Nữ "chiến binh"

Trước khi bắt đầu câu chuyện này, tôi xin thề rằng trước giờ tôi không hề coi thường "phái yếu". Kể từ cái ngày những câu chuyện này xảy ra, cho tới bây giờ, và mãi sau này, tôi cũng không bao giờ đánh giá thấp "phái yếu".

Câu chuyện về nữ "chiến binh" thứ nhất

- Hôm nay có giáo viên mới chuyển tới.

Thằng Tùng thông báo khi tôi vừa mới vào lớp. Cả đám con trai đang chụm đầu đoán xem lần này lớp sẽ đón cô hay thầy. Lớp tôi là lớp chuyên Hóa giỏi nhất khối 11, nhưng cũng nghịch nhất khối 11. Những thầy cô được phân về dạy lớp tôi đều là những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Đó thật ra không phải một sự ưu ái, vì bọn tôi thường bày trò trêu chọc các thầy cô. Người thường xuyên phải đứng mũi chịu sào các trò nghịch phá của chúng tôi là cô chủ nhiệm (thường là giáo viên dạy Hóa) và lớp trưởng. Trong lớp có tới 47 tên con trai và chỉ có duy nhất một đứa con gái thì nhỏ Hiền lớp trưởng đúng là gánh phải sao quả tạ. Chúng tôi nghịch vui đến đâu thì nó bị mắng nhiều đến đấy, nhưng lần nào bầu lại lớp trưởng, cả 47 thằng đều thống nhất đẩy con Hiền lên đoạn đầu đài, con nhỏ tức muốn khóc nhưng chẳng làm gì được. Đành chịu, đó là số phận của thành phần thiểu số.

Lớp trưởng không thay được, nhưng giáo viên thay được. Đó chính là lý do lớp tôi không bao giờ có một giáo viên chủ nhiệm cố định trong một năm, hầu hết các giáo viên mới không chịu nổi và xin đổi lớp ngay sau học kỳ đầu tiên. Cô chủ nhiệm học kỳ trước cũng vậy, ngay ngày đầu tiên cô vào lớp, thằng Vương nhét vào sổ đầu bài một con gián còn sống nhăn. Sang tuần thứ hai thì ngày nào ghế cô cũng có bụi than đen thui phủ một lớp dày cộm, hỏi thì đứa nào cũng bảo "em không biết". Đỉnh điểm là một lần nọ, thằng Hưng bị tịch thu điện thoại trong lúc chơi Flappy Bird, thế là khi cô chủ nhiệm đem điện thoại của nó để trên bàn, cả lớp hè nhau lấy sim lạ, gọi liên tục vào điện thoại nó. Bài giảng của cô liên tục bị ngắt quãng bởi đoạn nhạc chuông "Con bướm Xuân", cô bối rối tìm cách tắt điện thoại, đám yêu quái bên dưới cứ nhá máy liên tục. Cô bảo tắt máy đi thì thằng Hưng bảo điện thoại em bị hư sáng giờ không tắt được. Cô bảo ngừng gọi đi thì cả đám trưng ra vẻ mặt vô tội. Hết tiết, cô rưng rưng chực khóc. Chưa hết học kì một, lớp tôi đã có giáo viên chủ nhiệm mới.
Cô chủ nhiệm mới tên Dao. Ngày cô nhận lớp, cả đám con trai bên dưới bấm nhau cười. Tôi biết ngay tụi nó lại vừa bày trò phá đám cô, tôi nghiêng người hỏi thằng Tùng ngồi cạnh:
- Lần này tụi mày lại làm trò gì đây?
- Tụi tao mượn một con thú nuôi của thằng Vương bỏ vào hộc bàn.
- Mày mượn con chim của nó hả?
- Không! - Thằng Tùng cười hí hí - Thằng Vương chuyển sang nuôi chuột rồi.
Tôi vừa mới nghe "phổ biến kế hoạch" xong thì ở trên, cô đã mở ngăn bàn ra, một con chuột nhỏ xíu hoảng hốt phóng vụt vào người cô. Tụi tôi tất thảy đều trông chờ một tiếng thét, nhưng thay vào đó, tụi tôi chỉ thấy cô vươn tay, dũng mãnh dùng toàn lực hất một cái. Con chuột bay xuyên qua nửa lớp học, đập vào mặt thằng Tùng, và chui vào người thằng này.
- Ối chuột! Tía má ơi chuột!!! - Thằng Tùng ré lên.
- Đứng im! Bỏ áo ra khỏi quần cho con chuột chui ra! - Cô là lớn.
Thằng Tùng vừa nhảy cà tưng vừa bỏ áo ra khỏi quần, con chuột chưa kịp chạy xa đã bị cô bắt lại. Trước 48 cặp mắt ngơ ngác, cô bình tĩnh bỏ con chuột vô bao nilon rồi treo toòng teng trước cửa sổ.
- Cô để đây, thú cưng của bạn nào thì chút nữa bạn ấy ra lấy về ngheng!
Cả lớp nín khe, không ai dám nói một lời. Đám con trai mặt chuyển màu như đèn giao thông, từ xanh qua đỏ, từ đỏ qua tím rồi cùng lúc trắng bệch. Thằng Vương lớp phó học tập ngồi im tại trận, mắt lưỡi đều đông cứng. Đó là buổi đầu tiên cô "ra mắt" cả lớp.
Một tuần sau đó, chúng tôi có buổi kiểm tra Hoá 15 phút đầu tiên do cô ra đề. Thằng Tùng vẫn chưa nguôi ý định chọc phá cô. Nó viết một tờ giấy ghi bài giải của hai câu hỏi kiểm tra, chờ cô đi xuống thì nhẹ  nhàng dán lên lưng cô. Đây là phương pháp "giúp đỡ bạn bè trong lúc nguy nan" rất phổ thông của lớp tôi. Cô cứ thế mà mang tờ giấy đi lên đi xuống, cả lớp đầu nhìn thấy bài giải. Bỗng nhiên cô quay phắt xuống, cả đám cuối gằm mặt cặm cụi làm bài. Một chốc sau cô quay đi, chúng nó lại hí hửng nhìn vào lưng cô mà hí hoáy chép. Vậy mà khi phát bài, tất cả chúng tôi đều bị điểm thấp, đứa cao điểm nhất là con Hiền, cũng là đứa duy nhất cương quyết không dùng phương pháp thô bỉ kia để làm bài kiểm tra. Chúng tôi tức tối ngồi so bài với nhau, phát hiện tất cả đều cùng sai một dấu trừ. Đáng lẽ là dấu trừ, chúng tôi đều ghi dấu cộng nên sai hết cả bài. Cả đám chuyển sự tức tối sang thằng Tùng, là cái đứa đã dán tờ giấy sai bé bét kia, trong khi thằng Tùng thề thốt là nó đã viết dấu trừ, rõ ràng là dấu trừ. Cả đám con trai do chủ quan mà chết thảm, chưa kịp khóc than cho thân phận mình đã nghe cô tỉnh queo nói:
- Hôm bữa kiểm tra, cô đi chậm, mấy em có nhìn kịp đáp án trên lưng cô không? Cái đáp án mà cô đã gỡ ra sửa dấu trừ thành dấu cộng trong lúc tranh thủ ra hành lang hóng gió chút xíu ấy.
Nói xong, cô mỉm cười. Tôi nhìn quanh, thấy con Hiền lộ rõ vẻ đắc thắng, còn 47 tên con trai còn lại mặt tím tái như đang lên cơn đau tim tới nơi. Tôi lại cúi đầu nhìn bài kiểm tra 2 điểm của mình, muốn khóc mà khóc không được. Sau này, hễ chúng tôi bày trò nghịch phá cô Dao, đều phải trả một cái giá rất đắt. Hết học kì hai, phụ huynh cả lớp đều xem cô Dao như người thân trong nhà. Nhà trường vui mừng quá đỗi, cho cô chủ nhiệm luôn năm lớp 12 của chúng tôi. Đầu năm lớp 12, lớp tôi trở thành lớp ngoan của khối.
Câu chuyện về nữ "chiến binh" thứ hai
Con Hiền là lớp trưởng lớp tôi, đúng như tên gọi, nó hiền vô đối. Nó là cô gái duy nhất của lớp chuyên Hoá, là hoa giữa rừng gươm. Nhưng tất cả những thanh gươm kia đều ỷ lại vào nó: Cúp học nhờ nó chép bài, kiểm tra nhờ nó chỉ bài, ăn sáng nhờ nó mua đồ. Bù lại, chúng tôi giúp Hiền những việc nặng nhọc của lớp, 47 thằng con trai nhất trí không để con Hiền cực khổ lao động tay chân, vì dù gì nó cũng là đứa con gái duy nhất chịu được bọn tôi. Chúng tôi coi nó như cô em gái hiền lành, dễ  bị bắt nạt và hay khóc nhè. Bỗng một ngày kia, thằng Duy thông báo một tin động trời:
- Hình như con Hiền có học võ.
- Gì? Nhìn nó yếu xìu mà. - Cả đám nhao nhao.
- Nhưng tao thấy nó ở lớp học võ của chú tao, chắc chắn là nó đó! - Thằng Duy nói chắc như bắp.
- Muốn chắc ăn cứ hỏi nó đi!
Thằng Tùng ngoắc con Hiền lại, hỏi nó xem có phải nó học võ không.
- Không, Hiền không học võ, các bạn hỏi gì lạ vậy? - con Hiền cười.
Chúng tôi cũng cười, con Hiền mà đi học võ thì đã không đến nỗi bị chúng tôi uy hiếp, nhờ vả hoài như thế. Một tuần sau khi chúng tôi ra về thì bắt gặp con Hiền đang mua đồ ở tiệm tạp hoá gần trường. Lúc đó đường cũng vắng, và chúng tôi đang lững thững đi ra, còn cách con Hiền rất xa. Bỗng một thanh niên đội nón xuất hiện, nhanh như cắt, leo lên chiếc cúp còn gắn chìa khoá của con Hiền và bỏ chạy. Tôi vứt cặp ngay ra đó, đuổi theo, bọn con trai cũng lật đật hô hoán và đuổi theo tên cướp. Do xe của Hiền đã cũ, hay bị trục trặc, tên cướp không khởi động xe được, thế là chúng tôi tóm được hắn. Nhưng tôi vừa nắm lấy áo tên trộm thì bị hắn thọi cho một cú, sao bay đầy trời. Tôi ngã xuống đất và tên trộm chạy thoát. Vừa lúc đó thì tôi thấy con Hiền đuổi theo, chẳng nói chẳng rằng tung ba cú đấm và tên trộm ngã phịch xuống đất.
Sự việc diễn ra nhanh đến mức chúng tôi không kịp phản ứng, còn Hiền lại vô cùng bình tĩnh. Nó gọi dân phòng, trói nghiến tên cướp lại. Còn tôi, bỗng dưng tôi thấy con Hiền y như mấy điệp viên nữ trên phim, có điều không cao bằng, không đẹp bằng.
- Sao Hiền bảo không học võ? - Thằng Tùng ngơ ngác.
- Hiền không học võ, Hiền học boxing. - Con Hiền đính chính.
Cả đám ngậm tăm. Thằng Duy hôm sau khẳng định rằng nó đã thấy con Hiền trong lớp học võ của chú nó, con Hiền thi đấu với một anh lớn hơn.
- Nó ra đòn nhanh lắm, tao chẳng thấy gì cả, anh kia chỉ né được ba cú, sau đó lãnh trọn 4 cú đấm còn lại, nằm luôn!
- Tại sao trông hiền lành nhỏ nhắn thế mà kinh khủng vậy nhỉ? Cả cô Dao lẫn con Hiền ấy. - Thằng Vương khiếp đảm kêu lên.
- Có lẽ tụi mình đã đánh giá thấp sức mạnh của phái nữ. - Thằng Duy thở dài.
- Phụ nữ ấy mà, đều là chiến binh cả, chỉ là tụi mình đừng khiến họ phải chiến đấu thôi. - Tùng trầm ngâm, thấy cả bọn nhìn mình, nó vội vàng đính chính - Ấy là mẹ tao nói thế.
Câu chuyện về nữ "chiến binh" thứ ba
Mẹ thằng Tùng là người rất dễ mến, lần nào chúng tôi sang, bà cũng đãi chúng tôi rất nhìn món, đứa nào cũng quý bà. Mẹ Tùng là mẫu người phụ nữ nội trợ điển hình, nơi ưa thích của bà là căn bếp. Thằng Tùng ghiền món ăn mẹ làm đến mức nó toàn ăn cơm mẹ nấu chứ không đi ăn ngoài với chúng tôi. Vương là bạn từ bé của Tùng, nó kể rằng có một lần nhà thằng Tùng ở dưới quê bị cháy. Chỉ là cháy một căn nhà kho ở phía xa xa nhà chính, hoàn toàn không thiệt hại gì lớn. Nhưng thằng Tùng lúc ấy đang chơi trong nhà kho, mà khi đám cháy bắt lửa thì nó sợ đến mức không nhấc chân nổi để chạy thoát. Lúc đó, thằng Vương sang nhà thằng Tùng chơi chỉ thấy một đam người xách nước chạy qua chạy lại, còn lửa thì bốc rất cao vì lúc đó đang là mùa khô, căn nhà kho lại có nhiều rơm và củi để nấu nướng. Thằng Vương không dám đến gần và thấy mẹ thằng Tùng chạy đến, bị ba người đàn ông giữ lại , nhưng bà đẩy một cái, cả ba người đều té nhào, và bà chạy thẳng vào trong nhà kho đang cháy. Một chốc sau bà ôm thằng Tùng chạy ra, áo khoác ngoài bị bắt lửa vẫn còn đang cháy, người ta phải dập nước để dập lửa. Thằng Tùng chỉ bị ngất vì muội khói và sức nóng, còn mẹ nó bị phỏng một vết ở bắp tay.

Cả đám chúng tôi thẫn thờ nhớ lại, đúng là mẹ thằng Tùng có một vết phỏng ở bắp tay. Có lần tôi hỏi thì bà chỉ cười xòa và nói là tai nạn.

- Tao bày trò nghịch phá thế thôi, chứ tao không bao giờ gây ra chuyện gì to tát khiến mẹ phải buồn lòng. Ba tao nói, khi lâm vào cảnh khó khăn, ông có thể đứng vững được là nhờ mẹ tao. Vào thời điểm đó, những chuyện ông không thể làm, mẹ tao đều ra tay cáng đáng hết. Vì thế tao mới nói, bản lĩnh của phái nữ chỉ lúc gặp chuyện mới trỗi dậy. Đó là một thứ bản năng ngầm.

Bọn tôi ngẩn ngơ trước bài giảng của thằng Tùng. Đúng là ở cô Dao, nhỏ Hiền hay mẹ thằng Tùng đều có một nét tính cách đều khiến cho người khác phải thán phục, không thể coi thường nhưng vẫn cảm thấy họ cực kì đáng yêu. Tôi bắt đầu ngờ ngợ, có phải các cô gái bình thường tỏ ra mềm yếu cốt là để cho bọn con trai chúng tôi có chút ảo tưởng sức mạnh? Tôi bắt đầu tin rằng, thứ bản năng ngầm của phái nữ mà thằng Tùng nhắc tới thật sự đáng yêu và... đáng sợ. Như cô Dao hay nhỏ Hiền ấy, chẳng biết khi nào thì họ sẽ vụt sáng trở thành những nữ "chiến binh". Và đám con trai bọn tôi thì chẳng biết làm cách nào để họ không phải chiến đấu. Đang suy nghĩ miên man thì thằng Vương kéo cả bọn về thực tại:

- Bọn mày có muốn đi học võ, hay boxing gì đó không?

- Chi? Mẹ thằng Tùng đâu có học võ hay boxing.

Thằng Vương nín khe.

Bọn tôi chẳng có câu trả lời, cũng chẳng bao giờ có đáp án rõ ràng và súc tích về cái gọi là bản năng ngầm của những nữ-chiến-binh. Tôi đoán là ba thằng Tùng cũng nghĩ thế, người yêu cô Dao cũng nghĩ thế, và thằng người yêu tương lai của nhỏ Hiền cũng nghĩ thế. Nhưng vì cô Dao mà lớp tôi ngoan bất ngờ, vì con Hiền mà 47 tên con trai của lớp luôn có được cảm giác nương tựa và che chở. Và rốt cuộc, chuyện chúng tôi có đang bị ảo tưởng về sức mạnh của mình không có lẽ cũng không còn quan trọng nữa. Thật sự chẳng còn quan trọng nữa.

-BẢO CHÂU-

-END-

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top