Hoa Đáy Nước

Tác giả : Phương Uyên

Chuyện tình cung phi Nguyễn Bích Châu thời Trần

Diễn biến truyện dựa vào chính sử nhưng xin đừng đánh đồng truyện và chính sử

---

Thu thiên họa các quải ngân đăng, nguyệt trung đan quế
Xuân sắc đài trang khai bảo kính, thủy để phù dung[1]

Từ những ngày đầu tiên trái tim nàng biết rung động, người ấy vẫn luôn là một giấc mộng ngọt ngào.

Người ấy tài hoa, uy dũng, người ấy mang chí lớn lập công danh, người ấy cùng anh trai nàng[2] mưu cầu địa vị. Người ấy còn gửi nàng một lời ước hẹn, đợi khi nàng lớn, người sẽ dùng lễ nghi long trọng nhất, đón nàng về.

Phủ Thiên Trường năm ấy rực rỡ sắc đào hoa.

Nàng đợi người ấy ở cội đào dưới chân ngôi đền thiêng, ngước đôi mắt trong veo nhìn lên tán cây đã nhuộm màu hồng phơn phớt.

Người nhớ không, nhiều năm trước có cô bé con bảo rằng thích hoa đào, người đã không ngần ngại, cố rướn người để bẻ được cành cao nhất, có nhiều hoa đẹp nhất, cầm tay nàng khẽ đặt vào.

Năm nay, nàng đã mười sáu tuổi rồi, hẳn là người ấy sẽ không để nàng đợi chờ lâu hơn nữa.

- Thích sao?! Ta bẻ tặng nàng.

Nàng không nhận ra hắn đã đứng cạnh bên ngắm nhìn nàng lâu như vậy. Còn chưa kịp phản ứng, dáng người cao lớn kia đã nhanh chóng bước đến, đưa tay bắt lấy một nhánh nở hoa sum suê nhất.

- Xin đừng!

Lời nàng vừa thốt ra, bàn tay to lớn kia đã kịp dừng lại. Hắn quay người lại nhìn nàng, gương mặt anh tuấn, trong gió xuân càng rạng rỡ như ánh nắng.

- Hoa đẹp như vậy, để mọi người cùng được ngắm.
Nàng chân thành đáp lại ánh mắt tò mò của hắn.

Hắn mỉm cười, buông tay ra khỏi nhánh cây. Nàng cũng mỉm cười dịu dàng, rút khăn tay luôn mang theo bên người đưa cho hắn.

- Cảm ơn ngài.

Hắn đưa bàn tay chỉ bám một ít bụi gỗ lên trước mặt, rồi đưa tay còn lại nhận lấy chiếc khăn cũng
thêu hình hoa đào rất đẹp.

Không nỡ trả lại, cũng không nỡ lau đi.

***

Hơn một tháng sau, đèn hoa, cờ lộng, rước nàng từ Thiên Trường về đến Thăng Long.

Đưa nàng từ thiên đường, về nơi ngục tù lạnh lẽo, vĩnh viễn khóa chặt trái tim nàng.

Đại thần Lê Quý Ly dẫn đầu đoàn người, mơ màng nhớ lại chuyện của nhiều ngày trước.

- Ý của ca ca đã quyết, buộc em nhận lời cầu hôn của Cung Tuyên Vương[3], phải vậy không?!
Ngọc Hoa giương đôi mắt ráo hoảnh, lạnh lùng nhìn người họ hàng thân thiết mà nàng vẫn xem như anh ruột.

- Ngọc Hoa, chúng ta không thể từ chối hôn sự này. Vả lại,...

Ngập ngừng một lúc, đại quan nói tiếp.

- Với em, với ta hay với cả Tử Bình... cũng là chuyện tốt.

Tử Bình. Đỗ Tử Bình!

Nhắc đến cái tên này, lòng nàng bỗng như bị ai đó cầm dao, đâm vào rất mạnh, rất sâu.

- Ngài ấy... nghĩ thế nào?! - Nàng cố giữ vẻ bình tĩnh.

- Ngài ấy... - Quan đại thần ngập ngừng, không biết nên đáp thế nào cho phải.

- Ngài ấy không phản đối. - Giọt lệ trên khóe mắt Ngọc Hoa cuối cùng rơi xuống, giọng nói vẫn lạnh như băng.

- Ngọc Hoa, lòng của Tử Bình, em là người hiểu hơn ai hết. - Quý Ly cố biện minh.

- Em hiểu. - Nàng bỗng thở hắt ra rồi cười nhạt. - Anh nhờ người báo lại với Cung Tuyên Vương, em đồng ý.

Đúng vậy, sao nàng có thể không hiểu được tham vọng trong lòng người ấy?!

Lớn hơn tất thảy. Lớn hơn cả mảnh tình nho nhỏ mà nàng đã trân quý suốt bao năm.

***

Ngày xuân ấy nhìn thấy nụ cười dịu dàng của nàng giữa những cánh đào rơi lả tả, trái tim chỉ biết cương trực, chỉ biết quyết liệt của hắn lần đầu tiên dịu lại. Hắn không biết cảm giác này gọi là gì, chỉ biết hắn muốn nụ cười ấy mãi mãi theo bên cạnh hắn, vỗ về hắn sau những tháng ngày dong ruổi trên lưng ngựa.

Không ngờ rằng, từ ngày đầu tiên nàng bước chân vào Cung Tuyên Vương phủ, nụ cười ấy không bao giờ còn dành cho hắn nữa.

Không tươi tắn như hoa đào rực rỡ, chỉ nhàn nhạt như có như không.

Ánh mắt không còn lấp lánh ý cười pha lẫn vẻ dịu dàng, chỉ tĩnh lặng như mặt nước mùa thu.

Ban đầu, hắn nghĩ nàng còn bỡ ngỡ, nên đã kiên nhẫn hướng dẫn nàng từng chút một, để nàng không còn chút sợ hãi nào khi bước chân vào hoàng tộc.

Sau đó, hắn lại nghĩ nàng sợ hắn cũng như bao nhiêu vương tôn công tử đa tình nên không dám mở lòng, hắn lại dùng cách chu đáo nhất, quan tâm nàng từng chút một.

Ngoại trừ những lúc có chiến sự, hắn chưa từng vắng nhà quá lâu.
Cho đến khi đứa con của nàng và hắn chào đời, rồi chập chững biết đi, hắn mới biết mình đã sai.

Nàng không chán ghét hắn, không sợ hãi hắn, không kiêng dè hắn, chỉ đơn giản là không để hắn ở trong lòng.

Nàng vẫn chu đáo, giữ trọn bổn phận một nữ chủ nhân, chưa từng để hắn phiền lòng về bất cứ việc gì.

Việc duy nhất khiến hắn phiền, là đôi mắt nàng chưa bao giờ có hình bóng hắn.

Một ngày mùa đông, hắn cưỡi trên lưng một con chiến mã, từ Thiên Trường về đến Thăng Long. Con trai hắn, Trần Hiện, vui mừng chạy ra đón hắn. Vừa thấy con ngựa có bộ lông pha lẫn hai màu trắng đen, lại óng ánh sắc xanh[4], đứa trẻ lên năm không giấu được vẻ thích thú. Hắn âu yếm xoa đầu con trai, dịu dàng cười bảo:

- Tên của nó là Nê Thông, chạy rất nhanh. Đợi con lớn hơn một chút, ta sẽ dạy con cưỡi nó.

Hắn quay đầu lại nơi bậc cửa, nơi Ngọc Hoa đang đứng. Nàng khẽ gật đầu chào, rồi đứng lặng yên nhìn hắn cùng con trai đang đùa giỡn. Khóe miệng nàng vẽ nên một nụ cười ấp áp, chỉ có đôi mắt vẫn như hướng về nơi nào xa xăm lắm. Xa đến mức hắn chẳng bao giờ đến được.

Ngày đó, hắn cũng từng ngồi cạnh lúc nàng đang thêu thùa, kể nàng nghe những chuyện hắn đã trải qua, những chuyện đang xảy ra khiến hắn vui buồn. Nàng thỉnh thoảng gật đầu, để những lời nói của hắn theo gió trôi đi.

Hắn không biết nàng không muốn nghe, cũng không muốn nhớ, càng không muốn vô tình nhắc lại những câu chuyện này khi trò chuyện với người anh trai đã gả nàng cho hắn.

Dần dần, hắn không kể nữa. Rất nhiều lần hắn vẫn đến, lúc nàng đang chăm chú đọc sách, vẽ tranh, thêu thùa. Nàng sẽ mang cho hắn một bình trà nóng, rồi để mặc hắn ngồi ở đó, đến khi trà đã nguội lạnh, đến khi hắn lặng lẽ ra về.

Nên lần này, hắn cũng không kể, về con ngựa có màu lông kỳ lạ kia. Hắn không kể việc hắn ở Thiên Trường đã cứu được một cô bé con chỉ mới mười hai, mười ba tuổi, suýt nữa bị con ngựa chứng làm bị thương. Hắn không kể việc cô bé ấy đã tặng con ngựa ấy để đổi lại đoản kiếm hắn đeo bên người. Hắn càng không kể việc hắn thấy cô nhóc tinh nghịch còn ít tuổi mà đã học đòi nam nhi luyện kiếm, cưỡi ngựa, nên tiện tay hái một đóa phù dung ở bên hồ đặt lên tóc cô:

- Nữ nhân thì phải mềm mại, dịu dàng, tinh tế một chút.

Cô bé phụng phịu cầm đóa hoa trên tay, nhìn một hồi lâu, không biết nghĩ thế nào, cuối cùng giương đôi mắt sáng long lanh nhìn hắn:

- Sau này ta lớn lên, mềm mại, dịu dàng, tinh tế, ngài sẽ cưới ta không?!

Hắn, dũng tướng hơn ba mươi tuổi, bật cười trước câu hỏi của một cô bé ngây ngô, vui miệng nói đùa:

- Sẽ cưới.

***

Năm Đại Trị thứ mười ba (1369), xảy ra biến loạn Dương Nhật Lễ.
Cung Tuyên Vương Trần Kính cùng công chúa Ngọc Tha và Chương Túc quốc Thượng hầu Trần Nguyên Đán phò Cung Định Vương Trần Phủ phế truất Dương Nhật Lễ, lại phò Cung Định Vương lên ngôi, niên hiệu là Thiệu Khánh.

Thời cuộc đảo điên, lòng người biến động, chỉ có tại phủ Cung Tuyên Vương, mọi sự vẫn bình yên nhờ một tay Ngọc Hoa sắp đặt. Lúc ở chiến trường, nụ cười của nàng trong bóng hoa đào là đốm lửa sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của hắn giữa mưa máu gió tanh. Khi hắn trở về, mọi ưu phiền được bỏ lại đằng sau cánh cổng lớn, chỉ còn lại cuộc sống êm đềm như bao nhiêu năm qua vẫn thế.

Năm Thiệu Khánh thứ hai (1971), Cung Tuyên Vương Trần Kính được gia phong Thái tử.

Hắn kiên quyết lập nàng làm Thái Tử phi, mặc kệ bao lời can ngăn, vì từ khi họ Trần trị vì đến nay, mẫu nghi thiên hạ chưa bao giờ là người ngoại tộc[5].

Một trong những lần hiếm hoi nàng chủ động đi tìm hắn, đến trước mặt hắn, kiên quyết bảo:

- Thái tử, xin người đừng vì Ngọc Hoa mà đi ngược lại...

Chưa kịp dứt câu, hắn đã đưa tay ngăn không cho nàng nói tiếp. Mười năm trôi qua, ánh mắt năm nào nhìn nàng vẫn còn như có lửa, nụ cười rạng rỡ giờ đã thêm một chút phong trần. Hắn ôn tồn đáp, tâm ý vững chắc không gì lay chuyển được:

- Đáng hay không đáng, là do ta quyết định.

***

Mùa đông năm Thiệu Khánh thứ ba (1372), Nghệ Hoàng Trần Phủ nhường ngôi cho Thái tử, trở thành Thái Thượng hoàng.

Cô gái họ Lê đứng tựa bên gốc đào hoa năm đó, giờ đã trở thành Hiển Trinh hoàng hậu - vị hoàng hậu đầu tiên không phải là thân tộc họ Trần. Có lẽ, cũng là vị hoàng hậu đầu tiên chưa từng cố gắng để được quân vương yêu mến.

Tiết Trung thu năm Long Khánh đầu tiên (1973), quan gia mở tiệc mời văn võ bá quan cùng thưởng trăng. Hôm ấy, hoàng hậu cáo bệnh không đến dự.

Tiết trời mát mẻ khiến tâm tình mọi người dịu lại, hoàng đế bỗng cao hứng ra một câu đối, nghĩa là:

"Trời thu, gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng"

Các võ tướng ngẩng ngơ nhìn, không ngờ rằng vị chủ tướng bao lần vung gươm trên yên ngựa kia lại cũng hiểu biết văn chương. Các văn quan cũng gật gù, đến giờ mới chịu phục vị hoàng đế mới lên ngôi kia, hóa ra không phải là người chỉ biết cầm quân ra trận.

Trong không gian tĩnh lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, cũng không mấy ai thực sự chú tâm tìm câu đối lại, bỗng có một tiếng ngâm nga vừa dịu dàng, vừa trong trẻo. Thơ đối lại rằng:

"Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước"

Một bóng hình mảnh mai thong thả bước đến từ vị trí của quan đại thần Nguyễn Tướng Công. Nàng đến trước mặt Trần Kính, khẽ cúi người chào, dáng vẻ dịu dàng uyển chuyển, nụ cười còn đẹp hơn vầng trăng ở trên cao. Duy chỉ có đôi mắt sáng rực và vầng trán cao bướng bỉnh là không cách nào giấu được vẻ tinh nghịch.

Hoàng đế sững người một lúc, cuối cùng nhớ ra được cái vẻ lém lỉnh kia, chợt phì cười đáp lại ánh mắt nàng.

- Phù dung, đã đến rồi à?!

***

Tiểu thư Nguyễn Bích Châu, con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công, được phong làm Cung nhân, hết thảy triều thần đều ủng hộ.

Ngày mà nàng Phù Dung mới mười sáu tuổi được đón vào cung, hắn đến tìm Ngọc Hoa, thong thả ngồi xuống đối diện với chỗ nàng đang ngồi thêu, từ tốn kể:

- Cô bé Phù Dung ấy nổi tiếng thông minh lanh lợi, nên có rất nhiều người đến dạm hỏi. Cô bé lại không thích bị chọn gả cho một người nào trong số đó, nên mới chạy đến bắt ta thực hiện lời hứa dại dột năm xưa. Ta chỉ là giúp cô ấy có một khoảng trời riêng, để cô ấy được tiếp tục sống với thế giới của mình, ...

Khóe môi nàng vẫn mỉm cười, còn ánh mắt vẫn chăm chăm vào hình đôi uyên ương đang thêu dở. Câu chuyện của hoàng đế bỗng rơi vào thinh không. Hắn lặng lẽ đứng dậy, bước ra phía cửa:

- Muộn rồi, nàng cũng nghỉ ngơi đi.

Không ngờ, vừa đến bậc thềm, giọng nói dịu dàng nhưng lãnh đạm của Ngọc Hoa đã vang lên:

- Nếu vô tình, chẳng có cô gái nào cam tâm bước vào hoàng cung. Tự do ở nơi này chẳng phải là chuyện nực cười sao?!

Bước chân hắn như đông cứng. Một lúc lâu sau, hắn ngoái lại nhìn nàng, khóe môi nhếch cười đầy chua chát:

- Vậy còn nàng? Ngày ấy nàng tự nguyện theo ta bước vào chốn ngục tù này, cuối cùng tâm ý của nàng lại là gì?!

Ánh mắt tĩnh lặng ngàn năm cuối cùng cũng thoáng chút xao động. Hoàng hậu cúi mặt không đáp.
Hắn bỗng bật ra một trang cười vô nghĩa, rồi lạnh lùng bước đi.

Tại sao năm đó, chưa có ai nói với hắn rằng trong lòng nàng đã có một người?!

Tại sao gã si tình Đỗ Tử Bình kia không thể hiên ngang đứng trước mặt hắn, bảo rằng trái tim nàng không bao giờ giành cho hắn?!

Tại sao, chuyện đã đến nước này còn để hắn vô tình biết được, là chính tay hắn đã vô tâm chia rẽ nàng và vị tướng quân luôn trung thành kề cận hắn?!

Tại sao, lại là hắn, chính tay phá nát hạnh phúc của nàng...?!

***

Bước chân hắn vô tình dừng trước cung điện của Bích Châu. Ngập ngừng mãi, cuối cùng hắn cũng bước vào.

Thiếu nữ đột nhiên chạy đến đòi hắn cưới về, hiện giờ đang điềm nhiên ngồi lau chùi thanh đoản kiếm mà năm xưa hắn đã tặng nàng. Thanh kiếm sáng bóng phản chiếu ánh nến đặt ở góc bàn, lấp lánh trong đôi mắt sáng rực. Nàng, hoàn toàn không có chút dáng vẻ e thẹn nào của cô gái mới về nhà chồng.

Trần Kính hắng giọng báo hiệu mình đã đến. Bích Châu ngẩng lên nhìn hắn, liền đặt thanh kiếm xuống bàn, đứng dậy cúi chào.

- Ở đây có quen không?! - Hắn mỉm cười hỏi.

- Quan gia không cần bận tâm, ta sống ở nơi này rất tốt. - Nàng cũng nhoẻn miệng cười.

Hắn nhìn nàng một lúc lâu, nàng cũng không hề né tránh ánh mắt hắn. Mãi sau, hắn bỗng phì cười, lắc lắc đầu:

- Ta thật không dám tin nàng cung nhân dịu dàng này chính là cô bé năm xưa.

Bích Châu bị trêu chọc, không có vẻ gì tức giận, ngược lại dường như còn rất đắc ý. Nàng vẫn nói rất từ tốn, nhưng đôi mắt lóe lên vài tia tinh nghịch:

- Nếu không trở nên dịu dàng, hiền thục, làm sao ta có thể buộc ngài giữ lời hứa, cưới ta về?!

Hoàng đế cười khổ, đưa tay xoa đầu nàng như một đứa trẻ:

- Hôm nay em mệt rồi, nghỉ sớm đi. Ngày mai ta đưa em đi gặp bạn cũ.

Cô thị nữ theo hầu nàng từ nhỏ đứng chờ bên ngoài cửa cung cho đến khi Trần Kính đã đi mất hút liền bước vào, kinh ngạc hỏi nàng:

- Tiểu thư, quan gia...

Nụ cười bình thản của nàng cắt ngang câu hỏi của người cung nữ. Nàng lại nhìn ra phía cửa, một khoảng sân vắng lặng dưới trời đêm.

Hôm sau, trong lúc Bích Châu đang say sưa luyện chữ, có người đến mời nàng sang gặp quan gia. Đến nơi, nàng cúi chào hắn, rồi không ai nói thêm một lời nào, nàng đi theo sau hắn đến nơi ở của Nê Thông.

Nàng bước đến vuốt ve con thần mã nổi danh khắp kinh thành, gương mặt vui thích như đứa trẻ. Trần Kính đứng một bên quan sát, nở nụ cười hài lòng. Mãi một lúc lâu sau, nàng mới quay sang hỏi hắn:

- Quan gia, người từng cho phép Thái tử cưỡi nó chưa?!

- Đã từng thử, nhưng chỉ một lần...
- Trần Kính bỏ lửng câu nói, không muốn nói ra việc Thái tử không thuần phục được một con ngựa chiến.

Bích Châu hiểu ý, cười nhẹ rồi lại quay sang vuốt ve Nê Thông đầy trìu mến. Nàng nói với con ngựa, nhưng để cho người đứng sau lưng nghe thấy:

- Nê Thông à, Nê Thông! Người ta cứ bảo ngựa càng chứng thì càng giỏi, đâu biết chẳng qua chỉ vì không thuần phục được lại càng muốn thuần phục, cuối cùng trở thành giấc mộng đẹp đẽ nhất trên đời.

Không biết nàng vô tình hay hữu ý, mà câu nói ấy đã len lỏi vào giấc ngủ của hắn rất nhiều đêm sau đó.

***

Bích Châu đến hoàng cung thấm thoát đã được hai năm.

Cả Trần Kính và nàng đều giữ lời hứa của mình: nàng không cần hắn xem nàng là phi tần để yêu thương sủng ái, hắn cũng luôn đối xử với nàng như với một người em gái nhỏ, để nàng được tự do làm những gì nàng muốn.

Một chữ "cưới" năm xưa, suy cho cùng cũng chỉ là một phút bốc đồng mà đùa giỡn.

Vả lại, giữa nàng và hắn vốn chưa từng có tình yêu...

***

Đất nước sau thời gian biến loạn, khó khăn chồng chất khó khăn.

Có những ngày, Trần Kính mệt mỏi vì chính sự, khẽ chợp mắt tại thư phòng, nàng lẳng lặng ôm đàn ngồi trước bật cửa, thong thả nhặt khoan từng phím. Có những ngày, hắn thức trắng đêm đọc tấu chương, nàng cũng mang sách đến, chong đèn ngồi ở một góc phòng. Những ngày khác, nàng cặm cụi viết gì đó mà mỗi lần hắn đến, nàng lại giấu đi.

Năm ấy, triều đình xôn xao vì bản điều trần Kê minh thập sách của cô cung nhân mới mười tám tuổi. Hoàng đế ngợi khen hết lời giữa văn võ bá quan, cuối cùng, quyết định... để sang một bên mà không hề áp dụng.

Một hôm, hắn gọi nàng đến thư phòng, chỉ vào chiếc bàn con đã chong sẵn đèn. Nàng ngồi lại đó, không mang theo sách, cũng không mang giấy bút, yên lặng nhìn ngọn lửa nhỏ tí tách nhảy múa, yên lặng để hắn phê duyệt tấu chương.

Đến khi đêm đã về khuya, hắn cũng không kiên nhẫn nữa, thẳng thắn hỏi nàng:

- Giận ta sao?!

Nàng hơi kinh ngạc nhìn hắn một lúc rồi cười nhạt, lại nhìn ngọn lửa, đôi mắt phảng phất nỗi buồn:

- Bích Châu chỉ giận mình không giúp được quan gia.

Vì Trần Kính đã cho nàng một khoảng trời tự do vừa đủ như nàng mong muốn, nên Bích Châu cũng muốn giúp hắn tìm lại nụ cười của cô gái mà suốt đời hắn thương yêu. Nàng tỏ ra quan tâm hắn, chia sẻ nỗi cô đơn cùng hắn, để tin đồn đến tai hoàng hậu rằng gần đây quan gia rất sủng ái cung nhân. Sau đó, nàng lại dâng bảng điều trần, biết chắc rằng hắn sẽ gạt đi, để chứng tỏ với Ngọc Hoa rằng hắn chưa từng thay đổi.

- Hay là... - Trần Kính ngừng một lúc. - Hôm sau em lại đến đây đọc sách?! Ngồi một mình trong căn phòng này quả thật hơi lạnh lẽo.

***

Những điều mà Bích Châu đã dày công suy nghĩ, tuy bị Trần Kính đặt sang một bên, nhưng không có nghĩa là hắn chưa từng để tâm thực hiện. Là vị quân vương tâm hùng khí ngạo, hắn hạ lệnh cho người dân không được mặc quần áo giống với người phương Bắc, lại không được bắt chước tiếng nói của các nước lân bang. Hắn còn ra quy định về mẫu mã các loại mũ áo, xe thuyền đều phải mang nét riêng của Đại Việt. Có người mang chuyện hắn trọng dụng nho sỹ bất luận thân thế đi hỏi Bích Châu, đùa rằng hắn cũng có tiếp thu ý kiến của nàng, Bích Châu nghiêm nghị bảo:

- Ta theo quan gia đã lâu, ít nhiều cũng học hỏi được tư tưởng của người. Trò giống thầy thì có gì mà lạ?!

Cũng chính sách ấy, lúc bàn luận có người nhắc đến cung phi, Trần Kính lại cười sảng khoái:

- Anh hùng biết anh hùng, chí hướng lớn gặp nhau cũng là lẽ thường.

***

Bờ cõi phương nam vẫn thường bị Chiêm Thành lăm le tiến đánh, Trần Kính chủ trương xây dựng quân đội để một lần tiêu diệt mầm họa. Bích Châu một mặt ủng hộ củng cố lực lượng, một mặt vẫn hay khuyên hắn chưa đến bước đường cùng thì đừng nên khởi binh giao chiến để tránh tổn thất cho nhân dân.

Long Khánh năm thứ tư (1776), chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga cuối cùng dẫn quân đặt chân lên biên giới đại Việt.

Đỗ Tử Bình nhận lệnh mang quân đi trấn áp.
Không ngờ rằng, con người ấy đã mang mối hận thù từ nhiều năm về trước, lại ẩn nhẫn đợi thời cơ.
Lực lượng quá chênh lệch, Chế Bồng Nga dâng mười mâm vàng để xin tạ tội. Tin tức về đến Thăng Long, vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục, có ý thách thức cả hoàng đế Long Khánh.

Cả triều đình khi ấy không ngăn được cơn thịnh nộ của vị hoàng đế trẻ tuổi, kiêu ngạo ngút trời.

- Thù mới, nhục cũ[6], các người đừng ai cản bước chân ta.

Bích Châu nghe tin cũng vội vàng chạy đến, giữa triều thần, quỳ sụp trước mặt quân vương.

Hắn đứng nhìn nàng hồi lâu, cuối cùng tránh người sang một bên, kiên quyết bước ra khỏi đại điện.
Các lão thần, lão tướng nhìn theo bóng lưng ngạo nghễ bước đi, trong lòng không khỏi cảm thấy bi ai.

Không một ai để ý đến người cung phi vẫn đang quỳ, không hề ngoái đầu lại nhìn theo bước chân hoàng đế.

Nàng cúi mặt, hai dòng lệ tuôn dài.

***

Ngọc Hoa dặn dò những người theo hầu một lượt, cẩn thận kiểm tra vật dụng cần thiết, thỉnh thoảng lại nhắc nhở thêm cái này cái nọ. Hắn đến tìm nàng cũng phải đợi một lúc khá lâu.

- Quan gia, lần này xuất chinh xin người cẩn thận.

Vẫn là đôi mắt phẳng lặng như nước ấy đang nhìn hắn. Hắn khẽ gật đầu, nở một nụ cười buồn:

- Nàng ở lại, cũng phải cẩn thận mọi việc.

Nàng cũng dùng một nụ cười buồn đáp lời của hắn.

Hắn bước rất chậm ra khỏi cung điện của nàng, bàn tay vô thức kéo ra chiếc khăn tay có thêu hoa đào mà hắn vẫn luôn kín đáo đặt trong ngực áo mỗi lần ra trận.
Hắn gọi một cô cung nữ đến cạnh, dặn dò:

- Ngươi mang trả lại cho hoàng hậu.

Hắn đã nên không còn suy tưởng gì lâu rồi mới phải.

Cái ngày Bích Châu dâng lên Kê minh thập sách khiến cả kinh thành xôn xao, hắn lại đến tìm Ngọc Hoa.

Hắn muốn biết nàng nghĩ gì khi suốt thời gian qua, bên cạnh hắn luôn kề cận một cô gái khác.

Hắn lại muốn biết khi nàng nghe hắn bác bỏ những yêu cầu của cô gái tưởng như được sủng ái kia, chỉ vì không muốn nàng buồn, lại có suy nghĩ gì.

Cuối cùng, đáp án hắn nhận được lại là nàng không có bất kỳ suy nghĩ nào về hắn cả.

Ngọc Hoa nhận lại chiếc khăn tay, bước đến dãy hành lang có thể nhìn thấy đoàn quân đang rời khỏi kinh thành.

Nàng cũng là người, trái tim cũng không phải là gỗ đá. Đối diện với tấm chân tình như lửa cháy ấy, sao có thể không rung động lấy một lần?!

Chỉ là, lúc nàng nhận ra trong lòng nàng có hắn, thì trong đời hắn đã xuất hiện một cô gái khác, với một mảnh tình trọn vẹn dành riêng cho hắn, sâu sắc, thấu hiểu, hy sinh.

Nàng không muốn tranh giành, cũng không có tư cách để tranh giành. Vì hắn xứng đáng được yêu thương bởi một người có trái tim lành lặn.

Tên ngốc ấy, sớm muộn rồi hắn cũng sẽ nhận ra thôi.

Mong sao... mong sao họ được bình an! Đôi chim uyên ương nàng thêu đã lâu, đến lúc họ thắng trận trở về, là có thể mang đi tặng để chúc mừng rồi!

***

Trần Kính không đến tạm biệt Bích Châu, chỉ sai người mang một đóa phù dung đến tặng. Dẫu sao, nàng và hắn cũng xem nhau như tri kỷ, nàng lo lắng cho hắn, muốn cản chân hắn là lẽ dĩ nhiên.
Hắn hiểu rõ, nên cũng không muốn đôi co thêm với nàng. Ở bên nàng, hắn luôn cảm thấy thanh thản và bình yên, hãy cứ để hắn được nhớ mãi một hồi ức như vậy về người tri kỷ này.

Hoàng đế đích thân thống lĩnh mười hai vạn đại quân ra trận, giáo gươm sáng loáng, trống chiên dậy đất, khí thế rợp trời.

Đoàn người vừa đến chỗ chiến thuyền neo đậu, một bóng dáng nhỏ bé đã đợi sẵn.
Trần Kính ngỡ ngàng bước đến trước mặt Bích Châu:

- Em... trở về mau. Chiến trường không phải là nơi dành cho nữ giới.

Nàng vẫn giữ nụ cười rạng rỡ, nhìn sâu vào mắt hắn:

- Sẽ thắng chứ?!

Hắn sững người một lúc, rồi quả quyết như dao chém đá:

- Sẽ thắng.

Nụ cười của Bích Châu càng tự tin hơn:

- Quan gia, ngài sẽ bảo vệ ta không?!

Trần Kính nhíu mày, sau cùng khẽ gật đầu.

- Vậy thì có gì đáng lo nữa. Chúng ta đi mau, không thì trời tối mất.
Nàng nói, rồi ung dung nhảy lên lưng ngựa, đến cạnh Nê Thông đang đợi hắn.

Nhiều năm trước, hắn không cản được nàng hiên ngang bước vào cuộc sống của hắn.

Nhiều năm sau, hắn cũng không cản được nàng kiên quyết đi theo con đường của hắn, dù trong mắt nàng, đó là con đường chết.

***

Trần Kính và Bích Châu cưỡi ngựa dẫn quân theo đường bộ, men theo bờ biển, đến cửa biển Nhật Lệ lại đóng quân tập luyện hơn một tháng.

Cuối năm Long Khánh thứ tư (1376), đoàn người đến cửa bể Kỳ Hoa [7]thì gặp bão lớn, kéo dài suốt mấy ngày liền. Biển như nổi cơn cuồng phong thịnh nộ, sát bờ là vách núi đầy đá nhọn, dưới lòng biển là hàng khối đá ngầm, thuyền ngả nghiêng chao đảo, không ít người đã vùi thân dưới lớp sóng bạc.

Trong tiếng mưa gào gió tạt, có lẫn tiếng khóc nghẹn ngào, có lẫn tiếng nức nở oán than, có cả những lời tuyệt vọng.

Đến ngày thứ tư, các tướng sĩ cả tinh thần lẫn thân thể đều rã rời mệt mỏi, tưởng như chỉ cần gieo mình xuống lòng biển kia là có thể ngủ yên một giấc, chẳng cần lo sợ, chẳng cần hoang mang chi nữa.

Trận này, lòng người chưa đánh đã thua.

Trên thuyền bỗng lan truyền lời đồn: thủ hạ của Quảng Lợi Đại vương đang giận dữ đòi cống nạp một người thiếp mới cho thuyền yên ổn đi qua. Hoàng đế tức giận triệu tập mọi người, trị tội những kẻ u mê, tìm ra kẻ tung tin khiến lòng người lo sợ.

Giữa lúc hỗn loạn ấy, Bích Châu bước đến giữa quần thần, nở nụ cười bình lặng nhất:

- Quan gia, bây giờ tìm ra kẻ tung tin ấy phỏng có lợi ích gì? Chi bằng cứ làm theo lời thần linh mách bảo, để lòng tướng sĩ được yên.

Trần Kính như hiểu ra mọi việc, bước đến nắm chặt đôi vai gầy, giận dữ nhìn nàng.

- Em muốn làm gì?!

Bích Châu cười nhẹ, quay người sang phía người nội giám đang đứng hầu:

- Ngươi giúp ta chuẩn bị một bộ y phục đẹp, một mâm tế vật, bày sẵn trước mũi thuyền.

Nói rồi, lại quay sang nhìn những tướng lĩnh đang có mặt:

- Nhờ các ngài nhắn lại với ba quân, cung phi Bích Châu sẽ mở to mắt ở âm giới để nhìn quân ta chiến thắng.

Tất cả những người đàn ông từng xông pha trận mạc, không sợ giáo gươm ấy, cùng quỳ rạp để tỏ lòng kính phục. Mọi người không ai bảo ai, lặng lẽ ra ngoài.

Đôi tay rắn chắc của Trần Kính vẫn đang giữ chặt vai nàng, ánh mắt hắn xoáy sâu vào tim nàng, đau đớn, tức giận, chua xót:

- Tại sao...?!

Bích Châu cũng nhìn hắn bằng đôi mắt đỏ hoe. Nàng cố tặng hắn nụ cười tươi nhất:

- Ta muốn ngài mãi mãi không thể quên ta.

Trần Kính kéo nàng vào lòng hắn, ôm nàng bằng cả vòng tay.

Rất chặt. Rất lâu.

Cho đến khi người nội giám bước vào, run run bẩm báo tế đàn đã chuẩn bị xong.

***

Bích Châu mặc bộ áo lộng lẫy nhất, bước đến trước tế đàn, cúi lạy hoàng đế, cúi chào các tướng lĩnh.

Trần Kính mặc áo giáp, đứng trước mũi thuyền dõng dạc hô to:

- Ta, hoàng đế Đại Việt, xin dâng tặng cung phi Nguyễn Bích Châu cho Nam Minh đô đốc, xin người phù trợ cho quân ta chiến thắng.

Tiếng binh sĩ hò reo vang dậy, át cả tiếng gió bão, khí thế thắng cuồng phong.

Bích Châu bước đến mũi thuyền, chầm chậm quay người về phía Trần Kính, một lần nữa mỉm cười nhìn hắn:

- Nếu còn có kiếp sau, ngài sẽ cưới ta không?!

Hắn đáp lời nàng bằng đôi mắt đã đỏ ngầu như máu:

- Sẽ cưới.

Hắn không thấy những giọt nước mắt cuối cùng của nàng đã ướt đẫm nụ cười.

Nàng cũng không thấy vị quân vương suốt đời kiêu hãnh, không biết cúi đầu ấy, đã rơi nước mắt vì một cung phi vừa mới hai mươi tuổi.

Bóng người nhỏ bé vừa chìm khuất dưới làn nước biển, nhất loạt mười hai vạn đại binh đã hiên ngang đứng thẳng, quật cường chống chọi lại bão giông, kiên quyết tiến về phía trước, làm cỏ Chiêm Thành để làm yên lòng người cung phi đã hy sinh.

Đêm ấy, và nhiều đêm sau nữa trước khi đến Chiêm Thành, Trần Kính đều không chợp mắt.

Không lâu sau đó, khi thuyền cập vào bến, trong tang lễ của nàng, người ta đọc lên mấy dòng văn tế [8]do chính tay hắn viết.

Mãi đến khi nàng không còn ở bên hắn nữa, hắn cũng không dám nói rõ tiếng yêu nàng.

***

Mùa xuân năm Long Khánh thứ năm (1377), đại quân đánh tới Đồ Bàn[9].

Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, cho người tung tin đồn rằng đã bỏ thành chạy trốn. Trần Kính muốn tiến quân vào ngay để chiếm thành, đại tướng Đỗ Lễ vội can ngăn, hắn tức giận mắng:

- Thần phi [10]vì quốc gia mà hy sinh thân mình giữa biển, ta đánh đến kinh đô của địch lại e ngại không dám tiến quân thì còn mặt mũi nào.

Đại tướng vẫn kiên trì:
- Quan gia, thần tin là Thần phi có linh thiêng cũng chỉ mong người được an toàn.

Thanh kiếm trên tay hắn nện mạnh xuống nền đất tạo thành tiếng động lạnh lẽo rợn người:

- Người đâu, lấy y phục nữ nhân cho Đỗ Lễ.

***

Hoàng đế Long Khánh khoác áo choàng đen, cưỡi Nê Thông tiến thẳng vào kinh đô nước Chiêm Thành.

Trên người hắn, ngoài thanh bảo kiếm đã theo hắn nhiều năm, còn có một thanh đoản kiếm giắt bên người.

Quân đội vừa tiến vào nơi sâu nhất của kinh thành, phục binh từ bốn phía xông ra vây đánh.

Trái ngược với vẻ ngỡ ngàng của quân Đại Việt là tiếng reo hò vang dậy, đánh dấu sự suy tàn của một triều đại, một quốc gia...

Đỗ Tử Bình lãnh quân chi viện, cuối cùng không đến.

Người ta kể lại rằng, hoàng đế Long Khánh cùng thần mã Nê Thông đã hy sinh trong chiến trận.

Người ta cũng kể lại rằng, đại tướng Đỗ Lễ đã quên mối nhục bị ví với đàn bà, kiên cường chiến đấu bảo vệ thi thể quân vương đến giây phút sau cùng.

Nhưng có rất nhiều chuyện người đời vốn dĩ không biết được.

Rằng sau khi Đỗ Tử Bình trở về kinh chỉ bị phạt rất nhẹ rồi lại nhanh chóng được phục chức, vì nhiều năm trước đây, thượng hoàng từng có lời hứa với Trần Kính sẽ nương nhẹ Tử Bình, vì họ Trần nợ hắn.

Rằng khi tin báo tử của Thần phi và hoàng đế Long Khánh truyền đến Thăng Long, Hiếu Trinh hoàng hậu chỉ mỉm cười trong nước mắt, đốt chiếc khăn có thêu đôi uyên ương rồi mang tro thả bay theo gió.

Rằng Đỗ Tử Bình có đến tìm lại Ngọc Hoa ngày xưa của hắn, cuối cùng dừng chân trước một cái am nhỏ phía Tây chùa Triêu Khánh.

Lặng người nghe tiếng mõ...

Rằng lúc mũi tên của giặc cắm sâu vào ngực, trong đầu hoàng đế Long Khánh bỗng hiện ra nụ cười của một cô gái nhỏ. Rạng rỡ, bướng bỉnh, ngang ngược bước vào lòng hắn.

Lúc hắn ngã xuống cùng với Nê Thông, một bông hoa đào rơi xuống trước mắt hắn.

Hắn mỉm cười nhắm mắt, mang theo hình ảnh một đóa đào hoa màu đỏ, như màu của phù dung...

Đỏ như màu máu.

Như mảnh tình của người con gái ấy...

HẾT.

[1]Vào tiết Trung thu, Trần Duệ Tông có ra câu đối:

Thu thiên họa các quải ngân đăng, nguyệt trung đan quế

Nghĩa là: Trời thu, gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng

Cung phi Bích Châu đáp lại:
Xuân sắc đài trang khai bảo kính, thủy để phù dung

Nghĩa là: Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước
Nhà vua khen ngợi, ban cho đôi "ngọc long kim nhĩ" (hoa tai vàng cẩn ngọc hình rồng nổi), tặng danh hiệu là Phù Dung.

[2] Gia Từ Hoàng hậu Lê Thị là em họ của Lê Quý Ly (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư)

[3] Cung Tuyên Vương Trần Kính, sau là vua Trần Duệ Tông.

[4] Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép lại: Trần Duệ Tông khi ra trận cưỡi con ngựa Nê Thông ("Nê" dùng để chỉ ngựa có hai màu lông trắng đen, còn "Thông" là ngựa có sắc lông ánh xanh. Đây là sắc lông rất hiếm gặp ở loài ngựa).

[5] Gia Từ hoàng hậu Lê Thị là vị hoàng hậu ngoại tộc đầu tiên của thời Trần (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

[6] Đời trước, vua Trần Nghệ Tông từng bị quân Chiêm Thành đánh, phải tháo chạy khỏi Thăng Long.

[7] Nay thuộc Hà Tĩnh

[8] Nguyễn Bích Châu Tế văn: do Trần Kính viết

[9] Kinh thành nước Chiêm.

[10] Sau khi Nguyễn Bích Châu mất, Trần Duệ Tông phong nàng là Thần phi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #juju