I.

Biển dậy sóng. Những con sóng đỏ lòm. Tiếng người gào thét lẫn với tiếng trẻ con khóc lóc, rồi tất cả tắt lịm nhường chỗ cho tiếng chuông bổng trầm. Chàng choàng tỉnh lúc canh khuya, người đầm đìa mồ hôi. Trống ngực vẫn đang nện dồn dập vì chưa tan nỗi sợ trước cơ mê tai quái. Chõng tre ọp ẹp rít lên mấy tiếng cọt kẹt theo cái nhấc người ngồi dậy của chàng. Xung quanh vẫn là đêm tối. Biển, người, trẻ con. Thẩy đều là cơn mê. Chàng vẫn đang ở trong gian nhà vách đất phía sau chùa Giác Hạnh. Cái cơn mê ấy lại tìm đến, như thể để nhắc cho chàng nhớ thứ tội nghiệt chàng mang trên người. Cơ hồ có nằm lại cũng chẳng ngủ được nữa, chàng thở dài rồi bước xuống chõng, đẩy cửa ra ngoài.

Dãy nhà tăng vẫn sáng đèn, từng ô cửa đều in bóng người đang ngồi thiền bất động. Chàng thả bước băng qua khoảng sân, đi về phía tiền đường, những mong tìm được thanh thản dưới chân Bụt. Trời đêm không trăng, chỉ có những đốm trắng rải vương vãi. Thứ ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ những đốm trắng ấy chẳng đủ để chiếu rọi vạn vật nơi mặt đất. Tối quá. Chàng bám víu vào ánh đèn leo lắt hắt ra từ song gỗ và mùi trầm ướp trong hơi lạnh của sương đêm, chân loạng choạng đến trước cánh cửa bức bàn đã cài then im lìm. Đầu gối áp xuống nền gạch lởm chởm, chàng lặng thinh, dè dặt quỳ trước Bụt. Hương trầm lãng đãng giờ nồng hơn, đậm thành một mùi thơm ngọt vờn nơi chóp mũi, khiến cõi lòng chàng dịu bớt nỗi hãi hùng. Chàng ngước nhìn qua khe cửa, tượng Bụt ngự trên cao như đang dõi theo chàng, trên miệng nở nụ cười từ bi. Có một thoáng, nụ cười lẫn cặp mắt từ bi của Bụt làm lòng chàng thêm tủi. Lâu quá rồi, chẳng còn ai trên đời nhìn chàng giống thế. Người ta sợ chàng, không thì là oán, hoặc chăng nữa là đe nẹt. Thế rồi từng người, từng người một. Thảy họ đều bỏ chàng mà đi, chỉ còn lại cơn mê kia. Nó đeo bám chàng dai dẳng, tựa như hồn ma bóng quế ám vào giấc ngủ. Cứ hễ chợp mắt, thì nó sẽ đến để hành tội.

Lúc còn bé, chàng hay nằm mê thấy biển lớn. Biển ấy trải rộng về đến tận cuối chân trời, lặng gió lặng sóng. Thế rồi chàng theo thầy mẹ lên kinh, biển đấy nhạt dần, nhường chỗ cho những giấc ngủ say không vương vấn mộng mị. Nhưng vào cái đêm con trai của chàng chết, cơn mê lại quay về. Chàng thấy mình đứng trước biển lớn hệt như hồi bé, trên tay bế đứa trẻ. Đôi mắt nó nhắm nghiền, tựa hồ đang ngủ say giấc. Thế rồi, chàng cúi người, thả nó xuống biển lớn. Đứa trẻ vẫn không cựa quậy. Đột nhiên, hai tay chàng như bị ai ép xuống, chàng nhấn đứa trẻ vào làn nước. Không. Chàng gào lên, cố thu tay lại. Nhưng chàng càng cố, đứa trẻ càng bị dìm sâu hơn. Nước dâng cao ngang đên bắp đùi, nhấn chìm đứa con còn đỏ hỏn của chàng. Thình lình nó bật khóc, hai bàn chân bé xíu quẫy đạp làm nước văng tung tóe, ướt đẫm cả mặt mũi lẫn tấm áo bào chàng khoác trên người. Tay chàng lại dìm mạnh nó xuống, cho đến tận lúc nó thôi khóc lóc. Bốn bề giờ tịnh chẳng còn tiếng người, chỉ còn tiếng sóng biển vỗ đều đều. Chàng thảng thốt lùi ra sau. Vấp ngã. Chàng ngã vào làn nước lạnh buốt, mắt dán chặt vào cái hình hài con con đang nổi lênh đênh. Đấy là con của chàng. Sóng đánh ập một đợt nữa, chàng cuống cuồng lao đến chỗ đứa trẻ. Nước xộc vào mồm, vào mũi, vào mắt. Ấm nóng. Nhớp nhúa. Tanh nồng. Mặn. Nước, giờ hệt như máu. Biển lớn thoáng chốc hóa thành bể máu đỏ ối. Thây người trắng ởn trôi phập phồng sấp ngửa nơi bể máu ấy, có đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Mắt họ mở trợn trừng nhìn trời cao. Những thây người vây quanh chàng, tóc họ quấn vào chân chàng, tay họ dang ra hờ hững, chắn ngang trước mắt. Chàng gạt họ sang một bên, nhưng hết thây này lại đến thây kia trôi đến, còn đứa trẻ thì mỗi lúc lại xa hơn. Hai cánh tay chàng mỏi nhừ, còn đôi chân bị quấn chặt vào những lọn tóc rối. Chàng cũng bị dìm xuống bể máu, lồng ngực chàng đau nhức, mắt tai mũi lưỡi giờ chỉ sót lại vị tanh mặn. Hai cánh tay rã rời, chàng đành buông xuôi, thả mặc cho mình trôi lênh đênh giữa những thây trắng ởn. Giữa muôn vàn khuôn mặt người dưng, chàng bắt gặp cả thầy mẹ, anh trai và vợ con của mình. Họ cũng ở đấy, giữa bể máu tanh nồng. Chàng vươn tay, muốn chạm vào họ, nhưng ống tay áo đẫm máu bó chặt cứng lại. Chàng mấp máy môi, muốn gọi họ, nhưng máu tanh xộc vào bóp nghẹt tiếng kêu. Chàng chỉ còn đôi mắt mở to để nhìn...

Hai mắt chàng hăng hắc, nước mắt rỉ ra, lăn trượt thành đường trên gò má hốc hác, lún phún râu. Chàng cúi mình vái Bụt, dẫu Bụt còn cách chàng một cánh cửa gỗ. Cõi lòng rối như tơ vò của chàng thầm mong cầu cơn mê quái ác kia chỉ là trò hóa ảo mộng mị do cái tâm bất an dệt lên mà thôi. Đời chàng kể từ lúc cha sinh mẹ đẻ, vốn đã quen nghe kẻ khác kêu cầu, chàng không biết phải kêu cầu thế nào, lời ấy có thấu đến cửu thiên chăng, nhưng như người chết đuối với được cọng rơm, chàng cứ quỳ lạy xì xụp trước cánh cửa cho cõi lòng nguôi ngoai.

Đây là tội nghiệt. Tội nghiệt của con. Vái xin thần Phật để mình con gánh hết nghiệp quả này.

Lại một tiếng chuông nữa vang lên. Báo hiệu hết thời khóa công phu khuya. Dãy nhà tăng nhất loạt tắt đèn, cả ngôi chùa thoáng chốc trở nên tịch mịch. Trời đêm như vời vợi hơn, đẩy kẻ trắng giấc vào sâu trong cảnh cô độc.

*
* *

Đường lên đỉnh non bồng trắc trở, chàng rời chùa Giác Hạnh lại chẳng dám đi đường lớn, đành cưỡi ngựa đi men theo lối nhỏ. Một người một ngựa cứ đi mãi, miên man qua những rừng cây rậm rạp, rồi xuyên qua rừng trúc mọc cao vút. Trời trên đầu chàng hệt như tấm lụa bị kéo căng, trên ấy tựa hồ có thêu mây, từng cụm, từng cụm cuồn cuộn bồng bềnh. Nhìn chúng, chàng lại thèm được hóa thành mây trời mà thảnh thơi trôi lơ lửng trên tầng cao, không phải vướng bận điều gì, không còn chịu khổ đau kiếp nhân sinh. Trước đây, chàng vui miệng thốt ra mộng ấy với quốc sư Phù Vân trong cuộc chè nước. Nhưng nghe lời bộc bạch xong, ông chỉ khẽ lắc đầu cười, đoạn hỏi lại chàng không phải vật sao biết vật không có ưu tư? Vật có ưu tư, chẳng qua vật không nói được thành lời. Giống hữu tình nào tiệt hết ưu tư. Càng đi, đường càng hiểm trở, lối nhỏ cheo leo giữa không trung. Một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm. Con tuấn mã đẹp đẽ, khỏe mạnh ngày hôm qua, giờ lại gục đầu nhấc bước đến nặng nề, nó thở phì phò khổ sở vì mệt, mà cũng có khi vì sợ. Thế là chàng xuống trèo xuống, gỡ bỏ bộ yên cương mà thả cho nó đi. Vòng nhật nguyệt sáng tỏ rồi lại tối đen. Chàng lần theo vách đá nhấc từng bước nặng trĩu, đi suốt đêm không nghỉ. Am thiền của cố nhân nằm trên đỉnh núi, bốn bề là biển mây trời giăng trắng xóa. Chàng nghe thấy tiếng gió lướt ngang rặng trúc, len lỏi uốn lượn qua những kẽ đá, vi vu tựa tiếng sáo vui tai buổi sớm mai.

Sư Phù Vân dừng đưa chổi khi thấy tha nhân bước đến cửa thiền. Con mắt nhà Bụt cơ hồ nhìn thấu suốt mọi sự, thấu cả nỗi bi ai ẩn hiện dưới lớp da thịt nhếch nhác, lôi thôi của chàng. Ông thở dài, lại tiếp tục quét đi những lá trúc vừa rơi xuống khoảng sân đất.

"Ta ở nơi sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối dạo ngắm cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây." Sư hỏi chàng. Cả rừng trúc xào xạc theo. Tay đưa chổi quét thêm mấy đường, gom lá rụng thành một đống nhỏ. "Nay bệ hạ bỏ ngôi cao, tìm đến chốn quê hèn rừng núi, chẳng hay người mong cầu điều gì?"

Chàng mong cầu gì đây? Người xung quanh chàng đều mong cầu ngôi vạn thặng, ai cũng bảo sướng nhất trên đời chỉ có làm vua. Nhưng đã là vua rồi, thì còn biết mong cầu gì hơn nữa đây? Hai đầu gối chàng khuỵu xuống trước thiền sư, chàng vái lạy ông như người ta vái lạy tượng Bụt trong chùa. Chàng níu lấy vạt áo nâu.

"Đệ tử cầu thành Phật." Giọng chàng run rẩy, cổ họng khô khốc.

"Sư hỏi Động Sơn Phật là gì?" Sư gác cây chổi vào gốc cây, ông nói. "Người thấy Phật là gì?"

Chàng im lặng. Phật là gì? Phật trong lời của Động Sơn là ba cân sợi gai treo trên vách tường. Còn chàng thì sao? Chàng không biết nữa. Tâm trí của chàng chỉ tưởng đến bức tượng gỗ sơn son không lúc nào vương nét muộn phiền.

"Phật là thoát khỏi bể khổ hồng trần." Chàng ngập ngừng.

"Thế còn thiên hạ của người?" Sư hỏi.

Thiên hạ. Thiên hạ là sông núi, là chúng dân trăm họ dưới gầm trời. Thiên hạ này có thật là của chàng? Nếu đã là của chàng, hà cớ gì thầy chàng, chú bác chàng còn phải mưu toan trăm bề để tranh đoạt từ tay họ Lý? Nghiệp đế vương hưng phế nối nhau, ai làm vua, thiên hạ là của người ấy. Giá thử ngày trước Huệ Tông có một mụn con trai hoặc giả chiếu truyền ngôi đề tên công chúa Thuận Thiên, thì giờ chàng sẽ vẫn yên phận làm Trần Cảnh mà chẳng mảy may can hệ nửa phần đến thiên hạ kia.

"Ngôi cao xưa nay thành bại vô thường. Đệ tử còn thơ ấu, vội mất hai thân, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không biết nương tựa vào đâu." Nước mắt ứa ra thành hai hàng, chàng đáp. "Đệ tử vào núi, chỉ cầu thành Phật, không cầu gì khác."

Thành Phật để trả sạch ác nghiệp đã gieo, để không phải làm vua, không phải biết đến sinh ly tử biệt, lại sẽ càng chẳng bao giờ phải nghe kẻ khác xúi bẩy những điều bất nhẫn đảo lộn luân thường. Đấy là giải thoát. Chàng chỉ mong cầu được giải thoát. Dẫu cho có phải đổi cung vàng điện ngọc, quyền cao chức trọng mà sống cả đời trong chốn thâm sơn cùng cốc, chịu để đói rét quấn thân, chàng cũng cam lòng.

"Sư hỏi Văn Thù: Vạn pháp quy về một chỗ, chỗ đấy là đâu?" Sư Phù Vân nhìn người thanh niên đang quỳ trước mặt mình. Nét mặt chàng trông tiều tụy, ánh mắt sáng giờ lộ rõ vẻ hoảng loạn cùng cực. Chàng với ông vua trẻ đạo mạo ngự trên ngôi rồng mà ông gặp năm nào giờ thật như hai người khác nhau. Thiền sư đặt tay lên đầu chàng, ông thở dài mà vỗ nhẹ ba cái. Người này cơ chừng chỉ có duyên chứ chẳng có nợ với Thiền môn. "Trong núi vốn không có Phật, Phật ở tại trong lòng. Hễ lòng yên lặng mà hiểu biết ấy là Phật. Nay nếu người giác ngộ được cái tâm ấy, sẽ tức thì thành Phật, không phải tìm ở chốn nào xa xôi bên ngoài."

Những ngày sau đấy, ông để chàng ở lại am thiền, quên đi lầu son gác tía, quên luôn cả họ tên của mình mà học đạo.

Đỉnh Yên Tử sương khói phủ mờ suốt sáu thời, chim hót gió kêu như nhạc trời êm tai, làm chàng cứ ngỡ đã đứt duyên với hồng trần. Nhưng nhân kết thành nghiệp, nghiệp kết thành duyên, duyên trói quanh thân chàng tựa những sợi tơ nhện. Dẫu thanh mảnh như có như không mà dai dẳng đến lạ lùng, chàng càng cố giãy ra, chúng lại càng siết chặt vào. Nghiệp duyên ấy đưa quần thần lẫn thái sư tìm về tận thiền am. Một đoàn người ngựa, cờ lọng rợp trời kéo lên núi làm chim muông xao xác. Chàng thoáng trông thấy người đàn ông mặc áo giáp, tướng người cao lớn cục mịch đứng đợi ngoài sân thì lòng bỗng hốt hoảng, chân bước lùi.

"Tôi tham kiến bệ hạ." Quan thái sư nhanh nhẹn đến cúi khom người hành lễ với chàng. Giọng ông sang sảng, tiếng "bệ hạ" vừa dứt thì bá quan theo sau cũng đồng loạt hô "vạn tuế". Thứ âm thanh ấy dội vào tai chàng, chói và chát chúa. Nhất thời, chàng như bị choáng váng. Quan thái sư mặc áo giáp, đội mũ trụ, xa ngoài kia chàng thấy thấp thoáng có cả quân cấm vệ đứng chờ phụng mệnh. Người ta kéo nhau lên đây để lùng bắt chàng cho kỳ được. Ruột gan nóng như lửa, chàng lén nuốt nước bọt, trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện chạy ngược vào trong tiền đường mà đóng sập cửa lại để không phải nhìn thấy họ.

"Quan thái sư về đi. Trẫm tuổi còn nhỏ, chưa gánh vác được việc lớn. Vua cha lại sớm hết tuổi trời, trẫm không có nơi để nương tựa vào, không dám làm nhục đến xã tắc. Nay chỉ muốn theo sư Phù Vân học đạo, một lòng đáp đền ơn cha mẹ." Chàng lúng túng xua tay, đoạn nói thêm. "Còn việc nước, thái sư cứ để người tài đức hơn trẫm lo liệu..."

"Tôi chịu lời ủy thác của đức tiên quân, vâng bệ hạ làm chủ dân thần. Dân trông ngóng bệ hạ khác nào con đỏ đợi mẹ cha. Huống chi giờ các vị cố lão trong triều, đều là họ hàng thân thích, sĩ thứ trong nước ai cũng vui vẻ phục theo. Đến đứa trẻ lên bẩy cũng biết vua là cha mẹ dân." Trần công quỳ xuống trước mặt chàng, thống thiết khuyên nhủ. Ông là chú họ của chàng, vai vế tôn trưởng nhưng hành đại lễ như thế, khiến bậc con cháu như chàng càng thêm hoảng loạn. Chàng vội cúi người toan đỡ ông đứng dậy, hiềm nỗi sức lực chàng so với kẻ học võ như ông thì chẳng thấm tháp vào đâu. Quan thái sư vẫn quỳ, lưng thẳng tắp, vóc người cao lớn sừng sững, vững tựa đá tảng. Chàng nghe thấy cổ họng ông phát ra tiếng gầm gừ tựa hổ, hơi thở vẫn đều đặn không loạn nấy nửa nhịp. Giọng trầm khàn của ông ngậm ngùi. "Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ vẫn chưa khô, lời dặn bên tai hẵng còn đấy. Bệ hạ lánh vào rừng, ẩn cư trốn đời để cầu cho thỏa chí hướng riêng. Tôi thấy bệ hạ muốn tự tu mà làm thế kể cũng được, nhưng còn giang sơn xã tắc thì sao đây? So ra, để đời sau khen suông, sao bằng lấy chính mình ra làm gương cho thiên hạ học theo? Nếu bệ hạ không nghĩ lại, thì hôm nay bọn tôi sẽ xin cùng với người trong thiên hạ chết chung một ngày, chứ nhất định không về."

Quần thần cũng trăm miệng một lời xin nguyện chết. Chàng biết chú mình là người cương liệt, lời nói ra sẽ làm cho tày được. Nhìn người là người quỳ trước mặt, nắng chiếu xuống y quan ánh lên một sắc đỏ. Bên tai chàng tựa hồ nghe được tiếng gào thét vọng lên từ dưới ba tấc đất. Quan thái sư ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt chàng, con ngươi đen nhánh toát ra vẻ thâm trầm, cặp mày rậm nhíu lại như đang kiềm cơn nóng giận. Dù khom lưng hành lễ quân thần, nhưng ông vẫn làm chàng cả kinh. Tay của ông, kiếm của ông, áo giáp của ông, tất cả đều đã kinh qua bao bận nhuốm máu. Có nhuốm thêm một hay nhiều lần nữa, sớm chẳng còn là chuyện ông phải để tâm đến. Lòng bàn tay chàng túa mồ hôi, chàng lùi lại vài bước rồi bỏ chạy khỏi thiền am. Chàng kinh hãi cái sát nghiệp của Trần công.

"Lòng đệ tử đã quyết ở lại đây học đạo. Nhưng mà họ... họ một hai đem sống chết ra, muốn lôi đệ tử về..." Trong cơn uất hận, chàng đến trước sư Phù Vân mà nói.

Nhà sư vừa xả thiền. Ông ngồi trên bồ đoàn bện bằng rơm, tai nghe thấy tiếng ngựa hí từ ngoài vọng vào đã hiểu hết mọi sự. Gian nhà đơn sơ lặng như tờ. Sư Phù Vân toan mở lời, bên hiên đã có tiếng bước chân nặng nề lẫn với tiếng giáp trụ rung lên loảng xoảng. Quan thái sư đứng trước ngưỡng cửa, cung kính chắp tay hành lễ. Thân hình cao lớn của ông che gần hết khung cửa, khiến cả gian nhà tối đi vài phần.

"Thái sư không cần nài trẫm thêm nữa. Ý trẫm đã quyết. Thái sư còn xem trẫm là vua, thì sao lại cãi lệnh vua như thế?" Người thanh niên nuốt cơn uất ức xuống, chàng cố nghiêm giọng căn vặn lại. Đôi mắt chàng không còn lẩn tránh nữa mà xoáy vào chú của mình.

"Bệ hạ đã nói thế, tôi đành để bệ hạ ở trên núi với thầy Phù Vân cho đúng lễ vua tôi." Nói rồi, thái sư xoay người trong sự ngỡ ngàng của chàng.

Quan thái sư thuận lòng cho chàng ở lại am thiền? Chàng như kẻ mê ngủ vừa thức dậy, ngơ ngác nhìn theo bóng lưng to lớn của ông, lén thở phào. Nhưng rồi, ngày vui ngắn chẳng tày gang, thái sư đi thẳng một mạch ra sân, lớn tiếng truyền xuống ra lệnh cho kẻ dưới đi lấy liềm cuốc, chăng dây đo, tính toán xây cung điện rộng ngang với cung điện ở kinh thành.

"Xa giá vua ở đâu, triều đình ở đấy. Các ông cứ liệu mà làm." Ông cố ý nói to, cốt để người bên trong nghe được.

Chàng ngẩn ngơ nhìn khoảng sân bên ngoài bị đào xới, lại nhìn sang sư Phù Vân. Vị sư khẽ lắc đầu, ông thở dài đi đến gần chàng.

"Xa giá của bệ hạ nên quay về kinh rồi, kẻo họ làm tổn hại chốn lâm sơn của đệ tử." Sư Phù Vân ôn tồn.

"Thầy có biết ta về lại đấy, họ bắt ta làm ra những chuyện nhơ nhuốc gì không? Ngã Phật từ bi, sao cũng không dung nổi thân ta." Cơn uất ức trào lên lên lần nữa, họng chàng đầy ứ, chỉ muốn hét lên một tiếng thật to cho hả dạ.

"Bệ hạ ngồi vững ngôi cửu trùng, xã tắc được yên. Đấy là bệ hạ tạo phúc cho dân. Bệ hạ bỏ ngôi ấy, loạn lạc binh đao nổi lên, máu đổ thành sông, thây chất thành núi. Bệ hạ sợ phạm vào chuyện nhơ nhuốc, lẽ nào không sợ sát nghiệp hay sao?" Cơ hồ đoán được lòng vua trẻ đang rối bời, sư Phù Vân điềm tĩnh khuyên chàng.

Lời thốt ra từ miệng sư Phù Vân hệt như nhát búa nện vào đầu chàng. Trong một thoáng, chàng nhớ đến sát nghiệp của quan thái sư, nhớ đến anh trai chàng hẵng còn đang đóng quân trên sông Cái, đến vợ chàng và cả công chúa Thuận Thiên đang bụng mang dạ chửa. Cơn mê quái ác đêm nào lại hiện lên rõ mồn một trong đầu. Bể máu đỏ lòm, những thây người nổi trôi, lăn lội theo sóng nước vô định, tiếng trẻ con khóc ré rồi dần tắt lịm giữa mênh mông ấy. Lòng chàng dao động, nét mặt từ bi của Bụt thoáng chốc lại hóa phiền muộn. Mình chàng thoát khỏi bể máu thì có ích gì? Chàng nhắm mắt, lắc đầu quầy quậy, nhưng bên tai văng vẳng tiếng mái chèo khua nước, lời ông lão lái đò vang trên khúc sông giữa một sớm yên bình.

Thây kệ họ đánh nhau các ông các bà ạ. Chúng mình cứ no cơm ấm cật cái đã, chả cần gì hơn. Quan nhất thời, dân vạn đại.

Đấy là thiên hạ. Thiên hạ nhất thời được dúi vào tay chàng. Người thanh niên thất thần nhìn ra cửa, chuỗi hạt đeo ở cổ tay bỗng đứt lìa, những viên gỗ tròn rơi xuống nền đất, lộp độp như tiếng mưa gieo. Chàng thở dài, cúi xuống tỉ mẩn nhặt từng viên gỗ, gói lại vào mảnh khăn buộc đầu. Vẫn còn thiếu một hạt nữa.

"Phàm là vua, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về cung, bệ hạ không về không được. Chỉ mong bệ hạ đừng khắc nào xao nhãng chuyện tìm tòi nội điển nhà Phật." Sư Phù Vân nhặt hạt gỗ dưới chân, ông đặt nó vào lòng bàn tay chàng.

Nhìn nhà sư rồi lại nhìn hạt gỗ trong tay, chàng thả nó vào trong khăn. Đoạn, chàng bái biệt ông, lằng lặng bước ra ngoài cửa, thét lên ra lệnh cho kẻ dưới thôi đào xới sân am.

"Trẫm hồi cung. Ông đưa trẫm hồi cung, đừng quấy quả làm phiền đến thầy nữa." Chàng buồn bã nói với quan thái sư.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top