P2
Để các bà mẹ yên tâm, đêm đi công tác, ban ngày út cho các cô làm vần công ruộng rẫy của gia đình mình. Vừa đi du kích đánh giặc, vừa là vạn cấy, vạn gặt. Sau đó làm cả ra ngoài, lấy tiền may mùng, may nón. Sáng ra ruộng, súng để châu đầu lại, các cô vừa làm vừa hát. Các cô khác xin vô du kích, can không kịp.
Hồi đó Tam Ngãi có tình trạng như thế này. Du kích nữ được thành lập, đội du kích nam cũng nhiều anh xin vô hơn. Nữ còn đi cầm súng, nam lại há ở nhà? Khi đụng giặc, du kích nam đánh cũng hăng hơn, vì dù sao các anh cũng phải làm gương cho nữ. Còn việc sản xuất tự túc, các anh cũng có kế hoạch hơn, mặc dù về mặt đó so với nữ, các anh khó mà bằng. Trong xã nếu còn anh thanh niên nào ở nhà với vợ chưa tham gia công tác thì không cần nói cũng biết. Ra đường, trông anh trọi lỏi, nói năng xẻn lẻn, không dám ngó ngay. Nói gì đến những buổi du kích nữ tập quân sự thì gặp việc phải đi ngang, anh chỉ còn nước cắm đầu chạy.
Đó là những buổi út dắt chị em ra nhị tì(1) tập bắn. Bia là cái mả của Hàm Giỏi. Nó cao, to bằng cái nhà, xây toàn bằng đá xanh. Xưa nay, út chỉ biết bắn. Giờ phải dạy lại chị em, không biết làm sao. Có học hồi nào mà biết? Về mặt quân sự thì khi ra trận, út có thể coi cung cách thằng giặc, đoán ra con đường nó sẽ đi, rồi nhìn lại cách nằm phục của anh em mình, đoán ra được mình sẽ thắng và thắng ra sao. Thường thì đoán mười đúng tám. Nhưng bảo dạy ai thì chịu. út nói ngắm ở chỗ này, bấm cò chỗ này, rồi lấy vải mưa trùm lên một đầu trụ của mả đá, cho chị em bắn vào đó. út núp ở trụ bên kia, thổi tu huýt, ra lệnh, dòm coi có ai bắn trúng thì la lên. Nhưng trúng sao được! Mấy cô đứng thẳng lưng bắn, đạn bay mất hết. út bơi xuồng đi hỏi chồng. Anh Tịch vẽ cho cái vòng tròn dán ngoài cây, chỉ cho các cô nhắm. Nhắm riết rồi bắn trúng thật. út phải phục chồng là giỏi.
Cho đến lúc cả tiểu đội biết thương nhau như một bụng mẹ đi ra, đêm ngủ, vỗ tay cái bộp là biết lồm cồm ngồi dậy, cuốn đồ đạc chuẩn bị, không kêu gọi nhau í ới nữa thì út xin ông Ba Tê cho đi chiến đấu.
Từ đó, hai tiểu đội nữ du kích và nam đi đâu cũng như hình với bóng. Đánh giặc chung, no đói có nhau. Cũng như vợ chồng út, anh "bá đỏ", chị "cạc-bin" anh em nói đùa là "Bà Hồng, ông Cống nắm tay nhau đánh giặc mù trời!". Còn bọn giặc ở Tam Ngãi, Cầu Kè cứ nghe du kích nổ súng là réo chửi "vợ chồng thằng Tịch".
Con Bé mới mười tuổi. Nó bồng hết em này đến em khác. Hông nó cũng sần sượng, nổi chai. Bữa cơm, nó nhường hết thức ăn cho em. Nó nhường riết đến nỗi bây giờ không biết ăn thịt cá. Muỗi nhiều quá, nó cắt lá chuối, hơ nóng, lót võng cho em ngủ. Nửa đêm muỗi đốt, thằng em ngủ trèo lên ngực nó. Hàng ngày chị em đi câu cá bống về bằm sả, đi lượm vỏ đạn giặc bắn bỏ ngoài gò mả về cho mẹ. Thấy cái thau, cái vung nào rỉ người ta vứt lại lượm đem về cho ông Mười quân giới. Con bé vô vườn bà Ba xin bẻ bắp chuối, rọc lá lượm chanh rụng đem ra chợ bán. Bán được đồng nào, nó mua dầu, nước tương đem về, không quên mua đồng bạc bánh bèo về chia cho em. Nó đi chở nước đá mướn, lâu lâu kiếm vài chục. Tháng bảy, giáp hạt, mẹ nằm chỗ, con Bé dậy sớm nấu xông cho mẹ, rồi dắt em đi mót khoai, lặt khoai nước. Đầu mưa, đi mót giá đậu mọc trắng ngoài rẫy. Tháng Năm đi xin dây khoai về giâm. Chị em bơi xuồng đi bắt ốc mò cua, ra cồn cắt lác làm dây buộc gói mang ra chợ bán. Những tháng Tam Ngãi đói, con Bé nấu cháo buổi sáng, chiều mới nấu cơm cho em ăn.
Đêm, no bụng, em không khóc, còn ban ngày, có đói, chị em kéo sang hàng xóm được. Cả bốn đứa đều sợ chị. Bảo tắm là tắm, nằm là nằm. Có khi ngủ cái roi của chị còn hăm trên đít. Con Bé chỉ hiểu rằng mẹ đi đánh giặc thì mẹ không có ở nhà, còn nó thì là chị nên phải lo cho em. Nó chưa hiểu được cái kế hoạch Xta-lây-Tay-lo đang bị sa lầy ở Tam Ngãi, mẹ nó đang cùng các bác các chú đánh tới tấp vào các ấp chiến lược, và cô bác Tam Ngãi vẫn thường nói: "Mẹ con nó dạy nhau cùng một khuôn, con út kia
đi đánh giặc lại có con út nọ ở nhà".
XI. hai tổ chiến đấu
Chiều hôm trước, anh Tịch về nói với vợ:
- Ngày mai "đồng chí vợ" đưa tiểu đội nữ đi phối hợp rải truyền đơn với tôi đi!
Vợ anh đáp:
- Đi thì đi chớ!
Lúc đó út lại có thai hơn bảy tháng. Muốn vào được sát Cầu Kè để vũ trang tuyên truyền, ta phải qua vòng đai của nó là ba ấp chiến lược Chông Nô, ấp 2 vừa bị phá, bót Tám Thế đóng lại ba lần không được, bót Đường Trâu bị cướp súng giữa ban ngày, bọn giặc ở Cầu Kè ra sức củng cố. Chúng tàn phá khu giáp ranh với ta thành một vùng trắng, tuần tiễu, biệt kích ngày đêm, thấy bóng người là bắn. Vườn cây xơ xác, ô rô, rau muống mọc hoang dại. Địa thế hoàn toàn bất lợi cho ta vì đường rút bị con sông nhỏ Cầu Kè chắn ngang.
Sáng hôm sau, út dặn con Bé ở nhà trông em, khéo léo nịt bao đạn vào cái bụng đang có thai, cùng hai cô Chín và Thà, trưởng và phó tiểu đội nữ, đi phối hợp với tổ vũ trang của chồng.
Chín, Thà nằm lại gác ở bờ bên này. út theo chồng vượt qua sông. Tới gần hết vùng trắng, nơi chia hai ấp 1 và 2, út nói: - Mấy anh vô rải đi, tôi gác đây cho.
Anh Tịch nhìn vợ, ái ngại:
- Chỗ này em gác không được, bụng vậy làm sao chạy?
- Sao không được? Tôi bảo đảm, anh cứ đi đi!
út ở lại đó. Không khí vùng trắng lặng trang. Những con chim sâu cũng sợ, bay đi làm tổ nơi khác. Xa lắm, từ trong phía Cầu Kè, vẳng tiếng chó sủa. Trước mặt út là một bờ đê dài, giặc rất hay phục kích để chặn đường rút quân của ta. Sanh mạng cả tổ võ trang, của chồng nằm trong tay chị. Đứng gác, út nghĩ: "Mấy thằng lính bây có làm gì để tao ăn xong miếng trầu đã nghe!".
Nhưng chị chưa kịp đưa trầu vào miệng thì hai dọc lính địch đã xuất hiện cả trên và dưới bờ đê, cách chị có vài chục mét.
Đạn lên nòng rồi. Một viên út bắn có thể xỏ xâu cả ba thằng. Chỗ này trống, gác thì dòm dễ, nhưng bắn sẽ không có đường chạy. Nhưng nếu không bắn thì cả tổ võ trang trong kia không ai báo động, nó bao chết. Phải bắn! Mệnh lệnh tự trong lòng út đề ra cho mình. Chị lách sang một bên, lùi xuống một chút, nổ súng. Bị một phát bất thần, giặc nổ cả hai cây trung liên về phía chị. Súng giặc vừa ngớt, chị lủi xuống bìa sông, nổ nữa. Bọn giặc chúi đầu xuống bờ đê bắn nát gốc tre, ngọn cỏ. Chị kèm súng, lội đứng qua sông.
Từ phía ấp 2 bỗng có tiếng súng bắn chéo về phía giặc. út nhận ra tiếng súng của chồng. Chị thở ra một hơi nhẹ nhàng: họ rút ra kịp rồi! Trong lúc giặc quay họng trung liên về phía chồng, út vọt lên bờ, cùng hai cô du kích nã đạn sang chúng. Giặc lại quay họng súng sang chị. Từ bên kia, nghe biết tiếng súng chi viện của vợ, anh Tịch đưa tổ võ trang nhanh chóng rút qua sông. Qua tới bên này, anh lại cho bắn, kéo hỏa lực giặc về mình để tổ nữ du kích rút xa thêm đoạn nữa. út hiểu ý, rút một quãng lại nằm bắn để yểm trợ cho chồng rút theo. Cứ thế cho đến lúc cả hai tổ võ trang nam nữ, cả đôi vợ chồng gặp nhau ở chỗ an toàn.
út cười, nói với chồng:
- Tôi "chia lửa" cho "đồng chí chồng" rút đó, nghen!
Tất cả đều cười. Nhưng còn kế hoạch tuyên truyền chưa làm và bó truyền đơn chưa rải thì tính sao đây?
Hôm sau, họ lại vô nữa. Lần này út chỉ cầm một trái lựu đạn cho gọn. Bờ sông lạnh lẽo, rậm rạp, giặc có thể phục bất cứ chỗ nào. Tới chỗ gác hôm trước, út lại giành nhau với chồng. Anh Tịch sợ vợ chết, vì bụng lớn quá, chạy không kịp. út lại sợ anh em khác, cả anh Tịch nữa, chết, nếu không biết ý đứng gác ở chỗ này.
Anh Tịch đi chưa tới chân vườn ấp 2 bỗng nghe tiếng bọn giặc la ó ở phía vợ đứng gác. Chúng vừa nổ súng, vừa la:
- Vợ thằng Tịch! Bắt sống!
ở bên này, không để chồng lo ngại lâu, út nhào vào bụi, ném lựu đạn lại giặc. Bị một cú bất thần, bọn giặc nằm im. Một chút chúng ngóc lên, bắn nữa. út chọi luôn ba cục đất rồi lặn xuống sông. Vừa lặn, chị vừa nghĩ: "Quân này chỉ rượt tao bằng đạn, chớ cóc có dám rượt bằng người!"
út đã lặn quá nửa sông, bọn giặc vẫn còn núp tránh ba cục đất, chưa dám bắn.
Như lần trước, tất cả đã ra hết, nhưng còn bó truyền đơn chưa rải được, tính sao đây?
XII. Phải nhờ dân thôi
Đó là truyền đơn dùng để rải trong thị trấn Cầu Kè, chuẩn bị cho đợt tấn công rộng rãi của ta trong tháng 7 năm 1964.
Nhìn bó giấy lớn bằng cái bình tích trong tay chồng, út nói:
- Bữa nay không rút nữa. Phải nhờ dân thôi. Ta ra đón tàu Cần Thơ về, nhờ cô bác đem ra chợ rải giùm.
Anh em đều tán thành, kể cả ông Chín Đà, bây giờ phụ trách binh vận huyện cùng đi. Tất cả ra bố trí. Một tiếng sau, tàu Cần Thơ về ngang sông Cầu Kè, út ra thổi tu-huýt, kêu ghé.
Khách dưới tàu toàn là người trong thị trấn, nghe tu-huýt biết là đàng mình, nhưng không hiểu cái người bụng thai, cầm súng đứng trên bờ kia là ai đây?
Tàu ghé, vợ chồng út, ông Chín Đà ra mời bà con xuống. Một bà lo lắng hỏi út: - Nổ ở đâu nghe hung quá vậy thím?
út cười:
- Tụi con mới đụng có một "tăng"(1) quá trời, bà ơi!
- Vậy ra thím là... "giải phóng"?
- Dạ, cháu là bộ đội mình đây.
- Trời đất, bụng dạ vầy mà đụng giặc ở đâu?
Mấy bà vuốt ve cái bụng gần sanh của út. Quần áo chị ướt mèm vì lội sông, lưng áo còn đang lên hơi, sình dính khắp người. Bà con nắn tay nắn chân chị, hết nhìn cây súng chị đeo trên vai lại nhìn Chín Thà đứng gác ngoài xa. Vậy ra vợ út Tịch là người này đây! Hồi nào tới giờ nghe tiếng nữ du kích mà có biết mấy đứa nó ra sao đâu...
út cười luôn miệng, vừa mắc cỡ, vừa sung sướng, giống như hôm được tuyên dương vừa rồi, xuống ngồi dưới gốc cây bàng. Chị nói:
- Bữa nay tụi con đi rải truyền đơn nhưng bị đụng giặc nên mắc đánh nó. Cô bác giúp chúng con, mỗi người cầm một ít mang về rải trong thị trấn.
ạng Chín Đà nói chuyện thời sự cho bà con nghe. út biết mình nói kém lắm, nhưng là chuyện cách mạng, hiểu gì cứ nói nấy. Chị nói chuyện đánh Mỹ, chuyện dân mình cực khổ trong ấp chiến lược, chính sách Mặt trận ta đoàn kết, công bằng...
Một chị người Khơ Me nói:
- Chị út bụng bự vậy mà còn cầm súng, bà con mình có mấy tờ truyền đơn mà không dám cầm sao?
Tất cả đều nhận hết. Mấy bà bàn: Nếu giặc hỏi thì nói tôi lượm được ở đường, già cả không biết chữ cứ đem về thôi. Bà khác góp ý cứ nói thẳng với giặc, Giải phóng quân đón tàu biểu mang về cho nó, nó có muốn gì thì vô trỏng.
Lúc chia tay, cô bác không muốn rời út. Một bà mẹ xuống tàu rồi, còn hỏi với lên:
- Chừng nào con phá bầu?(1) Sáng hôm sau, bọn giặc ở Cầu Kè thấy truyền đơn xuất hiện trắng trên con đường phía cầu sắt. Chúng không hiểu nổi Giải phóng quân đã vô đây võ trang tuyên truyền từ lúc nào.
II. tháng bảy
Cuối tháng bảy 1964, cả nước vô đợt tấn công. Riêng ở Tam Ngãi, du kích phải bao vây khu bót Bà Mi. Đó là cái khu do thằng sếp bót giả danh cha cố, sáng mặc áo đạo, chiều mặc đồ lính, sáu mươi tuổi, cùng với con vợ nó là mụ dì phước giả hiệu, hai mươi tuổi, chỉ huy một trung đội lính đóng trong bót nhà thờ Bà Mi, chiếm giữ. Bàn thờ Chúa được dùng làm nơi luận việc giết người, hang đá tượng trưng cho nơi ra đời của Chúa thành phòng tuyến hầm ngầm có lỗ châu mai. Những con chiên ngoan đạo và nhẹ dạ có thể thấy ở đây những buổi cầu kinh đầy hấp dẫn, còn những tên chuyên môn giết người cũng có thể học ở đây đủ kiểu giết người. Đó cũng là nơi nương tựa của quận Hùm để thu tô trong đồng bào công giáo. Cùng với bót nhà thờ, còn có bót Bà Mi nhỏ do hai tiểu đội dân vệ đóng giữ, họp thành một hệ thống, làm cánh tay mặt cho chi khu Cầu Kè thọc vào giữa Tam Ngãi.
Muốn bao chặt nó, du kích phải làm đủ mọi việc: đắp mô cắt đường tiếp viện từ Cầu Kè, diệt ác ôn, đánh bọn Cầu Kè để dằn mặt, thường trực nằm ngày đêm quanh bót...
Những mô đất đồng bào đắp trên đường đi Cầu Kè cao như trái núi con. Tiểu đội nữ du kích gom hàng xuồng gáo dừa về gắn vào mô, có gài kèm lựu đạn. Giặc đến phá, bị nổ tung, chúng đổ đạn có đến hàng tấn vào đám gáo dừa mà xe vẫn không dám chạy.
Đó là sáng kiến của đồng bào Kế Sách, út đã học được trong lúc đi làm mắm.
Du kích nam vào sát bót, du kích nữ đánh vòng ngoài. Trận đánh đầu tiên, cũng là trận kết quả lớn của các cô thì lại không phải bắn một viên đạn. Một hôm, út thấy con nít thả bong bóng bay lơ lửng trên trời. Hỏi ra mới biết nó bơm khí đá. Chị xin một trái, cột cái khăn vào, thả ra nó cũng bay tuốt. út về bàn với chị em treo cờ mình cho bay về hướng Cầu Kè, rồi neo lại, nhử giặc. ở dưới đào thật nhiều hầm chông, bố trí thêm mấy cái lon con nít chơi kêu roong roong để cho giặc giật mình. Đầu trận địa, gài một trái lựu đạn. Hôm đó, giặc từ Cầu Kè bủa ra hai cánh bao lấy ấp 3, chỗ neo bong bóng. Hai mươi thằng đi cánh thứ nhất, đụng lựu đạn ta nổ, chúng bắn ầm ầm, mười lăm thằng đi cánh thứ hai đang ở bên ấp 1 vòng qua, bất thần bị đạn bọn kia bắn, chúng tưởng là ta, bắn trả lại quyết liệt. Du kích nằm phục trong ấp 3, tha hồ cười. Đánh nhau một hồi, cả hai bọn đều lết vào trúng bãi chông. Chúng đạp lên mấy cái lon gài kêu roong roong, hoảng hồn, nhảy lung tung, rớt xuống hầm chông như ếch tháng bảy.
Ba mươi lăm thằng vừa chết đạn vừa bị thương chông gần hết.
Tam Ngãi vào đợt thật rộn rã. Xuồng, ghe, người, súng qua lại sáng đêm, hằng ngày. út chỉ gặp con từ nửa đêm tới sáng.
Ban ngày, đôi khi chị cũng ghé về. Nhìn thấy mẹ bước vô cửa, đàn con reo lên. Nhưng mẹ chúng chỉ về lấy thêm đạn, xắn tay chùi mũi cho đứa nhỏ một cái, rồi đi ngay. Cả năm đứa không đứa nào đòi theo. Súng vẫn nổ dồn dập. Súng của ta ở cái thế đi tìm giặc mà đánh. ở nhà, mỗi lần nghe súng, mấy đứa trẻ lại bi bô: má đánh chỗ này, ba đánh chỗ kia. Ngay trước nhà là hướng p chiến lược 3. Dịch sang một chút là p 2, ấp 1. Ngang hông là Cầu Kè. Sau hè là bót Bà Mi. Mấy đứa nghe hướng súng nhận ra nơi cha mẹ. Thị trấn nổ là ba đánh. Bà Mi nổ là má và các cô. Hàng ngày, con Bé vừa đi làm vừa điều khiển đàn em núp máy bay. Máy bay bay như bọ hung trên nóc nhà. Trực thăng Mỹ kêu loa ong óng đòi Giải phóng quân ra đầu hàng! - "Giải phóng quân mắc đi đánh bót, chỉ có "Giải phóng quân con" ở nhà đây thôi! Con Giải phóng quân không biết đầu hàng! Chừng nào giết hết không còn thằng Mỹ và tay sai nào nữa thì Giải phóng quân sẽ về cùng nhân dân trồng rẫy, nuôi con". Con Bé vẫn nghe mẹ nói vậy.
Tối ngày nó cột khăn trên đầu, lúc ngủ quần cũng còn vo quá gối. Nó nấu cơm cho em ăn rồi cho tất cả lên võng ngồi đưa. Nó chạy tới trạm giao liên xin chạy thư hỏa tốc phụ với các cô. Buông việc ra là nó leo lên ngọn dừa trước nhà. Lên đó, nó nhìn thấy dinh quận, nhà máy, lằn sông, thấy những nơi ba má nó đánh giặc. Có máy bay ném bom xa, nó leo lên dòm hướng: Chà Mẹt, Phong Phú, Tân An, Xẻo Khế, Đường Cức, Trà On... bom nổ nơi nào, nó nói ngay nơi đó. Mấy bà mẹ bồng con đứng bên chợ, bên sông, tất cả đều nhóng lên ngọn dừa, chờ tin nó. Má đi vắng, nó bơi xuồng đến các cơ sở binh vận của má đem về hàng túi đạn. Mấy mẹ chiến sĩ mà nó vẫn kêu là bà nội, kêu nó ghé xuồng, cho gạo, cho thức ăn, cho bánh đem về cho em. Bao giờ nó cũng chừa phần cho má, có khi là một trái chuối đã chín rục.
Thường quá nửa đêm, út mới về tới nhà. Con Bé bật dậy ra mở cửa. Trong mùng, bốn đứa nhỏ la nhi nhố "má về, má về", rồi thức dậy đều hết. út không kịp cởi bao đạn, ôm lấy con. Thằng Hiển nhỏ nhất, níu lấy cây cạc bin của mẹ, đòi ngoéo cò. Con Thanh, con kế con Bé, cởi bao đạn cho mẹ. Con Thơ, con Anh, em kế con Thanh, ôm lấy cổ mẹ. út phân phát bánh cho con. Những tấm bánh út đã nhịn sau khi đánh trận về, mấy mẹ cho du kích mỗi người một cái ăn lót dạ. Trong những tiếng ríu rít của đàn con, út nghe câu được câu mất. Chị vui như vừa đi xa về. Một niềm vui kỳ lạ, tưởng như việc sống chết vừa xảy ra hồi nãy đây là không có. Và nếu có, nó cũng chỉ còn như những tia chớp yếu ớt, rất xa, trong những đêm mưa mát dịu, không hề làm xao động tới cảnh đầm ấm của mẹ con trong nhà. Thực ra, lúc nằm phục kích, bao ý nghĩ út đều quay cả vào giặc. Súng nổ, chị quên hết, cả lỗ công sự cũng bỏ. Lúc rút lui trên đường về, chị mới giật mình nhớ đến con. Nếu mình hy sinh nó sẽ ở với ai đây? Nó ở với nhân dân! Bây giờ nó cũng đã ở với nhân dân rồi. Đời mình cực thì đời sau nó sướng. Giặc còn thì giặc cũng giết cả đời con mình. Nghĩ đến cảnh đàn con phải đi ở đợ như mình ngày xưa, út không chịu nổi - "Còn cái lai quần cũng đánh!" - út dạy con như vậy.
Quây quần bên con, út tập cho con bắn súng. Tay chân chị cũng múa may cùng với con. Thằng Hiển, hai tuổi rưỡi, ôm súng của mẹ, ngọng líu hát:
Anh eng ta như ạn con ùi Nó có dúng mình có dao găm Nó éo cò thì mình ảy ô đâm(1)
Cả sáu mẹ con cùng cười.
út kiểm lại khạp gạo và chai nước tương rồi đặt kế hoạch ngày mai cho đàn con. Mẹ con đi ngủ. Con Bé ra vườn hái lá so đũa hơ nóng cho mẹ lót lưng, mẹ đang có thai. út nằm giữa, đàn con bao tròn chung quanh. Một lát, anh Tịch về.
(1)Anh em ta như bạn con ruồi Nó có súng mình có dao găm Nó ngoéo cò thì mình nhảy vô đâm
(Bài hát trẻ con Tam Ngãi tự đặt ra hát).
Cảnh đầm ấm ấy lại diễn ra. Hôm sau, hai vợ chồng lại ra chỗ phục kích.
Họ đi thật sớm, trước lúc giặc có thể càn. Tới nơi, út kể chuyện mấy đứa nhỏ cho các cô du kích nghe. Các cô cười ré lên. Cuộc chiến đấu lại tiếp tục. Trong chiến đấu, họ lại có nhiều niềm vui khác nữa. Hàng ngày, tiểu đội nữ vác súng tự tạo lên bắn "chình... phà..." nhử mấy thằng ác ôn ra rượt để du kích nam tiêu diệt. Bảy thằng ác ôn đã chết trong trường hợp này. út đem tiểu đội đi đánh thằng ác ôn "Thầy Mười". Súng nổ, nó nhào xuống dạ cầu, đeo tòn ten thành cái bia sống cho các cô ngắm bắn. Rồi những đêm đi bố bót, qua ruộng nước, cất cao giò, thả bàn chân nghe tũm tũm. Gần tới bót, chị em truyền thầm nhau súng xuống tay, đi vô. Cực nhưng nó vui kỳ lạ. Những ngày căng thẳng, út đem chuyện hồi ở đợ lấy trái mắt mèo thổi vào giường vợ chồng Hàm Giỏi, hai vợ chồng nó gãi như gẫy đòn, cho các cô nghe. Tiểu đội rút về liên hoan, sẵn bụng có thai, út đeo mặt nạ, thắt lưng đỏ làm ông Địa để các cô múa lân. Lân múa té nghiêng té ngửa. ạng Địa cái bụng chang bang, ngoẹo bên nọ, ngoẹo bên kia, bà con cười đến bể xóm. út vui từ đó cho tới lúc về gặp đàn con ở nhà.
Đêm ấy, ta siết chặt hai bót Bà Mi, phối hợp với bộ đội đánh bót bên Thạnh Phú. Đó là đêm cả xã Tam Ngãi đi ra trận. ạng già, trẻ con đánh trống mõ. Tự vệ đắp mô. Du kích nam bao vây bót Nhà Thờ. út đưa du kích nữ đi bao bót Bà Mi nhỏ. Bụng út lớn dần, năn nỉ mãi ông Ba Tê mới cho đi.
Lúc chạng vạng, vô bố trí, út đã thấy dúng mình rồi, vì phải nhảy qua một lúc mười cái mương. Chị nghĩ: "Thằng con sau này đánh giặc chắc là giỏi!" Bên Thạnh Phú, bộ đội nổ súng. Bên Bà Mi, ta bắt đầu kêu loa. Bọn giặc réo chửi vợ chồng út. Máy bay đang thả pháo sáng bên Thạnh Phú, nghe động ở Bà Mi nó bay sang. út cho tiểu đội bắn lên. Bắn để chia lửa bớt cho Thạnh Phú, cũng như vợ chồng út từng chia lửa giúp nhau. Tam Ngãi vẫn có thói quen như vậy. Nghe súng nổ đâu là chạy ngay tới phối hợp, dù chỉ là một người mang súng đang đi trên đường.
Một giờ khuya, tiểu đội rút về. Nhảy qua cái mương cuối cùng, hai cái gân sau lưng út như có ai rút lên. Đi hai bước nữa, chị té xuống. Chị rờ khắp mình mẩy coi có bị thương đâu không nhưng không có, chỉ thấy cái thai trong bụng đập đập, thằng nhỏ sắp ra đời.
Đêm ấy, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn bót Thạnh Phú.
XIV. Nhìn về xã nhà
Hàng ngày, út vẫn nói thầm với đứa con trong bụng: "Mày khoan đã nghe, để má đi công tác hết đợt rồi hãy ra nghe!". Ai dè bữa nay nó ra thật. Ngay giữa đợt, út nằm chố(1), cây súng của chị, anh em nói đùa là "cây cạc-bin hôi khói", ông Ba Tê viết thư vô mượn. Đưa súng cho cô liên lạc đem đi, út còn khổ hơn cả lúc xa con.
Sanh được ba ngày, chị ngồi dậy tập đi. Chị ra cửa, rồi ra lộ, hai chân cứ sụn xuống. Máy bay quần đảo suốt ngày. Nằm bên con, út dòm thấy cả thằng cầm súng máy trên trực thăng. Đêm, nó thả pháo sáng rọi vào tận giường. Một chiếc máy bay xẹt ngang nóc nhà, xịt khói, đâm đầu xuống mé Rạch Chiến. Nhân dân vác búa đi xẻ máy bay. út nằm mơ màng tưởng như mình đi với họ. Má Tư bơi xuồng đi báo tin cho mấy má trong Bưng Lớn, đem về cho út hai giạ gạo. Cô bác thị trấn gặp út hôm đón tàu, gửi cho vô số thức ăn, có cả đôi guốc. Cô Chín, tiểu đội trưởng, đến báo cáo công tác hàng ngày. Các anh bộ đội cũng đến hỏi thăm tình hình để bố trí chỗ đóng quân. Giường sanh của út không lúc nào vắng khách. Nếu cần có công tác, chị viết thư cho các cô du kích.
Nhưng cái thư không có chữ vì út không biết chữ. Đó là một miếng giấy trong đó chị vẽ một khoanh tròn và chấm một cái. Nhận được những bức thư đó, các cô chạy hỏa tốc về ngay. Đến ngày thứ bảy, út không nằm nữa. Nhớ đến tiểu đội gần hết đạn, chị ngồi xuồng cho con Bé chở đến các cơ sở binh vận. Một cơn mưa đã quật ngã chị xuống. Đờm kéo lên cổ. Chị nằm sốt mê man.
ạng Ba Tê đến thăm, nói:
- Để thím nằm đây thím cứ công tác hoài, không hết được. Cho qua bên kia nằm nghỉ một thời gian.
Tức là bên kia sông Hậu, ở nhà ông chú của út. Nhưng qua bên đó, chị cũng không hết. Bệnh ngày càng nặng thêm.
Bên Tam Ngãi, ban ngày máy bay vù ra tận giữa sông lấy đà liệng bom xuống đầu giồng. Vợ chồng thằng sếp bót giả danh cha cố vẫn xua bọn lính đi càn. út nằm nghe đếm từng tiếng bom nổ bên xã nhà. Con Bé chiều theo ý mẹ, ngày hai lần chèo ghe một mình qua lại con sông rộng bốn ki-lô-mét về xã nắm tin sang báo cho mẹ. út nghĩ tới tiểu đội nữ. Bên đó anh em mình không ngày nào dứt công tác, chị em không ngày nào ngưng bắn giặc. Trong cơn sốt mê man, út nghĩ tới lúc mình mạnh sẽ trở về. Chị em lại gặp nhau, cùng đi bắn giặc. Nhớ đến công tác, út lại cảm thấy mình dốt quá. Không biết từ lúc vô đợt tới giờ công việc mình làm có phải hết hay là không, trúng hay trật, có sái gì với Mặt trận? Anh Tịch và ông Ba Tê qua thăm hẹn với út khi nào về sẽ cho đi đánh bót. ở nhà, những người trong cơ sở binh vận đang chờ chị. Cơ sở đó út đã gây được từ mấy năm nay. Hồi Tam Ngãi đói, chị đã đi xin gạo đem vào cho họ, trong lúc khạp gạo cho đàn con ở nhà không còn một hột. Nghĩ tới đó, út muốn đứng dậy về ngay, nhưng nhấc chân lên không nổi.
XV. cuộc chiến đấu tiếp tục
Ba tuần sau, út về. Chị em mừng như đi xa cả năm. Bót Bà Mi còn trơ trơ. Thằng xếp bót giả cha cố xin được thêm một trung đội nữa là hai, đóng thêm trước bót nhà thờ. Nhưng nó sắp chết. Bộ đội đã về. Tiểu đội nữ thay nhau ba người một nằm tại mặt trận làm liên lạc cho bộ đội.
Thằng nhỏ mới hơn một tháng nhưng biết nhìn rồi. út cho con bú rồi dặn con Bé: - Nếu má về không kịp, con quấy bột cho em ăn.
Chị mò vào trong Bà Mi. Dọc đường, dân công, bộ đội tấp nập. ạng Ba Tê đuổi chị về nghỉ, nhất định không cho vào chỗ bao bót. út yếu lắm, mắt thụt, hơi thở ồ ồ. Chị trở ra, nhào vào chỗ chị em đang nấu cơm. Nấu từ đứng bóng cho tới ba giờ chiều, vừa chụm lửa vừa núp hầm, vắt được năm trăm vắt cơm úp vào bẹ chuối. Máy bay giặc lên. Chị em kiếm chỗ núp, út nóng lòng cho các con quá, ra gốc dừa ngồi coi. Nó ném bom ngay xóm nhà chị. Lửa cháy nhà bốc lên mịt trời. Bao nhiêu bom lớn, bom nhỏ, giồng nào, xóm nào út nhớ hết, đếm hết. Toàn là chỗ bà con mình cả. Xóm đó đụng nhà mẹ Tư, quãng kia là nhà mẹ Hai, còn xóm Cây Sanh đụng bà con Khơ Me mình ở chợ. Nhà cháy mất hết, cô bác chạy đâu? út nhào về, khói mù mịt. Máy bay vẫn đảo. Tới xóm Chùa, lỗ bom bịt mất đường. Bà con vẫn ở dưới hầm. Trong xóm, lửa vẫn bốc ngọn. Ba-lô, đồ đạc của anh em mình gửi đó để đi bao bót, đang cháy. út đi tìm sào móc dừa, móc ba lô ra. Hai cô gái, cháu má Hai, người xóm đó, phụ móc với út. Móc được khoảng năm chục cái thì lửa nám mặt, lựu đạn lép anh em cất trong ba lô, nổ tung. Không móc được ba chị em ngồi tức.
Hai cô chạy về tới nhà thì nhà không còn. Cả hai chỉ còn bộ đồ mặc trên người. út về, con Bé bồng em từ dưới hầm chui lên. Mặt mũi thằng nhỏ vẫn tỉnh khô, lại còn cười. út cũng bắt cười theo. Chị xoa đầu con, và cho nó bú. Cái thằng bú thiệt dữ, muốn dứt vú.
Sẩm tối, út lại trở vào Bà Mi. ạng Ba Tê bảo nấu cơm. út nghĩ: Sắp lấy bót rồi mà bảo tôi ngồi đó nấu cơm tôi chịu đâu
nổi! Sẵn máy bay đang thả pháo sáng, út lôi ba cô du kích đang nghỉ ở đó đi vớt dù, may mùng cho những anh em có đồ đạc bị cháy hồi chiều. Hàng trăm cái dù bay cùng trời không sao vớt hết. Đột nhiên, súng Bà Mi nổ dữ dội. Bốn chị em vụt sào chạy tới. Cả hai trung đội giặc đã bị diệt. Bộ đội đang xung phong. út nhào vào. Trong bót bàn thờ Chúa còn nguyên vẹn, nhưng phòng tuyến và lỗ châu mai chung quanh đã bị ta phá tan. Từ trong đống gạch vụn ấy, Chín chạy ra gặp út, thở hổn hển:
- Chị út, con mẹ "dì phước"(1) nó không chịu đi!
út chạy lại. Mụ "dì phước" chân mày cạo mỏng, móng tay thoa son, cổ đeo tượng thánh. Nó vừa bị lột mất cây súng sáu cán vàng. út hỏi:
- Con vợ thằng sếp bót kia, mày đi không?
- Không!
- Không đi thì "cấp đất" liền tại chỗ(2)!
Nó cúi đầu đi, út quát:
- Thằng sếp bót, chồng mày đâu?
Thằng đó, anh em đã dắt đi cho nó kêu gọi bọn lính ở bót Bà Mi hồi sáng, trong lúc mọi người mải đi tìm hầm súng, thằng cáo già dắt con dì phước giả hiệu trốn đâu mất. Mọi người xô đi tìm. Tám Thế, anh chàng sếp bót bị mất bót vì tay chị em út hồi trước, đã được cải tạo, giờ làm trong ban binh vận xã, cũng bổ nhào đi tìm. Anh đã lập công xứng đáng. Anh vô gặp mụ vợ lớn đã bỏ anh đi lấy lão từ trong nhà thờ này để hỏi. Từ lão từ, anh đã khám phá ra một kho súng và cái hầm vợ chồng thằng sếp bót trốn.
ở đó, trên cùng là lầu chuông, dưới là phòng rửa tội, dưới nữa là cái hầm bí mật
(2) Tiếng lóng, nghĩa là xử tử và chôn luôn tại chỗ.
rộng thênh thang có đủ súng đạn và thức ăn thông ra phòng tuyến bên ngoài.
Bây giờ Tám Thế đã có hai con, có nhà, có ruộng và hơn tất cả là có một cuộc sống xứng đáng. Mấy tháng vừa rồi, anh đã lặn lội góp công nhiều trong việc diệt bót nhà thờ Bà Mi. Nhìn Tám Thế vai đeo súng giải vợ chồng sếp bót đi, út vui quá.
út hỏi:
- Hồi này chị Tám còn ghen hay hết, anh Tám?
- Nó cám ơn cô không hết chớ ghen? Tám Thế toét miệng ra cười. Nụ cười hết sức phấn khởi.
XVI. Tam Ngãi giải phóng
Về tới nhà, chị em út chia nhau số dù vớt được đi may mùng cho bộ đội.
Đồ đạc các anh bị cháy chỉ còn mỗi người một bộ trên người. May đâu được chục cái thì huyện đội báo tin giặc càn. út nghĩ: "Muốn càn thì cho mày càn luôn xuống sông!". Lập tức chị em đi bố trí.
Hai giờ chiều giặc đổ bộ lên ấp Tân Vinh một trung đoàn càn vào hai mặt. út đi nắm tình hình giặc rồi về bàn với các anh bộ đội: - Các anh gài súng hai đầu cho cứng, đánh. Khúc giữa cứ để du kích tụi tôi.
Mặt trận dàn thành hai hướng đón địch. Công sự của du kích đào gần nhà út, cách một cây cầu. Hai con "đầm già" vè vè trên đầu. Súng giặc nổ lai rai ngoài xa. Vú căng sữa quá. út chạy về cho con bú. Nửa chừng, nghe súng nổ gần, chị đặt con xuống, chạy sang. Giặc đã đến đầu giồng. Đạn đum đum nổ chát chúa. út dặn chị em bình tĩnh, chờ bộ đội nổ trước. Chị vọt về cầu, la:
- Cô bác xuống hầm hết nghe, nó tới rồi!
út lại chạy sang. Người mệt, chân muốn bẻ lái ra sau. Giặc khúm núm dò từng bước.
Bộ đội vẫn kiên gan chờ nó vào tầm súng. út lại chạy về nhà, dặn con:
- Đừng có ra nghen con! Nó tới rồi!
Đừng sợ nó nghen!
Tiếng đàn con ó ré từ dưới hầm trả lời mẹ. Cái hầm là một lớp áo đất, trên để bộ vạt. út nhìn vào. Con Bé đang bồng thằng nhỏ. Bốn đứa kia nhìn mẹ cười. út nói:
- Chổng khu lên con!
Cả bốn đứa đều chống tay xuống đất, chổng mông lên trời như bốn tai nấm. Đó là động tác ngồi hầm, chống bom làm tức ngực. út đã dạy con từ trước Chưa lần nào mặt trận của út lại ở gần con như vậy. Chị chạy sang, một loạt đạn giặc véo trên đầu.
Trên một trăm thằng giặc bị tiêu diệt ngay loạt đầu tiên. Cả hai cánh, nó đều giơ bụng đi vào giữa họng súng cho ta nổ. Trước mặt tiểu đội du kích nữ có năm thằng chết. Một thằng ôm cây cạc-bin nằm phơi xác ngay gần đó. Giặc bắn hoảng, đạn như mưa, bay lên ngọn tre cũng có mà cày đất công sự ta cũng có. út chỉ huy tiểu đội bắn đồng loạt trấn áp địch. Tiếng "bá đỏ" kêu ùm ùm như trống đánh. Anh Tịch từ trên cánh thị trấn đánh lướt xuống, gặp út, anh kêu lên:
- Yếu vậy mà ra đây chi? Cho con bú chưa?
út cũng "quân sự" trở lại:
- Giờ không có con cái gì hết! Cho bú rồi. "Đồng chí" xung phong ra lấy cây cạc-bin giùm chị em tôi đi.
Nhưng ai cho lệnh mà xung phong? Tất cả phải chờ lệnh bộ đội. Đánh một chập nữa, giặc nhốn nháo chạy. Cả một trung đoàn liệng nón, liệng đạn, chạy bỏ xác. Bộ đội xung phong. Du kích nhào theo. Đang thu súng thì sáu khu trục, bảy trực thăng, hai cào cào lên bắn phá
như điên xuống giữa xóm. Lửa cháy rát mặt. Bộ đội lao vào cứu dân. út chạy vào nhà bà Ba, ném đồ ra ngoài. Một anh bộ đội bị thương, út và hai cô du kích khiêng vào nhà hộ sinh, kêu mấy cô mụ(1) ở dưới hầm lên băng bó. út để lại trên người anh năm trái cam vừa xin được rồi chạy về nhà. Máy bay ném bom chếch sang xóm trên. Nhà út không cháy nhưng miểng bom phang nát như rổ sảo. Cây dừa trước cửa bị chặt đứt, rơi xuống bít lối. Bụi đất tùm lum ở miệng hầm. Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm, quấy bột. Nó bắc xoong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chổng mông lên trời. Con Thanh giương hai con mắt đen nhánh dòm ra. Thằng Hiển đang chửi, miệng ngọng líu: "ụ ẹ ằng ỹ!".
Đàn con bu lấy mẹ. Tóc chúng hôi mùi khói bom. út rờ khắp mình các con coi có đứa nào bị thương không. Nhưng không, cả sáu đứa như sáu củ khoai, da thịt vẫn chắc như da anh Tịch.
Bỗng ngoài cửa có tiếng la rần rần. Du kích đang rượt Mỹ. Một thằng Mỹ còn sót lại, trốn trong lùm tre. út chạy tới thì nó vừa bị tóm. Mặt đối mặt. út chong súng, bậm môi, nhìn: "à, vậy ra mày là như vầy đây?" Thằng Mỹ mắt trợn trắng, há miệng, nhìn vào ngón tay ngoéo cò của người đàn bà. Nó cao, to gấp sáu lần út, mắt thô lố, môi chề dề, mặt tái mét. "Tưởng mầy đi máy bay thì mầy chạy nhanh?". út muốn cho nó một phát vào đầu. Nhìn cái quân dã man thêm dơ mắt.
Đêm ấy, út đi lượm súng. Hai mươi chín thằng giặc nằm chết bừa bãi ngoài ruộng. Một thằng cổ đeo lon, mùi máu bốc lẫn với mùi dầu thơm. Bất giác út nhớ đến cái thằng quơ quơ gậy xua lính ở trận Vườn Dơi. Chị nhổ nước miếng.
Xác giặc ngày càng trương lên như con bò thúi. út bàn với cán bộ:
- Bây giờ đi kiếm ông nào mà uống rượu vào thì ông trời cũng không sợ, mua rượu cho mấy ổng uống, rồi nhờ mấy ổng bốc xác tụi nó xuống bè, chở ra Cầu Kè trả nó.
Chín cái xác thằng quan có gắn chín cái thư của du kích gửi bọn lính được ông Lục(1) và bà con bè ra chợ. Thằng quận trợn mắt, chửi "thượng cấp":
- Đ. mẹ, vậy mà bọn Mỹ nó nói chỉ có một thằng lính Việt chết đã đem đi rồi!
Bọn lính trợn trắng lên nhìn mấy cái xác, mặt tái xám.
Hai bữa sau, giặc lại càn, nhưng không dám vào. út lận trái lựu đạn lên đầu tóc, choàng khăn đi tìm giặc. Tới khúc quẹo, gần đụng đầu mà út không thấy chúng. Chị câm, người Khơ Me, một người đàn bà nghèo, không chồng, khoát tay la ơ ơ cho út chạy. Giặc xả súng bắn theo. Chúng đến lấy báng súng đánh người đàn bà tật nguyền ấy gần chết.
Tam Ngãi hoàn toàn giải phóng, sau gần hai mươi năm bị kìm kẹp.
XVI. Trách nhiệm vinh quang
Bót không còn, tiểu đội nữ du kích được lệnh rút lên huyện để làm nòng cốt thành lập nữ địa phương quân. Tiểu đội trưởng Chín thành trung đội trưởng. út ở lại xã, công tác ven thị trấn. Một hôm, anh Hai Trung, người Khơ Me, cán bộ huyện đến thăm. Ngày đó, út không bao giờ quên. Anh Hai hỏi rất nhiều và út đã kể cho anh nghe về đời mình. Con Bé ngồi góc nhà, say sưa nghe mẹ nói như nghe chuyện cổ tích. Nó vừa khóc vừa cười. Ngoài kia, bà con đang bắc lại cây cầu qua rạch, xuồng ghe qua lại tấp nập: út kể:
- Nói đến chuyện cực thì đời tôi sơn trường(1) lắm anh à. Hồi xưa, ông nội tôi ruồng rừng(2) tới đâu, Hàm Giỏi chiếm tới đó. Đến đời cha tôi cũng ở đợ cho nhà nó, kêu bằng ở không có ngày ra. Cha tôi người khỏe, hiền như đất cục, làm quá đâm bịnh, người sưng lên. Hàm Giỏi thảy(3) ra nhà thương thí ở chợ. Má tôi muốn đem cơm đi nuôi nhưng nó đâu có cho. Mình đi nó sợ mất việc. Đêm hôm đó, cha tôi đói quá bò từ nhà thương ra chợ Cầu Kè lượm trái táo thúi dưới đường mương ăn, đờm kéo lên cổ làm ông chết luôn tại đó. Má tôi hồi còn con gái ở đợ theo đời con gái, lúc lấy chồng ở đợ theo chồng. Bà phải nấu cơm cháo lá sen cho năm sáu chục người nhà nhà nó ăn. Canh ba ngả xuống, canh tư đã dậy. Nó biểu má tôi làm bánh sao đó mà bánh không phồng, nó chửi, má tôi đâu có nhịn, tánh bả hệt
(1) Lao đao, lận đận.
(2) Phá rừng.
(3) Ném.
tánh tôi. Nó lấy cây kẹp bánh đánh má tôi một cái xụi tay, đeo tật cho tới chết. Còn chị Hai tôi lúc đó mới mười hai tuổi, vóc dạc lớn dữ lắm, nó giao cho nuôi một bầy heo, con nào con ấy như con bò, quạ khoét mông không hay, quanh năm nước ăn chân chị đến lòi xương trắng. Tôi nhớ thỉnh thoảng chị kêu tôi: "út ơi, út à, lại chị bắt rận cho!". Tôi vừa xách quần chạy lại thì con vợ nó vả vào miệng chị cái đốp. Nhà nó cữ tên út. Còn tôi, tối ngày ở ngoài vườn cởi truồng ra leo cau. Cái quần bố tời mặc vào leo sợ rách. Có bữa té cái oạch, nằm chết ngất một hồi lại bò dậy một mình. Vậy mà bữa nào mệt quá, tôi trốn vào lùm ngủ, con vợ nó cũng biết. Nó ra nó giựt tóc tôi lôi dậy. Có bữa nó đánh trong lúc tôi đang chiêm bao thấy mình ăn khoai. Bật dậy, tôi ngơ ngác cứ tưởng mình ăn trộm khoai của nó nên bị đòn. Tôi giận quá, lần sau leo tuốt lên ngọn dừa khoanh lại ngủ cho đã thèm. Tôi thù nó thấu xương nên hồi chín năm nghề người ta nói đàn bà đi đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đái xuống coi bị cáo cho biết.
Anh Hai Trung nói:
- Thím được khen mấy lần rồi?
- Có nhớ đâu anh. Năm ngoái được tuyên dương, tỉnh cho cây súng với mười lăm thước vải. Vải để ở nhà ai lấy mất tiêu. Con bé tôi nó tiếc, tối ngày ra vườn, vạch từng ngọn cỏ, kiếm. Tôi nói: "Thôi con à, mình đứt ruột lại còn có người ruột đứt hơn mình, cho người ta".
Anh Hai hỏi tiếp:
- Bữa nay trong khạp nhà thím còn gạo không?
út cười:
- Anh cứ ở đây ăn với tôi bữa cơm, khỏi lo. Hôm trước ông Ba Tê thấy tôi đi vay gà nấu cháo bán trong cuộc mít-tinh, nhè gặp anh em mình tôi múc cho ăn hết, ổng rầy anh em rồi cấm không được ăn cơm ở nhà tôi. Tôi giận ổng hết sức.
Anh Hai nói:
- Tôi hỏi thím hiện nay thiếu thốn làm sao kia?
- Tôi cũng như anh vậy. Lớp mình có giàu hồi nào đâu mà biết nghèo. Tôi không sợ nghèo, chỉ sợ dốt.
Anh Hai Trung cũng ở đợ từ nhỏ. Hiện nay anh cũng đông con, vợ đi công tác, cô bác giúp đỡ gạo từng bữa. Nghe út nói, anh phát cười to. út cũng cười, nói:
- Thiệt, cứ lo nghèo làm sao dám đánh giặc phải không anh? Tôi kém chữ tôi nói như vậy đó.
Sáng hôm sau, anh Ba Giảng, thay mặt huyện ủy, cùng với ông Ba Tê xuống dạy út học điều lệ và kết nạp chị vào Đảng Nhân dân cách mạng. Chị hết sức bỡ ngỡ. ạng Ba Tê nói Đảng đã có sẵn trong người chị lâu rồi.
Trước mặt anh em trong chi bộ, út cảm động không nói được. Chị nhớ đến câu "cách mạng ở trong lòng mình" của anh Hai Tấn. Từ đó tới giờ út đã làm theo lời anh dặn, bây giờ út được vào Đảng, còn anh thì đã anh dũng hy sinh. Chị tự giận mình tại sao hôm đó run quá không nói được hết những lời thề trước Đảng, nhưng chị lại sung sướng và bớt lo vì những lời thề ấy chị đã được Đảng dạy và có làm rồi.
XVIII. Cao tay đánh tới
Một buổi sáng thứ tư năm 1965, trực thăng Mỹ đổ năm trăm quân và bốn thằng Mỹ xuống Cầu Kè. "Đ. mẹ nó, nó định làm gì Tam Ngãi đây?". ạng Sáu Hò chửi máy bay rồi hỏi út. Trưa hôm ấy, lần đầu tiên bà con hết sức bất ngờ vì tiếng cà-nông giặc từ Cầu Kè bắn ra. Từng loạt bốn trái một, rền rĩ, rơi giáp vòng, từ Phong Phú, Phong Thạnh, Trà Mẹt, Tân An trở lên Thuận Thới, Tân Vinh, Giồng Nổi, đáo xuống Rạch Nút, vô Bến Cát, vòng qua Mặt Lá, Giồng Lớn... gần khắp huyện. Riêng xóm Cây Sanh bị năm trăm trái. Bà già, con nít phải ăn cơm dưới hầm. Đêm đó nó lại bắn. Trên đầu nghe đùng... quéo... không ngớt. Ai cũng tính nó càn. Trung đội nữ địa phương quân cũng đóng gần đó. Nửa đêm, cô gái trinh sát của trung đội đến tìm út, nói:
- Ngày mai nó bố, tụi em chuẩn bị đánh. Chị Chín nói em lên đây coi chị có khỏe mời chị xuống, chỉ huy giúp tụi em. Chị Chín có chừa cho chị cây cạc-bin ở trển.
út nói:
- Bịnh tao cũng đi!
Chị dặn con rồi đi ngay với cô gái. Suốt đêm đó, chị em đào công sự. Bốn giờ khuya ra nằm. Bác Sáu Hò đem trứng vịt muối ra cho trung đội nữ ăn cơm.
Sáng, cà-nông giặc lại rống lên. Nó bắn riết tới trưa, không thấy đi bố. Con nít khóc nhoi ở dưới hầm. út dặn chị em rồi ra thị trấn, nắm tin. Hỏi ra mới biết hai cây cà-nông nó mới chở tới hôm qua. Năm trăm thằng đã rút, còn có sáu chục thằng với bốn thằng Mỹ ở giữ. Nó bắn như vậy để cầu may coi ai sợ thì chạy ra cho nó gom lập ấp chiến lược, còn đi càn vào Tam Ngãi lùa dân như trước thì nó xin chịu. Thì ra nó đem hai cây ông nội nó về đây để làm như vậy! Tam Ngãi đã có người chết. Đây đó nổi lên tiếng khóc đám ma.
Mặt trận chuẩn bị lực lượng đấu tranh. út tìm bộ đội, bàn, phải đánh! Chạng vạng, út cùng một tổ du kích đưa mấy anh bộ đội vác cối đi giập. út bò vô trước, xem thiệt êm mới ngoắt tay ra hiệu cho anh em vô. Cà-nông nó vẫn thụt nghe điếc tai. Cối ta bắn vô bốn phát. út nghe nổ cũng giòn giã, nhưng sao cà-nông nó cứ thụt ra hoài. Suốt đêm đó cho tới bữa sau, nó thụt không ngớt. Đạn nó nổ như lúc mình đi cấy bước tới từng hàng. Vỏ bọc đạn cà-nông trôi dọc từ sông Cầu Kè tới đập Tam Ngãi. Mấy bà già ngồi hầm nước bị lạnh cóng. Tại nhà hộ sinh, các bà mẹ phải đẻ ở dưới hầm. út nhìn bà con mà đứt ruột, không ngồi hầm nhưng lòng còn khổ hơn cả ngồi hầm. Chị nói:
- Cô bác đừng sợ. Chúng con đâu có nhịn nó.
Chị lại đi nắm tin. Nghe ra, tức muốn hộc máu. Đồng bào nói đạn ta nổ cách nó có vài chục thước. út không biết thước tấc gì ráo, nhờ cô bác dắt đi chỉ độ chừng từ nhà nào tới nhà nào, rồi về chỉ lại các anh y như vậy. Chiều, chị lại dẫn bộ đội đi. Bà con thấy, mừng hết sức. Qua bên Chùa, út nói với các mẹ:
- Mấy mẹ rán chịu giùm con một đêm nữa nghen?
út bò vô trước, bố trí cơ sở, rồi bò ra, dắt anh Năm, người Khơ Me, chỉ huy trưởng vô coi chỗ. Đồn giặc đốt măng-sông sáng trưng. Giặc ngáp lớn cũng nghe. út nói:
- Anh coi "đường lối" tôi làm vậy được không?
Anh Năm cười, gật đầu. Ta bắn luôn một loạt cả chục trái, lửa nhoang nhoáng, nổ thiệt giòn. Mỗi lần nổ, út ngắt khẽ mấy anh, cười. út thương nhất anh đặt trái, ai ngồi hầm thì ngồi, còn anh thì cứ phải đứng. Giặc bắn ra loạn xạ. Nhưng cà-nông thì im. Nó câm luôn rồi. Về tới nhà, cả xóm ra hoan hô. Mấy mẹ còn nấu cháo, thức đợi.
Sáng, út ra nắm tin. Bốn thằng giặc chết, bị thương lu bù. Hai cây cà-nông chúng đã móc vào xe, cùng bốn thằng Mỹ cuốn gói. út chạy về, vừa nhảy vừa la:
- Nó rút dù rồi! Cái quân miệng cọp gan thỏ rút dù rồi!
Ngay buổi chiều, tại phòng thông tin có dán bài thơ của ông Sáu Hò:
Cà nông vừa nổ đùng đùng, Thằng Mỹ ăn mừng, ngoắt quận ra coi.
Moọc-chê ta nổ ít thôi, Quận đuột(1) quần chạy, Mỹ chui gầm giường. Cái quân man rợ một phường, Cao tay đánh tới, cùng đường là đi.
XIX. Hai mươi năm
Tối hôm đó, giữa buổi liên hoan, anh Hai Trung kêu út ra:
- Cô về thu xếp con cái, kỳ này đi đại hội.
(1) Tụt.
út ngạc nhiên và hồi hộp cứ tưởng là có công tác, đang mừng thầm. Nghe đi họp Miền, út sững sờ như hôm được anh Hai Trung kêu lên chùa ông Bổn kết nạp vào Đảng vậy. út có biết gì đâu mà đi họp! Anh Hai hỏi đến quần áo, út nói có. Anh đưa cho hai trăm bảo may tươm tất một chút.
Tin ấy đến giữa lúc út đang múa lân, má Tư làm ông Địa. Lân ngủ, lân thức, lân qua cầu, mấy mẹ ngắt má lân, cho lân ăn trầu. Bên Hòa An cũng kéo lân sang liên hoan chung. Đuổi được hai cây cà-nông đi, mấy xã đổ bún, ăn mừng.
út đi đại hội sau chiến công ấy. Sáu đứa con, cô bác lo hết. Chị ra đi thật nhẹ nhàng. Nhưng sao đêm ấy chị lại khóc? Nghĩ mình dốt, lên đại hội không biết nói gì, khóc. Nhớ con quá, khóc. Bỏ mấy cô nữ địa phương ở lại, khóc. Nhớ mấy mẹ Khơ Me, khóc. Nhớ má Hai, má Tư, bác Sáu Hò... khóc. Nhớ cả Tam Ngãi, nơi lặn lội, sống chết, no đói với cô bác, anh em mấy chục năm nay, bây giờ lên đại hội phải ăn nói làm sao cho đầy công cô bác, lo quá, mừng quá, cũng khóc. Khóc hoài.
Hôm sau út lên đường. Tam Ngãi vẫn đang tưng bừng mừng chiến thắng. Má Tư Khơ Me nói:
- Cha! Tới giờ nó đi nó còn cướp được hai cây cà-nông đeo lưng. Lên họp, rán, nghe con?
út cười:
- Các anh bộ đội đánh chớ tụi con có làm gì đâu má.
- Thì bây làm đầu dây mối nhợ, thụt ra thụt vô cho anh em nó đánh.
Cả xóm tiễn chân út. Đứng trước trung đội nữ địa phương quân là Chín. Hồi út đến móc đi du kích, cô gái mười chín tuổi này mới vừa thoát cảnh ở đợ.
Lúc đó cô còn đánh lộn cả với con trai. Cô đi theo út đánh giặc như đi với người chị lớn. Trước đây cô là tiểu đội trưởng du kích Tam Ngãi, bây giờ đã thành cô trung đội trưởng nữ địa phương quân Cầu Kè. Trong số người ra tiễn út còn có một người đáng chú ý. Đó là con Bé. Nó vừa chạy xong chuyến thư hỏa tốc về. Nhìn mẹ đi, nó cũng muốn xin mấy chú cho đi công tác lắm. Bây giờ nó đang đứng sát bên cô trung đội trưởng Chín của nó. Cô Chín cho nó đeo cây cạc-bin. Nhìn đôi mắt nó long lanh, môi nó chúm chím, quần nó vo quá gối, đầu súng đưa qua đưa lại, mấy bà mẹ phát kêu lên: "Nó giống hệt mẹ nó hai mươi năm trước".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top