Đợi mặt trời.
Có những buổi trưa hè nhè nhẹ, gác chân lên bàn, ung dung đánh một giấc trong mát rượi điều hòa nơi công sở, giấc mơ chợt mang em về những ngày còn đi học.
Đó là lớp học thêm Toán do bạn em giới thiệu cho. Địa điểm học là một căn phòng có điều hòa nằm kín đáo trong một gara ô tô tối tăm bên cạnh trường, có lối đi nhỏ thông hẳn sang khu thí nghiệm trường em. Trong khi viết những dòng này, em đang cố thử hình dung lại cái nơi của một thời ấy: bàn, ghế, bảng xanh, cánh cửa sắt tây han gỉ hay phát ra thứ âm thanh gai người mỗi lần mở ra đóng vào, khoảng trời hè xanh ngắt không một gợn mây - dài và hẹp như một giải phân cách, bên này là bức tường cao vút sơn trắng của trường, bên này là mái ngói bờ đô của xưởng ô tô, và bậc thang, và những hành lang tối, có lẽ em quên mất rồi! Cự Giải vẫn có tiếng là người có trí nhớ tốt, không có nghĩa họ không bao giờ quên. Từng ấy năm, trí nhớ nào là trí nhớ không bị mai một?
Những đứa học thêm cùng lớp với em ngày ấy, thật em chẳng còn nhớ được ai, ngoài đứa bạn chí cốt kè kè hết lớp Toán lại đến lớp Văn. Phải, em nhớ nó, không phải đứa bạn thân nhất của em, nhưng là đứa em hay nghĩ đến nhất, cái con bé Bảo Bình có moonsign là Cự Giải. Trùng hợp phải không? Vì cung mặt trời của em chính là cung mặt trăng của nó, và cung mặt trời của nó lại chính là cung mặt trăng của em. Cuộc sống nhiều điều thú vị, nhỉ?
Em nhớ cái mặt đầy mụn da dầu bóng loáng, mái tóc đuôi ngựa luôn trong trạng thái bê bết như dính vào da đầu. Em nhớ nó đeo một chiếc ba lô đỏ - một kiểu ba lô mà em đã từng rất thích - treo lủng lẳng hàng xâu những móc khóa Suju. Em không thích Suju, không thích K-pop và cũng không nghe K-pop, nhưng nhờ có nó mà em nhận được mặt không ít những thằng - nhìn qua thì giống nhau y sì đúc. Người mà con bé thích tên là Ki Bum, và nó cũng cực kì ghét một thằng tên là Kim Sang Bum chỉ vì thằng này lấy nghệ danh là Kim Bum - gần giống tên thần tượng của nó. Úi chà! Nó và một người bạn của nó, em không nhớ tên, cũng chẳng nhớ mặt, suốt ngày ngồi trong giờ học nói chuyện thần tượng Hàn Xẻng, nhai bỏng gạo, vẽ hình chibi của idol và gấp sao.
Cô giáo em vẫn rát họng giảng về một bài hình học khó. Đèn túyp ảm đạm sáng, ngoài cửa thi thoảng vọng lại vài tiếng bước chân xa, trong này điều hòa lạnh toát người. Em chống tay vào cằm, đôi mắt lim dim mọng nước, muốn ngủ, nhưng tiếc tiền học lại phải căng mắt ra coi. Tứ giác nội tiếp đường tròn là tứ giác có tổng hai góc đối nhau bằng một trăm tám mươi độ... Mi mắt mỗi lúc lại một sụp xuống.
Ba tiếng gõ thước nện vào mặt bảng tạo nên loạt âm thanh đanh thép có khả năng chữa trị mọi chứng buồn ngủ. Em thảng thốt giật mình, mắt lại mở thao láo.
Đây là công ty.
Cô giáo em ngày ấy, bây giờ đã về hưu. Hai năm sau khi bọn em rời trung học cơ sở, cô nghỉ dạy sau một cơn tai biến mạch máu não. Trường em chuyển cơ sở mới ngay sau khi em lên lớp mười. Phòng học ngày trước, nếu không phải bỏ hoang, hẳn đã bị biến thành một chỗ đậu xe ô tô.
... Và cái con bé suốt ngày dính với em như hình với bóng năm ấy, nay có lẽ đã chẳng còn nhớ mình vẫn còn người bạn này.
Chuyện đó xảy ra từ lúc nào? Em không biết. Chỉ biết rằng một ngày hè nắng nhạt, trong một quán trà sữa lạnh ngắt điều hòa, em và nó chẳng còn nói chuyện với nhau. Ai đó đã từng nói với em rằng : tình bạn và tình yêu khác nhau một điểm: là tình bạn không hề có một cái mốc rõ ràng, không có cuộc hẹn đầu, cũng không có lần gặp cuối, không có tỏ tình, không một lời chia tay, chỉ có hai người trong cuộc tự hiểu. Có lẽ cũng vì thế, đánh mất một người bạn có thể chẳng đau đớn bằng đánh mất một người yêu, nhưng nó dai dẳng và day dứt hơn nhiều.
Có một đêm mưa gió, đêm tốt nghiệp, mọi người ôm nhau khóc, khóc rất lâu, như tất cả những học trò chia tay phổ thông vẫn thường khóc, ai đó đã nói trong nước mắt:
"Mày biết không? Tao đã mơ một giấc mơ khủng khiếp. Trong giấc mơ tao bị chúng mày bỏ lại. Lúc ấy, dù là trong mơ, tao cũng cảm thấy rất buồn. Đến một đứa như tao còn sợ hãi, thì mày phải làm thế nào. Nếu không có bọn tao ở đây, mày phải làm thế nào ..."
Làm thế nào?
Em không biết.
Ba tháng sau lễ tốt nghiệp, lớp em đi du học gần hết. Em là một trong số lèo tèo ở lại. Cuộc đời con người như những chuyến xe bus, mỗi người một điểm dừng...
... Mặt trời vẫn cứ mọc.
Lại có những chiều muộn, khi bóng đèn com pắc treo ngoài ngõ đã bật sáng, đứng cạnh bếp canh nồi rau muống luộc, em đột nhiên nghe tiếng chiếc xe Lead của mẹ đỗ lại ngoài kia. Giật mình nhìn ra, lại chẳng thấy gì.
Em thường chẳng bao giờ phải mở cổng, vì em trai nhanh ẩu đoảng của em sẽ chạy ra trước. Ngày nào cũng vậy, lúc bảy giờ kém hai mươi phút tối, nó luôn có mặt ở nhà để mở cổng cho mẹ, không cần biết trước đó đã đi chơi tận đâu. Việc đầu tiên sau khi mở cửa không phải chào mẹ, mà nó sẽ ngó bên sườn chiếc xe xem hôm ấy mẹ có mua gì cho nó không. Sẽ là một tiếng reo phấn khích nếu là một gói bim bim hay một phần gà rán, và cũng có thể là bộ mặt ngựa ỉu xìu dài như cái bơm nếu ở móc treo đồ không có cái túi nào. Dắt xe vào nhà, câu đầu tiên mẹ hỏi bao giờ cũng thế "Bố đã về chưa con?".
Nhà mình có ba chiếc xe máy, của bố, của mẹ và của em. Nhìn thấy số xe để trong nhà, mẹ chắc hẳn đã biết, nhưng mẹ vẫn hỏi, như một thói quen. Em cũng mỉm cười, như thói quen mà trả lời mẹ "Bố chưa về mẹ ạ!".
Bởi vì hai đứa em vẫn luôn ở đây, trong vòng tay mẹ, luôn có mặt khi mẹ gọi, nhưng bố thì không. Thế giới ngoài kia quá rộng lớn để đôi tay một người phụ nữ có thể ôm trọn. Nhưng em không hiểu. Đôi lúc em cảm thấy uất ức. Tại sao mẹ chỉ luôn quan tâm đến em trai và bố. Thế còn em? Con gái mẹ, trong lòng mẹ rốt cuộc là đặt ở vị trí nào?
Trong nhà, em là đứa ít nói nhất. Mẹ mắng em câm như hến, chẳng biết tạo không khí gia đình vui vẻ gì cả. Em chỉ im lặng. Em im lặng bước vào thế giới riêng của em, đóng cửa, tách biệt. Em chưa bao giờ hi vọng có ai hiểu em, bởi đến chính bản thân em còn chẳng hiểu được em, chỉ mong mọi người hãy để em yên.
Có một đứa con, trong những bộn bề suy nghĩ và sự ích kỷ của riêng mình, quên mất rằng trong suốt những ngày trẻ dại của nó, đau ốm liên miên, mẹ nó đã phải rơi bao nhiêu nước mắt, đã thức trắng bao nhiêu đêm dài.
Mẹ em thích ăn rau muống, thích canh rau muống vắt chanh ăn với cà. Em, ngược lại, luôn ghét ăn rau, đặc biệt càng ghét ăn rau muống; nhưng bây giờ, ngày nào em cũng luộc rau muống.
Mẹ đâu rồi?
Chỉ là một buổi tối bình thường, năm em thi đại học, cả nhà ăn cơm xong, em đang rửa bát, từ nhà ai vọng lại giọng phát thanh viên của chương trình thời sự. Mẹ ngồi khoanh chân trên ghế, chăm chú lần mò chức năng của chiếc điện thoại mới tậu. Rồi đột nhiên, mẹ cười, vẫy em ra bảo:
- Cho con nghe bài này này, hay lắm này.
"Nhật ký của mẹ".
Em trước giờ ghét nhất là nhạc của Nguyễn Văn Chung.
"... Những khuya ôn bài, con thức, xót xa tim mẹ biết bao.
Từng kỳ thi nối tiếp, tuổi thơ con trôi qua rất mau
Ước chi con mẹ mai sau sẽ thành công.
Một ngày con lớn, một ngày con khôn, một ngày con phải đi xa mẹ,
Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao con vẫy vùng,
Một ngày chợt nắng, một ngày chợt mưa, lòng mẹ chợt nhớ con vô bờ,
Nhớ sao dáng hình, nhớ sao nụ cười, nhớ con từng giây phút cuộc đời...
Ở nơi phương trời xa xôi, hãy yên tâm, mẹ vẫn vui!
Vầng trăng kia sẽ sưởi ấm con, và sau cơn mưa, nắng sẽ trong,
Sẽ có một người yêu con hơn mẹ yêu..."
Em chỉ biết chạy vào nhà vệ sinh, đóng cửa, và bật khóc. Em không muốn mẹ thấy nước mắt của em, ngay cả đến cuối cùng, mẹ cũng vẫn không thấy.
Em chỉ nhớ ngày hôm ấy là ngày nghỉ, nắng rất nồng, em đang ở nước ngoài, ở đâu thì em không nhớ, và cũng chẳng muốn nhớ nữa, ngủ nướng trong khách sạn, đột nhiên điện thoại reo. Em trai em gọi đến. Giọng nó lạc cả đi, em không nghe thấy nó nói gì...
Mẹ, trên đời không có người thứ hai nào yêu con như bố mẹ yêu hết.
... Mặt trời vẫn cứ mọc.
Và có những đêm dài, lạc lối trong tiềm thức xa xăm, hoảng hốt cảm thấy mình như vừa trượt chân ngã xuống vực thẳm, em giật mình tỉnh giấc, mồ hôi lạnh ướt đẫm sống lưng, thở dài trở mình xoay người muốn ôm lấy anh, nhưng bên cạnh chỉ là chiếc giường trống hoác.
Em hít vào một hơi thật dài, tung chăn nhảy khỏi chiếc giường ấm, chân trần tìm đến chiếc tủ lạnh. Em mở tủ, mắt hơi nheo lại trước ánh sáng đột ngột, nhìn một lượt, vài thỏi chocolate chẳng biết từ bao giờ, một mớ rau muống héo quắt, hai ba túi sữa đậu nành - không khéo đã hết hạn, một khay sáu bảy quả trứng gà con so và một lô những túi ni lông căng ních nhồi trong ấy chẳng biết là thứ gì. Chẳng biết bao lâu rồi em không đi siêu thị. Lần cuối cùng em ăn cơm là lúc nào nhỉ? Không biết. Lâu lắm rồi ấy. Không có anh, chẳng còn điều gì chế ngự được bản tính lười biếng của em nữa.
Chẳng có gì hứng thú, em lại đóng tủ lạnh. Căn hộ tầng mười một trăm hai mươi mét vuông lại chìm vào bóng tối. Ánh trăng trăng trắng mờ mờ rọi lên chiếc đồng hồ quả lắc chỉ ba giờ năm phút. Còn những ba bốn tiếng nữa cuộc sống của em mới bắt đầu. Ba tiếng, em biết làm gì giết thời gian đây?
Anh rời khỏi nhà một chiều mưa tháng bảy, trong xối xả nước mắt Chức Nữ Ngưu Lang cùng sự im lặng nhạt nhẽo. Khi em về đến nhà, không còn thấy những đôi giày da của anh trên giá, không còn bộ comple anh mặc ngày cưới treo trong tủ, ngay cả chiếc bàn chải màu xanh biển vẫn cắm cùng một cốc với chiếc bàn chải màu hồng của em cũng không thấy nữa, cứ như thể anh chưa bao giờ có mặt ở đây. Anh đi rồi. Anh đi thật rồi. Giống như những người bạn em đã từng đánh mất, giống như mẹ em, đi và không bao giờ quay về nữa.
Em thay bộ đồ mặc ở nhà, bắt tay vào nấu cơm tối, cuộc sống của em vẫn thế thôi, không thay đổi.
Anh còn nhớ không, có một người đàn ông nào đó đã hỏi em rằng : "Phụ nữ sinh ra là để đàn ông che chở, cứ gồng mình lên giả vờ mạnh mẽ, để làm gì hả em?".
Em không giả vờ.
Anh vẫn luôn hỏi em có yêu anh không. Em trả lời là có. Sống với nhau từng ấy thời gian, làm sao có thể không có tình cảm? Chỉ là ... có lẽ, em yêu anh không phải như cách mà anh muốn em yêu anh. Thứ anh cần em không thể có, thứ em có, lại không phải thứ mà anh cần ở em.
Rồi mùa hè nữa lại đến, tháng bảy, anh vẫn không về. Ly thân hai năm, hôm nọ một người bạn cũ cho em hay anh đã có người yêu mới. Em cười, không trả lời - như thể em thực sự không để ý.
Cũng chẳng rõ đêm nay là đêm thứ mấy em bị mất ngủ, chắc là do công việc áp lực quá. Em co người trên chiếc sofa, bật đại một kênh truyền hình nào đấy, cũng chẳng có gì thú vị. Hai tay bất giác ôm lấy gối, em chợt thấy nước mắt trào ra không ngừng. Cái quái quỷ gì thế?
Đã biết trước kết quả, tại sao còn mong chờ? Hay chăng bản tính của con người là không bao giờ từ bỏ hi vọng?
Em không rõ. Chỉ biết rằng ở một nơi nào sâu thẳm trong tiềm thức, em vẫn không ngừng chờ đợi, đợi mặt trời của ngày mai lên.
Bao giờ mặt trời sẽ mọc?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top