trên sông hồng

 TRÊN SÔNG HỒNG

Tác Giả: Tô Hoài

Tô Hoài

    Có người hỏi tôi sông Hồng với Hà Nội quan hệ như thế nào? Câu hỏi rộng quá, mà tôi chẳng chuyên môn ngành nào về cuộc đời non Sông và thành phố, tôi chỉ có thể có cảm tưởng và kỷ niệm về cái nơi tôi đã được sinh sống. Dưới bến Phà Đen hàng ngày bây giờ vẫn có thững chuyến tàu xuôi các bến xuống Cầu Bo dưới Thái Bình. Ngày trước, vào mùa nước còn có tàu huỷ ngược lên Sơn, lên Tuyên.

    Và hôm nay thì ở bến đầu cầu chân cầu Long Biên ngày ngày có tàu du lịch xuôi ngược sông Hồng đến hết địa phận Hà Nội, khách ngồi trong tàu ngắm lên thành phố. Chưa bao giờ có thuyền chơi đêm sông Hồng như đêm sông Châu ngày rước và đêm Việt Trì cũng như đêm sông Hương rước kia và hôm nay.

    Tôi đã thường ngược xuôi Sơn Tây, Thái Bình xưa kia và bây giờ có khi ngồi tàu du lịch trên sông Hồng. Sông Hồng và thành Hà Nội thế nào, sông Hồng đã chứng kiến ra đời Thăng Long từ nghìn năm. Sông Hồng hùng vĩ từ giữa lòng châu Á ra biển Đông, sông Hồng không cùng số phận hẩm hiu của sông Thiên Phù đã bị chui vào lòng đất và sông Hồng cũng không bị phai mờ như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu chỉ còn cái tên hoài cổ. Sách viết tên là sông Hồng, là Nhĩ Hà, Hồng Hà đoạn qua Hà Nội nhưng người Hà Nội xưa kia đều gọi nôm là sông Cái. Hầu như khắp mặt đất trên thế gian những trung tâm đất nước có sông lớn chảy qua đều gọi là sông Cái, sông Mẹ, sông Mê Kông, người Lào gọi là sông Mẹ (Mẻ Khoỏng) sông Nin người Ai Cập gọi là sông Mẹ. Tiếng cổ Việt Nam bố là cha, cái là mẹ, con sông Cái thân thiết và thiêng liêng đời đời.

    Sông Cái là sông dữ. Màu nước quanh năm rực đỏ, con sông cả đời quằn quại giữa hai bờ. Trăm năm trước, dòng sông nghiêng về bên thành phố. Nước mấp mé ven đê mới có Bến Nứa và phố Hàng Nâu thì ở chân cổng ô Quan Chưởng- củ rừng được bè tải về Kẻ Chợ đổ lên đấy.

    Trông cái bãi Giữa chân cầu Long Biên theo năm tháng bốn mùa có thể thấy được nguồn cơn vùng vẫy của con sông.

    Thủa nhỏ, tôi học trường tiểu học Yên Phụ, buổi trưa thường lên cầu Long Biên chơi trông xuống bãi ngô xanh xanh ẩn hiện xóm cát, có cái thang tre làm lối lên cầu của người bãi Giữa. Chẳng bao lâu, bãi Giữa lại lặn cả vào làn nước cuồn cuộn đỏ. Và bây giờ cái bãi Giữa lại đương xanh tốt hớn hở bãi ngô và mọc lại đôi ba lều của người các nơi về làm màu khi mùa nước rút. Các xóm đất bãi đã sống trong những hãi hùng và những phẳng lặng ấy, không phải chỉ đến khi chạy lụt nước lên, mà sông Hồng quanh năm nước ngoạm lở đất, mất nhà, mất vườn rau và cây cối, mất người. Bây giờ vẫn khủng khiếp thế.

    Thời Hà Nội thuộc Pháp trước 1945, chính quyền Tây không cho làm phố, làm nhà xây dưới bãi. Người làm cu li khuân vác, người ăn mày tụ tập dưới bãi ở nhà lá, lều lá. Có những năm vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng về ở phố đã trú ngụ ngoài bãi. Nhà xây dưới bãi bắt đầu khoảng 1947 khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội. Người Pháp chưa hoàn hồn, chưa chắc chân, nhiều việc hành chính bỏ bê còn lo đối phó với kháng chiến, dân hồi cư xuống bãi ở tràn lan chen chúc. Đến bây giờ nửa thế kỷ đã qua thì nhà xây, nhà tầng nổi ra đến tận mép nước.

    Đợi cho đến bao giờ trị thuỷ sông Hồng sang giai đoạn hết lụt mới thật là yên tâm, chứ còn thử tưởng tượng như hôm nay, đến kỳ nước lên, nước lúc nào cũng sẵn sàng đánh sóng đẩy cả dãy nhà dãy phố xuống lòng sông. Cái cảnh sụt đất và chạy lụt vẫn diễn ra, là còi báo động đấy chứ đâu. Sông Hồng có vẻ đẹp hùng tráng của con sông dữ. Trên máy bay nhìn xuống bờ bãi và con nước đỏ không có cây cỏ nào có thể mọc sát mép nước trên đất bãi chuyển động. Chẳng như các con sông miền Nam lúc nào cũng lơ thơ cụm lục bình trôi như từ trong lạch vườn ra, không như sông Hương mảnh mai, yểu điệu, cây cỏ la đà quét xuống mặt nước xanh trong êm đềm.

    Con sông dữ đượm vẻ nên thơ riêng của sông dữ. Tuy nhiên ngành du lịch và các dịch vụ chưa mấy phát hiện ra vẻ đẹp khác thường ấy của sông Hồng. Chơi trên sông Hồng, tham quan các làng mạc và đình chùa hai bên sông, còn ít ai biết. Tàu ngược rồi tàu xuôi, khách trên tàu người đi chơi giữa sông một quãng - hệt như cái “thuyền rồng” trên Hồ Tây lừ đừ từ bờ ra giữa hồ rồi lừ đừ quay về, thế gọi là tham quan Hồ Tây. Tàu đỗ bờ sông, lên làng gốm Bát Tràng, lên đền Chử Đồng Tử, lối đi ngổn ngang lầy lội chẳng khác đường sau làng ra làm đồng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thaphuonghy