Phận đàn bà

Mấy ngày sau khi mẹ Nhâm mất, Nhâm trông gầy đi hẳn. Mới hôm nào gương mặt trái xoan vẫn còn trắng trẻo và bầu bĩnh, nay đôi gò má đã hốc hắc, hai mắt sưng húp lên vì khóc nhiều. Người ta thấy nó chiều nào cũng ngồi bần thần trước thềm cái nhà phên nứa, ánh mắt vô hồn nhìn ra xa xăm, giống như mẹ Nhâm ngày trước. Ai cũng xót thương cho bà hai mệnh khổ, một đóa hoa sen diễm lệ từng được bao trai tráng trong làng săn đón. Nhâm – cô con gái độc nhất giống y hệt mẹ mình, từ mái tóc, nước da cho đến cả vóc dáng dong dỏng cao và giọng nói ngọt như mật rót vào tai. Người ta càng thương tiếc bà hai thì lại càng mong muốn Nhâm đừng đi theo vết xe đổ ấy để rồi chịu phải chịu bốn chữ "hồng nhan bạc phận".

Nhâm sinh ra đúng ngày rằm tháng hai. Hôm ấy tiết trời vẫn còn giá rét, lại còn có cả mưa phùn rả rích từ sáng sớm đến tận đêm khuya chưa dứt. Gió rít lên thành từng đợt, lạnh buốt đủ để khiến bất cứ người khỏe mạnh nào cũng điêu đứng. Thế mà ông Tư-gỗ, thầy Nhâm đâu có buồn để tâm đến những chuyện ấy! Ngày nào ông được trịnh trọng mời đi nhậu với mấy ông tai to mặt lớn trong làng thì ngày đó luôn luôn đẹp đẽ và tốt lành hơn bất cứ hôm khác. Vậy là ngay cả khi ánh sáng yếu ớt ban ngày vẫn chưa rời khỏi cái làng hẳn, ông đã khăn áo tươm tất ra đình.

"Còn ai trong xã này sướng hơn ông Tư-gỗ nữa. Có hai bà vợ hòa thuận, sắp tới lại còn chuẩn bị đón con trai đầu lòng."

"Ôi giời!" Ông Tư trông sướng ra mặt, nhưng phải giả vờ giữ kẽ. "Con cái là trời cho. Tôi chỉ mong cho bà hai mẹ tròn con vuông là mừng lắm rồi!"

Nói xong ông lại nâng chén rượu lên mời từng người, ngực cứ ưỡn ra và gương mặt ra vẻ kẻ cả.

Oái oăm thay, ngay giữa cái lúc ông Tư- gỗ đang say sưa chuyện trò với mấy ông bạn nhậu về những đủ thứ trần đời, bà hai bất chợt chuyển dạ. Số bà cũng đến khổ! Bà nằm trong một cái gian phòng ọp ẹp gần cái kho cũ ở tít tận ngoài ngõ nên tiếng í ới kêu giúp cũng chẳng to hơn tiếng muỗi vo ve ở nhà trên. Lúc ấy đương canh hai, trời tối mịt mù như hũ nút và mưa phùn thì vẫn cứ kéo đến cùng với những cơn gió cắt xé da thịt. Kể mà thằng ở hôm ấy không đau bụng đi ngoài ở vườn thì có lẽ cả hai mẹ con cũng tận mạng trong sự đau đớn và cô độc cùng cực đêm ấy rồi.

"Bà cả, dậy đi bà." – Huệ lay người đang say giấc nồng trên giường một cách khẽ khàng nhất như lay một bà hoàng. Kể ra cũng đúng, vì quyền hành của bà trong nhà cũng chẳng kém cạnh ông Tư là bao. "Bà hai sinh rồi."

Mới đầu bà Tư còn hơi ngái ngủ, nghe đến hai chữ "sinh rồi" thì lập tức ngồi bật dậy như bị ai đá vào bao tử một cái đau điếng người. Bà gấp gáp hỏi:

" Trai hay gái?"

"Con gái bà ạ."

Bà cả thoáng im lặng trầm tư như thể đang chờ cho cái tin vừa rồi chạy lên đến đầu. Sau một lúc, bà mới trấn tĩnh và bảo Huệ:

"Đã gọi người ở trong nhà dậy cả chưa? Nhớ cho người gọi cả ông nhà ở đình về, khoan hãy báo tin, cứ bảo có việc gấp. Đi ngay đi."

Huệ hiểu ý, dạ một tiếng lấy lệ rồi chạy vọt ra khỏi phòng. Nó chẳng thiết tha nán lại lâu để làm gì, bà cả diễn kịch tệ quá. Ai chẳng biết bà đuổi khéo người ở để âm thầm tận hưởng cái niềm sung sướng xấu xa của riêng bà. Bà hai sinh con đầu lòng, chẳng những là gái, lại còn ngay ngày Rằm. Thế mới khổ!

......

Quả đúng như bà cả suy tính trong bụng, ông Tư vừa về đến nhà và nghe Huệ kể chuyện thì gương mặt tối sầm lại như lúc trời chuẩn bị đổ bão. Quỷ tha ma bắt ông thầy lang trong làng! Lão ta cứ chắc như đinh đóng cột rằng con bà hai là trai, thành ra ông đem cái tin ấy khoe từ đầu đình đến cuối xóm, rồi một truyền mười, mười truyền trăm, nghe đâu thì cả xã đều đã tỏ tường về cái việc nhà của ông Tư buôn gỗ. Vậy mà lại là gái!

"Thế thì còn ra cái thể thống gì nữa. Bây giờ tôi ra đường thì chỉ biết cúi mặt nhìn cái guốc mà đi thôi."

Ông Tư chẳng thèm giữ giọng, cứ bô bô nói toạc ra tất cả những bức bối tích tụ trong lòng. Mới sớm tinh mơ, gà còn chưa buồn gáy và sương mù vẫn chưa tan hẳn, ông Tư nào có quan tâm đến chuyện làng xóm láng giếng giờ này còn ngủ hay đã thức. Bà cả tỏ vẻ thông cảm, mặt cứ rầu rầu rồi khuyên nhủ:

"Thôi ông nhà đừng nóng. Con nào mà chả là con." – Rồi bà quay mặt đi ngay.

Đám người ở trong nhà chả biết rõ bà cả đang vui như mở hội trong bụng chứ còn gì nữa! Nhưng không ai dám nói cái sự thật hiển nhiên ấy, vì chúng biết muốn ăn được ở được thì nhất định không thể làm phật lòng bà. Ông Tư bị cơn giận làm cho mờ mắt, có để ý gì khác ngoài cảm nghĩ rằng "lòng tự tôn" của mình chuẩn bị đem ra mổ xẻ khắp cái đầu đường xó chợ cả cái vùng này. Ôi chao! Nghĩ mà xem. Bà cả thì hiếm muộn, suốt ba năm ròng chưa có con. Bà hai có mang chẳng được mấy bận thì bị bỏng, đứa con đầu lòng thì là gái. Người ta sẽ bảo gia đình ông ăn ở vô phúc, rồi ai sẽ nối nghiệp buôn gỗ của cái gia đình này, rồi ai nỗi dõi tông đường nhà họ Trần... Những trăn trở ấy khiến cho gương mặt ông Tư càng lúc càng nhăn nhó, gân xanh in vết rõ rệt quanh thái dương, con mắt đỏ long sòng sọc vì tức giận và buồn tủi. Nhằm ngay cái lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, con sen ngáo ngơ nhất trong nhà chạy lại hỏi:

"Thưa ông, xin ông cho cái tên để con gọi người đến viết giấy ạ."

"Tên tuổi cái nỗi gì nữa? " – Ông nói gần như rít qua kẽ răng, chẳng buồn suy nghĩ mà trả lời một cách thô lỗ. "Nhâm. Trần Nhâm. Nhanh lên rồi đi cho khuất mắt."

Ấy là ông lấy luôn cái năm Nhâm Tuất làm tên cho con gái đầu lòng, dẫu cho nó có trùng với tên chính con nhỏ ngáo ngơ vừa hỏi. Nhâm-đen đúng thật đầu óc không bình thường, lại coi đó là như một điều gì đó đáng tự hào lắm, toe toét dạ vâng thật rõ rồi nhảy chân sáo chạy đi thẳng.

Vậy là Trần Nhâm, con ông Trần Triệu Tư buôn gỗ ra đời.

.........

Đã từ ba bốn năm nay, câu chuyện gia đình kia cũng chẳng còn mấy ai quan tâm đến nữa. Giờ khác rồi. Trần Nhâm nay được cho ở nhà trên, muốn gì được nấy. Tất cả cũng bởi bà cả đã hạ sinh được đứa con trai quý tử và nó càng lớn lại càng ra dáng một cô thiếu nữ xinh đẹp có tiếng trong vùng. Mắt Nhâm sáng như trăng rằm, đôi mi cong vút và linh động như hai hàng lá cau đung đưa theo gió. Lại còn cái núm đồng tiền nữa! Trông duyên dáng đến là ghen tị. Mỗi lúc Nhâm cười thì chúng hiện lên rõ mồm một, đủ tươi tắn và rạng rỡ để hút hồn người đối diện trong những khoảng khắc đầu tiên. Ông Tư đắc ý lắm! Chuyến này gả cô con gái đầu lòng, ông sẽ tìm một mối thật lớn để thu về khoản hồi môn hậu hĩnh cho mình.

Cơ mà người xưa có câu: "Trai mồng một, gái hôm rằm", Nhâm sinh ra tuy khỏe mạnh như bao cô gái khác nhưng bị cái tật cứng đầu cứng cổ từ bé, ai bảo gì cũng cãi lại, chẳng chịu nhường dù chỉ một câu. Và dẫu cho ông Tư có nuông chiều đến đâu thì Nhâm cũng chỉ yêu và nghe lời mỗi người mẹ dứt ruột đẻ ra Nhâm. Ai bảo con nít không biết gì? Ngay từ khi còn bé tí, Nhâm nhận ra ngay những ánh mặt thù hằn và ghẻ lạnh của bà cả và hiểu rằng bản thân chẳng thể tin ai ngoài người mẹ khốn khổ nằm trong xó nhà kia.

Song Nhâm càng lớn nhanh chừng nào, mẹ Nhâm càng yếu ớt chừng ấy. Mới qua ba mươi mà gương mặt bà đã hằn sâu những vết chân chim và mái tóc đã lốm đốm bạc. Căn bệnh hen suyễn lâu năm khiến cơ thể bà suy kiệt và gầy yếu hơn từng ngày, cứ như ai đó đến bòn rút sinh lực của người đàn bà ấy mỗi đêm. Nhâm đã nhiều lần xin cha mời các thầy lang có tiếng trong vùng, đi tìm mọi phương thuốc mà nghe người ta truyền miệng nhau.

" Chẳng ích gì đâu!" – Mẹ Nhâm thi thoảng hay thều thào những lời tuyệt vọng vào tai Nhâm mỗi khi chén thuốc được đưa gần đến miệng. Bà mệt rồi! Bà gắng gượng đến tận lúc này đâu cũng chỉ vì cô con gái của mình vẫn còn thơ dại.

Nhưng cái gì tới cũng tới! Khi Nhâm vừa qua tuổi mười lăm được đôi ba ngày, diêm vương đã cho người mời bà về dưới âm phủ.

Ngày bà tạ thế, trong cả cái gia đình đông đúc ấy chỉ có mình Nhâm là thấy đau buồn. Bầu không khí tang thương chỉ diễn ra được hai ba hôm rồi đâu lại vào đấy, đám gia nhân trong nhà vẫn phải vắt kiệt sức để làm việc dưới trướng bà cả và ông Tư-gỗ thì vẫn mải mê tụ tập với đám bạn buôn trong làng, không đánh tổ tôm thì cũng đi uống rượu. Thật buồn cười là người chồng vô tâm kia ít nhất cũng chẳng muốn mẹ Nhâm mất, chỉ đơn giản là cái sự ấy khiến cho việc gả Nhâm đi kéo dài hơn mà ông cũng chậm trễ nhận được của hồi môn từ nhà trai.

Mất mẹ, Nhâm mất đi cả chỗ dựa tinh thần. Cả nhà chẳng ai muốn dành chút ít thời gian để an ủi Nhâm mà họ cũng chẳng biết nói gì. Chỉ duy nhất Nhâm-đen, con sen ngáo ngơ, nay bị đổi tên thành Đen, còn để mắt tớ cô chủ tội nghiệp.

"Thôi cô ơi, cô đừng buồn làm gì. Bà hai nhìn thấy cô chắc cũng buồn theo đấy."

Đen đến bên Nhâm vào một buổi chiều hoàng hôn tím ngắt, khi những tia sáng cuối cùng trong ngày sắp vụt tắt để nhừng chỗ cho màn đêm tăm tối. Vừa nói, Đen vừa cầm quạt phe phẩy để đuổi muỗi cho Nhâm.

"Chị đâu có hiểu được lòng em đâu. " Nhâm nói rồi thở dài sườn sượt. "Cả cái nhà này chỉ có mẹ là người thương em. Nay mẹ mất rồi, chẳng còn ai che chở em nữa."

Đen nhìn cô chủ, rồi cúi gằm mặt xuống nhìn xuống gấu quần, cái quần đen cũ kĩ đã bị phai màu mà bà hai đã để lại cho nó từ những ngày mới đến nhà ông Tư. Đen tuy không được bình thường như người khác nhưng nó chẳng quên được những người đã giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn, đó là bà hai. Bằng giọng buồn buồn, nhỏ nhẹ như sợ làm Nhâm thêm đau, nó nói:

"Tôi cũng thương bà hai lắm. Cả nhà này cũng chỉ có bà hai là không chửi mắng tôi. Buồn thế mà tôi cũng phải chịu để mà làm việc cô ạ. Bà cả đâu có vì sự buồn của tôi mà cho nghỉ ngơi được ngày nào. Cô cũng phải gắng lên, chứ cô cứ bỏ ăn bỏ ngủ chỉ cũng chỉ khổ cô mà thôi."

Nhâm ậm ừ tỏ vẻ đã hiểu. Cơ mà làm sao có thể gạt phang cái nỗi buồn này một cách dễ dàng như thế được? Nhâm cũng muốn đóng gói tất cả những nỗi đau đớn trong lồng ngực mình rồi vứt chúng đi thật xa, nhưng mỗi khi cầm đũa ăn cơm hay chuẩn bị chợp mắt đi ngủ thì hình bóng bà hai lạ phảng phất đâu đó. Vậy là cổ họng Nhâm lại nghẹn đắng và nước mắt trực trào như con nước lớn lúc chuẩn bị vỡ đê.

Đen gợi chuyện:

"Cô chủ muốn nghe chuyện bà hai không?"

Nhâm giật mình, giương cặp mắt thâm quầng vì mất ngủ ngước nhìn Đen. Một cảm giác tê tái bật chợt ập đến khiến mọi cả cơ thể Nhâm cứng đờ.

"Tôi biết bà hai từ lúc bà còn trẻ măng, năm ấy bà sang tuổi mười lăm, còn tôi vừa lên bảy." Đen bắt đầu kể. "Ngày xưa bà đẹp lắm, vì nhà nghèo mà phải đi ở cho ông Tư. Bà hai với tôi thân thiết, mỗi khi tôi bị đánh thì bà hai nhảy ra bênh ngay. Rồi một hôm tự dưng ông Tư bảo muốn cưới bà hai, nghe người mấy người kể là đã "mua đứt" bà hai rồi. Sau thì bà được ông cưới về. Mới đầu bà cũng được ở nhà trên, ăn sung mặc sướng, ông Tư yêu chiều bà lắm. Bà mang thai được hai ba tháng thì chẳng bị bỏng lúc đang đun nước chè. Ông lang bảo bà hai cần phải dưỡng bệnh ở chỗ ít người qua lại nên ông Tư theo lời, chuyển bà đến ở cái nhà phên nứa, trước để cho thằng ở canh trộm. Bà ở đây từ dạo ấy đến giờ."

Nhâm đơ người. Nó nào đã biết những chuyện này và có lẽ sẽ chẳng thể biết nếu Đen không lắm lời. Mẹ Nhâm giấu kín thật, mà cũng không ai dám nhắc tới cái quá khứ của bà giữa thanh thiên bạch nhật. Quá khứ là của một kẻ đã từng đi ở cho người khác. Nhâm bấy giờ mới chợt nhớ đến đôi bàn tay chai sạn và phồng rộp có lẽ là do ngày nào cũng phải gánh nước và làm công việc nặng nhọc, nhớ đển cả đôi bàn chân thô ráp và đen nhẻm, cứ trái gió trở trời lại sưng tấy và đau nhức. Rồi cái vết sẹo dài từ nửa đùi cho tới qua đầu gối, nguyên nhân khiến bà phải sống trong cái nhà nứa chật hẹp này. Nó chưa từng hỏi mẹ, mẹ cũng không kể. Nhâm thấy giận mình ghê gớm.

Nhâm cay đắng cười gượng:

" Ra là thế."

Ra là thế! Ba chữ kia thoát ra khỏi đầu môi của Nhâm như đánh dấu cho một sự khai sáng trong tâm trí của một cô gái vừa tròn mười lăm. Bức màn sương che phủ quá khứ đen tối đã được vén lên. Thảo nào Nhâm thường thấy những cái lắc đầu buồn rầu của người trong làng ở đám tang của mẹ. Thảo nào mẹ Nhâm chiều nào cũng hướng ánh mắt ám khói về phía cửa ngõ như đang ngóng trông một sự giải thoát. Thảo nào!... Mẹ Nhâm từng xinh đẹp và thuần khiết như khóm sen khóm súng nổi bật giữa đầm nước làng quê mùa hạ trong xanh dưới ánh nắng trời. Vậy mà ngay giữa thời kì rực rỡ nhất, người đàn ông tệ bạc kia nỡ lòng nhổ bật gốc đóa hoa ấy rồi ném một cách thô bạo vào một cái chậu "giàu sang" hoa lệ, chẳng thèm chăm bón. Dẫu cho cái chốn ấy có được dát bằng vàng bạc hay đủ thứ trân bảo trên đời thì cũng như một lẽ tất yếu, bông hoa ngày càng héo hắt và chết mòn vì bị giam cầm trong sự cô độc và lạnh lẽo của lòng người. Trớ trêu thay cái phận đàn bà!

......

Bẵng một thời gian trôi qua, cô gái ngày nào nay đã tới tuổi cập kê. Giữa cái thời buổi đầy khó khăn và bị nạn đói hoành hành, gia tài ông Tư-gỗ xem ra vẫn vững như cột đình. Ông cưới thêm bà ba, bà tư, bà năm nên chẳng bao giờ nhà yên tĩnh một khắc cho được. Thóc gạo của nhà để cả kho không hết, người ra người vào làm việc luôn tay chân.

Nhâm chẳng lấy làm sung sướng trước cái sự giàu sang của nhà mình, cũng như chẳng ưa thích tiếng người xì xào bàn tán sau lưng mỗi khi ra ngoài đi chợ. Mười tám tuổi, Nhâm đã đủ khôn lớn mà nhận ra rằng thóc gạo hay tiền bạc của thầy đều là do mồ hôi xương máu của chính người cùng làng cả. Ông Tư ngoài buôn gỗ ra còn cho vay nặng lãi. Nhâm khó chịu ra mặt. Nó nằng nặc đòi ở cái nhà phên nứa chứ nhất quyết không chịu lên nhà trên vì sợ phải đụng mặt thầy và bà cả. Nhâm cũng thường xuyên trốn đi làm đồng với mấy đứa người ở trong nhà, dẫu cho một cô tiểu thư như nó chẳng cần phải đụng đến mấy công việc "chân lấm tay bùn" ấy.

Một ngày nọ, trong nhà bỗng dưng xuất hiện thêm một thằng ở mới, tên là Hào. Nhâm nghe Đen kể rằng ông Tư đi ăn cỗ ở nhà người họ hàng xa thì được đem "tặng" lại.

Hào "khác" người lắm. Hắn trạc tuổi hai nhăm, vừa cao lại vừa gầy, đôi mắt sáng lanh lợi, trông giống thư sinh hơn là một thằng ở. Hắn chăm chỉ, hảo sảng, ai bảo việc gì thì làm luôn, không câu nệ hay chần chừ mỗi khi giúp người khác. Lạ một điều là giọng của hắn trọ trẹ, rất khó nghe, dù cho Hào có cố gắng bắt chước mọi người thế nào đi chăng nữa. Hào bảo ở Nghệ An người ta hay nói thế. Ai hỏi cha mẹ hắn đâu, làm gì, hắn bảo ông bà đều qua đời cả, nhưng vì nguyên do gì thì lại không nói.

Tính Nhâm hay tò mò nên thường xuyên để bụng những chuyển đẩu đâu. "Nghệ An" là nơi nào? Có xa cái làng này không? Sao người ta có thể nói chuyện bằng cái ngữ điệu như thế? Mới đầu Nhâm còn ngại ngùng, chẳng dám nói gì với Hào, toàn phải nhờ Đen hay ai đó làm người chuyển lời gián tiếp. Nhưng lâu dần, những câu hỏi và trí tò mò chất chứa dần lên trong cái đầu óc non nớt của một cô gái suốt ngày quanh quẩn bên "cây đa – giếng nước – sân đình" cuối cùng cũng thắng thế.

Vậy là vào một buổi trưa hè, khi mọi người vừa cấy được phân nửa ruộng lúa của ông Tư và nghỉ trưa tại cánh đồng, Nhâm hỏi Hào trong những âm thanh rả rích của lũ dế và ve sầu:

"Ở Nghệ An người ta có làm đồng như thế này không?"

Hào cười, nói ngay:

"Có chớ. Nỏ cấy lúa thì lấy cái chi mà ăn?..."

Hào định nói thêm gì nữa, nhưng có lẽ hắn ngại. Hắn sợ Nhâm không hiểu, liền chữa lại lời một cách gượng gạo:

"Tui nói như rứa quen rồi, cô có hiểu được khôn?"

Nhâm bật cười một cách rất vô tư. Hào lại tưởng Nhâm chê giọng mình khó nghe, chỉ tủm tỉm cười lấy lệ, gương mặt đỏ bừng lên vì ngượng.

"Ấy chết, tôi không cười anh đâu. Chẳng qua đây là lần đầu tôi nghe thứ tiếng hay đến vậy." Nhâm lựa lời bào chữa ngay, nhưng nó đang nói thật. Lần đầu tiên nói chuyện với Hào, Nhâm cảm thấy vừa lạ lại vừa thích thú.

Hào gật đầu rồi nhìn ngay sang chỗ khác. Hắn chẳng nói gì nữa, cả buổi cứ ngồi im nghe người ta kể chuyện, thi thoảng cũng chỉ hùa theo mấy câu nói đùa của mọi người. Có lẽ vì còn ngại.

Nhâm thấy hối hận lắm. Đáng ra nó chẳng nên cười như vậy để rồi khiến người ta khó xử. Nó buồn rầu, thi thoảng lại len lén liếc mắt nhìn Hào, cứ suốt như thế cho đến hết giờ nghỉ trưa. Hào hình như đoán được, lại càng tránh xa Nhâm.

Từ đấy, Nhâm để ý Hào luôn. Nhâm muốn hỏi thêm nhiều nữa, nhưng cứ có cảm giác người ta không muốn tiếp chuyện. Hai người chỉ có thể gặp nhau vào khoảng thời gian ngắn ngủi giữa ngày, bởi cứ đến tối thì Hào lại phải ra ở cái chòi vịt giữa đồng, chủ tớ cách biệt. Nó cảm thấy mình tồi tệ quá thể. Những câu hỏi về thế giới bên ngoài cái làng khiến lòng Nhâm lúc nào cũng bồn chồn và bứt rứt.

.......

Thời gian thấm thoát trôi qua, một mùa trung thu lại tới. Đình làng mở hội. Đen hào hứng mà lải nhải bên tai Nhâm cả ngày về cái sự kiện sắp tới và bắt nó hứa phải đi cùng. Nhâm đành phải theo lời.

Hôm ấy trời quang mây tạnh, trăng tròn vành vạnh như cái đĩa bạc, sáng hơn đèn. Hết thảy mọi sự vật đều được soi tỏ. Xong xuôi công việc ở nhà, Đen kéo Nhâm đi luôn. Người làm và cả mấy bà vợ ông Tư-gỗ cũng ra đình xem hội cả.

Hỏi Nhâm có muốn đi không, Nhâm hẳn sẽ trả lời là có. Nhưng kể từ khi mẹ mất thì nó chẳng còn mong chờ đến cái ngày này nhiều như trước nữa. Nhâm vốn tính tình khép kín, không có bạn và cũng chẳng ai muốn làm quen. Mấy cô gái khác trong làng hoặc là ghen tị với vẻ bề ngoài của Nhâm, hoặc là sợ hãi cái lý lịch "con gái ông Tư-gỗ". Nhâm ra đường cứ câm như hến, ai hỏi gì thì mới trả lời. Mấy cái lễ hội đông người như thế này, nếu Đen không đi thì nó chắc cũng chẳng muốn ló mặt.

Cơ mà mới đi được một lúc, bóng Đen đã mất hút trong dòng người qua lại. Nhâm giận lắm. Nó chẳng biết làm gì ngoài việc rảo mắt tìm kiếm Đen trong đám đông. Mấy thằng con trai trong làng thấy Nhâm đứng một mình thì buông lời trêu ghẹo, Nhâm càng thẹn. Nó bỏ về.

"Đi đâu không biết!" Nhâm lẩm bẩm, vầng trán thì nhàu nhĩ. Nó rảo bước thật nhanh trên con đường vắng, mới lúc nãy thôi vẫn còn tiếng trò chuyện không dứt của hai chị em. Nhâm thầm trách Đen ham chơi mà quên mình, lại tủi thân vì chẳng có người đồng hành nữa. Giữa lúc ấy, nó thấy thấp thoáng một bóng dáng quen thuộc đứng gần cái giếng nước cách đình không xa.

Nhâm căng mắt ra nhìn. Ra là Hào. Sao hắn lại lấm la lấm lút như đi ăn trộm thế kia? Còn ai nữa? Trông chẳng giống bất cứ người làm nào trong làng. Hắn còn có thể quen ai khác nếu suốt ngày ở nhà ông Tư?

Nhâm nhanh trí núp vào cái bụi tre gần đó, dẫu nó chẳng hiểu tại sao mình lại làm vậy. Mọi thứ xung quanh chìm vào trong sự tĩnh mịch của bóng tối, có hay chẳng chỉ vài tiếng kêu của ếch nhái hay âm thanh "vù vù" khó chịu của mấy con ruồi muỗi lởn vởn gần tai Nhâm.

"Răng mi cứ ở mãi chỗ ni rứa? Nỏ định lên Việt Bắc hay răng?"

"Có xe mà đi? Tau phải có tiền mới bắt xe lên Hà Nội được chớ!"

"Rứa khi mô mi mới đi được? Cấp trên cho gọi mi rồi tề."

.......

Còn nhiều tiếng tranh cãi nữa, nhưng Nhâm chẳng thể nghe rõ người ta đang nói gì. Nó đứng xa quá mà cái chất giọng Nghệ An nó chỉ hiểu câu được câu mất. Cơ mà ít nhất nó đoán rằng Hào chẳng đơn giản chỉ là một thằng ở. Hắn có một công việc đàng hoàng, lại thông hiểu địa lý. Hào từng đến nhiều mảnh đất mà có lẽ cả đời này Nhâm chẳng mong chạm chân đến được. Thật ngưỡng mộ! Thật ghen tị!

Bốp!

"Thôi xong!" Nhâm khẽ kêu lên trong lòng. Nó theo thói quen đập con muỗi đang đậu trên bắp chân, chẳng ngờ lại tạo ra tiếng động lớn như vậy. Người kia giật thót mình, nhanh chóng lủi mất, chỉ còn lại Hào đứng đó. Hắn trầm giọng xuống:

"Ai đó?"

Nhâm giật mình, âm thanh trong lồng ngực to như tiếng trống hội.

"Tôi."

Nhâm vừa bước ra ngoài sáng vừa nói, cố khiến cho giọng mình đừng run rẩy. Nó hít một hơi thật sâu để điều chỉnh lại hơi thở gấp gáp và tìm kiếm một chút gan dạ trong lòng.

"Răng cô lại đứng đó? Cô theo dõi tui hay răng?"

"Tôi chẳng việc gì phải đi theo anh cả." Nhâm nhìn thẳng vào mắt Hào, lúc này trông hắn không khác gì hung thần trong mấy câu chuyện cổ tích. Giọng hắn sắc lạnh như con gió Bấc đầu mùa, đôi mắt thì sáng lên, dán chặt vào mắt Nhâm. Phải cố gắng lắm Nhâm dám hỏi vặn lại:

"Đấy là ai? Quen biết gì với anh? Anh mà không kể rõ mọi sự thì tôi sẽ mách thầy tôi hết tất cả những gì tôi nghe được."

"Rứa là cô nghe hết rồi?"

Nó quả quyết:

"Tôi nghe hết."

Nhâm không nói dối, nó theo dõi từ đầu đến cuối, nhưng hiểu được câu chuyện hay không thì nó không chắc.Có một sự biến chuyển lạ lùng trong giọng nói của Hào, từ giận dữ chuyển ngay sang bối rối và lo sợ. Hắn bắt đầu nài nỉ với bộ dạng hiền khô như mọi ngày:

"Tui van cô đừng nói với ông Tư. Chuyện ni nỏ liên quan chi đến nhà cô hết."

"Liên quan hay không thì phải để tôi kể cho thầy mới biết được." Nhâm càng cứng đầu đe dọa. Hào đành phải nhường:

"Thế bây chừ cô muốn răng?"

Nhâm biết mình đã thắng thế, lên giọng kẻ bề trên:

"Anh phải giải thích mọi chuyện cho tôi thì tôi sẽ không hé môi chuyện vừa nãy cho ai hết."

.........

Sau chuyện hôm ấy, Hào bị buộc phải kể với Nhâm về bí mật của mình. Mới đầu hắn còn tìm cách bịa đặt, nhưng Nhâm nhanh trí đều nhìn ra hết. Nó lại dọa dẫm, lâu dần Hào cũng phải bỏ cuộc.

Hào hẹn Nhâm sau bữa cơm chiều thì tìm hắn ở cái lều vịt ngoài đồng, Nhâm theo lời. Thế là cứ chiều xuống, Nhâm giục Đen sắp cơm sớm, ăn xong thì vội vã buông bát đũa ra đi. Cũng may là vì nó chỉ ăn chung với Đen ở cái nhà dưới nên chẳng bị ai bắt gặp, Nhâm cũng cấm Đen đem chuyện kể cho ai. Nếu vô tình trên đường thấy người trong nhà đi ngang qua, nó sẽ tìm vài lý do nghe thuận tai rồi đi trong êm đẹp.

Hào kể cho nó nghe nhiều chuyện trên đời, về những vùng đất mới mà Nhâm thậm chí còn chưa từng biết đến. Hào quê ở Nghệ An, con nhà nông nhưng lại được cho đi học chữ ở một ông thầy đồ cùng làng. Sinh ra trong cái làng nghèo, hắn đã từng nếm đủ những cái khó khăn của kiếp người lam lũ. Hắn bỏ nhà, bỏ quê đi làm theo người quen đi làm "Cách mệnh" ở Việt Bắc. Mấy tuần trước hắn về quê giỗ cha, chẳng may bị "chúng" bắt gặp trên tàu khi trở ra Hà Nội. Hắn nhanh trí nhảy xuống con kênh nước khi tàu đi qua, vào làng rồi xin làm người ở cho gia đình một phú ông.

Nhâm ngơ ngác hỏi:

"Cách mệnh là gì?"

Hắn cười, chỉ giải thích đơn giản:

"Là đi giải thoát cho đồng bào."

Nhâm khẽ "ồ" lên trong lòng. Hào mở ra trước mắt Nhâm một chân trời khác biệt, một nơi xa lắc xa lơ ngoài cái làng, cái xã mà nó quanh quẩn cả ngày. Càng lúc, Nhâm càng tỏ ra hứng thú với cái kho kiến thức không bao giờ cạn của "cái thằng ở biết tuốt" – biệt danh được chính nó đặt cho Hào. Nhâm bắt hắn dạy mình viết chữ, đọc cáo thị, tính toán,... Rồi một tuần, hai tuần rồi một tháng trôi mau. Nhâm nay đã trở nên thân thuộc với cái chòi vịt và cả Hào.

Một ngày nọ, như mọi hôm khác, Nhâm nhanh chóng và vội bát cơm, uống miếng nước rồi xỏ guốc ra ngoài. Hôm nay trời tối sớm, gà cũng mau lên chuồng. Một mùa rét nữa sắp tới, nhưng nó có nề hà gì?

Nhâm bước vội, cơn gió lạnh thổi ngang qua mặt khiến cả cơ thể nó cứng đờ. Tiếng chó sủa văng vẳng trong cái ngõ tối của cái làng. Đường ra cánh đồng hôm nay tự dưng lại xa đến thế?

"Cô Nhâm đi đâu đấy?"

Nhâm giật mình ngoảnh đầu lại. Ra là cái Huệ, con sen riêng hầu hạ bà cả ở nhà. Thường thì mọi ngày Nhâm nhanh trí tìm được cớ nhưng chẳng hiểu sao hôm nay nó cứ ú ớ nhưng bị ai đó chặn họng.

"Tôi đi gặp người quen." Nhâm buột miệng.

Huệ bán tính bán nghi, cứ đứng im nhìn chòng chọc vào gương mặt giờ đã ướt đẫm mồ hôi vì lo lắng quá độ của Nhâm. Một lúc lâu không thấy nó nói gì, Nhâm đành phải cất tiếng:

"Thôi tôi đi đây không trễ việc."

Nói rồi nó cúi mặt đi thẳng, không quên lắng tai nghe tiếng bước chân xem Huệ đã rời đi chưa.

Nhâm bỗng thấy sợ. Một cảm giác chẳng lành truyền đi khắp cơ thể nó, báo hiệu rằng nếu cứ tiếp tục đi tiếp thì cả nó và Hào đều sẽ gặp chuyện. Nó không dám tới thẳng cái lều vịt, cứ đi lòng vòng và cố gắng không ngoái đầu lại phía sau. Giờ này chắc Huệ đã về tới nhà và chẳng bao lâu nữa thì chuyện này sẽ lọt tới tai bà cả.

Không! Không đi tiếp được!

Nhâm nghĩ. Nó rùng mình tưởng tượng tới cảnh bà cả ngồi chễm chệ trên cái ghế mây ở nhà trên, nhìn nó quỳ dưới sàn rồi buông lời nhục mạ nó, Đen và thậm chí cả mẹ nó. Nó nghĩ tới cái sự bép xép của Huệ, lại nhớ đến cả cái đám cưới của nó mà nó thậm chí không biết mặt chú rể vào tháng Giêng năm sau. Lòng Nhâm nặng trĩu như đeo chì, hơi thở nhọc nhằn và đau khổ. Bấy lâu nay nó vô tình hay cố ý lờ đi những rào cản và xiếng xích bủa vây quanh nó? Đó là số của hồi môn mà ông Tư đã nhận trước của nhà trai. Rồi người ta sẽ nói gì về đứa con gái vừa mới đính hôn lại ra ngoài khi trời đã tắt nắng? Đi gặp nhân tình hay chăng? Bước chân của nó chậm dần, sợ hãi. Phen này về nhà thì kiểu gì bà cả cũng bắt nhốt nó trong cái nhà thôi. Nhâm lại nghĩ tới mẹ, người đàn bà khốn khổ quanh năm suốt tháng ngồi ngoài hiên cửa. Hình dáng bà hiện về rõ nét như chuyện chỉ vừa xảy ra hôm qua. Cơ thể bà run rẩy và yếu ớt, tựa như một cơn gió nhẹ thổi ngang cũng đủ khiến bà bay đi mất. Ôi ánh mắt ấy! Chúng ám ảnh Nhâm nhiều đêm liền trong những cơn ác mộng, sự tuyệt vọng và mệt mỏi cùng cực những ngày tháng bị trói buộc, giam cầm.

Nhâm khẽ lắc đầu để xua đuổi những lo âu. Nó sẽ không thế. Nhâm tuyệt đối sẽ không để bà cả có lí do để nhốt nó lại. Kể từ cái ngày Nhâm nghe được câu chuyện của mẹ, nó đã tự quyết định số phận của mình - số phận của một tâm hồn tự do không gì cầm tù nổi.

........

"Bà cả cho gọi cô."

Nhâm còn chưa kịp bước qua ngõ, Huệ đã chạy tới báo tin. Nó bình thản đến lạ, nói:

"Thế thì lên nhà thôi."

Huệ hơi sững lời, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đứng im bất động. Nhâm khẽ lướt qua người Huệ, bước không nhanh không chậm qua cổng.

"Bà cho gọi con?"

Nó nói ngay khi vừa thấy bóng dáng bà cả đang ngồi bên cạnh thầy Nhâm, lúc này trông thật dữ tợn. Ông Tư đã đứng bật dậy như định nhảy vào ăn tươi nuốt sống nó:

"Mày còn biết đường về đấy à? Sao không đi luôn cho khuất mất tao?"

Nhâm vờ như không hiểu chuyện gì, hỏi lại:

"Thấy bảo gì con ạ?"

"Mày còn giả vờ giả vịt?" Ông Tư nói như hét, gân xanh nổi lên chằng chịt trên gương mặt chồng chéo những vết nhăn không thể xóa nhòa của tuổi già. "Đêm hôm mày đi lượn lờ với thằng nào?"

"Thôi con ơi, cả nhà đã biết rồi. Con đừng có lừa thầy dối mẹ nữa. Có gì cứ nói rồi thầy con tha cho."

Bà cả vờ khuyên nhủ, thi thoảng không quên lấy khăn tay chấm nước mắt. Nhâm cười mỉa mai trong bụng. Nó còn chưa nói được câu nào, bà đã quy cho nó đủ thứ tội. Nào là "lừa thầy dối mẹ", "trốn nhà theo trai",... Bấy lâu nay, có khi nào bà không tìm đủ mọi cách để sỉ nhục Nhâm? Chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, bà đã gọi ngay ông Tư, vốn đang uống rượu ở nhà bạn, về nhà. Chẳng hiểu bà đã nói những lời cay độc gì để khiến cho thầy Nhâm giận dữ như vậy.

Nhâm vẫn bình tĩnh đáp lại:

" Con sang nhà ông Ba-bún gặp cái Tí. Thầy chẳng biết cái Tí còn gì?"

Bà cả cãi lại ngay, như thể chính mắt bà chứng kiến mọi chuyện xấu hổ mà Nhâm đã làm:

"Huệ bảo mày đi ngõ nhà ông Sửu cơ mà, có phải đường đến nhà ông Ba-bún đâu?"

Bằng chất giọng nhẹ nhàng nhất, nó nói:

"Con tiện rẽ qua nhà ông Báu mua ít hạt sen về nấu cháo. Dạo này con ngủ không ngon, cứ đặt lưng xuống giường là mơ thấy mẹ."

Tất cả mọi người trong nhà nhất thời im lặng, đặc biệt là ông Tư-gỗ. Gương mặt mới nãy thôi còn đỏ tím tái vì tức giận, nay đã trắng bệch như người mất hồn. Bà cả lườm nguýt Nhâm, hận không thể xẻ thịt lột da nó ngay lúc này. Tuy bà ở với ông được ngót nghét hai chục năm, bà ba, bà tư, bà năm cũng có chút nhan sắc nhưng chẳng ai được yêu quý như mẹ Nhâm. Chỉ đơn giản là bà đẹp, một vẻ đẹp nhẹ nhàng thanh thoát như một đóa sen lúc nào cũng tỏa hương nồng nàn.

Nhâm hiểu điều này hơn ai hết. Nó từng vô tình nhìn thấy ông Tư ngẩn người nhìn ra chỗ mẹ Nhâm thường ngồi bằng đôi mắt tiếc nuối. Kể từ lúc bà qua đời, ông cũng cấm tiệt những người trong nhà nhắc đến bà, như một cách để quên đi sự mất mát ấy. Nhâm khinh. Chẳng qua, ông chỉ muốn mọi chuyện êm dịu để ông có thể yên tâm cưới thêm vài người nữa mà thôi.

Huệ thấy bà cả đang đuối lý, bèn tiến lên thì thầm to nhỏ vào tai bà. Nhâm bỗng nhiên cảm thấy ghét nó ra mặt. Bà cả nghe được điều gì đó, ánh mắt lóe sáng quỷ dị như vừa hốt được vàng, lớn giọng:

"Gọi con Đen ra đấy."

Nhâm giật mình quay đầu. Đen được hai thằng ở trong nhà lôi đi xềnh xệch như kéo một bị gạo.

"Lũ khốn nạn!" Nhâm khẽ bật lên những câu chửi thầm khi vừa thấy Đen. Hai má chị ta đỏ ửng mới vừa bị ai tát, phía khóe môi vẫn còn rươm rướm máu. Vừa thấy Nhâm, Đen òa lên khóc hu hu như một đứa trẻ lên ba, vùng dậy khỏi tay của hai tên ở lực lưỡng, nhanh chóng chạy về phía Nhâm rồi nép vào lưng nó. Nó kể cho Nhâm trong tiếng nấc nghẹn:

"Cô vừa đi được chẳng mấy lâu thì Huệ cho gọi tôi lên nhà trên. Bà cả vừa thấy tôi thì liền cho hai anh kia giữ tay lại, bắt tôi phải kể xem cô đã đi đâu. Tôi nào dám nói gì, vì cô đã dặn dò tôi rồi. Thế là Huệ dùng tay tát liên tiếp ba cái vào mặt, còn lấy chân đá vào người tôi nữa. Cô xem. Nó đá ở đây này. Rồi tát như thế này này..."

Vừa nói, Đen vừa làm hành động mô phỏng lại. Nhâm thấy lòng mình như bị ai cứa vào từng nhát dao, rỉ máu đau đớn. Đen trông lớn tướng như vậy, nhưng tâm can vẫn chỉ là của đứa trẻ bảy, tám tuổi. Sao người ta lại nỡ lòng nào ra tay với người quen của mình như vậy? Nhâm ôm chầm lấy Đen, vừa vỗ về an ủi, vừa đưa ánh mắt thù hằn liếc về phía Huệ đang đứng ở cạnh bà cả. Huệ bắt gặp cái nhìn của Nhâm, lập tức cúi mặt xuống.

"Thôi đủ rồi!" Bà cả lên tiếng. "Nói đi. Nếu đi gặp cái Tí thì việc gì phải giấu? Mà có phải một hai hôm gì đâu, suốt cả tháng nay rồi ấy chứ."

Nhâm cố kìm giọng để không tỏ vẻ hỗn láo:

"Con biết thầy vốn chẳng ưa ông Ba nên không dám kể cho người nhà biết chuyện con quen cái Tí. Chúng con đánh bạn với nhau từ hội trung thu tháng trước. Bà có thể cho người tới tận nhà hỏi."

Ông Tư không nói gì, lặng lẽ cầm cốc nước chè lên uống liền một hơi. Đúng là ông ghét ông Ba lắm. Nhà ông Ba nghèo nhất cái xóm này, cả căn nhà lụp xụp chỉ vừa đủ chỗ chui ra chui vào, đứa con gái út thì ốm liên miên mấy tháng còn chưa khỏi. Cái Tí là con gái đầu, cũng trạc tuổi Nhâm nhưng vì gia cảnh nên chẳng có đám nào tới hỏi. Mấy khoản tiền thầy Nhâm cho ông Ba ấy mượn đã non một năm mà chưa được trả, lãi giờ đã gấp hai, ba lần tiền gốc.

Trước khi về nhà, Nhâm ghé qua nhà ông Ba bàn bạc trước. Nó hứa sẽ trả thay ông Ba tiền lãi, đổi lại cả nhà ông phải thay nó nói chuyện với thầy Nhâm. Bởi thế mà nó mới có thể bình thản bước về mà chẳng lo điều ra tiếng vào.

"Thế là mọi chuyện đã rõ." Ông Tư nói sau khi cốc nước đã cạn. Từ lúc Nhâm nhắc đến mẹ, ông chẳng còn tâm trạng mà ngồi đây tranh cãi thêm nữa.

"Nhưng..."

"Nhưng nhị cái gì? Tôi bảo thôi là thôi." Ông lớn giọng quát bà cả. Xong, ông quay sang dịu dàng bảo với Nhâm:

"Con đã lớn rồi, đi đâu thì cũng đừng đi khi trời đã tối. Thôi thì thầy cũng bỏ qua chuyện con có dính líu tới nhà ông Ba, nhưng ít qua đấy thôi. Bây giờ, cứ khi nào ăn cơm xong thì ở nhà."

Nhâm biết trước chuyện nên cũng không cự cãi gì thêm. Ông Tư toan bước vào buồng trong, nó liền cản:

"Thưa thầy, con có chuyện này muốn nhờ thầy."

"Nói đi." Ông Tư xoa trán, nói một cách mệt mỏi.

Nhâm hít một hơi thật sâu, ánh mắt hướng về Huệ, lúc này đang nép sát bà cả và run lẩy bẩy, nói:

"Vừa nãy Huệ tự ý đánh người trong nhà mà chưa hiểu rõ mọi chuyện, con xin thầy ngồi lại xem con giải oan cho Đen."

Ông bắt gắp ánh mắt kiên quyết của Nhâm, đành phải thuận ý:

"Con muốn làm gì thì làm."

Huệ giật bắn mình, van lơi bà cả:

"Bà ơi..."

Bà cả không nói gì, khẽ quay đầu sang hướng khác. Bà vừa mới bị ông Tư mắng, lo đâu xa chuyện của đám con sen người ở trong nhà.

Nhâm chẳng cần nhờ ai giúp, kéo tay Huệ ra ngay trước mắt mọi người mà bắt đầu xử trí.

Bốp.

"Cái tát này là cho tội bịa chuyện xấu, hắt nước bẩn lên người khác."

Bốp.

"Cái này là vì coi thường gia quy trong nhà, không biết tốt xấu nặng nhẹ mà đánh người vô tội."

Bốp.

"Còn cái này là để đánh cho tỉnh ngộ rằng cùng là đồng bào, đừng nên có đẩy nhau vào đường cùng như thế."

............

Độ mười ngày sau, Nhâm chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Nó bắt đầu cảm thấy buồn chán và mệt mỏi. Bà cả cho đám người ở theo dõi Nhâm suốt, như sợ chỉ sơ sểnh đôi chút thì Nhâm như chú chim lâu ngày bị nhốt bay ngay đi mất.

" Cô ơi, ngoài chợ hôm nay đông lắm." Đen hào hứng kể lại sau chuyến gánh nước ban sáng. Đôi má của Đen đến hôm nay cũng đã khỏi hẳn, những vết bầm tím trên người cũng đã mờ đi ít nhiều.

"Thế à?" Nhâm trả lời lấy lệ rồi thở dài.

Nó có thể làm gì khác ngoài ngồi bó gối một góc nhà và trông ra ngoài ngõ? Nhâm thấy mình đến là tệ hại. Nó sẽ bị nhốt ở đây một tuần, rồi một tháng, hai tháng, thậm chí là đến tận khi về nhà chồng cũng nên. Khắp mình mẩy nó nổi gai ốc vì một nỗi sợ bất chột ghé ngang qua tâm trí.

Đen thấy cô chủ chẳng nói gì nữa, bèn gợi thêm chuyện:

"Ngoài sân đình hôm nay rải mấy cái tờ giấy lạ, nhiều lắm. Con lấy vài tờ về cho cô chơi này."

Nó lôi ra trong túi áo vải những tờ giấy màu cháo lòng nhăn nhúm. Đen cẩn thận đạt nó xuống phản, vuốt thẳng thắn rồi đưa cho Nhâm.

Nhâm nheo mắt nhìn. "v...i..e...t...m...i...n...h" "H..a...o.. huyền..." Hào?

Nó chộp lấy tờ giấy, dí sát mắt rồi đánh vần lại một lần nữa. Không sai. Không thể sai được. "Thằng ở biết tuốt" đã dạy Nhâm đánh vần tên của hắn hàng trăm lần. Vậy là "chúng" đã tới. Chính là những kẻ giam giữ đồng bào ta đây mà.

Tờ giấy rơi khỏi tay nó, đáp nhẹ nhàng xuống đất. Có vẻ chúng đang tìm Hào. Linh cảm bảo Nhâm chỉ có thể là bọn chúng chứ không thể sai đi được. Có ai khác ngoài nó biết về cái này không? Chắc là không đâu, vì chẳng ai trong cái làng này được đi học cái chữ này cả. À không! Vẫn còn ông lý và mấy ông lớn khác trong làng.

Nét suy tư hiện hữu trên gương mặt Nhâm khiến Đen lo lắng. Nó tưởng mình đã làm gì sai, bẽn lẽn hỏi:

"Có chuyện gì vậy cô?"

Nhâm không nói gì, lẳng lặng ra ngoài thềm ngồi.

........

Ngày mau chóng tàn vì trời đã về đông. Cả bốn bên đen kịt như bị một tấm màn đen che phủ, không sao, cũng chẳng có trăng. Bấy giờ mọi người đều đã cơm nước xong cả, đám người ở trong nhà đều đã đi nghỉ ngơi và mấy bà vợ ông Tư-gỗ cũng đang chuẩn bị ngủ. Ánh đèn dầu heo hắt hắt bóng Nhâm lên trên mặt đất, một dánh hình cô độc đến đáng thương.

"Cô Nhâm. Cô Nhâm."

Tiếng ai đó gọi tên nó vang lên đâu đấy trong không gian tĩnh mịch. Thoạt đầu, Nhâm tưởng mình nghe nhầm nhưng âm thanh ấy kéo dài liên tục, càng lúc càng lớn dần như đang cố kéo nó ra khỏi cơn mộng mị.

"Tôi đây." Nó trả lời. "Ai gọi gì tôi đấy?"

"Tui là Hào."

Nhâm giật mình, thẳng hướng tiếng kêu mà bước tới. Hắn nấp sau cánh cửa nhà kho, vừa thấy Nhâm đã mỉm cười:

"Mấy hôm ni nỏ thấy cô tới nên tui tới đây chào tạm biệt."

Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Nhâm cảm tưởng như đã đánh mất một thứ gì đó rất trân quý. Nhưng ngay sau đó, nó lấy lại tiếng nói mà đáp:

"Tôi cũng đã đoán như thế. "Chúng" đang tìm anh à?"

"Ừ. "Chúng" tìm tui gắt lắm. May mà tui nhanh trí trốn sang làng bên chớ không thì lọt vào lưới chúng."

Hào chỉ nói đến đây rồi dừng lại, nụ cười cũng vụt tắt. Trong đêm tối, Nhâm cảm thấy hơi thở gấp gáp của hắn ở ngay cạnh tai mình. Hắn trông bối rối như lần đầu tiên hai người nói chuyện. Ôi sao lại đau đến thế? Nhâm vô thức đưa tay mình lên đến gần hắn, nhưng chỉ được nửa vời thì lại buông xuống ngay. Cái gì đã ngăn cản Nhâm? Là đống xiềng xích mà ông Tư quàng lên cổ nó hay chính là sự rụt rè của bản thân Nhâm?

"Sáng sớm mai tui lên đường, đi bộ khoảng chục cây số là đến nhà ga. Tui bắt tàu ra Hà Nội, tới đó rồi sẽ tự tìm đường lên Việt Bắc."

Hắn thì thào. Nhâm thấy không gian xung quanh im lặng như tờ, trong lồng ngực bùng lên một cảm giác cháy bỏng. Cổ họng nó lúc này như nghẹn lại, bao tử thì đau quặn thắt. Nó hít một hơi thật sâu rồi nói với giọng run run:

"Anh cho tôi đi với. Tôi đến chết trong cái nhà này mất thôi."

Hào ngạc nhiên, nhưng cũng chỉ trong khoảnh khắc. Hắn lại cười:

"Cô nói răng mà lạ rứa? Đi theo tui cô khổ đủ đường. Tháng Giêng tới cô đi lấy chồng, bỏ đi răng được?"

Trời đất xung quanh Nhâm như sụp đổ. Nhâm những tưởng bản thân là con người mạnh mẽ, có ngờ đâu đôi mắt nó nhòe dần rồi ướt đẫm.

"Coi như tôi van anh. Tôi không thể ở nơi này thêm một chút nào nữa. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ héo mòn như mẹ tôi mất. Tôi sẽ ngồi bên cái hiên nhà ấy, tuyệt vọng mà chết. Tôi chán sống mà bị giam cầm như thế này rồi. Khổ cũng được mà chết cũng xong. Anh có thương tôi thì mang tôi theo với..."

Nhâm chỉ nói đến đây thì bị tiếng nấc nghẹn làm cho đứt quãng. Giọng Nhâm khản đặc, hấp hối và quằn quại.

Hào quay mặt đi. Hắn thương Nhâm nhiều hơn nó nghĩ. Nụ cười của Nhâm hôm ấy đã khiến cho Hào như người mất hồn suốt mấy ngày liền. Nhưng đời Hào đã khổ, Hào không thể đảm bảo cho Nhâm một cuộc sống sung túc và đầy đủ như bây giờ. Hào nhớ lại những ngày tháng ăn ở khổ sở của mình tại vùng núi Tây Bắc hiểm trở, thóc gạo chẳng có, quanh năm sống chung với bệnh sốt rét và chấy rận. Rồi hắn thấy Nhâm, một cô gái xinh đẹp, ăn trắng mặc trơn bấy lâu nay làm sao có thể chịu được vất vả nơi ấy? Cả đời hắn có dám tơ tưởng gì đến việc đứng bên cạnh Nhâm? Thế là hắn ngoảnh mặt lại với lời van xin thông thiết ấy.

Nhâm hoảng hốt. Chút ánh sáng cỏn con cuộc đời nó sắp vụt tắt, Nhâm có thể đoán trước điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nó bị ép cưới với một người mà nó chẳng biết mặt, rồi có ngày chồng nó cũng sẽ bỏ lại nó mà đi tìm những niềm vui mới. Nó sẽ như mẹ nó, như bông hoa sen dù kiên cường thế nào cũng bị người đời và chính sự "giàu sang" vùi dập. Rồi Hào, người nó cảm mến, từ nay về sau sẽ mãi mãi chẳng bao giờ được gặp lại. Một vòng lặp mới lại bắt đầu.

Nghĩ đến đây, nó lập tức bấu víu cánh tay của Hào, lúc này đã bước được vài bước. Nó biết mình chẳng thể làm mềm lòng hắn, bèn dọa nạt:

"Anh mà không cho tôi đi, tôi, tôi..."

Nó ấp úng trong chốc lát. Nhưng ngay sau đó, như có một ai đó tiếp thêm một chút can đảm, nó nói dõng dạc:

"Tôi cũng sẽ tự tìm đường lên Việt Bắc. Tôi sẽ bỏ nhà ra Hà Nội."

Hào sợ sệt, không dám hoài nghi. Trực giác bảo hắn người con gái trước mặt sẽ làm đủ mọi cách để thoát khỏi cái nhà này, cái làng này, cái chốn đã giam cầm Nhâm suốt bây lâu nay. Hào ôm chầm lấy Nhâm, siết thật chặt. Một cảm giác thoải mái tỏa ra khắp cơ thể nó, giải phóng tất cả những nỗi buồn tủi và mệt nhọc tích tụ trong suốt bấy nhiêu năm ròng.

.......

Sớm hôm sau, ngay khi tiếng gà gáy đầu tiên vừa dứt, bóng dáng Hào, Nhâm chưa kịp rời khỏi cánh cổng làng được bao xa thì có tiếng gọi vọng đến từ phía sau:

"Cô Nhâm đợi tôi với."

Nhâm ngoảnh đầu lại, thấy dáng Đen đang đuổi sau lưng. Chẳng mấy chốc thì Đen cũng bắt kịp, vừa thở vừa nói đứt quãng:

"Cô đi đâu .. cho tôi theo với. Tôi thấy cô chạy vội khỏi nhà thì đuổi ngay sau... Cô đừng bỏ tôi... Bà cả không thấy cô thì bà cũng đến róc xương tôi mà cho chó gặm mất thôi..."

Nhâm hơi khó xử, quay sang nhìn Hào. Hắn mỉm cười gật đầu. Gương mặt khổ sở của Đen rạng rỡ và sáng bừng lên. Thế rồi ba người chạy mải miết trong ánh sáng bình minh để rời đi đến một nơi thật xa, một nơi không còn một xiềng xích hay định kiến nào có thể níu chân Nhâm được nữa. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top