Mùa gió chướng
Gió chướng thổi là báo hiệu trời sang đông. Những cơn mưa thưa dần. Trong màu nắng của mùa đông vẫn có chút se lạnh đeo bám trên vai.
Vậy đó, nhưng đám trẻ con ở thôn quê đứa nào cũng thích mùa gió chướng. "Những người già thì khó chịu trong người chứ trẻ con thì mau lớn...", tôi thường nghe người lớn nói như thế.
Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên đỏ ửng, tôi vẫn còn nằm trong chiếc chăn ấm lăn qua lăn lại và không hề có ý định rời khỏi giường. Má tôi kêu năm lần bảy lượt, "Dậy đi, trễ rồi đó Mén. Mèn ơi, bây lăn tới lăn lui tới bao giờ mới đến trường đây? Dậy đi, trễ học rồi đó!". Nghe tiếng của má, tôi lười nhát chui đầu ra khỏi cái chăn và nói vọng lên: "Má cho con ngủ thêm 5 phút nha má! 5 phút con dậy liền!" , tức thì, tôi nghe tiếng dép của má lẹp xẹp trên nền nhà được lót bằng gạch tàu và cả tiếng vút vút trong gió quen thuộc. Má tôi đập lên giường bèm bẹp và hỏi: "Bây giờ bây muốn tự dậy hay ăn đòn rồi mới chịu dậy đây hả? Bây nói cho tao nghe!". Má thường dọa thế nên riết tôi nhờn và quen tai. Nhưng bản tính của tôi vốn nhát và sợ đòn đau nên tôi bật nhanh như lò xo và nũng nịu, "Má cất roi vô đi. Con dậy rồi!". Má tôi nghe thế thì phì cười, má trêu: "Thức muộn, có ngày má đánh cho đấy! Dậy và chuẩn bị đi học này! Trễ rồi đó con Mén (Mắm)!".
Tôi ra sau nhà vệ sinh cá nhân. Hàng cây so đũa ở sau nhà đang nở những chùm hoa một màu trắng như tuyết, đôi chùm có màu tim tím thật đẹp. Còn giàn đậu rồng của tía tôi trồng thì đang trổ bông trắng, bông xanh xinh lung linh. Ong, bướm vờn quanh những cánh hoa nở xung quanh tạo thành một bức tranh thiên nhiên đủ màu sắc. Tôi mãi mê nhìn cảnh sắc thiên nhiên và quên đi nhiệm vụ của mình, bỗng tôi nghe tiếng Vút rõ to. Tôi nhìn ra sau thì thấy má đang chống hai tay lên hông, tay thì cầm chiếc roi đứng cạnh tôi. Tôi mếu máo nhìn má. Má tôi liền mắng: "Khóc cái gì mà khóc? Nín dứt liền cho má!" thế là đứa tôi liền nín bặt nhìn má bằng đôi mắt sợ hãi.
Má dẫn tôi lên nhà nhà trên ăn sáng. Một tô phở thơm lừng, nóng hổi, đang được sắp xếp sẵn ở trên bàn. Tôi thèm đến chảy cả dãi. Nước lèo óng ánh, bò viên đầy tô, hủ tiếu thì ít, tôi thích thú nhìn má rồi nhìn sang bên cạnh. Tôi hỏi: "Tô của tía với má đâu?" thì má tôi cười và nói, "Má với tía bây ăn rồi. Bây ăn đi. Ăn xong vô tao xức dầu cho rồi thay đồ đi học.". Tôi tù tì ăn hết cả tô, húp hết cả nước lèo vừa thơm vừa béo và tấm tắc khen ngon. Má nhìn tôi và cười, tôi "ăn kiểu gì mà tương dính đầy mặt". Tôi lấy tay định quệt ngang thì bị má chụp lấy và khẽ cho một cái rõ đau, má mắng nữa đùa nữa thật , "Con gái con đứa, ẩu thế thì ai ưng? Ê sắc ế đó nghe chưa con?". Tôi nhìn má và trả lời: "Má khéo lo. Có tía má ưng con là được rồi!". Má cốc nhẹ lên đầu tôi: "Khéo nịnh!".
Má kéo tôi vào phòng thay đồ và lấy chai dầu gió xức lên lằn roi đỏ hồng phớt ngang trên đôi mông bé tí. Má nói: "Lần sau còn thế nữa má đánh nát đít đó nghe chưa?". Tôi im lặng vì tôi nghĩ má chỉ nói đùa.
Những đứa trẻ trong thôn cùng rủ nhau đi đến trường. Chúng vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, đùa giỡn với nhau. Tôi ước tôi được đi cùng bọn chúng. Má tôi là cô giáo, nên mỗi khi đi học hay đi về, má đều chở tôi vì vậy, chẳng bao giờ tôi có cơ hội đi cùng với bọn chúng. Tôi mãi dõi theo chúng mà chẳng hay má vẫn quan sát mình từ nãy giờ. Má đánh tiếng: "Con muốn đi cùng các bạn à?". Tôi dạ một tiếng nhỏ nhẹ và thăm dò ý của má, "Tan học, má cho con đi với bạn được không má?". Má gật đầu và nói: "Phải cẩn thận đấy nhé! Đi học về, không được la cà đâu đấy!".
Hai hàng so đũa bên đường cũng đang trổ hoa giống phía sau nhà tôi. Cây me to đầy ắp trái xanh leo lẻo, cây bưởi, cây mận cũng đang ra trái, các luống cải thì xanh mơn mởn. Dưới bến sông, 10 cây dừa nước thì đã hết chín cây có trái to, cơm dày có thể ăn được. Những con cá rô phi đen nhảy lên đớp bông lúa rèn rẹt thích mắt. Tôi liền nói với má: "Quê mình đẹp quá má!", má liền nói : "Quê mình không đẹp thì không có nơi nào đẹp đâu con ạ! Đi đâu cũng phải nhớ quê, nghe con! Giàu hay nghèo cũng là quê mình,...". Má nói, tôi vẫn nghe, nhưng trong đầu tôi lại có một kế hoạch khác. Tôi cười một cách gian, và búng tay cái chóc. Má dừng xe lại và dặn: "À mà này, tan học, về thẳng nhà chứ không đi chơi nhé! Má biết con đi chơi má đánh đòn ráng chịu à!". Tôi dạ rồi miên man nghĩ đến những kế hoạch sau giờ học.
Các tiết học nhanh chóng trôi đi. Tôi đến rủ tụi bạn cùng về. Đi ngang những chỗ hồi sáng, tôi gợi ý: "Hay là mình đi bẻ cái gì ăn đi!". Thằng Thành nhiệt tình hưởng ứng, "Tao thấy cũng đói bụng rồi. Hay mình theo lời nhỏ An, kiếm gì ăn đi tụi bây!". Nhỏ Thương liền hỏi: "Những mà tụi bây muốn ăn gì?". Thằng Quý do dự: "Nhưng tao chưa xin phép má!". Tôi nói: "Xời ơi, mày là con trai mà lo gì? Đi theo tao. Tao biết vài chỗ vui lắm!". Thế là cả đám, tôi và nhỏ Thương cùng thằng Thành, thằng Quý kéo đi.
"Lúc sáng, má tao chở tao đi học. Tao thấy .... "
Tôi luyên thuyên kể những thứ mình đã thấy được cho tụi nó nghe. Tụi nó mắt chữ A, mồm chữ O ngạc nhiên, rồi thằng Thành hỏi:
"Tụi tao đi hoài mà có thấy gì đâu?"
"Giờ tụi bây đi không?" - tôi hỏi.
"Đến đây rồi không lẽ đi về?" - nhỏ Thương nói
Đi một đoạn thì đến bến sông. Dừa nước 10 cây thì hết 9 cày đã trổ quầy, trái dừa nước nhìn là biết ngay cơm vừa ăn. Tôi dừng lại và hỏi:
"Tụi bây ăn dừa nước không? Ăn thì tao xuống bẻ cho"
Nhỏ thương lo lắng:
"Thôi đi! Nước lớn rôi! Mày có gì thì chết tụi tao."
"Tụi bây chết chắc là tao còn sống?" - tôi nói.
Thằng Quý nhẹ nhàng bảo:
"Thôi, An xuống dưới nguy hiểm lắm! Mình đi chỗ khác đi!"
"Ừ!"
Đi một đoạn thì tôi thấy cây bưởi, cây mận đang ra trái ở trong khuôn nhà người ta. Tôi reo lên thích thú:
"Ê, tụi bây thấy gì chưa?"
"Thấy gì?" - Thằng Thành hỏi.
"Tao cũng có thấy gì đâu?" - Nhỏ Thương nói.
"Mình cũng vậy!" - Quý nói.
"Trời ơi, cây mận, cây bưởi quá trời trái kìa. Mà trong nhà cũng hổng có ai. Tụi mình trèo vô hái đi!"
Thằng Quý sợ sệt:
"Thôi, không được đâu! Như vậy là ăn cắp. Không được đâu An à!"
Tôi bĩu môi:
"Quý này, thật tình, cậu có phải con trai không vậy? Nhát như thỏ đế ấy!"
"Quý..." *ngượng ngùng, đỏ mặt*
"Rồi, bây giờ tao bẻ. Đứa nào đi với tao không?"
"Tao, tao"
Cả nhỏ Thương và thằng Thành đồng thanh.
Tôi chỉ:
"Thương canh chừng chủ nhà. Thành theo tao!"
"Cho thằng Quý ở đây là được rồi! Mày cho tao theo với!"
"Thằng Quý nó nhát, nó canh, thấy chủ nhà nó chạy ra xin lỗi người ta thì chết cả lũ. Chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này" "
Nhỏ Thương nghe rồi gật gù thấy có lí và chịu canh chủ.
Tôi với thằng Thành trèo vô. May là nhà không có chó. Thằng Thành nó leo lên bẻ và kêu tôi đứng chụp mận. Nhìn nó leo thoăn thoắt, hái rồi thảy xuống nhanh chóng, tôi cũng trèo lên cùng nó. Nhìn thấy tôi, thằng Thành trợn mắt hỏi: "Mày có phải là con gái không?"
tôi trả lời: "Nếu không thì sao?"
Thằng Thành ấp úng chẳng nói lên lời.
Trái mận đỏ au, ngọt lịm, ăn vào mát cả ruột gan. Thằng Thành hái cho tôi, tôi thảy xuống cho nhỏ Thương và thằng Quý chụp. Chụp được bao nhiêu, nhỏ Thương đều cho vào mồm ăn hết và khen lấy khen để. Còn thằng Quý, cứ 3 trái thì nó hụt hết cả 3. Tôi với thằng Thành nhìn mà phát rầu. Cuối cùng, chúng tôi quyết định bẻ mận rồi cho vào cái nón của thằng Thành, định bụng tí sẽ đem xuống cho hai đứa nó.
Bất chợt, nhỏ Thương đưa hai tay đánh dấu hình chữ X. Mặt thằng Quý thì tái xanh, tinh thần hoảng loạn. Thằng Thành đoán là chủ nhà về, nên chúng tôi trèo tít lên ngọn cây trốn. Nhỏ Thương và thằng Quý cũng núp vào bụi cây gần đó. Nhìn thấy mận vương vãi khắp sân, chủ nhà nhìn lên cây và nói:
"Có hai con khỉ đi lạc trên cây mận!"
Len lén nhìn xuống, hỡi ôi, chủ nhà chính là bạn của mẹ tôi. Tôi vỗ trán rồi nói nhỏ với thằng Thành.
"Ăn trộm nhà người quen!"
Nó há hốc mồm hỏi:
"Hả? Mày nói cái gì?"
Tôi chặn miệng nó lại:
"Nhỏ thôi, trời ơi!"
"Mà đó là ai vậy?" - thằng Thành hỏi - "Mày quen với ổng à?"
Tôi nhăn mặt:
"Mày hỏi nhiều quá à! Mệt ghê! Ổng thấy rồi. Hai con khỉ, ý nói tao với mày đó! Hai đứa kia vẫn chưa bị phát hiện."
"Chắc tụi nó chuồn rồi!"
"Sao mày biết?"
"Mày tự xem đi!"
Ở bụi cây chẳng còn ai, vắng tanh, không một bóng người.
"Tụi nó đi khi nào? Mày biết không?" - thằng Thành hỏi.
Tôi lắc đầu.
"Khi chủ nhà phát hiện ra tao với mày ở trên cây."
Tôi im lặng.
"Thôi, mình xuống đi. Dù gì cũng lỡ rồi!" - Thằng Thành nói - "Ở đây lát kiến cắn bây giờ?"
"Ừ!"
Thằng Thành và tôi leo xuống. Chủ nhà lấy cây sào ra và đưa cho chúng tôi:
" Tụi con muốn hái mận thì phải xin phép chủ nhà. Không được tùy tiện vào nhà người ta biết không? Nhỡ tụi con vào nhà kẻ xấu thì sao? Đây, cầm lấy cây sào mà hái. Hái tới không? Không thì thầy hái giùm cho rồi đem về mà ăn"
Hai đứa tôi cười gượng, xin lỗi và xin phép ra về.
"Nhỏ An phải không?"
Tôi gãi đầu và quay lại. Thằng Thành nắm tay trấn an tôi. Tôi đáp nhẹ:
"Dạ..."
"Má Phượng của con vẫn khỏe chứ? Và cả tía con nữa?"
Tôi gượng cười:
"Dạ, má con vẫn khỏe, tía của con cũng vậy!"
"Con vẫn nhớ thầy chứ?"
"Dạ... Con nhớ..." - tôi gượng gạo trả lời - "Thưa thầy con xin phép về!"
"Để thầy gọi cho má đến chở con về!"
"Dạ thôi thôi, con tự về được. Con xin phép ạ!"
Tôi kéo tay thằng Thành chạy đi về.
Trên đường về, chúng tôi lại thấy hàng me đầy ụ trái. Trái me xanh lè chỉ nhìn thôi cũng đủ tê cả lưỡi. Tôi chỉ về phía ấy và nói với Thành:
"Tao thèm me chua. Mày bẻ cho tao đi được không?"
"Không!" - Thành khẳng định chắc nịch - "Mày quên vụ mận rồi à? Lỡ bẻ nhầm nhà người quen thì sao?"
Tôi trùng xuống:
"Ừ, vậy thôi!"
Tiếng "cuốc cuốc" vang lên. Mùa gió chướng, chim quốc quốc theo về bên các bụi cây, bụi rậm dọc theo dòng sông. Tụi con trai trong xóm chặt những nhánh tre và chạy theo để bắt chim. Mình mẩy đứa nào đứa nấy đều dính sìn, ám cả mùi phèn lên cả người. Những đứa trẻ khác thì hiếu động, trèo lên những cây me và bẻ những trái me xanh lè thảy xuống cho chúng tôi:
"Cho tụi bây nè, ăn đi, đừng ngại"
"Cảm ơn mày nha!" - Thành nói.
Thành đưa cho tôi quả me. Tôi cảm ơn rồi bẻ ra ăn. Me chua đến nỗi tôi phải nhăn mặt, càng ăn thì càng thèm, càng muốn ăn thêm. Thằng trên cây nó nói vọng xuống:
"Ăn chua nhiều không tốt. Thèm thì ăn 1 trái thôi! Tụi bây ăn dừa nước không? Tao đi chặt cho tụi bây ăn!"
Tôi và Thành đều gật đầu.
Cậu nhóc thoăn thoắt phóng xuống đất, tóm lấy cây dao và len lách ven sông đốn hạ một quầy dừa rồi đem lên bờ. Cậu bé làm thuần thục đến tôi và Thành ngạc nhiên. Nhìn đôi tay khéo léo, tách, chặt, cạy cơm dừa, tôi không tin đây là chuyện mà một đứa trẻ cỡ tuổi tôi làm được. Nó mời tôi và Thành. Đưa miếng dừa lên miệng nhai, tôi buộc miệng hỏi:
"Bạn bao nhiêu tuổi?"
Cậu bé trùng xuống:
"Không chắc. Tao tầm 7, 8 tuổi gì đấy! Tụi bây đi học sao không về nhà?"
"Tụi tao đang trên đường về! Sao mày không đi học?" - Thành hỏi.
"Sao mày biết tao không đi học?"
"Nhìn là biết!"
"Ừ. Tại vì... Tao biết, đi học phải có tiền. Cho nên, tao... tao tranh thủ mùa này chặt dừa nước với đi bắt cá linh bán . Đến Tết thì tao đi bán trái cây cho người ta. Bao giờ đủ tiền thì tao đi học."
"Mày thích học không?"
"Nhìn tụi bây đi học vui vẻ, tao thích lắm!"
"Học mệt lắm! Cả chán nữa!" - Thành nói
"Vẫn đỡ hơn đi kiếm từng bữa ăn" - cậu bé nói.
Cả ba đều im lặng.
"Tụi bây muốn ăn cá không? Tao bắt cho tụi mày ăn?"
"Tụi tao no rồi! Cảm ơn mày nha!" - Thành nói.
Tiếng gió chướng se lạnh thoang thoảng mùi mới. Cả không gian bị phá tan bởi tiếng gọi của tía má tôi và cả tiếng của má thằng Thành. Thằng nhóc đứng lên và bỏ chạy một mạch. Tôi và Thành chưa kịp hỏi tên, hỏi địa chỉ thì nó đã chạy mất hút. Má tôi bình tĩnh và hỏi:
"Trưa lắm rồi sao tụi con không chịu về?"
"Dạ thưa cô/má."
"Đi về nhà!" - má thằng Thành lên tiếng.
Tía chẳng thèm nhìn mặt tôi một lần. Tía quay mặt đi và đi về. Má nhìn thấy phía sau là sông thì liền đổi sắc mặt. Nhìn thầy cả quầy dừa nước đang ăn dở, má tôi và cả má thằng Thành giận tím mặt. Chúng tôi cúi đầu chẳng dám ngẩng mặt lên và không dám nhìn má. Cả hai đứa lủi thủi theo về. Tôi nhìn và tìm hình bóng của cậu bé xa lạ kia mà chẳng thấy. Phải chăng là nó ngại hay là thế nào? Tôi rất muốn biết nhiều hơn về nó.
Về đến nhà, má bắt tôi nằm cúi trên tấm phảng bên góc nhà. Má đứng bên cạnh và nhịp nhịp roi hỏi tội. Mỗi làn má nhịp, má đều hỏi một câu, trả lời xong, má đánh một roi và lại nhịp tiếp.
Má hỏi:
"Sáng con xin má đi đâu?"
Tôi trả lời:
"Dạ, con xin má cho con đi về cùng bạn học."
Má tôi lại hỏi:
"Vậy bạn học con gồm những ai?
"Dạ, bạn con là nhỏ Thương, thằng Thành với cả Quý."
"Nhưng má chỉ thấy con đi với Thành, con nói dối má phải không?"
"Dạ, con không dám."
"Hai đứa bạn còn lại của con đâu?"
"Dạ, bạn về trước rồi ạ!" - tôi thút thít trả lời.
Má lại hỏi:
"Bạn đã về sao con lại không về? Lại ra bờ sông chơi, con có biết nguy hiểm lắm không?"
"Dạ con biết ạ. Tại tụi con đi bẻ mận nên..."
"Má đã nghe thầy Thanh nói chuyện này! Má có dạy con đi bẻ mận nhà người khác hay không?"
"Dạ... không... con xin lỗi, con không dám nữa!"
"Con trèo như thế rồi té, gãy tay gãy chân, vừa khổ cho mình, vừa làm khổ cho cha mẹ. Tội này má đánh con 5 roi. Con nhớ thật kĩ cho má!"
Vút Vút Vút Vút Vút
Năm roi chậm rãi rơi xuống, tôi đau đến oằn cả người. Má nói: "Còn tội nói dối, má cho nợ. Đi ra sau rửa mặt rồi ăn cơm."
Tôi từ từ leo xuống và khoanh tay xin lỗi má. Mặt mũi tèm lem nước mắt, má vẫn không thương, má nói : "Nín dứt! Đã sai còn khóc à?"
Tôi đi ra sau nhà rửa mặt. Tía tôi đã đứng đợi ở đấy từ bao giờ. Thấy tía, tôi òa khóc. Tía đến và nắm tay tôi đi ra cái lu nước và múc nước rửa mặt. Bàn tay của tía chai sần, làm rát cả mặt. Tía im lặng không nói gì. Chỉ lặng lẽ giúp tôi rửa mặt và dắt lên nhà. Tía bảo:
- Xin lỗi má đi con!
- Con xin lỗi má, con không dám nữa!
Má tôi dẫn tôi vào phòng và hỏi:
"Má đánh con có đau không?"
"Dạ, đau.."
"Đau thì phải nhớ nghe chưa? Đây, má xức dầu cho. Sáng bị đòn rồi vẫn không sợ. Con không về nhà, má lo lắm!"
"Dạ, con xin lỗi!"
Má mỉm cười.
"Ra ngoài má dọn cơm cho ăn. Tía con lo cho con, không biết có gì không mà con chưa về, tía con vẫn chưa ăn đấy. Con mới 8 tuổi thôi đấy! Con không được làm tía, má lo nữa nghe chưa?"
"Dạ."
Má dọn cơm lên. Mùi canh chua bông lên thơm phức. Tôi hít hà mùi canh chua má nấu mà thấy thèm. Món canh chua cá linh ăn cùng bông so đũa là ngon "hết sẩy". Má lại dọn thêm món cá heo kho khô có hành, tiêu, tỏi, ớt và cả tóp mỡ thơm "sực nức" ăn cùng đậu rồng giòn, nhẫn nhẫn rất ngon và "bắt cơm". Má gắp cho tôi con cá, tía cho thêm so đũa, rồi cá kho. Cả nhà cùng ăn uống vui vẻ sau "trò chơi cút bắt" của chúng tôi.
Tuổi thơ cứ ngày một dần trôi theo dòng quay của năm tháng. Mỗi năm một lần, tôi đều đặn về thăm tía má, thăm quê hương, thăm cả cây so đũa đang ngày càng rũ xuống, thân cây đang dần úa tàn và những chồi non dưới gốc cây đang nhú lên, chuẩn bị một cây so đũa mới. Cây cũng như con người, cũng phải chịu chấp nhận những quy luật của thời gian..
Tía và má bây giờ cũng đã hóa thành cánh cò, cánh vạc bay về trời. Trở về căn nhà thời ấu thơ, bây giờ đã lạnh tanh và không một bóng người, bụi đóng khắp nơi. Ngồi vào cái bàn xưa, tôi thấy hình ảnh của tía má cũng tôi đang cùng ăn uống vui vẻ bên món lẩu mắm cá linh thơm nức mũi. Tôi bây giờ cũng lao vào những công việc lo toan vì chén cơm manh áo giữa cuộc sống đời thường. Đôi khi thèm được quay về cái thuở hồn nhiên đầy ắp những niềm vui của tuổi thơ.
Dòng sông tuổi thơ trôi qua êm đềm. Một mùa gió chướng lại về. Hình ảnh những đứa trẻ hiếu động như chúng tôi trèo cây, bắt cá, chặt dừa...; những buổi trốn ngủ trưa đi thả diều, đi chơi ô ăn quan hay lò cò chẳng còn nữa. Đi đâu, tôi cũng thấy mỗi đứa trẻ đều chú tâm vào chiêc smartphone cho đến tablet chơi game. Các lớp học thêm mở nhiều vô số kể. Đứa nào cũng nhìn đời qua màn hình cùng hai mảnh đít chai dày cộm.
Cuộc sống cứ đẩy xô tôi đi về phía trước. Bởi phía trước mới là thực tại, là tương lai. Nhưng không ai có thể phủ nhận ở phía sau của mình vẫn có một khoảng trời tuổi thơ đáng nhớ...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top