Quân Cờ ( phần 1 )
Tác giả : Isis
Bối cảnh: thời Lê Sơ (thế kỷ XV), xoay quanh nhân vật Lê Tư Tề (con trai trưởng của Lê Lợi).
Tác giả sử dụng một vài yếu tố nhất định từ sử sách nhưng dù vậy, đây vẫn chỉ là một tác phẩm hư cấu không hơn không kém; thể hiện sự phỏng đoán, tưởng tượng, thêm thắt của cá nhân tác giả.
Hoàn toàn không nên đánh đồng nó với những điều thực sự xảy ra trong thực tế cách đây mấy trăm năm.
Đây là ngoại truyện đầu tiên của Độc huyền cầm, diễn ra vào năm Diên Ninh thứ hai (1455) khi Nguyễn Hải Triều mười bốn tuổi. Dù vậy, hoàn toàn không cần đọc Độc huyền cầm để theo dõi Quân cờ.
Với những người đã theo dõi Độc huyền cầm, ngoại truyện này được tách ra để không làm loãng mạch truyện chính (nói cách khác là để thỏa thú vui bắt bướm hái hoa của tác giả), chỉ nhằm làm rõ thêm một số chi tiết nhỏ trong truyện chính.
Tài liệu tham khảo:
-Wikipedia
-Đại Việt sử kí toàn thư
-Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn
-Bên lề chính sử và Thảm án các công thần khai quốc đời Lê - Đinh Công Vĩ
***
[ QUÂN CỜ ]
...Họa phúc hữu môi, phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
Càn khôn kim cổ vô cùng ý
Khước tại thương lang, viễn thụ yên[1]
(Quan hải - Nguyễn Trãi)
.I
Đông Kinh, mùa hè năm Diên Ninh[2] thứ hai (1455).
Kinh thành nóng bức, mãi mới có một cơn gió nồm nam thổi mát cả trưa hè.
Trời đang nắng gắt đột ngột đổi gió, đổ trận mưa rào. Thiếu nữ mặc chiếc áo tứ thân xanh nhàn nhạt tựa hồ gần như chuyển sang sắc trắng bên ngoài cái yếm màu quan lục cổ tròn, tay cầm ô đứng trú dưới gốc đa già. Thân hình nhỏ nhắn hơi run lên trong gió ướt lạnh. Gương mặt còn mang những nét ngây thơ, chắc chỉ chừng mười ba, mười bốn tuổi ngước lên nhìn bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ. Nàng chau mày một cái, đôi môi hồng mím lại nhưng không buông nửa câu than thở.
-Trạch rằng trạch đẻ con đa... Sáo đẻ dưới nước... Con ta con mình. Mặt trời mọc ở đằng Tây, trời này thành đất, đất kia thành trời... Sao gì mọc giữa ban ngày, nước này chảy ngược, công kia cũng hoài. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre...Chuông khánh còn chẳng ăn chè, nữa là mảnh chĩnh rò rè ăn xôi. Ở đâu có sự lạ kì, đem thân dâng cá để đòi ngôi cao? Này thì châu chấu đá xe, cá bò trên đất, gà này bơi sông... Này thì nắng giữa mùa đông, này thì đang hạ gió đông thổi về...
Lời lẽ hỗn loạn đảo điên, thơ không ra thơ, hát chẳng ra hát, lẫn vào giữa đó còn là những tiếng cười khanh khách cao vút đến rợn người. Mưa rơi rào rào trên tán lá mà âm thanh kia vẫn vang lên thật rõ, thật đanh trong buổi quá trưa. Thiếu nữ giật mình nhìn sang, nhận ra người đàn bà nom quá ngũ tuần, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, mái tóc muối tiêu rối bù dính đấy những chiếc lá khô đang ngồi dựa lưng vào căn chòi rách gần mé sông, ngâm nga khúc hát lộn xộn ấy.
Hóa ra là mụ điên ở chợ Đông.
Nàng có nghe đám đàn bà con gái kể rằng, ở khu chợ phía Đông kinh thành có mụ đàn bà dở dở điên điên sống bằng nghề hành khất, chuyên lảm nhảm những chuyện ngược đời, khi cười lớn, lúc lại khóc gào vật vã. Nếu như mọi bận phải vội vàng làm cho kịp việc của mình, không đời nào nàng dừng lại. Nhưng hôm nay rõ ràng trời xui quỷ khiến làm ra trận mưa khiến từng lời điên dại kia vọng thẳng vào tai, rơi vào lòng thiếu nữ. Cười đấy, trống rỗng điên rồ nhưng sao vẫn nghe ra lắm nỗi đắng cay, hờn tủi của một kẻ hoàn toàn đang tỉnh?
Là nàng đa sự hay thực tình chỉ vì một chút chạnh lòng mà dừng bước lại?
Mụ lắc lắc mái tóc, ngửa mặt ra hứng mưa, hai vai rung rung theo điệu hát ngang ngang không ra vần điệu:
-Cóc ghẻ mà mặc áo vàng, điểm son trát phấn quấn quanh ngọc ngà. Bao giờ thiên hạ hóa gà, quạ đen cũng dễ phượng hoàng bay cao. Người ngay lăn lộn ngược xuôi, không bằng thằng nhãi ấm êm lụa là. Ai đem thân lát lấy đường? Ai đem trắng đấy đổi thành ra đen? Là rằng lưỡi chẳng có xương, miệng ta ta nói, đau thương mặc người... Ông đây áo gấm vẻ vang, mày thì xó bếp cam tâm làm mèo... Cây cao thì mặc cây cao, hô người đến chặt cây cao chẳng còn...
-Bà kể cho cháu nghe chuyện của mình được không?
Âm thanh "keng" một cái vang lên khi thiếu nữ thả đồng xu vào cái bát sứt mẻ cáu bẩn làm mụ dừng lại không ngâm nga nữa, ngước mắt ngơ ngẩn lên nhìn rồi cười hềnh hệch:
-Kể gì? Cái gì kể cơ? Ta có hoa này. Hoa đẹp. Hoa xinh.
Người đàn bà nghiêng người cười cợt, vung vẩy mấy cọng cỏ dại cùng mấy đóa hoa héo rũ nắm hờ trong ngón tay, giơ ra trước mặt cô gái hiếu kì tử tế nọ. Giờ nàng mới nhìn kĩ hai chân người đàn bà bị liệt, gầy trơ chỉ còn da bọc xương, hoàn toàn thừa thãi. Còn hai cánh tay tuy đung đưa đấy nhưng thực ra không có mấy sức lực. Mọi cử động đều từ đôi vai gầy mòn kia mà ra. Mụ không những điên mà chắc chắn là một kẻ tàn phế đến độ một chút giá trị cũng chẳng còn. Quăng quật đám lá cây một hồi, người đàn bà cúi đầu xuống, dùng răng bứt lấy từng cánh hoa xuyến chi rồi nhổ ra, mỗi lần như thế lại đếm:
-Tha này... Giết này... Tha này... Giết này...
Quanh nhị hoa cuối cùng chỉ còn một cánh, mụ ngửa cổ cười sằng sặc rồi ho rồi lại cười sằng sặc, ánh mắt mờ đục dài dại nhìn về phía thiếu nữ hàm ẩn nét cười đến lạnh sống lưng. Cái miệng người đàn bà đột nhiên há ra, rống lên:
-Là... giết đấy! GIẾT ĐẤY! A ha ha ha ha ha...
-Cháu muốn nghe chuyện của bà. Chuyện gì cũng được! - Cô gái ngồi xuống, xếp hai tà áo trước trong lòng, nhẫn nại lặp lại từng chữ.
-Muốn gặp ma thì phải đợi tối giời. Giờ ma còn bận áo gấm cân đai rồi, không rảnh rỗi chơi với con ranh con nhà người đâu!
Lăn ra đất, cả cơ thể gầy mòn giãy lên như cách người ta hay làm lúc ăn vạ nhưng vì hai chân, hai tay người đàn bà đều tính như đồ bỏ nên đến cử động ấy cũng khiến mụ giống con cá mắc cạn chỉ biết ngáp ngáp chờ chết. Cô gái không ngần ngại vươn tay xốc người đàn bà ngồi thẳng dậy nhưng cử chỉ đó chỉ làm cho mụ không vui, đôi mắt rực lên những tia nhìn hằn thù, tức tối:
-Buông ta ra! Buông ta ra! Chớ có đụng vào ta! Ta là con gái Ngọc hoàng thượng đế, ai cho đám người trần mắt thịt các ngươi đụng vào? Ta sẽ sai thiên binh thiên tướng xuống bắt ngươi, bắt ngươi ôm cột đồng, bắt ngươi cắt lưỡi, mổ bụng, moi gan...
-Cháu không đụng vào bà là được. Bà cứ bình tĩnh! - Cô gái rụt tay lại, giọng nói ôn tồn còn đôi mắt đen hoàn toàn bình thản như thể đây là cuộc chơi mà vì tò mò nàng nhất định sẽ đi đến cùng.
Mụ điên thoắt cái coi như chẳng còn nhận ra sự có mặt của thiếu nữ, tiếp tục đùa nghịch với những cánh hoa rơi vương trên nền đất ẩm dính lép nhép bởi cơn mưa. Thỉnh thoảng mụ còn ngửa cổ, há miệng hứng những giọt nước trong veo nhỏ xuống từ mái tranh của căn chòi xập xệ.
-Tối cháu sẽ quay lại! - Nàng nói khẽ rồi đứng dậy. Lướt qua đuôi mắt người đàn bà là sợi xà tích với ống trầu tinh xảo bằng bạc đung đưa dưới thắt lưng lụa màu trắng ngà của cô gái.
Mụ lại hát, lại cười như bao lâu nay vẫn thế, đến nỗi người ta chẳng còn ái ngại mà trông theo.
Y như lời hẹn, lúc trời ngả về chiều, chợ tàn, cô gái nọ lặng lẽ quay lại, lặng lẽ đứng giữa những người đang hối nhau dọn hàng nhanh nhanh chóng chóng để còn về nhà cơm nước quan sát người đàn bà hâm dở nọ. Giờ mụ không hát nữa, cũng chẳng cười nữa, càng không để tâm đến cái bát đựng mấy đồng xu lẻ cạnh mình. Trong đôi mắt trống rỗng là cả một buổi tà dương tịch mịch.
Tiếng trẻ con lít nhít vọng lại ngày một gần làm nàng nhãng ra khỏi người đàn bà kì lạ nọ, tạm gác những hoài nghi chợt dấy lên trong trong khi nghe khúc hát nhộn nhạo ban chiều sang bên. Là một đám trẻ ăn mày tuổi sàn sàn nhau, đứa nào cũng đen đúa, bẩn thỉu, áo quần chẳng thèm vá nữa mà sờn rách lung tung. Chúng nô đùa rồi chạy nhanh đến chỗ mụ điên, có đứa nhanh tay cúi xuống đổ mấy đồng xu trong bát của bà vào cái bị rách khoác trên vai. Đôi chân dợm bước đến vội dừng lại. Hóa ra đám trẻ ấy và mụ đàn bà quen nhau. Một đứa xem chừng là lớn nhất khom người cõng thân hình gầy rạc đi của mụ lên rồi theo lối ngược lại dần đi khuất khỏi tầm mắt nàng.
Cô gái lặng lẽ bám theo, một âm thanh thừa thãi cũng không vang lên. Chiếc váy lĩnh quấn vào chân theo mỗi bước đi gấp gáp và chỉ dừng lại khi một con bé chừng năm tuổi ở đâu chạy qua, chặn nàng lại, hất hàm:
-Chị đi theo chúng tôi là có ý gì? Nom dáng vẻ này...
Ánh mắt đen láy ngờ vực của con bé nhìn nàng từ trên xuống dưới, hai tay khoanh lại cố làm ra vẻ thách thức.
-Cô ấy là người quen của ta - Mụ đàn bà ngoái lại, ngữ điệu bình ổn khác hẳn dáng vẻ điên dại bất cần thiếu nữ trông thấy hồi nãy - Ranh con, còn không mau đi theo?
Ven sông Hồng, gió thổi qua mặt sông mang mùi nước, mùi phù sa luồn vào các khe hở trên những tấm liếp dựng sơ sài thành một thứ không biết nên gọi là nhà hay lều, xua đi mùi ẩm mốc bí bách. Đám trẻ thả người đàn bà xuống một đống rạ trong góc rồi hè nhau đi kiếm thứ gì ăn. Cô gái đưa mắt nhìn rồi thoải mái ngồi xuống một chỗ có vẻ khô ráo nhất. Con chuột to bằng bắp tay lục sục trong đống quần áo rách nghe động liền chạy vụt qua ngay trước mũi chân nàng nhưng chỉ thấy dáng người mảnh mai ấy hơi giật mình một chút rồi thôi. Từng cử chỉ nhỏ của cô gái không lọt khỏi mắt người đàn bà.
-Người muốn nghe chuyện của ta? Không sợ chết sao? - Mụ nói, cười mỉa mai.
-Người sợ chết sao? - Đôi mắt đen lặng lẽ lại có gì sắc sảo liếc ngang, nàng từ tốn đáp - Coi như cháu là kẻ qua đường hiếu kì đi.
-Ăn mặc thế này trông thì giống đấy nhưng nhất định không phải con nhà quan hay chỗ thế gia. - Mụ nhìn dáng vẻ nhàn nhã của cô bé trước mặt ngầm như ước đoán rồi nói thẳng - Ngươi là ai mà tò mò chuyện không đâu đến vậy?
-Là đào hát ạ! - Cô đáp ngay không cần suy nghĩ, trên đôi môi thoáng một nét cười - Ngoài chuyện ngồi lê đôi mách để tìm cảm hứng chơi đàn, ngâm thơ, họa tranh ra, cháu đâu còn biết làm gì. Cháu có mang theo trầu cau, bà muốn ăn không?
Chưa cần sự đồng ý của người đàn bà, đôi tay thon đã thoăn thoắt lấy ra một chiếc túi vải màu điều dắt trong thắt lưng đựng mấy miếng trầu đã têm rất khéo rồi đưa cho người đàn bà. Mụ ngắm nghía một hồi rồi há miệng để nàng bỏ vào. Đôi mắt nhìn gương mặt xuân xanh ấy không dứt, thoáng thấy những kí ức năm xưa lướt qua trên đôi gò mà hồng hồng, trong đôi mắt êm êm kia. Con bé nói nó tò mò, mụ cho chẳng phải. Rõ ràng là nó nghe ra trong lời thơ, câu hát ngang ngược của mụ có điều gì, nghe ra và hẳn nhiên hiểu những thâm ý ẩn trong đó của một kẻ vứt đi sống bên vệ đường.
-Đúng là được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Ngươi têm trầu rất khéo, coi như ta có phúc phận. - Người đàn bà ngâm nga một mình, mỉm cười. - Ngươi không cần nói tên cho ta biết, ta chẳng nhớ, càng không quan tâm. Còn ta... ta là Lý Thị Kim Nga, vợ của người đang nằm dưới ba tấc đất được cả thiên hạ biết đến là Quận Ai vương Lê Tư Tề.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top