Hai điều hối tiếc

"Nếu có thể quay ngược thời gian, bạn sẽ thay đổi điều gì?"

Câu hỏi này tôi đã chuẩn bị sẵn từ trước. Đáng lẽ tôi sẽ cười ra vẻ đắn đo, rồi trả lời rằng tôi sống chẳng hối tiếc điều gì, tôi đã làm tất cả những gì mình muốn, nếu có gì muốn thay đổi thì chỉ có thể là khả năng ca hát của mình. Nhưng trong đầu tôi lại bất thần hiện lên hình ảnh của An, nụ cười của tôi bỗng tắt lịm. Tôi nhìn đăm đăm xuống máy ghi âm để trên bàn, rồi đáp:

"Nếu quay ngược được thời gian, mình sẽ thay đổi hai điều. Điều thứ nhất...".

Điều thứ nhất

Ngày còn bé tôi sống với mẹ, ba tôi đi làm xa, chẳng mấy khi về. An sống với bố, mẹ tôi nói rằng mẹ An bỏ đi hai năm trước, chắc không trở lại nữa. Mẹ dặn tôi đừng nói với An những chuyện như thế, kẻo An đau lòng. An bằng tuổi tôi, lùn và gầy nhom, lúc nào cũng thích trèo lên cây để ngủ, mặc dù kiến trên cây khá nhiều. Cái cây An hay trèo lên lại nằm chễm chệ trước sân nhà tôi, tôi chẳng biết đó là cây gì, nó không ra hoa cũng không kết quả nhưng tàng lá xum xuê và cành cây vững chắc. Trưa tôi đi học về, ngẩng đầu lên lúc nào cũng thấy An đang nằm vắt vẻo trên đó. Lúc đầu tôi không thích chuyện tên bạn lúc nào cũng chiếm cứ cái cây nhà mình, nên tôi hay lấy chổi khều chân, phá giấc ngủ của An. Lần nào An cũng hét toáng lên:

- Mày đi chỗ khác chơi đi!

- Không đi, cây nhà tao chứ có phải cây nhà mày đâu.

Tôi kiên quyết không đi, An cũng không chịu xuống. Tên bạn trèo lên cao nữa, tôi với không tới, thế là tức chí trèo luôn lên cây để đuổi An xuống. Kết quả hai đứa té, tôi bị trật cổ chân, An bị ba mắng cho một trận. An là một tên cứng đầu, một khi đã thích làm điều gì thì chẳng ai ngăn được, nhưng sau đợt đó nó không leo cây nữa. An nói mắc công tôi lại leo lên rồi té trật chân nữa thì phiền lắm, nên thôi. Từ đó, hai đứa mắc hai cái võng ở ngoài vườn, rồi nằm ngủ gà ngủ gật cho tới khi mẹ tôi gọi dậy. An bướng bỉnh, tôi cũng lì lợm không kém, cả xóm chỉ có mình tôi trị nổi An. An đánh lộn với bạn, tôi lôi về; An đi chơi tuốt bên xóm trên, cũng tôi đi kiếm nó về; An bị ba đánh, lại tôi sang can. Có lần nọ, tôi rủ An đi chơi, hai đứa chơi trốn tìm, chỉ có điều tôi tìm không thấy An. Tôi sợ muốn chết, vừa khóc vừa đi tìm, rồi tôi tìm được An ở dưới đay một cái hố đầy nước. An cũng sợ, mặt mày tái mét. Tôi muốn khóc nhưng lại sợ làm An khóc theo. Tôi cõng An về, trên đường đi không hé môi nửa lời. Về đến nhà thì tôi bị bong gân cổ chân. Tối hôm đó tôi nằm nhà khóc thút thít do cổ chân đau buốt, An thập thò ở cửa, đem cho tôi chùm nho.
Thấy mắt tôi đỏ hoe, An lò dò tới sờ cổ chân tôi. Tay An mát lạnh, tôi đỡ đau nên thôi không khóc nữa. An nói:
- Mày kêu người lớn tới là được rồi, mắc gì phải cõng tao về.
- Tao sợ...
An im re, bàn tay nhỏ vẫn úp trên cổ chân sưng vù của tôi. Từ đó về sau, An không bao giờ để tôi đi tìm nữa. An luôn xuất hiện ở nơi tôi có thể nhìn thấy.
Lên cấp Hai, An học cùng trường với tôi. Với thành tích phá làng phá xóm khắp nơi, An cứ như quả bom nổ chậm mà tôi phải coi chừng, lúc nào cũng sợ tên bạn gây rối rồi đánh nhau. Tôi nói An không được đánh nhau. An còn chẳng thèm nghe tôi nói hết câu, đã vọt đi chỗ khác. An như vậy, nên tôi không lạ gì khi thỉnh thoảng lại có vài đứa đâm chọt khiến An nổi quạu mà đánh nhau. Bình thường tôi đều thở dài ngao ngán và bảo An bớt nóng đi, nhưng có một lần tôi đã nổi nóng, khi đối tượng nói xấu của bọn chúng không phải là An, mà là mẹ cậu ấy.
- Nghe nói mẹ mày đi luôn không về phải không An? Mày có ghét bả không An? Chắc tại bả ghét mày nên mới đi đó.
An lừ mắt nhìn bọn nó. Cậu ấy còn chưa kịp phản ứng gì thì tôi đã đẩy tên bạn nói câu đó té sóng soài. Tức thì cả đám đánh nhau loạn xạ, tôi vừa cào cấu vừa cắn tên bạn đó, còn An thì cố hết sức lôi tôi ra. Tôi bị đình chỉ học một tháng liền, cả trường bỗng chốc sợ tôi, còn An thì ngạc nhiên quá đỗi.
- Khanh sao vậy? Tụi nó nói tui mà, có đụng gì tới Khanh đâu?
Tui không biết nói gì, nên im lặng.
- Tụi nó nói đúng chứ đâu có sai. Mẹ tui không thích sống với ba con tui nên mới bỏ đi. Tui biết chuyện này từ nhỏ. Ai cũng tránh nói trước mặt tui, nhưng tui biết mẹ tui không quay về nữa, có gì đâu phải buồn.
Tôi không thấy An buồn, nhưng tôi buồn thay cho cậu ấy. Tôi choàng hai cánh tay mảnh khảnh đầy vết xước của mình qua vai An, ôm ghì lấy cậu ấy một cái. An ngẩn ngơ, rồi phì cười trước thái độ an ủi của tôi. Tôi nhận ra có cái gì đó đã thay đổi, có một sự ràng buộc mơ hồ nào đó trong cách An cười khi nhìn thấy tôi, hoặc nắm tay dẫn tôi qua đường. Không như tôi hay giấu kín tâm sự trong lòng, An là người thẳng thắn, vì thế, khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp cấp Hai, An đã nói tỉnh bơ như thể đó là điều hiển nhiên nhất:
- Khanh không thấy là An rất thích Khanh sao?
Lúc đó tôi rất hốt hoảng. Tôi đã nghĩ nếu mình chấp nhận, mình sẽ mất An. Vì thế tôi không trả lời, tôi đáp trả tấm lòng của An bằng cách chạy trốn. Tôi đăng kí học cấp Ba ở một trường trên thành phố, xa nhà, xa An, xa cả tình cảm của cậu ấy.
Đó chính là điều hối tiếc đầu tiên của tôi. Tôi hối hận vì mình đã chạy trốn.
Điều thứ hai
Tôi lên thành phố, tham gia một cuộc thi tuyển chọn thành viên cho ban nhạc. Tôi suýt rớt cho đến khi một người được chọn đột ngột bỏ cuộc, người ta chọn tôi vào thay thế. Giọng hát của tôi không được xuất sắc, bù lại tôi có tạo hình phù hợp với các hoạt động ngoài ca hát. Tôi làm việc rất chăm chỉ, tôi ép mình nhún nhường, và mỉm cười mọi lúc. Thi thoảng, giữa những lúc chạy đôn đáo cho kịp lịch học và lịch diễn, tôi có nghĩ đến An. Tôi nhớ cậu ấy, nhưng tôi cũng thấy hoang mang. Nhiều lần tôi gọi cho An, khi nghe An bắt máy, tôi lại cúp máy ngay. Nhắn tin làm tôi đã ngượng ngùng hơn. Tôi lưu tất cả những tin nhắn của An. Dù chỉ là một câu chúc ngủ ngon hay giục tôi đi ngủ sớm, đều làm tôi cảm thấy vui lòng.

Rồi chẳng có gì báo trước, nhóm nhạc của tôi đột ngột tan rã, do chúng tôi thiếu sức hút hoặc công ty không có đủ tài chính đào tạo, hoặc cả hai. Dù với bất kì lý do gì, chuyện nhóm tan rã đều làm tôi cảm thấy hụt hẫng và chao đảo. Tôi không dám nói với mẹ. Tôi cúp liền mấy buổi học rồi lẳng lạng kiếm một công việc làm thêm để lấp chỗ trống do lịch diễn để lại. Chẳng dễ dàng gì để lấy lại tinh thần. Đúng lúc ấy thì An xuất hiện. Cậu ấy mang theo một túi lớn đồ ăn.

- Tui có chết đói đâu. - Tôi phì cười.

- Ăn để đỡ buồn thôi, món gì Khanh thích cũng có trong này hết.

- Sao biết tui đang buồn?

- Gọi điện nghe giọng rù rù, cả tháng lại không chạy sô hay đi diễn gì hết, nghĩ chút là hiểu rồi.

Tôi đùa:

- Bộ tháng nào cũng theo dõi tui hay sao mà biết mấy tháng nay không đi diễn?

- Ừ. Lúc nào cũng theo dõi hết.

An nói nhẹ tênh, vậy mà tôi vui muốn khóc. Tối hôm đó tôi ăn hết phân nửa giỏ thức ăn của An, hát cho An nghe vài bài . An nói tôi chẳng việc gì phải buồn hết, không hát nhóm nữa thì hát một mình. Các cuộc thi âm nhạc mở ra rất nhiều, tôi lại có sẵn các mối quan hệ, sợ gì không được hát nữa. Thực ra lúc đó tôi đã chẳng còn buồn nữa rồi, chỉ cần nghĩ rằng lúc mình hát, An đang nghe thì tôi đã vui lắm. bọn tôi huyên thuyên chuyện ngày bé. Thoắt cái đã sắp hết ngày. An phải ra bến xe trước khi trời tối hẳn. Trước khi đi, an nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi lại lần nữa:

- Khanh không thấy là An rất thích Khanh sao?

Tôi bối rối không biết phải trả lời thế nào. Vậy là An đi mất. Tôi nhìn hoài theo bóng An, thấy lòng buồn không thể tả. An dừng liên lạc với tôi. Còn tôi bận rộn với lịch học và những sô diễn. Tôi lao vào học, tôi mải mê chạy theo ánh đèn sân khấu. Tôi gặp lại An vào dịp tôi trở về trường cũ biểu diễn. Cậu ấy đã cao hơn tôi cả cái đầu, vẻ ngoài chững chạc và rắn rỏi. Gặp tôi sau cánh gà, An bỗng hỏi tôi, cậu ấy có chút vị trí nào trong lòng tôi không. Tôi sững sờ. Tôi nhìn cậu bạn đứng trước mặt mình, bỗng chốc tôi lại cảm thấy sợ hãi. Tôi cũng không rõ mình sợ điều gì, tôi chỉ biết tôi với cậu ấy đang ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Thế là tôi đáp:

- An là cậu bạn thân tốt nhất của tớ.

An không nói gì nữa, cậu ấy cười rồi lắc lắc đầu, và bước đi. An chưa bao giờ cười buồn như vậy. Lúc cậu ấy quay đi, tôi chỉ cảm thấy rối bời. Sau đó tôi mới biết, để An đi là sai lầm lớn nhất. Đây chính là điều hối tiếc thứ hai của tôi, điều mà mỗi phút mỗi giây tôi đều muốn quay ngược thời gian để có cơ hội làm một điều gì đó thật khác.

*

- Vậy bây giờ cậu ấy ở đâu? - Cậu phóng viên hỏi tôi.

- Đó là lần cuối cùng tôi gặp An. Cậu ấy vừa ra đi sau một vụ tai nạn.

Giờ tôi chẳng còn cơ hội nói gì với An nữa rồi. Tôi ngồi thừ người ra như một bức tượng khô khốc. Bài báo phỏng vấn tôi đã bị lược mất câu hỏi cuối cùng. Điều mà tôi hối tiếc nhất, đó chính là đã lừa dối bản thân mình, đã không đủ can đảm để nói lên sự thật. Tôi cứ nghĩ An luôn ở đó chờ mình. Nhưng chẳng có thứ gì tồn tại mãi. Hai điều hối tiếc nhất đó mãi mãi ám ảnh tôi, cùng với nụ cười của An khi vỗ về tôi, cùng với tất cả những gì tôi chưa kịp làm cho cậu ấy.

-BẢO CHÂU-

-END- 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top