Tết Trung thu [2]
Buổi tối, chị Mít lại đem đến cho Lục Hải một bát thuốc. Lần này nó không ăn vạ mà ngoan ngoãn uống, thỉnh thoảng nó dừng hớp, rụt cổ nhăn mặt tí thôi. Chị không giận nó nữa, còn cho nó miếng bánh bột nếp. Con bé cầm miếng bánh trắng phau, vuông vức trên tay ngắm nghía. Nom bánh lạ lắm, ngón tay bé tí của nó sờ sờ mấy đốm vàng hơi nổi trên mặt bánh, chấm chấm đưa lên mồm. Rõ là bột nếp hấp, nhưng không dính như bánh nó hay ăn ở nhà, lại hơi đanh và mẩy, mùi thơm ơi là thơm. Nó nhìn chị Mít ăn, đoạn bắt chước theo. Bánh chẳng có nhân gì cả, nó bĩu môi. Chị bật cười, nhón lấy một miếng bé bằng hai đầu ngón tay, cắn nhẹ. Đây là bánh quế hoa của chủ ông làm đấy, chị nói với nó. Thơm mùi mật ong đáo để. Hôm nay là trung thu, người ta ăn to lắm, nên khách nào chủ ông cũng đem biếu đĩa bánh. Chợt bên ngoài vọng vào tiếng hò reo làm Lục Hải giật mình, nó vội nhảy xuống giường, co chân chạy ra cửa. Ôi chao! Con bé cầm miếng bánh trên tay, ngây người nhìn khoảng sân sáng bừng ánh đèn. Những khách trọ phương Bắc ngồi quanh cái bàn gỗ to, họ vỗ tay tán thưởng một anh thiếu niên, có người đã rót sẵn thêm chén rượu. Mùi quà bánh, mùi rượu thoang thoảng bện vào gió thu.
"Chị Mít ơi, đằng kia họ ngồi chơi vui quá, hay mình ra đấy đi." Con bé rối rít, một tay kéo kéo vạt áo chị, một tay chỉ về phía những người khách.
"Hay thôi đi, đông người thế, ngại lắm." Chị Mít lắc đầu, lén nhìn lại đám người. Trong số đấy cũng có cả mấy vị phu nhân, vợ các thương buôn đến lập nghiệp ở trấn Vân Đồn. Hình như họ đã thấy hai chị em nên vẫy tay mời.
"Chú Sơn cũng ở ra rồi kìa." Lục Hải reo lên, hai mắt nó sáng bừng, nó cầm tay chị Mít kéo đi cho bằng được, luôn mồm nài nỉ. "Đi đi, đi đi mà."
Chị Mít đành đi theo con bé. Hai chị em dắt nhau đến chỗ những người khách. Mấy vị phu nhân nhích người sang một bên, nhường chỗ cho Mít và Hải. Trên cái bàn gỗ lớn, bày la liệt thức ăn và quả bưởi. Mùi rượu quế hoa lẫn trong mùi vỏ bưởi thơm ngan ngát. Người lớn dúi cho hai đứa trẻ con một đĩa bánh với mấy múi bưởi đã bóc sạch vỏ, niềm nở mời chúng ăn. Hôm nay là rằm tháng tám. Dưới ánh trăng sáng, giữa khoảng sân rộng của quán trọ, người ta chúc tụng nhau rồi lại nâng chén say sưa. Họ đang ăn rằm đấy. Chị Mít khẽ thì thầm với Hải. Con bé nhíu mày, mồm vẫn nhai nhóp nhép miếng bánh, nuốt miếng ăn ngọt mát ấy xuống bụng, nó mới hỏi chị người Tống cũng ăn rằm à.
"Có chứ. Phải ăn rằm trung thu chứ." Người khách ngồi gần đấy thoáng nghe con bé hỏi, liền nói xen vào. Đoạn ông đẩy thêm đĩa bánh cho nó ăn.
"Thế... ở quê bá có mời nhau ăn trầu không ạ?" Lục Hải buột miệng hỏi. "Ở quê cháu con gái hay mời con trai ăn trầu đấy, giống chị Cúc gần nhà cháu. Mẹ cháu bảo chị ấy làm thế để tầm chồng. Xong còn hát mấy mở hội cơ, vui lắm ạ."
Vị phu nhân lẫn người khách nghe con bé nói thì cười ồ lên.
"Quê cháu ăn rằm khác quê chúng tôi rồi." Vị phu nhân góp lời. Bà mới độ băm mươi, nhan sắc đằm thắm, giọng nói êm ái dễ nghe, mặc y phục may từ lụa thượng phẩm của người Tống nom đài các, trang nhã làm người khác dẫu mới gặp cũng dễ nảy ra thiện cảm. "Trăng thu tròn đẹp, ở quê tôi nhà nào cũng đều dâng lễ cúng, cúng xong lại cùng thưởng trăng, thế là thành lệ truyền đời."
"Bá ơi, sao phải cúng ạ?" Con bé được đà, lại hỏi tiếp.
"Trên mặt trăng có một tiên cô. Chúng tôi dâng lễ cúng để cầu bình an. Nhà nào làm nông hay đi buôn, lại càng phải dâng lễ, xin tiên cô cho gặp may." Người đàn bà uống một chén rượu, đưa khăn chấm khóe miệng. Vừa nói, bà vừa hướng mắt về phía mặt trăng.
Lục Hải và chị Mít đều học theo vị phu nhân mà ngước lên nhìn trăng, cứ như thể trên đấy thoáng có bóng dáng tiên cô hiện ra thật. Nhưng chẳng có ai cả. Có điều, con bé chợt nhận ra trăng hôm nay tròn vằng vặc, treo lơ lửng giữa trời đêm quang mây, tỏa sáng lung linh nom thích mắt hơn hẳn mọi lần. Con bé ngẩn ngơ vì chưa bao giờ nó thấy trăng đẹp thế. Năm trước hai chị em đi hội làng, chỉ mải xem múa sư tử, nào để ý đến. Nó nghiêng đầu sang bên này rồi lại nghiêng sang bên kia. Có mấy người khách ngồi quanh cái bàn cũng đương ngắm trăng giống nó, nét mặt họ man mác buồn. Bỗng ai đấy cất giọng, thanh âm nhịp nhàng, vần vò trầm bổng, nhưng cả Lục Hải lẫn chị Mít đều không nghe ra được họ nói cái gì. Hai chị em tròn mắt, xem người kia, một cậu thiếu niên gầy gò có vầng trán cao, ngâm nga xong mấy câu lạ tai. Đám khách đều chùng xuống, họ nhìn nhau rồi lại nhìn xa xăm ả trăng trên trời. Những rôm rả, náo nhiệt ban nãy giờ tạm chùng xuống, chỉ còn tiếng sáo diều văng vẳng từ đâu vọng đến. Lục Hải cũng chột dạ, con bé thở nhẹ hơn, miếng bánh đang cắn dở không dám nhai mạnh. Nó không rõ những người xung quanh sao lại trầm hẳn đi thế, nhưng nó thấy như là họ nhang nhác giống mẹ nó mỗi lúc mẹ ngồi ngoài cửa bếp buổi đêm đông, miệng nhai trầu khe khẽ. Thi thoảng, lúc nó tỉnh dậy, quờ quạng bò đến gần, mẹ sẽ ôm nó vào lòng mà hát ru cho nó nghe. Làng ta phong cảnh hữu tình. Dân cư giang khúc như hình con long... (1) Con bé bỗng xụ mặt. Bỗng dưng nó thấy nhớ mẹ. Lúc nó đòi đi theo ông, theo chị, mẹ không cho, thế là nó lăn ra ăn vạ, nhịn cả cơm suốt một ngày trời. Sau rốt, mẹ thở dài lắc đầu, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, mẹ đành cho nó đi. Đương lúc con bé chộn rộn ruột gan vì nhớ mẹ, mấy đứa trẻ con chủ ông lễ mễ bê ra thêm mấy cái đĩa nữa. Chúng nó có ba đứa, béo mầm, ăn mặc đẹp đẽ, con trai để tóc quả đào, con gái búi hai cục tròn cơ thắt dải lụa đỏ trên đầu, cơ hồ cả bọn ấy đều lớn hơn Lục Hải đôi ba tuổi.
"Các ông các bà ơi, nhà chúng cháu mời các ông các bà ăn bánh trước ạ. Bố mẹ chúng cháu thắp hương bái thần xong sẽ ra tiếp mọi người". Đứa con trai lớn nhất lễ phép. Nó đặt cái đĩa xuống bàn, ngay trước mặt Hải và chị Mít. Trên đĩa có đặt mấy cái bánh, loại thì trắng tinh, loại thì vàng rộn bóng loáng mỡ, cái nào cái nấy đều gồ lên những nét in ngoằng ngoèo. Mùi thơm ngòn ngọt của những thứ bánh ấy làm mồm con bé ứa nước dãi.
"Ái chà, chủ ông chu đáo quá, còn làm cả bánh hồ (2) cơ à?" Chú Sơn nâng chén rượu quế hoa người ta vừa rót ra lên, hít hà một hơi, vui vẻ nói với ba đứa trẻ.
"Bẩm ông, bánh này tự tay mẹ chúng cháu làm từ tận mùng năm, đến nay mới đem ra mời khách đấy ạ." Đứa con gái thứ hai khoanh tay lễ phép.
"Chú ơi..." Lục Hải nhỏ giọng, con bé ngồi nhích lại gần chú Sơn, đưa tay kéo kéo ống tay áo của chú. Mắt nó như dán chặt vào cái bánh tròn vo trên đĩa."Bánh này là bánh gì thế ạ?"
"Bánh này à? Ngày xưa vua nước họ đánh trận, đi đến đất của người Hồ, được dân ở đấy dâng bánh này. Nên đời sau có người gọi là bánh hồ. Vỏ bằng bột tiểu mạch (3), nhân nặn bằng đậu đỏ sên mật với trứng vịt muối, ở làng Đào không có đâu. Thế Hải có muốn ăn bánh không?" Chú vừa cầm dao cắt bánh vừa hỏi con bé. "Cả Hương nữa, em cũng ăn thử nhé".
Chị Mít ngập ngừng, rồi chậm chạp gật đầu. Lục Hải sốt sắng hơn, con bé tì cằm xuống mặt bàn mắt nhìn không rời những nhát dao đưa chéo bánh, hai tai nó vểnh lên nghe mấy người khách ngồi quanh bàn nâng chén khề khà. Ba đứa con nhà ông chủ đi vào nhà, một lúc sau chúng trở ra cùng thầy mẹ. Vợ chồng chủ ông cũng ngồi xuống bàn, hỏi han, trò chuyện với mọi người. Mùi bánh thơm nức mũi đậm thêm sau mấy nhát dao của chú Sơn. Chủ bà khoe khéo nhân bà làm toàn bằng những thứ kiếm mãi mới ra. Ở quê chúng tôi nhà nào chẳng trồng, phần ngon nhất cứ dành riêng ra nên sẵn lắm, sang đến đây lại thành của khó tìm. Lục Hải tò mò, con bé được chia cho một miếng bánh cắt xéo như miếng giò nhưng to hơn tí. Nó chưa vội ăn, cứ cầm trên tay hết ngắm lại ngửi thử. Lúc con bé thè lưỡi liếm thử, ngọt và thơm lắm. Nó đưa vào mồm cắn. Bánh mềm, ẩm, ngọt gắt, mỡ tươm ra hơi dính tay.
"Ngon không?" Chú hỏi con bé.
Nó mải nhai đầy một mồm bánh, đầu gật gật. Những người khách xung quanh cũng vừa ăn vừa khen chủ bà khéo làm. Chị Mít không thích ăn ngọt, chỉ bẻ miếng nhỏ ăn thử rồi cho nó ăn nốt phần còn lại. Con bé được ăn thêm miếng nữa, cười tít cả mắt. Tối hôm ấy, dù thi thoảng vẫn thấy nhớ cuộc nô đùa của lũ trẻ con trong làng hay tiếng các anh chị lớn hát hò trêu nhau, nhưng rồi nó cũng chẳng lấy thế làm buồn, vì chắc chả ai trong làng có bánh hồ mà nhâm nhi giống nó. Ăn sướng mồm xong rồi, chủ ông chủ bà còn cho Lục Hải thêm cái nữa đem đi ăn đường. Con bé mừng đến nỗi lúc về phòng, nó vẫn ôm bọc giấy gói bánh đi ngủ cùng, mặc kệ chị Mít cố quát, bắt nó đem cất vào tay nải.
*
* *
"Bẩm ông, cái này của ông dặn làm ạ."
Anh nô đặt bát chiết yêu lên bàn, lễ phép nói với chú Sơn. Lục Hải ngồi trên ghế, nó rướn cổ, tò mò xem trong cái bát kia đựng gì. Nhưng vừa thấy nó ngó nghiêng, chú đã đẩy bát đấy cho nó.
"Hải uống đi cho nhẹ bụng. Đợi ông Lãng với chị Hương... à chị Mít thu dọn xong hành lý, rồi ông con chú cháu mình ra về." Chú cười, tay cẩn thận bóc quả trứng luộc người ta vừa đem ra.
"Chú ơi, đây là cái gì thế?" Hải quệt mũi. Con bé nhìn bát, dù ngửi thấy mùi quế thơm nhưng vẫn hỏi dò.
"Cái này có sữa đông nấu với gừng, quế uống để tiêu thực." Chú đáp.
Con bé nom chú cứ là lạ, nhưng bụng dạ đang ọc ạch, nó vẫn húp thử một ngụm. Còn chưa kịp húp ngụm thứ hai, nó đã nghe thấy có người đang đứng đầu bàn. Con bé đặt bát xuống. Ôi chao... chớm thấy mặt người kia, nó cuống cuồng tuột người xuống khỏi ghế, chạy đến nấp sau lưng chú Sơn. Là ông khách nó gặp ở chùa hôm qua. Ông tìm đến tận đây bắt tội nó. Con bé sợ. Nó nấp sau lưng người khác, bồn chồn nhìn lén ông khách kia. Nhưng mà... Mắt ông ấy lướt qua nó một cái rồi thôi. Ông ấy chẳng đả động gì nó cả. Ông ấy lại nói chuyện với chú Sơn.
"Này, tao có làm gì mày đâu, nấp làm gì. Mày ngồi lên đây, tao xem có còn thò lò mũi xanh nữa không nào." Đương dở cuộc chuyện trò, ông khách vỗ vỗ vào ghế. Đoạn, ông lại hỏi thêm. "Đứa này là con cái nhà ai mà anh đèo bòng thế?"
Con bé lại đờ người ra, nước mũi nhỏ thành dòng. Nó rụt rè túm lấy ống tay áo của chú.
"Con của người quen. Cháu nó còn nhỏ, mày cứ bố bã thế, nó sợ đấy." Chú cười, vừa trấn an con bé vừa bế nó đặt lên ghế. "Cháu uống nốt đi, hôm qua ăn nhiều bánh, phải uống cái này cho khỏi đầy bụng. Tí nữa chú lại mua kẹo mạch nha cho."
"Anh tao chăm mày cứ như gà mái mẹ chăm con ấy nhỉ. Đâu tao xem nào, đang ăn cái gì thế?" Ông khách bật cười lớn, sẵn tay nhón lấy quả trứng gà trên đĩa, đập nhẹ mấy cái xuống mặt bàn. Thấy cái bát chiết yêu để trước mặt con bé, ông ấy cứ tủm tỉm. "À, uống cái của này à..."
"Để yên cho nó uống. Sắp làm bố trẻ con đến nơi rồi mà vẫn còn thích trêu trẻ con." Không đợi ông khách nói dứt câu, chú gắt lên.
Lục Hải ngồi giữa hai người lớn, nó vểnh tai nghe không sót lời nào. Đột nhiên, nó không dám uống thêm nữa. Ông khách cứ dọa, nó chỉ muốn khóc òa lên thôi. Mà rốt cuộc nó khóc thật.
"Tao bảo này, cái này nhé, là người ta mổ bụng con trâu, rồi lấy nước từ... trong ruột nó ra nấu đấy (4)." Ông khách cười to hơn, tay bóc nốt mảnh vỏ trứng.
Con bé nghe đến ruột trâu càng khóc to hơn. Chú Sơn dỗ nó, vừa dỗ vừa quay ra mắng ông khách.
"Mày... thằng kia, mày im ngay. Nó khóc rồi đây này." Chú nghiến răng nghiến lợi.
"Ơ kìa, đúng thế còn gì. Em có nói điêu đâu." Ông khách đủng đỉnh bỏ tọt quả trứng trắng nõn nà vừa bóc xong vào mồm. Thấy con bé khóc đến khản cả tiếng, nước mắt nước mũi thi nhau chảy lem nhem, ông ấy nhăn mặt. Đoạn, ông hắng giọng quát. "Nín. Tao bảo nín."
Lục Hải giật mình. Nó im bặt. Mắt mở to nhìn ông khách. Dẫu cổ họng vẫn còn nấc từng đợt, nhưng nó sợ ông quát nên không dám thút thít nữa.
"Ai đánh đòn mày chưa mà khóc lóc ầm ĩ lên thế." Con bé bệu mồm, định khóc tiếp. Ông khách nghiêm mặt, nó lại im. Rồi ông ấy đột nhiên lấy ra trong tay nải một con sư tử bằng gốm men xanh (5). Con bé trố mắt. Ông đẩy con sư tử về chỗ nó. "Đây, nín đi, tao cho cái này, cầm về mà chơi."
Con bé ngước nhìn ông khách, rồi nhìn sang chú Sơn, sau đấy lại nhìn về con sư tử bé bằng nắm tay người lớn. Chú Sơn giục nó cầm lấy, nó khoanh tay xin, rồi rón rén cầm lên ngắm nghía. Con sư tử nhe răng, nhưng nom mặt nó chẳng có gì hung dữ. Lục Hải xoa xoa sư tử, vuốt ve hai cái tai nhú lên, toàn thân nó bóng loáng, mát lạnh, còn có màu xanh nhàn nhạt rõ đẹp.
"Kinh nhỉ, cho nó cả cái này, chẳng trách con Thiều cứ mách với tao là độ này có đứa hay vung tay quá trán." Chú nhường nốt cho ông khách quả trứng mình vừa bóc. "Đây, nể tình em không trêu con bé khóc nữa, anh mời em xơi quả trứng."
"Có thế này thì đã là gì mà tiêu hoang? Con Thiều chỉ được cái học theo tính mẹ, tí tuổi đầu mà như bà cụ non, khéo sau này nó vắt cổ chày ra nước đấy." Ông khách bĩu môi. Nói rồi ông lại chăm chú ăn nốt quả trứng cuối. Lục Hải nhẩm đếm trong đầu, anh nô đem ra có ba quả, ông ấy ăn ráo cả ba.
Chú Sơn im lặng nhìn ông khách ăn, còn Lục Hải giờ mải nghịch con sư tử. Thi thoảng chú ậm ừ định nói gì đấy, nhưng rồi lại thôi. Đến khi ông khách ăn hết sạch mấy quả trứng luộc, chị Mít cũng cất tiếng gọi í ới bên ngoài. Bố con chị đã thu xếp xong hành lý, đang đứng đợi hai chú cháu ở dưới đường. Lục Hải đặt con sư tử xuống bàn, vội chạy ra bậu cửa đáp lời. Đoạn nó lại chạy vào, túm tay áo chú Sơn giục giã.
"Anh..." Chú ngập ngừng nói với ông khách.
"Gớm, anh tôi nay lại ủy mị như đàn bà thế." Ông khách lại châm chọc thêm câu nữa. Nhưng rồi ông ta thở dài, nét mặt ông nom như đã gợn mấy phần lưu luyến. "Thôi, anh đi đi cho sớm. Em thấy anh khỏe mạnh thế này là tốt rồi. Lần sau, anh về kinh, anh em mình hàn huyên thêm."
Chú Sơn phì cười. Chú đưa con sư tử cho Hải, rồi dắt con bé rời khỏi quán trọ. Trước lúc hai chú cháu đi xuống cầu thang, chú ngoái lại nhìn ông khách trẻ măng kia. Nó thấy chú như buồn buồn. Ông khách cũng thế. Dẫu ông cứ giục chú Sơn đi sớm cho mát trời, nhưng tận đến lúc xuống đường, nó vẫn thấy ông ấy đứng trên tầng hai, dõi mắt theo chú.
"Chuyến này Hải đem về tay nải to thế." Chị Mít bế nó ngồi lên lưng con la, suýt xoa tay nải nặng đáo để. "Nhớ nhà, nhớ mẹ Lan chưa?"
Lục Hải gật gật đầu. Nó nhớ nhà, nhớ mẹ lắm rồi, giờ nó phải về thôi.
Chú giải & lưu ý của người viết:
(1) Trích lời hát ru cổ.
(2) Có nhiều sự tích lý giải tên gọi của bánh trung thu, truyện sử dụng sự tích Đường Thái Tông được người Hồ dâng bánh nên gọi bánh này là bánh hồ được đề cập trong cuốn "Chinese festivals: Traditions, Customs and Rituals" của Wei Liming, bản dịch của Yue Liwen & Tao Lang. Trước thời Minh, phong tục ăn bánh trung thu chưa phổ biến. Do đó, loại bánh mà ngày nay gọi là bánh trung thu, có lẽ chưa thật sự được phổ biến và gắn liền với trung thu vào thời điểm trước đó để hình thành tên gọi gắn đặc trưng như vậy.
(3) Lúa mì.
(4) Món ăn này được nhắc đến trong cuốn "Lĩnh biểu lục dị" của Lưu Tuân, một viên quan dưới thời Đường Chiêu Tông. Quyển thượng của sách có đoạn miêu tả người phương Nam thích ăn thịt trâu, khi ăn hết thịt thì dùng loại cỏ đã tan trong bụng trâu (thánh tê) nấu với sữa đông, cho thêm muối, quế và gừng thành món ăn giúp tiêu thực, chữa chướng bụng.
(5) Hình con sư tử giống như thế này (ảnh do người viết chụp):
Tài liệu tham khảo:
1. China's Mid-Autumn Day, Yang Lemei, Journal of Folklore Research, Vol. 43, No. 3 (Sep. - Dec., 2006), pp. 263-270.
2. Chinese Festivals: Traditions, Customs and Rituals, Wei Liming, bản dịch của Yue Liwen & Tao Lang, China Intercontinental Press, 2010.
3. Lĩnh biểu lục dị (岭表录异), Lưu Tuân (刘恂).
4. So sánh Tết Trung Thu giữa Việt Nam và Trung Quốc (越中中秋节对比), luận văn tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc của Vũ Thị Ngà, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
5. Thương cảng Vân Đồn, Đỗ Duy Ninh, NXB Thanh Niên, 2004.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top