Phần 1


Những ngày đầu tiên của tuổi mười tám.

Tôi ngồi trong chiếc taxi bốn chỗ cùng với bố và mẹ. Bốn người, kể cả chú tài trung niên kiệm lời mải miết băng qua những con đường xa lạ vào một chiều mưa nhỏ nhưng dày hạt. Thời tiết kiểu này khó chịu với tôi còn hơn cả bị đánh thức khi đang ngủ, bầu trời nặng trĩu kết hợp giữa đen và xám – đục lờ đờ, việc bước ra khỏi phòng khách sạn và chiếc áo sơ mi ẩm nước mưa cộng hưởng thêm rõ vào sự lo lắng. Tôi phải đổi chỗ ở tạm tới một nơi gần hơn với trường đại học mà trong tuần tới, tôi sẽ được khoác lên một cái bảng tên hay là một cái thẻ gì đó khác, "sinh viên" chẳng hạn. Chút phấn khích về một môi trường mới tồn đọng lại từ hơn mấy chục ngày nghỉ hè dài sau kì thi như đã bốc hơi hết hẳn, thậm chí trước ngay khi chạm vào mặt đất như cơn mưa tội nghiệp trên sa mạc hoang. Tôi ủ rũ kéo chiếc mũ từ áo khoác lên và nhìn ra cửa kính.

Thành phố nào cũng vội vã như nhau.

Ngay trong đêm trước ngày nhập học, tôi vẫn ngồi xem nốt vài tập phim. Từ bé, tôi đã luôn mường tượng về đêm trước ngày trở thành sinh viên. Rằng tôi sẽ háo hức đến mức khó rơi vào giấc ngủ thế nào, đặt lưng xuống giường vẽ ra đủ viễn cảnh về những năm tới đời mình ra sao. Ấy vậy mà, khi đã đến 'cái đêm này', tôi lại từ tốn uống cacao xem nốt series phim như một cách hưởng thụ trước nỗi cô đơn, có ai biết rằng cô đơn sẽ đến và trở thành một phần trong đời ta, mãi mãi?

Đúng như những gì tôi đã từng trải qua suốt năm tháng đi học, tôi lại ngồi cuối góc lớp. Điều đáng lưu ý đến theo cách tầm thường nhất là giảng đường rộng hơn lớp học, (luôn) có màu pastel sáng sủa, tôi cân nhắc để tránh phải tự cười là vì nó không còn mới nữa thôi. Và tất nhiên, ai có việc của người đó thẳng thừng hơn, thái độ đó rất hợp với gam màu nhợt nhạt kia. Tôi tự hỏi trừ những người không phải ngay lập tức từ trung học lên đây, những bạn cùng tuổi tôi, tôi thật sự tò mò điều gì đã xảy ra với họ trong cái kì nghỉ hè gần nhất? Một cuộc cách mạng tinh thần? Thế chuyện gì đã xảy ra với tôi, tôi không nhận được thông báo nào về vụ huy động này cả. Nghiêm túc mà nói đây xứng đáng là bí ẩn của nhân loại. Nghiêm túc hơn, lỡ có tận thế thì liệu tôi có biết không? Cơ mà tan học trên đường về nhà và nhìn mọi người lỉnh kỉnh đi ngược lại về nơi trú ẩn với đôi mắt trợn tròn, kể ra cũng giống nhân vật chính trong bộ phim viễn tưởng. Nhìn lên chiếc bảng đen to dày với slide chạy qua chạy lại trên màn trắng khiến tôi nhớ đến "Những hình nhân nhảy múa" trong Sherlock Holmes và liên tục ước gì đầu óc mình cũng linh hoạt như thế, thiếu chút màu sắc cũng được, miễn là nhảy múa. Vài buổi đầu tôi còn ghi chép, những tiết sau tôi bỏ hẳn, chuyển sang nghe. Cứ thế được hai tuần. Cũng có bạn bắt chuyện, và thêm vài kiểu câu hỏi, như là "Này, từ đâu đến đấy?", "Đang ở chỗ nào vậy?", có điều không ai có vẻ muốn trở thành một điều thật khó quên với ai cả. Họ muốn mọi người họ biết kể từ bây giờ, ở cùng một vị trí, không hơn không kém. Như thế liệu là cư xử dễ dàng hơn? Chỉ biết rằng tôi cũng như họ, không hẳn vì tôi muốn thuận tiện hơn, mà là tôi không thể làm điều đó một mình, ngay từ lúc đầu.

Gia đình tôi – bố và mẹ, đã trở lại công việc của họ. Tôi cũng dọn xong đồ đạc về căn hộ - nơi nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ yên vị mấy năm tới, trải qua vô số khoảng thời gian riêng tư ở đây. Tất cả những gì tôi có thể tự an ủi bản thân là căn hộ này ổn, vừa vặn với số lượng người ở (một mình tôi), có góc tường thẳng thớm để tôi chui vào đấy trốn tránh đôi khi (vì Trái Đất tròn trịa quá, mà tôi ghét những thứ tuyệt đối lắm, bằng mọi giá phải tìm cách lật đổ hoặc phá hoại cho thỏa mãn), cửa sổ to và ngang tầm mắt (dù hiếm khi tôi kéo rèm cửa lên, nhưng tôi thích cửa sổ vô cùng, chúng là đôi mắt của nơi ở), và đầy đủ các vật dụng để duy trì sự sống. Tôi đứng trước chung cư mình ở, nhìn bố mẹ lặng lẽ bước lên xe, vẫy tay mỉm cười rạng rỡ cho ra dáng thằng nhóc chấp nhận trưởng thành, bật ngón cái nghịch ngợm, rồi huýt sáo đi về phòng.

Hai tuần trôi qua. Ngày đầu tiên của tuần học thứ ba, tại chỗ ngồi yêu thích của tôi, chiếc bàn xa tít sát bức tường cuối phòng. Vào đúng đoạn cao trào về câu chuyện mông lung sự đời tôi vẽ ra trong óc, vào đúng sáng mưa ướt mặt kính cửa sổ lớp, một cô gái tóc bồng bềnh dài quá lưng, mang mùi hương hoa tường vi nhanh chóng ngồi cạnh tôi khi đã vào lớp ba mươi phút hơn. Cô làm gián đoạn mọi thứ như dùng hết lực vào kéo chỉ cắt một sợi chỉ cũ nát.

"Được rồi, mình biết đây là chỗ của cậu, nhưng mình chỉ ngồi hôm nay thôi, được chứ? Lát nữa mình sẽ mời cậu ăn trưa, đồng ý không?"

Giọng nói sâu và hơi trầm của cô dẹp bỏ hết những mơ màng nãy giờ. Tôi uể oải cất tiếng đáp lại, cố tạo sự ngạc nhiên và có lẽ là thêm tí vui nhộn.

- Trông mình giống gã độc chiếm hết khu không ai ngồi này à?

Giá mà cô nhìn thấy sự cố gắng của tôi. Cô chỉ cúi mặt cười, lấy tay gạt mấy giọt nước mưa còn đọng lại trên nét mặt có phần non nớt giản đơn, mà tôi nghĩ từ "phản ứng chậm" hợp với cô hơn. Áo trắng trong và đầm dây đen dài ở ngoài, ánh nhìn dè chừng thừa thãi như thuộc về bản chất toát ra từ mí mắt hơi rũ xuống. Buồn cười khi nghĩ cuộc sống làm mọi thứ trở nên khó khăn quá, nếu cô ra khỏi lớp này, chúng ta gặp nhau ở nơi nào khác, như là quán cà phê với ít nhạc giao hưởng nằm ở góc phố, có thể tôi sẽ tiến tới bắt chuyện. Bỏ qua ánh nhìn nghi ngại thấp thoáng đó thì trông cô rất ưa nhìn, vẻ đẹp ngắm lâu được, và chất giọng đúng kiểu tôi thích, lại biết điều đúng mực.

Cái mà tôi thấy kì là mặc cho dáng vẻ sốt sắng vào lớp vì mình trễ, cô không có thứ gì gọi là thuộc phạm trù học tập trên bàn, cũng không có dấu hiệu lấy ra, tôi nghĩ trong cái balo xẹp lép nhẹ hẫng kia cũng không có nốt. Và cô nàng ngồi im như phỗng thời gian còn lại, nhìn chăm chăm vào màn mưa rất tập trung. Tôi nhận ra điều đó sau giấc ngủ ngắn, giật mình tưởng cô cần gì đó phía này.

- Cậu đang nghiên cứu vòng tuần hoàn ánh sáng hay là thành viên hội yêu mưa đấy?

Vừa hỏi xong tôi lập tức thấy mình ngớ ngẩn và nhạt thếch. Trong mấy bộ phim lãng mạn thường có vài câu thoại hé mở hấp dẫn, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy không muốn giả dối chút nào trước cô. Cảm giác đó, rất đột ngột, bạn là thằng ăn cướp từ lúc mới sinh ra, và hôm nay quyết định tặng người khác một ổ bánh mì. Tôi không chắc so sánh thế có dị hợm không, nhưng tôi đâu phải là loại chộp ngay suy nghĩ đầu tiên và biến nó thành lời nói, trừ cái lần này. Đã vài giây trôi qua, tôi cầu nguyện cô ta đừng nghe, à thế thì hoang đường quá, đừng quan tâm cũng không ổn, hãy cứ cười thôi là được. Thế nhưng, cô ái ngại ra mặt, trông như vừa gây ra tội lỗi nào đó.

- Xin lỗi, tớ không cố ý. Tớ chỉ đang tìm kiếm điều khác, ừm... trốn tránh, ừm... slide?

- Vậy cứ tự nhiên tiếp tục.

Tôi biết rằng mình không thể trở vào giấc ngủ nữa, nên đành nằm dài trên bàn. Cô vẫn bất động, được thêm một khoảng thời gian khá dài, tôi không rõ là tôi có thật sự ngủ không. Tôi không thấy mệt khi tỉnh lại và gần như cũng không thấy nhẹ nhõm hơn, những điều tôi nhận được vào mỗi buổi sáng luôn là mâu thuẫn giữa nên yêu thích giấc ngủ hay chỉ xem nó như một phần ba việc phải làm trong đời. Thế mà tôi mở mắt ra và nhìn thấy mọi người đã gần như rời lớp hết. Xa và gần, tôi đưa tay giơ giơ trước mặt để tỉnh táo và cất đồ, bước ra khỏi lớp.

- Này

Ô, xem ai đây, là Bức Tượng ban nãy. Bức Tượng cử động, đưa tay vẫy tôi với nụ cười gượng gạo, tôi nghĩ cô có chân thành tới đâu vẫn cứ cười theo lối này. Tôi không hiểu sao mình lại dễ chịu hơn hẳn, tôi không thích những người quá niềm nở, trong lòng họ chỉ muốn làm cho xong, hoặc họ xem tôi như bao khán giả khác. Còn Bức Tượng, trông cô như "Chết rồi, làm sao đây nhỉ, mình nên cười để cậu ấy thấy tốt hơn?" Điều đó rất đáng trân trọng, ít nhất là giữa thế giới chỉ toàn giả dối như thế này. Nói cho đơn giản thì, Bức Tượng đã giữ lời hứa, và còn đứng đợi tôi.

- Tớ đã không nghĩ là cậu chờ, vả lại đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt thôi mà...

- Tớ không chờ bao lâu cả, vừa mới thôi mà.

Đừng có phớt lờ vế quan trọng chứ.

- Được thôi, nhưng sao cậu không gọi tớ dậy?

- Tớ nghĩ cậu sẽ tỉnh thôi... Sớm muộn gì cũng có người đánh thức cậu khỏi giấc ngủ nửa vời. Còn tớ sẽ đứng đợi cậu, thế nào cậu cũng bước ra khỏi căn phòng.

Tất cả những gì tôi muốn làm sau khi nghe trọn vẹn lời của Bức Tượng là thu hẹp khoảng cách giữa hai lông mày hết cỡ để hỏi "Cậu biết mình đang nói cái gì không đấy?", nhưng mà thế là quá đủ cho một buổi sáng, mà tôi quả quyết rằng dẫu cho tôi có nói thế đi nữa thì Bức Tượng cũng chỉ phản ứng đúng như cái tên tôi vừa gán vào cho thôi. Tôi đời nào để mình tham gia phân cảnh thằng con trai hét hơi lớn vào mặt đứa con gái đã đợi nó ngủ chán chê mới nhấc người ra khỏi lớp. Tôi mơ về một kiểu phim điện ảnh khác cơ. Chốt thêm lí do nữa là la hét chỉ giống như bị lật tẩy, trên tất cả, tôi lười, chấm hết.

"Chúng ta đi nào?" Tôi nhẹ nhàng nói, đứng phía ngoài Bức Tượng và lách người qua đám đông. Mùi hương dịu dàng nửa quấn nửa rời. Bức Tượng đi rất chậm, chán nản chiếm lấy từng bước chân. Tôi khẽ nhấc chiếc balo lại cho đều vai, và ra hiệu mở đường băng qua rất đông sinh viên phía trước. Bức Tượng mím môi gật, khi Bức Tượng biến mất sau lưng, cô lọt thỏm giữa rất đông người không quen biết. Tôi tự hỏi Bức Tượng có biết ai giữa thành phố này, cô bất thình lình gợi cho tôi cảm giác cô sẽ kẹt lại hành lang màu da cam hẹp đó, câm lặng nhìn ra cơn mưa đang giăng dọc trượt dài xuống từng ô kính cỡ lớn ở sảnh tầng ba, rằng tôi không nên để cô một mình sau lưng.

Nếu chúng ta là bạn, có nghĩa là tôi, cũng có thể là Bức Tượng nữa, có một người quen ở một nơi không quen?

- Kịp rồi.

Tôi khẽ kéo chiếc cổ của áo khoác da màu đen lên một chút. Thêm ít phút nữa chúng tôi ngồi một bàn đôi trong căng tin. Nhốn nháo và hỗn loạn, tôi có thể nghe tiếng hét the thé vì rơi khay thức ăn. Thật sự ngao ngán khi đứng dậy đi vào đó lấy đồ ăn, nhưng đâu thể tỏ ra là một thằng vô dụng, ít nhất là lúc này.

- Ờm... cậu ăn gì?

- Cảm ơn cậu. Một suất bình thường nhé.

Cô nghiêng đầu sang một bên, cố nói to một chút hơn với tôi, từng chữ từ môi nỗ lực len qua rất nhiều tạp âm lọt vào tai tôi rất trật tự đều đặn. Cách cô nói cảm ơn trước câu trả lời với tôi tựa hồ là điều đẹp nhất tôi nhận được trong suốt thời gian thật dài qua. Trái tim tôi vốn là mặt hồ tĩnh xanh xám sâu, và cô là chiếc lông vũ, nhẹ nhàng rơi xuống, êm ái tử tế. Tôi không hiểu sao từ bé đến giờ, tôi luôn xao động trước những điều đẹp đẽ bé nhỏ đến vậy, những chi tiết khuất lấp của người khác là ánh sáng rực rỡ đối với tôi. Tôi cho rằng đó là đại diện cho niềm tin của mình ở một người khác, đặc biệt là những người tôi không thể hiểu được, hoặc chưa biết họ. Bức Tượng có lẽ vĩnh viễn không hình dung nổi điều mình vừa làm có ý nghĩa thế nào, đó lại là lí do tôi thích. Khi người ta biết điều mình làm thật lớn lao, nó chẳng còn lớn lao như họ tưởng nữa.

Tôi quả thật không muốn nhớ lại mình đã bưng về được hai cái khay đồ ăn như thế nào, đó là trải nghiệm khá đáng sợ. Tôi thường chờ cho qua trưa, lúc buổi học chiều bắt đầu mới xuống ăn, hoặc là đi bộ về tự nấu. Hiện giờ tôi một mình, tự do và cô độc. Thỉnh thoảng tôi dạo ở công viên gần đó, ngắm nhìn những đứa trẻ nghịch ngợm vừa chạy nhảy vừa cười suốt trong những bộ đồ sặc sỡ, nếu chúng có mặc đồng phục, cũng vẫn rực rỡ. Có khoảng thời gian sinh ra là để vui vẻ và giản đơn. Có khoảng thời gian sinh ra là để muốn quay lại.

- Cậu chờ lâu không?

Đôi đồng tử nhìn theo đường thẳng của Bức Tượng chạy vào tim tôi. Tôi hiếm khi tự mày mò về cái gì kẹt trong đầu người khác mà họ chưa thể chuyển tải thành lời. Tôi hiếm khi quan tâm, nên tôi hiếm khi gắn bó lâu dài. Thế mà tôi chẳng hiểu nổi, tôi biết Bức Tượng đang nghĩ gì, Bức Tượng chăm chú vào bóng lưng tôi từ lúc tôi rời đi và trở lại. Những hi vọng đổ vào hoài bão ngày xưa, càng lớn càng dành cho những điều nhỏ bé. Việc tôi trở lại với Bức Tượng nhanh chóng là việc cả hai chúng tôi đều vô cớ đặt thử hi vọng vào đó, chút phản ứng lại tuyệt vọng dâng đầy thường trực ngày qua ngày. Đó là lần gần nhất tôi đọc thấy sự tin tưởng chờ đợi dành cho mình, dù nó từ xa lạ và quá mong manh.

Bức Tượng kéo khay đồ ăn về phía mình, cẩn thận lau đũa và muỗng cho cả hai. Bức Tượng không nhìn vào mặt tôi, cô nhìn ra màn mưa trắng bạc bên trái. Tôi suýt nữa thì đã có cơ hội để nói "Cậu có thể lấy nước mưa để rửa sơ chúng." Tôi vốn có ý hài hước, có điều thiện ý đó không bao giờ được thực hiện nữa. Giữa mũi và môi trên của Bức Tượng xuất hiện thứ màu sắc làm mĩ cảm của tôi phát điên, nó đang ở đấy, màu đỏ chính thống mà tôi dễ dàng phân biệt với độ chục màu đỏ nhân tạo. Tôi rùng mình, lòng bàn tay đầy mồ hôi lạnh ngắt. Tôi biết điều gì đang xảy ra. Cố gắng nói, nhưng không thể. Tôi chỉ đủ sức ra hiệu bằng cách gõ mấy ngón tay vào bàn ăn thu hút sự chú ý của Bức Tượng, rồi lại lấy ngón trỏ quẹt hờ ngang nhân trung. Bức Tượng rút ngay tờ khăn giấy từ ngăn ngoài chiếc balo màu rượu vang, chống khuỷu tay lên bàn, hơi cúi mặt lau đi. Ý thức quen với chuyện đó của Bức Tượng đập mạnh vào tất cả giác quan của tôi lần nữa. Tôi chưa bao giờ ngồi gần một người chảy máu mũi như thế này. Tôi còn nhớ vào mấy tháng mùa hạ nóng nảy, lớp học ngoài giờ môn Ngữ Văn của tôi đã từng có cô bạn chảy máu mũi. Tôi còn nhớ những đứa xung quanh đã hết sức bình thản hỏi có cần thêm khăn giấy không. Cô bạn đó cũng chỉ bảo là vì thời tiết khó chịu và ăn uống không hợp lý. Còn tôi thì, nhìn trừng trừng vào cảnh tượng vài giây và quay mặt đi, tuyệt nhiên không nhìn về hướng đó lần nào nữa. Nó có phải là ám ảnh, hay chỉ vì tôi thấy đau đớn trước nỗi đau của người khác, nỗi đau mà đa phần là tôi tự dựng lên, phải chứ thằng nhân vật chính trong cuốn sách "Giãy giụa màu đỏ"?

Bức Tượng lau được ba bốn lần, cô cúi xuống lấy thêm giấy. Tôi đoán đó đã là năm giây dài nhất đời, khi tôi cất tiếng hỏi "Cậu ổn chứ?" và không ai đáp lại, thanh âm của tôi rớt xuống vực thẳm đen ngòm. Tôi đứng phắt dậy bước sang chỗ Bức Tượng, tôi lay nhẹ, Bức Tượng vẫn im lìm nửa cúi nửa ngồi. "Này, này?" rồi lay mạnh dần, những người khác bắt đầu chú ý về phía tôi. Tôi kéo ghế Bức Tượng ngồi ra, tôi hét lên "Tớ cần ít nhất một bạn nam đem theo cho tớ hai cái balo này cùng tớ vào phòng y tế." Kể ra cũng lạ lẫm cho tôi để bắt bản thân nói hẳn một câu nhiều từ đến vậy. Tôi biết tôi hơi mất bình tĩnh. Tôi sợ Bức Tượng biến mất, như lúc cảm giác cô kẹt lại giữa tấp nập biển người. Tôi xốc cô lên và cõng Bức Tượng chạy băng băng giữa cơn mưa lâm thâm. Hạt mưa bắt đầu nhẹ thưa đi. Thường tôi sợ trượt chân mỗi lần chạy nhanh giữa mấy vũng nước mưa, giờ tôi vẫn sợ, có điều chủ yếu vì hiện tại không chỉ có tôi. Tôi đã chẳng còn nhớ mình đã nghĩ gì trong khi cõng Bức Tượng. Ngộ ra nguyên nhân tôi luôn đứng đầu lớp về thể lực? Tôi không thấy gì hết, kể cả khuôn mặt anh bạn cầm theo hai cái balo chạy bên cạnh, tôi không còn cảm giác gì, tôi chỉ nghĩ, Bức Tượng nhẹ quá. Bức Tượng có đau không? Bức Tượng, nếu được tôi muốn chia cho cô bớt những chuỗi ngày phẳng lặng đáng giá của tôi. Mà giờ cô là kẻ chấm dứt rồi. Chính ngay thời khắc tôi tự hỏi Bức Tượng và tôi nên cảm ơn hay xin lỗi lẫn nhau, tôi đã đứng trước cửa phòng y tế.

Đỡ Bức Tượng nằm xuống rồi lấy lại balo, tôi dự tính đi về. Nhưng tôi chợt nhớ ra còn bài luận dang dở, nên tôi quyết định ở lại thư viện trường. Đứng trước mái hiên của quầy cà phê, mùi thơm ngọt ngào của loại chất lỏng đen làm tôi tỉnh táo lại. Ngón tay tôi tê tê vì cầm cốc nóng. Khuôn mặt ảm đạm pha vài giọt nhăn nhó của cô đứng quầy khiến tôi xém hỏi cô có biết cháu vừa trải qua những chuyện gì không. À cháu ấy mà, cháu chưa mỉa mai ai hay ít nhất ý định thế, biết đâu sau phút bộc bạch cô sẽ tặng cho cháu túi đường. Bởi vì giờ giả như cô ấy trông yêu đời phởn phơ, chắc tôi còn mất bình tĩnh hơn. Với lại, tôi theo trường phái cà phê đen nguyên chất.

Tôi đi một mạch vào thư viện. Đây là nơi bạn có thể tận hưởng hương vị bị mọi người bỏ xó kể cả chỗ ngồi ở đâu đi nữa, tích cực mà giải nghĩa là khỏi bị làm phiền. Tất nhiên là tôi cũng chỉ muốn làm cho xong, nên ba tiếng đủ cho trời đất khô ráo, tôi vặn người mấy lần gấp laptop lại đi về. Mùa thu, mùa của lẫn lộn. Tôi thích mùa thu, thích vì nó không trật tự, thích mùa thu ở những điều mùa thu làm người ta khó chịu. Hãy nhìn những hàng cây xếp dọc khuôn viên trường, màu lá xen đủ và hình dáng phong phú. Tiếng gãy giòn khi đặt gót giày lên lá khô là tiếng động đổ vỡ tôi khó quên nhất. Nắng mùa thu, chín độ vàng của mùa hè, không gay gắt vẫn nồng nàn. Mưa mùa thu cũng ấm như nắng, mưa biết sẽ tạnh là mưa đẹp. Mùa thu, mặc thêm chiếc áo cũng là thừa, cởi ra lại lành lạnh gió thốc. Mùa thu, không biết làm gì vậy đừng làm gì cả để mùa thu trôi qua người. Mùa thu luôn nhắc tôi sẵn sàng cho mùa đông, cả một năm sắp tới: "Cậu không thể bước ngay tới mùa thu kế tiếp, hành trình đi đến mới là phần tuyệt nhất."

Trên đường đi ra cổng, tôi có liếc qua phòng y tế. Đèn còn sáng và đôi giày thể thao màu hồng nhạt của cô vẫn còn đó. Tôi chợt nhớ tới sự yên tĩnh khi cô chạy thật nhanh về phía cạnh chỗ tôi lúc sáng, khác lạ hẳn tiếng "cộp cộp" thường nghe. Lòng tôi dấy lên thôi thúc kì lạ, tôi dừng lại một lúc lâu trước cánh cửa im lìm xanh navy. Bóng cành cây gầy gò in tranh lên bức tường bất tận của dãy phòng học, tràn lên cả bàn tay tôi, nửa mát lạnh, nửa nóng rực. Đến giờ tôi vẫn không thể quên khoảnh khắc đẩy cánh cửa ấy ra.

Trong chiếc váy trắng với họa tiết các ô van viền nâu sát nhau, một tay chạm vào mái tóc đen buông thả, Bức Tượng ngồi ngang để hết chân vắt vẻo trên cạnh tay bên một chiếc ghế đơn trắng thấp, nắng chiều sau lưng cô nhuộm vàng bốn bức tường, cả căn phòng sáng ấm. Tôi nghe mùi hoa cỏ mùa xuân xao động và gió đang thở dài. Bức Tượng nhìn tôi, nhưng chẳng có câu hỏi nào trong ánh mắt hững hờ đó, cô chỉ đơn giản nhìn thấy tôi. Tôi luôn luôn cho rằng tình cảm có nhiều loại. Thời điểm đó, trái tim tôi có hề đập loạn nhịp, tôi có hề bối rối xuyến xao. Tôi chỉ muốn ôm Bức Tượng, cất ở nơi tận cùng, tách biệt khỏi tầm nhìn của những kẻ khác.

- Chào cậu.

- Chào, cậu thấy thế nào?

- Tớ khá hơn rồi. Đáng ra tớ được về từ nãy, nhưng mà tớ ngủ quên mất.

Tôi cười trừ. Đứng tần ngần cạnh tủ thuốc, vô số loại thuốc với nhãn mác làm tôi hoa mắt, chúng chỉ như vật điểm xuyết vào khung cảnh hiện tại. Tôi biết cả hai chúng tôi không nhìn nhau. Chúng tôi hầu như chẳng bao giờ nhìn nhau thật sự, chúng tôi cùng nhìn về một hướng. Mặt trời sắp lặn, áng mây xa lững thững bay về đâu khó dò, tôi không rõ tôi và Bức Tượng mải miết đuổi theo những suy nghĩ gì trong đầu. Im lặng và im lặng kề vai.

Chúng tôi cùng đi bộ ra cổng. Bức Tượng lên xe buýt về, tôi đứng cạnh chiếc xe, tay vẫy theo cách Bức Tượng bước vào thế giới riêng của mình. Không ai nói thêm lời nào, dường như điểm chung của chúng tôi là quá chi li và sợ dư dả, với chính những kẻ đồng loại. Chúng tôi sợ phát hiện ra nhau, chỉ để mà tiếp tục nhìn nhau đầy mơ hồ. Ngày đó, tôi vẫn nhớ màu của ánh hoàng hôn, hệt ly cocktail Bloody Mary sóng sánh đã được cơn mưa rửa sạch bóng loáng. Ánh hoàng hôn lấp lánh từng hạt khít nhau áp vào lồng ngực tôi, ấm áp và bình tĩnh. Tôi siết chặt tay hơn và chầm chậm đi bộ về nhà khi đã uống cạn say khướt món cocktail đỏ kia.

Kể từ ngày Bức Tượng lao vào tôi đó, không giống như diễn biến một cuốn tiểu thuyết lãng mạn thông thường, chúng tôi hầu như chẳng bao giờ ngồi cạnh nhau nữa. Tôi cố hình dung ra cách chúng tôi gặp nhau, mạnh mẽ bởi vì sử dụng hết toàn bộ lực hút cho một lần đắt đỏ ấy. Sau đó, lại tách nhau ra về vị trí cũ. Tôi vẫn ngồi ở góc cuối phòng, Bức Tượng thỉnh thoảng ngồi với bạn bè trong lớp, đôi khi ngồi một mình, nhưng luôn ngồi trên tôi. Tôi quan sát Bức Tượng mỗi lúc thấy chán, và nhận ra cô chăm chỉ hơn tôi từng tưởng. Bức Tượng đem đủ sách, vở, bút, thước và luôn là người có điểm số không tồi. Thế mà tôi chắc mẩm, cô đang vùng vẫy thờ ơ giữa sự tập trung giả tạo đó. Thảng hoặc, cô quay xuống góc lớp, đụng phải ánh mắt của tôi sẵn sàng đón lấy, Bức Tượng chớp mắt quay lên. Vẫn là cái thở phào nhẹ nhõm của cô nếu tôi đáp lại, bởi mọi lần tôi ngủ mất, mở mắt ra đã thấy Bức Tượng e ngại chờ đợi sự an tâm vặt vãnh.

Mọi thứ vẫn diễn ra đều đặn như chiếc đồng hồ treo tường, tích tắc tích tắc. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: