Phần 2
Vào một chiều cuối đông xám mờ, sương bám trên cửa kính, tôi lười biếng mặc thêm vài chiếc áo bước ra khỏi căn hộ. Tay nắm cửa lạnh ngắt, tôi nhận ra cần phải đi tới trung tâm mua sắm, vì vài món đồ cần được đưa về thay thế ngay rồi. Gió lùa từng đợt khô khốc, đàn chim bay thành vệt đen trên bầu trời sáng đục. "Phải mau về đọc nốt 'Sự im lặng của bầy cừu' mới được." Tôi nhớ bìa sách, cảm hứng cũng từ khung cảnh kiểu vầy chăng. Nghĩ tới đây tôi ấm lên ngay. Tôi giỏi việc tự an ủi mình lắm. Năm tôi mười lăm tuổi rưỡi, tôi nói với bạn thân, đứa tuyệt đối bên cạnh tôi từ thời tôi còn hát ABC bằng tiếng anh, "Này, tớ nghĩ đời tớ phải gắn với gam u ám, điển hình như màu lông chuột." Nó nhìn tôi với ánh mắt dành cho con chuột thật. Thế là tôi phấn chấn hơn với ý nghĩa tự nặn ra đến giờ, bạn đừng dại mà gửi gắm cả con người mình ra ngoài, kể cả những người thân thiết nhất, họ chỉ muốn được xem cái họ muốn xem thôi. Sẽ mãi là vậy. Sau này tôi và nó mất liên lạc, cũng mấy đợt tình cờ gặp nhau. Không lời nào giữa chúng tôi, nó đâu nên nghe về chuyện nó nhìn tôi như con chuột, còn tôi nhìn nó thế nào nhỉ?
Bên trong trung tâm vẫn đông đúc người, tiếng lao xao bất tận rả rích. Tôi bỏ vào giỏ hàng tăm bông, mấy lọ vitamin, thêm ít rau củ, nấm, mì tươi, cà phê, trà. Tôi tạt ngang qua tất cả quầy trong siêu thị, bởi tôi thích xem các gói xếp ngăn nắp theo từng ô, và phòng khi tôi quên phải mua thêm gì nữa. Thang máy ở chính giữa tòa nhà, và thiết kế chữ U lặp lại suốt 18 tầng. Tôi lang thang đúng nghĩa, kính nối gỗ, gỗ nối kính. Vẻ xa xỉ trống rỗng có ngôn từ mỉa mai riêng của chúng. Người ta thiếu thời gian lắng nghe vì tâm trí bận gào thét, hoặc là miệng say sưa với ít mối suy tư nông cạn.
- Xin chào xem ai đây nào? – Bàn tay đập lên vai tôi lắc lắc. Tôi quay lại, à là nhóm bạn cùng lớp.
- Haha, các cậu làm gì ở đây thế?
- Bọn tớ có kế hoạch đánh lẻ.
- Thật ra là chỉ đi xem phim thôi. Nhân dịp phải thuyết trình về đề tài khoa học.
- Bộ phim chán cực, bọn tớ định lôi cậu đi, nhưng khổ lắm, thà ngủ, tớ cam đoan.
Bức Tượng đứng vòng ngoài cùng của nhóm. Cô mặc jeans xanh đậm với sơ mi đen kiểu cổ trắng. Bức Tượng chạm đến trí nhớ của tôi rất thản nhiên, tôi kể ra được cô đã mặc những bộ nào, nhưng cảm giác chúng đem lại na ná nhau khó tả. Cô nhìn tôi, đó là tất cả lời chào từ cô. Bất cứ thời điểm nào, làn da trắng toát của Bức Tượng cũng nổi hằn lên giữa cảnh trí xung quanh. Có thể miêu tả Bức Tượng gợi cảm giác của kiểu thiệp kirigami. Tôi nghĩ sẽ cần rất lâu để tìm một cái tên nào hợp hơn Bức Tượng cho cô. Bức Tượng vẫn đang chờ đợi tín hiệu nào đó tốt từ tôi. Cô chắc rằng tôi sẽ đáp lại, tương tự với trò đuổi bắt ánh mắt trong giờ học.
Tôi nhếch nhanh miệng:
- Cậu... cuộn lại dây earphones...
Mặc cho tôi không chỉ định chính xác ai, duy Bức Tượng là giật mình quay sang cạnh vai để cuộn lại dây nghe trắng vương nửa trong nửa ngoài túi xách. Tiếng cười khúc khích dồn về Bức Tượng. Đó là Cortibion, cô bạn thường cười tươi với tôi ngay khi có thể: mượn tài liệu để sao lại, hỏi lịch học, đăng kí nhóm thuyết trình... Cortibion xinh xắn vừa phải, tóc bob ngắn ngang vai nhuộm nâu sáng, năng lượng luôn ở mức cao nhất. Là kiểu dễ nhìn, dễ đánh bạn và cũng dễ nói những câu chuyện thường ngày. Cô mặc áo len hồng fuchsia nhạt dài tay, váy xếp li trên gối. Dạo gần đây tôi hay nói chuyện với cô gái này, nhưng không sao tả lại cặn kẽ về cô. Tôi sẽ tự nhận mình thờ ơ trí nhớ, thay vì xổ thẳng ra là Cortibion quá đơn điệu để mà nhắc lại tỉ mỉ.
- Này, chúng ta đi uống chút gì rồi hãy về? Thấy sao? Cách đây ba ngã tư ngắn có chốn ổn lắm.
- Có lattle chứ?
- Có và còn hơn thế.
- Tuyệt, thế đi.
Tôi gật đầu trước sự sôi nổi tràn ra cả giọng nói của Corti. Nếu nhảy cẫng lên được tôi cược Corti sẽ nhảy liền mấy cái. Những người còn lại trong nhóm hào hứng mặc thêm áo khoác sẵn sàng rời đi, trừ Bức Tượng hơi nhíu mày rồi nói đầy hối lỗi:
- Tớ xin lỗi, tớ phải mua thêm đồ rồi về ngay.
Corti buồn đến là tốc độ. Phản ứng của Corti vậy đấy, nhạy hơn ra đa thời tiết. Corti nuối tiếc nắm tay Bức Tượng. Bức Tượng cười trừ, ôm lấy Corti và đặt hai ngón tay lên đồng hồ đeo tay màu rêu khói, ra hiệu tạm biệt. Bức Tượng chào tất cả, quay lưng biến mất giữa sóng người dày mênh mông.
- Chúng ta xuất phát thôi.
Con đường đến quán cà phê mỗi lúc một hẹp. Corti hào hứng bất tận với mấy câu chuyện lẻ tẻ. Từ việc cô đã phải trầy trật lắm mới vào được đại học (mà đơn cử thì ờ Corti mê mải với việc tham gia các hoạt động ngoại khóa nên cho rằng cùng lúc cân bằng giữa học hành và năng nổ thật khó khăn) đến việc không khí ở thành phố mới quá ư là nặng nề khiến da cô dị ứng. Sau đó, Corti cười toe toét tự hào rằng mình đã vượt qua tất cả để đứng đây tụ họp với bạn bè mới. Điệu bộ hạnh phúc khua tay múa chân đó, tôi không rõ có phần nào là giả dối, dù sao Corti vẫn vui nhiều. Tôi bớt tập trung vào bọn họ và bắt đầu ngắm những tấm gạch vuông lát vỉa hè màu ghi với nước mưa đọng lại, chảy xuống mặt đường thành từng vệt dài tăm tối. Những vệt đó phá vỡ hoa văn đối xứng trên gạch lát, dấy lên một nỗi khó chịu thường thức. Cũng giống như kiểu người cố chấp nhặt nhạnh len lỏi vào thế giới riêng của ai đó, nhưng họ chẳng hề sở hữu năng lực linh diệu kia. Cách dăm ba phút, lác đác bóng người lướt qua, tay cho vào túi áo. Mấy khán giả bất đắc dĩ của mùa đông thường niên chỉ còn cách bước đi mau lẹ. Tôi từng mong mình nghe được tiếng gãy đổ chậm rãi hết sức của thân cây. Thời khắc giao mùa chắc sẽ nhức mỏi lắm, thốt nhiên tôi tò mò chúng sẽ an ủi nhau thế nào.
Đó là một quán cà phê khuất mặt và im nằm ở góc vuông hai con đường. Bảng tên quán bằng gỗ, hạ từng nét chậm rãi, kiểu chữ uốn nhẹ màu đen khắc lõm: "Fiorire".
- Nghĩa là gì nhỉ?
- Nghe cứ như "Fire"
- Tớ nghĩ là sự kết hợp giữa "Fire" và "Oreo", nghĩa là "chiếc bánh kẹp cookie rực lửa"?
Tức thì cả hội phá lên cười sau màn cắt nghĩa nham nhở của tôi. Chúng nó hài lòng với cách hiểu sôi nổi đó vô cùng. Tôi thật sự muốn chỉ ra, "Fiorire" trong tiếng Italia có nghĩa là "bung nở cánh hoa" thay lời giải thích tào lao kia. Có điều âm điệu của từ đó lại gợi nhắc sắc cao hơn ý nghĩa uyển chuyển mềm mại nên tôi bấm bụng, biết đâu được chủ quán lại nguyện ý khác? Tôi đâu có cơ sở để bấu víu ba hoa. Hiểu thế nào chẳng ổn. Phần trăm xác suất nghi ngờ đó nhỏ lùi về số mo khi tôi thấy không gian cũ kĩ, mùi màu nước yếu ớt thấm chặt vào tường gỗ tỏa khắp mấy chiếc bàn lẫn ghế con con. Tôi ngầm áp đặt chủ quán là họa sĩ tên tuổi ít nghe, vì góc quán có mấy khung tranh hỏng, nằm vất vưởng chán chường. Nơi đây có hẳn quầy pha chế ở trung tâm quán, thế mà vẫn đượm nỗi niềm cổ điển. Một nửa khiến tôi không ngừng so sánh với các quán bar bé xíu nằm sâu dưới các con hẻm, nơi chứa mấy tay bartender kì lạ gây khó quên chỉ với một ly cognac ginger, một nửa còn lại đối ngược vì e dè ánh sáng trắng trải khắp nơi này đầy thoáng đãng. Nếu đã quen với nhạc xập xình và cách bày trí phong cách thời cuộc, Fiorire tuềnh toàng đáng thương. Thậm chí, chỉ có hai người phục vụ. Họ mặc sơ mi đen với jean đen, một nam một nữ, nét mặt tĩnh lặng. Chàng trai còn trẻ, áng chừng trên dưới hai mươi ba, đứng ở quầy pha chế. Anh ta làm mọi thứ cực kì chính xác và gọn gàng, từ cách pha tới cách đặt mọi thứ về vị trí cũ, tôi không thể không liên tưởng tới bác sĩ phẫu thuật. Cô gái trẻ hơn chàng trai, đàn ông thường trẻ lâu hơn phụ nữ, hoặc là cô gái này có gương mặt trẻ con hơn tuổi thật, mái tóc nâu xoăn nhẹ dài ngang vai, dù thế nào cũng phải thừa nhận cô rất trẻ. Cô nhẹ nhàng đặt đồ uống xuống bàn, cúi đầu và quay về góc quán. Tôi đoán chừng mười bảy tới hai mươi. Chàng trai và cô gái, họ đều có điểm chung là hài lòng tuyệt đối với sự tĩnh lặng mà mình tạo ra. Thực tế Corti và những người bạn, tôi đoán sẽ hiếm mà đặt chân tới đây lần nữa. Tôi nghĩ mình lỡ yêu mến "chốn cũng ổn" này, tình yêu sét đánh mãnh liệt đầy hoang đường. Vô lí hơn cả câu chuyện tình cờ gặp gỡ ai đó và yêu ngay với thời gian tính bằng giây. Có lẽ tôi thích sự im lặng tự nhiên ở đây, rất nhiều.
- Tớ thích mê món lattle ở đây rồi đấy.
- Hơi ảm đạm, tớ muốn chút nhạc.
- Với cái tên như vậy thì quán cần nổi trội hơn, cho đúng tinh thần, nhỉ? Một chút bass và yeah yeah. Tớ có thể gọi chủ quán không? Tớ muốn ý kiến này được đón nhận, tớ sẽ là người mở ra một kỉ nguyên mới cho quán haha - Và cậu bạn trẻ chỉ tay về phía Corti, cả cơ thể tràn đầy phấn khích – Cậu, đúng rồi, cậu chuẩn bị khen ngợi tớ đây.
- Nghe nói cậu từng là tay bass của trường hồi phổ thông à – tôi bỏ viên đường vào cốc khuấy nhẹ, dàn dựng vẻ mặt hòa nhập.
- Các cậu nên biết cả chứ? Thời gian đó tớ đã nhận được lời mời từ một công ti âm nhạc, nhưng đã từ chối đấy. Tớ sẽ gọi chủ quán.
- Sẽ phiền, bỏ đi. Với lại người ta cũng sẽ quên việc cậu cừ khôi ra sao ngay thôi.
Tôi gọi Americano. Uống rất ưng, nếu không muốn nói là quá hợp ý. Tôi vẫn có thể tung hứng được chủ đề tôi vốn tránh né, như là thời phổ thông của tay bass đang trên đà khoe mẽ, nhưng giờ tôi đã có lí do hoàn hảo – thưởng thức hương vị thức uống – quan sát kĩ Fiorire. Ngoài ô cửa sổ thỉnh thoảng lại có ánh sáng nhạt le lói hắt vào, tôi bắt gặp chàng trai đẩy một cuốn sách chạy từ trong quầy pha chế ra mép quầy, và cô gái đưa tay từ chiếc bàn gần đó lấy về. Mọi thứ chỉ diễn ra trong vài giây, nét mặt của họ vẫn không hề thay đổi, nhưng đâu đó trong lòng tôi lại cảm nhận được một cuộc hội thoại sinh động hơn bất cứ thanh âm nào. Chàng trai, có lẽ vừa hân hoan giới thiệu cuốn sách của mình cho cô gái, cũng có thể hào hứng đưa cho cô mượn cuốn sách của anh. Cô gái, nhận lại cuốn sách của mình hoặc không phải, đều cảm thấy vui vẻ, hoặc có thêm đồng điệu, hoặc có thêm cơ hội để hiểu người khác. Bằng cách nào, họ vẫn vui vẻ. Sự tĩnh lặng giữa họ vẫn đầy màu sắc. Lần đầu tiên, tôi biết đến một loại im lặng không phải là "im lặng chết". Người ta, từ bỏ thanh âm, để có thể hiểu nhau chân thành và dịu dàng hơn.
Vừa vào lúc chúng tôi gấp sổ thanh toán nhận từ tay nhân viên phục vụ và kéo áo khoác ra về thì tiếng mở cửa từ quầy pha chế vang lên.
- Cảm ơn mọi người.
Một người đàn ông trung niên cao mét bảy có lẻ, áo sơ mi màu bạc hà loãng, da trầm, ngậm điếu thuốc có đôi mắt lờ đờ của kẻ đã chết cất tiếng. Khuôn mặt đậm nét, vai rộng. Điều làm tôi chú ý nhất là bàn tay đầy vệt màu, màu ở kẽ ngón tay, bám trên móng. Màu dính vào tâm hồn lẻ loi. Những kẻ cô độc lầm lũi lạc đường ước mơ, dù chỉ là khoảnh khắc, vẫn nhận thầm thở dài cho nhau. Tính riêng việc người đàn ông này gọi chúng tôi là "mọi người" thay vì "quý khách", hoặc vô tình, có thể quen miệng, nhưng tôi thiên về cách nghĩ khác khiến tôi cảm thấy thích thú hơn cả. Ngọn gió đông thốc ngoài cửa, tôi quay người bước ra.
- Tạm biệt. Mai gặp nhé.
- Bọn tớ đi hướng này, các cậu về nhé.
- Tạm biệt.
- Hôm nay rất vui đó.
- Cho những ai không nhớ thì mai có buổi thuyết trình đấy tay bass cừ khôi ạ.
- Chán thế cơ chứ.
- Tạm biệt mọi người.
Corti đi cạnh tôi, song song nhưng xem ra cô không hài lòng với vị trí đó. Corti đôi lúc nhảy lên trước mặt tôi để nói chuyện. Thông lệ ứng xử tôi sẽ nhíu mày, tôi vốn nhạy cảm với hành động làm bản thân khó chịu. Thế mà lần này tôi không. Tôi vui vì đã áp chế được phần nào mặt tối của mình, dù tôi cũng yêu mến những góc khuất đó. Chúng ta đều hạnh phúc khi được thỏa mãn. Ví dụ như, thay vì giữ chặt cơn giận dữ, hét lên và hả hê bào mòn người khác chẳng phải dễ dàng hơn sao nếu bỏ qua tính tạm thời của nó. Hoặc là, tôi mải mê với suy nghĩ về sự tĩnh lặng của Fiorire, từ hai người phục vụ, tới họa sĩ chủ quán, và để sự tĩnh lặng đó từ từ gõ cửa mình.
- Cậu thấy Fiorire thế nào? Ngon lành chứ? Ý tớ là đồ uống ấy?
- Ừ. Tớ đã cạn tách.
Tôi nháy mắt kèm theo, tung hứng cho sự tự hào về việc khám phá ra quán Fiorire của Corti. Thực chất ý tôi là mọi thứ thuộc về nó hoàn hảo, không phải chỉ đồ uống. Có điều ý nghĩ này nên giấu nhẹm đi. Tôi không muốn khởi xướng thêm màn thảo luận nào nữa. Bởi lẽ, cả khi cạn kiệt chủ đề, Corti vẫn có thể nói cả ngày. Huống hồ là được tiếp thêm một gợi ý hấp dẫn, lỡ đâu cô không cho tôi về. Mà tôi đang nôn nóng được nằm dài trên giường để đọc nốt mấy quyển sách. Tôi nhớ căn phòng chỉ có mình tôi.
- Hôm nào tớ và cậu ghé lại lần nữa nhé?
- Cũng được thôi.
- Này, cho tớ số của cậu đi?
Corti đưa tôi điện thoại của cô, dường như chẳng màng tới sự thờ ơ của tôi. Tôi biết rõ, Corti muốn tôi và cô, chỉ hai người, tới Fiorire vào ngày đẹp đẽ nào đó. Tôi không chắc, tôi hay ngủ quên vào những ngày đẹp đẽ thế lắm. Tôi thích mấy ngày không ai mảy may muốn ra đường cơ. May mắn thay, xe buýt đã tới trạm. Corti leo lên và vẫy vẫy tay về phía tôi. Tôi cũng vẫy nhẹ với Corti và nói với theo:
- Đi cẩn thận. Đừng đổi tên tớ đã lưu đấy.
Corti ôm bụng cười, mắt cô cong như vầng trăng. Nụ cười khiến người ta tin vào cuộc đời này, thêm một chút. Xe buýt chạy xa dần khỏi tầm mắt. Tôi rảo bộ về dọc theo con đường. Đã gần bảy giờ tối. Bầu trời đen đặc quánh như nhựa đường tráng vào, mây tối màu rải rác tụ dần về phía xa cuối chân trời. Thưa thớt vì sao. Trăng uể oải mờ mờ màu trắng. Tôi năm lên sáu vô cùng tò mò liệu trăng sao phải ngủ ban ngày để đêm lung linh? Chúng quả thật vất vả rồi. Phố xá đã lên đèn. Ồn ào huyên náo. Mua bán, dạo chơi, xe nhỏ xe lớn lấp kín mọi nơi có thể chứ không riêng giữ bãi đậu. Dần dần, tôi nhận ra rằng, tuy quả thật vô số người, nhưng chỉ có vài loại người nhất định. Và tệ hơn, tôi thấy họ ngày một giống nhau. Sự đồng hóa ngấm ngầm diễn ra: chung cách đối phó, chung cách thờ ơ dù vấn đề chúng ta phải đối mặt khác hẳn nhau. Thành phố về đêm càng trống rỗng lẫn phức hợp. Những tòa nhà cao tầng, công ty, trung tâm mua sắm, chứa các ô cửa sáng rực san sát. Tôi gọi đó là những đôi mắt vô dụng. Ai ai cũng có những đôi mắt để nhìn thấu, cả trái tim để đón nhận, lại quá dè chừng và vội vàng để hiểu nhau.
Băng qua dòng người tấp nập, tôi đứng đợi đèn xanh để qua đường. Vu vơ đảo mắt quanh quẩn, bất thình lình tôi như có dòng điện xẹt qua. Bức Tượng. Tôi thấy Bức Tượng bên dãy nhà đối diện. Đèn xanh điểm, tức thì, tôi bước sang phía lề đường Bức Tượng đang đứng. Đến giờ tôi vẫn thắc mắc, tôi tại sao không chút mảy may vặn lại lỡ đó là ai khác? Một người trên cõi đời rộng lớn này, vóc dáng, mái tóc dài ngang lưng, góc nghiêng cân xứng và giống với Bức Tượng? Tôi đã khắc sâu hình ảnh về cô đến mức tự tin thuyết phục được nghi vấn thường trực của chính mình. Nhưng điều đó đâu có quan trọng. Cứ giả dụ tôi nhầm, tôi vẫn bước sang để nhìn người đó. Người giống với Bức Tượng xứng đáng để tôi làm thế.
Bức Tượng mặc váy trắng hai dây qua gối đơn giản, tóc đen xõa dài, tay cầm chiếc túi xách to, tay còn lại giữ áo khoác màu vani đậm. Đôi mắt sâu mở to, khuôn miệng cong, phảng phất nét ẩn ý xa xôi. Lúc nào cô cũng ngẩn ngơ như vậy. Bức Tượng đứng đó rất lâu. Cô hầu như chẳng để tâm xung quanh, nhìn sâu vào bên dưới. Tôi cuối cùng cũng tiến lại được gần Bức Tượng trong bí mật.
Bức Tượng im lặng chăm chú lắng nghe một bài hát rong buồn từ một người hành khất. Người đàn ông già ôm cây tì bà, nhỏ bé ngồi tựa góc tường tòa cao tầng chót vót, dùng hết tiếc nuối cả đời phiêu bạt vào giai điệu. Dường như ít ai lại gần, một người hát, một người nghe. Nhịp điệu bằng phẳng từ tốn, giọng hát đều đều vang vang. Ca khúc này từng lọt vào tai tôi, nhưng tuyệt nhiên không nhớ được tên. Điều gì cũng thế, sau quãng thời gian lùng sục vô vọng, tôi gác lại, cất dang dở ở nơi rất khó mở trong ngăn tủ kí ức. Là Bức Tượng hay bài hát rong này đại diện cho xúc cảm về miền xưa tôi trót quên lãng, Robinson đã thấy bóng dáng đất liền chẳng hạn.
"Điều này anh đã biết từ xưa
Những buổi chiều, những buổi sớm, buổi trưa
Cuộc đời mình anh dùng thìa cà phê đo đếm
Anh nghe những giọng hát từ đâu xa lắm
Nơi mà người ta theo nhạc hát lên
Là bởi vì anh đã dám?
..."
Con đường về hôm nay bỗng dài thườn thượt. Tôi chợt nhận ra mình nhẹ hẫng như chẳng có gì mang theo, cả trái tim và đầu óc. Cuộc gặp gỡ đơn phương giữa tôi và Bức Tượng diễn ra chóng vánh chưa đến mươi phút, thế mà tôi lại biết ơn là Bức Tượng không biết tôi cũng đứng đó, một mình trong bóng tối, dưới tòa nhà chục tầng, giữa lớp lớp người ngang dọc, chỉ để nghe hết một bài hát rong. Giả như, Bức Tượng quay về phía tôi, chắc tôi sẽ bất động mất. Tôi bối rối nhất là trước nỗi đau của người khác, nhất là khi họ khóc. Chúng tôi hai kẻ sẽ nhìn nhau vào đêm mùa đông lạnh lẽo. Cô đã khóc rồi, tôi đã thấy Bức Tượng đưa tay gạt nhẹ má, rất nhanh nhưng tôi đã kịp khắc sâu hình ảnh cô đơn đó. Một người khóc, còn một kẻ lựa chọn im lặng bất tận. Nước mắt của Bức Tượng, vội vã như một mảnh của nỗi buồn, quá nhiều để giữ trên tay nên trót đánh rơi xuống.
Nửa thời gian khóc là vì thấy cô đơn, nửa thời gian còn lại nhận ra mình chẳng có ai để kể về nỗi cô đơn lúc khóc đó, lại càng thấy cô đơn.
Tiếng chìa len vào ổ khóa cửa phòng bật lên mấy tiếng lách tách nhất định. Tôi đẩy vào, bật điện để thấy vị trí đồ vật, khởi động máy điều hòa, ghi nhớ từng 'chướng ngại vật' trên con đường đi tới chiếc giường , rồi lại tắt, mò mẫm trong bóng tối bước đến "đích" đã vạch ra. Tôi ngồi phịch xuống, rồi lại nằm duỗi người tự do. Tôi thích thả người xuống giường như thế, hơi lạnh từ nệm, từ máy điều hòa để cảm giác trống rỗng tràn ngập từ từ như ngắm nhìn vòi nước đang dần dần xả đầy bồn tắm. Tôi thích thú nghĩ đến việc mình là sinh vật sống duy nhất trong căn phòng, ấm áp và đều đều thở. Tôi kéo rèm cửa ra. Khung cửa chữ nhật màu trắng đục trượt ngang qua trước mắt. Trong thoáng chốc tôi chợt nhớ đến tiếng xình xịch của tàu lửa chuyển bánh vào ga. Ồn ào, ngột ngạt, và lúc nào miệng tôi cũng thấy mặn chat. Thế giới bên ngoài phủ ánh đèn lấp lánh lờ mờ hiện ra. Vẫn là những tòa nhà cao tầng, vẫn là ánh đèn huyên náo, vẫn là rất nhiều mâu thuẫn kiếp người diễn ra. Thở từng đoạn dài. Tôi nhớ có nhà văn đã nói rằng, cuộc đời giống như sitcom vậy. Các phân cảnh khác nhau xảy ra cùng lúc. Bi kịch với người này ập tới cùng hạnh phúc với người kia viên mãn. Bởi cứ xen lẫn nhau như thế nên có cuộc đời bi hài. Có thoát khỏi cái lẩn quẩn lên xuống đó không chắc là khó, nhưng khi thoát được rồi lại nhận ra trật tự nằm trong hỗn loạn. Tức là con người phải liên tục lựa chọn, và không thể nào đồng đều. Tôi vốn không phải là người rõ ràng với sở thích, tôi không lựa chọn giỏi, và cũng ít có hứng thú để đưa ra chọn lựa. Suốt những năm tháng mùa đông trước đây, mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, tôi thường đứng tần ngần bên ngoài tấm kính rực đèn của cửa hàng lưu niệm sang trọng có, bé nhỏ có, mới khai trương có, đã làm việc lâu đời tiếng tăm cũng có. Thói quen này tôi có từ khi bắt đầu lên bảy tuổi, đó là mốc thời gian một đứa trẻ được cầm trên tay sử dụng những đồng tiền đầu tiên. Tôi từng tin rằng ông già Noel với chiếc xe trượt tuyết sẽ từ quả cầu hiện ra, và đem hạnh phúc bỏ vào chiếc tất lũ trẻ chuẩn bị sẵn. Tôi đi dạo khắp thành phố để tìm món quà cho mẹ, dù biết chắc một món quà không làm điều nhiệm màu nào xảy ra hay ít nhất bà sẽ vui lên nổi so với chừng đó mỏi mệt trong tâm hồn.
Hôm nay tôi gần như muốn thả mình suốt đêm, đắm chìm vào bất cứ điều gì sượt qua đầu. Việc nhìn thấy Bức Tượng khóc khiến tôi nhớ về rất nhiều kỉ niệm tôi từng có. Năm học lớp ba, một bạn nữ đã chuyển tới trường tôi. Cô bạn đó, chiếc váy đồng phục cũ lem luốc mực, móng tay không được sạch sẽ cho lắm, và, dưới con mắt của những đứa trẻ lớp tôi – những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình khá giả, hoặc ít nhất, bố mẹ không để con mình phải chịu khổ ngày nào, những đứa trẻ không hề rời mắt khỏi cô bạn có vẻ mặt gợi cảm giác thương hại rất tự nhiên đó, vô số câu hỏi liên tục hiện lên trong đầu chúng. "Tại sao nó lại ở đây?", "Chúng ta vào đây không phải là để khỏi ngại ngùng gặp mặt những người nghèo khổ à?", "Hãy tẩy chay nó đi". Tôi thỉnh thoảng lại nhớ đến thái độ của hai cô bạn khi một trong hai xuống để cùng bĩu môi, bất chợt tôi làm rơi cục tẩy, tôi và cô bạn quay xuống đó chỉ nhìn nhau trong hai giây kém, nhưng suốt đời này tôi không thể quên được, đôi môi nhỏ nhắn đã thì thầm những lời cay nghiệt, ánh mắt trẻ thơ lại đảo liên tục xấu xí ngập đầy. Trong hai giây kém, tôi đã nhìn thấy một thứ gì rất mới khác. Một điều gì đó đã vô cùng ám ảnh tôi về con người. Tôi đã khựng lại chốc lát, và tiếp tục vẽ, tôi cứ vẽ nghệch ngoạc vài nét lộn xộn, nhưng trong lúc đó cũng thêm một lần nhìn lên cô bạn mới chuyển lớp đang cúi gằm mặt đi về chỗ ngồi phía cuối góc phòng – chỗ dành cho những học sinh cá biệt. Tôi thắc mắc tại sao lại ngồi tận cuối lớp, dù vậy thì chuông cũng đã reng, và tôi nhanh chóng sắp xếp đồ đạc ra về. Suốt chuyến đi bộ từ trường về nhà, đứa trẻ chưa đầy mười tuổi đã đấu tranh hơn sáu lần định kể về nỗi ám ảnh vừa mới hình thành đó. Nhưng với ai? Và kể như thế nào? "Tôi đã nhìn thấy như vậy đấy, theo bạn chuyện có thể hiểu ra sao?" ư? Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng, mình sẽ gác lại nó qua một bên, vốn từ ngữ hạn chế của tôi và cơ mặt không linh hoạt bẩm sinh có thể khiến tôi bị xem như thằng dở lắm, có thể lắm chứ. Hơn nữa tôi thậm chí còn chưa rõ ràng là mình có thật sự, thật sự lấy làm khinh ghét, muốn gỡ bỏ sự kì thị cho cô bạn tội nghiệp mà tự bước ra khỏi đám đông hay không? Tôi đoán là nếu đủ thật sự, tôi đã làm rồi. Tôi đã luôn đứng vào hàng ngũ những kẻ tôi muốn thay đổi. Tất nhiên lúc đó tôi không nghĩ nhiều đến thế, tôi chỉ trăn qua trở lại giữa nên hỏi hay thôi. Việc nghiền ngẫm tình tiết quá khứ cũng giúp con người ta rút ra cơ số bài học cho tương lai, hoặc ít nhất là cho hiện tại rảnh rỗi giết thời gian mà chẳng quá phí phạm. Trong một lần đem câu chuyện ra mài sắc, tôi quyết định gọi cô bạn mới của những ngày cũ là Bạch Yến.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top