Bầu trời màu xanh ngọc bích
Tôi còn nhớ món quà sinh nhật đầu tiên mà Xanh tặng tôi. Đó là một con dao rọc giấy để tôi chuốt bút chì, vì tôi có thói quen dùng dao để chuốt bút chì gỗ chứ không dùng đồ chuốt bút chì bán sẵn. Hồi ấy không mấy ai biết thói quen này của tôi vì tôi không hay vẽ trước mặt họ. Chỉ có Linh biết tôi có thể chuốt bút chì đến đen cả tay và vẽ cả ngày mà không biết chán. Cho nên đến một ngày nọ, tôi vô cùng ngạc nhiên lẫn hoảng sợ khi nhận được món quà của Xanh. Tại sao lại có hoảng sợ ở đây, là vì cách cậu ấy tặng quà.
Xanh không phải là một học sinh gương mẫu, thứ cậu ấy giỏi nhất không phải là học, mà là đánh nhau. Cho nên, nửa học kì đầu năm lớp 10, không ai dám đụng vào Xanh. Chân mày cậu ấy lúc nào cũng cau lại, theo như Linh nói thì từ người Xanh tỏa ra mùi "sát khí" nồng nặc. Nếu chăm đọc tiểu thuyết kiếm hiệp hơn thì có lẽ tôi đã biết "sát khí" nó như thế nào, nhưng mà tôi không đọc, nên tôi thấy Xanh hơi thiếu thiện cảm với bạn bè, còn lại thì dung nhan cũng ổn, mà học hành không tệ. Lần đầu tiên tôi gặp Xanh, cậu ấy lên xe buýt mà không mang theo tiền nên tôi vội lấy tiền ra trả thay cậu ấy, sau đó tôi hỏi cậu ấy đi mấy chuyến mới đến nhà, cậu ấy nói hai, tôi lại đưa cho cậu ấy thêm một lần tiền xe buýt nữa. Chỉ vậy thôi, tôi không nghe Xanh cảm ơn, mà tôi cũng không để ý. Một tuần sau, tôi với Linh đang đi học về thì thấy Xanh đứng đợi bọn tôi từ xa, cũng với bộ mặt thiếu thiện cảm đó, tay cầm một con dao rọc giấy. Sau đó cậu ấy đi nhanh về phía bọn tôi. Tôi tái mặt định níu áo con Linh, hỏi nó xem phải làm sao bây giờ thì đã thấy nó bỏ chạy rồi. Tôi liền cuống cuồng bỏ chạy theo, vừa chạy vừa gào lên:
- Linh ơi, chờ tao với!
- Mày không thấy nó cầm dao à? Kêu tao chờ thì chi bằng mày chạy nhanh lên đi. - Con Linh hét.
Xanh đuổi theo. Thế là trên đường xuất hiện cảnh tượng một cậu con trai mặt mũi hầm hầm đuổi theo hai cô gái vô tội. Một lúc sau thì cậu ấy đuổi kịp tôi, và chìa ra con dao rọc giấy màu xanh, nói:
- Tặng cậu. Cảm ơn đã trả tiền xe buýt.
Lúc đó tôi mới để ý con dao đó được thắt một cái nơ cũng màu xanh nốt. Đó là màn tặng quà kinh hãi nhất mà tôi từng gặp. Sau này nghe Xanh nói, cậu ấy đã dành một tuần để quan sát xem tôi cần gì để mà tặng, vì cậu ấy rất cảm kích cô gái xa lạ đã cho mình mượn tiền đi xe buýt. Tôi thì được một phen sợ hết hồn. Nhưng tôi cũng nhận món quà ấy, và từ đó, tôi thấy cậu ấy cũng không tệ lắm.
Tại sao tôi gọi Xanh là Xanh, vì hoá ra cậu ấy thích màu xanh. Xanh ngọc bích nhé, không phải xanh da trời đâu. Sau cái hôm tặng quà đầy hãi hùng ấy, tôi lại tình cờ gặp cậu ấy đứng trước quầy bán dụng cụ làm bánh, nhìn chằm chằm vào một cái găng tay làm bếp màu xanh ngọc bích. Với gương mặt rất đỗi dịu dàng, khác hẳn vẻ khó gần thường ngày. Thế mà chị nhân viên vừa tiến đến hỏi han thì cậu ấy lại trưng ngay ra cái bản mặt khó ưa kia ra. Chị nhân viên vừa rời gót, Xanh lại nhìn vào cái găng tay làm bếp bằng ánh mắt nuối tiếc rồi chọn một cái găng màu đen và bỏ đi. Tôi cũng ngại lên tiếng, vì mới gặp có một lần, ai lại hồ hởi nhào tới bắt chuyện bao giờ. Rồi tôi chọn đại một cặp găng tay làm bếp, ra tính tiền. Sau đó về nhà thì tôi khóc hận, cái găng tôi chọn tình cờ lại là màu xanh ngọc bích, mà lúc đem về nhà thì màu đen. Cả cái quầy ấy lại chỉ có mỗi một đôi găng đen mà Xanh đã chọn thôi, cho nên tôi biết ngay là chúng tôi lấy nhầm hàng của nhau rồi. Hôm sau tôi gói kín đôi găng màu đen ấy, đem lên trường, chờ Xanh tan học thì tôi rón rén đến gọi cậu ấy và nói:
- Hôm qua tớ mua hàng cùng chỗ với cậu. Cậu có lấy nhầm đôi găng màu xanh của tớ không, cho tớ đổi lại nhé?
Cậu ấy nhìn chằm chằm đôi găng màu đen tôi đang chìa ra, sau đó chậm rãi nói:
- Có lấy nhầm.
- Vậy...
Xanh không tiếp lời tôi, cậu ấy chỉ gật đầu rồi bước thẳng. Tôi chợt nhớ đến lúc cậu ấy nhìn cái găng màu xanh ngọc bích trong cửa hàng, nên tôi vội chạy theo cậu ấy.
- A, thôi cậu cứ giữ đi, cái găng này tớ xài rồi, nó dơ rồi, không đổi cho cậu nữa đâu.
- Không sao.
- Tớ ghét màu xanh ngọc bích lắm, cậu giữ lấy mà dùng. - Tôi khăng khăng.
- Giày cậu có màu xanh ngọc bích kìa.
Tôi nhìn xuống đôi giày màu xanh của mình, tự dưng muốn lột phăng ra vứt đi cho rồi. Thế là tôi nhìn Xanh, Xanh nhìn tôi, tôi không biết nói gì nữa nên đành ôm cái găng tay chuồn thẳng. Hôm sau, lúc tôi đang ngồi trong lớp thì Xanh đứng trước cửa, gọi tôi ra. Cả lớp thảng thốt nhìn tôi kiểu: "Mày đã làm gì nó?". Con Linh thì tự dưng móc trong túi ra một hộp băng cá nhân urgo để lên bàn tôi, rồi nhìn tôi đầu thông cảm (?!). Xanh ra hiệu cho tôi xuống một góc khuất trong hành lang, rồi chìa ra một túi bánh quy. Tôi chưa hiểu gì hết thì cậu ấy nói:
- Cảm ơn cậu đã nhường găng.
Tôi ngẩn ngơ, lúc này mới biết Xanh rất tế nhị, rất tử tế, chẳng ai nhìn bản mặt khó ưa đó mà nghĩ cậu ta đã thương thế này. Tôi định đem lên lớp ăn thì Xanh trừng mắt bảo ăn hết tại đây luôn đi. Tôi hoảng quá nên nhai một lượt hai cái, ăn một lát thì xong. Bánh rất ngon nên tôi khen thật tình. Xanh cười thật tươi. Tôi nhìn nụ cười ấy, có cảm giác mình đang nhìn thấy một con người khác của Xanh. Đôi lúc tôi nghĩ, mọi việc trên đời này đều chỉ là tảng băng trôi, người ta chỉ nhìn thấy bề nổi của nó, còn phần chìm thì phải cất công lặn thật sâu mới thấy được. Nụ của hôm ấy của Xanh đã làm trong mặt nước, khiến tôi nhìn thấy một phần thật lớn của tảng băng trong lòng Xanh. Khi tôi đi lên lớp, cả bọn lớp tôi cứ soi từ đầu đến chân, xem tôi có bị bầm dập chỗ nào không. Khi tôi bảo rằng cậu ấy chỉ đem cho tôi mấy cái bánh, thì con Linh đột nhiên lại đưa cho tôi một cái bịch, bảo là để tôi ói ra khi cần phải ói (?!). Tôi khó hiểu quá, cậu ấy đâu có đáng sợ như mọi người nói.
Tôi đi chung tuyến xe buýt với Xanh. Kiểu nói chuyện của bọn tôi rất kì cục, thường thì tôi là người bắt chuyện, chúng tôi nói chuyện chán muốn chết, thề mà vẫn nói được. Kiểu tôi nói: "Hôm nay trời đẹp nhỉ?", thì cậu ấy bảo "Chiều có mưa đây", tôi thở dài "Thế là hết phơi đồ", cậu ấy đáp "Ừ. Tiếc quá!". Dần dà thời gian nói chuyện của chúng tôi dài ra, chủ đề cũng trở nên linh hoạt, từ nhạc phát ra trên xe buýt cho tới môn học gần đây. Xanh cười nhiều hơn, tôi nhận ra mỗi lần cậu ấy cười, chân mày giãn ra, đuôi mày kéo xuống làm thành hình dấu huyền. Rất ngộ, rất hiền, không thấy dữ. Tôi mua găng làm bánh để tập làm bánh, còn cậu ấy thì đã làm bánh từ lâu. Tôi rất dở may vá, chỉ giỏi vẽ; cậu ấy không biết vẽ, nhưng may vá siêu nhanh. Có lần cái hộp bút cảu tôi bị rách moitj đường, cậu ấy ngồi vá lại, chưa đầy năm phút đã xong. Ngoài ra, Xanh cinf biết tỉa hoa củ, làm việc nhà rất cừ, nhảy cao rất giỏi, chạy bộ rất dai. Ti tỉ những điều thú vị về cậu ấy cứ thế mà tuôn ra, rồi chúng tôi cùng nói chuyện, cùng cười không dứt. Cậu ấy hay ngủ quên trên xe buýt, tôi cũng hay ngủ quên, có lúc hai đứa ngồi tựa vào nhau, ngủ tới lúc về đến bến cuối mới ngẩn tò te đi xuống. Tôi chỉ vẽ trước mặt Xanh, mà cậu ấy cũng chỉ cười trước mặt tôi. Đôi lúc tôi thuận miệng kể về Xanh, con Linh cứ nhìn tôi như thể tôi bị khùng. Chắc là ai cũng nghĩ tôi bị khùng, có đứa còn thêu dệt nên một cậu chuyện kiểu nhân vật nữ chính (là tôi) đã cảm hóa và trở thành người quan trọng nhất của nhân vật năm chính (là Xanh). Tôi kể cho Xanh nghe, và bọn tôi bắt đầu ngồi kiếm nam phụ, nữ phụ cho câu chuyện của chính mình, thậm chí còn dựng ra tình tiết ngặt nghèo éo le, buồn cười đến chảy nước mắt.
Một ngày nọ, con Linh nói với tôi, Xanh không như tôi nghĩ đâu.
- Mày chưa thấy thằng Quân ( tên thật của Xanh ) đánh lộn phải không? Có lần nó bị đình chỉ học một tháng, người bị nó đánh thì chuyển trường luôn. Quân không đàng hoàng như mày kể đâu.
- Mày tận mắt nhìn thấy à?
- Không.
- Vậy đừng nói như thể mình biết rõ.
Tôi nói Linh thế, chứ sau đó tôi đã nhìn thấy. Lúc ấy bản phác thảo của tôi bị bay, tôi đuổi theo để lượm lại. Vừa quặt qua ngã quẹo, giữa những tờ giấy trắng đang bay phất phơ, tôi thấy Xanh của tôi vung tay, đấm vào mặt đối phương. Những tờ giấy bay bay, tôi lùi ra xa đứng nhìn, lúc đó tôi nghĩ: "Hóa ra đây chính là cảnh đánh nhau, trông đau đớn hơn trên phim nhiều". Rồi tôi nhìn Xanh, cánh tay vẫn thường ngày cho tôi mượn để gác đầu, giờ đang căng ra mạnh mẽ, liên tục tung ra những đòn đánh hiểm hóc. Tóc của Xanh rối bù hết cả, quần áo thì lấm lem, một vết xước kéo dài trên má. Tôi cũng chẳng hiểu mình nghĩ gì nữa, nhưng tôi chỉ biết mình vô cùng bình tĩnh. Tôi tìm một chỗ khuất và an toàn để ngồi đợi. Tiếng la hét vang lên nhỏ dần, rồi tắt hẳn. Tôi không nghe thấy tiếng của Xanh, nhưng tôi biết cậu ấy thắng. Tôi ngồi đợi thêm một chút nữa thì trời mưa, mưa nhỏ lất phất, tôi nghe tiếng chân của Xanh mệt mỏi lê bước về phía mình. Rồi khuôn mặt trầy trụa của cậu ấy thò ra sau bức tường, Xanh không nhìn thẳng vài mặt tôi, cậu ấy chỉ lầm bầm:
- Mưa rồi, về đi.
- Ừm, cùng về.
Xanh nhìn tôi trân trân, rồi bật cười.
Tiếng cười nghe chua xót hơn mọi bận, nhưng tôi không để tâm, tôi đang bận tìm urgo và khăn cho Xanh. Chúng tôi không thể về nhà ngay được, Xanh quá mệt để đi thêm, còn tôi chưa vội về nhà. Chúng tôi tìm một chỗ trú mưa dưới hiên. Khuôn mặt Xanh đầy vết thương, nhưng giọng nói thì rất tỉnh táo. Cậu ấy kể cho tôi nghe về những ngày còn bé, về những ngày yếu đuối và bất lực của mình.
- Hồi tiểu học, tớ đã giỏi may vá rồi, tớ nấu ăn cũng giỏi nữa, thế là bọn con trai trong lớp cứ chọc tớ ẻo lả, bọn con gái thì xa cách tớ. Tớ hiền nhất lớp, làm gì cũng bị tụi nó xỉa xói, trêu chọc. Hết giờ học, bọn nó sẽ lấy cặp tớ, đổ hết các thứ trong cặp ra, rải mỗi nơi một thứ, chỉ để cho vui. Vì vậy, tớ học được rằng, yếu đuối không được chấp nhận, yếu đuối sẽ bị bọn nó coi thường. Cho nên lên cấp hai, tớ cố gắng học giỏi, để họ không khinh mình được nữa. Nhưng chỉ học giỏi thì có ích gì, bịn nó vẫn không vừa mắt việc tớ quá tách biệt, chỉ biết học cho giỏi chứ không đi chơi. Bọn nó đâu biết chỉ để duy trì điểm số thì tớ phải cố thế nào. Chỉ đến khi tớ đấm vào mặt một thằng trong lớp, đánh đến khi nó khóc, thì mọi người mới không dám bắt nạt tớ nữa. Thà như thế, còn hơn là chính bản thân bị bắt nạt.
Xanh ngừng kể, cậu ấy nhìn tôi bằng một bên mắt còn lành lạnh và hỏi:
- Cậu có nghĩ tớ quá yếu đuối không?
Tôi lắc lắc đầu, và lấy một lon nước lạnh đưa cho Xanh, để cậu ấu chườm lên mắt mình. Bây giờ thì tôi muốn thời gian quay ngược lại khi nãy, tôi sẽ không đứng đó chờ Xanh nữa, tôi sẽ kéo cậu ấy ra khỏi trân ẩu đả đó. Cậu ấy không cần phải làm thế, vì một ai đó chẳng hiểu mình. Có lẽ Xanh đã nhìn thấy tôi bỏ đi, và cậu ấy tưởng tôi cũng như những người khác, khi đã biết được bản chất của cậu ấy rồi, sẽ bỏ cậu ấy mà đi. Quả nhiên, Xanh thì thầm cạnh tôi:
- Cậu có ghét tớ không?
Thấy tôi không trả lời, cậu ấy lại thở dài, như tự nói với bản thân mình:
- Bây giờ tớ phải làm gì đây?
- Bây giờ, cậu phải làm hộ tớ một việc. Đó là cất ngay cái bản mặt rầu đời đó đi, làm bánh và may vá như cậu vẫn thường làm. Mang giày xanh ngọc bích đến trường, cuối tuần lại đi xem phim hoạt hình, thấy vui thì cười, thấy buồn thì khóc. Học không giỏi cũng không sao, không cần phải cố gắng.
- Nếu họ bắt nạt tớ thì sao? Nếu tớ bắt buộc phải đánh nhau thì sao?
- Vậy thì tớ sẽ bỏ chạy cùng cậu vậy.
- Chạy đi đâu?
- Đến đồn công an.
Lần này thì Xanh phá ra cười. Cười gập người, sau đó thì nhăn nhó vì đau. Rồi cậu ấy cùng tôi tựa người ra bức tường phủ dây thường xuân ở phía sau, chúng tôi choàng tay qua vai nhau, rồi cậu ấy khẽ khép mắt nghỉ ngơi. Bên ngoài mưa giăng kín lối, mặt đường ướt sũng như một tấm gương lớn. Nhưng tôi biết sau con mưa này mọi thứ sẽ sáng sủa và khác trước nhiều lắm. Xanh sẽ không phải che giấu bản thân mình vì bất kì lý do gì cả. Xanh tựa đầu vào vai tôi, hỏi:
- Di này, bầu trời đang có màu gì thế?
- Bầu trời màu xanh ngọc bích.
Tôi vừa dứt lời thì có một bàn tay khẽ chạm vào vai tôi. Khi nào mưa ngừng rơi, nhất định tôi sẽ nói với Xanh rằng: Tôi cũng yêu màu xanh ngọc bích như cậu ấy, chỉ vì tôi thích cậu ấy. Chỉ thế thôi.
-BẢO CHÂU-
P/s: Hôm trước tôi nhìn thấy một câu chuyện trên trang Human of New York, nói về việc một thanh niên cô độc giữa xã hội và phải ngụy tạo cho mình moitj lớp vỏ để bảo vệ bản thân. Tôi nghĩ nếu có một người hiểu và ủng hộ bạn ấy thì hẳn bạn ấy không phải giả vờ mạnh mẽ. Tôi viết truyện này để dành tặng những ai đang cô đơn. Chúc các bạn sớm tìm được một người bạn đồng hành.
-END-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top