Truyen Ngan 6

Quán nhớ

Nguyễn Ngọc Tư

Trong đám bạn nhỏ cùng xóm, lớn lên tản mác, chỉ nó là người đi xa nhất, cách núi sông đã đành, mà còn cách biển, bên này bên đó không thể cùng lúc ngắm mặt trời lên. Lâu lắm nó mới về, nó bảo, bây giờ xứ mình cái gì cũng khác, nhờ có tình bạn tụi mày mà tao còn biết đường về, nhờ một thứ nữa là cái tiệm tạp hóa của dì Hai, may, cứ nhìn tiệm đó mà tao không lạc.

Lối sống văn minh không làm nó quên tiếng tiệm ngày xưa, ngày mà cả nó và tôi còn nhỏ xíu, ngày nào má nó cũng kêu thằng Út ơi, thằng Út à, chạy lại đằng tiệm mua giùm má ít đồ. Bữa sáng chạy ra mua tương mua củi về nấu bữa cơm sớm cho má nó lót lòng đi làm phụ hồ, ba đi đạp xích lô, trưa cả hai người về, cho đỡ mệt. Chiều xách chai mua dầu về thắp đen, bữa nào ba nó vui, muốn nhâm nhi với mấy ông bạn, nó đong thêm xị rượu. Nó biết đi tiệm mua đồ từ lúc còn chưa biết mặt của mấy tờ giấy bạc, ở nhà đưa tiền, nó chạy lại xòe tay ra mấy tờ bạc bèo nhèo đưa dì Hai, ?má con dặn mua hết bi nhiêu đồng muối?. Dặn mua ít món còn nhớ, dặn nhiều nó phải vừa đi vừa nhẩm, gặp cái chạc cây, vấp ngã, quên mất, lại phải mếu máo chạy về hỏi lại. Ở nhà sai biểu cái gì còn mê chơi, dùng dằng chứ bảo đi tiệm là nó te tái đi ngay, mua món đồ còn dư một vài trăm, thể nào dì Hai cũng thối lại bằng mấy cục kẹo chanh, kẹo dừa xanh xanh đỏ đỏ, ngọt dai dẳng cả một tuổi thơ của đám con nhà nghèo.

Tiệm tạp hóa của dì Hai cất dửa mé sông, nhà nhỏ, hàng hóa chất đầy ra lối đi, treo lùm đum líu đíu không thấy được đầu người. Nhỏ vậy, chật chội vậy mà dường như hỏi món gì cũng có, gạo củi mắm muối thì nói gì, tiệm có cả những thứ năm thì mười họa mới bán được một lần. Chen chúc nhau những kệ cao kệ thấp, thùng nhỏ, thùng to, hủ sành, hủ mủ? không có cái thứ tự nào cho món lớn nhất như sịa nia thúng mủng, nhỏ nhất như cục đá lửa, cái dao lam? Bạn tôi nói với tôi rằng, mười mấy năm qua, mỗi lần bước vào những siêu thị hàng hóa bày bán hào nhoáng, nó vẫn thường nhớ tới tiệm của dì Hai, nó nói có một cái gì đó đầy sự sống, ấm áp trong cái quán bề bộn, hỗn độn của dì. Nên nhớ nhiều lắm. Nhớ đùm cốm gạo treo trên vách, mấy cái keo đựng bánh kẹp, bánh men, cái diệm đựng củ cải muối để kế bên rổ hột vịt, ở góc nhà là thạp đường mía vàng ong óng, một lần nó lén lấy tay múc thử, dì Hai rầy, ?cái thằng sao ở dơ ở dáy vậy con, sao không nói để dì lấy dao xắn cho?. Nó còn nhớ nắp đậy trên cái lon đựng tiền lẻ của dì lúc nào cũng dính dâm dấp bột gạo, bột củ năng. Qua bao nhiêu năm rồi, nó vẫn thắc mắc, tự hỏi, làm sao dì nhớ rành vị trí từng thứ hàng hóa trong tiệm của mình, để người ta hỏi cái gì, dì lẹ làng, phăm phăm lôi ra ngay thứ ấy, mà từ cái chỗ đôi khi ta không ngờ tới. Tôi cười, với dì, cái tiệm đó có một trật tự riêng, tụi mình không biết được đâu.

Bởi dì đã mở tiệm hàng này từ lúc chúng tôi chưa được sinh ra. Có vài ba cái tiệm như thế cho xóm lao động nghèo nhưng không có cái nào lâu đời như tiệm của dì. Mỗi gia đinh trong xóm nhỏ nầy, ai đi ai đến dì rành hết thảy. Buôn bán lâu năm, dì còn thuộc nết ăn, xài từng nhà. Như cậu Ba chỉ thích ăn bí hầm dừa với đường mía, vừa ngọt vừa thanh, dì Chín mê món cháo trắng ăn với cải xá bấu, sáng nào cũng nấu, nhà mợ Bảy thích xài xà bông bột hơn loại kem? Với cư dân trong xóm, khi đã vượt qua được đận cơm ngày hai bữa thiếu trước hụt sau, ai cũng tự hỏi, hồi đó sống sao được nếu vắng những tiệm buôn bán lẻ trong xóm mình ha. Làm ngày nào đủ chi ngày ấy, đủ hai ký gạo, hai trăm đồng muối, năm trăm đồng đường, với bột ngọt, tương, chao? lắt nhắt, vụn vặt, không người bán biết mua ở đâu. Rồi mấy đứa con gái đểnh đoảng như tôi vất vả biết chừng nào, đôi khi không lấy được chồng chứ hỏng phải chuyện chơi, vì lâu lâu vô bếp một lần, đang nấu canh, kho cá, tá hỏa lên trong nhà hết đường hết muối, sai đứa con nít chạy lẹ ra tiệm mua về nêm vẫn kịp, thiệt hú hồn, may quá. Lớn lên, xa nhà, đi rày đây mai đó, nhớ về xóm cũ, từng cái cây ngọn cỏ, con đường dường như mỗi thứ đã trở thành một phần đời? Cả cái tiệm tạp hóa bình dị, mộc mạc của người đàn bà góa chồng hiền hậu mà cả đời chẳng đứa nào quên tên gọi: dì Hai.

Nó lại thăm, dì Hai than lúc nầy già cả rồi, con mắt ngó không thấy đường, đêm nào cũng nghe đau nhức mình mẩy. Dì nắn bóp tay nó (cái bàn tay chuyên môn lén quẹt đường mía ăn), khen lúc nầy con lớn quá, mập ra. Nó cười, thì mười mấy năm rồi còn gì, xóm xưa trở thành phố thị, hàng quán tíu tít mọc lên. Mọi thứ đã đổi rồi, sao dì với tiệm của dì không thay đổi gì hết vậy? Dì Hai cười, nếu cái gì cũng đổi hết thì bây biết đường đâu mà về.

Tôi thấy chút xíu nữa nó đã rớt nước mắt. Nó nén lòng, mếu máo cười, bảo, ?Lâu quá, hỏng ăn kẹo của tiệm dì Hai, dì bán cho con năm trăm kẹo đi, dì!?. Dì cười, ?Cái thằng, buôn bán gì, lâu lâu con mới về, dì đãi?, rồi dì lụm cụm lấy cho nó một vốc kẹo dừa.

Hồi xưa nó cũng chỉ mê mỗi món kẹo dừa, mê tới mức cả hàm răng sún hết trọi.

Tác Giả: Nguyễn Ngọc Tư

Người con gái không đợi nơi đầu dốc

Dương Bình Nguyên

Không còn ai đứng đợi tôi trên đầu dốc nữa.

Cô gái ấy đã đi rồi. Tôi nghĩ là cô đi lấy chồng. Cả thị trấn nói cô bị bán qua Đài Loan. Tôi chậc lưỡi, qua Đài Loan cũng là một cách lấy chồng. Cô ấy đẹp. Đàn ông nào cũng sẽ mê gái đẹp. Nhưng tôi tiếc một người đã đứng đợi tôi suốt bao nhiêu mùa đông trên đỉnh dốc có cây thông già như mái nhà rông...

Thị trấn bây giờ rất khác, nhà xây đẹp lên nhiều, mọi thứ đều khang trang. Thế nên cây thông đầu dốc bỗng trở nên chênh vênh. Người ta đang bàn xem có nên đốn hạ nó hay không, nếu hạ gỗ xẻ ra cũng được vài chục khối, bán đi cũng được một món tiền, chia nhau cũng đủ một cái Tết. Nhiều người thấy tiếc vì dù sao nó cũng là nơi trú ẩn của biết bao miền ký ức. Tôi đọc ở đâu đó rằng, ký ức là nhiên liệu cho sự sống. Ắt hẳn cái cây già này là một thứ nhiên liệu tỏa hương ấm suốt những mùa đông. Tôi được gọi về vì tôi là người học cao học rộng nhất con phố nghèo này. Người ta muốn nghe cái lý của người có chữ. Tôi về. Thực ra không đủ sến để buồn thương cho một đời cây. Nhưng cũng thấy tiếc vì suốt một tuổi thơ bóng mát. Cuối cùng mọi người đồng ý để lại, chỉ vạt bớt những cành già chùm lên một mái nhà. Cây thông còn. Riêng cô gái ấy thì đi mất.

Tôi hỏi cha tôi, cô ta đi đâu? Cha tôi bảo, nó đi đâu mặc xác nó. Sao mà mặc xác? Ngày xưa con yêu cô ấy đấy chứ? Thế sao mày không ở nhà mà giữ? Mày đi đú đởn với gái phố, giờ về ủ rũ tiếc thương cái gì? Vớ vẩn! Cha tôi là thể loại đàn ông khẩu xà tâm Phật, lúc nào cũng muốn bổ vào mặt người khác. Người như thế thì tốt bụng, nhưng không được đàn bà ưng. Thế nên tôi chẳng cần hỏi cũng biết vì sao mẹ tôi đi mất. Mẹ tôi đi khi tôi còn chưa biết buồn. Tôi chỉ tiếc người con gái chờ tôi nơi đầu dốc, đưa cho tôi những quả sim chín mọng rồi chạy ù lên đồi, giấu mình sau những lùm cây. Cô gái thật ngốc!

Cha tôi có một vóc dáng đẹp. Ông có được một món của lớn ông nội tôi để lại, nên sống một đời nhàn nhã. Nhưng như một cái mệnh, cha tôi không giữ được cho mình một người đàn bà. Khi tôi mười bảy tuổi, tôi phát rồ phát dại lên không hiểu vì sao cha tôi sống được như thế bao nhiêu năm. Đôi khi tôi vật vã ân hận vì tôi đã lấy đi của ông cả sinh lực và những ham muốn của một người đàn ông. Tôi đi tìm cho cha tôi những người đàn bà quá lứa lỡ thì. Họ say cha tôi như điếu đổ. Cha tôi cười khinh khỉnh, nhóc con đừng có mà điên. Rồi nói như bổ vào mặt người ta. Người ta khóc, bỏ về. Cha tôi thêm tiếng hâm gàn. Cha tôi chắc muôn đời không thể lấy thêm được một đời vợ.

Năm nay mùa đông như đến rất sớm. Hoặc vì tôi thấy thị trấn rất vắng khi cô gái ấy không còn chờ mình mà thấy lạnh lòng. Lòng tham của con người ngộ thật. Thỏa thuê mọi chốn mà tôi vẫn thấy mất mát khi cái mà mình ngỡ như mặc định ở đầu dốc ấy bỗng chốc ra đi. Rõ ràng cô ta không thuộc về tôi, dù có yêu tôi trong chốc lát, tình yêu như một trò chơi thi vị. Tôi thích một người chờ đợi. Nhưng tôi không có ý định cưới cô làm vợ. Đôi khi tôi tự giải vây tội lỗi cho mình rằng, trong máu của mọi gã đàn ông đều có dấu vết của Sở Khanh.

Dạo này cha tôi tân kỳ hơn xưa. Ông mua một chiếc điếu cày kiểu cọ bắt mắt hay thấy các đại gia trong phim truyền hình Việt Nam sử dụng. Một cái gốc hóp được vót kỳ khu, những cái rễ như những bộ râu thêu rồng vẽ phượng. Cha tôi bảo ông mua cái này trong chuyến đi nghỉ mát. Dạo này dân thị trấn có phong trào nghỉ mát, cứ mùa hè lại thuê một chuyến xe rồi chất nhau lên, nhóc nhách xuống biển. Cha bảo, đi biển toàn thấy đàn ông đàn bà trần như nhộng, phơi đùi phơi mông tênh hênh. Chẹp, chả còn ra làm sao, cứ như là sắp lao vào nhau mà chiến đấu! Tôi không biết cha tôi tắm biển mặc đồ gì. Cha tôi bảo, ông mặc cả bộ quần áo dài, lội nước chơi, nước biển mặn bay vào mắt sợ bị mờ. Ông là người làm rừng, mắt ông phải sáng hơn mắt cáo. Với lại biển chỉ là một bãi nước rộng hơn cái ao, ông cũng chẳng thiết tha. Tôi cười ông, giờ bói cũng chẳng còn rừng, cái thị trấn này đã nhốt rừng vào những căn nhà, biến hình rừng thành tivi, sập gụ, là những chiếc tủ lạnh chỉ để làm đá lạnh thả vào cốc nước đun sôi cho giống thành phố mùa hè. Cha tôi vẫn thích được gọi là thợ rừng. Nhưng thực ra ông đã quanh quẩn bộ sa lông bóng loáng của mình mười mấy năm.

Cha tôi có một bình rượu rắn rất to. Những con rắn ngóc đầu trong màu rượu sánh. Cha tôi nói rượu rắn chữa được bệnh đau khớp, đau lưng. Ông thích chiết một cái bát sành rượu rắn cốt, rồi pha với rượu gạo mới nấu, ngồi nhâm nhi và kể về những cuộc vây bắt rắn hổ mang. Tam xà, ngũ xà...và những tích tục của những bầy rắn trong bình rượu, đó là một cái hứng bất tận. Mỗi đêm trong ánh bếp lấp loáng, bất giác nhìn vào cái bình óng ả với những đầu rắn nhấp nhô, tôi thường cảm thấy sống lưng mình dựng đứng, như có một bầy hổ mang đang chạy ngược lên tới đỉnh đầu. Về sau này, khi bia rượu sần sần, tôi hay nghĩ tới bình rượu ấy và vội vàng lao vào toilet để tháo ra bằng hết những gì vừa uống. Và tôi cảm thấy mình mệt kinh khủng. Nhưng tôi không ghét cha tôi vì điều này. Người thành phố bây giờ cũng ngâm rượu rắn ầm ầm, uống rượu rắn rùng rùng, cả rắn thật và rắn giả. Người ta uống vì nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng trở nên xung mãn. Cha tôi nói, bình rượu của ông hôm trước có tên bơm từ thành phố lên gạ bán mấy chục triệu đồng. Ông bảo để chờ tôi về, hỏi ý tôi rồi ông mới bán. Cái gì của ông cũng có thể bán ra tiền. Tôi bảo, cha để mà uống. Cha tôi chậc lưỡi, rượu này bổ phải biết, uống một chén là thấu trời mây. Cha tôi đã ngâm rồi chiết cái bình rượu này không biết bao nhiêu năm. Có thể ông say vì cảm giác chứ không vì rượu. Đời nhàn, say đôi khi cũng là một niềm vui.

Ngày trước, cha tôi hay uống rượu với chú Lừng. Lần này cha tôi chỉ uống rượu một mình. Ngày trước, mùa đông sương rơi rất nhiều, rơi xuống mái nhà tôi như những cơn mưa. Bây giờ, sương không buồn rơi nữa. Cây thông già đứng trên đầu dốc nhìn xuống, như một bóng gấu xù xụ, ngồi gục mình để sưởi ấm mình. Đơn côi. Tôi đi gọi chú Lừng cho cha tôi có bạn rượu. Tôi sợ nhìn cảnh những con rắn lập lờ trong bình và nuốt một phần thân thể nó vào trong người. Cha tôi bảo, đừng gọi, thằng đó nó không qua đâu. Tôi hỏi tại sao? Cha tôi bảo, chả sao, nó chẳng ra cái gì hết. Cha tôi với chú Lừng từng là bạn thân thiết, làm bẫy đánh hổ suốt bao nhiêu năm, giờ già như những gốc cây lại tự dưng chán nhau đến mức không buồn gặp. Tôi hỏi, chú ấy làm gì? Cha tôi bảo, nó chẳng làm gì, nhưng cũng chẳng ra gì. Tôi gọi chú Lừng. Chú Lừng ậm ừ, dắt con dao vào thắt lưng rồi đi qua. Chú Lừng bước đi nặng bình bịch, cái đầu bạc trọc lốc, những chân tóc như những sợi mây dính tuyết nhú lên trong một ngày mùa đông nào đó rất cũ. Hai ông già ngồi bên bếp lửa, uống rượu lừ đừ. Họ rất ít nói. Tôi nằm trong cái nệm rơm, gật gà ngủ. Từ lâu rồi, về nhà tôi không còn thấy nệm rơm ấm như trước, bếp lửa cũng không ấm như trước. Tôi không trách nệm rơm, không trách bếp. Tôi trách lòng mình không còn ấm như nệm rơm...

Tôi đã lơ mơ một giấc rất dài trong trạng thái mê sảng vạ vật. Thi thoảng có nghe tiếng gằm ghè của hai ông già. Họ thường hậm hực vì một điều gì đó rồi nuốt cả vào bụng bằng những chén rượu. Hình như chú Lừng có văng tục câu gì đó trước khi tôi choàng tỉnh dậy. Cha tôi nói, hình như cha tôi miêu tả lại một câu chuyện tình. Một thứ tình cảm gì đó bất thường. Một thứ ánh sáng cuối đường hầm. Chú Lừng chửi, mẹ kiếp, nó là con tôi, nó là bạn gái thằng cháu, thế mà... Cha tôi không nói được gì. Cha tôi lại uống rượu. Rồi hai con gấu già lao vào nhau trong đêm khuya. Họ vật nhau. Tôi ngồi bật dậy và nhìn họ. Những ông già gân cốt mạnh khỏe! Tôi nhìn họ. Tôi thích sự khỏe mạnh này. Nhưng tôi không thích họ vật nhau vì một điều như thế...

Rồi sẽ qua một mùa đông. Và rồi sẽ đến Tết. Tôi thấy mình thực sự là một đứa con bạc bẽo. Nhưng sao tôi chỉ muốn ra đi và không muốn về. Thị trấn chỉ có mỗi cây thông già, đứng trân mình như mái nhà rông. Còn người con gái ấy đã đi rồi, không còn ai đợi tôi nơi đầu dốc...

Tác Giả: Dương Bình Nguyên

Vui Buồn Internet

Tác giả: Nguyễn Khoa Hiền Trang

- Ê! Nhóc!

Nhỏ quay lại. Anh Hai đang lắc mạnh đầu, thiếu điều muốn văng cả mớ tóc bù xù ra.

- Nè, sao nhóc càng ngày càng "boy" vậy? Cái nón hồng có nơ bữa huynh mua đâu sao hổng đội lại tròng vô đầu cái nón lưỡi trai bạch thếch đó?

Nhỏ cười cười, khoát tay:

- À, em cho nhỏ bạn mượn rồi, bữa nó từ nhà mình về nắng quá! Không mất đâu, mai nó trả. À huynh, nói mẹ em đi luyện thi, 5 giờ về nghen! Bye! Trễ rồi!

- Ê! Khoan!

Nhỏ chun mũi thắng lại. Đã trễ 5 phút rồi! Anh Hai nhìn chằm chằm:

- Hỏi thiệt, có... bồ chưa đó?

- Khùng! - Nhỏ đỏ mặt

- Vậy... "đuôi"?

- Nhảm nhí! Để cho người ta yên thân thi tú tài. Đầu độc hoài!

Anh Hai cười hi hí:

- Tình yêu là động lực cho sự nghiệp!... Mà nói nghiêm chỉnh nha, mày cứ ngang tàng như "boy" thì coi chừng đó. Tao nhớ, hồi bằng tuổi mày tao đã biết "iu" rồi. Nè, tao có thằng bạn...

Nhỏ rùng mình nghĩ tới những ông bạn khùng khùng của anh Hai, nhăn mặt:

- Thôi đi! Kinh quá ! Coi chừng tui méc má ! Mới năm 2 mà bồ bịch lung tung, còn đầu độc em gái. Độc ác gì đâu !

Nhỏ vội vã phóng ra cửa. Đàn ông gì mà nhiều chuyện ! Có bồ hay không là chuyện của người ta, làm nhỏ trễ hơn 10 phút rồi, không biết vào lớp còn chỗ không... Nhưng nói gì thì nói, anh Hai hỏi làm nhỏ hơi nhột nhột. Trước giờ nhỏ chưa nghĩ tới mấy chuyện lẻ tẻ này. Nhưng chắc là giống "boy" quá thì cũng... không hay lắm. "Thôi. Mai không đội cái nón này nữa, đội nón hồng... !", nhỏ tự nhủ.

Trưa nóng hầm hập mà trung tâm vẫn đông nghẹt. Biết chọn ai để ngồi chung đây? Lớp toán nâng cao, toàn là con trai. Mặt ai cũng đỏ gay, hầm hầm, thấy ghê!

Thầy gật nhẹ đầu với nhỏ, rồi lại giảng tiếp. Thế mà nhỏ tưởng thầy sẽ dừng lại tìm chỗ cho nhỏ chứ. Thời đại bình đẳng, hình như con gái cũng mất đi phần ưu tiên... Không ai chú ý tới người xấu số mới vào. Nhỏ cau mày, chầm chậm đi từ trên xuống, xác định địa hình. Lớp rộng thế nhưng chỉ có hai cái quạt rì rà, chắc giúp vui.

"Bảy, bảy, sáu, sáu, bảy... !", nhỏ đếm thầm. Đông quá, phải đếm mới biết chính xác bàn nào ít người nhất để chui vào.

Đúng lúc nhỏ thất vọng tới mức chuẩn bị ngồi... xuống đất thì nhìn thấy một điều... tin hổng nổi. Nguyên bàn cuối chỉ có một người ngồi. Nhỏ không kịp nghĩ vì sao điều này có thể xảy ra, vội vã tiến lại... Trước mặt nhỏ là một gã hơi... lầm lì, đầu bù xù còn hơn cả anh Hai. Nhỏ hít thật sâu, đằng hắng, rồi trầm giọng:

- Xin lỗi...

Gã lầm lì đó... lầm lì xích vào trong, không thèm ngẩng lên cũng không đáp một tiếng. Nhỏ thấy "xốn" lắm, nhưng bấm bụng làm thinh, lẩm bẩm: "Đồ làm phách!"

Nhỏ hiểu rồi. Sở dĩ cái bàn bị ghẻ lạnh là vì nó là... bàn cuối, kê sát bức tường đón nắng trưa của dãy nhà. Mọi người thà chịu ép vào nhau một chút còn hơn dựa lưng vào bức tường khó ưa này. Nhỏ ngán ngẩm. Xui gì đâu, sau lưng là núi lửa, còn kế bên nhỏ là... băng trôi. Đúng là sao quả tạ giáng trúng đầu. Nhỏ liếc sang bên, "tảng băng" vẫn thản nhiên chép bài.

... Bất chợt "tảng băng" chỉ ra cửa sổ, kêu lên nho nhỏ:

- Ê,... mày coi kìa!

Nhỏ kinh ngạc, cái bàn chỉ có hai người, không lẽ gã nói với nhỏ? Nhưng nhỏ cũng nhìn theo.

- Hi hi, chuồn chuồn bay thấp? Hổng lẽ chút nữa trời mưa? Đang nắng chang chang mà?! Nhưng dù sao mưa cũng đã, ha mậy?

Gã quay lại, nắm tay nhỏ lắc lắc. Và thế là:

- Á,á...

- Ủa... ? Í í í...

Tiếng la thì nhỏ thôi, nhưng đủ làm nửa lớp... tỉnh ngủ và đồng loạt quay xuống. Nhỏ đỏ mặt, rụt tay lại. Gã thì kịp trấn tĩnh, xua tay: "Không có gì xảy ra, chỉ là báo động giả, cảm ơn sự chú ý theo dõi của các bạn!"

Nhỏ sém phì cười vì giọng điệu của "tảng băng". Nhỏ liếc qua, thấy gã cũng đỏ bừng mặt, bẻ khớp tay:

- Xin... lỗi, tui cứ tưởng... bạn là con... trai!

Nhỏ đành cười trừ, dù bụng muốn mếu. Đúng là sao quả ta giáng trúng đầu nhỏ rồi, nhỏ ơi!

***

"Bạn là ai vậy?" - Nhỏ hồi hộp gõ phím.

"... Sao chổi! Gọi vậy đi, tôi thích... Sao Chổi lắm! Còn bạn?"

Nhỏ tủm tỉm. Xui gần chết! Cả hôm nay nhỏ đụng toàn sao, hết sao quả tạ rồi tới sao chổi. Chắc mai phải cúng chè để "giải" quá!

"Sao... nặng! Đùa thôi, nhưng cứ gọi mình là vậy đi hả Bạn là.. con trai hả?"

"! Sai rồi, con gái cũng... thích Sao Chổi được mà. Còn bạn, chắc cũng vậy luôn? Ờ, mới chat lần đầu hả, thấy tên bạn lạ lắm!"

"Ừa, nhà minh mới nối vào net. Bộ bạn hay chat lam hả?"

"Ờ, thấy hay lắm! Tại mình khó quen bạn bên ngoài, nhất là bạn gái khác. À, mà Sao Nặng có dễ kết bạn không?"

Nhỏ thấy khá hấp dẫn với cuộc trao đổi kiểu mới. Anh Hai thì có vẻ... chán, bỏ ra ngoài sau khi phán: "Mày đúng là bị... sao chổi quét! Quen hông nổi thằng nào, lo đi!". Anh Hai thấy ghét, thấy ghét, khó ưa! Nhỏ tức tối gõ:

"Không biết nữa! Con gái thì không sao, nhưng con trai quen toàn thứ khó ưa không à!"

"Ớn vậy! Bộ tụi con trai khó ưa lắm sao?"

"Thiệt đó, chiều nay mình mới quen một thằng. À không, bị nó "vô tình" nắm tay rồi mới quen, tức chết được!"

Nhỏ kể thật nhiều với cô bạn gái mới quen. Nhỏ đó cũng khá dễ thương. Đến lúc tắt máy mới hay đã chat gần tiếng đồng hồ. Mà cũng hay, hết giận anh Hai hồi nào không biết!"

***

Hôm nay nhỏ cố tình đi thật sớm, mà cũng tới trễ vì xe cán đinh. Thậm chí còn trễ hơn hôm trước. Nhỏ đành rầu rĩ tiến về phía "núi lửa". "Tảng băng" đáng ghét hôm nay đỡ "lạnh" hơn, vì mỉm cười với nhỏ. Hôm qua Sao Chổi nói gì nhỉ? Con trai mà cười với mình là nó thích mình đó. Nhỏ phải cẩn thận mới được, nhỏ ơi. Đã thế, nhỏ hất mái tóc đờ-mi lên, lạnh lùng ngồi xuống. "Tảng băng" xích lại, thân thiện:

- Vô trễ vậy?

Nhỏ chỉ khẽ gật một cái.

- Nè... còn giận hả? Gã cười thấy ghét.

-...

- Thầy cho chép hơn hai trang rồi đó. Bài khó lắm, viết lại đi. Tập nè!

Nhỏ tính lắc đầu, mượn bàn bên. Nhưng liếc qua, ghê quá, gã bên kia cũng toe toét cười với nhỏ. Thôi thì mượn người đã quen cho an toàn.

Nhỏ nhăn mặt nhìn vô cuốn tập. Chữ xấu khiếp đảm luôn, lại còn viết tắt nữa chứ? Nhỏ xuống giọng:

- Nè, bài này giải tới đây ông ghi "Þ p2 ? bt IỊ2 (GToG)- 17/4" là sao? Đáp số hả? Kỳ vậy?

"Tảng băng" cười hích hích:

- À, đó là "Suy ra: phương pháp giải của bài tập IỊ2 (Giải tích không gian) học ngày 17 tháng 4" chứ không phải đáp số. Tại cách giải giống nên tui lười chép lại.

- Sao viết tắt dữ vậy? - Nhỏ cau mày

- Khờ quá, viết cho lẹ.

Nhỏ xụ mặt, đẩy cuốn tập ra - Dám nói nhỏ khờ, thấy ghét!

- Vậy hả? Cám ơn.

- Ơ, sao thế? - "Tảng băng" ngơ ngẩn

- Không thích chép nữa - Nhỏ thấy gã lúng túng, muốn nói gì nhưng lại thôi, miễn cưỡng cầm tập về, tồi tội, nhưng... đáng đời!

***

"Hi! Hôm nay Sao Nặng có đi học thêm không?"

"Có chứ! Mà toàn gặp chuyện tức mình không hà, để ta kể cho mi nghe.

"Tảng băng" lại dám chọn mi hả? Đáng ghét quá vậy?"

Nhỏ vừa tủm tỉm nhớ lại cái mặt khờ của "Tảng băng" vừa gõ máy:

"Thật ra cũng không đến nỗi đáng ghét. À, Sao Chổi ơi, con trai viết chữ xấu có xấu tính không?"

"Chữ xấu hả, ai vậy? Xấu lắm không?"

""Tảng băng" ấy, chữ xấu kinh người luôn! Mà còn viết tắt nữa, tắt cũng khiếp đảm luôn!"

"Nói cho đúng, con trai viết chữ càng xấu càng... tốt bụng, kèm theo thông minh nữa! Còn viết tắt là những người có trí nhớ rất siêu, khó quên những gì trong đầu mình"

"Sao Sao Chổi biết rõ vậy?"

"Ờ, tại nghe người ta... đồn vậy!"

Vậy ra "Tảng băng" cũng... được lắm chứ, theo lời Sao Chổi nhận xét! Nhỏ lại cười một mình.

"Nhưng hôm nay gã dám chọc giận ta đó... "

***

Nhỏ đã quen... đi trễ mất rồi. Thật ra thì... ngồi rộng cũng thoải mái lắm, dù có nóng một chút! "Tảng băng" ngày càng dễ thương hơn. Nhưng hôm nay nhỏ đi học thật sớm, với niềm vui nho nhỏ. Sao Chổi hẹn sẽ đợi nhỏ ở cổng trường sau khi hết giờ, để biết mặt nhỏ và "tảng băng" luôn. Mốt là chủ nhật, cũng là sinh nhật nhỏ, nhỏ sẽ mời Sao Chổi và... Hôm nay nhỏ quyết định rồi, tranh thủ khi thầy chưa vào, hải hỏi tên "Tảng băng" mới được. Vì băng đã tan thành nước hết rồi, gọi vậy không hợp nữa!

Nhỏ ngỡ ngàng. Gì thế kiả Bên trái "tảng băng" là một nhỏ tóc thề bóng mượt tới lưng, còn bên phải là một nhỏ "tóc em đuôi gà" nhí nhảnh. Còn "Tảng băng" đang cười vui vẻ, lúi húi giảng giảng gì đó. Sao Chổi nói đúng, dạo này con trai ít thằng đàng hoàng lắm, quen hạn chế thôi. Nhưng... nhỏ cứ tưởng "Tảng băng" hiền hơn người khác... Ai mà ngờ! Té ra hôm nào cũng vậy, nhỏ mà chưa vô là lại "tán" người khác. Vậy mà Sao Chổi tiên đoán là "Tảng băng" đang... chiếu tướng nhỏ, làm nhỏ cũng...

Đã thế thì ghét hắn luôn! Bàn đầu vẫn còn trống, nhỏ quay 180 độ lên luôn. Không hiểu sao mà "Tảng băng" cứ lảng vảng trong đầu nhỏ hoài... Nhỏ liếc xuống, tóc thề và đuôi gà đã dời lên bàn trên rồi, nhưng cả ba, có cả "Tảng băng", lại đang nhe răng cười với nhỏ. Nhỏ thấy ấm ức, quay ngay lên, không thèm nhìn xuống nữa. Hết giờ, nhỏ thấy "Tảng băng" vội vã chen bước lên trên, hình như gã gọi tên nhỏ. Không thèm nghe đâu, "tảng băng" ơi! Nhỏ hấp tấp ra bãi xe, vù ra khỏi cổng về đến nhà cả tiếng mới nhớ tới... Sao Chổi đang hẹn ở trường.

***

"Hôm nay Sao Nặng quên mình có hẹn hả? Sao Nặng đúng là... "sao nặng"!"

"Xin lỗi, hôm nay có chuyện... nên mình quên mất!"

":-0! Sao Nặng nói đi"

"Cái gã "tảng băng" đó, nhìn mặt hiền mà... ghê lắm... "

Nhỏ tức tối viết một mạch gần cả trang màn hình. Rồi send. 1', 3', 10' hơn... Sao không thấy xuất hiện tín hiệu hồi âm? Bình thường Sao Chổi gõ máy nhanh lắm mà?

"Sao Chổi còn đó không?"

"Còn! "

Cái gì đây? Sao lại cau có thế nhỉ?

"Sao vậy Sao Chổi?"

"Sao Nặng tệ quá! Vì chuyện đó mà quên Sao Chổi luôn. Thôi, nghỉ chơi Sao Nặng đó. Sao Nặng làm Sao Chổi buồn ghệ Hích hích. Bái bai. :'-("

Nhỏ thẫn thờ. Hỏi mấy lần nữa không ai đáp lại... Vậy là Sao Chổi đã rồi chatroom thật rồi. Tệ quá nhỏ ơi. Sinh nhật tới nơi rồi, mà nhỏ có thân ai hơn đâu, buồn ghê!

***

Sáng chủ nhật. Mới xuống phòng khách, anh Hai đã la toáng lên: "Happy Birthday!" ,dúi vào tay nhỏ hộp chocolate, chúc nhỏ tuổi mới đậu cao và... có bồ, bị mẹ lườm một cái, và ba dọa sẽ tịch thu tiền qùa sáng nếu còn... chúc em gặp "tai nạn". Anh Hai xịu mặt, thấy tội ghê, thiệt ra anh Hai chúc cũng... thực tế lắm chứ!

Anh Hai le lưỡi, len lén vào phòng để lên mạng, tránh cái lườm của mẹ. Nhỏ nhìn theo, chợt thoáng buồn. Tuần rồi vừa hẹn chiều nay sẽ đi chơi với Sao Chổi, thế mà... Chỉ tại gã "tảng băng" đó. Lẽ ra gã cũng được mời tới sáng naỵ Nhỏ chun mũi, cầu trời sáng nay vừa ra đường gã đã bị... chó sủa cho xui cả buổi luôn.

- Nhỏ, nhỏ ơi! - Anh Hai ầm ĩ.

- Gì huynh?

- Nhỏ có "meo" nè?

-... Hả?

- Có e-mail! Chúc sinh nhật đó! Dữ nha! Bồ phải không?

- Bậy bạ! - Nhỏ la lên.

"Mấy hôm nay Sao Nặng có... hối hận không?... "

Nhỏ chun mũi: "Đồ qủy!"

... "Nè, mai mốt đừng có vì mấy chuyện như vậy mà tức nha! Chút tui qua nhà nhỏ, 8 giờ sáng hả Hôm này lớn hơn rồi, đừng nhí nhố nữa, coi chừng người ta lại tưởng là con trai đó!"

Nhỏ nhăn mặt. Hôm nay Sao Chổi lạ quá, tự nhiên lên mặt, lại dám gọi nhỏ là... nhỏ, ghét ghê!

... "Gởi kèm nhỏ món quà tạm "Barbie girl" của Aqua nghe! Quà thiệt chút tui mang tới sau. Nói vậy để nhỏ chịu đi với tui. (Tại tui còn dắt thêm tóc thề và đuôi gà hai bên nữa! Hi hi) Giỡn thôi! Bữa rồi tụi nó xuống hỏi bài, có bồ hết rồi, không thèm "cua" tui đâu. Chúc sinh nhật vui vẻ. Cám ơn chú ý theo dõi! "

À, thì ra Sao Chổi chính là... Nhỏ nhắp cuột vào biểu tượng bài hát, mỉm cười. "Tảng băng" qủi quái gì đâu, còn dám nháy mắt nữa. Mai rồi biết tay nhỏ.

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ykykl