Không cần lên tiếng

1.
Nhà tôi và Huy cách trường khá xa. Hai chúng tôi thường đến trường và trở về nhà bằng xe buýt.
Xe buýt lúc này đông nghịt. Tôi và Huy bon chen trong đám người xa lạ. Thi thoảng tôi lại bị xô đẩy, bị giẫm chân, rồi có cảm giác như bị ai đó kéo tóc... Chị bán vé xe buýt cũng chen chúc trong đám đông để bán vé. Sau mười phút, lượng khách trên xe đã giảm đi phần nào. Chị bán vé tiến đến chỗ tôi và Huy. Tôi mới đẩy chân Huy, ý bảo: Mua giùm vé với, tí nữa về tớ sẽ trả lại tiền! Huy khá tinh tường, sớm hiểu ý tôi, nên đã mua hai vé. Mà tinh tường gì chứ, lần nào lên xe buýt mà tôi chẳng nhờ cậu mua vé giùm.
Nhìn cậu nói chuyện với chị bán vé, tôi bất chợt cảm thấy buồn. Cậu có thể nói chuyện được, còn tôi...
Tôi không nói được.
Tôi vẫn còn nhớ như in vụ việc hồi đầu năm lớp Mười.
Tôi làm bình luận viên cho trận bóng chuyền của trường. Chiếc loa đột ngột im lặng khi tôi đang nói. Tôi vội vàng kiểm tra dây kết nối loa và micro, cả hai đều hoạt động bình thường. Tôi tiếp tục bình luận về trận đấu, nhưng chẳng có âm thanh nào phát ra. Tôi đã bật khóc trước sự việc bất ngờ này. Khóc trong im lặng. Và đau đớn.
Bố mẹ tôi đưa tôi đi khám. Bác sĩ bảo tôi bị xơ thanh quản, muốn nói được phải phẫu thuật. Gia đình tôi không dư giả gì. Chuyện làm phẫu thuật cho tôi cũng không phải chuyện dễ lo, dễ tính, một sớm một chiều là xong.
Không làm phẫu thuật. Đồng nghĩa với việc không thể nói được nữa.
Đến thở dài cũng không thể.
Mẹ muốn đưa tôi vào trường dành cho người khuyết tật, nhưng bố không đồng ý. Tôi ở lại trường.
Tưởng chừng chẳng có gì đổi thay, lại thay đổi hoàn toàn.
Cuộc sống của tôi trở nên phức tạp. Khi tôi muốn hỏi hay ý kiến về một vấn đề nào đó, tôi phải viết nội dung đó ra giấy. Bao giờ trong túi hay cặp xách của tôi cũng đều có một cuốn sổ tay dày và hơn một cây bút bi. Khi có bài tập gì liên quan đến phát âm, tôi đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của cậu bạn cùng bàn – Huy. Kiểm tra bài cũ, các bạn nói thành lời, tôi cầm phấn viết. Có những bài học dài, cần phải trình bày rõ ràng, tôi viết đến đau tay mà vẫn chưa hết.
Tôi đã phải ở trong cảnh cô đơn, chơ vơ, lạc lõng. Các bạn trong lớp không muốn nói chuyện với tôi. Có thể, họ không muốn làm khó tôi khi mỗi lần muốn nói chuyện tôi phải đều viết nội dung cần nói ra giấy. Cũng có thể, họ ghét tôi, muốn xa lánh tôi. Mấy đứa lớp bên nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khỉnh. Nghe bảo bọn bên đấy gọi tôi là “Thùy câm”. Tôi bắt đầu cảm thấy buồn. Và chán nản.
Thời điểm tôi buồn chán nhất có lẽ là vào đoạn đầu năm lớp Mười một này, khi vị trí bình luận viên tôi yêu thích đã có người chiếm giữ. Một cô bé học lớp Mười, tên Linh, nghe đâu có “chất giọng truyền cảm” và “rất được mọi người yêu mến”.
Nếu những nỗi buồn của tôi là những quả bóng bay, thì Huy chính là người thả nó đi. Huy không chỉ đơn thuần ở bên cạnh giúp đỡ tôi mà còn an ủi tôi, động viên tôi, ủng hộ tôi một cách rất nhiệt tình.
Xe buýt đã đi qua chín trạm. Chỉ một trạm nữa thôi là tôi đã có thể về nhà. Còn Huy, cậu phải qua thêm bốn trạm nữa mới có thể về.
2.
Huy vẫn thường nghỉ các buổi phụ đạo để đi tập bóng chuyền. Cũng phải thôi, Huy là một trong những thành viên xuất sắc nhất của đội bóng chuyền trường kia mà.
Chiều hôm ấy, sau khi học phụ đạo Toán xong, tôi tạt ngang qua nhà đa năng. Huy ở cùng đội với các bạn trong lớp, đối đầu với các anh lớp Mười hai. Tôi vừa vào trong, sec thứ nhất cũng vừa hết.
Tôi cầm lấy một chai nước lọc, toan bước đến đưa cho Huy, nhưng một cô gái đã đến bên đưa cho Huy chai nước khoáng trước. Cô gái thấp hơn Huy một cái đầu, tóc dài đến giữa lưng, da ngăm ngăm. Rồi cô ấy kiễng chân, dùng chiếc khăn bông màu trắng đã chuẩn bị sẵn lau mồ hôi cho Huy. Huy vuốt tóc cô ấy. Hai người cười với nhau, trông có vẻ hạnh phúc lắm. Tôi quẳng chai nước vào lại thùng, quay lưng bước nhanh ra khỏi nhà đa năng.
Tôi cảm thấy lạc lõng. Và chênh vênh. Vì lí do gì tôi cũng không hiểu.
Chẳng lẽ chỉ đơn giản vì không thể đưa chai nước lọc cho Huy thôi ư?
Hơn một tuần sau, tôi mới biết người con gái ấy chính là Linh, mới vào làm bình luận viên cho trường hồi đầu năm học này.
Tốt nhất là tôi không nên nói gì.
3.
Mấy đứa cùng đội bóng chuyền với Huy bảo, Huy đã có bạn gái. Bạn gái của Huy chính là Linh. Mặc dù tôi đã biết những chuyện đó từ lâu, nhưng tôi vẫn không thể nào cảm thấy nó bình thường.
Tôi thích Huy từ đầu năm lớp Mười, trước lúc tôi phát hiện ra mình bị xơ thanh quản và không thể nói gì được nữa.
Tôi đã đề ra kế hoạch, là sẽ viết một lá thư thật dài, để cậu hiểu hết nỗi lòng tôi, và gửi nó cho cậu ngay trong năm lớp Mười một. Nhưng tôi đã không làm. Bởi vì tôi sợ. Sợ mối quan hệ giữa chúng tôi không những không tiến lên mà chúng tôi còn không thể làm bạn về sau. Sợ cậu đã có bạn gái, tôi chẳng những không thể giúp gì cho hai người mà còn làm mối quan hệ giữa hai người xấu đi. Rồi những điều tôi lo sợ trở thành sự thật. Huy có bạn gái. Tôi cố gắng giữ khoảng cách với Huy để mối quan hệ giữa cậu và bạn gái được tốt đẹp. Tôi tự mua vé xe buýt. Vẫn biết tôi sẽ gặp khó khăn những lúc xe buýt đông người. Tôi không đi xem Huy đánh bóng chuyền. Tôi nhờ người khác – tất nhiên là không phải Huy – giải giúp các bài tập liên quan đến phát âm. Tôi từ chối mọi sự giúp đỡ từ cậu bạn.
Tôi không cần những mối quan hệ to tát, lớn lao, hay làm bạn thân của cậu, chỉ cần làm bạn tốt của cậu, vậy là đủ.
Có những chuyện ta cứ đinh ninh rằng cứ lên tiếng là sẽ ổn thỏa, nhưng thực sự im lặng mới là cách giải quyết tốt nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top