TRUYỆN NGẮN-Lenghiabk05
Bờ hoang
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân
Tôi vẫn thường nghĩ cuộc sống là một đài nguyên hoang dại không bờ không bến mà mỗi bước chân con người là một bước khám phá và phát hiện những bờ hoang. Trong một chuyến đi phù phiếm nghĩa là chẳng phải du lịch cũng không điền dã, tôi đã lỡ tiêu đến đồng xu cuối cùng ở nơi cách hậu phương là nhà tôi hơn bốn trăm cây số. Đúng ra cũng bởi vì tôi bị móc túi ở ga Lao Kay nữa chứ tôi đâu thuộc loại lữ khách bạt mạng, tiêu cả tiền mua vé về nhà.
Trong bước khó khăn đó, tôi ghé lại một trang trại ven đường rừng, một nơi nào đó thuộc Mù Cang Chải. Không ngờ buồn ngủ được chiếu manh, tôi rơi vào nhà cu Dền, người cùng làng. Lúc đầu nó sượng sùng làm như tôi ghé đây không phải tình cờ tìm chỗ cưu mang lúc cháy túi mà để bắt nó theo lệnh truy nã của công an huyện tôi. Tôi nói cho Dền biết lệnh này đã hết hiệu lực theo luật định và cái chính đó là một lệnh “tiểu nã” theo thuật ngữ của công an, nghĩa là không quan trọng, dành cho tội phạm vặt, tiện gặp thì bắt không thì thôi. Ba năm coi như chẳng còn ai đi tìm, chẳng ai nhắc tới. “Ông Bân trưởng công an huyện có lần nhắc với mình về cậu đấy!” tôi bảo. “Thế thì tuyệt cú mèo em rồi, dễ gì gặp người làng ở Mù Cang Chải mà nhận tin vui! ” Dền nói, tươi hẳn lên, lấy súng hơi bắn luôn hai con gà mái ghẹ thết tôi. Nó bảo cả tháng nay chỉ mong có khách để giết gà vì chúng phá đám rau mùa đông không chịu được. “Anh ở đây cả tháng em càng mừng. Hết chỗ thịt gà này ta mần một con bê!”. Thực ra gà hay bê cũng chẳng sao, cái chính là tôi đã nhìn thấy chỗ vay tạm vài trăm ngàn mua vé về nhà sau một chuyến phiêu lưu cho đến lúc đó là rất vô vị. Nào bị móc túi, nào không xin được giấy sang chơi Hà Khẩu vì không mất chứng minh thư, nào phải rơi vào thân phận ăn mày. Nhưng Dền lại đón tôi như thượng khách. “Nơi này vắng vẻ quá, nhiều khi em chỉ mong gặp được một ông ăn mày!” Ước gì được nấy, rồi nó sẽ biết kẻ ăn mày ấy chính là tôi.
Gặp thằng Dền là tôi phải nhớ lại một thiên tình sử. Trong trận lũ quét năm đó ở Hà Tĩnh, chỉ riêng làng tôi đã có năm gia đình chết hết người lớn, chỉ còn mỗi trẻ con. Dền lúc đó mới lên năm được ông Xương Rồng ôm về miếu Cây Đa giếng Đồng nuôi nấng. Không ai biết từ lúc nào ông Xương Rồng lấy miếu làm nhà. Cũng không ai giải thích được vì sao ông có cái tên ấy. Danh cũng là mệnh, cái tên Xương Rồng chắc chắn nói lên đầy đủ thân phận của một con người nghèo kiết xác suốt đời. Ông này có đến mấy chục cái đó mướp, đêm ngày lặn lội đơm tôm tép đưa ra chợ Chờ bán lấy tiền đong gạo. Gặp lúc lụt lội hay hạn hán mùa gió Lào, cùng quẫn, ông ta vào các làng lân cận ăn trộm buồng chuối, con chó đi lạc hay nhổ đại một bụi sắn mì, coi như một “biện pháp tình thế” để qua ngày. Vì ông không tắt mắt gì của người “làng mình” nên được người làng bỏ qua. Năm Dền lên bảy, ông Xương Rồng dắt nó lên gặp chủ tịch xã nói: “Tôi già yếu quá rồi, để thằng Dền thất học là không có lợi cho xã. Nếu các ông cấp cho nó mỗi tháng năm cân gạo thôi là tôi dắt nó đến trường ngay. Giấy bút sách vở tôi xin lo!” Không biết ông chủ tịch lấy vào khoản nào nhưng khi bằng tiền, khi bằng thóc, Dền được cấp đều đặn 5 cân gạo mỗi tháng. Nó học đến lớp bảy thì ông Xương Rồng chết. Đêm đó bỗng dưng chó trong làng sủa vang khắp lượt, bướm đêm túa ra ngợp trời bay về phía miếu. Người ta nhớn nhác không hiểu vì sao, chạy ra thì thấy Dền đang ôm xác ông bố nuôi cứng còng như khúc gỗ. Dền bỏ học và đương nhiên thừa hưởng gia tài là ngôi miếu, nồi niêu xoong chảo, mấy chục chiếc đó làm nghề, dĩ nhiên là cái ban thờ nữa.
Nếu chỉ mỗi mình Dền không thì làm sao có nổi một chuyện tình. Cơn lũ quét kinh hoàng ấy còn quẳng vào đời một cô bé ba tuổi tên là Miên. Miên hạnh phúc hơn thằng Dền bất hạnh là còn có bà ngoại. Cháu ở với bà, dù bà luôn đứt bữa nhưng đứa cháu mồ côi thì lớn lên trong no ấm, lại được cắp sách đến trường cấp hai rồi cấp ba, cho đến khi hỏng vào đại học thì mới dừng lại. Gái quê tôi đẹp nổi tiếng một vùng. Theo tôi thì Miên có lẽ là cô gái đẹp nhất ở làng mà tôi biết. Mô tả sắc đẹp là một việc kỳ quái, cũng giống như ông Trạng Quỳnh vẽ nguệch ngoạc mấy vết ngón tay rồi bảo đó là con rồng. Nhưng chuyện ấy chẳng quan trọng gì. Một cô bé mồ côi đáng thương, được bà ngoại nghèo rớt mùng tơi nuôi thành người, cô cháu mang vầng hào quang đáng kính phục của bà ngoại và đương nhiên trong con mắt và tấm lòng dân làng, cô gái ấy có một vị trí đặc biệt. Mười tám tuổi, Miên được một ông giáo cấp hai để ý. Nhưng ông giáo không hiểu nổi vì sao Miên chỉ coi mình như củ khoai. Miên không buồn một phút vì ông mà lại yêu Dền. Giải thích chuyện trái khoáy này cũng khó như nói chuyện quả trứng con gà. Trên đường đi học Miên thường ghé qua miếu xin nước uống nên yêu Dền hay vì yêu Dền mà thường xuyên ghé qua miếu xin nước uống. Con ma xó của cái miếu mới trả lời được.
Trước hôm được xã cử lên tỉnh học một lớp đào tạo cô mẫu giáo ngắn ngày, Miên nói thác với bà phải đến nhà một cô bạn ngủ để sáng mai cùng đón ô tô. Đó là lời nói dối đầu tiên của cô gái đẹp người đẹp nết ấy. Thực ra Miên qua miếu Cây Đa Giếng Đồng để chia tay với Dền rồi ngủ lại đến sáng hôm sau. Có người nói đêm đó đèn “miếu thằng Dền” tắt sớm hơn thường lệ.
Lần đầu tiên Miên biết trở thành đàn bà như thế nào. Tôi hỏi Dền: “Mần chuyện ấy trong miếu mà không sợ à?” Nó đáp: “Cũng hãi, nhưng biết làm sao?” Rồi nó kể: “ Sau đó em thấy Miên khóc. Hỏi sao lại khóc, đau phải không? Cô ấy nói: “Em sợ có con.” Em bảo: “Có thì cưới luôn, sợ gì?” Miên hỏi em: “Cưới rồi đẻ ở cái miếu ni răng anh?” Bấy giờ em mới nhớ ra là mình chưa có cái nhà tử tế mà đã dám ngủ với người ta. Đang cơn cớ yêu đương, em đáp liều: “Cứ lên tỉnh học cho thành quả đi, lúc đằng ấy về thế nào cũng có nhà mới!” Miên trân trối nhìn em, như cô ấy không ngờ một thằng đơm đó mướp kiếm sống như em mà lại để dành được tiền làm nhà. Cô ấy ôm lấy cổ em: “Chồng em giỏi quá! Có nhà thì nghèo mấy, đói mấy em cũng nỏ sợ!” Lần đầu tiên có một cô gái đẹp như Miên gọi là chồng, em sướng muốn ngất đi. Để tránh con mắt xoi mói của dân làng, mới canh ba em đã thức Miên dậy, đưa lên bến xe. Khi chia tay em dặn: “Có hay không thì cũng viết thư để liệu. Đừng nói hớ hênh, thư của em là bọn bưu tá nó tò mò liền. Nếu “có”, gạch hai cái dưới chữ ký. Không “có” thì một gạch.” Miên vâng, cứ nắm chặt tay không cho em xuống xe, nhìn đôi mắt cô ấy ướt dầm dề mà lòng em tan nát...”
Sau khi Dền trốn khỏi làng, Miên cũng đã kể cho nghe về chuyện “một gạch hai gạch” ấy. Nó bảo không hiểu sao cứ yên chí là có chửa đêm hôm đó. Kinh nguyệt lại chậm mất cả tháng, thôi thì ăn chắc, cứ “hai gạch” gửi về cho Dền, làm được nhà mà chưa có con cũng chẳng sao. Thế là năm bảy ngày một lá thư, thư nào dưới chữ ký Miên cũng có hai cái gạch tai nghiệt. Dền lo sốt vó. Nó hứa liều thế thôi chứ chưa nhìn ra chỗ nào để có tiền làm nhà. Thế rồi, đêm đó, Dền lận đồng sang làng Kẻ Gạch, vào chuồng bò nhà ông trưởng thôn nổi tiếng giàu có, dắt một con bò thiến. Cũng là dịp rửa hận cho bố nuôi. Có lần ông Xương Rồng cắt trộm của tay trưởng thôn này một buồng chuối mà ông ta đánh cho lê lết, hai ngày sau mới dậy được. Dắt ra gò Trương Phụ um tùm cây lá giữa đồng hoang, một mình Dền xả thịt con bò. Vừa làm vừa nhẩm, vượt núi Thiên Nhẫn sang chợ Phuống bán, đống thịt này thừa đổi một cái nhà tranh tre nứa mét. Làm chưa xong thì người làng Kẻ Gạch đốt đuốc hò nhau tìm thấy. Dền thoát được. Nhưng không may bỏ quên cái dao phay ai cũng biết là của ông Xương Rồng. Thế là ngay đêm đó Dền trốn biệt. Công an huyện phát lệnh tiểu nã sơ sơ rồi bỏ đó. Ông trưởng thôn Kẻ Gạch không thúc ép gì. Chỗ thịt bò còn nguyên, không mất thuế sát sinh, lại nhân dịp thôn nào cũng mở đại hội chuyển đổi hợp tác xã, ông ta bán thịt đắt hơn cả giá chợ Chờ, thu được nhiều tiền hơn bán bò sống. Trong thâm tâm ông muốn cám ơn thằng Dền.
Học xong về làng, Miên ngồi khóc nửa ngày trong cái miếu hoang. Hạnh phúc đang sừng sững trong đầu cô như một lâu đài trắng, đổ sụp thành gạch vụn. Không ai biết Dền trốn đi đâu. Khéo nó đã nhảy xuống sông Phố? Cái thằng to gan, ngay ông Xương Rồng cũng chưa dám trộm của ai cái gì to tiền hơn một con chó lạc. Thế mà nó dám dắt cả một con bò! Trừ Miên ra, không ai biết vì sao.
Người làng sửa sang cái miếu, quét vôi, đổ gạch vụn lên sân, làm lớp mẫu giáo của Miên. Hôm đó tôi ghé qua thấy Miên đang đập thước lên bảng dạy hát. “Các con ơi, hát theo mẹ Miên nào!” Tiếng lũ trẻ đồng ca ngân nga, ấm cả một góc đồng quê im ắng. Tôi bảo Miên: “ Chờ nó làm gì?” Miên nói: “Em chẳng có ý chờ nhưng em không yêu được ai nữa. Thầy Lâm vẫn thương em nhưng anh đàn ông nào em cũng thấy nhạt như nước ốc.” Tôi nghĩ không có cách gì chữa cho Miên căn bệnh trầm kha này. Chữa sao được khi cô gái đẹp nhất làng thấy thằng con trai nào, kể cả một ông giáo từng theo đuổi chết sống với mình mấy năm nay, đều nhạt như nước ốc, trong tim chỉ có hình ảnh một thằng trộm bò.
- Cậu định thế nào? – Tôi hỏi Dền.
Nó im lặng một lúc lâu rồi đáp:
- Liệu họ có tha em không anh?
- Cái đó mình không dám chắc. Lệnh nào cũng có thời gian hiệu lực. Quá đát là coi như thôi.
Dền không nói gì nữa. Nó vật một con bê trong đàn bò dễ đến hai ba chục con của nó. Lửa và khói thui bê khét cả mái đồi. Vừa cạo lông bê Dền vừa kể cho tôi nghe nó đã “lập nghiệp” như thế nào trong mấy năm qua. Những ngày đào củ mài để khỏi chết đói rồi đi làm thợ mộc cho các bản người Nhắng, người Tày, sang tận Hà Khẩu làm thợ xây lấy tiền công bằng “nhân dân tệ”.
- Suy cho cùng chẳng có gì hơn là nuôi giống bò Hơ Mông anh ạ - nó nói.
- Cậu chưa ngán bò ư? – Tôi nhớ chuyện cũ, hỏi đùa – Mấy năm phiêu bạt, lại khấm khá thế mà không kiếm nổi vợ?
- Nói thật với anh, gái đẹp đâu cũng có nhưng không hiểu sao em thấy cô nào cũng nhạt như nước ốc!
Lại như nước ốc! Trai tài gái sắc trong thiên hạ hết cả rồi chăng?
Dền đặt chén rượu nếp sán lùng xuống, mắt nó long lanh, hỏi:
- Em tính rủ Miên lên đây anh thấy có được không?
- Không có trẻ con, phí cái nghề bảo mẫu của nó đi.
- Dào, thì chúng em đẻ ra trẻ con, yêu nhau thì làm chuyện ấy mất mấy nỗi!
Mái đồi ở Mù Cang Chải vốn trước đây, trước khi Dền đến là một bờ hoang của cuộc sống không bờ không bến và vô thường. Cái bờ hoang tôi luôn ao ước phát hiện đang được khai phá, làm hẹp thêm nỗi hoang vắng của núi đồi. Và ai đó sẽ tới những bờ hoang khác.
- Nhưng anh có chắc Miên sẽ lên với em không? Dền đột ngột hỏi.
- Mình không dám chắc. Biết đâu cô ấy đã vừa lòng với nước ốc?
Rượu sán lùng làm Dền thêm can đảm. Nó nói:
- Em đã mất người yêu, mất cả một quãng đời vì một con bò. Nay em có hai mươi bảy con bò. Em sẽ dắt hai con về quê cưới Miên rồi đưa cô ấy lên đây. Anh tính xem có được không?
- Cậu ngu lâu thế? Sao không bán lấy tiền rồi về quê mua bò cưới vợ có hơn không ?
- Em thích thế! Em cho hai con bò lên xe, lên tàu. Không có xe có tàu thì em dắt bộ. Thịt bò giống Hơ Mông thơm nức chứ không hôi như con bò thiến của ông trưởng thôn Kẻ Gạch đâu! Thui lên mời cả làng chén một bữa!
Tôi ngủ gật bên mâm rượu với những tảng thịt bê thui trắng phau lúc nào không hay. Tỉnh dậy tôi bỗng nhận ra là chủ nghĩa lãng mạn chưa chết như người ta thường nghĩ @
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top