. Có chuyện gì thì cứ làm đi, đừng lớn tiếng quá."

"Vâng, thưa phu nhân."

Giọng bà ta nhỏ xuống, khuôn mặt thay đổi thái độ một cách nhanh chóng.

"Lại đây mau!"

"Bà đi đi."

"H... hạ nhân đi ngay, thưa phu nhân."

Bà ta rời đi, để lại đứa trẻ với người phụ nữ xinh đẹp trong bộ váy cưới lộng lẫy. Cô cúi người xuống để ngang tầm mắt với đứa trẻ, nhưng do váy áo quá chật nên cô đành dắt tay nó đi đến chiếc ghế đặt giữa khu vườn.

"Tên con là gì?"

Đứa bé cúi gằm mặt, không đáp.

"Không có tên sao? Vậy con bao nhiêu tuổi rồi?"

Đôi mắt tròn to nhìn chằm chằm vào bàn tay nhỏ bé của mình như đang đếm, rồi giơ lên năm ngón tay.

"Năm tuổi rồi à? Sao con nhỏ xíu thế này? Cha mẹ con đâu? Con là người trong nhà này sao?"

Nghe hỏi, đứa bé càng cúi thấp hơn, không chịu nói một lời nào. Nhìn dáng vẻ vừa sợ hãi vừa buồn bã ấy, người phụ nữ đoán rằng đứa trẻ này có lẽ chẳng còn ai thân thích.

"Hôm nay là ngày vui của ta. Con có thể cười một chút được không? Nếu con cười và nhìn ta, ta sẽ tìm đồ ăn ngon cho con."

Đứa trẻ lấm lem suy nghĩ một lúc, chiếc bụng tròn trịa bỗng réo lên ầm ĩ. Cả buổi sáng nay, mọi người bận rộn đến mức chẳng ai để ý đến nó. Nó chạy loanh quanh tìm dì của mình, nhưng khi gặp lại bị quát mắng dữ dội nên nó đành trốn đi tìm chỗ an toàn.

"Dễ thương quá."

Người phụ nữ nhìn đôi mắt đen lay láy, đôi môi mềm mại nhoẻn cười đến mức hai má bầu bĩnh phồng lên. Nụ cười ấy cứng nhắc đến buồn cười.

"Đi nào, cùng nhau tìm thứ gì đó để ăn nhé. Sau này, ta chắc sẽ không còn được thưởng thức món ăn của đầu bếp trong nhà nữa, nghĩ đến đã thấy nhớ rồi."

Hai người cùng nhau bước vào nhà. Bàn tay nhỏ bé được dắt đi, tiếng lắc vàng trên cổ tay người phụ nữ khẽ va vào nhau, phát ra âm thanh leng keng theo từng nhịp bước.

"Thưa phu nhân! Sao người lại đi cùng thằng Choi vậy?"

Một người hầu chạy vội tới, định kéo đứa bé ra. Người phụ nữ dừng lại, ánh mắt nghiêm nghị như muốn ngăn cản.

"Xin hãy để bọn hạ nhân chăm sóc nó. Trong lúc làm lễ, phu nhân không nên rời khỏi bên trong."

"Đứa trẻ này tên là Choi* sao?" ("จ้อย" (Choi) trong tiếng Thái mang ý nghĩa là nhỏ bé, ít ỏi.)

"Vâng, thưa phu nhân. Nó là cháu của bà Buaphan."

"Thế còn cha mẹ của nó?"

"Cha nó ra khơi nhiều năm không trở về, chẳng ai biết sống chết ra sao. Còn mẹ nó thì nghe nói đã bệnh mất ba năm trước nên đành phải đến ở với bà Buaphan."

"Tên là Choi à? Nghe chẳng may mắn gì cả, người cũng nhỏ bé thế này."

"Chính vì nó gầy nhẳng nên người ta mới gọi là Choi đấy, thưa phu nhân."

"Mẹ Pluem, đưa đứa trẻ này đi tắm rửa sạch sẽ, tìm bộ đồ cũ của Chai Ruj cho nó mặc tạm, chắc vẫn còn giữ lại vài bộ. Không thể để nó lấm lem như thế trước mặt khách khứa được. Nhớ lo cho nó ăn uống đầy đủ. Sáng mai, dẫn nó đến gặp ta tại nhà lớn."

"Vâng, thưa phu nhân."

...

Sáng hôm sau, sau khi làm lễ dâng thức ăn cho sư thầy để cầu may mắn cho đôi tân hôn, bà Buaphan và cậu bé Choi ngồi bên cạnh một chiếc ghế dài kiểu Tây phương mà người ta gọi là sofa. Không khí trong nhà vẫn tràn ngập niềm hân hoan. Không lâu sau, bà Siriburapha Prapai—người đã từ bỏ tước hiệu hoàng gia sau khi kết hôn với thường dân cùng chồng của mình bước vào, trò chuyện với hoàng thân đang có mặt, rồi quay sang nói chuyện với người hầu.

"Đứa trẻ này là cháu của ngươi phải không?"

Bà Buaphan vội đáp:

"Vâng, thưa phu nhân. Nó mồ côi từ bé nên hạ nhân mới mang về nuôi dưỡng."

"Liệu có sao không nếu ta muốn đưa đứa trẻ này sang Pháp cùng mình?"

"Cái... cái gì cơ ạ?"

"Ý con là sao? Con định mang một đứa trẻ không rõ lai lịch theo ư? Như thế không ổn chút nào đâu." Hoàng thân Ronarej Thewan lập tức phản đối, "Nếu con cần người hầu giỏi thì vẫn còn rất nhiều kẻ sẵn sàng đi theo. Đưa một đứa trẻ non nớt như vậy theo thì có ích gì?"

"Con đã suy nghĩ kỹ rồi, thưa cha. Con có cảm giác thân thuộc với đứa bé này. Đôi mắt nó rất sáng, trông thông minh lắm. Hơn nữa, bà Buaphan cũng chẳng thể lo cho nó chu đáo, chỉ càng thêm gánh nặng thôi. Một đứa trẻ lớn lên trong cung mà còn gầy gò thế này, nếu cứ để đói khổ mãi thì chẳng biết tương lai sẽ ra sao. Con đã bàn với anh Lutin rồi, ngài ấy cũng không phản đối. Đưa nó ra nước ngoài học hành tử tế, sau này biết đâu nó còn có thể giúp đỡ cha nữa."

"Nhưng... thưa phu nhân..."

"Sao thế? Ngươi lo cho nó sao?"

"Cũng không hẳn là vậy, chỉ là... e rằng nó sẽ gây phiền phức cho phu nhân thôi ạ. Trông có vẻ ít nói vậy chứ thực ra nó lém lỉnh lắm. Khi đã quen ai rồi thì nói không ngừng. Với lại, nó chẳng biết tiếng Tây gì đâu ạ..."

Phu nhân mỉm cười dịu dàng, nhìn đứa bé đang ngồi chống tay lên đầu gối, cúi mặt xuống như thể đã được căn dặn phải ngoan ngoãn. Bà hỏi:

"Thế nào? Con có muốn đi du ngoạn xa cùng ta không?"

Đứa bé ngẩng đầu lên, đôi mắt tròn xoe, nhưng rồi vội cúi xuống ngay khi nhận ra mình đang bị chú ý.

"Trả lời ta đi, ta muốn nghe suy nghĩ của con."

"Trả lời phu nhân đi con." Bà Buaphan vội đẩy nhẹ cậu bé.

"C... con... con không biết, thưa phu nhân." Chỉ vậy thôi. Người lớn đã dạy rằng khi được hỏi điều gì thì cứ trả lời rằng không biết, không thấy, vậy là đủ.

Hoàng thân Ronarej Thewan quan sát tình huống trước mặt rồi nói:

"Được rồi, nếu Buaphan không có ý phản đối thì cứ để thằng bé đi cùng con vậy, có người bầu có bạn cũng tốt. Ngươi cũng đừng quá lo lắng, biết đâu nó còn có cuộc sống sung túc hơn ở với ngươi nữa đấy."

"Vâng, thưa hoàng thân. Thật là ân đức lớn lao ạ."

"Ta hứa sẽ chăm sóc cháu trai của ngươi thật tốt."

"Đội ơn phu nhân đã thương xót thằng nhỏ."

"Lại đây nào."

Bà Buaphan đẩy lưng đứa trẻ về phía trước, còn mình thì cúi rạp người. Phu nhân quay sang trao đổi với chồng vài câu bằng tiếng nước ngoài rồi đưa ra một bọc vải nhỏ:

"Cái này ta tặng ngươi, xem như là lễ đáp ơn vì đã giao cháu trai cho ta."

Buaphan mở tay đón lấy món quà, rồi chắp tay cúi đầu tạ ơn. Đó là một sợi dây chuyền vàng, thứ mà cả đời bà chưa từng dám mơ có được.

"Đa tạ phu nhân đã ban ân."

Phu nhân nhìn đứa trẻ và nói:

"Ta không thích cái tên 'Choi' chút nào. Nghe cứ như con sẽ mãi nhỏ bé, không bao giờ lớn lên được vậy. Ta đặt cho con một cái tên mới nhé, một cái tên mà cả người Xiêm và người nước ngoài đều có thể gọi đúng."

Đứa bé gật đầu, nhưng lập tức bị bà Buaphan quắc mắt mắng:

"Dám gật đầu với chủ nhân như thế sao? Mau trả lời phu nhân đi!"

"D... dạ."

Phu nhân khẽ lắc đầu cười, cảm thấy mệt mỏi với bà cô này. Nếu để đứa bé sống cùng bà ta lâu nữa thì chắc nó sẽ chỉ biết sợ hãi mà không dám ngẩng đầu lên nhìn ai. Nghĩ vậy, cô bỗng nảy ra một cái tên rất hợp với khuôn mặt tươi sáng của cậu bé. Cô vươn tay xoa nhẹ mái đầu nhỏ, nở nụ cười dịu dàng:

"Rati. Từ nay con sẽ mang tên này."

Đứa trẻ có cái tên mang ý nghĩa của niềm vui và hạnh phúc ấy ngước lên nhìn người phụ nữ trước mặt, người đã trao cho nó một cái tên mới.

Không biết bao nhiêu năm đã trôi qua, mỗi khi hồi tưởng lại những ký ức ấy, cậu bé ngày nào vẫn kể lại câu chuyện của mình với niềm xúc động sâu sắc, dù người lắng nghe chẳng thể đáp lời. Đó là nỗi nhớ thương từ tận đáy lòng dành cho người đã khuất mãi mãi.

"Con sẽ mang nỗi nhớ thương của tất cả chúng ta trở về quê hương. Mẹ ơi, xin hãy tiếp thêm sức mạnh cho đứa con trai này nhé."

TBC
#Hồi_ức_của_Rati

📢 Mọi người ơi~~
Truyện này là một tiểu thuyết cổ trang lấy bối cảnh thời vua Rama VI. Đây là lần đầu tiên Ploy viết thể loại này, mong mọi người theo dõi, thả tim, thêm vào tủ sách và để lại bình luận để ủng hộ mình nhé! ❤️

Trên mạng xã hội, hãy dùng hashtag #Hồi_ức_của_Rati để thảo luận về truyện nha!

💡 Lưu ý:
• Một số từ có thể sử dụng theo ngữ cảnh mà không làm sai lệch thời đại:

"Chẳng", "Nào", "Chi", "Gì" "Chẳng phải", "Không phải" "Chỗ này", "Nơi này"

• Khi ở Pháp, nhân vật sẽ giao tiếp bằng tiếng Pháp.

(Bố Lutin biết một chút tiếng Thái / Belle có thể nói tiếng Thái.)

• Người hầu thường quen dùng từ "dạ" hoặc "bẩm". Nhưng nếu là quý tộc, họ sẽ dùng "vâng" hoặc "ạ" khi nói chuyện với nhau, hoặc "dạ" tùy thuộc vào đối tượng đối thoại.

• Khi nói chuyện với hoàng thân (hoàng tử cấp cuối cùng trong hoàng tộc), cần sử dụng kính ngữ như "thưa ngài", "bẩm ngài". Nếu là hoàng tử cấp thấp hơn (Mom Rajawongse), sẽ không dùng kính ngữ mà gọi là "Công tử" hoặc "Tiểu thư".

Rín: dịch này nhức đầu thật í tại em Rín cũng không rành lắm về mấy cái xưng hô này, chắc sẽ đi bổ túc xem mấy phim cổ trang Thái để biết thm 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top