Lý Triều Vãng Sự

* Thể loại: Truyện ngắn cảm hứng lịch sử
* Nhân vật: Lý Huệ Tông, Linh Từ quốc mẫu, Lý Cao Tông, Đàm thái hậu, Lý Phật Kim (Lý Chiêu Hoàng)

Truyện nằm trong bộ “TỨC MẶC CÓ GIAI NHÂN” về giai đoạn chuyển giao Lý – Trần.

* Tác giả: Bí Bứt Bông

***

LÝ TRIỀU VÃNG SỰ

Cứ mỗi mùa đông, lão hoạn quan đã qua bốn triều vua nọ lại ngẩng nhìn trời, tự nhủ: Có lẽ mình sẽ không qua được năm nay.

Thế mà lão vẫn sống thật diệu kỳ, sau bao sóng gió chốn nội cung, sau loạn thế, chứng kiến một vương triều vàng son dần dần chao đảo, dần dần sụp đổ, cuối cùng thành một nắm tro tàn.

Và trên nắm tro tàn tan tác ấy, những cung điện, lầu gác, vườn hoa một lần nữa lại được dựng lên. Hoa lại nở, chim lại hót vang. Chuông vẫn đổ, và trong hương rượu, tiếng sênh ca vẫn văng vẳng mỗi sớm chiều.

“Ta là thiên tướng giáng trần…”

Yếu ớt xoay lưỡi giáo gỗ trên tay, vị hoàng đế xanh xao, tóc rối xoã tung thoăn thoắt nhảy qua thanh chắn hành lang, trong tiếng cười giòn tan của cô công chúa nhỏ.

“Đại bàng tinh to gan tàn hại lương dân, hôm nay có thiên tướng đến giúp ta, ngươi nhất định sẽ bị đánh cho tan tác!”

Lão hoạn quan phe phẩy đôi cánh giả, vờ hoảng sợ trước cô công chúa nhỏ, chạy ngược chạy xuôi quanh khu vườn ngập ánh chiều tà.

Dưới mái hiên, Đàm thái hậu ngồi khâu áo, thỉnh thoảng lại nhìn ra khẽ mỉm cười.

Ngày mai, hoàng đế sẽ thoái vị xuất gia, truyền ngôi cho công chúa vừa tròn bảy tuổi. Giang sơn họ Lý vẫn về tay người họ Lý, nhưng nay đã không còn thuộc về họ Lý.

Lý triều,

Đã đến ngày tàn.

I. Thái hậu

Đàm thái hậu tiến cung từ rất sớm. Tiên đế lên ngôi lúc còn chưa đầy ba tuổi, bị đích thái hậu lúc ấy là Chiêu Linh nhiều lần tìm cách truất ngôi, phải hợp sức mẫu tộc họ Đỗ và gia tộc của Tô thái phó áp chế dần. Không lâu sau, Tô thái phó qua đời, trước khi mất vẫn không quên đề phòng Chiêu Linh thái hậu, chọn lựa một số gia tộc tin cẩn được, sắp xếp đưa con cái họ vào cung. Đàm thị là một trong số đấy.

Lúc này, hẳn Tô thái phó cũng không ngờ, về sau họ Đàm và họ Tô lại trở thành tử địch.

Đàm thị từ bé đã say mê kinh sách, phong thái đoan trang, đối nhân xử thế luôn khoan hòa nhã nhặn. Tiên đế năm ấy độ chừng mười hai tuổi, thích chơi hơn học, lại không hợp với đám con cháu thế gia luôn ra vẻ thanh cao mẫu mực, thường chạy đi tìm Đàm thị. Cứ chiều chiều, khi thì từ một ngọn cây nào đấy trên đường, lúc thì từ mái điện nào đấy trong cung, tiên đế sẽ thình lình xuất hiện, cất giọng gọi to vờ như tiếng vọng: “Minh… Minh… Minh… Nguyệt…. Nguyệt… Nguyệt…”, sau đấy híp mắt cười rồi nhảy xuống. Một tay là quà bánh, một tay là quyển sách, nhờ Đàm thị làm bài luận giúp mình.

Về sau, tìm ra cách trốn khỏi cung, tiên đế lại mang Đàm thị cùng đi. Rong chơi khắp phố phường, thử đủ loại món ăn, đêm nào cũng trời gần sáng mới trở về. Được vài lần, chuyện bị thái hậu Chiêu Linh phát hiện. Cung nữ, nội thị theo hầu đều bị phạt, đến cả Đàm thị cũng bị mang ra đánh. Tiên đế chạy vào đỡ cho Đàm thị mấy roi, rồi nắm tay kéo Đàm thị về tẩm điện. Đàm thị nhìn vết thương trên tay tiên đế, dường như muốn khóc mà không khóc được, muốn nói mà không nói được, chỉ nhìn chăm chăm đấy, môi mấp máy.

“Cũng chỉ là mấy vết roi thôi, trẫm không sao. Minh Nguyệt là con gái, mụ già kia lại ra tay ác độc, lỡ thành sẹo rồi xấu xí thì sao? Sau này Minh Nguyệt còn phải làm vợ trẫm.”

“Em vốn không đẹp, có gì mà sợ xấu…”

Tài hoa thế nào, phẩm hạnh ra sao cũng không che được sự thật kia. Nhất là lúc này, khi đêm tàn và mặt trời lên, ánh nắng phủ tràn khoảng sân nơi họ đứng. Một nam một nữ, một như ngọc tạc, một tựa cỏ cây.

“Trẫm thích tức là đẹp, mà xấu thì cũng có sao đâu. Trẫm đẹp thay Minh Nguyệt, cũng giống như Minh Nguyệt thông minh thay trẫm vậy.”

Những cung nữ, nội thị năm ấy còn sống sót, nhớ về một Đàm thị dịu dàng nhân hậu, về thiếu nữ từng rơi nước mắt khi dúi tiền vào bàn tay run rẩy vì vết thương bị đòn oan của họ, có lẽ cũng không tin ký ức của chính mình.

Hai năm sau, sinh mẫu tiên đế là Đỗ thái hậu qua đời, trước lúc ra đi không ngừng nắm tay Đàm thị, nửa dặn dò, nửa như cầu khẩn. Chiêu Linh thái hậu vẫn còn sừng sững đấy, thế gia trong triều đều có dã tâm riêng. Mưa máu gió tanh, tiên đế và Đàm thị nương tựa nhau mà sống, đến lúc trưởng thành.

Thật ra, chỉ có Đàm thị trưởng thành.

Tiên đế vẫn thế, như lần đầu họ gặp nhau năm mười hai tuổi. Vẫn đơn thuần, vẫn vô tư, vẫn sợ đọc sách, vẫn không thích người khác hỏi mình về quốc sự.

Chiêu Linh thái hậu không còn nữa, mối nguy từ các thế gia không còn nữa, chiếc lồng vây quanh tiên đế cũng không còn nữa.

“Minh Nguyệt, đi câu cá với trẫm không?”
“Minh Nguyệt, ra ngoài cung đi trộm mận với trẫm không?”
“Minh Nguyệt, trẫm lại vừa nghĩ ra trò chơi mới.”

”Bệ hạ, triều đình vẫn còn nhiều việc chờ người giải quyết.” Đàm thị đáp.

Đến lần thứ ba, chưa hết câu, tiên đế đã quay đi.

Họ không còn là người đối phương tìm kiếm nữa.

Nắm tay một đoạn, nhưng lại không sóng bước được một đời.

Nhiều năm sau, khi bàn tay đã nhuốm máu tanh, khi đôi chân đã giẫm đầy xương trắng, từ một thiếu nữ lòng mang thiên hạ thành người đàn bà điên cuồng vì quyền lực, rồi lại từ người đàn bà điên cuồng vì quyền lực thành một bà lão ngây ngây dại dại sau nhiều năm chiến bại, chiều chiều, Đàm thị vẫn thường ngồi may áo trước sân.

Như trong hoàng hôn có bóng người từ trên cây nhảy xuống, cất giọng gọi to vờ như tiếng vọng.

“Minh… Minh… Minh… Nguyệt…. Nguyệt… Nguyệt…”

II. Hoàng đế

Hoàng đế không phải hoàng tử đầu tiên được sinh ra, nhưng lại là người có vẻ ngoài giống tiên đế nhất. Tiên đế vô cùng thích đứa con này, ngày nào cũng đến dẫn con đi bắt dế, lấy tổ chim. Tiên đế đi trước, hoàng đế theo sau, nấp dưới bóng lưng dài rộng của phụ hoàng mình, miệng không ngừng gặm mấy món quà bánh được phụ hoàng cho.

“Con không được giống phụ hoàng.”

“Sao thế ạ? Phụ hoàng rất lợi hại mà?”

Sắc mặt Đàm thị dần tối lại, hoàng đế bối rối rụt người trốn vào cánh cửa. Mãi đến khi Đàm thị rời đi, hoàng đế mới bước ra, nhíu mày níu tay lão hoạn quan như cố lôi kéo một đồng minh.

“Phụ hoàng là tốt nhất.”

Hoàng đế năm ấy cũng chỉ hơn bốn tuổi. Ngoài kia đói rét ra sao, loạn lạc thế nào, tiếng ca thán vang trời thấu đất đều không vọng đến chốn cấm cung hoa lệ. Trong mắt hoàng đế, chỉ có một phụ hoàng ngày ngày đều mang những món đồ xinh đẹp đến dỗ mình, một phụ hoàng luôn nướng những con gà, con cá thơm lừng, một phụ hoàng biết thật nhiều chuyện xưa, vừa giả làm sơn thần, vừa giả làm đại bàng tinh, vừa giả làm lão tiều phu. Kẻ bị dân chúng oán hận, kẻ bị triều thần căm phẫn ngoài kia thật xa lạ.

Phụ hoàng là tốt nhất.

Hoàng đế bắt đầu hiểu chuyện năm bảy tuổi.

Tiên đế có viên ngọc dạ quang rất đẹp, là bảo vật truyền lại từ thời Thánh Tông hoàng đế, đã trăm năm. Mỗi lần đến tẩm điện phụ hoàng mình, hoàng đế đều say mê ngắm viên ngọc, cứ như nhìn vào đấy có thể thấy bóng dáng oai hùng xa xưa của tổ tiên trong sử sách.

Một ngày nọ, viên ngọc kia biến mất.

Tiên đế chọi gà thua một lái buôn ngoại quốc, mang viên ngọc đổi lấy con gà bách chiến bách thắng của gã lái buôn.

Hoàng đế cuộn người ngồi trong lòng tiên đế, nghe đám triều thần thao thao bất tuyệt từ chuyện nạn dân đến chuyện giao tranh với Chiêm Thành. Lúc tiên đế phẩy tay muốn đuổi họ đi, hoàng đế giống như vừa tỉnh khỏi giấc trưa, nhẹ nhàng lay lay bàn tay đang giữ lấy mình: “Phụ hoàng, người nghe họ tâu thêm một chút đi, chẳng phải có câu cái gì dân vi quý sao, chúng ta không thể bỏ rơi dân chúng được.”

Các triều thần đang lui ra dừng lại, ngỡ ngàng nhìn lên đứa trẻ vừa cất tiếng. Có lão thần chẳng rõ nghĩ gì, rơi nước mắt.

Tất cả quỳ xuống khẩn cầu tiên đế, nhưng ánh mắt tiên đế lại hướng về người khác.

Tiên đế là hôn quân, nhưng hôn quân cũng có tâm tư của đế vương.

Hoàng đế càng hiểu chuyện, bóng dáng tiên đế trong cung càng thưa thớt.

“Sao mấy hôm nay phụ hoàng không đến? Phụ hoàng không thích chúng ta sao?”

Công chúa Ngọc Tĩnh khi ấy năm tuổi, sau một chiều thẫn thờ ngồi bên cửa, kéo lấy áo anh trai, giọng rưng rưng.

Đàm thị lặng người nhìn họ thật lâu, cuối cùng bước đến bế lấy đứa con gái nhỏ, vỗ về.

“Phụ hoàng các con đang bận rộn vì quốc sự, khi nào xong việc sẽ chỗ chúng ta.”

Hoàng đế ngẩng đầu nhìn Đàm thị, lại cúi đầu, buông một tiếng: “Vâng…”

Cũng như sau này, khi Ngọc Tĩnh không còn nữa, giang sơn họ Lý không còn nữa, thần trí Đàm thị cũng không còn bình thường nữa, nghe câu này, hoàng đế vẫn cúi đầu, ngoan ngoãn buông một tiếng “Vâng” như thế.

Tiên đế không bao giờ bận rộn vì quốc sự. Sau ngày ấy, cũng không bao giờ đến thăm mẹ con họ nữa.

Đàm thị, sau ngày ấy cũng không còn như trước nữa.

So với hoàng đế, Trần thị lại có một quãng đời đầy hạnh phúc.

Có cha yêu thương, có mẹ cả dịu dàng từ ái, có các anh nâng niu như trân bảo, sẵn sàng vì nàng hô mưa gọi gió. Muốn phú quý có phú quý, muốn quyền thế có quyền thế, muốn tự do có tự do. Không có một người cha từ ấm áp dần trở nên lạnh nhạt đầy nghi kỵ, không có một người mẹ từ nhân nghĩa dần trở nên khắc nghiệt, không ngại dùng thủ đoạn thao túng chính con mình, không có những thân thích lúc nhỏ như hình với bóng, lớn lên lại chực chờ hãm hại nhau. Càng không phải nhìn cơ nghiệp tổ tiên mỗi ngày lại chìm sâu một chút, sâu một chút, trong vô vọng.

Họ Lý nghĩ hoàng đế vì yêu Trần thị mà mất đi lý trí, họ lại Trần lại cho rằng hoàng đế lợi dụng Trần thị khiến họ Trần thay hoàng đế bình định giang sơn.

Không ai biết sau cơn binh lửa đầu đời, gặp Trần thị, biết đến họ Trần, những lời đầu tiên hoàng đế nói với lão hoạn quan chăm sóc mình từ tấm bé không phải là “Nàng ấy xinh đẹp quá!”, cũng không phải “Gia tộc này có thể giúp ta quật khởi.”

“Một người có tất cả như nàng ấy, một khi mất đi tất cả sẽ thế nào?” Ngài hỏi, dường như là tự hỏi, với một nụ cười quỷ dị.

Sẽ thế nào nếu nàng cũng giống như ngài, bị giam giữa tầng tầng lầu gác không lối thoát, cô độc, bất lực, nhìn vận mệnh chầm chậm trôi khỏi tay mình?

Giống như ngài, giống như ngài…

Ngay trong cơn đau sâu thẳm nhất của mình, khi chấp nhận giao sinh mệnh đứa con trai đầu tiên và duy nhất của họ cho thái hậu, chỉ cần nghĩ đến lúc này Trần thị cũng như ngài, hoảng loạn và khổ sở, cảm giác ấy vẫn đủ khiến lòng ngài dịu lại. Ngài ôm nàng, hôn lên nước mắt nàng, nắm lấy bàn tay nàng, âu yếm gọi gọi: “Cá nhỏ, cá nhỏ, có ta ở đây, không sợ nữa, không sợ nữa…”

Một người có tất cả như nàng ấy, một khi mất đi tất cả sẽ thế nào?

Khi tất cả mật thám họ Trần sắp xếp cho nàng, vì bảo vệ nàng vào đêm sinh đứa bé, đều bị một lưới bẫy vào giết sạch? Khi đứa con nàng dùng bảy tháng liền chỉ để chọn đi chọn lại một cái tên, vừa sinh ra đã chết? Khi cả hoàng cung, thậm chí cả kinh thành đều đồn rằng sở dĩ con nàng chết là do họ Trần gieo phải quá nhiều sát nghiệp trong chiến trận, mẹ con nàng phải nhận quả báo này?

Hoàng đế có yêu Trần thị không, hay thứ tình cảm ấy là gì, suốt mười lăm năm, lão hoạn quan vẫn không thể nhìn thấu được.

Chỉ biết đối với hoàng đế, ngoài Trần thị, tất cả những người đàn bà khác, kể cả những người từng cùng ngài ấy chung chăn gối, đều vô nghĩa. Như thể ngay từ lần đầu họ gặp nhau, bất kể là mê luyến, là oán hận, là chân tâm, là tà niệm, đều đã trở thành sợi dây trói cả đời ngài ấy.

Trên thế gian này, có thể khiến hoàng đế yêu thương, đau khổ với bản tâm thuần khiết nhất, chỉ có một người.

III. Công chúa

Tiên đế tại vị ba mươi lăm năm, loạn lạc không màng, thiên tai không quản, ngày ngày đều sa đà trong trụy lạc. Chút phồn hoa thịnh thế cuối cùng của một triều đại hai trăm năm, qua tay tiên đế cứ thế tan thành mây khói.

Trước lúc băng hà, tiên đế truyền gọi hoàng đế đến tẩm cung.

“Hồi con năm tuổi, trẫm từng hứa đến sinh nhật mười chín tuổi sẽ cho con.”

Hoàng đế ngẩn người, mơ mơ màng màng đón lấy chiếc hộp gấm từ tiên đế.

Bên trong là viên ngọc đã mất kia.

“Trẫm không chờ được đến năm con mười chín tuổi, cũng chẳng biết gì để dạy bảo con. Trẫm là người có tội với tổ tiên. Sau này con đăng cơ, cứ nhìn gương trẫm rồi làm ngược lại, may ra còn giữ được giang sơn.”

Tiên đế để lại một giang sơn vỡ nát.

Hoàng đế tại vị mười lăm năm, giang sơn vỡ nát kia cũng chẳng còn.

“Phụ hoàng, tại sao con lại là hoàng thái nữ? Con muốn làm hoàng thái tử được không?”

“Phật Kim là con gái, con gái kế ngôi thì gọi là hoàng thái nữ, con trai kế ngôi thì gọi là hoàng thái tử.”

“Thế hoàng thái nữ có lợi hại không, còn chiến thắng được đại bàng tinh, bảo vệ giang sơn như hoàng thái tử không?”

Hoàng đế ôm công chúa nhỏ vào lòng, không đáp.

Nước mắt ngài rơi, đôi môi run run chẳng dám cất lên thành tiếng.

“Xin lỗi con, xin lỗi…”

Đứa trẻ ngây thơ, luôn nghĩ phụ hoàng là tốt nhất, từ thuở ê a đã biết dùng đôi tay bàn nhỏ dỗ phụ hoàng.

Tiên đế cho ngài một giang sơn, dù vỡ nát.

Ngài lại cho con nỗi nhục làm vua vong quốc.

Đứa trẻ ngây thơ, thoắt nói thoắt cười, nào biết ngày mai khi mặt trời lên, hoàng cung này sẽ không còn như trước, giang sơn này cũng không còn như trước, cuộc đời mình càng không còn như trước.

Gió thổi qua, lá bàng rơi nhuộm đỏ bóng ác tà.

“Phụ hoàng, chúng ta chơi thả diều đi.”

Hoàng đế gật đầu, ánh mắt lướt qua bóng người yên lặng dưới hiên.

“Mẫu hậu, chúng con đi thả diều đây.”

Đàm thái hậu dừng tay khỏi mũi kim, đôi mắt mờ khi mê khi tỉnh bỗng sáng lên, như vừa bất chợt nhớ đến điều gì đấy.

Có lẽ là hai mươi lăm năm trước, lúc tiên đế vẫn còn thường xuyên đến chỗ bà. Tiên đế và hoàng đế chơi diều, bà ngồi dưới hiên chải tóc cho Ngọc Tĩnh. Công chúa ba tuổi, không chịu ngồi yên, cũng muốn cùng ra đấy chơi diều.

“Chơi thì chơi, đừng để em con ngã.”

Hoàng đế lại buông một tiếng “Vâng” quen thuộc. Phật Kim cũng chẳng lạ gì việc thái hậu luôn nhầm mình thành người cô đã chết từ lâu ấy.

Lúc họ Trần đưa Đàm thái hậu về cung, bà đã vậy. Những cuộc bôn ba nơi núi thẳm rừng sâu, những năm tháng tranh đấu chìm trong thất bại, cái chết của người con gái bà yêu thương nhất, tất cả đọng lại trong đôi mắt mờ luôn ngây dại. Nhìn cô công chúa nhỏ lẫm chẫm đi trong sân điện, bà dừng lại, dang tay, dịu dàng gọi: “Ngọc Tĩnh, đến đây với mẹ.”

Công chúa nhoẻn miệng cười, huơ huơ tay chạy lại ôm thái hậu. Không biết đó là bàn tay từng muốn giết mẹ mình, từng muốn giết chị mình, từng tước đi sinh mạng bao người trong hoàng thất. Sinh ly tử biệt, quốc thù gia hận, tất cả đều không lan đến được nụ cười kia.

Các công chúa kim chi ngọc diệp của Lý triều, đến tuổi trưởng thành, hầu hết đều sẽ gả đến miền biên viễn. Đó là vận mệnh, cũng là sứ mệnh của những người con gái sinh ra trong cẩm y ngọc thực, lớn lên trong tôn sùng kính ngưỡng của vạn dân.

Công chúa Ngọc Tĩnh cũng không ngoại lệ, nếu năm ấy nàng không suýt chịu ô nhục giữa loạn quân, được đích tử của họ Trần một người một ngựa cứu về.

“Trần Tự Khánh giống phụ hoàng.” Hoàng đế nở một nụ cười chua chát, trong ánh nhìn kỳ lạ của lão hoạn quan. “Không phải phụ hoàng, mà là phụ hoàng trong mộng tưởng của mẫu hậu, là phụ hoàng mà mẫu hậu đã vẽ ra trong tâm trí ta và Ngọc Tĩnh thuở thiếu thời. Uy vũ kiêu hùng, một tay định quốc an bang.”

Ngọc Tĩnh càng say mê Trần Tự Khánh, thái hậu càng căm ghét Trần Tự Khánh. Thái hậu càng căm ghét Trần Tự Khánh, sinh mạng Trần thị càng mong manh trong cung cấm. Sinh mạng Trần thị càng mong manh trong cung cấm, nàng lại càng khiến Ngọc Tĩnh yêu Trần Tự Khánh.

Ngọc Tĩnh chạy khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt, tìm đến họ Trần. Trở thành con tin, giúp họ Trần bảo vệ sinh mạng cho Trần thị. Trở thành con mồi, giúp hoàng đế tung một cái lưới lớn hơn.

Thuần khiết như thế, nên bị chính những người mình yêu thương lợi dụng. Nên khi nhận ra tất cả, từ chỗ họ Trần trốn về tìm Đàm thái hậu, bị thái hậu mang đứa con còn đỏ hỏn đi uy hiếp họ Trần, nàng không chịu được, ôm con nhảy xuống vực sâu tự sát.

Thuần khiết như thế, vốn dĩ không thể làm công chúa.

Một công chúa, phải đủ thông minh, đủ sắt đá, đủ trung thành vì vinh quang gia tộc.

Lần đầu tiên hoàng đế gặp người kia, dường như định sẵn nàng sẽ trở thành một người như vậy.

IV. Hoàng hậu

Thỉnh thoảng, lão hoạn quan lại thấy hoàng đế lặng lẽ nhìn hoàng hậu.

Như lúc này, khi thái hậu và công chúa đã rời đi, chỉ còn hoàng đế cô độc giữa ánh chiều. Ngài chậm rãi đi về phía lầu Thụy Vũ, một người một bóng lướt giữa khoảng sân thênh thang vắng lặng. Trên lầu cao, nắng dừng lại nơi mái ngói. Tiếng đàn văng vẳng, chậm và trầm, như đang hòa cùng nhịp chân đang tiến bước.

Lúc họ quen nhau Trần thị còn chưa biết đánh đàn. Hoàng đế dạy nàng, nhưng tiếng đàn của nàng lại quá khó nghe. Hoàng đế nghe từ sáng đến trưa, cuối cùng bỏ đàn để chạy lấy người. Trần thị đuổi theo bắt hoàng đế lại, khóa cửa phòng, bắt ngài phải nghe nàng đàn đến khi nào được mới thôi.

“Nàng ấy bảo gia đình đã hứa với nàng tìm sẽ tên nào đấy về ở rể, thế mà cuối cùng lại phải gả cho thái tử như ta. Đã biết rõ ta là thái tử, vậy mà hiếp đáp ta chẳng khác gì một tên ở rể.”

Giọng ngài hờn dỗi, nhưng ánh mắt không giấu được niềm vui thích.

Về sau, hoàng đế lại dạy nàng vẽ tranh, dạy nàng phẩm trà, dạy nàng thư pháp.

Họ quen nhau năm mười lăm tuổi, chung chăn gối cũng mười lăm năm. Cùng trải phong ba, cùng qua sinh tử. Suốt nửa quãng đời tồn tại bên nhau ấy, bao nhiêu là chân tình, bao nhiêu là giả ý, chỉ sợ chính họ cũng không phân biệt được.

Mà bao nhiêu thì có ý nghĩa gì?

Họ Lý và họ Trần cũng như họ Trần và họ Tô, như họ Tô và họ Đàm, như họ Đàm và họ Đỗ, như họ Đỗ và họ Lý. Loạn thế là vậy, chỉ có kẻ chiến thắng cuối cùng sống sót. Hai con người ấy, từ lúc bắt đầu đã biết sẽ phân ly. Mười lăm năm bên nhau chẳng qua là mười lăm năm tiễn biệt.

Hoàng đế men theo những vệt nắng chiều, bước lên lầu, từ phía sau choàng tay ôm Trần thị. Tiếng đàn không dứt, nhưng lạc nhịp, theo những nụ hôn trôi mênh mang, mênh mang giữa tà dương.

Nắng tắt dần, những ân ái âu yếm kia cũng tắt. Trong gió lộng, hoàng đế bế Trần thị đặt lên lan can. Nhìn tóc nàng bay, càng ngắm càng say.

Chỉ cần cánh tay ngài đẩy nhẹ một chút thôi…

Trần thị từng rất sợ những nơi cao. Sau khi vào cung, ngày ngày nàng cùng hoàng đế lên lầu cao ngắm cảnh.

Trần thị từng rất thích ô mai. Sau khi vào cung, dần dần nàng không còn chạm đến ô mai nữa.

Không còn gì để sợ, không còn gì để thích. Luyện cách nhẫn tâm, trước tiên phải nhẫn tâm được với chính mình.

Nhưng Trần thị không thể làm thế với Phật Kim.

Bàn tay nho nhỏ, đôi mắt to tròn, luôn thích ôm má lắc lư làm nũng, luôn thích hái hoa chạy đến tặng nàng.

Trần thị sợ hãi đứa bé này, hoàng đế biết.

Không, không chỉ đứa bé này. Nàng sợ tất cả những thứ bản năng buộc nàng lưu luyến.

Hoàng đế thích nhìn nàng sợ hãi. Ngài vẫn thường đưa công chúa đến chỗ nàng, khoe với nàng con vừa mọc một cái răng, cười lên trông thật ngốc nghếch đáng yêu, nàng trêu con rồi nhìn nó cười sẽ thấy. Con vừa học một bài đồng dao đấy, vỗ tay hát một đoạn mẫu hậu nghe nào. Con mới đấy lại nặng hơn rồi, nàng thử xem có còn bế nổi không.

Mười lăm năm, ngài không còn dễ dàng bị nàng lừa nữa. Ngược lại, càng rõ ràng những lời có thể khiến nàng đau.

Tỷ như: “Nàng có biết Trần Tự Khánh chết thế nào không?”, “Nàng đã thấm thía cảm giác muốn hận mà không thể hận, cũng không dám hận một người chưa?”, thậm chí: “Nàng cứ chờ xem, một khi đắm chìm trong quyền lực, họ Trần của nàng cũng sẽ như họ Lý của ta, tương tàn mà diệt.”

Thế nhưng chiều nay, vào những thời khắc cuối bên nhau, ngài chỉ đứng đấy, đối diện nàng, không cất một lời.

Chỉ lặng yên chờ tịch dương bao phủ họ. Chờ những tia sáng cuối ngày mất hút. Chờ dáng hình đối phương tan biến trước mắt mình.

Hai trăm năm cơ nghiệp Lý triều, mười lăm năm duyên phận phu thê, nay cũng hoà vào khung cảnh ấy.

Tàn phai. Rực rỡ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #juju