Lam Sơn cổ nguyệt

Tác giả : Bí Bứt Bông

Ca khúc cho nhân vật Lê Lợi - Truyện "Lam Sơn cổ nguyệt"

*Lời dẫn:

Mùa thu năm ấy, bầu trời xanh thật xanh.

Hoàng đế nằm trên chiếc phản gần cửa sổ, lặng lẽ nhìn lá bàng phủ đỏ khoảng sân. Trong tiếng lá, ngài nghe bước chân của số mệnh rất gần.

Ngoài kia, triều đình vẫn ngổn ngang trăm mối. Những kẻ cùng ngài rời bỏ quê hương, lang thang theo ngài từ nam ra bắc, đã sớm quên những ân tình cũ, đã sớm quên những lý tưởng xưa, chỉ còn lại danh lợi và quyền lực, cùng vòng xoáy mang tên chính trị. Ngài than thở và khuyên răn, ngài khiển trách và trừng phạt, nhưng ngài biết, tất cả sẽ không dừng lại. Ngài bước chân vào vòng xoáy này trước họ, từ thuở họ vẫn nghĩ ngài là con người của những ân tình cũ, những lý tưởng xưa.

Năm ấy, năm nào?

Thật ra ngài cũng không nhớ rõ.

Có lẽ là mùa xuân năm nọ, trước trận Nghệ An, dưới bình minh, máu Ngọc Cửu hòa vào nước sông, chảy mãi. Có lẽ là mùa đông năm kia, quân Ai Lao phản bội, Lê Thạch xông vào sào huyệt của Ai Lao, nằm lại mãi. Có lẽ là mùa hạ năm ấy, quân Ngô vây đánh, Lê Lai khoác áo của ngài, phóng lên ngựa của ngài, quay đầu lại, mỉm cười: “Ta đi nhé.”

Hay một chiều thu, khi chị dâu ngài ngồi trên đỉnh núi, nhìn khói bốc lên từ ngôi làng của họ, từ phần mộ của gia đình họ, nhìn đến khi đêm xuống, trăng lên, rồi quay sang ngài, bình thản bảo: “Anh cả chú không chịu được cô đơn. Sau này chú nhất định phải trở về, mang hài cốt chị chôn bên ông ấy.”

Ngài rời Lam Sơn, rời phương nam, rời bỏ những hồi ức và kỷ niệm, nơi những người yêu ngài nhất, trung thành với ngài nhất đã dùng máu của mình trả giá cho nhiệt huyết ngây thơ và nông nổi của ngài. Đã chẳng còn gì để ngài quay đầu lại. Từ đấy, ngài chỉ tiến về phía trước, cũng chỉ có thể tiến về phía trước.

“Chủ công, sao chúng ta không đóng đô ở Lam Sơn?”

Quê hương của chúng ta ở đấy.

Phạm Vấn hỏi, Lê Sát hỏi, rất nhiều, rất nhiều người đã hỏi. Họ theo ngài phiêu bạt mười năm, công thành danh toại, đều muốn trở về quê hương cố thổ. Họ thích kinh đô hoa lệ, nhưng chỉ thích cái hoa lệ của kinh đô. Triều đình ở đâu, kinh đô ở đấy, chẳng phải sao? Họ đã dựng nên triều đại này, họ muốn về nhà, họ muốn kinh đô cũng theo họ trở về.

Quê hương họ Lý không phải ở đây. Đất tổ họ Trần cũng chẳng phải ở đây. Suốt bốn trăm năm, qua hai triều đại, qua bao lần mất đi rồi đoạt lại, nơi này vẫn là kinh đô sừng sững.

Kinh đô là đất của kẻ làm hoàng đế. Mà với kẻ đã trở thành hoàng đế, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, cả cuộc đời đều sẽ là cuộc chiến. Chiến trường không thể là nơi ta yếu đuối.

Chỉ đến khi cuộc chiến kia kết thúc, chỉ đến khi đã nhắm mắt xuôi tay, kẻ làm hoàng đế mới được quyền yếu đuối.

Tiếng mưa chiều khiến ngài tỉnh mộng. Giữa hơi mưa, ngài chợt nhớ đến một mùi hương cũ. Những chiếc bánh gai đen nhánh thơm mùi lá, anh cả ném cho ngài, đám thằng Lễ, thằng Thạch giật của ngài, năm sáu đứa trẻ mặc áo gấm, khoác da cáo, đeo nanh hổ cứ thế chạy đuổi nhau từ phòng ra hành lang, từ hành lang ra vườn, giành nhau cái bánh.

Nhắm mắt lại, ngài thoảng nghe tiếng lao xao rất khẽ. Ai đấy gọi “Bệ hạ ơi…”, ai đấy gọi “Chủ công ơi…”, ai đấy gọi “Ông mục Lợi ơi…”, lại có ai đấy gọi “Cậu út ơi…”

----------------------

* Nhạc và lời: Bí Bứt Bông

* Ca khúc cho nhân vật Lê Lợi - Truyện "Lam Sơn cổ nguyệt"

"Vạn dặm trăng soi tiễn người đi
Chỉ còn núi sông
Cùng bóng đêm

Vạn dặm quan san biền biệt xa
Giữa khói lam chiều
Nhìn mãi cánh nhạn qua.

Xuân từng xuân, ngựa nam bắc dọc ngang
Hạ từng hạ, cờ trống chìm khói lửa
Thu từng thu, máu nhuốm màn mưa
Đông từng đông, biển hóa nương dâu...

Ngày người ra đi tóc còn xanh
Nụ cười như ánh trăng
Mãi vấn vương

Người về Lam Sơn tóc phủ sương
Mười năm phiêu bạt
Buồn vui như phù vân

Một vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa chiếu sơn hà
Nửa đã hóa tàn tro

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #juju