CÁI LÒ GẠCH CŨ

Lão Dầm về đến nhà, đậu kịch chiếc xe gắn máy xuống trước sân, lách người qua bước vào cửa nhà, trông điệu bộ bực dọc lắm. Vợ lão nhìn chồng hầm hầm, liền biết ngay lại có chuyện gì rồi.
"Lại làm sao nữa, vừa về tới nhà mặt đã quạo đe?" Lão ta ngồi xuống cái bàn gỗ giữa nhà, mở nắp bình giữ nóng hình trái dừa khô. Tay lão cầm lấy bình trà ở trỏng, không cầm quai như người ta mà cầm thẳng vào thân bình, cũng chả thèm đổ ra ly ra tách, trực tiếp giơ lên trút vô trong miệng. Lạnh ngắt.
Uống xong một hơi ừng ực, gã mới trả lời vợ, "Bên phường mới kêu lên nữa, lại nói về cái ống khói trong lò. Thằng Bình nói nhà mình mà không đổi cái loại mới gì đó thì ô nhiễm mỗi trường, không đổi thì nó không cho làm nữa". Vợ lão nghe vậy lập tức nhíu chặt cặp chân mày, nhỏ giọng nói "Hồi sáng đi chợ, tui có gặp con Lựu, dâu nhà ông chủ lò bên kia, tui nghe nó nói má chồng nó đang kiếm người để bán đất, bán hết được cỡ bốn năm trăm triệu mới làm được ống khói lọc ô nhiễm gì đó". Giọng nói thỏ thẻ vừa đủ lọt lỗ tai, cứ như là sợ lớn tiếng quá lại làm ổng thêm bực trong mình. Nhà ông Dầm ba đời làm lò gạch, cái loại gạch vuông vuông có bốn lỗ để người ta xây nhà, ra khuôn đất sét xong thì cho hết vào lò rồi đốt trấu cho cứng. Tự dưng bây giờ bắt đổi mới cái lò, lão biết làm sao. Con Lành, con gái của lão đứng trong cửa buồng lẳng lặng nghe, cũng không dám lên tiếng. Con bé năm nay mới học lớp năm, cũng mừng thay giữa cái xứ mà già trẻ lớn bé ai ai cũng đi cõng gạch đốt lò này, nó vẫn còn được đi học. Không những vậy còn liên tục bốn năm năm đứng nhất đứng hai. Vợ chồng lão Dầm cũng nở cái lỗ mũi.

Gần một tháng sau, hai vợ chồng chạy ngược chạy xuôi, mượn chỗ này vay chỗ khác cũng được gần hai trăm triệu. Lão cầm tiền, nói với vợ phải lên Sài Gòn một chuyến. "Tui phải đi coi người ta làm cái ống khói đó làm sao, tiện đường dạm thử coi rẻ nhất thì mất bao nhiêu tiền, đỡ được mớ nào hay mớ đó." ban đêm trong buồng lão nói khẽ với vợ như vậy. Vợ lão cũng không biết tính toán như đàn ông, chỉ đành thở dài, rồi hỏi "Vậy ông đi với ai? Tui mắc ở nhà lo cho con Lành, ông đi Sài Gòn lạ nước lạ cái, đâu có đi một mình được." Lão Dầm nghe vậy bèn trấn an vợ, lão nói "Tui đi với một ông người Sài Gòn, ổng xuống đây du lịch thăm thú gì đó, hôm qua mới nhậu chung bên nhà ông Bảy, ổng nghe tui nói tính đi Sài Gòn, cái đứng ra nhận dẫn đi". Vợ lão cũng không còn gì để nói, chỉ nhắc nhẹ chồng mình là cẩn thận, cầm tiền trong mình thì đừng có tin tưởng nghe lời người ta quá. Lão ta cười hề hề, nhắm mắt đi ngủ.

Lão đi một chuyến này biệt tích gần một tháng, lúc về nom khác hẳn. Trông như... người Sài Gòn. Bà Vịnh vợ lão vừa nghe chồng về liền tức tốc bỏ rổ rau đang lặt chạy ra cửa, con Lành ngóng theo nhìn má nó. Bà đưa tay xách lấy cái giỏ đồ lão cầm trên tay, miệng ríu rít hỏi sao rồi, có làm được không, thiếu đủ ra làm sao. Nhưng lão im im chẳng nói chẳng rằng, xăm xăm đi vô buồng. Bà liền biết có chuyện chẳng yên rồi. Bà Vịnh đi theo lão, nhất quyết hỏi cho ra "Tiền đâu rồi, có làm được công chuyện không?" lão im lặng một hồi, mới mở miệng ra trả lời "Bao nhiêu đó làm sao mà đủ, thấm tháp gì mà hỏi theo quài", bà Vịnh nghe thấy vậy xây xẩm cả mặt mài. "Ông nói như vậy là làm sao? Mấy trăm triệu bạc đi mượn đi hỏi người ta, chứ có phải giấy lộn đâu. Tiền ở đâu hết rồi, ông lấy ra đây, chưa làm được là còn tiền đúng không". Lão Dầm lại tiếp tục im lặng. Bà Vịnh đứng chết như trời trồng, bắt đầu gào khóc "Trời ơi là trời, tiền bạc của người ta, giờ tiền đâu mà trả. Ông đi nuôi con nào trên đó, ông bắt nó trả tiền lại cho tui" vừa giẫy nẫy vừa khóc lóc um sùm. Lão Dầm xáng cho bà một bạt tai, sau đó hai vợ chồng như kẻ điên lao vào nhau hết đánh lại chửi. Ông Bảy kế bên nhà thấy vậy mới lẹ tay lẹ chân chạy vô can ra. Lão Dầm thấy mất mặt, rầm rầm dắt chiếc xe máy chạy ra khỏi nhà. Vợ lão ngồi sụp xuống khóc một hồi lâu, cũng đứng lên đi vô buồng, đóng cửa rầm một tiếng. Ông Bảy thấy vậy bèn đi về nhà mình. Chẳng ai để ý tới con Lành, nó thu mình lại một cục, chen xuống ngồi dưới chân bàn bếp kế bên lu gạo, hai tay ôm lấy chân, úp mặt vào đầu gối. Đứa con nít mới mười tuổi đầu, chả biết làm sao, ôm chân ngồi thừ ra đó, cũng không biết khóc đến lúc nào, mệt lả ngủ mất không hay.

Một thời gian lâu sau, trong nhà cũng im ắng lại, bà Vịnh không thèm hỏi chồng tiền đi đâu rồi. Lão Dầm bán lại cái lò gạch cũ đó để trả bớt một phần tiền, bắt đầu nay đây mai đó đi làm mướn cho người ta, ai thuê gì làm nấy. Bà Vịnh cũng đi xin làm trong nhà may trên huyện, biết là bỏ con Lành ở nhà không được, nhưng không làm thì lấy tiền đâu mà trả nợ, với lại dù gì nó học cũng giỏi giang, thôi thì gáng cho nó học tiếp.
Bà Vịnh chỉ chú tâm lo vào việc kiếm tiền, hai vợ chồng đi làm từ sáng tới tối muộn mới về nhà, con Lành mới lớp năm đã phải tự mình làm hết công chuyện nhà, rồi bắt đầu tập nấu cơm nấu nước. Ai cũng quen dần với cuộc sống nợ nần, duy chỉ có lão Dầm là không. Lão không cam lòng, từ làm chủ thành đi làm mướn, lão thấy nhục với lũ bạn nhậu. Tánh gia trưởng nặng nề, chắc là truyền xuống từ ông nội con Lành, lão không bao giờ nhận lỗi về bản thân. Dần dà trong những bữa cơm, lão Dầm rót vào tai nó những lời đổ lỗi nào là "Tại vì dượng ba của mày không chịu bán miếng đất của ổng cho tao mượn tiền, nên tao mới lỗ một đống" rồi tới "Tại ông chủ lò gạch bên sông tự nhiên đua đòi làm chi, phải ổng mà không chịu làm, thì thằng Bình cũng đâu có kêu tới tao". Tất cả đều là lỗi của người ta, còn ổng không làm sai cái gì hết, như thể hai trăm triệu kia chưa hề tồn tại trên đời. Con Lành riết cũng quen, coi như điếc lác, không nghe thấy gì. Lão Dầm thấy con gái không nghe liền nổi cơn tam bành, từ đó những trận đòi roi bắt đầu.

Trước năm mười tuổi, Lành cảm thấy cái xóm lò gạch này không có đứa nào sướng như nó hết. Tại nó học giỏi, nó đòi mua đồ chơi, ba má nó lập tức chở đi mua. Cả cái xóm này có một mình nhà nó mua được chiếc xe gắn máy, vậy mà có lần nó leo lên phá làm ngã xe ba má không những không rầy la, mà còn xúm xít lại hỏi nó có đau không, dỗ dành nó. Nhưng những ngày tháng đó qua rồi. Nhà nó không còn như hồi trước nữa, chiếc xe kia hôm qua vừa mới bán. Còn người đàn ông nó gọi là ba kia, người mà ngày trước dỗ dành xuýt xoa nó, giờ đây mới là người mang cho nó những đau đớn nhất. Hồi ông bà nội chết để lại cả tủ chén dĩa, mỗi lần ba má nó cãi lộn lại đập một mớ, tới cái cánh cửa tủ cũng không còn nguyên vẹn. Đồ đạc trong nhà, vớ cái gì thì chọi cái đó, con Lành còn nhỏ, cũng không biết đường tránh kịp. Tính ra sau này nó đếm lại thì cũng ăn đủ cả, lão chọi nó từ cái chén cái dĩa, tới ấm nước trà mới châm còn sôi. Đánh nó bằng mấy cây móc phơi đồ, rồi cần câu dây điện, giẻ lau nhà, không sót một món gì. Dần dần nó cũng quen với cuộc đời đó.

Lành cứ sống như vậy được sáu bảy năm, tới năm nó đủ tuổi biết suy nghĩ, nó tính ra được tương lai rồi. Sau này nó muốn đi Sài Gòn học đại học, biết nhà mình không đủ tiền, hơn nữa lão Dầm chắc chắn cũng sẽ không cho nó học đại học, nó cắn răng đăng kí một trường đại học trên Sài Gòn, dù có lên đó ngủ ngoài đường, hay làm mướn làm thuê để có tiền đóng học phí thì nó cũng phải đi. Chỉ có đi xa mới có tương lai, mới thoát khỏi cái xóm lò gạch khổ cực này, thoát ra khỏi cuộc đời mà nó đang sống.

Ngày hôm đó nó đi bộ lên trên huyện, tới chỗ bưu điện chờ thư báo đậu. Cầm lấy lá thư trong tay, Lành cảm giác như mình được sống lại mấy trăm lần, bao nhiêu khổ cực bây giờ liền bay sạch bách hết rồi. Lành xếp lá thư làm đôi, nhét vô trong túi áo, về tới nhà nó lập tức dọn quần áo vô trong cái balo cũ mà nó mang suốt ba năm phổ thông. Lão Dầm về đến nhà tằng hắng mấy tiếng, vì giờ này mà chưa có cơm ăn. Lành nghe tiếng liền giật mình chạy vô trong bếp, bắt đầu hâm canh, dọn cơm lên bàn. Nhưng vẻ mặt hớn hở chưa tắt của nó bị lão Dầm nhìn thấy. Lão lập tức hỏi "Mày vui vẻ cái gì? Tao vừa nghe bà Tư bán rau nói mày đi lấy giấy báo đại học?" Lành giật mình, ngước lên một chút nhìn lão, thấy mặt lão dửng dưng không có tức giận, mới dạ một tiếng. Vừa dạ xong liền nghe tiếng lão cười, tiếng cười khinh rẻ phát ra từ cha ruột dành cho mình, đau đớn tới cỡ nào. Lão ta nói bằng cái giọng nghênh nghênh "Mày mơ cũng đẹp quá, nghỉ học, không có đại học đại hẹo gì hết, tao mới nghe chỗ đông lạnh làm cá ba sa trên huyện đang thiếu người, mai mày đi xin làm liền đi". Lão nói bằng giọng chắc nịch. Một lúc sau không nghe tiếng Lành trả lời, lão mới ngợ ra cái gì, đứng dậy đập mạnh chén cơm xuống bàn, hột cơm văng tung tóe, bắn cả vào tay Lành. "Mày tính học đại học? Mày mơ ngon quá, cái nhà này không có tiền cho mày học đâu, mày mà dám xớ rớ coi chừng tao chặt giò mày." nói xong lão xoay sang tủ bếp, rút cây dao phay mẻ đập mạnh lên bàn, rồi đứng dậy bước vô buồng. Còn con Lành đang ngồi trên bàn nãy giờ, vẫn bất động như vậy, đôi đũa chưa kịp hạ xuống. Một giọt nước mắt lăn xuống má bên trái của nó, Lành cứ tưởng bảy năm nay nó đã quen dần với cuộc sống này, nhưng hóa ra nó vẫn khóc được. Nó đứng dậy dọn bàn, lụm từng hột cơm vào cái chén của ba nó, mang ra đổ cho gà ăn. Sau đó đi vào trong phòng ngồi phịch xuống giường, nó nhìn chăm chăm vào cái balo dưới chân bàn. Quyết định rồi.

Bốn giờ sáng nó ra khỏi nhà, trên vai mang theo cái balo đựng mấy bộ quần áo cũ, trong đó vỏn vẹn hai trăm tám chục ngàn tiền mua vé xe đi Sài Gòn. Nhìn thấy nhà bà Tư sáng đèn, chắc là dậy sớm chuẩn bị lấy rau về bán. Lành suy nghĩ một lúc, mới đi lại gần, bà Tư thấy nó thì cũng hơi giật mình, kêu nó vô nhà hỏi coi đi đâu mà đi giờ này. Lành chỉ đành nói "Con đi chỗ khác làm, kiếm tiền gửi về cho ba má con" bà Tư gật gù cũng không tiện hỏi nhiều. Lành nhìn qua thấy cái điện thoại bàn, nó bèn hỏi xin số, nó nói "Có gì mai mốt con có tiền gửi về cho ba má con, thì con gọi nhờ bà Tư kêu má con ra nhận" bà nghe vậy thấy có lý, xé đôi tờ giấy lịch, lấy cây màu sáp thằng cháu ngoại vứt chơ vơ trên bàn, ghi cho nó mấy con số. Lành cầm tờ giấy liền lẹ tay lẹ chân rời đi. Sáng hôm sau vợ chồng lão Dầm hốt hoảng tìm con Lành, bà Tư mới vỡ lẽ, nhưng mà bà cũng chỉ biết nó đi làm, không biết làm ở đâu, nên bà không chỉ được.

Hai năm sau mọi chuyện cũng lắng xuống, ở cái xứ lò gạch nghèo cũ này năm nào chả có người bỏ xứ đi xa, riết rồi cũng quen. Lão Dầm suốt ngày chửi nó bất hiếu, rồi thì mất dạy, xong lại quay sang chửi vợ lão không biết dạy con. Bà Vịnh ngồi im mặc kệ lời lão nói, bà đưa tay vào túi áo, nắm chặt hai triệu con Lành gửi về. Nó gọi điện nhờ bà Tư nói nhỏ với má nó ra nhận tiền, đừng cho lão Dầm biết. Hai năm nay nó gửi tiền mười mấy hai chục lần, bà Vịnh đem trả bớt nợ mà lão Dầm gây.

Thời gian thấm thoát trôi qua, chỉ còn hai ngày nữa là con Lành tốt nghiệp đại học trên Sài Gòn, nó được một công ty dệt may mời trước về làm trong văn phòng quạt gió, chỉ cần vừa tốt nghiệp là lập tức nhận ngay. Thế mà ngay lúc đó ở dưới quê, lão Dầm đi nhậu với mấy thằng bạn hồi xưa cho lão mượn tiền, tự nhiên nghe nói vợ lão có tiền trả nợ cũng hú hồn. Lẩm nhẩm trong đầu gì đó không ai nghe, lão uống thêm gần một xị, mới lững thững đi về. Vừa tới cửa nhà đã la um sùm "Con Vịnh đâu, mày ra đây, ở đâu mà mày có tiền, có tiền mà không đưa cho tao, hại tao mấy năm nay nghèo khổ nhục nhã với tụi thằng Lũ, ở đâu có tiền, thằng nào cho mày?" lão định sẵn một bụng lời để kiếm chuyện cho bà Vịnh lòi tiền ra, chửi mãi không thấy ai trả lời, lão bước vô bếp, thấy bà đang lo cơm nước không thèm để ý lời mình nói bèn rút con dao đặt trên tủ bếp xuống, cái con dao sứt mẻ rỉ sét mà mấy năm trước hắn đập bàn trước ngày con Lành bỏ đi, giờ đây chĩa vào mặt vợ lão.
"Mày đưa tiền ra đây cho tao, tiền đâu, mày không đưa tao chém mày đó"
Bà Vịnh đã co đầu rụt cổ mấy năm nay, tự nhiên bữa nay lại nổi đóa, bà quát lại "Mày có giỏi mày chém đi, tiền đâu ra cho mày, suốt ngày ăn nhậu không được tích sự gì." hai vợ chồng cưới nhau hơn hai chục năm giờ nay lao vào đay nghiến nhau.
Gần nửa tiếng sau, lão Dầm lững thững bước ra khỏi nhà như cái xác không hồn. Ông Bảy nghe tiếng cãi vã nãy giờ định vào can, đột nhiên nhìn thấy trên tay lão Dầm lỏng tỏng nhỏ xuống đất hai giọt máu. Lão quay người chạy ngược ra đường la lên "Trời ơi, thằng Dầm nó giết người rồi, bà con ơi thằng Dầm nó giết người rồi". Hàng xóm xung quanh bu lại cửa nhà lão Dầm. Lão thấy thằng Lũ bạn nhậu của mình đứng như trời trồng nhìn lão, tựa như thế đang hoảng sợ thứ gì đó không phải con người.

Lành xếp bộ đồ cử nhân chuẩn bị cho ngày kia mặc làm lễ tốt nghiệp. Xếp một lần xong nó lại bung ra nhìn, cười tủm tỉm rồi xếp thêm lần nữa. Đột nhiên cái điện thoại trên bàn rung lên è è hai tiếng, nó nhìn thấy số bàn nhà bà Tư hiện trên màn hình, một cảm giác bất an đột ngột dâng lên, từ trước tới nay chỉ có nó gọi về nhờ bà Tư kêu má nó, đây là lần đầu tiên bà gọi lên. Nó run tay, cầm lấy cái điện thoại bấm nghe máy. Giọng đầu dây bên kia ồm ồm, nói hơn hai phút đồng hồ, nhưng nó đã chết trân từ câu đầu rồi.
Bà Tư nói "Lành ơi, thằng Dầm nó đâm chết má mày rồi, công an gông đầu nó về đồn mà nó đánh công an rồi trốn, coi chừng nó đi kiếm mày". Bốp một tiếng, điện thoại rớt xuống bắp đùi con Lành, làm nó hoàng hồn lại, hai mắt nó mở thao láo, nhưng lại như người đã chết rồi. Nó thì thào trong miệng kêu mấy tiếng "Mẹ ơi". Xong đứng dậy bước ra khỏi phòng trọ, không thèm khóa cửa phòng, cũng không còn biết mang dép. Chẳng ai biết nó muốn đi đâu.

Đám tang của bà Vịnh được người trong xóm xúm lại phụ giúp, người đem qua nải chuối, người đem bó nhang. Bà Tư đi gấp gáp về đem bộ đèn cầy qua cho mượn mà quên tắt vô tuyến.
Nghe trên đài người ta nói vớt được xác của một cô gái lạ không biết danh tính trôi trên sông Sài Gòn. Nhưng bà Tư đi rồi, cũng không có ai nghe được tin này.
Cái xóm lò gạch vẫn không thay đổi gì, chỉ là cái nhà của vợ chồng lão Dầm từ đó gần như thành nhà hoang, chồng giết vợ rồi trốn biệt tăm, đứa con gái cũng không thấy bóng dáng. Mà biết sao được, trên đời này mỗi người một số phận, mười mấy hai chục năm sau ai còn nhớ ông chủ của cái lò gạch ngày xưa.

An Giang, ngày 26 tháng 2 năm 202

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top