Tức Mặc có giai nhân

TỨC MẶC CÓ GIAI NHÂN

Tác giả: Bí Bứt Bông

Thể loại: Cảm hứng lịch sử

Truyện viết về Linh Từ quốc mẫu Trần thị - Hoàng hậu cuối cùng của triều Lý, công chúa đầu tiên của triều Trần, người trải đường giúp nhà Trần dựng nên đế nghiệp.

Tuy những diễn biến lớn của truyện tuân theo chính sử, nhưng trong truyện có nhiều tình tiết được hư cấu để phục vụ cho nội dung câu chuyện. Vì vậy, xin đừng đánh đồng chính sử với nội dung của truyện.

Các chú thích về lịch sử được đăng trong bài viết: Đôi điều về lịch sử

-----------***------------


Mùa thu năm Kỷ Tị, hoàng đế nghe lời ly gián của kẻ gian, giết công thần là Phạm Bỉnh Di, khiến Quách Bốc khởi binh tạo phản, trả thù cho chủ.

Hoàng đế di giá lên vùng Quy Hóa, hoàng tử Lý Thầm rơi vào tay Quách Bốc, tạm lập làm vua. Thái tử Lý Sảm lánh nạn về Hải Ấp.

Một chiều nọ, giữa rừng trúc bạt ngàn xanh thẫm, thái tử tình cờ gặp cô con gái họ Trần. Nàng vung roi phóng ngựa dưới hoàng hôn, tóc mây dáng ngọc, như thơ như hoạ, ngang tàng mà diễm lệ.

Một khắc ấy là sự khởi đầu đế nghiệp của họ Trần.

Là sự chôn vùi của hai trăm năm triều Lý.

Nhiều năm sau, có lữ khách sang chơi vùng Tức Mặc, ngồi trên lầu cao, nhớ đến chuyện xưa, ngẫu hứng nhịp tay vào chén rượu hát rằng:

Tức Mặc có giai nhân

Giai nhân chẳng dễ cầu

Một ván cờ loạn thế

Giang sơn vạn dặm sầu

Giai nhân như rượu cay

Nghìn kiếp sau còn say

Phồn hoa tan

Hương khói tận

Hồng trần vang vọng khúc Đông A.

***

I. Tức Mặc có giai nhân

"Chữ 'Sảm' 旵 này, phía trên là chữ 'nhật', phía dưới là chữ 'sơn', có nghĩa là mặt trời khuất núi. Ngay đến cái tên đã là điềm vong quốc."

Ai đấy đã nói như thế về thái tử.

Sau hai mươi năm chính sự điêu tàn, thiên tai nhân hoạ như sóng xô thác đổ, công đức họ Lý chỉ còn là dĩ vãng. Vua vô đạo, dân thành giặc, chả mấy ai còn sợ triều đình nữa. Những lời đồn đoán về "thiên mệnh", vô tình hay hữu ý, chẳng bao lâu đã lan xa, trở thành chuyện phiếm bên khay trầu chén rượu chốn dân gian.

Vùng Hải Ấp cũng không ngoại lệ.

"Này, con trai sao lại dễ khóc như thế chứ?"

Thiếu nữ áo tím vắt roi qua yên ngựa, mày liễu khẽ chau, cúi đầu nhìn kẻ đang co người ngồi một góc. Thiếu niên kia cũng chỉ trạc tuổi nàng. Thân nhuốm bụi đường, tóc rối xoã tung, máu từ vết roi theo nước mắt chảy dài.

Ánh mắt buồn như tàn tro giữa tịch dương.

"Xin lỗi..." Nàng dịu giọng, ngồi xuống nhẹ nhàng lau đi vệt máu kia. "Cậu đứng khuất sau bụi cây, ta không thấy nên mới lỡ tay như vậy."

Người kia vẫn chẳng đáp một lời.

"Vết thương thế này không để lại sẹo đâu, nếu sợ thì đến chỗ thầy lang, có gì phải khóc."

Thấy đối phương cứ mãi trơ như tượng, nàng cũng chả buồn kiên nhẫn an ủi nữa, chỉ tiện tay ném lại một xâu tiền, rồi lại trở về vẻ kiêu ngạo ban đầu, xoay lưng phóng ngựa đi mất hút.

Lúc này, thiếu niên kia mới nhặt chiếc khăn lên, nhìn đăm đăm viền chỉ vàng rực rỡ.

Thứ xa hoa vốn chỉ được dùng cho hoàng tộc, nay lại trong tay một cô gái chốn dân gian, tầm thường đến nỗi muốn vứt đi thì vứt.

II. Giai nhân chẳng dễ cầu

Họ Trần vốn là người vùng Tức Mặc. Về sau gia nghiệp ngày càng lớn, mới chuyển về Hải Ấp, dần dần trở thành hào trưởng một vùng.

Nhiều năm trước, có bậc cao nhân sang vùng này vãn cảnh, lúc đi ngang qua cổng lớn họ Trần, thấy đám mây ngũ sắc lượn trên cao, từng phán rằng nhà có phúc tinh giáng thế. Tối hôm ấy, họ Trần sinh được người con gái, từ đấy về sau hưng thịnh không ngừng, người người quy phục.

Lại nghe rằng, người con gái nọ thanh tú như hoa, nhu hoà như nước, được gia đình nâng niu như trân bảo. Đến cả thái tử tôn quý là thế, lúc ngỏ lời muốn cưới nàng làm vợ, họ Trần vẫn phân vân do dự, mãi mấy ngày sau mới ưng thuận việc này.

Giữa con đường phủ cỏ lau trắng xóa, nhìn người con gái trời vừa hửng sáng đã xông vào phòng mình, nắm tay mình chạy một mạch đến đây, vị thiếu niên kia chẳng biết nghĩ gì, bất chợt ngửa đầu cười khanh khách.

Tiếng cười ấy khiến bước chân nàng chững lại.

Nhu hòa như nước...

Cậu ta quay đi, cố giấu ánh cười còn đọng lại nơi đáy mắt.

"Ngài..."

Cái mím môi ấy rõ là đang tức giận, thế mà thoáng chốc đã chìm trong nước mắt, cứ như cậu là người có lỗi. "Điện hạ, xin ngài hãy ra lệnh hủy hôn ước ấy."

"Cô là người được đính ước với ta?" Giọng cậu thản nhiên, tay đỡ nàng đứng dậy. "Cô không thích làm vợ ta à?"

Nàng cúi đầu: "Tôi chỉ là con gái nhà chài lưới, không có học thức, không biết lễ nghi, sao dám làm dâu nhà thiên tử."

"Cô chỉ cần mang họ Trần là đủ." Cậu điềm tĩnh đáp, nụ cười như nắng sớm mùa thu.

Ánh mắt nàng thoáng vẻ ngỡ ngàng, không ngờ cậu ta lại nói thẳng ra như thế.

Vào thời buổi loạn ly này, một hoàng tử xuất thân thấp kém, không quyền không thế, dễ thao túng như cậu hoàng cả Lý Thầm mới là đối tượng hoàn hảo cho chiêu bài mượn thiên tử lệnh chư hầu, chứ không phải kẻ xuất thân cao quý, có họ ngoại là trọng thần như thái tử.

Cậu ta đã bị bỏ rơi. Và rồi như chưa đủ yên tâm, những kẻ từng "cứu" cậu khỏi kinh thành khói lửa kia, nay nghĩ đến việc tiêu diệt cậu.

So với các thế tộc có căn cơ sâu rộng như họ Đỗ, họ Lê, họ Tô, họ Phạm, ảnh hưởng của họ Trần không đáng kể. Nếu không phải không còn đường để chọn, vị thái tử này đã chẳng dùng một cuộc hôn nhân vội vã đổi lấy sự phò tá của một gia tộc nhỏ.

Họ Trần lại đang thiếu một cái danh.

"Con gái họ Trần... không phải chỉ có mỗi tôi."

Cậu nhìn nàng, chăm chú như thời gian bỗng ngừng trôi. Ánh nhìn lạ lẫm, như chờ đợi, như nghiền ngẫm, khiến nàng không thể không quay đi lẩn tránh.

"Phụ hoàng ta, vua một nước, đã phải bỏ kinh thành mà chạy loạn. Ta, thái tử một nước, rơi vào tay từ kẻ này sang kẻ nọ, khi muốn lập, lúc muốn phế ta, cuối cùng còn muốn giết ta. Em gái ta, lá ngọc cành vàng, lưu lạc đến suýt bị phản quân cưỡng hiếp. Ngoài kia giặc cướp như ong, số người đói rét chết đến hàng mấy vạn, xương trắng đầy đường, xác cao thành núi. Một cô gái nhỏ bé như cô, dẫu sinh ra trong vải bọc điều, lớn lên trong phú quý, được gia đình yêu như châu ngọc, thì đã là gì? Là gì để thoát khỏi tất cả sóng gió đang từng ngày xé nát đất nước này?" Cậu hỏi bằng một giọng dịu dàng, và một nụ cười cay nghiệt mơ hồ.

Ngoài kia...

Sự thanh bình của mảnh đất cỏn con này có là gì so với trăm núi nghìn sông đang rung chuyển ngoài kia?

Sẽ không giữ được bao lâu.

Nàng lẳng lặng đi về phía bờ sông. Sương tan dần, nắng trải mênh mông. Gió từ lòng sông cuồn cuộn tràn vào, thổi ngả nghiêng những mảng cỏ mỏng manh, len qua những sợi tóc mai hờ hững. Ngoài kia, những cánh bèo tản đi, rồi tụ lại, tụ lại, xong tiếp tục tản đi, tan tan hợp hợp theo từng cơn gió.

"Phụ hoàng không thích ta, mẫu hậu ta lại chỉ quan tâm quyền thế. Cô là vợ ta, sau này chịu khó yêu ta nhiều hơn vậy."

Nàng không đáp, cũng không phản ứng khi bàn tay cậu đưa sang, chầm chậm, chầm chậm quấn lấy đầu ngón tay mình.

"Ở đây thường có gì chơi được?"

"Có thể về làng xem người ta đua vịt."

"Còn trò gì khác không?"

"Sang làng bên xem đám đánh ghen, ở đấy đánh ghen toàn kéo hội cả chục người."

"Còn chỗ khác không?"

"Đi xa một chút, có tàu buôn từ biển ghé vào, thỉnh thoảng thương lái sẽ đưa đến vài tên nô lệ ngoại quốc, dáng to cao, da bóng như đồng, tóc xoăn, mắt sâu trông hay lắm, nhảy múa cũng rất giỏi, đám con gái nhà giàu trong vùng vẫn thường tranh nhau mua về làm gia nô rồi mang theo hầu hạ để khoe nhau."

"Thế xem đua vịt hướng nào?"

Nắm tay nàng, vị thái tử trẻ thả bước nhanh về hướng ấy, dưới vòm trời thu không một gợn mây, trong hương cỏ hoa ngây ngây lãng đãng. Cũng giống như khi họ đến đây, lúc hừng đông vừa ló dạng.

Khẽ vén tóc, nàng lưu luyến nhìn những cánh bèo xa khuất, như cười lại như không.

Nàng khóc lóc van xin mẹ cả, nài nỉ các anh từ sáng đến chiều, quỳ một đêm trước cửa phòng cha, cuối cùng lại đưa vị thái tử ấy đến đây, ngay từ đầu, đã chẳng vì muốn huỷ hôn ước ấy.

III. Một ván cờ loạn thế

Sau hôn lễ, họ Đàm, nhà ngoại của thái tử, cùng họ Tô, họ Phạm, vốn là thông gia của họ Trần, nay tạo thành một liên minh mới. Với danh nghĩa diệt trừ gian đảng, khôi phục chính thống, họ Trần tụ tập hương binh, lại liên hợp với quân châu Khoái, cùng các gia tộc chia nhau tiến về kinh.

Ai ai cũng muốn làm công thần khai quốc. Ai chính thống, ai gian đảng, đấy lại là một câu chuyện khác.

Từ kinh thành, hoàng đế hạ liên tiếp ba chiếu chỉ. Một chỉ trích thái tử mưu thoán nghịch, tự ý phong quan, chiêu binh mãi mã, bất trung bất hiếu. Một vỗ về dân châu Đằng, châu Khoái, tha tội những người từng theo Phạm Bỉnh Di, miễn phu giảm thuế. Một lệnh họ Đàm tiếp chỉ cần vương, cứu thái tử về từ tay nghịch đảng.

Tờ chiếu cuối cùng là đường lui cho thái tử, cho hoàng đế, cũng là cho họ Lý.

Dưới tán cây, vị thái tử trẻ vẫn nhàn nhã ngồi khắc gỗ. Xưa nay, mọi việc đều có người thay cậu ra quyết định. Trước là mẫu tộc, sau là nhạc gia.

"Phu nhân vẫn còn phải học lễ nghi, không thể ra đây hầu chuyện cùng điện hạ. Kính xin điện hạ thứ lỗi cho."

Từ khi Đàm hoàng hậu được thỉnh về, ngày ngày lệnh cho Trần thị học lễ nghi, lại còn ngăn cản chuyện viên phòng, người họ Trần không khỏi ngầm bất mãn. Thế nhưng bất mãn đến độ cung kính nhường ấy lại chẳng buồn che oán khí bên trong, đây là lần đầu tiên cậu gặp.

"Tay nọ là gia nhân của họ Trần?" Cậu quay sang hỏi gã cận thần.

"Hắn là Trần Thủ Độ, hậu duệ một chi thứ của họ Trần, nhưng là con rơi. Mẹ hắn mất vào ba năm trước, sau hắn tìm về nhận tổ quy tông, nhưng nhà kia lại khước từ. Phu nhân sang đấy chơi, thấy hắn đáng thương nên mang hắn về đây. Năm trước phu nhân lập một đội thuyền riêng, cho hắn đi theo quản đám võ sĩ, hầu như quanh năm đều lang bạt bên ngoài."

"Nói vậy, hắn cũng không tính là người của họ Trần, phải gọi là người của phu nhân ta mới đúng." Cậu đùa, nhưng câu đùa ấy, ánh mắt kia, gã cận thần lại không dám đáp.

Đưa con vịt gỗ vừa khắc xong cho gã ấy, cậu đứng dậy, thong thả khoác áo đi ra cổng: "Gửi cho phu nhân, nhắn nàng ấy đêm nay hẹn ngoài chòi vịt, đầu giờ tí, không gặp không về."

Thế nhưng đêm ấy, lời hẹn cũ lại không thể thành hiện thực.

Cha nàng tử trận, lòng quân rối loạn. Họ Tô đưa linh cữu trở về, rồi thừa cơ cướp thái tử đi. Họ Đàm trở giáo, lùng bắt những người từng cắt máu ăn thề, dâng cho hoàng đế lập công chuộc tội. Trong thoáng chốc, chỉ còn họ Trần trơ trọi mang danh "giặc", tứ bề thụ địch.

Trần Thừa, Trần Tự Khánh, cùng cô em gái vừa gả vào hoàng tộc, lần đầu thấm thía nhân tâm trong loạn thế.

IV. Giang sơn vạn dặm sầu

Lúc nhận được sắc phong từ hoàng đế, anh em họ Trần trầm mặc hồi lâu.

Từ nghịch tặc có lòng phế lập, nay thành công thần diệt bạo phò vua. Quan cao tước hậu, cùng những lời khen chẳng rõ từ đâu đến.

"Có lẽ hoàng đế không sống được bao lâu nữa." Một lúc sau, Trần Thừa lên tiếng. "Nếu không phải muốn mở đường cho thái tử, hoàng đế hoàn toàn có khả năng khống chế phe thái tử ngay khi ông ta vừa chiến thắng, chứ không phải để họ nắm trọng chức trong triều, lại trừ đi những người từng chống đối."

"Muốn chúng ta cân bằng triều cục?" Trần Tự Khánh cười nhạt.

"Tuy họ Tô là thế gia đại tộc, nhưng nhiều năm nay lại bị giữ chân, không bằng họ Đàm vừa nắm việc quân, vừa quản hậu cung. Thái tử chỉ vừa tròn mười sáu tuổi, nếu lên ngôi, mẫu hậu can chính, mẫu tộc chuyên quyền, chỉ mỗi họ Tô sẽ không thể kiềm chế được." Trần Thừa đáp.

Ánh mắt hai người dừng lại nơi cô em gái.

"Vết thương chưa lành sao còn ra gió?" Nhìn nàng lẳng lặng đứng ngoài hiên, hoa dung nhợt nhạt, áo phủ hơi sương, Trần Tự Khánh gằn giọng trách.

Trách xong, lại tiến lên khoác áo cho nàng.

Nửa tháng trước, thấy họ Trần thân cô thế cô, người thừa kế lại còn trẻ dại, quân châu Khoái cũng chẳng màng giao ước cũ, giữa khuya âm thầm tập kích hậu phương, định bắt đi thân quyến của họ Trần. Đêm ấy, một tay Trần thị chỉ huy đám tàn binh, sắp xếp người đưa đích tôn đào thoát. Lúc tiền phương trở về ứng cứu, nhóm quân châu Khoái ấy đã tản đi, chỉ còn nàng nằm đấy, máu tươi ướt đẫm, đôi mắt nhắm như không bao giờ tỉnh lại.

"Nghe nói ai kia vừa được phong tước bá, em nhỏ đến đây xin chút tiền mừng." Nàng ngồi xuống, tay nhẹ phẩy quạt ngà.

"Cô nghĩ thế nào?" Trần Tự Khánh cười, tháo xâu chuỗi kỳ nam khảm ngọc ném cho nàng.

"Khắp thiên hạ, nơi nào chẳng phải đất vua? Lộc vua ban ai dám trả lại bao giờ. Hoàng đế đã bỏ công khiến họ Tô quay lưng lại với ta, họ Đàm gây thù kết oán với ta, rồi khích hai phe ấy tranh công, cuối cùng lại mở cho ta con đường sống, dĩ nhiên chúng ta không thể phụ thánh ân." Nàng theo thói quen cầm chén rượu lên, lại bị anh trai nhanh chóng gạt đi, đành bĩu môi vờ như giận dỗi. "Liên tiếp mấy đời ngoại thích hoành hành, anh em ta cũng tính là ngoại thích, nếu không gầy dựng được quyền cao thế lớn, gọi gió hô mưa, chẳng phải phí công người ta gả vào hoàng tộc? Từ bé đến lớn người ta chỉ biết cầm roi cưỡi ngựa, băng sông vượt biển, nay lại phải học dáng đi như cỏ lay, nụ cười hoa chớm vớ vẩn gì gì đấy, người ta khổ sở lắm biết không?"

"Bẩm bà hoàng, chúng con cũng biết bà khổ lắm." Trần Tự Khánh đẩy cho nàng đĩa bánh. "Đây, chúng con kính dâng bà ăn lấy thảo."

"Sau này vào cung, võ nghệ có tốt cũng thành vô dụng, chỉ có thể tiến thân bằng mưu, sinh tồn bằng trí." Trần Thừa trầm giọng, đưa tay ra, dường như định xoa đầu em gái. Thế nhưng hắn lại không như Trần Tự Khánh. Đã quá lâu không làm cử chỉ này, cuối cùng tay chỉ dừng lại giữa khoảng không.

Khuynh quốc khuynh thành, có mấy ai cuối đời yên ả? Lại mấy ai sống được đến bạc đầu?

Nàng ngẩng đầu nhìn người anh cả luôn ít nói. Môi cười, nhưng ánh mắt lại lạc đi. Từ lúc họ Trần xảy ra biến cố, nụ cười của nàng đã chẳng còn như xưa nữa.

Phụ hoàng không thích ta, mẫu hậu ta lại chỉ quan tâm quyền thế...

Ngày ấy, bên bờ sông hoa nở trắng trời, thái tử đã ngồi kể lể với nàng như đứa trẻ.

...

Không lâu sau, hoàng đế băng hà. Thái tử lên ngôi, thái hậu cùng buông rèm nhiếp chính.

Tân đế cho người đưa Trần thị về cung, nhưng họ Trần lại cố tình trì hoãn. Đến lần thứ ba, mới tiền hô hậu ủng, cử một đoàn quân hộ tống nàng đi.

Đoàn hộ tống kia thanh thế ra sao, cứ nhìn cảnh họ Tô và họ Đỗ giằng co trên bến Đại Thông nửa tháng, cuối cùng nhờ mượn đoàn quân này mà thắng được.

Họ Đàm can chính đã quá lâu. Quyền lực lớn, nhưng gây thù chẳng ít, tông thất họ Lý cũng có người không chịu được. Nay thấy họ Tô tranh chấp với họ Đàm, những kẻ này nhanh chóng ngả sang, khiến họ Tô như diều gặp gió.

"Phía này có một toà điện bốn tầng, trên lợp ngói lưu ly, dưới lát gạch bách hoa, cột sơn son, cửa khảm vàng, mỗi lần nắng rọi lại sáng bừng lên như ngọc. Phía tây toà điện là một khoảng sân rất rộng, đến nguyên tiêu lại thắp ba vạn ngọn đèn, sư sãi nghìn người đi thành vòng tụng kinh, bá quan trăm người xếp thành hàng làm lễ bái. Phía đông nơi là một ngọn tháp chín tầng, có thể nhìn bao quát cả hoàng cung. Từ ngọn tháp này, đi chếch về phía tây nam ba dặm, xuyên qua vườn mai, cuối đường sẽ thấy một cái hồ hình bán nguyệt. Đó là nơi lúc nhỏ ta câu cá. Sau này chúng ta có thể nuôi vịt ở đây."

Nàng đi giữa trùng trùng lầu gác, bất giác nhớ về một buổi chiều kia, khi thái tử ngồi dưới mái hiên, dùng nhánh cây vẽ mấy đường trên đất, thanh âm hân hoan và ánh cười rực rỡ, chỉ cho nàng những nơi cậu ta thích nhất.

Chưa đầy một năm, mà nay như đã rất xa rồi...

Người ấy đón nàng bên chiếc cầu đá nhỏ. Miện vàng đai ngọc, vương giả uy nghi, trên tay lại là một ngọn cỏ lau.

"Đã tiến vào địa phận của ta rồi, từ nay không được hiếp đáp ta nữa đấy."

"Tay ta đã chẳng đủ sức dùng roi nữa." Nàng ủ rũ, dụi vào lòng ngài như một con mèo nhỏ, đôi tay mềm luồn qua giữa lớp áo choàng. "Bệ hạ không được trả thù ta."

Khẽ vỗ lưng nàng, đôi môi ấm áp miên man lướt qua mái tóc, quyến luyến trên mi, rồi như cơn sóng lả lướt tràn dần xuống. Hương thơm vấn vít theo nụ hôn lan vào ngực. Như mê như say, như hoang như dại, như chìm giữa mênh mang vô tận. Họ chưa từng như vậy. Vị thái tử kia chưa từng như vậy. Trong ký ức của nàng, thái tử chỉ là cậu thiếu niên mười lăm tuổi. Hay cười, hay dỗi, thích áp tay nàng lên má cậu, thích kể cho nàng những chuyện ma cậu nghĩ ra, thích khoe nàng những bức tượng vừa khắc được, thích cùng nàng đi trộm vịt nhà người khác...

"Đã nhốt được nàng vào chiếc lồng này... Cả đời, chúng ta sẽ ở đây, ở cùng nhau."

...

Thái hậu vốn là người khắc nghiệt. Không thích nàng, không thích Tô thị, cũng chẳng thích Đỗ thị hay Lưu thị. Luôn luôn lạnh lùng, luôn luôn độc đoán, luôn luôn quyết liệt. Ngay cả với người con trai hoàng đế.

Đôi lần, nàng thoáng nghĩ, không biết có phải vì từ thuở thiếu thời đã phải gắn đời mình vào một người chồng vô vọng, một quân vương vô vọng, một vương triều vô vọng, nên bà ta mới oán hận cả thế gian.

Nàng tìm cơ hội tán dương hoàng đế, lại để họ Trần dốc sức giúp hoàng đế thực thi ý tưởng, giúp hoàng đế tạo ra thành tựu, tất cả cũng vì muốn ngài tìm lại lòng tự tôn của nam nhi, tìm lại tham vọng của kẻ làm hoàng đế. Dù vậy, tình mẫu tử cuối cùng vẫn là tình mẫu tử. Hoàng đế đã sống mười sáu năm như thế, đã quen với việc thuận theo mẫu hậu, đã quen sinh tồn bằng thế lực của họ Đàm, không thể muốn từ bỏ là từ bỏ.

"Hồi còn bé, phụ hoàng cũng rất thích ta, thường hay dẫn ta đi câu cá, cho ta hoá trang thành thái tử thuỷ cung, cùng người diễn tuồng thái tử thuỷ cung đại chiến thần long. Cho đến năm ta lên bảy tuổi, bắt đầu đi học, hiểu chuyện hơn, biết bên ngoài có nhiều người đói khổ, biết lẽ ra phụ hoàng phải lo quốc sự, không thể ngày ngày đều tránh việc tìm vui, nên ta lên tiếng khuyên người. Về sau, phụ hoàng không bao giờ đến tìm ta nữa."

"Ngài sẽ không như vậy, con của chúng ta cũng sẽ không như vậy." Nàng áp tay hoàng đế lên bụng mình, nghe tiếng ngài cười khi đứa trẻ kia quẫy đạp, rồi âu yếm rúc vào vòng tay ấy.

"Hôm qua ta vừa xem thiên tượng, đứa trẻ này sẽ là con gái đấy."

"Sao hôm trước ngài lại bảo con trai?"

"Con của nàng, dù trai hay gái ta đều thích cả."

"Trai hay gái cũng không quan trọng, nhưng con chúng ta sao có thể biến từ trai thành gái chỉ trong một ngày được!"

"Hôm trước nó mới sáu tháng thôi, hôm qua thì sang tháng thứ bảy rồi, đã trưởng thành, tự chủ được rồi, nên quyết định biến thành con gái."

Nàng ấm ức, hoàng đế lại mỉm cười thích thú.

Hậu cung này lặng lẽ đến lạ kỳ. Đỗ thị là người tự sát đầu tiên, khi cả gia đình bị họ Tô kết tội. Ba tháng sau, Tô thị lại xuống tóc đi tu, vì họ Tô cũng tan hoang nhanh chóng. Tô thị là chị họ của nàng, thuở nhỏ vẫn thường sang Tức Mặc thăm nàng, cùng nàng ra bến chọn mua nô lệ, cùng nàng đua thuyền, cùng nàng cưỡi ngựa. Lúc vào cung, hai người lại xem nhau như xa lạ. Đến tận khi Tô thị quy y, rồi ra đi vào một đêm mưa, vẫn chưa ai nói với ai được một câu.

Một họ Đỗ ba đời huy hoàng, một họ Tô ba năm lừng lẫy, từng liên minh, từng tranh đấu, cuối cùng cũng đến lúc lụi tàn. Tàn dư họ Đỗ người cáo quan quy ẩn, người quay sang cầu cứu họ Đàm, người bất động chờ chỉ thị từ hoàng đế. Vây cánh họ Tô cũng kẻ theo hoàng đế, kẻ chạy đi tự dựng cờ cát cứ, nhưng phần nhiều là nương tựa họ Trần. Từ kẻ thất thế, chỉ sau một năm, họ Trần bắt đầu quật khởi.

Lưu thị không phải con nhà đại tộc, gia đình cũng chẳng bị tội gì, nhưng lại là người có cái chết thê lương nhất.

Cô ta muốn hại con nàng.

Họ Trần trì hoãn việc nàng tiến cung vốn không phải vì lo loạn lạc, cũng không vì kiêu ngạo muốn lập uy. Thâm cung thăm thẳm, ngày nào tấm lưới ở đấy chưa chắc chắn, ngày ấy họ Trần chưa thể để nàng vào. Cung nữ của nàng đều học qua y thuật, nội thị bên ngoài luôn cảnh giác ngày đêm. Mỗi con đường nàng đi, mỗi món đồ nàng chạm, tất cả đều phải có người tra xét trước. Ngay đến công chúa Ngọc Tĩnh luôn quan tâm nàng, luôn giúp đỡ nàng, lại có ít nhiều quan hệ với anh nàng, nàng vẫn không dám lơ là phòng bị. Dù sao công chúa vẫn là người họ Lý, là con gái của Đàm thái hậu.

Lưu thị không nghĩ được nhiều như vậy, cũng không biết phía sau nàng lại nhiều người đến vậy. Cô ta chỉ là một thiếu nữ mười sáu tuổi, con gái một quan viên nhỏ thanh bần. Vì chén nhân sâm trị giá một nghìn quan, vì cứu người cha cả đời thanh bạch, cô ta đã đánh cược bằng sinh mạng.

Không ai biết vào đêm ấy, trong căn phòng kia, thái hậu và hoàng đế đã nói gì. Chỉ biết hoàng đế bước ra khi đôi tay vẫn run run, khi đôi mắt còn đỏ lửa, bóng ngài chuếch choáng giữa những dãy đèn lạnh lẽo.

Đêm ấy, hoàng đế chuyển nàng sang ở cùng ngài.

Đứa trẻ sinh ra vào giữa mùa đông. Đêm rất dài, nhấn chìm nàng trong cơn đau dai dẳng. Nàng thổn thức gọi tên hoàng đế, nhưng ngài chỉ đến dỗ dành nàng một lúc, rồi biến mất trong trong tối mịt mùng. Nàng gọi mãi, gọi mãi, nhưng bên ngoài chẳng còn ai đáp lại. Trước khi lịm đi, nàng đã nghe tiếng trẻ con oà khóc, đã nghe ai đấy thốt lên "hoàng tử". Sau đó...

Sau đó, đứa trẻ kia không còn nữa.

V. Giai nhân như rượu cay

Nguyên phi Trần thị điên rồi.

Có người bảo, nguyên phi vô phúc sinh ra một quái thai. Đấy là điềm xấu, không thể lộ ra, nên người trong cung Trường Ninh đều phải chết.

Có kẻ lại không cho là thế. Nghe nói nguyên phi đã sinh ra hoàng tử, nhưng họ Trần thất đức, đánh châu Khoái mãi không thắng được nên tàn ác phá hết đê, dẫn nước vào, nay nguyên phi phải gánh cái họa này. Bà đỡ đêm ấy là người châu Khoái, cả nhà đều vì họ Trần mà chết, nên ra tay giết hoàng tử để trả thù. Hoàng đế tức giận, bắt cả cung Trường Ninh phải chết theo.

Mà nào phải chỉ riêng người trong cung ấy. Nghe đâu vụ này còn liên luỵ nhiều người khác, sau một đêm, trong cung đã có rất nhiều người biến mất.

Đều là tin đồn, ai đúng ai sai chẳng ai biết được, chỉ biết nguyên phi điên điên dại dại như thế đã một tháng rồi. Cả ngày đều ngẩn người ngồi bên cửa, lẩm bẩm mấy khúc hát ru chẳng rõ lời, khi khóc khi cười, đánh đập cung nhân cực kỳ tàn nhẫn.

Ai cũng sợ hầu hạ một người như vậy.

Đến cả hoàng đế cũng ngại vào nơi ấy.

"Chị đừng sợ, trong hoàng cung này ta vẫn còn người, trong vòng ba ngày họ tìm đến chị, không sao đâu."

"Sao lại để mình gầy như vậy? Lần trước bị thương sức khoẻ chị đã yếu rồi, nếu lại bệnh thì sau này thế nào đây?"

"Ta có mang ô mai cho chị, ăn một chút nhé, đừng khóc nữa."

Nghiêng đầu tựa vào góc tường trong bóng tối, dưới ánh nến mờ, nàng điềm tĩnh nhặt từng quả ô mai, cắn từng mẫu nhỏ, cảm nhận từng tầng vị chua, cay, mặn, ngọt ấy tràn xuống cổ. Chiếc bóng kia đã mất hút từ lâu. Nàng vờ điên loạn, đánh giết cung nhân, khiến người hầu cận phải thay liên tục, cũng chỉ vì chờ đợi một ngày này.

Nàng không thể chết, nên những người bảo vệ nàng đều phải chết, vào đêm ấy, cùng đứa con trai nàng chưa được bế một lần. Chẳng những Lưu thị là con tốt, đến cả âm mưu của Lưu thị, cái chết của Lưu thị cũng chỉ là con tốt.

Thế lực họ Trần đã khiến hoàng gia nghi kỵ, người họ Trần không thể mạo hiểm vào cung, trừ một người tay trắng, xưa nay không sợ trời không sợ đất. Muốn đông phong tái khởi, nàng phải bắt đầu từ cục diện đổ nát này, tự mình xây dựng lại từ đầu.

Chiều hôm ấy, nàng điểm trang thật đẹp, một mình đi đến hồ bán nguyệt, rồi từ chiếc cầu kia, nhảy xuống.

Đó là nơi hoàng đế đến mỗi khi buồn.

Sau một cơn thập tử nhất sinh, buông bỏ đau thương, nàng lại trở về là Trần thị của ngày xưa.

"Bệ hạ, ta lại mơ thấy tiếng khóc trẻ con..."

Hoàng đế chỉ ôm lấy nàng, không đáp.

"Ta nhận nuôi một đứa trẻ được không?"

"Nàng muốn nhận nuôi ai?"

"Nhân Huệ vương năm trước vừa mới mất, để lại đứa con trai ba tuổi, chúng ta đón vào cung nuôi một thời gian, khi nào đứa bé ấy lớn lại trả về."

Hoàng đế cũng không phản đối.

Cuối tháng ấy, có kẻ tung tin họ Trần mưu phế lập. Trần Tự Khánh dâng sớ giải bày, công chúa Ngọc Tĩnh cũng nhiều lần nói đỡ, nhưng thái hậu vẫn chỉ tin lời ly gián. Sợ mưu đồ của họ Trần thành sự thật, thái hậu cho người đến nhà Nhân Quốc vương, mang vương cùng hai con trai dìm đến chết, rồi vứt xác ba người ngay trước cửa cung. Quần thần đều sợ, tông thất phẫn nộ lại lực bất tòng tâm.

Đến cả đứa bé ba tuổi, con trai duy nhất của Nhân Huệ vương quá cố, vào một ngày kia cũng "bạo bệnh" qua đời.

Lúc hoàng đế đến, đứa bé ấy đã không còn thở nữa. Trần thị ôm chặt nó trong tay, ngước nhìn ngài bằng đôi mắt đẫm sương: "Bệ hạ, ngài cứu con của chúng ta đi... Ngài cứu con của chúng ta đi..."

Hoàng đế thất thần đẩy cửa chạy ra ngoài, rồi từ đấy giam mình trong phòng, ngày ngày đều chìm trong men rượu.

Ngoài kia, loạn lạc lại nối tiếp nhau.

VI. Nghìn kiếp sau còn say

"Trần Thừa là anh cùng mẹ với nhi thần. Tuy anh ấy chỉ là con dòng thứ, an phận thủ thường, cũng không được kế thừa gia nghiệp, nhưng vẫn được nhiều người trong quân kính nể. Nếu nhi thần viết thư xin anh ấy giúp, có lẽ sẽ khuyên được anh... Có lẽ sẽ khuyên được Trần Tự Khánh."

Đầu năm nay, rét mãi không thôi. Vụ trước đã mùa màng thất bát, vụ này lại chẳng gieo trồng gì được, hoàng đế đành mở kho cứu tế, không màng lời phản đối từ thái hậu. Đến giữa năm, quốc khố trống không, quân lương cũng cạn. Hoàng đế thân chinh thất bại trở về, nghe họ Trần mang quân kéo đến, vội mang hậu cung chạy đến Lạng châu.

Xa giá dừng lại trước chùa Hoằng Pháp. Hoàng đế đứng trước cổng chùa hồi lâu, cuối cùng tuyên bố thoái vị nhường hiền, quy y cửa Phật, quần thần than khóc can ngăn ầm ĩ. Mãi đến khi Trần Thừa đưa quân đến, cùng Trần Tự Khánh quỳ gối vào chùa, khóc rằng mình bị kẻ gian lừa, nghe tin nguyên phi bị ban chết mới vào kinh, không dám mảy may có lòng phản trắc, việc mới tạm yên.

Hoàng đế về cung, lệnh cho quần thần phải nghe theo Trần Tự Khánh, không được gièm pha ly gián trung thần.

Vài người chợt nhớ đến họ Tô. Một tay che trời, tự cao tự đại, cuối cùng lại thua trong tay hoàng đế, kết thúc cuộc đời vì cái bẫy quá giản đơn. Kẻ khác lại nhớ đến họ Dương, nhớ vị giai nhân "Vân tưởng y thường hoa tưởng dung" suýt đưa cơ nghiệp triều Đường họ Lý xuống mồ.

"Có lẽ ta không thích hợp làm hoàng đế." Trong đêm mưa, tiếng hoàng đế như chìm lẫn vào tiếng sấm.

"Lúc ngài trở về, dân khóc đón xa giá gần mười dặm, đều cảm phục ngài là người nhân đức. Đã bao lâu rồi không có cảnh này? Chiếm đất dùng quân, nhưng giữ đất phải dùng dân. Kẻ muốn xưng bá nay nhiều vô kể, nhưng đều chiếm đấy rồi mất đấy, tự mình diệt mình, chẳng qua chỉ vì chính danh không đủ, đức độ càng khiếm khuyết. Giang sơn này vốn thuộc về họ Lý, bệ hạ cần giữ, chứ cần gì phải chiếm."

Mưa rả rích rơi như tiếng thở dài.

"Phụ hoàng ta lên ngôi năm hai tuổi, sống cả đời như đứa trẻ mặc long bào, lại không thích ta, luôn sợ quần thần ủng hộ ta, bức người thoái vị. Thế mà cuối đời, người vẫn cố vun vén cho ta, khóc bảo với ta người phá nát cơ nghiệp họ Lý rồi, cầu xin ta giúp người chuộc tội. Còn ta..."

Nàng hôn lên mắt ngài, dùng nước mắt mình che đi nước mắt đế vương.

...

Các gia tộc lại dâng con vào cung nội. Thái hậu vẫn căm hận chuyện Trần Tự Khánh, sống chết đòi đuổi Trần thị về nhà ngoại, phong người khác thay vào bậc nguyên phi. Trần thị tự lấy làm hổ thẹn, tâu xin hoàng đế giáng mình làm ngự nữ, cũng là tiện đường cho hoàng đế sủng hạnh những cung nhân khác, tránh để các gia tộc vì sợ uy họ Trần mà không dám tận trung.

Về sau, người ta không thấy hoàng đế tìm Trần thị nữa.

Chỉ thỉnh thoảng vào một chiều nào đấy, khi hoàng đế ngồi trên cao, ánh mắt lơ đễnh nhìn về phía hồ bán nguyệt, bóng nàng lại tình cờ xuất hiện, in vào bức tranh lẻ loi cô quạnh ấy. Không còn là thiên chi kiêu nữ của họ Trần, ngày ngày tự do phóng ngựa khắp vùng Hải Ấp. Không còn là nguyên phi cao quý của họ Lý, được cả đoàn quân hộ tống tiến cung. Chỉ còn lại một mình, đơn độc, giữa một nơi không thuộc về nàng, nơi rất lâu, rất lâu về trước, bên bờ sông hoa lau nở trắng trời, nàng từng quỳ dưới chân ngài, giả vờ nhu mì, giả vờ yếu đuối, cầu xin ngài đừng giam cả đời nàng vào đấy.

Trong cung lại có người sinh hoàng tử, nhưng có lẽ trời muốn tuyệt đường họ Lý, hoàng tử ấy cũng vừa sinh ra đã chết. Không ít kẻ buông lời cảm thán: Thái hậu giết tông thất nhiều như thế, còn ai dám đầu thai vào họ Lý. Nghe nói năm xưa, lúc tiên đế còn tại thế, nhiều hoàng tử cũng không sống được đến trưởng thành.

Thấy hoàng đế sinh hoàng tử đều vắn số, tông thất cũng không hiếm người nuôi tham vọng. Chỉ là còn e ngại hoàng thái hậu.

Trong triều, họ Trần lại được lòng người họ Lý.

VII. Phồn hoa tan

Bên trong, họ Trần thu phục quan viên, liên kết tông thất, âm thầm đưa thân tín vào triều. Bên ngoài, thái hậu vừa liên lạc các thủ lĩnh vùng đông bắc, nơi đời đời đều làm rể hoàng gia, vừa mật đàm với các nhóm quân cát cứ, định thời cơ cùng tiến đánh họ Trần.

Một năm sau, chiến sự lại nổ ra.

Thái hậu định bắt gia quyến của Trần Tự Khánh, nhưng mưu sự không thành, sau lại nhân lúc hoàng đế thân chinh, sai quân lính bắt giam Trần thị, định giết tế cờ để lập uy trước quân Trần.

Lúc quân lính đến, Trần thị không chống cự, chỉ từ tốn đưa một chiếc hộp son, nhờ người chuyển tận tay thái hậu.

Bên trong là một chiếc vòng, một thẻ bài, và một xâu ngọc dạ quang. Một thuộc về lão phu nhân của họ Đàm, một thuộc về đích tôn của họ Đàm, một thuộc về Ngọc Tĩnh, cô công chúa vừa được gả đến vùng đông bắc.

Hoàng đế trở về, nghe tất cả, nhưng vẫn chẳng nói gì.

Triều đình phát binh trước, liên hợp nhiều thế lực, tấn công từ nhiều phía, lại không so được với họ Trần, sau cùng phải lánh đến Lạng châu.

Trần thị viết thư xin với Trần Thừa. Anh em họ Trần lại cắt tóc tỏ lòng trung, thề thốt rằng mình bị kẻ gian hãm hại, một đường tiến quân chỉ muốn trừ nghịch tặc, đón xa giá hai cung về như cũ, tuyệt đối không dám có lòng riêng.

Lần này, hoàng đế lại không theo.

Quân Trần trở về, chọn một tông thất lập làm hoàng đế, nhưng ngay sau đấy, các tướng trong quân lại họp nhau tạo phản. Họ Trần nhất thời trở tay không kịp.

Lúc bấy giờ, hoàng đế mới về kinh, phong chức tước cho những tướng lĩnh kia.

Ngày họ trở về, hoàng cung đã hóa tro tàn.

Hoàng đế đứng trước cửa cung, đi thật chậm trên con đường đầy tro bụi. Nơi này từng là điện Thụy Quang, nơi này từng là điện Vĩnh Nguyên, nơi này từng là cung Vạn Diên, nơi này từng là gác Thiên Phù...

Dưới tàn tro, hoàng đế nhặt được một viên ngói vỡ. Ngài mỉm cười, phủi sạch, nhìn thật lâu, cất vào tay áo, rồi lại tiếp tục đi.

Trần thị lặng yên đi phía sau ngài. Trong tiếng gió, dường như âm vang lời cậu thiếu niên năm ấy.

"Phía này có một toà điện bốn tầng, trên lợp ngói lưu ly, dưới lát gạch bách hoa, cột sơn son, cửa khảm vàng, mỗi lần nắng rọi lại sáng bừng lên như ngọc. Phía tây toà điện là một khoảng sân rất rộng, đến nguyên tiêu lại thắp ba vạn ngọn đèn, sư sãi nghìn người đi thành vòng tụng kinh, bá quan trăm người xếp thành hàng làm lễ bái..."

Tất cả đã chẳng còn gì cả.

...

Ngài tìm đến nàng vào một chiều mưa, khi chiến sự đang hồi quyết liệt.

Đã ba năm, họ vẫn luôn như thế. Rất gần nhau, nhưng lại chọn lướt qua nhau.

"Ta mệt lắm." Ngài chỉ nói một câu như vậy, rồi ngả đầu vào vai nàng, nhắm mắt. "Ta đến một mình, không ai theo, cũng không ai biết. Cứ giết ta rồi gọi người đưa nàng tẩu thoát, ta biết nàng làm được."

Nàng bật cười, như thể ngài chỉ nói đùa, dù nàng biết những lời ấy đều là thật.

"Không còn gì cả... Không còn gì cả... Dù ta thắng, giang sơn này chẳng còn gì nữa cả." Áp tay nàng lên má mình, ngài nói như đang thầm thì với chính bản thân. "Chữ Sảm tên ta, phía trên là chữ nhật, phía dưới là chữ sơn, có nghĩa là mặt trời khuất núi, là người kết thúc tám triều họ Lý."

Đêm ấy, ngài ngủ lại chỗ nàng. Luôn trong cơn say, trong những hồi ức vụn vỡ về quá khứ, những quá khứ lúc ngài còn chưa được sinh ra. Này Thánh Tông vượt biển bình Chiêm, này Lý thái úy dẫn quân phá Tống, này những đêm hội đèn trời rực rỡ, này những vàng son đã hóa thành tro.

...

Trần thị có thai không lâu sau đấy.

Thái hậu biết tin, sai người ban chết, nhưng hoàng đế lại kịp thời ngăn cản. Thái hậu tức giận sai người ngầm hạ độc, nhưng nhiều lần việc vẫn không thành. Hoàng đế đưa Trần thị đến tẩm cung, đi đâu cũng dẫn nàng theo, mỗi bữa ăn đều chia cho nàng một nửa, một bước không rời.

Thái hậu nổi sát tâm càng nặng, cho người vào tận tẩm cung hoàng đế để giết nàng. Trong đêm, hoàng đế cùng Trần thị cải trang, mang theo ba mươi thân tín xuất cung, tìm đến bãi Cửu Liên, nơi Trần Tự Khánh đóng quân.

Tiếng mưa rơi rào rạt giữa rừng tre, tiếng xe ngựa sa lầy trong ánh chớp, tiếng bước chân hoàng đế trên sỏi đá, và một câu "Nàng ngủ đi" nhẹ như lời ru trong gió ấy, mãi mãi, mãi mãi là thứ âm thanh ám ảnh nàng suốt những tháng năm còn lại của cuộc đời.

VIII. Hương khói tận

Hoàng trưởng nữ sinh vào tháng sáu, tại bãi Cửu Liên, húy là Oanh, phong hiệu Thuận Thiên công chúa.

Thuận Thiên... Thuận Thiên... Chỉ cầu thiên mệnh chở che cả đời.

"Ta vừa từ chiến trường về, người đầy sát khí, không tiện vào thăm con bé, đành gửi chị nhận thay con bé vậy."

"Thế ta không có quà à?"

"Ta có mang ô mai cho chị."

Ngồi tựa mạn thuyền, nàng chống cằm nhìn những áng mây trôi: "Lâu rồi ta không còn ăn ô mai nữa."

"Sao lại không thích nữa?"

"Không phải không thích, chỉ là không cho phép mình ăn nữa." Nàng vén tóc, nhắm mắt cảm nhận làn gió vừa tràn đến. "Nếu đến cả một thú vui nhỏ cũng không từ bỏ được, làm sao hy sinh được thứ lớn hơn?"

Trần Thủ Độ chỉ nhìn nàng, không nói.

"Ta muốn đưa Thuận Thiên về Tức Mặc." Một lúc sau, nàng lên tiếng.

"Chỉ là một đứa bé gái thôi, cũng không cần phải cuốn vào tranh đoạt."

"Hoàng cung nào phải chỗ tốt lành gì? Ta vừa từ nơi ấy chạy đi, lẽ nào nay lại mang con bé trở về?"

"Chị giao công chúa cho họ Trần nuôi, e rằng hoàng đế sẽ không đồng ý."

"Ta giao công chúa về cho họ Trần bao giờ? Là anh trai ta bức hoàng đế giao công chúa, đổi lấy sự trung thành và phò tá của họ Trần, chứ ta nào có biết gì? Ta khóc mãi mà không ngăn được ấy chứ." Nàng khẽ nhíu mày, vờ như đang nghiêm túc. "Không có con tin, họ Trần lấy gì phụng sự cho hoàng đế? Hoàng đế lại lấy gì để tin lòng phụng sự của họ Trần?"

Nụ cười tà mị thoáng qua trong chớp mắt.

Trong chớp mắt ấy, Trần Thủ Độ đã ngây người, đã phẫn nộ, đã bi thương. Thứ cảm giác mà đến tận lúc rời đi, chính hắn cũng không thể nào hiểu được

"Có người vai thiện, có người vai ác, vở tuồng mới trở nên hoàn hảo được. Chỗ chúng ta là vậy..." Nàng nghiêng đầu, ánh mắt như chứa vạn điều bí ẩn, khẽ chỉ tay về phía khoang thuyền. "Những người trong hoàng cung kia cũng vậy."

Đã cùng nhau đi đến bước đường này, chân tình là gì, còn lại bao nhiêu, còn lại thì sao?

Điểu tận cung tàng. Một khi quyền lực về tay họ Lý, người họ Trần chết cũng chả có đất chôn.

Từ lúc bắt đầu đã chẳng thể quay đầu lại.

...

Họ Trần có được danh nghĩa từ hoàng đế, đánh nam dẹp bắc, các thế lực cát cứ dần tan rã.

Hoàng đế về kinh, sống cảnh thanh nhàn, việc quân đều do họ Trần quyết định. Có lúc ngài dựng đài xử án, có lúc ngài tổ chức hội thơ, có lúc ngài lên chùa lễ Phật.

Những ngày còn lại, hoàng đế đều mượn rượu tìm quên.

Trần thị được sắc phong hoàng hậu. Hai năm sau lại hạ sinh hoàng nữ, húy là Phật Kim, hiệu là Chiêu Thánh, được hoàng đế vô cùng sủng ái.

Sau bốn năm chìm nổi giữa loạn quân, lênh đênh khắp núi rừng đông bắc, Đàm thái hậu thất bại trở về, thần trí cũng không còn bình thường nữa. Bà ta luôn gọi Phật Kim là Ngọc Tĩnh, đứa con gái đã táng thân trong loạn lạc, luôn dặn hoàng đế trông em gái cho cẩn thận, chờ phụ hoàng xong quốc sự sẽ trở về, đưa mẹ con họ cùng ra hồ câu cá.

Phật Kim rất thích chạy đi tìm thái hậu, mỗi lần đi đều dắt tay hoàng đế, một nhà ba người vui vẻ bên nhau.

Nàng hiểu, hoàng đế đang muốn trả thù nàng.

Thuận Thiên thỉnh thoảng sẽ vào cung, nhưng cứ vài ngày lại buồn bã ngồi một góc, nhớ nhà. Con bé đã lớn lên ở đấy, như nàng thuở trước, luôn xem bản thân là người của họ Trần.

Lẽ ra nàng nên cảm thấy vui...

Hai năm sau, hoàng đế đính ước Thuận Thiên cho Trần Hải, đích tôn của họ Trần, con trai cả của Trần Tự Khánh.

Con bé lúc ấy chỉ vừa lên bảy, chẳng hiểu gì. Đến khi Trần Hải bị tập kích rồi giết chết, con bé vẫn không hay không biết, lâu lâu lại hỏi: "Khi nào anh lại đến đón con về?"

Trần Tự Khánh dẫn quân báo thù, trúng tên độc, qua đời ngay vào tuổi tráng niên.

Quyền lực họ Trần về tay Trần Thừa. Nói chính xác hơn, là Trần Thừa và Trần Thủ Độ.

Đích tôn không còn, Thuận Thiên lại được đính ước cho con trưởng của Trần Thừa là Trần Liễu.

Những vai diễn nàng vẽ ra năm ấy, không ngờ có ngày lại trở thành hiện thực.

Nàng ôm Thuận Thiên, gục đầu vào vai con bé mà khóc ngất.

Điểu tận cung tàng... Nhiều lúc không chỉ là chuyện giữa người khác họ.

IX. Hồng trần vang vọng khúc Đông A

Tông thất họ Lý chia năm xẻ bảy, quần thần trong triều từ lâu đã ngả về Trần.

Mùa đông năm Giáp Thân, hoàng đế triều Lý không có con trai, thoái vị nhường ngôi cho công chúa là Chiêu Thánh, rồi vào chùa xuất gia, pháp hiệu Huệ Quang.

Một năm sau, nữ đế bảy tuổi lại đính ước cùng Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa, rồi viết chiếu nhường ngôi cho chồng.

Giang sơn về tay họ Trần từ đấy.

Trần thị từ hoàng hậu triều Lý, nay trở thành công chúa của triều Trần.

Một chiều nọ, xa giá công chúa dừng lại trước chùa Chân Giáo.

Nàng đứng bên ngoài, khói hương nghi ngút, lẳng lặng nghe tiếng mõ vang vang. Căn phòng kia chỉ còn lại một người, quỳ trước Phật, quay lưng lại với nàng, chậm rãi đọc kinh, như hoàn toàn thoát khỏi hồng trần.

Hoàng hôn rơi trên khung cửa sơn son, lặng lẽ in bóng nàng vào nền điện. Gió thổi tóc nàng, bóng tóc phớt qua tay áo người trong điện.

Chỉ một khung cửa, thế mà đã cách nhau một kiếp...

Thượng hoàng nhà Lý viên tịch vào đêm ấy.

Nho thần về sau luận về Trần thị: "Linh Từ trước lấy Lý Huệ Tông là bất chính, sau lấy Trần Thủ Độ là thất tiết. Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý lại không bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy."

Triều Lý từ khi lập quốc đời Thái Tổ, đến Huệ Tông, rồi đến nữ đế Chiêu Hoàng, hơn hai trăm năm, trải chín đời vua.

Họ Trần giữ nước hơn một trăm bảy mươi năm, vượt qua ba cuộc chiến Nguyên - Mông, đưa một đất nước từ suy tàn trở lại hùng cường, rồi từ hùng cường trở về tan tác.

Đế nghiệp họ Trần rơi vào tay ngoại thích. Họ Hồ lên ngôi, ít lâu sau lại mất nước bởi ngoại xâm.

Hai mươi năm sau, họ Lê khôi phục được giang sơn.

Phong ba một thời, cuối cùng chỉ còn là mực đen trên giấy trắng.

Ân oán một đời, theo dòng lịch sử, rồi cũng vùi trong lớp lớp bụi thời gian.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #juju