II.
TRUYỀN THÔNG CÓ QUYỀN KẾT TỘI AI?
Sam Sheppard là một cái tên rất xa lạ ngày nay, nhưng nửa thế kỷ trước, y là "kẻ thù số một của nước Mỹ". Vào một đêm mùa hè năm 1954, Sheppard hốt hoảng gọi điện thoại cho một người bạn mình - y hoảng loạn nhận ra người vợ của mình đã bị ám hại và người y thì dính đầy máu. Y khai rằng mình bị một kẻ lạ mặt đánh gục và khi tỉnh dậy thì vợ y đã bị chặt đầu nằm trên giường. Y không có một bằng chứng ngoại phạm nào, và không có bằng chứng nào về một nghi phạm thứ ba. Một vụ án trong phòng kín.
Tình tiết ly kỳ và man rợ của vụ án khiến báo chí vào cuộc. Báo giới Cleveland (nơi vụ án xảy ra) nhanh chóng kết tội Sheppard. Một vụ án trong phòng kín, không có dấu hiệu của kẻ thứ ba, vậy còn ai có thể ra tay thủ ác? Với một không khí mà về sau Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ gọi là "như một lễ hội carnival", báo chí ra sức kết án và đòi hỏi chính quyền phải bắt và kết án Sheppard ngay. "Tại sao Sam Sheppard vẫn chưa bị bắt?" - tờ Cleveland Press giật tít. "Đừng chần chừ nữa, hãy bắt hắn ngay" - tờ báo khác đưa tin. Cảnh sát sau đó đã bắt và truy tố Sheppard.
Vụ án được đưa ra xét xử trong không khí thù địch. Bản thân thẩm phán ngồi phiên xử đó khi trả lời báo chí trước phiên tòa cũng nói rằng "hắn phạm tội, chắc chắn rồi". Một vài thành viên bồi thẩm đoàn thú nhận rằng họ đã bị báo chí ảnh hưởng ngay cả trước khi phiên xử bắt đầu. Nhưng vụ án vẫn tiếp tục và Sheppard bị kết án tù chung thân vì hành vi mưu sát vợ mình. Những gì diễn ra sau đó là một bi kịch - mẹ của Sheppard hay tin con mình bị kết án đã tự kết liễu đời mình. Bố của Sheppard mất 11 ngày sau đó vì bệnh ung thư trở nặng. Sheppard được cho phép đến tham dự đám tang hai vị thân sinh với còng trên tay. Trong cơn hoảng loạn, y đồng ý hiến thân cho y học bằng cách chấp nhận để bác sĩ tiêm tế bào ung thư vào cơ thể. Vài năm sau, bố vợ của Sheppard tự tử trong một motel ở Ohio. Cú shock của gia đình là quá lớn và nó trở thành một tấn bi kịch.
Nhưng có một người không chịu bỏ cuộc - đó là luật sư của Sheppard, William Corrigan. Corrigan dành 6 năm cuộc đời mình để kháng án cho Sheppard vì ông tin thân chủ mình đã bị "kết án trước khi phiên tòa được mở". Ông tin rằng quyền được hưởng một trình tự tố tụng công bằng (due process) của Sheppard đã không được đảm bảo vì dư luận đã bị truyền thông định hướng. Phiên xử của Sheppard hóa ra không còn dựa trên pháp luật và chứng cứ mà chỉ dựa trên kết án của báo chí và của dư luận. Corrigan qua đời giữa chặng đường và một luật sư khác thay thế ông, là F. Lee Bailey. Năm 1964, F. Lee Bailey thuyết phục được một thẩm phán liên bang xem xét lại vụ kiện. Bằng tất cả sự phẫn nộ, vị thẩm phán này gọi phiên tòa ở Ohio là "sự dè bỉu công lý" và ra phán quyết buộc bang Ohio phải điều tra lại vụ án. Vụ án sau đó được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xử và trong một phán quyết 8-1, bản án của Sheppard đã bị bãi bỏ vì Pháp Viện tin rằng Sheppard đã bị xét xử không công bằng, rằng lẽ ra bồi thẩm đoàn phải được cách ly trong suốt thời gian vụ án để tránh ảnh hưởng bởi truyền thông, và rằng thẩm phán xử Sheppard đã không công minh và vô tư khi ông bước vào phiên xử Sheppard. Ohio sau đó đã mở lại phiên xét xử Sheppard với một bồi thẩm đoàn được cách ly và phán quyết lần này đó là Sheppard "vô tội". Bailey kể rằng thân chủ của ông nói nếu y bị tuyên có tội một lần nữa, y sẽ tự sát tại tòa.
Sheppard trải qua những năm cuối đời trong thầm lặng và chứng nghiện rượu. Không ai rõ vì sao y uống nhiều như vậy. Năm 1970, y qua đời. Thi thể của y được bảo quản để phục vụ cho công tác xét nghiệm DNA trong một vụ án dân sự mà con trai của y khởi kiện nhằm chính thức xóa tan cái nhục thanh danh cho cha mình. Năm 1997, kết quả DNA cho một kết luận rằng y không sát hại vợ. Tất nhiên, đây không thể coi là chân tướng sự việc được.
Khi tôi google cụm từ "trial by media" (phiên xử bởi truyền thông), tôi thu lại được rất nhiều ví dụ về những hàm oan mà con người phải chịu do dư luận đã làm chệch hướng trình tự tố tụng công bằng. Gần đây hơn cả, Anthony Casey đã suýt nữa phải ngồi ghế điện vì mạng xã hội đã tuyên án cô giết hại con gái của mình ngay cả trước khi phiên xử được diễn ra. Ở Anh, ở Nhật, Hong Kong... những "phiên xử bởi truyền thông" cũng rất phổ biến khiến cho một số nơi, tòa án đã phải ra lệnh cấm truyền thông đưa tin về vụ án cho đến khi xử xong. Tất nhiên, phán quyết này bị chỉ trích vì nó vi phạm quyền tự do báo chí.
Thật không thể phủ nhận vai trò của báo chí và mạng xã hội trong việc phanh phui sự thật. Nhưng báo chí hay mạng xã hội rốt cuộc cũng không phải là những thẩm phán để biết đâu là tội phạm, và càng không phải là những y bác sĩ để kết luận tính mạng hay chân tướng y học của một vụ án. "Phiên xử bởi truyền thông" rất nguy hiểm vì nó kết án một nghi phạm mà không cho y có cơ hội bào chữa. Phiên xử đó không có luật lệ, không cần chứng cứ, và ai cũng là thẩm phán. Nó có xu hướng tin vào những điều ác và từ bỏ tính thiện. Đứng trước phiên xử bởi truyền thông đôi khi không chỉ là nghi phạm mà còn là gia đình, bạn bè, người thân, hay thậm chí là những người bảo vệ quyền của nghi phạm. Nó không xa lắm với định nghĩa của công lý bầy đàn (mob justice) mà chúng ta thường thấy trong những vụ trộm chó.
Nhưng vì sao phiên xử bởi truyền thông lại xuất hiện. Có lẽ có hai lý do để giải thích cho nó: (1) vì tình tiết vụ án quá ly kỳ, giật gân, hoặc (2) vì sự mất lòng tin vào các cơ quan điều tra. Một luật sư Úc từng nói rằng không thể ngăn cản truyền thông và dư luận bàn về vụ án được vì như vậy là tước bỏ quyền giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Ở nhiều quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia... chính truyền thông và dư luận đã khiến tòa án phải xử theo pháp luật. Khi thấy kẻ sát hại Jessica Lal có thể được tại ngoại, dư luận đã vào cuộc và tòa án Ấn Độ đã phải công khai quá trình xét xử và tuyên kẻ thủ ác tù chung thân. Người ta gọi đó là chiến thắng của dư luận nhưng tôi thì lại cảm thấy đó là sự thất bại của pháp luật.
Khi niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật xuống thấp, người ta chọn đến giải pháp hạ sách nhất, đó là đăng ảnh, công khai tên tuổi, địa chỉ, vợ con, gia đình của những nghi phạm và tự mình tuyên án hòng buộc cơ quan điều tra vào cuộc. Nhìn những hình ảnh đó, bản thân tôi cảm thấy rất khắt khe và chia rẽ. Tôi không biết mình phải trông chờ gì. Hành vi gây án là quá ghê gớm và nạn nhân lại quá đáng thương. Nhưng thử bình tĩnh và đặt một câu hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra sau phán quyết? Tôi không thấy một câu trả lời nào tốt đẹp cả. Vì nếu quả thật những nghi phạm kia là thủ phạm, thì thật tội nghiệp cho đứa trẻ nạn nhân. Còn nếu những nghi phạm đó vô tội, thì trời ơi, ta đã làm chi đời họ?
Tội ác thường diễn ra sau những cánh cửa khép kín và không có ai trong chúng ta biết được sự thật là gì. Qua lời kể của một người, nghi phạm hiện ra như tên ác quỷ, còn qua lời kể của kẻ khác, nghi phạm bỗng chốc trở thành một tù nhân oan sai. Vậy liệu có đúng đắn không nếu chúng ta kết án nghi phạm chỉ bằng sự tình nghi? Áp lực là một việc nên làm lúc này để một tội ác không bị bỏ qua, nhưng áp lực đó nên dành cho ai? Thiết nghĩ nó phải được dành cho những cơ quan điều tra đang không làm tròn bổn sự của mình, chứ không phải dành cho những nghi phạm?
Vậy nên chăng chúng ta bình tĩnh và ngừng những gì ta đang làm và thay đổi khẩu hiệu. Không thể đòi hỏi treo cổ những nghi phạm lên vào lúc này, hay biến cuộc sống của họ thành địa ngục, vì chúng ta không có quyền làm điều đó, và ai dám chắc những gì chúng ta nghĩ là đúng? Trái lại, chúng ta có thể chỉ ra rằng đang có một tội ác diễn ra rõ ràng và nghiêm trọng và người dân đòi hỏi sự minh bạch, công bằng của cơ quan điều tra để xác định đúng người, đúng tội. Nhiều người sẽ nghĩ như vậy là về hùa, là yếu đuối, là bênh vực với kẻ thủ ác nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, đó mới thể hiện sự mạnh mẽ của dư luận hơn bao giờ hết chống lại tội ác kinh khủng kia, và thể hiện sự văn minh của một xã hội chúng ta là người chủ. Tôi không thể chắc những nghi phạm kia có vô tội hay không, nhưng trong một xã hội ta làm chủ, chúng ta chỉ kết án một ai đó dựa trên bằng chứng và khi chúng ta chắc chắn.
Tôi viết những dòng này không mong để bất kỳ ai đó dùng để mắng chửi người khác kém minh mẫn hay tự nhận bản thân tỉnh táo. Tội ác phải bị điều tra và trừng trị - có lẽ cái khác nhau chỉ là bằng cách nào.
---
Nguồn: fb-Lê Nguyễn Duy Hậu
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top