CÁC BÀ - Anton Chekhov


Fiôđor Petrovits, đốc học các trường công ở tỉnh N, vốn tự coi mình là người công bằng và đại lượng, có một hôm tiếp ông giáo Vremenxki trong văn phòng của mình.

- Không được đâu ông Vremenski ạ. - Ông đốc học nói, - đằng nào cũng phải về hưu thôi. Tiếng mất hẳn đi như thế thì không thể nào tiếp tục nghề dạy học được. Nhưng ông làm sao đến nỗi mất hẳn tiếng đi như thế ?

- Tôi trót uống bia lạnh trong khi đang ra mồ hôi... - Ông giáo nói phều phào.

- Thật đáng tiếc quá chừng ! Dạy suốt mười bốn năm, rồi bỗng dưng gặp phải một tai ương như thế ! Đôi khi người ta hỏng cả một sự nghiệp chỉ vì những chuyện vặt không đâu như thế đấy. Thế bây giờ ông định làm gì?

Ông giáo lặng thinh không đáp.

- Ông có gia đình chứ ?

- Thưa quan lớn tôi có vợ và hai con... - Ông giáo phều phào.

Hai bên im lặng một lát. Ông đốc học rời bàn giấy đứng dậy và đi đi lại lại trong gian phòng, dáng bứt rứt xúc động.

. Tôi đang điên đầu lên không biết xử lý với ông ra sao đây ! - Ông nói - Dạy học thì ông không dạy được rồi, hưu bổng thì ông làm chưa đủ thời hạn để được hưởng... còn cứ phó mặc ông cho số mệnh muốn xoay vần ra sao thì ra, tôi thấy cũng khí bất tiện. Đối với chúng tôi ông là người nhà: ông đã dạy học mười bốn năm ròng, thế thì giúp đỡ ông đúng là việc của chúng tôi. Nhưng giúp bằng cách nào đây? Tôi có thể làm gì cho ông đây? Ông thử tự đặt vào địa vị tôi mà xét : tôi có thể làm gì cho ông bây giờ?

Hai bên lại im lặng một lát ; ông đốc học vẫn đi đi lại lại suy nghĩ rất lung, còn Vrêmenxki, lòng nặng trĩu, ngồi ở ngoài lề chiếc ghế tựa và cũng suy nghĩ. Đột nhiên gương mặt ông đốc học rạng rỡ hẳn lên, thậm chí ông còn búng ngón tay đánh tách một cái nữa.

- Lạ thật, thế mà mãi không nhớ ra - Ông nói nhanh. - Ông nghe đây, đây là giải pháp tôi có thể đem bàn với ông... Đến tuần sau người phụ trách văn thư ở nhà tế bần của chúng tôi sẽ về hưu. Nếu ông muốn, ông sẽ thế chân ông ấy! Thế đấy!

Vrêmenxki, không ngờ được ưu đãi đến thế, cũng rạng rỡ mặt mày lên.

- Thế thì rất hay, - Ông đốc học nói. - Ông về viết đơn ngay ngày hôm nay đi...

Sau khi cho Vremenxki ra về, Fiolor Petrovits cảm thấy nhẹ nhõm và thậm chí còn thích thú nữa : trước mắt ông không còn lù lù cái bóng dáng khọm rom của nhà sư phạm phều phào kia nữa, và thật là thú vị khi nhận thức rằng dành cho Vrêmenxkì một chỗ làm đang khuyết người như vậy là mình đã xử sự một cách công bằng và theo đúng tiếng gọi của lương tâm, đã hành động như một người nhân hậu, hoàn toàn quân tử. Nhưng cái tâm trạng hứng khởi này chẳng thọ được bao lâu. Khi ông về nhà và ngồi vào ăn bữa trưa, vợ ông là bà Naxtaxya Ivanovna chợt nhớ ra một điều:

- À phải, tôi suýt quên mất! Hôm qua bà Nina Xergheyevna có đến gặp tôi để xin cho một người quen trẻ tuổi. Nghe nói ở sở ta có chân đang khuyết ở nhà tể bần...

- Phải, nhưng chân này tôi đã hứa dành cho một người khác, - Ông đốc học nói đoạn cau mày lại . Vả lại mình cùng biết nguyên tắc của tôi: Tôi không bao giờ cấp việc cho ai vì nể nang thần thế cả.

- Tôi biết, nhưng đối với bà Nina Xergheyevna, theo tôi, cũng cần có biệt nhãn. Bà ấy yêu quý chúng ta như bà con ruột thịt, thế mà từ trước tới nay mình chưa làm được cho bà ấy một việc gì gọi là tốt lành cả. Feđya ạ, mình đừng có mà từ chối đấy ! Mình cứ dở chứng như thế, thì sẽ làm mếch lòng cả bà ấy lẫn tôi nữa đấy.

- Thế bà ấy giới thiệu ai ?

- Polzukhin.

- Polzukhin nào ? Có phải cái anh chàng hồi Tết đóng vai Tsatxki ở phòng hội đồng không ? Cái anh chàng công tử bột ấy à ? Không đời nào!

Ông đốc học không ăn nữa.

- Không đời nào ! - Ông nhắc lại - Lạy chúa che chở cho tôi khỏi làm một việc vô lý như thế!

- Nhưng tại sao mới được chứ ?

- Xin lệnh bà hiểu cho rằng nếu một chàng thanh niên không trực tiếp lo cho mình mà lại chạy chọt qua các bà, thì như thế tức hắn là hạng đốn mạt ! Tại sao hắn lại không đến gặp thẳng tôi ?

Sau bữa ăn trưa ông đốc học nằm trên chiếc ghế xôpha ở phòng làm việc và bắt đầu giở các báo chí và thư từ mới nhận ra đọc.

"Ông Fiodor Petrovits quý mến ! - Bà vợ ông thị trường viết - Ông có lần nói rằng tôi là một nhà tâm lý và một kẻ am hiểu người đời. Bây giờ ông đã có dịp kiểm nghiệm lại điều đo trên thực tế. Nay mai sẽ có một người đến xin ông nhận vào làm văn thư ở nhà tế bần của ta, người đó là anh K.N.Polzukhin, mà tôi được biết là một thanh niên rất tốt. Anh chàng rất dễ có cảm tình, Làm ơn cho anh ta, ông sẽ thấy rõ rằng..." v,v...

- Không đời nào ! - Ông đốc học thốt lên - Lạy Chúa che chở !

Sau đó không có lấy một ngày nào là ông đốc học không nhận được những bức thư giới thiệu Polzukhin. Rồi một buổi sáng đẹp trời đích thân Polzukhin cũng xuất hiện : Đó là một chàng trẻ tuổi, béo tốt, mặt trông giống một anh giô-kề, râu cạo nhẵn thín, mình mặc bộ đồ đen mới tinh...

- Việc công thì tôi không tiếp ở đây, anh ra công sở mà gặp. - Ông đốc học xẵng giọng nói sau khi nghe lời yêu cầu.

- Xin quan lớn bỏ qua cho, nhưng những người quen chung của chúng ta lại khuyên tôi là đến gặp quan lớn ở đây kia.

- Hừm !... - Ông đốc học gầm lên, hằn học nhìn đôi giày mũi nhọn của hắn, rồi nói: - Theo chỗ tôi biết, ông thân sinh nhà anh là người có của, và chẳng hề để cho anh phải túng thiếu gì, vậy thì anh cần gì phải xin cái chân này ? Lương lậu có được bao nhiêu đâu ?

- Tôi không phải vì đồng lương, mà chỉ thế thôi... Dù sao đây cũng là việc nhà nước...

- Thế đấy... Tôi e chỉ một tháng sau anh sẽ chán cái chức vụ này và xin thôi, trong khi đó có những người mà đối với họ chức vụ này là sự nghiệp của cả một đời... Có những người nghèo túng mà...

- Bẩm quan lớn, không chán đâu ạ! - Polzukhin ngắt lời ông đốc học - Tôi xin hứa là sẽ cố gắng!

Ông đốc học phát cáu lên.

- Này anh, - ông nói, mỗi nở một nụ cười khinh bỉ - tại sao anh không đến gặp thẳng tôi ngay từ đầu, mà lại đi chạy vạy qua các bà đã ?

- Tôi không biết là làm như thế không được vừa ý quan lớn ạ. - Polzukhin nói rồi đâm ngượng. - Nhưng thưa quan lớn, nếu quan lớn không coi trọng những thư từ giới thiệu, tôi có thể trình quan lớn một chứng chỉ..

Hắn lấy trong túi ra một tờ giấy và đưa cho ông đốc học. Dưới những lời chứng nhận viết bằng một giọng văn và một kiểu chữ sặc mùi công sở, có chữ ký của quan tỉnh trưởng. Có thể thấy rõ rằng quan tỉnh trưởng trước khi ký không hề đọc qua nội dung tờ chứng chỉ một chút nào, chỉ cốt sao chóng thoát khỏi một bà bám dai như đỉa.

. Thế thì chịu, tôi xin phục tùng... tôi xin vâng...- Ông đốc học nói sau khi đọc xong tờ chứng chỉ, và thở dài. - Mai anh mang đơn lại... xin chịu thôi...

Và khi Polzukhin đã ra về, ông đốc học buông lỏng cho cái cảm giác ghê tởm của mình trút hết ra ngoài.

- Đồ đốn mạt ! - Ông vừa đi đi lại lại trong phòng vừa rít lên. - Ấy thế mà hắn vẫn tìm được cách đạt ý nguyện, cái thằng vô dụng, cái thằng bám váy đàn bà ấy ! Đồ bẩn thỉu ! Đồ sâu bọ! Ông đốc học phổ toẹt một tiếng rất to ra phía cửa, phía Polzukhin vừa đi ra khuất, rồi bỗng cuống cuồng ngượng ngùng, vì vừa lúc ấy có một bà bước vào. Đó là vợ ông trưởng phòng thuế...

- Tôi xin phép một phút, một phút thôi - Bà lớn mở đầu - Ông bạn cứ ngồi xuống đi, và chịu khó nghe tôi nói... y, nghe nói ở bên ông có một chỗ khuyết... Ngày mai hay ngày hôm nay sẽ có một thanh niên đến yết kiến ông, tên là Polzukhin...

Bà lớn cứ thế mà khua mép, còn ông đốc học thì nhìn bà với hai con mắt đục ngầu, đờ đẫn như người sắp lăn đùng ra bất tỉnh nhân sự, ông nhìn bà và mỉm cười để giữ phép lịch sự.

Đến ngày hôm sau, khi tiếp ông giáo Vrêmenxki văn phòng, ông đốc học hồi lâu không dám nói rõ sự thật cho ông ta biết. Ông đốc học cứ loay hoay ấp úng mãi mà vẫn không tìm ra cách mở đầu thế nào cho ổn, không biết nói thế nào cho xong. Ông muốn xin lỗi ông giáo, kể cho ông ta nghe hết sự thực, nhưng lưỡi ông cứ líu lại như người say rượu, hai tai ông nóng ran lên, và ông bỗng thấy bực mình và tủi nhục vì phải đóng một vai trò chương chang như thế này ngay trong văn phòng của mình, trước mặt các viên chức dưới quyền mình. Ông bỗng đầm bàn một cái, đứng bật dậy và giận dữ quát :

- Tôi không có chỗ cho ông ! Không có là không có ! Ông để cho tôi yên ! Đừng làm khổ tôi nữa! Đừng ám tối nữa, xin ông ra đi cho tôi nhờ.

Đoạn ông ra khỏi văn phòng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #truyenngan