Truyện ngắn 4

--Tặng những ai đã đang và sẽ qua những tháng ngày 12+.--

1.

Hơn một tuần trôi qua kể từ ngày biết điểm thi đại học. 27 điểm. Cao à? Cao có để làm gì - khi mà điểm chuẩn của ngành nó đăng ký là 27,5?

"Nhục quá, chết đi còn hơn!!!" Nó đến sinh nhật Mít với tâm trạng ủ ê như thế.

Mít trông thật xinh xắn và rạng rỡ. Thì thủ khoa, làm sao mà không vui cơ chứ! Nó tiếp tục những suy nghĩ rầu rĩ của mình. Mặc dù miệng vẫn toét ra

- để được gọi là cười

- hưởng ứng câu chuyện của một đứa nào đấy mà bọn bạn xung quanh đang ôm bụng nghiêng ngả, mắt nó nhìn đâu đâu. Trống rỗng.

Một lúc sau, tụi bạn ồn ã đó đứng lên ra về. Nó ở lại dọn dẹp cùng Mít.

Xong. Hai đứa ngồi nhìn nhau.

- Trời ơi... - Mít rên rỉ

- Ngừng cái bộ dạng này đi! Không phải vẫn còn được chuyển sang những ngành khác - chứ đâu phải là bà rớt luôn trường đó? Đầy ngành... dở hơi ngang cái ngành bà đã chọn. Việc gì mà phải thế? Khối đứa còn lo sốt vó nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 kia kìa. Và thậm chí thì đầy đứa trượt thẳng cánh cò bay đấy thôi!

- Nhưng cũng chẳng thiếu người điểm cao chót vót. - Nó làu bàu. - Mọi sự so sánh đều khập khiễng!

- Này, hôm nay là ngày gì? Bà "happy birthday" tôi bằng một cơn stress hả? Biết nói thế nào cho bà hiểu? Khổ, thế này thì bệnh viện cũng trả về luôn, có khi còn "các" thêm cả núi xiền! - Mít tuôn một tràng sỉ vả, những mong lời nói đó chui từ tai này qua tai kia để cuốn phăng cái suy nghĩ điên rồ trong đầu con bạn. Nhưng rồi Mít dừng lại vì mặt nó vẫn xị như cái bị.

Im lặng. Chợt Mít thốt ra - lần này thì vô cùng nhẹ nhàng:

- Không nói chuyện đỗ vào ngành đó hay không nhé. Tôi hỏi bà cái khác: bà không thấy tự hào sao? Suốt cả cấp một, cấp hai và đến tận lớp mười bà vẫn học văn, mãi lớp mười một mới... đùng đùng quay sang học khối A! Thế mà thi 27 điểm, bà không- một- chút- xíu- tự- hào ư?

- Không! Đầy người điểm còn cao hơn tôi! - Nó đáp thẳng tuột.

Mít lắc đầu, không nói thêm gì nữa, lẳng lặng đi vào bếp.

Còn lại một mình, nó ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Ừ, mình tự hào - tại sao không? Tự hào... về bản thân mình... về con đường dài mình đi và ngã rẽ mình đã chọn... Ý nghĩ ấy làm nó vui vui một chút.

Và Mít mỉm cười khi thấy nó thò đầu vào cửa bếp:

- Làm món gì mà không gọi tôi giúp một tay?

- Hì hì, công nhận là có tự hào rồi hả? Nói cho biết nhé, gặp ai tôi cũng khoe chuyện rẽ ngang thần tốc và oanh liệt của bà đấy!

Lần này thì nó cười. Nụ cười "đúng định nghĩa" đầu tiên - sau một tuần buồn rũ rượi.

2.

Mưa - rất to. Gió - giật ầm ầm. Tối thui trời và đì đùng sấm chớp. Nhưng nó đang đứng ngoài cổng nhà Mít. Và giờ thì nó trèo lên cái xe đạp đáng thương, đi mà không ngoái lại. Nó biết: Mít đang nhìn theo đầy lo âu.

Sao thế nhỉ? Nó tự hỏi mình. Nó đã vui lên. Nhưng rồi những nhóm bạn nữa, nữa... lại đến. Không ai không xôn xao về kết quả thi và không ít trong số đó thi cùng trường nó, cùng ngành nó, và... đỗ. Vậy nên những khen chê, hồi hộp, lo lắng, mừng vui, háo hức... cũng chẳng lạ.

Nhưng thật sự nó thấy bức bối và ngột ngạt quá. Văcxin Lạc Quan Mít tiếp cho hình như không đề kháng được với virus này. Lấy lý do "phải đi chợ nấu cơm"(!?), nó khăng khăng đứng lên đi về dù trời đất đang bão bùng mưa gió. Mọi lời can ngăn đều vô ích. Mít cũng chẳng thể làm gì ngoài việc lấy áo mưa cho nó và dặn hết lời rằng đi đường cẩn thận. Nó cười:

- Chết thì chôn!

Tuy vậy, khi đạp những vòng xe đầu tiên, nó thấy tội lỗi với Mít quá! Sinh nhật 18 tuổi của cô bạn con chí cắn đôi mà nó hết xầm xì rồi lại hờn dỗi như thế đấy! Nhưng... biết làm sao???

3.

Đoàng! Một tiếng sấm rền vang, khi nó vừa ra đến đầu ngõ. Nó giật mình. Nỗi băn khoăn day dứt dường như lui đi, để cái đầu tập trung với việc ráng hết sức đạp xe ngược gió.

Một mình với chiếc xe giữa trời đất mênh mông. Mưa rát mặt, nhưng nó không dám buông hai tay đang ghì chặt ghi đông để vuốt cho nước mưa khỏi tràn vào mắt. Mưa cay xè và nước mắt trào ra cùng nước mưa. Mặn chát. Buồn tủi, cô đơn, lạc lõng. Con đường nhoè đi. Và lại càng không nhìn thấy gì khi trời cứ vụt tối rồi vụt sáng. Nó gào lên:

- Trời ơi, trời cũng không thương con sao?

Đáp lại lời nó là một tiếng sét đánh tưởng như rung chuyển cả đất trời. Tiếng sét lớn hơn bất

kỳ tiếng sét nào nó từng nghe trong đời. Bỗng nhiên, nó cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ

hết: mình có thể chết!

Nhưng cái chết lúc này không nhẹ nhàng như khi nó nói "thà chết còn hơn" hoặc đơn giản như lúc nó bảo "chết thì chôn". Nó có một danh sách dài những việc sẽ làm. Nó có cả những cuốn nhật ký, viết rất chăm chỉ, vì nghĩ đến viễn cảnh một bà cụ run rẩy lật từng trang sách, nhớ đến những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp...

Nó muốn về nhà. Nó muốn nhìn thấy bố. Nó muốn nhìn thấy gác xép nhỏ bé của nó - thế nào cũng đang bị dột.

Hai tay siết chặt ghi đông hơn nữa, nó vừa đi vừa lẩm bẩm một mình:

- Mình sẽ đi cẩn thận. Mình là người đi dưới mưa cẩn thận nhất quả đất. Mình không muốn chết! Trời ơi, con không muốn con chết đâu. Con mới 18 tuổi, con vừa thi đỗ đại học xong và bao nhiêu điều con chưa làm được! Trời ơi, con còn chưa yêu nữa! Con chưa biết tình yêu thế

nào!

Danh sách những việc chưa làm và muốn làm chạy dài như một cuốn phim bất tận. Tỉ lệ thuận với nó, ý nghĩ "mình có thể mất đi cuộc sống này bất cứ lúc nào" càng tăng lên. Chuyện thi cử không còn là gì. Những đứa không ưa nó và thường xuyên nói xấu nó - tha thứ tất! Những

kẻ nó ghét và làm nó bực mình - không có gì, coi như chưa có chuyện gì! Đến cả những lời mắng mỏ (theo nó là) đầy oan uổng và quá đáng của mẹ cũng không còn đeo nặng trong tâm trí!

Bỏ qua hết - chỉ cần nó không chết!

Nó thấy mình bóp phanh và dừng lại ngẩng lên nhìn trời, mặc cho những hạt mưa to cộ vẫn đập vào mặt:

- Trời ơi, con- muốn- sống!

Rồi nó tiếp tục lao đi. Vừa rất muốn, vừa không dám đạp thật nhanh. Nó chẳng có tí xíu kinh nghiệm nào đi trong trời mưa bão.

4.

Nó chẳng nhớ mình đã làm thế nào, chỉ biết bây giờ tim nó đang đập như sắp rơi khỏi lồng ngực khi nó về đến đầu con ngõ nhỏ. Thêm vài vòng xe nữa...

- Ta về rồi đây, nhà thân yêu!

Không có ai ở nhà. Nó cứ nguyên bộ dạng ướt lướt thướt ấy mà qua phòng khách, bếp... để nhìn một lượt những đồ đạc thân quen. Và ôm con mèo vào lòng - thật chặt, làm mèo ré lên và vùng chạy. Nó bật cười. Nhớ là mình vẫn quàng cái áo mưa. Nào, bỏ ra thôi!

Trèo lên gác xép thân yêu, cái gác xép gió hun hút về mùa đông và nóng hầm hập vào mùa hè, nó ngồi bó gối thu lu, tận hưởng cảm giác gần gũi quen thuộc. Bên cạnh, một cái chậu nhỏ đang hứng những hạt nước mưa rơi lộp độp. Nó nhẹ nhàng mở PC, nghe Bức Tường hát. Chẳng

hiểu các rock fans khác thế nào, với nó, trong những thanh âm ồn ào nhức đầu đấy, nó tìm thấy sự bình yên.

Chợt nhớ đến cô bạn hay lo, nó nhấc điện thoại.

- Mít à? Tôi đây. Tôi về nhà ngon lành roài.

- Hix, bà làm tôi lo gần chết đấy.

- Xin lỗi nhé, Mít. Tôi đền sau. Nhưng biết không, giờ tôi ổn lắm lắm. Không vác cái mặt bí xị như hồi nãy đâu!

- Hử? Mưa làm cái đầu 40 độ của bà hạ nhiệt à? Hay... haha, có quả sét nào đánh trúng đầu nên được tẩy não ư?

- Hm... có lẽ tôi giống như cây vậy. Được mưa tưới thì lớn lên!

Một khoảng lặng - đủ nghe giọng Trần Lập thật ấm:

Có bước

chân đường

xa đó.

Có bước

chân trở về.

Để hôm qua

trôi xa trôi xa...

Mít thì thào đầy nghiêm trọng:

- Nói đi, không phải chỉ là bà đã về nhà, mà con người bình thường của bà cũng quay về rồi, đúng không?

Nó cười phá lên làm Mít cũng bật cười theo. Thế là đủ. Nó không cần trả lời câu hỏi của Mít nữa.

---Gia sư định kiến---

Tôi cố gắng hít sâu một hơi để bơm đầy chí khí vào lồng ngực, nhấn chuông đường hoàng như mọi người đường hoàng vẫn nhấn chuông. Ngó xuống đồng hồ. Trong nhà có tiếng sột soạt. Giây thứ sáu. Em thò đầu ra:

- Dạ, cháu chào chú!

1. Ngày đầu tiên bước vào nghiệp gia sư của tôi bắt đầu như thế. Hai cô nhóc học trò kém "chú" khoảng vài tháng tuổi, một cận, một không, một cao, một vừa vừa, hai cô bé mồm năm một miệng mười hợp thành một cặp "thiên hạ song tấu". Hai cái hộp bút đầy chặt mấy thứ đồ vớ vẩn của bọn con gái, từ chiếc thước kẻ có cái đuôi hình con cá quả(?) cho đến tập sticker lợn và cú mèo, bốn cánh tay khoanh tròn ngoan ngoãn, cốc nước chanh pha sẵn đang tan dần những viên đá nhỏ. Hừm, hơi khác so với trí tưởng tượng ban đầu của tôi.

Lúc được Long nhờ kèm cặp Thanh, em họ nó, sau đó Thanh rủ thêm bạn là Nhung, tôi đã khá chần chừ. Lý do thì nhiều, ví dụ như tôi vốn không kiên nhẫn (mà đầu con gái lại hiếm đứa mềm), hoặc là vì "lý do sức khoẻ" (nói thẳng ra là ngại, tự dưng lại mặt đối mặt với tận hai sinh vật khác loài). Nhưng cái chính là vì, hừm, trong trường tôi Thanh và Nhung nổi tiếng... ăn chơi đua đòi. Chẳng rõ vì sao nữa, chỉ biết là ấn tượng về type con gái không nề nếp chuẩn mực, không chí thú học hành đã quá đủ để tôi thẳng thừng từ chối. Khổ nỗi, Long lại là một thằng bạn thân.

- Tao đảm bảo nếu tiếp xúc, mày sẽ thấy những "điều tiếng xã hội" đó cực kỳ vô căn cứ!

- Khói lửa ít khi tách rời lắm mày ạ.

- Có chứ, khi mà người ta thích tưởng tượng ra là có cháy.

- Sao phải tưởng tượng?

- Cho vui!

Thế là, để khẳng định mình không mắc phải những thứ định kiến "cho vui", cộng thêm một chút tò mò về hai cô nàng đầy "điều tiếng xã hội", tôi đã để cái cần cổ của mình nhận lời thay chủ.

2. Thanh mở quyển vở mới cứng, nắn nót ghi những dòng thứ ngày tháng đầu tiên, đặt bút xuống rất khẽ rồi ngẩng lên nhìn "chú". Nhung, không cẩn thận bằng, chỉ gạch chân mấy chữ "Buổi 1". Cái bút lò xo đính đầu con gấu rung rinh trong tay Nhung làm tôi nghĩ đến cái tượng biết gật đầu của con Tít em tôi ở nhà. Hừm, con gái ở đâu cũng cứ là con gái.

Ba mươi phút đầu tiên tôi dành để kiểm tra lại trình độ của các bé. Tiếng bút bi rào rạo lăn nhanh trên giấy, đầu gấu mèo rung rinh, bút của Thanh thì không rung nhưng nó lại có mùi dâu chín. Tôi nhìn học trò mình cắm cúi viết, vừa là lạ, vừa ngồ ngộ. Thấy họng hơi khô khô, tôi cầm cốc nước lên uống. Trời ơi, sao Thanh pha ngon thế này!

Hết giờ, không cần tôi nhắc, Thanh và Nhung đã tự buông bút nộp bài. Xem sơ qua, tôi thấy không khá cũng không tệ, tức là trình độ hai nhóc này ở mức độ bình thường. Cực kỳ bình thường. Nhưng mà... Hay là tại tôi cho đề dễ nhỉ? Hừm! Thanh tiếp tục làm tôi ngạc nhiên khi đột ngột cất lời hỏi:

- Anh ơi, hai tuần nữa em kiểm tra Lý một tiết rồi, anh ôn tập kỹ cho em phần Quang học được không? Em thấy mình hơi yếu về phân biệt thấu kính.

Nhung tiếp ngay:

- Em có phân biệt cho nó rồi nhưng nó vẫn chưa rõ anh ạ. Tại sao hai gương cầu lõm lại tạo thành một thấu kính hội tụ, tiêu cự dương, trong khi bản thân một gương lõm vốn có tiêu cự âm? Hả anh?

Ơ, tôi hơi choáng! Bọn nhóc này cũng biết học bài đấy chứ, làm gì đến nỗi "một chữ bẻ đôi còn tưởng to hơn một chữ" như "giang hồ đồn thổi"? Vị ngọt rất vừa của nước chanh còn đọng ở đầu lưỡi, hai đôi mắt một cận một không nhìn tôi nghiêm túc. Một câu hỏi thực sự khoa học hàn lâm!

- Cạch!

Giật mình, thì ra Nhung vừa đánh rơi cái thước kẻ con cá quả. Vừa cúi xuống nhặt lên, nhóc vừa nhăn mặt xuýt xoa: "Ôi, chị xin lỗi!" Hix, con gái mà, ở đâu vẫn cứ là con gái thôi.

3. Hai cô nhóc này có học bài, có làm bài tập tôi giao rất đầy đủ, dù chưa hẳn là đúng hết! Hơ, có lẽ tôi là ông thầy duy nhất trên thế giới này nghĩ rằng việc nhìn thấy hai dòng bút đỏ đánh dấu trang "Bài tập về nhà" là một điều sao mà kỳ diệu, thậm chí tôi còn mong bọn nhóc đừng có làm để cái định kiến "cho vui" của tôi được dịp bỏ đi hai chữ "cho vui". Cả cái cách Thanh chun mũi, lấy bút bi chọc chọc vành tai mỗi lần tập trung suy nghĩ, hay khi Nhung ném bút, gục mặt xuống bàn hét lên "aaa" vì không giải được một bài, với tôi, những hành động bình thường đó nó cứ... không bình thường thế nào ấy. Giá mà hai cô nàng này cứ lười nhác, cứ học trước quên sau, cứ thần trí lên mây với những chuyện rất chi là không hàn lâm khoa học nó còn có lý, đằng này... Khó nói nhỉ, hai người "không ngoan" hoá ra lại cũng... bình thường thôi.

Nhưng tôi vốn là người cố chấp. Không có lửa làm sao có khói, tự bản thân tôi không sao bỏ được cái ám ảnh phảng phất về những điều đồn đại mình đã nghe thấy láng máng trước kia. Thực thà mà nói thì tôi cũng chẳng nhớ những đồn đại đó là gì, chỉ biết là có đồn, mà có đồn thì ắt hẳn phải có gì không ổn. Nhưng không ổn ở điểm nào mới được chứ nhỉ? Hai cô nhóc đang ngồi rất gần trước mặt tôi đây, thề có Chúa là không phải đầu to óc quả nho, cũng không phải điệu đà nhão nhoẹt. Chưa kể còn rất chăm học và nghiêm túc tiếp thu lời giảng của "thầy", thỉnh thoảng lại bắt bẻ "thầy" theo một cung cách cực kỳ là khoa học. Nếu như không biết về Thanh và Nhung từ trước thì tôi sẽ rất quý và rất tự hào về "học trò" của mình đấy! Nhưng mà tôi lại "biết" cơ...

Những băn khoăn luẩn quẩn của tôi không qua được mắt Long, dạo này nó hay buông những lời rất chi là ẩn ý: "Mày đã tìm thấy đốm lửa nào chưa?" Định bắt bí tôi ý hả? Không, dứt khoát là tôi phải tìm cho ra vầng lửa đằng sau hai cô nàng này! Tôi không tin!

4. Rồi tôi cũng tìm ra thật. Dở khóc dở mếu với những lập luận đầy mâu thuẫn của chính mình, tôi vừa buồn cười, vừa ân hận. Thì ra là thế, chỉ thế thôi mà!

- Anh này, anh có thấy em và Nhung hư hỏng lắm không?

Thanh hỏi, lần này còn đột ngột hơn lần đầu tiên rất nhiều. Nội dung câu hỏi cũng rất shock nữa, làm tôi choáng váng một hồi mới hiểu được ý nghĩa. Thanh rất thành thật, nhìn thẳng vào tôi, gương mặt không có vẻ gì là đùa cợt. Suy nghĩ kha khá, tôi cũng chẳng tìm được câu trả lời nào khá khẩm, chỉ biết ậm ừ:

- Anh...

- Con gái học chuyên ngành nghệ thuật là hư hỏng ạ?

- Ơ...

- Từ ngày biết bọn em muốn nộp đơn thi Điện ảnh, thái độ của mọi người chung quanh cứ thế nào ấy! Trường mình là trường điểm nhé, cả lớp có một nửa thi khối A, nửa còn lại là khối D và B, toàn những trường top trên cả. Ai cũng xôn xao như thể bọn em đã "hỏng người" rồi ý, vô lý ghê cơ. Thầy cô cũng không vừa lòng vì bị "ảnh hưởng thành tích chung". Thêm việc bọn em cùng rủ nhau cắt tóc Nhật Bản, rồi thỉnh thoảng ăn mặc giống nhau nữa? Thế cứ điểm cao là học giỏi hả anh? Mà cứ học giỏi thì là người tốt ạ? Rồi khác người là... hư hả anh????...???...

Tôi chẳng trả lời được, cứ ngồi thừ ra đấy. Bút con gấu rung rinh, bút dâu chín thơm nức, ngộ thật, sao tôi cứ cố phủ nhận những thứ mình tận mắt chứng kiến để tin vào những điều chẳng biết từ đâu. Hai cô nhóc mặt buồn buồn, rồi chỉ vài giây là lại giở vở ra chờ tôi bắt đầu bài giảng và tự bảo nhau (chắc vì đợi mãi chẳng có được câu trả lời từ "thầy"): "Cứ học đi thầy nhỉ, đâu khắc có đó!"

Thanh và Nhung hẳn còn phải chịu ấm ức một thời gian dài vì những điều phiền toái không "hàn lâm khoa học". Đôi khi, như Nhung nói ấy, rồi "đâu khắc có đó". Mình cứ dám- sống trước đã, còn có được người khác thừa nhận hay không thì cứ chờ vào thời gian và những góc nhìn rộng mở, vậy thôi! Và trong trường hợp nào đó, thực ra, mình có cần quan tâm đến những đám khói từ nơi không có lửa không nhỉ, bạn nhỉ?!!

---Phép thử giá 1 trăm 2---

"Hãy quên đi vì sao ta bỏ nhà. Lý do chưa bao giờ quan trọng bằng thực trạng, chưa bao giờ, và với ta thì lại càng không bao giờ. Dù có giải thích bằng cả một tỷ nguyên nhân chăng nữa thì sự thực cũng chỉ đơn giản là ta đã bỏ nhà, thế thôi!"

Mình tự nói với mình như thế khi thả người nằm dài trên cái giường đơn rộng 1m2, dưới cái trần nhà cao 2m5, trong cái khoảng không tổng cộng khoảng 16m vuông, tính cả gian tắm bé tẹo với cánh cửa xếp gần long ra đến nơi. Cũng tiện nghi đấy chứ, một trăm hai một đêm có điều hoà, có bình nóng lạnh, có tivi nhưng không truyền hình cable. À, có cả khăn mặt, dầu gội, bàn chải, kem đánh răng và xà bông nữa này.

Lẩm nhẩm một hồi về những gì được hưởng với một trăm hai, mình cuộn sâu thêm vào tấm drap đã ngả màu bông xơ, hít phải mấy hơi dài sực nức mùi thuốc tẩy. Vừa ho vừa nhỏm dậy, mình vươn người đẩy hai cánh gỗ nặng trịch sang bên, dẹp luôn mảnh màn che in hình gấu mèo xuôi ngược vào góc cho gọn ghẽ. Cửa sổ thế là đã mở toang, cái ẩm nóng hấp hơi từ con đường rộn rã bên dưới hoà với những tầng lạnh còn đọng trong phòng thành một dạng khí đặc vây lấy mình ở giữa. Điều hoà vẫn chạy ro ro. Kệ, trăm hai mà.

Tối hè Hà Nội sao đẹp thế. Đêm trong veo, gió lồng lộng, đèn xe nhấp nhánh và trăng một mình bành rướng giữa trời. Trong số hàng ngàn đốm đỏ nhào nhạo dưới ấy, chẳng có ai thèm bớt thời giờ ngẩng lên để bắt gặp một con bé tóc xù quấn chăn kín mít, chẳng ai biết nó đã thò hẳn nửa người ra khỏi ban công chỉ để mong có ai đó sẽ nhìn thấy, sẽ gọi hoặc sẽ cười một tiếng với mình. Họ lại càng không hay nó đã chuẩn bị sẵn một kịch bản hoàn hảo chừng nào, sẽ mặt mày hoảng hốt ra sao, sẽ thụt vào thật

nhanh như con chuột chũi trong trò đập búa và quáng quàng chạy ra khoá cửa, không quên gọi điện xuống dặn lễ tân tuyệt đối không được nói là có một đứa như thế, như thế đang trọ ở đây. Chà, sẵn kịch bản mà lại không được diễn vì chả ai thèm xem thì có tiếc không cơ chứ!

Nhìn phố mãi cũng buồn, lại đâm nghĩ linh tinh. Tự hỏi nếu vẫn là ngày hôm qua, mình vẫn đang ở trong phòng của mình ở nhà của mình thì sao nhỉ? Gói popcorn mới mua có khi đã bị con Meo ăn vụng, mẹ lại có dịp quát thằng Min đi xịt kiến cho xem. Mà cái thằng chẳng biết có nhớ phải lấy đĩa guitar yêu quý của mình ra khỏi dàn không nữa, mình đã dặn bao nhiêu lần là nghe xong phải cất đi ngay cơ mà. Quen miệng gọi to "Min, Min", mãi đến khi chả thấy tiếng trả lời thì mới nhớ ra mình có ở nhà đâu. Bỗng thành sốt ruột. Một chút ân hận ùa vào lòng, như những đứa bỏ nhà dại dột đôi khi vẫn thế.

Gió bay bay làm nhoà những con đường sáng. Một cái lá hình ngôi sao vút qua cửa, xẹt ngang tai nghe gai gai, lăn thêm mấy vòng rồi nằm im ngoan ngoãn ở cuối giường. Mình nhặt lấy, đưa lên mắt săm soi. Những đường gân này, mấy vệt sâu gặm thành hình răng cưa ở mép, thêm một khoảng vàng chính giữa nữa, tất cả những điều chả có gì cảm động ấy, chả hiểu sao, lại làm mình bật khóc. Chỗ này chả giống nhà mình gì cả, chả có gì giống nhau ngoài một cái chuông gió treo toòng teeng chính giữa cửa sổ, những dải dây đính ba con cá heo quay xung quanh một ông mặt trời màu xanh. Những tiếng leeng keeng loong coong khua rộn khoảng trời tĩnh vắng mình vừa tặng riêng mình, bỏ qua mọi tiếng inh ỏi của còi xe, của người nói chuyện với người. Một mình mình co ro ở đây, nửa buồn, nửa mệt, mắt nhoè nước còn thái dương nhức buốt từng cơn. Lần nào khóc mình cũng chếnh choáng thế mà. Mình khóc, khóc, khóc.

***

- Thế rồi làm sao mày về nhà? - Chi hỏi với một giọng rụt rè, có thể nó sợ rằng sự tò mò sẽ xúc phạm hoặc khiêu khích mình gì đó.

- Mày sẽ làm gì khi có hai chú công an tay cầm bộ đàm, lưng dắt dùi cui và luôn miệng nói vào microphone: "Tìm thấy nó rồi nhé, không cần xuất thêm người nữa đâu!" xộc thẳng đến chỗ mày hả? Bật tường hay độn thổ nào? - Mình cười, vuốt nhẹ lưng con Meo. Meo liền kêu "meo" một tiếng.

- Hừm, cứ như bắt tội phạm ấy nhỉ! - Chi ồ lên nhưng không hào hứng lắm. Rõ ràng là câu chuyện của mình dù có hài hước hoá thế nào thì cũng chẳng thể làm nó cười cho được.

Hai đứa chẳng nói gì nữa. Mình lún sâu vào salon, co một chân nhường chỗ cho bạn nằm ngửa nhìn những nét mây và sao trên trần nhà, tác phẩm bọn mình mới hì hụi phun sơn tuần trước. Có một vệt vẽ không khéo làm sơn đọng thành hạt chảy dài, mình nhanh tay biến tấu thành cái đuôi sao chổi. Nghệ thuật chứ chẳng đùa!

- Tao hỏi này, - Chi quyết định cất tiếng sau khi không còn gì trên trần nhà hút hồn nó nữa - Nếu người ta không tìm đến thì mày sẽ còn bỏ nhà đến khi nào?

Mình suy nghĩ thật kỹ rồi thủng thẳng đáp, câu trả lời thích hợp cực kỳ với hoàn cảnh mà mình vừa mới trải qua hai mươi tư tiếng đồng hồ trước:

- Mày nghĩ là tao sẽ sống ở ngoài được bao lâu với bốn bộ quần áo, cái balô hình mèo, một ví tiền tiết kiệm và những suy nghĩ luẩn quẩn? Chưa kể tới tí tẹo giận dữ khăng khăng sẽ xẹp nhanh hơn cả bánh xe thủng lốp chỉ sau mười lăm phút xa nhà?

Chi gật đầu, chừng như nó hiểu cả những gì mình muốn nói. Chả phải thế sao, mọi quyết tâm bỏ nhà ra đi của những đứa nhóc ngốc nghếch đều được miêu tả đại khái qua đôi ba bộ quần áo đẹp nhất (ngốc thế đấy!), cái túi đồ cá nhân bé tẹo, một khoản tiền chẳng thấm vào đâu nhưng vì chưa từng phải nghĩ đến chi phí nên đứa nào cũng tưởng thế là nhiều lắm. Còn tâm trạng thì thôi rồi, ban đầu căng như dây đàn để rồi chẳng mấy chốc là nhão như dây điện, càng nóng nảy bao nhiêu thì càng dễ tủi thân, dễ nhớ nhà bấy nhiêu. Chúng nó sẽ làm mọi việc để không bị ai tìm thấy, nhưng bụng dạ thì cồn cào lo nhỡ chẳng ai tìm thấy thật thì sao? Và lúc ấy thì thế nào nhỉ, sẽ như mình, sẽ bật khóc. Hề, ngốc mà!

- Mày có hối hận không? - Chi hỏi câu cuối cùng bằng ánh mắt hết sức nghiêm túc. Tự dưng mình thấy buồn cười, sao đêm qua khi giả vờ dò hỏi chỗ trọ của mình nó lại không điềm tĩnh được như lúc này nhỉ?

- Có lẽ là không. - Mình trả lời thật chậm. - Tao xấu hổ về hành động của mình, nhưng tao không hối hận. Không hối hận vì nhờ nó mà tao thực sự hiểu rằng mình vẫn còn gắn bó với gia đình nhiều lắm, và có những đứa bạn thân lo lắng cho tao nhiều lắm. Tao đang sống giữa những mối quan hệ không bao giờ bị gỡ bỏ chỉ bởi một lần vung tay, vậy thì tại sao lại phải hối hận?

- Một phép thử đắt giá, khoảng một trăm hai. - Chi lẩm bẩm rất nhỏ, nhưng sau cái tối ngồi thiền chỉ để ngắm một cái lá cây, tai mình đã thính ra bao nhiêu - Mình sẽ không bao giờ đánh đổi một đêm cả nhà thức trắng chỉ để chứng minh sự tồn tại của một thứ mà mình đã biết chắc là có tồn tại. Gia đình luôn luôn là gia đình, dù thế nào đi nữa.

Chi nói thế rồi ra về, không quên dặn mình nghỉ ngơi cho khỏe. Nó qua phòng khách định chào ba mẹ nhưng chẳng thấy ai, chỉ có một mẩu giấy ở bàn dặn mình có đói thì hâm nóng thức ăn trong tủ lạnh. Mình buột miệng:

- Ba mẹ tao hoặc là đang ngủ bù đêm qua, hoặc là đang muốn cho tao được ngủ. Chưa ai đủ bình tĩnh để có thể nói chuyện sáng suốt, phải không mày?

- Ừ

- Chi vừa nói vừa loay hoay xỏ guốc - Mà có hoặc gì đi nữa thì đều chứng tỏ mày là mối quan tâm lớn nhất trong trái tim ba mẹ, hiểu chưa?

Mình cười nhẹ nhàng. Lý do không bao giờ quan trọng bằng thực trạng, và như Chi nói ấy, sự thực mình luôn thuộc về gia đình này, mình là một đầu nút trong những mối quan hệ tình cảm không gì có thể phá vỡ. Tối qua mình đã trả một trăm hai để mua lấy một đêm buồn cho cả nhà và cho chính mình nữa. Có đáng không?!!

---Cây củ cải biết nói---

- Trong tủ lạnh, một cây củ cải xuýt xoa: "Ôi, ở trong này lạnh quá!". Cây củ cái khác thấy vậy mới kêu lên: "Ối, cây củ cải này biết nói!". Gọi cây củ cải xuýt xoa lạnh đầu tiên là cây củ cái số 1. Cây củ cải kêu lên sau đó là cây số 2. Các cậu nghe câu chuyện ấy và có thể cười. Nhưng tớ thì không. Bởi vì chính tớ là cây củ cải số 1 ấy!" - Minh nói, và chúng tôi sững sờ, ngừng cười.

- Thôi Minh, mày nói linh tinh rồi, mày nên đi ngủ đi! - Thắng gạt đi.

- Không, tớ làm sao ngủ được cơ chứ!

- Mày cứ để yên cho Minh nói nào! - An nhăn mặt - Nó muốn nói, giờ mày có bắt nó ngủ cũng không được đâu!

Ba năm học cấp 3, chúng tôi luôn coi Minh khác với những đứa con trai trong lớp. Nó học rất rất bình hường, như chính diện mạo của mình. Điểm thể dục cao nhất lớp, nhưng tôi không bao giờ thấy nó hơi một môn thể thao nào, và chắc là nó cũng chẳng bao giờ thức đêm xem cúp C1 như chúng tôi. Nếu rủ nó chơi thì nó cũng gật thôi, nhưng cái gật của nó làm cho người ta ngại không muốn rủ thêm lần thứ hai nữa, vì thấy nó có vẻ thờ ơ, không thích. Nó cực kì ít nói và mọi người cũng rất khó nói chuyện với nó. Thế nên đối với bọn con trai, nó như một sinh vật xa lạ, nhưng tầm thường.

Thực sự Minh chẳng có gì đáng quan tâm nếu như đến đầu học kì 2 năm lớp 12, nó bắt đầu có bạn gái. Là nàng. Nàng, chúng tôi nghĩ xưng như vậy là thích hợp nhất, học khác lớp chúng tôi và được xem là hoa khôi của trường. Nàng nổi tiếng vì học giỏi, chơi thể thao cũng giỏi, và là lớp trưởng, bí thư đoàn trường. Chúng tôi cảm thấy bất bình đến kinh ngạc khi thấy hai người bên nhau. Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Đôi đó đã trở thành chủ đề nóng trong một thời gian dài. Có lẽ, từ khi Minh có người yêu, nó đã nổi tiếng hơn ít nhất gấp 25 lần. Hàng ngàn câu hỏi, hàng ngàn nỗi bực dọc đã được đặt ra trong những lần "cánh đàn ông" chúng tôi nói chuyện với nhau. Hai người đó làm sao quen nhau? Nói gì với nhau? Đứa nào cũng mạnh miệng đoán già đoán non "rồi nàng sẽ bibi nó sớm thôi mà", nhưng trong bụng có lẽ thằng nào cũng hoang mang một chút.

Một cảm giác khác- dễ gọi tên hơn - là sự ghen tị. Hẳn thế! Nàng càng đi với Minh, thì đối với mọi người, Minh càng trở nên xấu xí, ngớ ngẩn, và gây... ngứa mắt. Dẫu nó vẫn vậy: học chỉ kha khá, ít nói, không gì đặc sắc nổi trội. Con trai lớp tôi ghen tị đã là một nhẽ, còn con trai lớp nàng, và con trai cả trường nữa, có lẽ vậy, tất cả những ai nếu biết nàng, đều sẽ cảm thấy mọi chuyện thật là phi lí.

Một ngày gần cuối năm, Minh đến lớp với cánh tay trái bị bó bột và khuôn mặt có những vết bầm

tím, trông vừa đáng thương vừa xấu xí hơn mọi ngày. Bạn bè hỏi, nó chỉ gật gật đầu, rồi... im thít. Đến lượt thầy cô hỏi, nó phải nói, gọn lỏn "Em bị ngã xe!"

Cũng từ hôm đó trở đi, không thấy Minh đi cùng với nàng nữa. "Aha, cuối cùng người nào, vật nào cũng về chỗ nấy!". Một đứa nào đó, hơi khờ, thốt lên. Những thằng khác, bớt khờ hơn, kiềm chế sự mừng rỡ trong lòng, chỉ dọn ra ngoài một vẻ tỉnh bơ.

Nhưng dẫu vậy, chuyện lạ về Minh, từ ngày có bạn gái, đến ngày chia tay vẫn luôn làm chúng tôi

tò mò.

***

Tháng 8, lớp chúng tôi vừa thi Đại học xong và rủ nhau lên Mai Châu nghỉ xả hơi. Khi mọi người đã ngủ, lũ con trai, khoảng 10 người, tụ lại ở một phòng thức đêm chơi bài. Ai thua phải bị phạt bằng cách uống "sán nùng", một loại rượu dân tộc bọn tôi lén mua từ chiều. Một chút huênh hoang, một chút buông thả, tự cho phép mình xả hơi sau kì thi căng thẳng, một cảm giác tự do nơi núi rừng hoang lạnh... chúng tôi chọn hình thức phạt rượu một cách hào hứng.

Minh lần này cũng đi tham quan với lớp. Thật bất ngờ, nhưng không chỉ có vậy, khi chúng tôi đề nghị, cho lịch sự thôi, nó còn đồng ý thức đêm chơi bài nữa. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, chẳng ai bảo ai, tự nơi nào đó trong ý thức đã nhắc cả bọn sẽ hợp nhau lại để Minh là người thua cuộc phải bị

uống nhiều nhất.

Và lúc cần tới đã tới, khi chúng tôi đã chán trò chơi bài, và Minh bị chuốc cũng vừa đủ, chúng tôi chưa cần hỏi, Minh đã nói, bắt đầu lúng búng, bằng chuyện "cây củ cái biết nói".

***

...Hoá ra cách nàng và Minh quen nhau thì cực cũ, rất quen thuộc với mọi kịch bản tình iu học trò vớ vẩn. Chỉ là sửa xe rồi quen nhau. Nhưng cách họ nhận ra nhau, rồi yêu nhau thì không thế.

Nàng và Minh có điểm chung đầu tiên, họ đều không có bạn. Minh không có bạn là một nhẽ, ai đều biết vì nó không cởi mở, nhưng với nàng thì tôi không thể hiểu được. Có lẽ những người bình thường chỉ thích làm bạn với những người bình thường khác. Trong khi nàng lại là một điều kì diệu. Và những người-bình-thường như chúng tôi vẫn nhen nhóm sợ nàng phát hiện ra mình- rất-bình-thường nên không dám thân thiện hơn.

Chính vì thế họ cô đơn. Dù lý do khác nhau nhưng vẫn là cô đơn. Rồi một ngày, khi gặp nhau, họ

thấy mình được chia sẻ- được nghe và lắng nghe. Hai người cảm thấy thoải mái khi chuyện trò bên nhau. Họ có quá nhiều điều để chia sẻ. Họ nói về mình, những nỗi lo lắng "bình thường" và về những giấc mơ...

Và họ trở thành người- đặc-biệt của nhau, một cách tự nhiên nhất, như không gì có thể đơn giản hơn. Nhưng mọi chuyện lại không được những người khác tiếp nhận một cách đơn giản. Kể từ khi là bạn gái của Minh, cả hai đã nhận được những những lời đàm tiếu, và nàng thì phải chịu chúng nhiều hơn Minh. Bắt đầu là thầy chủ nhiệm lớp nàng. Rồi sau đó là thầy phụ trách đoàn trường. Thầy đã không cho nàng lên quận đoàn họp như định kì, những công việc khác thì giao cho phó bí thư và và các thành viên khác trong Ban chấp hành. Đấy là còn chưa kể bạn bè nàng. Đấy là còn chưa kể những

người theo đuổi nàng... Nàng không kể nhưng Minh biết.

"Họ cứ nghĩ rằng khi Viên (tên nàng) là bạn gái của tớ, thì thanh danh trường mình xấu đi vậy!"

Minh chua chát nói. (Không phải vậy sao???).

"Còn nhớ lần tớ bị gãy tay chứ?'" Minh hỏi, đôi mắt nó đỏ ngầu. Chúng tôi im lặng, chẳng ai có thể quên cả. Một gã nào đó, một trong những "cây si" đã "chơi" Minh theo cách đó. "Mày hãy để yên cho Viên!'' Gã gào lên trước khi rồ ga bỏ đi. "Nếu không Viên cũng không được yên vì mày đâu.''

Tất nhiên, chẳng phải vì cú gẫy tay mà Minh quyết định chia tay. Nhưng nó lờ mờ nhận thấy thằng

kia nói đúng. Viên bị "ảnh hưởng" vì nó. Chính bản thân nó nó còn không thể bảo vệ được, thì làm sao nó có thể bảo vệ được nàng. Nàng không chịu, Minh cũng mặc kệ. Thế mà giai đoạn khổ sở đó của hai người, chúng tôi chẳng nhận ra. Chỉ thấy Minh vẫn im im như mọi bận...

"Làm mặt thờ ơ, tỉnh bơ thì tao giỏi lắm. Phải không?'' Minh cười như mếu- "Viên khóc nhiều lắm! Nhưng mặt tao vẫn tỉnh bơ như thế này này. Như thế này này!". Minh lấy tay chỉ vào mặt nó, rồi cười cười. Chúng tôi sợ hãi. Tay chân như cứng đờ. Bất thần, "nhân vật chính" ngưng lại, nằm vật ra. Nước mắt lăn trên má.

Câu chuyện đã kết thúc.

"Thôi, đi ngủ đi, trời sắp sáng rồi!" An cất tiếng một cách khó nhọc phá vỡ sự im lặng đáng sợ. Thắng bặm môi, Phi vần vò cái mũ lưỡi trai như trút hết oán giận vào nó... Giá mà bọn tôi không bày trò

này ra thì tốt hơn biết mấy. Tôi nhìn ra bên ngoài, trời bắt đầu có ánh trắng, sương mờ đục, lạnh lẽo.

***

An nằm chung giường với tôi, cả hai sau câu chuyện của Minh chẳng ai ngủ được. Nỗi xấu hổ day dứt len vào trong tâm trí mỗi đứa. Không ai muốn nói một câu nào nữa. Rồi tôi khó khăn thiếp đi mệt nhọc lúc nào không hay. Trong giấc mơ chập chờn của tôi, những hình ảnh hiện ra, hỗn độn và buồn rầu, cây củ cải biết nói, đôi mắt đỏ ngầu đau đớn, nàng, tôi, Minh, bè lũ, nỗi cô độc, tiếng cười...

Bên ngoài trời đã sáng hẳnnhưng sương vẫn dày, đục trắng và lạnh lẽo. Sự lạnh lẽo đó, có lẽ mãi về sau này, tôi chẳng bao giờ quên được.

---I can cook---

Lò dò đến trước cửa trung tâm nấu ăn, Thu hồi hộp. Lần đầu tiên nó sẽ phải làm một việc được coi là biểu- hiện- của- nữ- tính trong suốt 17 năm tồn tại trên cõi đời này.

...Lý do gì để một đứa con gái suốt ngày chỉ biết buôn điện thoại, chat chit, mê Rock điên cuồng lại có thể đăng ký một lớp học nấu ăn nếu không phải là nó trúng mũi tên thần Cupid! Thế có nghĩa là Thu đang thích một ai đó, Hoàng đoán vậy. Nhưng là ai thì chịu.

Lò dò đến trước cửa trung tâm nấu ăn, Thu hồi hộp. Lần đầu tiên nó sẽ phải làm một việc được coi là biểu- hiện- của- nữ- tính trong suốt 17 năm tồn tại trên cõi đời

này.

...Lý do gì để một đứa con gái suốt ngày chỉ biết buôn điện thoại, chat chit, mê Rock điên cuồng lại có thể đăng ký một lớp học nấu ăn nếu không phải là nó trúng mũi tên thần Cupid! Thế có nghĩa là Thu đang thích một ai đó, Hoàng đoán vậy. Nhưng là ai thì chịu. Buổi đầu tiên Thu đi học về, ôm điện thoại rên rỉ với Hoàng suốt một tiếng chỉ để ca thán bà bếp trưởng khó tính, tay thì thái, băm, chặt nhanh đến kinh người, và miệng thì chỉ biết... chê Thu.

- Mà tao làm y hệt bà ấy dạy, thế mà

bà ấy mắng tao oang oang- Thu giả giọng nheo nhéo của bà đầu bếp - "Cô làm ăn thế này thì chết, ai lại thái thịt to như cái gối đôi thế kia? Có nửa lạng thịt mà cô cho bao nhiêu mắm đấy hả, muốn thực khách phải rửa ruột hả..." mày thấy có quá quắt không cơ chứ!

- Hừm, bà ấy nói cũng không sai nhưng hơi quá đáng, nhỉ...

Thu chẳng để ý cái gióng xóc xách của thằng bạn thân:

- Tao thề sau khoá học, tao sẽ khiến mày đặt tiêu chuẩn kén vợ là:"nấu ăn ngon bằng con bạn thân". Để rồi mày xem...

Hoàng hỏi dò:

- Mày đọc được tiêu chuẩn kén vợ của ai đấy hả?

- Con trai đứa nào chả thích con gái biết nấu ăn, mày hỏi vớ vẩn, tao chuẩn bị cho tương lai đấy chứ!

Cộp. "Nàng" dập máy rồi. Thế là Hoàng vẫn chẳng biết gì nhiều hơn về tâm tư của con bạn thân.

2. Ngày thứ hai, thứ ba, bà đầu bếp

vẫn cằn nhằn Thu. Hôm thì nó đập trứng vào bát mà lòng đỏ ở dưới đất, vỏ gọn

trong bát. Mắng! Lúc thì nó dập tỏi, đập một cái uỳnh xuống thớt, miếng tỏi bắn

đúng vào mũ bà ấy. Lại mắng! Sao nó phải khổ thế, nhiều lúc Thu thấy mình thật

dở hơi. Chỉ vì một câu nói bâng quơ của Hải mà nó phải làm tội nhân của bà đầu

bếp khó tính. "Nhìn con gái nấu ăn cũng thích lắm!" Hừ, cứ học lớp này đi

rồi mà thích...

3. Kêu thì kêu chứ nó đố dám bỏ buổi nào. Một tháng học nấu ăn với Thu không phải là toàn ác mộng. Bà đầu bếp tuy khó tính nhưng nấu ăn cực ngon và truyền đạt rất dễ hiểu. Giờ Thu thấy thú vị khi nấu được những món ăn mà trước đây nó chỉ biết mở sách nấu ăn nhìn hình vẽ

để mà thèm nhỏ giãi.

Mỗi tối, Thu vẫn gọi điện thoại cho Hoàng kể lể những vất vả khó nhọc mà nó phải chịu khi quyết tâm học cái lớp mà mới 3 tháng trước đây nó vẫn coi là việc của những bà nội trợ thế kỉ 18 chứ không dành cho những cô gái 2004 như nó! Thu hồ hởi hứa với Hoàng:

- Chỉ một tháng nữa tao sẽ nấu cho mày ăn những thứ được gọi là "ẩm thực", mày sẽ phải lác mắt, méo miệng vì tài năng thiên bẩm của tao..

- Tao có phải chuẩn bị becbêrin không mày? Mà tao hỏi thật....

Cộp. Chắc cô bạn đã gác máy đi ngủ với ý tưởng về món ngon trong đầu mất rùi.

4. Sáng nay, Thu đến sớm hơn mọi lần. Nó muốn nghía qua lớp... cắm hoa để cho trọn vẹn "nữ công gia chánh". Đang ngó nghiêng thì nó nghe thấy tiếng bà đầu bếp khó tính:

- 11h đón mẹ ở đây nhé!

Nó quay lại và sững người. Không thể tin được, Hải đang đứng trước mặt nó. Chưa kịp ngậm miệng (đang chữ O hoa mà) thì nó đã lọt vào "mắt xanh" bà bếp trưởng:

- Ơ, cô này hôm nay đến sớm thế, chắc trưa nay có bão! Vào đây phụ giúp bác chuẩn bị nào..

May quá, Thu có cớ rút lui. Nó vội gật đầu chào Hải thật nhanh rồi cun cút theo bà bếp trưởng. Nhưng từ lúc ấy đến hết buổi học, Thu chẳng nhập tâm được điều gì cả. Lúc nào cũng quẩn quanh một dấu hỏi to đùng: "Không hiểu Hải có kể cho mẹ nghe rằng có đứa bạn con học mẹ không. Và rồi bà bếp trưởng, à không, giờ phải là bác bếp trưởng, bác ấy sẽ kể tất tần tật những cái gọi là vụng về, đoảng, sẽ lấy gương mình ra để bảo Hải: tránh xa những đứa như Thu ra không???" Vậy là hết, tất cả công sức, nỗ lực của Thu sẽ tan thành mây khói...

- Cô này hôm nay sao mà như mất hồn thế, rửa miếng thịt suốt 15 phút thì còn đâu là chất thịt nữa...

Giật mình, Thu bẽn lẽn lí nhí xin lỗi, vội đi chia rau ra các bàn...

10h45, lớp học kết thúc, Thu lần chần mãi không đi lấy xe, đợi Hải đón mẹ về cho... nhanh, nhưng đúng là... oan gia gặp nhau. Hải nheo mắt trêu Thu:

- Thế mà tớ đã từng nghe có người tuyên bố không bao giờ thèm học nữ công gia chánh cơ đấy!

- Nói vậy hồi nào? - Thu hỏi chỏng.

- Thì lần đi cắm trại đấy. Thu mà quên thì tớ hơi lạ!

Thu chống chế :

- Hè rỗi nên đi học bổ túc lớp nữ tính, chứ ở nhà ôm vi tính để mà toét mắt à.

- Thảo nào mẹ tớ về bảo có cô học trò thông minh lắm, ai lại làm cá mà đi nhổ từng cái vẩy!

Thu ước gì có tảng đá rơi uỳnh chắn giữa nó và Hải thì tốt biết mấy.

5. Sáng hôm sau, vừa lò dò vào lớp, bà bếp trưởng đã tươi cười chào Thu :

- A, hoá ra cháu học cùng lớp với Hải. Sao không nói trước. Sao học văn hoá giỏi thế mà nấu ăn thì lóng ngóng vậy? Từ nay có gì khó hiểu cứ hỏi bác, rồi sẽ khá thôi.

Mấy cô học viên khác hùa vào trêu:

- Gớm con dâu tương lai được huấn luyện kĩ quá!

Bà bếp trưởng cười. Thu thì mặt tưng bừng như gấc. Hoá ra bác đầu bếp không khó tính như nó tưởng. Nó xung phong làm phụ bếp, và chú ý từng tí, từng tí...

6. Hôm nay kết thúc khoá học, Thu thấy nhớ nhớ những người học cùng Thu suốt 2 tháng, nhớ những kỉ niệm mà khi học trên lớp Thu không bao giờ có được, nhớ những lần gặp Hải, Thu mỉm cười chào còn Hải thì luôn hỏi :

- Hôm nay có làm cháy món gì không?

Và Thu thì luôn trả lời

- Chỉ cháy chảo thôi! Không cháy nồi!

Bà đầu bếp bước vào, nhìn khoá học đầu tiên của mùa hè - một khoá học toàn nữ độ tuổi U30 :

- Từ nay không chị nào sợ nấu nướng nữa nhé! - bà cười hồn hậu - trong quảng cáo mỳ chính người ta đã nói:"nấu ăn là nghệ thuật và người đầu bếp cũng là một nghệ sĩ", câu đấy không sai đâu. Chỉ cần mọi người yêu thích, thêm sự sáng tạo thì không khó để trở thành đầu bếp giỏi. Mỗi mái nhà luôn cần được sưởi ấm bằng cái bếp của người phụ nữ. Mỗi người chồng luôn nhớ những món ăn vợ nấu khi đi xa. Tất cả những đứa con đều thích những món ăn mẹ nấu nhất. Chính vì thế đừng ai nghĩ nấu ăn là chỉ dành cho những phụ nữ cô-lô-sy...

Thu há miệng nghe. Bác ấy nói với mọi người mà như nói với mình Thu vậy. Chuẩn bị ra về, bác bếp trưởng gọi Thu lại rồi đưa cho một gói quà:

- Hải nhờ bác chuyển gói quà này cho cháu. Tuy bác có chê cháu nhiều nhưng đừng để bụng nhé. Bác chỉ muốn một người bạn mà Hải quý mến sẽ trở thành một người đầu bếp giỏi thôi mà..

Về nhà, Thu vội nhảy lên giường bóc vội món quà - hai quyển sách nấu ăn dày cộp, kèm một tầm thiệp :

"Mẹ tớ đã nhìn thấy Thu ở trong tấm ảnh lớp mình nên nhận ra ấy ngay từ buổi đầu tiên và về kể cho tớ. Chính vì thế mẹ tớ mới nghiêm khắc với ấy như vậy, đừng giận mẹ tớ nhé. Tớ luôn mong được ăn một bữa ăn do tự tay Thu nấu, ấy có đồng ý không?"

7. "Reng... reng. Giọng vịt đực của Hoàng vang lên:

- Chúc mừng sự kiện mày kết thúc khoá học bổ túc nữ tính. Thế nào, mày đã đạt được tiêu chuẩn chọn vợ của chàng nào chưa

Giọng Thu nhỏ bất ngờ:

- Tao cũng không biết, chuyện bếp núc phức tạp lắm mày ạ!

- Mày nói cái gì thế! Chuyện gì phức tạp cơ? Chuyện bếp núc á? He he, bạn học sinh giỏi của lớp chuyên trường chọn ơi, bạn đừng dối lòng nữa, có phải ý mày là chuyện tình cảm rối rắm lắm đúng không?

Thu cười:

- Uh, chả có gì là đơn giản cả. Nhưng có một điều tao nghĩ là không khó. Đấy là: hôm nay qua nhà tao ăn cơm, tao sẽ tự tay làm chiêu đãi mày cái gọi là "nghệ thuật ẩm thực"

Rồi Thu lẩm nhẩm một mình "dù sao thì cũng đã có thể tự hào: I can cook, mình đã biết nấu ăn!"

---Ở đâu cũng mát---

1. Hơi khó nuốt. An nhằn nhằn cái miếng đặc sản rất khó gọi tên bằng hai hàm răng ngậm chặt (có tài thánh nó cũng không dám mở miệng ra để thiên hạ nhìn vào được mình đang ăn cái gì, lịch sự mà), lúng búng lùa nhanh xuống cuống họng để khỏi phải thốt ra một lời nói dối nào kiểu "vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi" mà sự thực thì đau lòng nó quá xá cỡ. Mừng húm khi thấy Jade đang mải quay sang tấn công Minh với một đĩa hoa lan xào (?) mà vẻ nhiệt tình thái quá dễ khiến người ta liên tưởng đến một má-mì tìm cách đầu độc đàn em, nó tranh thủ ỉm ngay suất "tự xử" của mình dưới một gắp salad bự và an ủi "Rau everywhere đều có diệp lục!"

May phước, vừa kịp khi Jade đã dừng công đoạn tiếp đãi khách khứa để quay lại với món "Ba chấm hầm" mà An chẳng biết điền vào dấu ba chấm từ gì đây nữa, cô nàng húp một hơi gần nửa bát rồi nhìn An với Minh toe toét cười. Chúng nó lật đật cười theo và kín đáo nháy mắt với nhau, lòng tri ân quốc tịch nhiều vô kể. Vì ơn Trời là Jade đã hiếu khách theo một kiểu không Việt Nam, tức là cô nàng không có cái tính kiên nhẫn đến thành bảo thủ (và gan lì) như những bà mẹ Việt sẵn sàng bám đuổi khách khứa từng centimet vuông trên bàn tiệc, trút với gắp liên tùng tục không cho ai cơ hội chối từ. Hix, thật may vì Jade không phải là người Việt Nam đấy nhé.

Bữa ăn chấm dứt sau một vài white lie kiểu "Tôi nên nới chun quần trước khi ngồi vào bàn mới phải," đủ để Jade sung sướng ngỏ ý mời chúng nó đến tiếp vào bữa party cuối tuần (thảm!). Chả hiểu Minh lật đật thế nào mà cái cần cổ của nó lại gật cái rụp, báo hại An cứ cằn nhằn mãi trên đường về. Minh chắc lưỡi:

- Thôi, giao lưu văn hoá mà, thể nào chả phải có tí cultural shock!

- Nhưng phiền Jade lắm! Mà lại còn làm tổn thương đến lời thề không nói dối của tao nữa... - An cắn tóc ray rứt.

- Vẹo! Thế tao hỏi mày, nếu bây giờ Jade đến nhà mày ăn cơm thì mày có coi đó là phiền nhiễu không hả? - Minh vặn - Mày lại chả trải thảm đỏ cả trong WC ra ấy chứ!

- Ừ thì... mình hiếu khách kiểu Việt Nam mà!

An thở dài một cái não ruột, nhưng cũng thấy lời Minh khá là chí lý. Cái tính teen Việt là vậy, ngại phiền người khác nhưng thấy chuyện mình được người khác làm phiền lại chả có tí gì phiền hà hết ráo! Nhất là với Jade - cô bạn mới quen, người mà cái sự dễ thương đã vượt khỏi giới hạn của mọi loại đơn vị đo lường. Tên đầy đủ của Jade là Jasmine de Colletora McMillan, người Mỹ gốc Phi, dễ dàng nhận dạng từ xa bởi nước da đen mịn và mái đầu xù bự kiểu Melisa - nữ thần đầu rắn. Thành ra khi Minh luôn trầm trồ trước độ xoăn vô địch thiên hạ của tóc Jade (Minh thì dù có uốn và vuốt keo chừng nào thì mái đầu vẫn có xu hướng giống đĩa mỳ Ý hơn là những búp sóng thiên thần), Jade lại hay thèm thuồng nhìn cái máy là tóc và buột

miệng nói lên mơ ước giản dị nhất cuộc đời mình: "Giá mà tóc tớ bớt giống một trận đại hồng thuỷ..."

2. Tụi nó quen nhau khi Jade đến trường giao lưu văn hoá, theo đó Jade sẽ tham dự một số tiết học được tổ chức riêng để dân tình quốc tế mục sở thị khả năng "tiếng Anh (chỉ là) ruồi" của teen Việt, trích nguyên văn lời Jade nhận xét. Nhớ lại hôm đầu gặp mặt, lúc Jade mới lóc cóc đi sau lưng cô hiệu phó tiến đến lớp A1 - cái tổ kiến cánh của trường (có biệt danh này là bởi bọn học sinh luôn phải bay như chim qua kho bàn ghế cũ án ngữ ngay trước mặt tiền phòng học) thì cũng là lúc An với Minh hớt hải phóng từ canteen chạy lên, đứa cắn vội mẩu bánh mỳ lép kẹp, đứa hươ hươ cốc miến vừa sợ rớt ra áo (bẩn), vừa sợ rớt xuống đất (phí!) Chạm mặt nhau ở chân cầu thang, chưa kịp để hai con bé trình diễn màn "em chào quạ" (tức "em chào cô ạ") như thường lệ, cô đã "chuyển giao công nghệ" cho chúng nó luôn kèm theo lời nhắn hơi bị pro: "Tôi tin cậy các em 100% vụ đưa Jade lên lớp an toàn, cẩn thận kẻo sứt mẻ gì là không đền được đâu!" Suýt phì cả ra vì sặc, Minh còn chưa biết vứt cốc miến của mình ở đâu thì đã nghe Jade láu táu:

- Món ăn Việt Nam nhiều nước!

- Vì người Việt thích uống nước! - An nói xong thì cũng hơi chột dạ vì câu trả lời của nó tuy đúng thì đúng thật nhưng cứ ngu ngu.

- Giáo viên Việt Nam tin học sinh!

- Vì giáo viên Việt thích học sinh! - Lần này là lời của Minh, giọng nói có vẻ thuyết phục hơn một chút vì vốn cái mặt nó rất phù hợp cho việc nói đùa.

- Con gái Việt Nam rất xinh!

- Vì con trai Việt thích con gái xinh! - Chưa đứa nào kịp đáp lời thì một giọng nam ở đâu đã chen vào làm tất cả giật mình ngoái lại đằng sau. Bình, tổ trưởng tổ culi vô điều kiện của con trai A1 đang đứng đó cười tí toét.

Không mất nhiều thời gian để mấy đứa làm thân. Bình xăng xái cầm cặp sách của cả bọn để An rảnh tay gặm nốt bánh mỳ còn Jade có thể theo chân Minh bay qua hai cái bàn chồng ngược lên nhau. Khi Jade thắc mắc vì sao không dẹp quách khu chướng ngại vật này đi, Bình giải thích: "Đây là truyền thống của dân A1 để nhắc nhau rằng lớp học là chiến trường và việc học tập bao gồm cả gian khổ hy sinh!" Jade tin sái cổ làm Minh cấu An một cái cười tủm tỉm. Ai chả biết là bọn nó bày ra trò này chỉ để làm chậm bước tiến công của địch, tạo thêm chuẩn bị cho ta mỗi lần thầy cô lên lớp với một lịch kiểm tra miệng sít sao!

Kể ra thì sự ga lăng xăng của Bình chẳng khiến An với Minh ngạc nhiên được mấy (đã bảo là culi vô điều kiện cơ mà), nhưng Jade lại lấy làm bỡ ngỡ lắm lắm. Cô nàng liên tục xoắn mấy lọn tóc vốn đã không thể quăn hơn ra chiều bối rối khi Bình tung tăng đi bên ba hoa về hình ảnh một cô gái Việt Nam mẫu mực, người mà nếu giống y như những gì cậu chàng miêu tả thì sẽ có dung mạo và tính tình hệt như Phật Bà Quan Âm. Đây cũng là một phần quen thuộc trong bài văn "Chúng mày không phải là con gái" mà tổ culi hay tụng mỗi khi bị đàn chị trong nhà bắt nạt, cái đoạn kết luận nói lên mơ ước và nguyện vọng ấy mà. Cứ mỗi lần Jade ngượng ngùng là An lại bấm Minh cười phé lé.

3.

- Này, trông tớ thế nào?

Jade hỏi lo lắng, tay giật giật gấu áo của Minh. Con bé đang mải tỉa cà rốt (hoặc ít ra là cố tình làm thế) nên An phải trả lời hộ:

- Tuyệt! Tớ thích cái nơ! - Ấy là nó đã cân nhắc để không vi phạm lời thề nói dối, bởi sự thực thì ngoài cái nơ màu hồng xinh xinh ra, mái tóc khó khăn lắm mới duỗi được thẳng đơ của Jade đang có xu hướng chĩa vểnh ra ngoài như một nhúm tăm xỉa răng.

- Tóc thả ngang vai đúng là hiền hơn thật - Jade buột miệng mơ màng. Chả cần đoán cũng biết cô nàng đang nhớ đến "một cô gái Việt Nam mẫu mực".

- Ừ, Jade này - Minh đã ngừng xỉa dao vào củ cà rốt, thứ mà sắp bị nó băm nát ra đến nơi, lựa lời góp ý - Tớ nghĩ là...

- Cậu có nghĩ là Bình sẽ đến không? - Jade đột ngột hạ giọng, làn da đen mịn không che được hai gò má hồng hồng. - Nếu cậu ấy không đọc được lời mời tớ viết...

- Yên tâm, món ăn Jade nấu không ai có thể bỏ qua!

Trấn an Jade là thế nhưng thực bụng Minh với An lại lo ngay ngáy. Chúng nó đã lỡ miệng quảng cáo về độ quỷ khốc thần sầu của những món ăn Jade tự tay bào chế, nên cũng không chắc lắm liệu còn mấy đứa đủ can đảm tới đây nộp mạng. Đã chậm mười phút so với giờ hẹn, Jade không tỏ ra bồn chồn nhưng thi thoảng vẫn liếc về cái đồng hồ.

- Kính coong!

Vừa nghe tiếng chuông, Minh và An đã mừng cuống quýt tranh nhau lao ra mở cửa. Là cả lớp A1, đi đầu là mấy thằng con trai tay lăm le bó hoa hay món quà gì đó và miệng thì rất thường trực một nụ cười cầu tài. Bình đi sau cùng, hạ giọng thầm thì với An khi nó hỏi vì sao đến muộn: "Bà không biết à, khi thăm nhà người Mỹ thì phải muộn hơn một chút để chủ nhà có dư thời gian chuẩn bị. Kiến thức giao tiếp tối thiểu đấy!"

Mất khoảng mười phút cho màn trao quà và cảm ơn lia lịa. Đến khâu này mới quan trọng đây: tiệc đứng ạ! Khác với hình dung của An và Minh về tình cảnh "không nói lên lời" của những cái mặt khóc chẳng phải mà cười cũng càng không, dân tình ăn uống rất chi là nhiệt tình hỉ hả. Jade tươi tỉnh hơn bao giờ hết, và "tăm" cũng chỉa ra nhọn hơn bao giờ hết. Nháy Bình ra một góc, Minh lè lưỡi:

- Ăn được thật à? Bọn tớ có đến sớm giúp một tay nhưng không dám đả động nhiều về khoản ẩm thực, kinh nghiệm rồi mà!

- Ừ thì... theo một khẩu vị nào đó...

Bình ngúc ngắc, miệng đầy nhúc nhắc. Đến lúc này An mới nhận ra rằng cậu chàng chỉ dám tấn công duy nhất một món "diệp lục everywhere" là salad dưa chuột cà chua. Cậu chàng nói bé tẹo:

- Tớ đã dặn bọn nó là ai tiêu hoá được bao nhiêu thì cứ cố...

Đang thầm thì, chúng nó không nhận ra Jade đã đến gần từ lúc nào. Lùa tay vào tóc và lắc lắc cho giống "nhân viên gương mẫu", Jade cười với Bình thật-tự-nhiên, nhưng nụ cười ấy nhanh chóng rớt đi đâu mất cùng lúc với vẻ mặt bàng hoàng của An và Minh khi Bình cười toe, cũng hết sức tự nhiên:

- Tóc cậu sao vậy? Gội nhầm X-men đàn ông đích thực hả?

Choáng mém xỉu, bốn cái miệng há hốc nhìn nhau. Khi lờ mờ hiểu ra lời mình vừa nói tai hại chừng nào, Bình cuống quýt chữa cháy:

- Ừ thì... Tóc ai cũng thế mà... Lần đầu tiên tớ gội nó cũng cứng còng...

An đau khổ ra dấu cho Bình dừng lại mà không kịp. Mặt Jade đờ hẳn ra, tay ngừng "gương mẫu" và môi thì mím chặt như sắp khóc oà. Nhưng, lại một lần nữa An và Minh phải cảm ơn sự khác biệt quốc tịch, vì nếu Jade là một cô gái Việt Nam thì hẳn sẽ không thể lấy lại điềm tĩnh nhanh đến thế. Chớp mắt, Jade hỏi:

- Cậu thấy kiểu tóc này không hợp với tớ à?

- Cái nơ rất đẹp. - Bình nói thật chậm. An đỡ áy náy vì mình không phải là người duy nhất có nhận xét ấy.

- Cậu đã nói rằng thích con gái có tóc thẳng dài?

- Đó chỉ là một trong số những ý thích của con trai bọn tớ về con gái. - Bình hít một hơi sâu, rồi quả quyết tiếp tục - Tóc thẳng dài xinh mà tóc xoăn cũng xinh luôn!

- Thế tớ có xinh không?

Đứng trơ như phỗng nghe hai người đối thoại, An với Minh cứ giật mình thon thót. Làm sứt mẻ hình tượng teen Việt trong lòng Jade chẳng phải là một ý hay tẹo nào, dù chỉ là do một chút tự ái những cô nhóc mười sáu tuổi ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng có thể sở hữu. Chúng nó lo ngay ngáy Bình sẽ nói điều gì đó không nên, vì cứ nhìn cái vẻ mặt thật như đếm của cậu chàng là không thể yên tâm được:

- Cậu vốn xinh, vì con gái lúc nào cũng xinh.

- Tức là...

- Tức là cậu thấy đấy, không girl nào trong lớp có đầy đủ tiêu chuẩn bọn tớ đề ra về một cô nàng mẫu mực, nhưng điều đó đâu có ngăn cản tổ culi xách cặp cho các bạn ý mỗi ngày đến lớp?

- Thế nhưng...

- Thế nhưng dù thế nào thì con gái các cậu vẫn cứ là xinh hơn bọn tớ nhiều! Girls're cool everywhere- Bình cắm ngập cái dĩa vào một lát cà chua- Đúng thế đấy, ở đâu cũng mát :)!

An nháy Minh, thở một tiếng nhẹ cả người. Chúng nó chẳng biết Jade đã bối rối chừng nào, Bình đã ấp úng ra sao vì ngay sau đó 4 đứa đã tách riêng ra thành 2 nhóm đánh lẻ trong bữa tiệc (An đi với Minh, tất nhiên!) Không còn quốc tịch. Không còn rào cản văn hoá. Chỉ có cool everywhere - ở đâu cũng mát. À, còn có cả món diệp lục everywhere này nữa chứ, hehe!

---Con ma mặt buồn---

Buổi sáng. 6h30.

- Kiên! Giờ này còn chưa dậy hả? Lại vùi đầu vào mạng chứ gì? Không hiểu có cái gì mà mày cứ chết vùi vào đấy thế không biết...

Tiếng mẹ. Hừ, cú quá! Rõ ràng đêm qua tôi đã đặt chuông đồng hồ báo thức để xem chung kết C1 rồi mà cuối cùng lại ngủ tít thò lò, giờ, không kịp xem cả tin thể thao. Mẹ thì lại ca bài ca bất tận thế kia... Nhưng không sao, mẹ kêu là việc của mẹ. Còn trận đấu thì, đến lớp thế nào bọn nó cũng ngồi bốc phét nghe có khi còn hay hơn cả xem trực tiếp ấy chứ.

Nhưng mà tôi đã nhầm, chính xác thì đúng được một nửa. Vừa vào đến cửa lớp tôi đã nghe tiếng thằng Cộng bốc phét nhưng lại chả có vẻ gì liên quan đến bóng đá cả. Đã thế thằng Trung công tử, thằng Hà béo với mấy đứa con gái im phăng phắc lắng nghe, khuôn mặt lộ vẻ sờ sợ. Tôi liếc nhanh tờ báo Bóng đá vứt chỏng chơ ở bàn một, thường phải đến tiết ba mới tới lượt tôi, Liverpool thắng Milan 1-0 bằng bàn thắng của Milan Baros. Đáng ra tôi phải tiếc hùi hụi vì không được chứng kiến Liverpool nâng cúp nhưng tôi không còn quá quan tâm đến trận đấu nữa. Tôi tiến đến chỗ bọn nó đang tụ tập cuối lớp, hỏi thằng Hà béo:

- Bọn mày đang nói về cái gì đấy?

Thằng Hà béo như không nghe thấy tôi hỏi. Mắt nó vẫn chăm chú hướng về phía thằng Cộng, nuốt từng lời của thằng này.

- ...Rồi đến hôm qua chị tao bảo thằng bạn của bà ấy đi chụp ở cái hàng ấy, đến khi xem ảnh thì lại thấy nó xuất hiện- đến chỗ này thì giọng thằng Cộng trầm xuống có vẻ rất nghiêm túc, một điều chưa từng thấy ở những lần tán dóc khác của nó.

Nghe đến đây con Vi co rúm lại còn mấy đứa kia mặt tái mét.

- Nó là cái gì thế?- tôi chen ngang vào

- Mày không lên forum trường hả Kiên Vứt, bọn nó đồn ầm ra đấy. Nó ở đây là một con ma, hình thù giống như Casper con ma vui vẻ, có điều nó không vui vẻ đâu. Nó hiện ra trong những tấm ảnh ở cái hiệu chụp ảnh Hàn Quốc mới mở và khuôn mặt nó thì buồn não nề. Có thằng bảo nó bị lão chủ quán giết nên hiện hồn về phá việc làm ăn của lão.

- Ha ha làm cóc gì có ma! Bọn mày học chuyên Lý mà lại tin được ba cái điều nhảm nhí đấy à. Có thể cái máy nó cài sẵn hình ảnh như thế.

- Mấy đứa trường mình đâu có ngu mà không biết phân biệt ma thật với ma giả. Mày không tin thì đến đấy chụp cho biết, chỉ sợ lúc ra lại hồn vía lên mây thôi.

- Được rồi! Tao sẽ đi. Sợ gì!

***

Sau ba tiết, cái niềm tin vững chắc về việc không có ma của tôi bắt đầu lung lay dữ dội. Thằng Cộng nói đúng, ai lại rỗi hơi bịa ra ma quỉ làm gì, có phải con nít đâu. Hay là có ma thật? Tốt nhất mình sẽ rủ một đứa đi cùng cho đỡ sợ với lại có ai đi chụp ảnh một mình. Thế là trong giờ hai mươi phút ra chơi tôi kiếm được thằng Tùng béo, một thằng lùn, đầu vuốt keo trông như một con nhím, lại ít nói và có vẻ khoái mấy trò kinh dị.

Reng... Reng... Rengg... Chuông hết tiết năm bỗng reo lên làm tôi giật bắn cả mình, tim đập thình thịch không biết vì bà lao công chơi ác hay là do tôi đang mải nghĩ đến con ma. Sau mấy phút cất dọn đồ đạc tôi cuối cùng cũng giữ được cho cái quả tim của mình đập chậm trở lại.

- Đi chưa?- thằng Tùng béo ngoái lại hỏi.

- Ừ!

Không khó để tìm ra cái hàng chụp ảnh ấy. Gần quán bi-a Núi Trúc chỉ có mỗi cái hàng ấy thôi, tất nhiên không phải tôi và thằng Tùng béo nhận ra cái quán ấy vì những băng rôn đỏ chót trên có những câu quảng cáo ấn tượng kiểu như 'Chụp ảnh

Hàn Quốc ba mươi giây lấy ngay' mà bởi cái vẻ tồi tàn mà thằng Cộng đã phím trước.

Trước quán đặt một tấm biển trắng nhợt thủng lỗ chỗ như bị mối khoét trên là dòng chữ dán: Chụp ảnh Hàn Quốc. Nhìn cái quán ấy có vẻ rất thích hợp cho những câu chuyện ma rùng rợn. Chắc thằng Tùng béo cũng nghĩ như tôi nên chân nó cũng lưỡng lự như muốn quay lại.

- Có nên vào không?- Tôi hỏi lại nó

- Thôi đã đi tới đây thì liều một phen vậy.

Thế là hai thằng bước vào cửa. Lão chủ quán vui vẻ mời chúng tôi vào. Chắc là lão phải vui lắm vì chả có ma nào lui tới đây chụp ảnh. À nhầm không có người tới chứ có ma hay không thì bọn tôi đang đi tìm câu trả lời đây. Lão chủ quán có một vẻ mặt hiền hiền của một ông già sáu mươi, trái ngược hẳn với những tưởng tượng của tôi về lão trong giờ. Tôi nghĩ chắc lão phải mang một khuôn mặt u ám hay gian trá của một tên giết người sau lưng để cho vào máy chụp mà con ma kia là một nạn nhân.

Có lẽ trí tưởng tượng của tôi hơi phong phú. Lão đem cho chúng tôi xem quyển sổ in những kiểu ảnh để chọn. Có tới hai mươi quyển nhưng bọn tôi chọn nhanh tám kiểu trong có mười phút bởi mục đích chính đâu phải là chụp ảnh. Chọn xong tôi đưa cho lão mã số các kiểu ảnh. Lão nhập mã số vào máy nhanh hoay hoáy chẳng thua gì một người trẻ tuổi. Tôi và thằng Tùng béo bước vào chụp, cả hai đứa đều căng thẳng không biết con ma có xuất hiện không. Nhưng mọi thứ đều có vẻ bình thường.

Tôi chụp kiểu đầu, cố tạo một tư thế mới lạ trên chiếc xe mui trần màu đỏ nhưng cái mới lạ nhất hoá ra lại là nụ cười đầy

căng thẳng. Thằng Tùng béo chụp hai kiểu sau, hình như nó thích thú với ý nghĩ sao không tạo một khung cảnh ma quái để gọi con ma đến chơi mà chọn hai kiểu, một kiểu có hình Dracula chuẩn bị hút máu một người thiếu nữ mặt để trắng cho

thằng Tùng béo nhét đầu vào, một kiểu có nền là lâu đài ma có dơi bay ra.

Cái mặt baby của nó khi xuất hiện cùng mấy thứ ma quái đó suýt làm tôi cười bể bụng. Tôi bắt đầu thoải mái hơn nghĩ bụng sao mình lại tin lời thằng Cộng nhỉ, trên đời này làm gì có ma. Đến kiểu thứ tư tôi với thằng Tùng béo chụp chung. Hai thằng cho đầu vào hai tên mafia cầm súng, tên mafia chứa đầu của tôi đang giơ súng chĩa vào đầu của Tùng béo, đây có lẽ

là một vụ thanh trừng băng đảng.

Chụp xong bốn kiểu đầu chúng tôi đợi tấm ảnh chui ra. Sau mười giây thì nó chui ra. Thằng Tùng béo nhanh nhảu cầm lên xem nhưng ngay lập tức mặt nó chuyển dần từ màu vàng sang xanh rồi đến tím ngắt. Tôi vội ngó đầu vào xem thì kết cục cũng không khá hơn là bao. Một cảm giác ớn lạnh truyền dọc sống lưng tôi. Bây giờ thằng Tùng béo mà chơi ác vỗ vào lưng

tôi thì chắc tôi khóc thét lên mất.

Bức ảnh có bốn kiểu thì cả bốn đều xuất hiện một khuôn mặt buồn não nề tạo bởi một làn khói dày kết lại. Kiểu thứ nhất, tôi ở trên chiếc xe mui trần màu đỏ và cạnh vai tôi là khuôn mặt của con ma. Kiểu thứ hai, Dracula răng kề cổ người thiếu nữ nhưng trên cái cổ ấy không phải là khuôn mặt baby buồn cười của Tùng béo mà là khuôn mặt buồn não nề đến rợn tóc

gáy. Cái khuôn mặt bị tước hết niềm vui ấy xuất hiện giữa lâu đài ma và vai của thằng Tùng béo trong kiểu thứ ba.Và trong kiểu thứ tư tên mafia có cổ và đầu của tôi biến thành có mình mafia, cổ của tôi, đầu của con ma. Tôi sờ lên đầu mình xem cái đầu này có còn là của mình hay không, cả khuôn mặt này nữa có phải là khuôn mặt buồn thảm trong bức ảnh kia không. Tôi run rẩy với ý nghĩ từ giờ khuôn mặt mình sẽ mất hết niềm vui sống. Tôi thấy thàng Tùng béo cũng sờ tay lên mặt, có lẽ do tác dụng của kiểu ảnh thứ hai. Rồi bọn tôi đều nhìn ra đằng sau xem con ma có ở chỗ đó không nhưng không có. Không có dấu hiệu gì có một con ma ở đây trừ cái dấu hiệu kinh dị là khuôn mặt của nó hiện ra trong những kiểu ảnh mà chúng tôi đã chụp.

Tôi toan hỏi Tùng béo có nên chạy ngay ra khỏi chỗ này hay không thì lão chủ quán chợt buồn bã nói:

- Các cháu về đi! Không cần trả tiền đâu.

Rồi lão bước đến chỗ cái bàn gỗ ở gần cửa, chỗ sáng nhất trong phòng, ngồi phịch xuống ghế, chống tay lên cằm nói chẳng thèm để ý chúng tôi có nghe hay không:

- Ta mua chiếc máy này với giá rẻ bèo chỉ có 100.000 từ một tay mới gặp lần đầu. Hắn nói chiếc máy này rất tốt, nhưng hắn sắp phải chuyển đi nơi khác nên nhượng lại cho ta với cái giá ấy. Ta đâu ngờ nó không đáng một xu. Chẳng ai dám chụp ảnh ở đây cả vì chiếc máy này bị ma ám. Chắc mai ta phải dẹp tiệm luôn.

Giọng lão rầu rầu và khuôn mặt lão buồn buồn, tất nhiên là không thể bằng khuôn mặt con ma rồi. Tôi thấy thương lão, quả là một hoàn cảnh đáng thương. Chợt thằng Tùng béo phá tan sự im lặng:

- Bác ơi! Bọn cháu sẽ chụp nốt bốn kiểu còn lại.

Cả lão chủ quán và tôi cùng quay ra nhìn thằng Tùng béo sửng sốt.

- Bọn cháu sẽ chỉ chụp con ma thôi, để dọa bọn ở lớp ấy mà.

Thằng Tùng béo nháy mắt với tôi. Thế là tôi gật đầu với lão chủ quán. Lão đứng dậy, đến bắt tay bọn tôi, ánh mắt đầy cảm động:

- Cám ơn các cháu. Các cháu quả là ờ... những chàng trai tốt bụng.

Rồi lão lại đến bên chiếc máy, nhập mã số các kiểu ảnh còn lại một cách nhanh nhẹn. Xong lão lần lượt bấm nút chụp. Trước máy chụp ảnh chỉ là tấm màn xanh, đấy là mắt tôi chỉ thấy có thế. Quả thật cái ý nghĩ hình của mình sẽ không xuất hiện cùng cái bộ mặt não nề của con ma làm tôi bớt sợ. Tôi ngước nhìn kiểu ảnh cuối cùng, nền là một bà mẹ và một đứa trẻ dắt tay nhau đi về phía mặt trời mọc.

Tôi đã chọn kiểu ảnh này vì khi thấy nó tôi hơi day dứt. Sáng nay tôi đã cáu với mẹ vì mẹ đã tắt chuông đồng hồ làm tôi không được xem trận đấu mà tôi mong đợi. Thực ra sau đó tôi nhận ra là mẹ chỉ muốn tôi được ngủ để sáng học khỏi mệt. Tấm ảnh bắt đầu chui ra phá ngang dòng suy tưởng của tôi. Tôi cầm lên, hơi run. Lần này tấm ảnh lại làm tôi bất ngờ không kém gì lần trước. Thằng Tùng béo ngó vào và tôi thấy nó cũng sửng sốt như tôi. Ba kiểu đầu vẫn là khuôn mặt buồn não nề ấy. Nhưng thật kì lạ, kiểu cuối cùng không phải là khuôn mặt buồn não nề ấy nữa mà thay vào đó là khuôn mặt tươi vui với một nụ cười mỉm của con ma. Khi tôi chưa hết bàng hoàng thì Tùng béo chỉ tay vào trong chiếc máy chụp ảnh. Trên màn hình của chiếc máy, con ma đã xuất hiện, đang vẫy tay chào.

Cả tôi, thằng Tùng béo, lão chủ quán chụm mặt vào cái màn hình. Trong đầu tôi xuất hiện một giọng nói mà tai không nghe thấy:

- Cám ơn bạn đã giải thoát tôi khỏi bộ mặt u ám.

Hai người kia quay sang nhìn tôi. Dường như con ma không nói nhưng ba người bọn tôi vẫn trò chuyện được với nó bằng ý nghĩ.

- Bạn là ai? - Tùng béo hỏi. Tôi nghe thấy giọng nói của Tùng béo trong đầu.

- Tôi là Lee Won Suk. Năm nay tôi 17 tuổi.

- Sao bạn lại bị nhốt trong này và làm thế nào mà tôi giải thoát cho bạn khỏi khuôn mặt u ám được?- tôi tò mò hỏi.

- Chuyện là thế này...

- Lee Won Suk! Ra đây!

Khi đã bị gọi cả họ tên thì Won Suk biết rằng mẹ cậu đang nổi cáu nhưng cậu cũng uể oải ló mặt ra.

- Mày xem hoá đơn tiền net tháng này đây. Mày định giết mẹ mày đấy à? Tháng sau mà còn nhiều thế này là tao cắt đấy.

- Mẹ đừng lo. Con sắp tạo ra một phần mềm mới rồi, sẽ bán được khối tiền cho xem. Lúc đấy chỉ sợ mẹ lo ngồi đếm tiền mệt thôi.

- Mày vẫn còn nuôi cái mơ ước hão huyền ấy hả. Mày tưởng làm cái nghề đấy dễ hốt bạc lắm đấy...

Không để mẹ nói hết câu Won Suk gắt lên:

- Đừng bao giờ nói mơ ước của con là hão huyền! Mẹ nói ma nó cũng không nghe được.

Nói xong cậu đóng sầm cửa lại. Won Suk lại quay vào với chiếc máy tính của mình trút giận lên bàn phím.Mẹ Won Suk cũng tức cứng họng sau một phút ngỡ ngàng bà chỉ thốt ra được một câu:

- Ừ cầu cho mày biến thành ma luôn đi! Và thành một con ma không biết cười ấy cho đến bao giờ mày nhớ ra mẹ mày đã nuôi mày vất vả thế nào...

Trong đầu ba người bọn tôi xuất hiện những hình ảnh rõ mồn một y như trong phim, Won Suk đập cửa trước mặt mẹ, mẹ cậu lầm bầm và ngay lập tức trong phòng Won Suk bị hút vào trong chiếc máy tính. Trải qua mấy cuộc phiêu lưu trong những chiếc máy tính, những chiếc đĩa mềm cuối cùng cậu bị nhốt hẳn trong chiếc máy chụp ảnh trước mặt bọn

tôi. Con ma nói:

- Khi nhìn kiểu ảnh cuối của bạn tôi đã thật sự hối hận về những lời nói của mình. Tôi nhớ lại hồi bé mẹ hay dắt tôi đi công viên. Đó là quãng đời thật hạnh phúc. Mẹ rất thương tôi. Từ lâu tôi đã quên điều ấy. Tôi cũng không nhận ra mình đã cười nữa cơ, nhưng trong bức ảnh ấy, rõ ràng tôi đã cười...

Con ma nói tiếp với bác chủ cửa hàng:

- Xin lỗi bác! Cháu đã vô ý làm hỏng việc làm ăn của bác. Chỉ vì ở trong đấy buồn quá. Nhưng giờ thì cháu đi đây, cháu không làm phiền bác nữa...

Bụp! Một tiếng nổ nhỏ, khô khốc! Và một làn khói xanh bốc lên! Chấm hết!

Thế là tôi và Tùng béo đã khám phá ra bí mật về con ma trong tiệm chụp ảnh ấy. Bức ảnh chụp chung với con ma Hàn Quốc có nụ cười tươi rói trở thành báu vật của hai thằng. Bọn ở lớp cứ gọi là thích mê tấm ảnh độc của tôi với thằng Tùng béo.

Hai đứa còn được dịp bốc phét về việc đánh nhau với một con quỉ dạ xoa trong máy để lấy lại nụ cười bị nhốt trong lọ cho con ma Won Suk. Còn cái cửa hiệu chụp ảnh ấy bây giờ to lắm, người ta sắp hàng nườm nượp để đợi đến lượt trong khi mấy hàng quanh trường bắt đầu thưa khách. Ở trên cửa vào là một tấm biển hiệu xanh đỏ có dòng chữ khá là xoắn quẩy:"Chụp ảnh ma kiểu Hàn Quốc"...

Lại một buổi sáng nữa. Cũng 6h30!

- Kiên! Giờ này vẫn ngủ là sao?

- Con dậy rồi.

- Con xem hoá đơn tiền điện thoại tháng này đây. Con phải biết thương mẹ chứ. Nhà mình giàu có gì chứ???

- Mẹ đừng lo! Con sẽ trở thành siêu sao bóng đá lúc đấy con sẽ trả hết tiền điện thoại cho mẹ.

- Con ơi! Mày vẫn còn nuôi cái mơ ước hão huyền đấy à. Cứ học hành rồi thi vào ngành của bố mày, bố mày lo cho có phải tốt hơn không?

Không để mẹ nói hết câu tôi nổi cáu:

- Đừng bao giờ nói ước mơ của con là hão huyền. Ma nó cũng không nghe được mẹ.

Rồi tôi đi ra ngoài đóng sầm cửa, trước khi nghe kịp mẹ thốt lên:

- Ừ, cầu cho mày biến thành ma luôn đi! Và thành một con ma không biết cười ấy cho đến bao giờ mày nhớ ra mẹ mày đã nuôi mày vất vả thế nào...

---Ngỏ lời bằng biển---

Thế là, bằng đủ mọi cách, từ năn nỉ ỉ ôi, tới dỗi cơm, dọa "tuyệt thực", cả lớp cũng xin được một chuyến đi biển hai ngày. Chuyến đi mà để có được, nhìu đứa đã phải trả giá bằng cả máu và nước mắt.

Chứ còn gì nữa, thằng Hoàng, vì phải thức đêm nhiều lên mạng tìm tour cho lớp mà bị chảy máu cam. Cu cậu hoảng quá vì nghe đâu người ta bảo, chảy máu cam là dấu hiệu của máu trắng thời kỳ cuối. Hay như Dung lớp phó, xin được cho cả lớp đi rùi thì đột nhiên bố mẹ đổi ý 360 độ, không cho đi vì sợ "không an toàn". Cả một đêm khóc lóc như mưa, bố mẹ buộc phải thay đổi "quan điểm lập trường" chỉ vì sợ nó làm... ngập nhà. Cô nàng vác theo một cái kính râm to sụ để che hai con mắt sưng húp, hợp lạ lùng với cái miệng cười toe như bông loa kèn.

Làm lớp trưởng, tôi thấy thế là mãn nguyện. Gần 50 người rồng rắn, từ trẻ con (con cô chủ nhiệm), đến trẻ nhỡ (bọn tôi) được người lớn cho một chuyến đi Vân Đồn hai ngày, chính xác là đảo Quan Lạn, thế là okie rùi.

Lò dò đếm đi đếm lại trên xe, thiếu mất cánh tay của thằng Thắng. Nó từ chối chuyến đi vì một lý do "lãng xẹt": "Về quê". Cả lớp đã phải gào lên với nó là "mày về quê lúc nào chẳng được", nhưng thằng bé đầu cứng hơn quả trứng kia nhất mực từ chối. Không đi thì thôi, về sẽ phải hối tiếc đấy, với tư cách một thằng bạn thân, tôi tuyên bố thẳng thừng với nó như thế. Cũng chẳng thay đổi được gì, cứng đầu thế không biết. Thế là nó ở lại. Bọn trong lớp cũng chỉ kịp buồn một tẹo rùi thui, hơi

đâu, vắng mợ thì chợ vẫn đông mà. Duy chỉ có một đứa con gái là buồn nhất, nguyên "bí phở": Tú Anh. Ừ, thì ngay từ hồi đầu năm lớp 11, cả lớp cũng lờ mờ đoán ra hai anh chị này chắc chắn có "càm tỉnh" với nhau, nhưng chẳng đứa nào dám nói. Mà bố mẹ cô nàng này khó tính khủng khiếp. Để được đi chuyến này, cô bạn chắc cũng tốn không ít khăn giấy để lau nước mắt (chẳng kém cái Dung là mấy). Vậy mà thằng Thắng không đi! Mấy đứa thuộc tổ dưa lê của lớp thở dài ngao ngán. Nó mà không đi thì chẳng có cặp đôi nào để tác thành nhân duyên cả. Mang theo bộ mặt rất đỗi chân chính của mấy bà mai mối thất nghiệp, bọn con gái kéo nhau xuống cuối xe đánh bài quệt son. Còn tụi con trai ngồi soạn "văn tế" và bàn trước "án tử" để khi nào về Hà Nội úp sọt thằng Thắng một trận.

Cả hội vui như tết, chỉ riêng Tú Anh là buồn. Xin thề có quỷ thần chứng dám là lúc này, mặt nó không còn dài như quả bí nữa mà dài không khác... một cái bơm.

Tàu cập bến, cả hội 46 đứa cả nam lẫn nữ ào lên bờ, chẳng khác gì thực dân ngày xưa đi xâm chiếm thuộc địa. "Sóng di động mất hoàn toàn chúng mày ạ"- Thành reo lên như thể mới tìm ra Châu Mĩ. Có nghĩa là mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đứt hẳn, cũng có nghĩa là bước chân lên đảo này, chúng nó trở thành thổ dân thực sự. Và nếu không có bầy thổ dân nhí nhố kia thì chẳng ai có thể đẩy được cái ô tô chở khách- la già số 1 của đảo- về tới nhà nghỉ. Một đứa nào đấy bật cười

(theo đúng cái kiểu ở lớp gọi là cười như bố đẻ em bé): "Nhà nghỉ này tên là Robinson chúng mày ạ" "Hehe, nghĩa là bị tống lên hoang đảo thật à"- thằng Quân, tổ trưởng tổ "mùi" ré lên. Bọn con gái vừa say sóng mệt lử cả người cũng không thể kiềm được vẻ phấn khích, nhất là khi biết rằng chúng nó là đoàn khách duy nhất trên đảo này. Tour này đáng đồng tiền bát gạo, thằng Hoàng vừa vuốt cái cằm lún phún mấy sợi lông tơ của nó, vừa "cười ruồi" tự thưởng. Chỉ riêng Tú Anh, cô nàng vẫn buồn, nhưng mặt không còn dài bằng cái bơm nữa mà ngắn lại còn như... quả bí (J)

Tối đốt lửa trại, bọn con gái hò hét khản cổ, cổ vũ cho bọn con trai thi kéo co. Một chú của đội A "khôn khéo" buộc dây vào cây thông, bọn đội B kéo mệt nghỉ mà không làm gì được. Trọng tài phát hiện ra thì đã hòa cả làng. Rồi đưa bóng về đích, ăn sữa chua, nhảy bao bố... Lần đầu tiên lớp mới vui thế này. Những đứa mà ở trên lớp cứ tưởng chỉ biết đâm đầu vào quyển sách thì bi giờ hò hét cũng chẳng kém gì ai. Thằng Vịt tranh thủ chạy ra "tán" bạn chuyên ngữ đi cùng đoàn, cái thằng đến lạ, cứ thấy con gái (mới đến) là lại "bì bà bì bõm". Hải "cô" lon ton chạy theo mấy em gái ra biển ngắm sao. Biển đen thẫm, trời cũng đen thẫm nhưng sao thì dày đặc. Và Bí phở rất có thể sẽ là nguyên nhân phá hỏng cuộc vui của cả lớp. Nó lại ngồi, trầm ngâm và nhớ... thằng Thắng.

Sáng sớm, cả lớp ra biển tắm. Bất chợt, một đứa khựng lại, mặt thảng thốt. Thằng bé quay sang chỉ trỏ cho đứa bạn đi cùng. Thằng bạn lại gọi ngay hai đứa nữa cùng đứng xem. Rùi một đoàn rồng rắn đứng trên bờ phi lao nhìn xuống mà không ai dám bước xuống bãi cát. Tú Anh là người chạy ra cuối cùng. Và có thể ngờ được không, khuôn mặt cả một ngày dài không nặn nổi nụ cười nào bỗng chợt mỉm cười. Trên bãi cát dài, bao nhieu trái tim, từ be bé đến to to xuất hiện chỉ với một dòng chữ: "Tú Anh- tớ mến ấy".

Không gian như chợt đặc quánh lại, và mặt trời phía xa cũng bắt đầu ửng hồng như khuôn mặt cô cựu bí thư lúc này. Một đứa nào đấy phá tan sự im lặng: "Chị bí sướng nhé, được anh nào trong đoàn để ý". "Hay là Thắng nó gửi lời cho gió đến đây nhỉ"- có đứa còn thì thào. Chẳng cần biết lý do, với Bí, bất kể đó là ai, hẳn cô bạn đang sung sướng chít đi được. Nụ cười rạng rỡ trở lại sau 1 ngày "tu" kiếp bơm- bí, cô bạn chạy ra biển đầu tiên, đùa sóng và nhảy múa "hồn nhiên hơn cô tiên". Cả một lũ chạy theo bắt chước, trong bao la bát ngát khí trời. Tiếng cười giòn tan hòa vào gió biển.

***

Thắng nhập đoàn chúng tôi muộn một hôm. Gãi đầu gãi tai, "thằng cu" bảo: "Nhớ lớp không chịu được!" "Nhớ lớp hay nhớ Bí thư?" Cả lũ nhao nhao. Mắt mũi các chị chuyên gia buôn- tám long lanh khác thường, hẳn là đứa nào cũng háo hức muốn "bán" cái tin mật về những con chữ tình củm của "tình địch" bí ẩn với Thắng. Nhưng rốt cục, không đứa nào nói cả. Sự tinh tế khó tin của cái đám loa phóng thanh ấy làm cả lớp bất ngờ dẫn đến... khâm phục và xúc động điên lên được. Dung thì thào với Vịt (trời ạ, mới sáng bảnh mắt mà cô nàng đã lại đeo kính râm to bự - đúng là đồ con gái điệu): "Đôi trẻ sau này mà thành là nhờ công lớp mình hùn hạp, mày nhỉ". Trong lúc cả lớp sôi lên với những "âm mưu" và "thoả thuận" bí mật, "đôi

trẻ" vẫn chẳng hay biết tí ti. "Thằng cu" Thắng vẫn tươi tỉnh và bạn Bí thở thì, hừm, khỏi phải nói, tươi hơn cả chữ tươi...

***

Sau này về đến Hà Nội, nhắc lại cuộc đi chơi, đứa nào cũng kể lại câu chuyện ấy như kiểu một câu chuyện cổ tích. Riêng tôi, chỉ biết cười và nghe chúng nó huyên thuyên. Bởi vì có ai biết rằng, sáng hôm đấy, tôi cũng ra biển từ rất sớm. Và bắt gặp một cái dáng quen thuộc, đang khom lưng vẽ những hình trái tim trên cát với tất cả yêu thương, với cả kiểu chữ T hoa không nhầm lẫn với ai. Và tôi nhận ra nó, nhớ ra một điều "tai hại' rằng: tôi đã quên béng mất quê nội thằng bạn ở Quan Lạn. Rằng thì ra cái bất ngờ nó từng tuyên bố rồi mày sẽ biết là đây. Nhưng thôi, dù sao đây cũng là một bí mật tôi muốn giữ riêng cho mình. Hãy cứ để Bí nhớ về những trái tim như kỷ niệm đẹp, để Thắng hài lòng với bí mật của nó. Chỉ như một món quà bất ngờ của biển thôi mà, phải vậy không?

---Thằng bạn thân của con bạn tên Chi---

Thật hả??? Cậu tìm được việc thật hả? - Giọng Chi hét toáng lên, vẻ mặt thì tươi không thể nào tươi hơn.

- Uh, lại còn không thật. Tớ nói dối cậu bao giờ chưa? - giọng Minh vui không kém bên đầu dây điện thoại.

Thật hả??? Cậu tìm được việc thật hả? - Giọng Chi hét toáng lên, vẻ mặt thì tươi không thể nào tươi hơn.

- Uh, lại còn không thật. Tớ nói dối cậu bao giờ chưa? - giọng Minh vui không kém bên đầu dây điện thoại.

- Rồi, lần đi ăn kem đó nhớ không? - Chi tủm tỉm vì vớ được đuôi thằng bạn - Nè, đỉnh cao vật, mới nghỉ hè được hai tuần non đó.

- Uh, thế mới siêu chứ! Kiếm được nhiều tiền nhờ vào tài lẻ, hơi bị ổn đấy!

Chi tu thêm một ngụm nước đá, rồi tiếp tục gào chia vui với thằng bạn:

- Nhớ khi nào kiếm được tiền lương thì mua quà sinh nhật thật hoành tráng cho "con bạn thân nhất của thằng bạn tên Minh" nhé!

- Hahaha - Giọng thằng con trai cười phá lên - Chỉ được cái lợi dụng thôi! Bạn thân tên Chi ạ!

Đó là cú điện thoại lần thứ 100 của hai đứa kể từ khi nghỉ hè đến giờ! Lần nào cũng ầm ầm như thế, chỉ khác lạ đôi chút là cái tin mà "thằng bạn thân của con bạn tên Chi mang đến"...

***

áo phông đỏ thể thao cưỡi trên xe địa hình, đầu mũ lưỡi trai lệch, quặt đầy điệu nghệ vào con phố nhỏ, lướt nhẹ ... Cánh tay khoẻ mạnh của áo phông đỏ thắng xe gấp, lao nhanh vào cửa hàng băng đĩa bên đường. Mấy cô gái xem đĩa trong cửa hàng khẽ nhìn liếc rồi đỏ mặt quay đi, họ vừa chợt nhìn thấy nụ cười nửa miệng của áo phông đỏ.

Chủ cửa hàng xem lại từng đĩa mà áo phông đỏ vừa lôi ra từ ba lô, trong khi cậu ta huýt sáo, lắc lư theo điệu nhạc của cửa hàng.

- Tốt! - Chủ cửa hàng nhìn áo phông đỏ - 50 đĩa trong một tuần, đủ mọi thể loại khác nhau, tôi đang tự hỏi xem cậu kiếm đâu ra từng ấy bài hiếm trong từng ấy thời gian.

Vẫn nụ cười nửa miệng, pha chút kiêu ngạo và hài lòng, áo phông đỏ lên tiếng:

- Em đã bảo với anh "Minh thường là tên của những người thông minh" mà!

Chủ cửa hàng xếp chồng đĩa sang một bên, lôi trong ngăn kéo ra một tờ danh sách ngắn, nói nhỏ với áo phông đỏ:

- Anh cần 13 đĩa theo yêu cầu khách hàng. Giúp anh nhé!

Xem xét một hồi, sự khó hiểu lộ rõ trên gương mặt dài, rám nắng và lấm tấm mồ hôi của cậu thanh niên trẻ:

- Nhưng đây là địa chỉ trang web mà! Anh phải nói rõ xem em phải làm gì chứ? Chẳng lẽ lại chỉ đưa mỗi thế này?

Thanh toán xong cho một bác chọn toàn nhạc giao hưởng, anh chủ quay cười:

- Thì về lên thử xem. Thấy gì hay, nhồi nhét cho đầy 13 đĩa thật phong phú! Xong, anh giao hàng! Cậu nhận tiền hoa hồng và tiền thù lao in đĩa từ cửa hàng.

- Thật vậy hả? Thế đây là web gì??? Không phải web bẩn đấy chứ? - áo phông đỏ nhoẻn miệng cười hỏi đùa - Em sẽ nhận ít nhất bao nhiều tiền?

- Đĩa đặc biệt nên khoảng 100 nghìn gì đó! - Chủ cửa hàng nói nhỏ.

- Ok, thứ ba tuần sau em quay lại! Bye.

Xe địa hình phóng vút đi, một thoáng, chỉ còn thấy cái chấm đỏ ở cuối đường.

***

Lao nhanh lên phòng, Minh hối hả mở máy tính. 13 cái đĩa trong một tuần với nó là chuyện nhỏ. Cái khiến nó hấp tấp lại là mấy cái địa chỉ web kia cơ. Nó thấy hoài nghi, và hơi... lo lo. Hừm, net giờ này chậm rề. Quạt vù vù trên đầu không đủ cho nó khỏi ngột ngạt, như scene quảng cáo Nestea mới nhất, áo phông đỏ lại lao như cơn lốc vào phòng tắm, dúi cả đầu dưới vòi nước, xả ùm ùm.

Chuông cửa reo gấp gáp. Minh ló cổ ra, chưa kịp gào lên đã thấy "con bạn thân tên Chi" toét miệng: Đồ khùng, lại quên khoá cửa rồi!

Minh đáp ngay:

- Khùng vì nóng đây. Đợi tớ 5 phút, tớ đi tắm. Nónggg!

Con bạn chỉ còn biết lẩm bẩm một mình:

- Con trai - đúng là vô duyên! Minh - tên ngốc xít nhất mình từng gặp!

Chi lên cái phòng bé tí của Minh, như mọi khi, vẫn bừa bộn hệt như một bãi chiến trường, nhìn đâu cũng thấy đồ của Minh vứt bừa bãi. Tờ kế hoạch của Minh đính trên tường khiến Chi tủm tỉm cười. Dù hay giả vờ chê bai, trêu chọc thằng bạn, riêng về khoản máy vi tính, Chi vẫn phải phục Minh sát đất. Đấy, biết ngay là thằng bạn hễ về đến nhà là dính chặt vào computer mà. Chi di chuột, màn hình sáng xanh lên. Trên desktop, các cửa sổ đều bị thu xuống, chỉ còn lại mặt hai đứa đang chiếm gọn cả cái màn hình, cười toe. Thêm một cái nhắp chuột nữa...

Chi bàng hoàng. Bất ngờ, sợ hãi, thất vọng, chiếm trọn con người Chi. Giọng thằng bạn đằng sau làm Chi vội vàng ấn bụp một cái công tắc điện.

- Êu, cậu làm cái gì thế? Tớ chưa xong việc...

- Uh - Chi trả lời bằng giọng khách sáo - Xin lỗi Chi đã tự tiện lên phòng.

- Bình thường vẫn thế! - Minh cười méo. Giờ tớ lại phải đợi tiếp rồi, cậu sao thế?

Chi quay ra:

- Chi thấy thất vọng đấy, nhân tài Tin lớp Anh ạ! Chi tưởng nhân tài thì phải biết chọn đường đúng để đi chứ! Thì ra nhân tài cũng thu đĩa ngoài luồng để kiếm tiền mua quà cho Chi cơ đấy! Chi về! - Chi lao nhanh ra cửa. Lao xuống tầng một, bỏ "thằng bạn thân tên Minh" ngơ ngác. Đầu Chi ong ong, điều duy nhất nó nghĩ được là phải ra khỏi đây ngay, nó không muốn nhìn thấy Minh nữa!

Chuông điện thoại nhà Chi đổ dồn. Chi chần chừ một lát rồi quyết định nhấc máy:

- Alô

- Chi à, Minh đây!

- A há, ra là bạn Minh nhân tài. Chi bận lắm, bye nha!

Thằng bạn gào lên:

- Chi tưởng Minh làm thế thật hả? Chi không tin Minh đến thế cơ à? Minh thậm chí còn không biết mấy cái địa chỉ ấy là cái khỉ gì khi cầm list mà ông chủ đưa cho. Mình vừa mới lấy nó cách đây có một tiếng. Minh cũng bàng hoàng như Chi chứ. Chi tưởng Minh không biết mình phải làm gì, sống như thế nào à?

Vẫn bằng cái giọng nhỏ nhỏ, Chi chỉ nói:

- Tuỳ Minh! - Rồi cúp máy.

***

Hơn một tuần sau, sinh nhật Chi, chẳng tổ chức gì! Bởi nó biết, từ hồi trước đến giờ, sinh nhật, bạn bè chỉ có Minh. Từ hồi cãi nhau đến giờ, nó chưa nói chuyện với Minh lần nào! Thực ra cũng muốn gọi điện, cũng muốn nói chuyện, thế nhưng có cái gì đó vẫn ngăn không cho nó làm thế. Nó biết hôm đó Minh nói thật, bởi nếu không thế, Minh cũng đã chẳng nổi cạu lên với Chi như thế. Thế nhưng, Chi vẫn không thèm nói chuyện với Minh. Chi cũng không hiểu sao lại thế! Chỉ là muốn thế...

Bưu phẩm báo đến, không do bưu điện chuyển đến. Cũng không do anh trai nó gửi cho. Nặng. Chi bóc ra, một mảnh giấy nhỏ, nét chữ nguệch ngoạc: "Chào, khỏe không? Nhớ Minh không? Hà hà. Quà sinh nhật đó. Bóc thử ra đi! Thực ra thì Minh định tặng Chi cái khác, hoặc nếu có tặng cái này thật thì chuyển qua đường bưu điện cho hoành tráng như Chi thích, nhưng mừ... hết tiền! Yên tâm, Minh phải dạy thêm cả thằng em họ để đủ tiền đấy! Quên chuyện hồi ấy đi nhé! Minh không làm thật mà! Bóc quà đi! - Thằng bạn thân của con bạn tên Chi"

16 cái đĩa, được đánh số thứ tự bằng nét chữ không lẫn vào đâu được của thằng bạn. Mở từng đĩa ra, Chi thấy bất ngờ không thể tưởng được. Vừa xem, Chi vừa ngặt nghẽo cười. Trời ơi, đúng là thằng bạn ngốc xít. Đĩa một, Minh chiếm chọn màn hình, chàng ta kể lể về quá trình làm tập đĩa này, kèm theo lời chúc tràng giang đại hải (vừa sến, vừa... ngố không thể tả) cho Chi.

Đĩa hai đến tận đĩa mười lăm là bộ phim hoạt hình dài tập kể về quá trình làm bạn của hai đứa. Từ chuyện Chúa phái hai đứa xuống trần gian thế nào đến chuyện hôm nọ.

Đĩa cuối cùng thì là trọn bộ toàn những bài hát Chi thích đủ mọi thể loại. Mất đến mấy ngày Chi mới xem xong cả bộ đĩa đó. Và tất nhiên là cùng với Minh rồi!

***

- Một cái kết có hậu - Một Thiên thần thở phào.

- Mọi thứ do bàn tay Chúa tạo ra đều tốt đẹp cả! - lần này là Chúa lên tiếng.

- Người thật khéo khi để Chi và Minh làm bạn thân của nhau. Tôi tự hỏi sau này hai ngươi vẫn như vậy sao, không có "bước tiến" nào sao?

- Hừm, còn nhiều thời gian mà. Vả lại, lúc ấy nếu Chi thích Minh thì có thể Minh đã không nhận ra rằng một việc làm xấu không thể được biện minh bởi một mục đích tốt qua lời nói thẳng thắn của Chi.

- Vậy sao, thế mà tôi tưởng Minh không chủ tâm làm việc đó chứ?!

- Oh, ta không cho là vậy. Cậu ta định làm đấy chứ! Món quà sinh nhật mà ban đầu cậu ta định tặng Chi rất cần khoản tiền "100 nghìn gì đó" !

- Thế là lúc gọi điện cho cô bạn cậu ta nói dối hả?

- Không đấy là suy nghĩ thật đấy, khi ấy, Minh đã thay đổi quyết định rồi! - Chúa khẽ cười.

Các Thiên thần đồng loạt thở dài, thốt lên: Thật là rắc rối!

Chỉ có Chúa là hiểu, Người cười, hài lòng. Bởi nhân tài của Người đã dũng cảm vượt qua thử thách mà Người đặt ra, tất nhiên, với sự giúp đỡ của "đứa bạn thân tên Chi".

---Lá & cây---

Cứ nghĩ đến việc Cây xem Lá như một ..... xa lạ sao thật khó khăn! Có lẽ Cây không biết Lá từng hạnh phúc thế nào khi biết được Lá có một chút gì đặc biệt, một chút gì khác hơn mọi người trong lòng Cây . Lá vẫn cố không tin, nên đã hỏi lại để nghe điều đó từ chính Cây, mặc kệ Cây có cho là Lá thật vô duyên.

Cây im lặng, khó hiểu, cái im lặng đó đáng sợ lắm Cây biết không? Lá biết về Cây nhiều hơn những gì Lá nên biết, hiểu Cây nhiều hơn những gì Lá nên hiểu, cảm nhận về Cây đau khổ nhiều hơn những gì Lá thấy được. Và cho đến bây giờ, Lá vẫn tự hỏi: "Liệu những gì Lá biết và cảm nhận có là sự thật? hay chỉ những đêm Cây ngủ mình với bóng đêm, với làn gió khẽ khẽ khiến Lá giật mình ? Rằng Lá đang phụ thuộc vào Cây ? " chỉ vì chúng không phải là những lời tâm sự của Cây , mà là những câu chuyện vu vơ, những lời kể lại từ gió Lá bất chợt nghe được hay những lúc Cây say sưa với niềm vui mới và nói " Cây nhớ Lá " . Chưa bao giờ biết Cây thật sự nghĩ gì và muốn gì, Lá chỉ biết rằng...Cây là một ....mà Lá rất quý mến và mong những những ngày nắng không thiêu đốt được Cây, gió không quật ngã Cây, Cây đứng vững giữa đất trời như vốn Cây đã thế.

Lá không đủ mạnh mẽ để có thể cho Cây cảm giác bình yên, nhưng Lá cũng không quá yếu ớt để lúc nào cũng gây rắc rối cho Cây . Giữa chúng ta bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách, không quá xa, cũng không quá gần, nhưng mãi mãi, Lá không bao giờ nắm lấy được, mặc dù Lá ở trên thân Cây nhưng Lá chưa bao giờ thuộc về Cây . Lá biết Lá sẽ chẳng bao giờ có Cây , vì thế Lá cứ muốn giữ nguyên khoảng cách ấy, chẳng muốn nó sẽ dài thêm...

Những ngày bên Cây - Lá có được niềm vui, có những khoảnh khắc hạnh phúc dù nhỏ bé. Mỗi khi thấy Cây vui đùa cùng gió, cùng nắng, Cây cười réo rắt trong niềm vui - Lá cũng vậy. Mỗi sáng Lá đón mặt trời cùng Cây, những tia nắng ban mai soi chiếu vào Lá và Cây đón chào ngày mới bắt đầu....để đêm về mình Lá ngồi với ánh trăng tàn nhớ Cây

Nói cho cùng thì Lá may mắn hơn rất nhiều , chỉ bởi vì Lá có Cây để bám vào, trong những ngày qua, có những kỉ niệm rất đẹp để nhớ, và có cả một tương lai rất dài để tiếp tục sống. Bên Cây - Lá thật nhỏ bé và .... Lá chưa bao giờ dám nói rằng Lá ..... Cây , bởi vì Lá luôn mong chờ nhận được chúng từ chính Cây , mà dù không như thế, Lá cũng chẳng muốn làm Cây phải bận tâm gì về Lá cả, chỉ là một chiếc Lá bình thường như bao chiếc Lá đang sống trên Cây.

Lá không xinh xắn, Lá không đáng yêu, và Lá biết Lá cũng chẳng là điều gì quan trọng với Cây . Với Cây , Lá chỉ là một chiếc Lá , thế thôi

---Xách balo lên & đy---

- ở đây còn tuyển phục vụ không, bạn? - Giọng Việt lơ lớ làm Vy, đang chúi đầu nhắn tin ngẩng phắt lên. 20s, không kém, nó ngây người khi chạm cặp mắt xanh nước biển của người đối diện. Và tất cả chỉ trở lại bình thường khi người đối diện repeat câu hỏi lại một lần nữa.

- ở đây còn tuyển phục vụ không, bạn? - Giọng Việt lơ lớ làm Vy, đang chúi đầu nhắn tin ngẩng phắt lên. 20s, không kém, nó ngây người khi chạm cặp mắt xanh nước biển của người đối diện. Và tất cả chỉ trở lại bình thường khi người đối diện repeat câu hỏi lại một lần nữa.

- Mời anh quay lại thử việc vào sáng mai - Vy trả lời lạnh tanh, như để phủ đầu anh chàng đối diện.

- Yeah! Thanks - Anh chàng tóc nâu vàng nhìn nó toét miệng cười đầy tự tin trước khi khuất sau cánh cửa kính.

Nhìn theo cái dáng cao ráo nhanh nhẹn, Vy nhún vai, "Ngon đấy, nhưng không hiểu làm ăn ra sao đây!" Dù sao, ý nghĩ sắp có một tay sai tóc vàng mắt xanh cũng khiến nó thấy hay hay. Vy ra ngoài, tháo tờ giấy tuyển dụng dán ngoài cửa, gấp gọn nhét vào ngăn tủ. Kinh nghiệm của kẻ ở lại sau cùng cho nó thấy chẳng mấy ai trụ lại lâu ở đây được. Và có thể gã này cũng vậy thôi...

***

Mas café mang một phong cách châu Âu. Khăn trải bàn kẻ carô, bộ sofa gọn ghẽ, thanh lịch... Một dãy guitar, violon, violoncello...được bày dọc theo tường, còn cả một cây dương cầm nữa.

Nhưng từ độ trên hè bị cấm để xe, Mas đang đông là thế, dần trở nên thưa thớt. Bà chị nó quay sang đầu tư shop thời trang trên phố Huế, giao Mas lại cho nó. Khỏi nói, Vy đã la ầm trời thế nào, vừa mới thi Đại học xong được mấy hôm, nghỉ ngơi chưa được là bao, các kế hoạch hè bị gác lại suốt hai năm nay nó còn chưa kịp thực hiện.

Nhưng rồi nó cũng nhận, tất nhiên là với điều kiện béo bở, một chuyến ăn chơi nhảy múa ở Sing ngay khi có tin nó đậu Đại học, điều mà nó chắc như nằm lòng bàn tay. Mấy vụ tuyển dụng của bà chị cũng chẳng giúp nó rảnh rỗi được tẹo nào, có mấy ai trụ lâu được với những đòi hỏi khắt khe của chị nó đâu. Mà Vy tin Jeff cũng vậy thôi...

***

Chăm chỉ, cẩn thận và đúng giờ, có Jeff mọi việc nhẹ nhàng hơn với Vy. Số tách đĩa tháng này bị đập cũng ít đi, tỉ lệ thuận với số lần Vy phải xuống bếp.

Cái kiểu tiếng Việt của Jeff cũng là một điều thú vị, không chỉ với Vy mà còn cả với khách tới quán. Nếu Jeff không kể bà ngoại anh là người Việt thì hẳn Vy đã nghĩ Jeff là sinh viên khoa tiếng Việt ở một trường đại học nào đó. Nhưng đôi lúc anh chàng này cũng chẳng khác gì con vẹt khi lặp đi lặp lại những câu mà hội khách hàng teen, dạy kiểu "chuối chấm muối", "kinh như con tinh tinh"...

Mà cũng nhờ có Jeff, cây piano góc phòng mới thoát khỏi kiếp làm vật trang trí. Đôi khi rỗi rãi, anh chàng còn tận tình chỉ dẫn cho khách chơi vài bài cơ bản, hay làm những đề can ngộ nghĩnh trang trí cho cái balô của mình.

***

Sau vụ rót mật vào tai bà chị để Jeff được ở hẳn quán, Vy được anh chàng này bơ cho những lần lặn tăm mất hút của nó, bỏ mặc anh tay năm tay mười những lúc đông khách. Nhưng phi vụ này cũng đâu phải chỉ mình nó lợi. Thì vừa có người trông quán ban đêm mà Jeff cũng đỡ một khoản thuê nhà kha khá đó thôi.

Hôm nay cũng thế, đi chơi cả buổi chiều, về đến nhà nó mới sực nhớ ra để quên cái cổng USB ở quán. Cũng chẳng nhớ vứt ở góc nào nữa, mà trong đấy để cả bản dịch Harry Potter 6 nó mới download về chứ. Nhìn đồng hồ, gần 10 rưỡi, chắc quán đóng cửa rồi. Nghĩ thế nào Vy nhấc phone lên:

- Alu! - Giọng Jeff đang nhai gì đó đầu dây bên kia - Vy hả? ờ, USB của em anh cất hộ đi rồi. Đóng cửa quán rồi! Thế nhé! Bye!

Nhanh, gọn vốn là phong cách của Jeff, nhưng Vy vẫn thấy có cái gì đó không bình thường. "Đóng cửa quán rồi" mà sao nó vẫn nghe thấy tiếng lao xao... Nó lấy xe phóng tới quán. Đèn tầng hai vẫn sáng, Vy nhẹ nhàng mở cửa phụ khoá bên ngoài vào.

Cửa phòng bật mở, Vy bước vào trước sự ngạc nhiên há hốc mồm của ba cặp mắt. Đúng như nó đoán, có người lạ thật, nhưng là hai đứa nhỏ trạc 10 tuổi đang phồng mồm nhai bánh mì vừa xem Thần y Hur Jun cùng Jeff.

- Thế này là sao? - Vy hướng cái nhìn tên lửa vào Jeff.

- Xuống đây mình nói chuyện - Nói đoạn anh phăng phăng kéo nó xuống bếp.

***

- Không được! - Vy giãy nảy lên khi nghe Jeff đề nghị để hai đứa trẻ lang thang kia được ngủ lại quán với anh - Trước, em không biết thì thôi chứ từ giờ không được đâu. Biết chúng nó là ai mà tin được, với lại chị em mà biết thì anh mất việc là cái chắc!

Jeff trầm ngâm. Lời Vy nói cũng có lý, nhưng nhìn bọn trẻ ngủ trên bậc cửa ngoài quán anh cũng không đành lòng.

- Bằng cách nào tuỳ anh, nhưng từ mai chúng không được vào quán nữa! Làm thế là khó cho anh và cho em nữa đấy- Vy chốt lại, mở cửa bếp đi ra. Chợt nó sững lại khi thấy hai đứa trẻ đứng đó, có lẽ đã nghe hết những gì nó nói. Vy vội ngoảnh đi, tránh nhìn vào ánh mắt chúng, lên xe là phi ầm ầm.

***

Sáng hôm sau. Nó đến sớm, ngó quanh quất.

- Khỏi tìm! Bọn nhóc đi rồi, bảo sẽ không quay lại nữa- Jeff nói, hờ hững. Cũng từ hôm ấy, tuy vẫn cặm cụi với công việc nhưng anh ít nói hơn, chẳng mấy khi chơi nhạc, cũng không làm đề can, rỗi thì chúi đầu vào đọc sách.

Nhiều lúc Vy tự hỏi, nó đã quá đáng lắm sao? Nhưng rồi có những chuyện khiến nó quan tâm hơn việc để ý đến tâm trạng người khác, như bao giờ được sang Sing chẳng hạn...

***

Đầu trần, không găng, không khẩu trang giữa cái nắng gay gắt của trưa tháng tám, Vy thấy mình đi vô hướng. Chưa bao giờ nó thấy trống rỗng như thế này. 19 điểm, không quá thấp nhưng đủ làm hy vọng vào những trường đại học trong top dẫn đầu của nó tan như bong bóng xà phòng khi mà điểm chuẩn năm nay cao chót vót.

Lần đầu tiên nghe điểm nó đã tưởng nhầm. Tra cả điện thoại lẫn net, nó cũng không thể tin. 12 năm học sinh giỏi, mọi thứ như đã ở trong tầm tay, kể cả chuyến đi Sing. Không ai trách nó cả. Đi ra thấy ba chỉ thở dài. Quay vào lại thấy mẹ chép miệng. Nhưng chính thế lại khiến nó càng trách mình nhiều hơn.

Đâm ra nó sợ cả tiếng chuông điện thoại lẫn những lời hỏi han, chia sẻ của bạn bè. Lúc này nó không muốn ai quá quan tâm đến mình hết, cứ tỏ ra bình thường lại hay, và chỉ có ở Mas nó mới tìm được điều ấy.

***

Mà cũng chỉ hết tháng này thôi Jeff sẽ lại lên đường. Nó nghe mà hụt hẫng đôi chút dù biết sớm muộn gì cũng thế. Tốt nghiệp 12 xong, thi Đại học. Việc ấy với nó như một công thức gắn liền với nhau chẳng cần chứng minh. Đỗ Đại học sẽ là tiếp tục học thêm 4 năm nữa.

Nhưng giờ đây sự thật với nó là trượt, như vậy mọi kế hoạch đã bị đảo ngược. Giờ bắt buộc nó phải nghĩ, một năm tới mình sẽ làm gì, sẽ như thế nào, có tiếp tục thi nữa không?

Những lúc như thế nó thấy mình hâm mộ Jeff vô cùng, thì đâu phải ai cũng dám từ chối vào Đại học để làm một chuyến đi dài vòng quanh thế giới, để được nhìn nhận thực tại trước khi bước chân vào giảng đường. Lên đường, dừng chân làm việc mỗi khi hết tiền, rồi lại sẵn sàng cho những chặng đường tiếp theo. Chuyến đi của Jeff nhiều lúc khiến Vy thật ao ước, nhưng cũng tự thấy nó quá xa xôi với mình, mà anh ta cũng chỉ hơn nó có 2 tuổi.

Đèn đỏ. Nó dừng xe, bắt gặp một cái hộp đánh giày dán chi chít những đề can mặt cười giống hệt những cái nó thấy trên balô Jeff. Cái hộp đang ở trên tay của một thằng bé đi trên vỉa hè.

Đèn xanh. Thằng bé rẽ vào đường một chiều. Vy ngần ngừ vài giây, rồi quyết định xuống dắt xe, đuổi theo...

Nhìn hai đứa trẻ vô tư hút sữa trong bếp, Jeff ái ngại:

- Làm sao bây giờ? Tuần sau anh đi rồi!

- Vậy...đưa hai đứa vào trung tâm bảo trợ xã hội được chứ?- Vy dè dặt nêu ý kiến.

Jeff nhìn nó, đôi mắt xanh ánh lên một nụ cười, thở phào như trút được gánh nặng: "Có thế thôi sao anh không nghĩ ra nhỉ?"

Vy thoáng cười, chia sẻ hộ nỗi lo cùng Jeff, nó tự thấy lòng mình nhẹ đi một ít. Có ai đó đã từng nói mọi việc đi đến tận cùng thì sẽ ổn, Vy tin vào điều đó, và cũng tin mình rồi sẽ ổn...

***

Cuối cùng, Jeff cũng tiếp tục hành trình của mình. Ngoài cửa Mas café, tờ tuyển phục vụ hồi nào lại được treo lên, lần này được bà chị Vy phóng to chữ "Gấp" hơn mức bình thường. Cũng phải thôi khi cả Vy cũng xin thôi việc. Dù sao thì shop bên kia bắt đầu vào guồng rồi, Mas cũng nên giao lại cho bà chị nó.

Với lại Vy cũng cần thực hiện những kế hoạch của riêng mình, mà trước hết là mua một cái balô du lịch. Không thể để phí cuốn sổ chi chít những ghi chép tất tần tật từ những phong tục bản địa đến nơi có chi phí rẻ lại tốt... mà Jeff tặng nó trước hôm lên đường được. Dù mới đọc qua nó đã muốn được nhìn tận mắt.

Đi, để mạnh khoẻ hơn. Đi, để thấy mình trưởng thành hơn. Đi, để biết mình là một người đang vận động trên thế giới này...

---Cứ như thế này mãi thỳ thyck' nhỷ---

Lưỡi dao inox cứ loang loáng trước mặt nó. Kinh khủng hơn, mẹ chính là người đang cầm dao. Mẹ nheo nheo mắt lựa thế để bổ con dao xuống.

Nó định đưa tay lên đỡ - nhưng chả thấy tay đâu. Nó định vùng chạy, nhưng cũng chẳng thấy chân đâu sất. Người nó cứng đờ như được nặn bằng sáp, không ngó ngoáy, không kêu lên được dù chỉ một tiếng. Nó đưa mắt khắp nơi cầu cứu. Bố đang chăm chú xem bóng đá. Miu Bông đang chăm chú nhìn nó... và nuốt nước bọt. Bà ngoại cũng nhìn nó, nhưng bà chép miệng lắc đầu: "Vừa to vừa đỏ thế này khéo là táo Tàu". Và câu cuối cùng mà nó nghe được là từ mẹ: "Tây Tàu gì cũng ăn hết!".

ột giấc mơ khủng khiếp...

Mọi chuyện bắt đầu từ khi Tùng tặng nó một... quả táo vào ngày 20.11. Táo thì cũng tốt thôi, phải khẳng định ngay là nó không hề ghét táo, nó rất thích ăn táo nữa là đằng khác. Nhưng giá mà Tùng đưa cho nó vào một ngày nào khác, 19, hoặc 21 chẳng hạn, thiếu gì ngày cơ chứ, sao lại ngố đến mức đặt toẹt xuống trước mặt nó một quả táo to, tròn căng, đỏ au... rồi bảo: "Đấy nhé, quà của bà đấy. Không có lại bảo tôi chẳng bao giờ nhớ những dịp đặc biệt!".

Bọn tham ăn ngồi gần nó, chứng kiến màn tặng quà ngay lập tức nhao nhao lên: "Ơ, thế bọn tao không có hả Tùng?". Tùng cười khổ sở, lách mình vọt ra cửa lớp, hét với lại: "Mỗi bà 1k bỏng ngô nhá!". Trang "béo" rú lên, ngay lập tức cả lũ con gái alaxô đuổi theo Tùng...

Nó lẳng lặng thả quả táo vào balô, rồi cắm mặt xuống quyển Sử. Nhưng nó biết cả nó và Hiền - mặt đều đang đỏ ửng lên. Nó là do hơi bị xấu hổ, còn Hiền thì chắc là do cố nén cười. Trống vào tiết vang lên, Hiền chạy về chỗ sau khi vỗ bộp một phát vào vai nó, nói nhanh: "Thôi, mày ạ!". Còn Tùng thì sau khi chào cô xong, quay xuống nhìn nó với vẻ mặt hớn ha hớn hở: "May mà tôi chạy nhanh không có thì tan xương với chúng nó bà ạ! Mà bà ăn táo chưa? Ngọt lắm đấy!". Nó cười hầm hè: "Cám ơn ông vì món quà đầy ý nghĩa nhé". Tùng phớ lớ nhe răng cười: "Ô, có gì đâu, sao hôm nay bà khách sáo thế! Tôi còn đang lo bà hỏi "sao chỉ có một quả thôi" đây này...". Ôi... đầu nó nổ tung ra mất!!!

Về đến nhà, nó phi ngay vào phòng, đóng chặt cửa rồi một tay mở nhạc ầm ầm, một tay lăm lăm con dao: Phập (oé!) - Nhát này cho sự cay cú này. Phập! - Nhát này cho cái sự tưởng bở ngốc xít của nó này. Phập tiếp liền mấy phát nữa cho cái sự ngố, ngốc, hâm đơ của Tùng này. Tặng gì người ta không tặng, lại đi tặng cái quả táo vô nghĩa này. Tặng ngày nào không tặng, lại đi tặng vào ngày 20.11. Còn đây là cho cái sự tế nhị quá đà của con Hiền này - phập! Muốn cười thì cười đi, cười to lên, cười cho cả lớp biết chuyện cũng được. Cần gì mà phải tỏ ra là cảm thông, thương hại, tội nghiệp nó chứ. Cần gì mà phải dè dặt an ủi nó là "Thôi, mày ạ!". Thôi thôi cái gì?! Nó có làm cái gì đâu mà phải thôi?! à, hay là Hiền có ý bảo nó là thôi tưởng bở đi, xì tốp cái trí tưởng tượng phong phú của nó lại? ờ, chắc là như thế rồi! Trời ơi tức quá, hu hu... Tất cả chuyện này là do con Hiền, làm nó tức thế này, bạn thân cái nỗi gì cơ chứ! à mà không, cũng đâu phải lỗi do Hiền, tại Tùng chứ, ngốc xít không chịu được! Hix hix... mà xét đến tận cùng... thì chuyện này đầu đuôi là... hình như là... do nó... (?)

Nó với Tùng chơi thân với nhau từ năm lớp 10. Hôm đầu tiên đi học về, nó đã cạu cọ bảo với Hiền là: "Sao tao ghét cái thằng ngồi cạnh tao thế không biết. Con trai gì mà nói nhiều, nó nói át cả tao!". Và nếu như hai đứa bọn nó cứ mãi lóc chóc tranh nhau túi củ đậu, giành nhau nói, đứa nọ át tiếng đứa kia; nếu cứ thế thì đã chẳng nên chuyện. Nhưng dạo gần đây, chả hiểu sao, nó nghĩ về Tùng nhiều hơn bình thường, và... không bình thường như bình thường.

Kiểu như nó thấy Tùng đối với nó tốt nhất so với bọn con gái trong lớp này. Rồi là kể cả khi đang "kưa" một bạn lớp bên cạnh, Tùng vẫn rất "ngoan", vẫn không quên bạn bè, vẫn nhớ nhiệm vụ đưa đón nó đi học này. Lúc Tùng nhờ nó quân sư vụ "rung rinh đầu đời" ấy, không hiểu sao nó lại... mong Tùng thất bại, bị từ chối đi (amen!). Nó rất sợ cái cảnh một ngày nào đó, nó sẽ phải thui thủi một mình bò từ nhà đến trường, và lúc nó đang vừa lết vừa thở hồng hộc như trâu thì Tùng sẽ đèo một bạn đằng sau xe - chỗ ngồi quen thuộc của nó, lướt qua, cười nhe răng khểnh tán chuyện với bạn ý... Hix, nó biết rằng như thế là rất ích kỉ, nhưng mà...

Nó đem tất cả những điều tủn mủn ấy, ngồi xâu chúng lại với nhau trong một buổi tối, và sáng hôm sau đến lớp thì thầm vào tai Hiền là: "Mày ơi, hình như tao thích thằng Tùng rồi hay sao ý". Nghe xong Hiền trợn một mắt lên. Nó lại tiếp tục thì thào: "Tao thấy hình như nó... cũng thế". Lần này thì Hiền trợn nốt mắt còn lại. Nó vội vàng kể cho Hiền nghe tất cả những "dấu hiệu" cho thấy Tùng cũng "có ý" với nó như nó đang "có ý" với Tùng. Nghe xong, Hiền bĩu mỏ: "Những cái mày vừa nói chỉ chứng tỏ một điều mày và nó chỉ là bạn thân, thế thôi!". Nó chưng hửng, cắn môi: "ý mày là... Tùng không thích tao à?". "Không phải thế - Hiền nhún vai - Tùng thích mày hay không thì trời biết đất biết, nó biết, ai đó biết chứ tao không biết! Tao chỉ muốn nói là những "dấu hiệu" mà mày tưởng tượng ra là sai toét, thế thôi!". Chả hiểu sao, khi nghe những lời ấy của Hiền, tự dưng nó lại thấy... kay kú không sao tả xiết. Nó xị mặt, lầm bầm: "Hừ, được rồi, sai toét! Để xem, sắp tới có dịp gì nhờ... à... Noel này, Tết này, hừm, nhất là Valentine nữa chứ... Chắc chắn Tùng sẽ thể hiện với tao bằng một món qùa thật nhiều hàm ý cho mà xem!" "Mày quên ngày... 20.11 à? Một món quà thay cho lời khẳng định rằng mày là... CÔ nó?" Con bạn cười hắc hắc, phớt lờ vẻ mặt mơ màng và giọng nói tràn đầy cảm xúc của nó. Đáp lại vẻ khiêu khich của con bạn là một câu chắc nịch: "ờ, cứ chờ xem!"

- Quà tôi tặng bà này! - Tùng đột nhiên xuất hiện và chìa ra trước mặt nó một quả táo

- Tôi không thèm! Ông ngốc lắm! Sao lại tặng tôi cái này vào ngày này cơ chứ!!! - Nó hét vào mặt Tùng

Tùng trố mắt nhìn nó: "Ô, ngày này tặng cái này thì có làm sao? Bà không thích à? Không nhận à? Bà không lấy thì tôi... ăn vậy!". Nói rồi Tùng thản nhiên đưa quả táo lên miệng cắn, nhai rau ráu, rồi lại cắn, nhai, nuốt, ngon lành. Nó há hốc miệng, cứ thế đứng nhìn Tùng gặm quả táo cho đến khi chỉ còn lại lõi. Ăn xong, Tùng nhìn nó cười rất phởn phơ: "Hehe... táo ngon ghê cơ!". Bỗng nhiên, nó oà khóc, khóc tức tưởi. Tùng cuống quít: "Ơ... ơ... sao thế? Tôi tưởng bà không lấy. Mà thôi bà đừng khóc nữa, tôi còn nhiều táo lắm này". Nói rồi Tùng chìa ra trước mặt nó một túi táo đỏ au. Quả nào quả nấy đỏ au, đang... ngoác miệng cắn vào tay nó...

áaa... nó vùng dậy, vừa kịp thấy đau nhói ở tay, bèn giẫy mạnh một cái. Nghéo... éo... Con Bông bay như phim xuống đất. Nó thở phào: "Ai bảo mày gặm tay tao, hết hồn!".

"Chết mày! Thế có khi là mày bị ám rồi cũng nên!" - Hiền làm giọng run run sau khi nghe con bạn thân trần thuật lại "giấc mơ trưa". Nó nhăn mặt: "Đừng doạ tao, thời buổi này làm gì có ma quỉ!". "ờ, thế sao mày mơ đi mơ lại thế? Mà cái này không phải do ma quỉ, mà là do mày đã làm việc tội lỗi nên lương tâm mày cắn rứt!". "Thế tao phải làm gì bây giờ?" - nó chợt rùng mình khi nhớ lại hình ảnh quả táo với đầy những vết thâm ngang dọc... chắc táo đau lắm... "Thì không đến nỗi phải lập đàn cầu siêu cho quả táo bị mày đối xử tàn tệ đó. Nhưng mà mày cũng phải xin lỗi Tùng vì đã đối xử với quà của người ta tặng không ra gì". Xin lỗi... ừ... nó thấy nó thật tệ, quà tặng của người ta mà nó lại làm thế... Rõ là hâm đơ, quá đáng...

Cuối buổi học, nó chờ Tùng ở chỗ gửi xe. Thấy nó, Tùng hơi ngạc nhiên, nhưng không giấu vẻ vui mừng: "Ơ, bà chờ tôi à? Ba hôm nay thấy bà toàn đi với Hiền. Bà giận gì tôi à?". Ôi, sao nó ngốc thế không biết. Tình bạn của nó và Tùng đang đẹp là vậy cơ mà. Nó cắn môi, cúi mặt, nói khẽ: "Tôi... tôi không giận gì ông hết. Tôi chỉ muốn xin lỗi ông thôi. Hôm nọ ông tặng tôi quà... mà tôi lại đối xử không tốt với nó...". Tùng trố mắt: "Nó nào? Quả táo á?". "ừ, chính nó đấy!". Tùng phá ra cười: "Bà hâm à. Cái gì mà đối xử không tốt với một quả táo! Mà bà đã ăn chưa?". "Đối xử không tốt, chính là... tôi đã không ăn nó!". Tùng nhăn nhó: "Thế là thế nào? Bà càng nói tôi càng chẳng hiểu gì hết. Chính mama của bà có lần kể với tôi là bà thích ăn táo nhất. Hồi bé ai cho bà quả táo là bà nhẩy cẫng lên cơ mà???". "Thế tại sao lại là ngày 20.11?" "Đấy chẳng là ngày đầu tiên tôi bắt đầu sự nghiệp hành xác đi đâu cũng chở bà đấy sao?" Tùng nói liền một hơi. Nó lặng người đi, mơ màng nhớ lại cảnh thằng bạn gò lưng đạp lên cái dốc nhà thầy dậy Sinh, mỉm cười: "ừ, đúng rồi. Tôi thích táo nhất, và... tôi cũng thích ông nhất!". "Hả... bà vừa nói gì cơ??!!". Nó nhảy tót lên xe: "Mai qua nhà tôi, rủ thêm bọn nó đến thăm thầy Sinh nhé, vừa rồi mình còn quên thầy đấy, bạn iu". Rồi hai đứa nó guồng chân đạp... ừ, cái gì đến sẽ đến, mà nếu không đến thì.... thôi. Đó là chuyện của tương lai, hiện tại mới là quan trọng nhất. Nói theo Chí Phèo thì... tình bạn của nó và Tùng, "cứ thế này mãi thì thích nhỉ"...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: