Truyện ma ngắn

Con dơi trắng khổng lồ

Có rất nhiều chuyện lạ kể về quyền uy của các vị tu sĩ Ai Cập cổ đại, đặc biệt là những lời thần chú của họ yểm giữ cho các ngôi mộ khiến chúng trở thành bất khả xâm phạm. Dân Ai Cập thường chôn theo người chết rất nhiều của cải và không có gì lạ nếu những phần mộ đó bị lũ kẻ cướp, hết thế hệ này sang thế hệ khác, đến cướp phá.

Trong số những kẻ cướp phá đó, có không ít người là các nhà Ai Cập học hiện đại. Họ cướp phá dưới danh nghĩa khoa học, nhưng điều đó chẳng làm nên sự khác biệt nào. Những lời nguyền linh ứng với tất cả những kẻ nào xâm phạm tới nơi thiêng liêng của ngôi mộ, bất kể mục đích của họ là gì. Có rất nhiều câu chuyện lạ, ví dụ như chuyện kể về lời nguyền ở ngôi mộ của Tutankhamen và số phận của những kẻ cả gan xâm phạm.

Trong những ngày đầu thế kỉ, giới Ai Cập học hết sức đông đảo. Những kẻ đào bới thuộc mọi quốc tịch bận rộn khai thác ở thung lũng, bất chấp những lời nguyền xa xưa. Đó là thời gian các nhà khoa học tiến bộ không còn coi trọng những lời nguyền xưa nữa. Phần lớn những người đột tử đều có thể đã đồng tình với đồng nghiệp của mình rằng cái chết của họ không có liên quan gì tới những điều mê tín dị đoan vớ vẩn.

Tuy nhiên, quan điểm của Michael Hendry lại hoàn toàn khác. Sự trải nghiệm quá kinh khủng tới mức không còn nghi ngờ gì nữa sự trả thù của các tu sĩ Ai Cập đã ứng nghiệm vào ông bằng một cách thức thật ghê rợn.

Hendry không phải là chuyên gia Ai Cập học mà cũng chẳng phải là một nhà khoa học. Ông vốn là người Ailen, sang Mỹ từ khi còn trẻ và đã kiếm được lưng vốn kha khá tại Sở chứng khoán New York vào thời của những tên tuổi như Astor, Rockefeller và Vanderbilt, khi mà bất kỳ một người buôn bán khôn ngoan nào cũng có thể trở thành triệu phú - đó là thời đại kinh tế hoả tiễn của Hoa Kỳ thế kỷ XIX.

Hendry làm giàu rồi về hưu. Ông kết hôn với một goá phụ già hơn ông hai mươi tuổi. Đó không phải là một cuộc hôn nhân vì vật chất. Ông đã rất yêu bà và bà cũng vậy. Bà không lấy ông vì tiền.

Niềm say mê lớn trong cuộc đời ông là Ai Cập học, một sở thích vô thưởng vô phạt ở nước Mỹ tự do. Nhưng Mary Hendry nhanh chóng phát hiện ra ngôi nhà đẹp, yên tĩnh ở Long Island, ngôi nhà bà đã từng ước ao, không phù hợp với bà. Hendry thì muốn dùng thời gian cuối đời để theo đuổi đam mê lớn của mình và điều đó đồng nghĩa với việc sang Ai Cập, đào bới ở những khu vực chôn cất cấm kị của các vị Pharaon vĩ đại.

Mary vì không thích lắm nên cũng không mấy hưởng ứng. Theo bà, ông nên từ bỏ ý định ấy đi vì dù sao ông cũng không còn trẻ. Khí hậu ở thung lũng sông Nile không có gì tốt cho ông và bà cho rằng phải nhanh chóng thuyết phục ông cư trú ổn định ở một nơi nào đó thật thoải mái và thuận tiện. Với bà, châu Âu hay châu Mỹ đều không quan trọng. Bà nghĩ nên về sống ở Ailen - quê hương ông - nơi đó, mức sống vào những ngày ấy cũng khá cao, nếu không nói là cao hơn ở Mỹ.

Nhưng chuyến đi Ai Cập thật thú vị. Họ ở khách sạn Shepheard, Cairo. Đó là những ngày thanh bình, một vài năm trước khi chiến tranh thế giới nổ ra. Bà Hendry đi theo các điểm du lịch thông thường, thăm các kim tự tháp, tượng nhân sư ở Giza, cưỡi lạc đà và du thuyền trên sông Nile.

Hendry không sang Ai Cập với mục đích du lịch thông thường. Với ông, đây là chuyến du lịch tới vùng đất của các Pharaon. Ông vùi mình vào việc khai quật nhiều loại mộ ở thung lũng các Hoàng đế với niềm đam mê mãnh liệt. Hiểu biết của ông đã gây ấn tượng đối với nhiều nhà Ai Cập học chuyên nghiệp và sự giàu có của ông cũng khiến họ vị nể. Thời ấy, phần lớn các cuộc khám phá đều do tư nhân tự bỏ vốn và các nhà triệu phú Mỹ luôn được hoan nghênh, đặc biệt với một người có kiến thức như Hendry.

Cũng vào thời điểm Hendry tới Ai Cập, cái chết bí ẩn của một nhà khảo cổ học người Đức mang tên Schaffer đã làm xôn xao dư luận. Ông ta đang tiến hành khai quật ngôi mộ của một tu sĩ có đẳng cấp cao của "Trường đại học các tu sĩ bí ẩn Hoàng Gia", được Cheops thành lập vào triều đại thứ tư, khoảng 4000 năm trước Công nguyên.

Các bác sĩ nói rằng Schaffer chết là do chứng tim đột quỵ nhưng theo những công nhân Ai Cập mê tín thì lúc ấy, ngôi mộ đầy những linh hồn quỷ dữ và đó mới là nguyên do cái chết của Schaffer.

Ngôi mộ mới chỉ đào được đến phần bên ngoài, và người Ai Cập cho rằng chắc chắn phải có một phòng rộng hơn ở bên trong, đó là nơi để xác ướp của vị tu sĩ, chứa đầy ma quỷ quyền năng mang cái chết đến cho kẻ nào dám cả gan đột nhập vào.

Hendry quyết định tiếp tục công việc khai quật của Schaffer. Những câu chuyện về sự tận số và tai họa không hề làm Hendry lay chuyển. Hơn nữa, ông cho rằng những ngôi mộ cổ đều đã bị đột nhập và bị không biết bao nhiêu kẻ đến cướp bóc từ trước đến nay và nếu lời nguyền của vị tu sĩ linh ứng thì những kẻ cướp bóc mê tín đã không mò đến.

Vì thế, Hendry đã kiếm được giấy phép hợp lệ để tiếp tục công việc của Schaffer. Ông để người vợ muộn phiền lại Cairo, tới vùng thung lũng của các Hoàng đế.

Tất cả những công nhân đã làm việc cho Schaffer, không ai còn dám tới gần ngôi mộ và Hendry phải mua chuộc những người bản địa khác để họ giúp ông, nhưng ai cũng từ chối vào phòng trong, nơi có xác ướp.

Với sự trợ giúp của họ, Hendry đã mở tung được ba phòng và cuối cùng cũng tới được phòng chôn xác. Cánh cửa mang dấu niêm phong của Cheops - một con dơi có đôi cánh lớn. Đằng sau dấu niêm phong là nơi bất khả xâm phạm.

Dùng ánh điện lắp tạm thời, Hendry tiếp tục công việc một mình. Vào phòng trong, ông tìm thấy một cái quách lớn bằng vàng. Căn phòng được trang hoàng xa hoa, vì triều đại thứ tư là vương triều của sự giàu có huy hoàng, khi nghệ thuật vương giả đạt đến đỉnh cao nhất. Nhấc nắp quan tài bằng vàng lên, ông nhìn thấy xác ướp của vị tu sĩ vẫn còn hoàn hảo, thậm chí bộ râu trắng của ông ta vẫn còn nguyên vẹn.

Trên ngực xác ướp có con bọ hung có cánh, hình dáng như một con dơi chứ không giống một con bọ cánh cứng thông thường. Con bọ bị buộc chặt vào chính những dải băng đã gói xác chết sau quá trình làm héo xác ướp. Ông nhặt nó lên, xé ra khỏi những lần vải buộc đã mục theo thời gian. Đó là một con bọ hung lớn và được khắc chạm bằng những câu viết bí ẩn.

"Hình như," sau đó ông nói, "hình như một cơn giận dữ khủng khiếp bao trùm lên tôi như một đám mây lúc tôi đụng vào con bọ. Ngọn đèn chỉ còn le lói. Một cơn gió lạnh lan toả khắp ngôi mộ và tôi nghe thấy tiếng vi vu trong không khí lướt qua mặt tôi. Tôi đoán đó là những con dơi".

Quá khiếp sợ, ông chạy ra khỏi phòng, trong tay nắm chặt lấy con bọ. Trước đây ông cho rằng lũ dơi chỉ là sự hư cấu và lúc này đây, ông chỉ muốn thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt rùng rợn của phòng huyệt, ra ngoài bầu trời trong lành. Ông thấy quá mệt và đau nên không đi tiếp được.

Ông lập tức trở lại Cairo, trong lòng còn quá hoảng sợ vì những gì đã xảy ra. Ông đã đọc được ở đâu đó rằng trong suốt thời gian trị vì, hoàng đế Cheops rất sùng bái một con dơi và ông lập ra "Trường đại học của các tu sĩ bí ẩn" vì lòng sùng bái của mình. Liệu hoàng đế có hình dung ra rằng có dơi trong phòng huyệt ? Và phòng huyệt có thể sẽ không được mở ra trong mười thế kỷ. Chẳng có con dơi nào lại có thể sống ở đó.

Về tới Shepheard, ông thấy mặt vợ trắng bệch và đang hết sức hốt hoảng.

"Michael, em lo cho anh quá. Suốt ngày nay, em linh cảm như có chuyện gì đó thật khủng khiếp đã xảy ra. Cảm ơn Chúa, anh vẫn bình an".

Hendry cũng cảm ơn Chúa. "Anh không thích nơi đó, anh sẽ không quay lại đó nữa," ông nói. "Chúng mình hãy cùng nhau xuôi sông Nile xuống Luxor. Thay đổi không khí sẽ có ích cho chúng ta".

Mary tán thành ngay nhưng bà vẫn muốn rời khỏi Ai Cập càng nhanh càng tốt. Bà chẳng bao giờ muốn chồng mình cứ đi đào bới xung quanh những nơi kì bí cũng như ở các ngôi mộ cổ. Bà thấy có một chút sự thực trong những câu chuyện kể về các lực lượng siêu nhiên hiển linh tại nơi đó. Có lần bà nghe người ta kể rằng việc lấy xác ướp ra khỏi quan tài là một hành động cực kỳ báng bổ thánh thần và sẽ chỉ mang lại toàn tai họa. Còn nếu ai sờ hay đọc những chú giải thần bí ở chỗ xác ướp thì người đó nhất định phải chết.

Chuyến du ngoạn xuôi sông Nile làm cho Hendry dần dần phục hồi khỏi cú sốc kinh hoàng nọ. Ông vẫn ngoan cố giữ con bọ vì ông không tài nào từ chối một kho báu từ thời cổ đại hiếm và quý đến vậy. Ông giấu kĩ trong tư trang, không hề nói với ai, kể cả vợ mình về điều đó.

Trong khi cắm trại nghỉ bên bờ sông Nile, cách Luxor không xa, ông bị một tiếng động lạ đánh thức. Hé mắt nhìn ra cửa lều, ông thấy một con dơi khổng lồ, trắng toát, bay nhẹ nhàng không ngớt quanh căn lều, phát ra tiếng kêu chít chít. Nó khiến ông sợ hết hồn. Ông cố gắng đuổi nó đi nhưng nó cứ chao liệng vòng tròn, đôi lúc sà xuống gần ông và nhìn chòng chọc vào mặt ông bằng đôi mắt xoi mói rùng rợn. Ông chưa bao giờ thấy một con dơi nào như thế. Trong nó không giống như sinh vật ở thế giới này.

Ông quay vào và đóng chặt cửa lều. Vợ ông nằm ngủ trên chiếc giường dã ngoại. Cám ơn Chúa và ít nhất bà ấy đã không bị đánh thức bởi con vật đáng sợ của đêm đen.

Hendry không tài nào ngủ được. Ông nằm đó, lắng nghe con dơi the thé báo điềm gở cứ chao liệng bên ngoài. Có lúc cánh của nó tức tối đập vào vải bạt như muốn tìm cách chui vào lều.

Hendry để ý thấy mặc dù vợ mình không tỉnh giấc nhưng bà cứ liên tục trở mình. Khi nhìn gần hơn vào mặt vợ, ông thấy mặt bà căng ra vì sợ, mồ hôi lấm tấm trên trán. Liệu tiếng kêu chít chít của sinh vật thuộc đêm đen ấy có ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người không ?

Tiếng đập cánh ngưng được một lúc thì Hendry cẩn thận mở cửa lều nhìn ra.

Ông thấy con dơi trắng khổng lồ lượn vòng tròn quanh căn lều một lần cuối rồi bay qua sông Nile, theo hướng Luxor. Ông thấy nó bay cao trên nền trời trắng bạc của đêm trăng tròn, về lại nơi nó đã xuất phát. Bên dưới nó, đằng xa là cảnh hoang tàn, đổ nát của "Ngôi đền Thebes" do Amenhotep đệ tam cho xây cất, cha của Pharaon dị giáo và Akhenaton. Nhưng giữa vị tu sĩ đắc đạo của Cheops và "Ngôi đền của Thebes" là khoảng thời gian sáu thế kỷ và cách xa nhau hàng trăm dặm.

Chẳng có gì liên quan giữa con dơi trắng khổng lồ với con bọ ông vẫn cố tình cất giữ cẩn thận trong đống hành lí.

Ông quay lại lều, cố dỗ giấc ngủ. Ông thấy, từ lúc con dơi bay đi, vợ ông ngủ bình thản hơn. Còn ông đêm đó chẳng được an giấc. Ông nằm đó, trằn trọc, bị nỗi sợ hãi ám ảnh. Trong lúc nửa tỉnh nửa mơ lúc rạng sáng, ông thấy mình quay lại ngôi mộ của vị tu sĩ đắc đạo; ở đó tối om và toàn những cảnh khủng khiếp rợn người.

Buổi sáng ngủ dậy, vợ ông u sầu, chán nản ghê gớm, bà chẳng hiểu tại sao mà cũng chẳng rũ bỏ được. Bà nói rằng mình có một cơn ác mộng kinh khủng. Khi ông nài ép, bà cố gắng tả lại nhưng bà không nói được gì ngoài câu, trong mơ, bà thấy có rất nhiều dơi và có một con dơi kỳ dị, khác thường cứ cố săn đuổi bà.

Bà chán ngấy Ai Cập. Đây là nơi khiến bà bị căng thẳng thần kinh nhất. Hendry cũng quá ngán đất nước này. Ông đã mất gần hết lòng nhiệt thành đối với Ai Cập học nhưng ông vẫn không chịu chia tay với con bọ - kết quả thực tế trong lần khai quật duy nhất của ông giữa những đổ nát của quá khứ. Ông không tin vật đó lại có thể gây hại cho mình và ông không hề nghĩ rằng Mary sẽ gặp phải bất cứ hiểm họa gì.

Họ sẽ rời Ai Cập, chuẩn bị tới Hi Lạp và sau đó tiếp tục sang ý - nơi ông thấy vẫn còn tồn tại thế giới cổ kính mà không bị bao trùm bởi những đám mây thần bí và không bị phù phép bởi các ma thuật khó hiểu của các tu sĩ.

Nhưng không gì khiến họ có thể thoát ra khỏi sự đày ải, tai họa đã vây lấy họ. Kể từ đêm đó, bên bờ sông Nile, Mary Hendry mắc chứng nghẹt thở đến lịm đi rất kỳ lạ. Bà không còn vui vẻ, hoạt bát mà chìm sâu vào những cơn u sầu liên miên, ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể xác. Bà rất ít khi ngồi dậy, ăn không thấy ngon miệng, mất hết sức sống. lúc nào cũng muốn nằm.

Hendry đưa bà tới hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, vị nào cũng đưa ra một loạt chẩn đoán có vẻ hợp lý nhưng không ai thực sự tìm ra bệnh hoặc kê được đơn thuốc làm thuyên giảm bệnh tình của bà. Bà như không còn ở bên ông nữa, tự tuột ra khỏi cuộc sống. Sự việc không xảy ra từ từ mà chỉ trong vòng vài tuần, quá nhanh đến nỗi ông không kịp đưa bà quay lại Mỹ, nơi ông cho rằng có thể chạy chữa cho bà vì các bác sĩ bảo bà không thích nghi được với một chuyến đi vượt Đại Tây Dương.

Còn với Hendry, giấc ngủ của ông chỉ toàn ác mộng. Vào một đêm, vợ ông có vè khá hơn suốt cả ngày, ông đi ngủ với trái tim tràn trề hy vọng thì ông có một giấc mơ rùng rợn, khủng khiếp.

Ông đang đi qua một hội trường lớn, tiếp theo đó là nhà thờ rộng mênh mông, trong đó có những hình người Ai Cập khổng lồ được chạm khắc trên những công trình bằng đá. Đôi chân ông đi nhanh như chạy, như muốn vượt qua những căn phòng tráng lệ của thế giới sông Nile cổ xưa và ông cảm nhận rõ hương thơm kỳ lạ, hương thơm ấy càng lúc càng ngào ngạt hơn khiến ông không kìm nén được cơn buồn nôn.

Giờ đây, những hội trường lớn Ai Cập khổng lồ được thay bằng những hành lang đá vô tận. Lúc đầu ông nghĩ đó là những hành lang trong kim tự tháp nhưng ông rảo chân qua các hành lang ngày càng hẹp hơn và ông biết đó là con đường dẫn tới trung tâm trái đất. Ông cũng biết mình đang bị săn đuổi. Ông không dám nhìn xung quanh nhưng ông biết rõ cái gì đang truy đuổi mình. Chính là hương thơm toả mùi đến phát ốm, chế ngự khắp nơi và mỗi lúc một ngào ngạt hơn.

Cuối cùng, ông cũng kết thúc được hành trình và thấy mình nằm trong một hầm mộ bằng đá không có lối thoát. Khi đứng lên, mồ hôi lạnh túa ra, ông thấy căn phòng càng ngày càng hẹp hơn, tính đến từng giây, các bức tường và tấm trần cứ ép sát vào người ông.

Giờ đây, ông đang nằm trên sàn, hoảng sợ tột độ, nghẹt thở vì hương thơm, hình như toàn bộ mùi thơm ở những ngôi mộ cổ Ai Cập đều ập đến. Khi ngửng lên, ông mới thấy kinh hoàng - con dơi trắng khổng lồ từ từ đậu xuống, hút dần sinh khí của ông.

Hendry tỉnh hẳn, tiếng kêu nghèn nghẹn như bị bóp cổ, ông ngồi dậy, mồ hôi túa ra như tắm và cảm giác khó chịu như có cái gì đó bám chặt ở cổ họng.

Nỗi sợ tột cùng từ lúc tỉnh dậy vẫn chưa xua tan được thì khi nhìn quanh căn phòng tràn ngập ánh trăng, ông lại thấy con dơi trắng bay ngang qua, thoát ra ngoài cửa sổ để ngỏ.

Ông nhảy khỏi giường, không chỉ sợ cho riêng mình. ý nghĩ đầu tiên của ông là phải tiến lại cửa sổ, đuổi cái sinh vật ghê tởm ấy ra ngoài. Khi ông làm vậy, con dơi đậu yên bên ngoài tấm kính, đôi tai nhọn vểnh lên, đôi mắt thú tính sáng rực của nó nhìn ông chằm chằm. Ông lùi trở lại phòng và con dơi cất đôi cánh lên kèm theo tiếng đập cánh uyển chuyển và nhẹ nhàng bay theo hướng mặt trăng qua các ngôi nhà, bên trên các tán cây đến lúc nó chỉ còn là một chấm nhỏ trên cái thiên thể bạc.

Từ phía cửa sổ, Hendry quay mình lại, nhanh chóng chạy sang buồng vợ qua cánh cửa thông với phòng ông. Vừa bước vào phòng, ông vừa nhìn thẳng về phía trước, miệng gọi tên bà. Ông thấy bà nằm trên giường, trong tư thế không mấy tự nhiên như thể bị đánh thức bất ngờ. Bà không tỉnh dậy nữa. Bà nằm đó, hồn lìa khỏi xác, đôi mắt hoảng sợ mở trừng trừng. Hendry biết đó là tại con dơi trắng, nó đã bay vụt sang phòng bà khi ông vừa tỉnh khỏi cơn ác mộng.

"Chứng đột tử vì tim", bác sĩ kết luận. Tôi không thể đưa ra một lời giải thích nào khác, có lẽ là một cú sốc. Vâng, điều đó hoàn toàn có cơ sở, trong tình trạng u uất như vậy, một giấc mơ mạnh cũng có thể giết chết bà ấy."

Hendry vô cùng đau khổ. Ông yêu vợ và họ càng yêu nhau hơn từ khi những chuyện rắc rối ở ngôi mộ vị tu sĩ đắc đạo bắt đầu xảy ra.

Mọi thứ trượt dần khỏi quỹ đạo. Vào ngày đưa tang vợ, ông nhận được tin tức nghiêm trọng từ New York. Hai nơi ông tập trung phần lớn tài sản của mình để đầu tư bỗng nhiên thất bại và ông phải hứng chịu thiệt hại rất lớn trong việc phá sản tiếp sau. Tiếp đến, một người bạn đáng tin cậy ở New York biển thủ 50000 đô la của ông rồi tự tử. Người cha già ở New Orleans cũng bỗng nhiên chết vì cơn đột quỵ không rõ nguyên nhân.

Trong tình trạng tuyệt vọng, Hendry đi hết nước này sang nước khác nhắm thoát khỏi con dơi trắng toát giờ đây cứ liên tục săn lùng ông. Nó luôn xuất hiện vào ngày rằm, và mỗi lần nó đến, ông đều gặp phải cùng một cơn ác mộng: ông nằm trong phòng huyệt của vị tu sĩ, không khí ngột ngàt toàn mùi hương ngạt ngào ấy. Căn phòng cứ hẹp vào, hẹp vào mãi, áp sát vào ông khiến ông bị ngạt thở vì hương thơm trong nỗi hãi hùng. Ông tỉnh dậy với cảm giác kinh hoàng là có cái gì đó cứ bám chặt ở cổ, hút dần sinh lực của ông. Bên ngoài cửa sổ, trong ánh trăng sáng của đêm rằm, con dơi cứ nhìn ông bằng đôi mắt linh lợi y như mắt người. Không giống những con dơi khác ông đã gặp, nó chỉ mang đến toàn điềm gở, chứa đầy tai họa và ông cho rằng nó không thuộc về thế giới này.

Mặc kệ những nỗi sợ không tên, Hendry với bản chất ngoan cố, vẫn giữ con bọ, bỏ ngoài tai những lời khuyên của các bạn bè, những người ông kể chuyện, rằng ông phải trả nó về nơi ông đã lấy nó. Nhưng Hendry như đã bị bỏ bùa mê. Ông không hoàn trả nó về chỗ cũ. Ông đã mất hết mọi thứ trong cuộc đời và có lẽ, bất kể con dơi có làm gì thì cũng không còn có nghĩa với ông nữa.

ở Luân đôn, ông tham khảo ý kiến các nhà Ai Cập học và các sinh viên về chuyện huyền bí này. Đầu tiên, người ta nghi ngờ câu chuyện của ông và có người đã bảo với ông rằng, những con bọ không hề được biết đến ở triều đại thứ tư, đó là thời gian trị vì của Cheops, hay Khufu gì đó và con bọ được tìm thấy trên xác ướp của vị tu sĩ đắc đạo có lẽ đã được đặt vào ở triều đại sau.

Nếu thực thê, Hendry tin rằng, một thời gian sau, trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, các vị tu sĩ đã đưa ra những lời nguyền độc địa đầy quyền năng. Và chắc họ, khi thấy ngôi mộ bị đột nhập đã niêm phong nó bằng những lời nguyền khủng khiếp, hơn thế, họ còn cho gắn con bọ có cánh lên xác ướp. Hendry nhớ ra ông đã gặp con dơi trắng khổng lồ ở "Ngôi đền của Thebes", được xây dựng hai nghìn sáu trăm năm sau thời Cheops.

Điều huyền bí ấy đã được tìm ra, không phải nhờ các nhà Ai Cập học hay những chuyên gia về chuyện bí ẩn, những người có thừa lòng ham mê, đầy một mớ lý thuyết nhưng không giúp được ông điều gì. Có người mượn ông con bọ rồi ngay ngày hôm sau đã trả lại cho ông không chút do dự và kể rằng ông ta đã có một cơn ác mộng cực kỳ rùng rợn, sau đó ông nhìn thấy con dơi trắng nhẹ nhàng đập cánh ngoài cửa sổ. Ông ta nài nỉ Hendry mang con bọ quay lại Ai Cập trả nó về với xác ướp của vị tu sĩ nọ. Nhưng Hendry không đời nào lại đi hứa làm việc đó.

Đêm đêm, ông hoảng sợ lê bước đến bên giường và càng trì hoãn được việc đó càng lâu càng tốt. Sau những cơn ác mộng liên tiếp về dơi, ông tỉnh dậy, thấy cổ họng mình sưng lên và cứng lại. Bác sĩ chẩn đoán ông bị một loại côn trùng có nọc độc cắn.

Câu chuyện kết thúc tại Paris.

Con dơi trắng xuất hiện lần cuối cùng khi ông đang ngụ tại một khách sạn ở đường Fayette. Nửa đêm, trong khách sạn vang lên một tiếng thét dài ghê sợ. Sáng hôm sau, người ta thấy Hendry chết cứng trên giường. Bác sĩ nói rằng ông bị đột tử vì tim ngừng đập. Người hầu phòng nói rằng, tối hôm trước, ông nhất định đóng chặt các cửa chớp phía ngoài khuôn cửa sổ phòng ông. Nhưng khi ông chết, các cửa chớp và cửa sổ đều mở rộng.

Người ta không tìm thấy con bọ trong đống hành lý của ông. Nó đã biến mất, và từ đó trở đi, con dơi trắng khổng lồ cũng không xuất hiện nữa.

Bàn tay khỉ

I

Ngoài trời, đêm lạnh và ướt, nhưng trong biệt thự Lakesnam màn bỏ bốn bề, và lửa cháy sáng rực trong lò.

Hai cha con ông White đang say mê đánh cờ. Người cha thua hai bàn nên có hơi bực.

Bà vợ ngồi gần bên ôn tồn bảo:

- Ông đừng nóng, có thể bàn sau ông sẽ thắng.

Ông chồng vừa ngẩng đầu lên đúng lúc để nhìn thấy một cái nhìn đồng loã giữa hai mẹ con...

Ngay lúc đó có tiếng động cửa bên ngoài và có tiếng chân bước về phía cửa. Ông White đứng lên mở cửa. Chủ và khách chào hỏi nhau rồi bước vào trong.

Khách lạ là một người cao lớn vạm vỡ, mắt nhỏ và sáng, mặt đỏ gay. Ông tự giới thiệu:

- Trung sỹ Morris.

Khách bắt tay những người trong nhà rồi ngồi xuống bên cạnh lò sưởi trong khi chủ rót rượu mời khách.

Đến ly thứ ba, đôi mắt khách lạ bừng sáng và ông ta bắt đầu nói chuyện. Gia đình nhỏ bé của chủ nhà gồm có ba người, quây quần chung quanh để nghe ông khách lạ từ phương xa kể nhiều chuyện kỳ quái.

Ông White gật gù nói với bà vợ và cậu con:

- Hai mươi mốt năm qua, khi cậu này ra đi lưu lạc giang hồ, cậu chỉ là một thiếu niên giúp việc trong kho hàng của mình. Bây giờ nhìn xem, cậu đã trưởng thành tốt đẹp!

Bà vợ góp ý:

- Cậu Morris có vẻ nhàn lắm.

Ông chồng:

- Tôi cũng muốn đi chu du thiên hạ, muốn ghé qua ấn Độ để cho biết với người ta.

Trung sỹ lắc đầu, bảo:

- Tôi nghĩ rằng ai ở đâu nên ở đó là tốt hơn hết.

Rồi đặt ly rượu xuống, ông khẽ thở dài rồi lại lắc đầu.

Ông White vẫn tiếp tục nói lên ý nghĩ của ông:

- Tôi muốn thấy những đền đài cổ, những ông phù thuỷ và những tay thuật sỹ. à, hôm trước cậu có nói sơ qua về câu chuyện bàn tay khỉ, cậu có thể kể thêm cho chúng tôi nghe không?

Trung sỹ vội gạt ngang:

- Thôi bỏ qua đi. Chuyện đó không đáng nói. Toàn nhảm nhí.

Nhưng bà White tò mò hỏi:

- Chuyện bàn tay khỉ? Chuyện đó ra sao?

Trung sỹ giải thích sơ qua:

- Đó là một câu chuyện có thể gọi là huyền bí.

Ba thính giả chồm tới lắng nghe. Ông khách mơ màng nốc cạn ly rượu rồi đặt xuống bàn. Ông White châm rượu vào ly.

Trung sỹ mò trong túi áo lấy một vật, đưa ra:

- Đây, bàn tay khỉ đây!

Nó cũng chẳng có gì lạ. Người ta đã phơi khô nó tự bao giờ.

Bà White ngả người ra sau, le lưỡi. Nhưng cậu con ngắm nghía cẩn thận. Ông White hỏi:

- Cái này có gì đặc biệt không?

Trung sỹ Morris tiếp tục nói:

- Bàn tay khỉ này có một phép màu do một vị phù thuỷ đại tài ban cho nó. Vị phù thuỷ này muốn chứng tỏ là con người ở đời ai cũng có số mệnh, và kẻ nào toan cải đổi số mệnh sẽ bị tai nạn buồn phiền. Bàn tay khỉ này có phép màu. Ba người ở đây có thể xin mỗi người một điều ước.

Thái độ của khách lạ rất trịnh trọng nên thính giả không cười nữa.

Cậu Herbert hỏi:

- Tại sao ông không xin ba điều ước đó?

Trung sỹ nhìn cậu thanh niên với đôi mắt của kẻ lớn tuổi dành cho kẻ hậu sinh. Rồi ôn tồn đáp, gương mặt tái hẳn:

- Tôi đã có xin rồi!

Rồi nâng ly rượu lên nốc cạn. Bà White hỏi thêm:

- Còn có ai khác xin nữa không?

Trung sỹ đáp:

- Người đầu tiên được cả ba điều ước. Tôi không rõ hai điều trước là gì. Nhưng điều thứ ba là chết. Nhờ người đó chết nên tôi mới có vật này.

Giọng nói của ông ta rất trầm buồn, nghiêm nghị thành thử mọi người trở nên im lặng.

Ông White nói:

- Nếu cậu đã được ba điều ước rồi thì vật này không còn giá trị đối với cậu nữa. Tại sao cậu lại giữ nó để làm gì?

Trung sỹ lắc đầu:

- Tôi có ý định bán nó, nhưng nghĩ lại tôi không muốn. Vì nó đã gây tai nạn cho biết bao người rồi. Vả lại không ai mua đâu, không ai tin chuyện tôi nói. Họ nghĩ thời buổi này làm gì có những chuyện hoang đường như thế. Vài người đồi thử trước rồi mới trả tiền sau.

Ông White lại hỏi:

- Nếu cậu được phép xin thêm ba điều khác, cậu có muốn không?

Trung sỹ lắc đầu:

- Tôi không biết, tôi không nghĩ tới vấn đề đó.

Y cầm bàn tay khỉ lên xoay qua xoay lại giữa mấy ngón tay rồi bỗng ném nó vào lửa.

Ông White kêu lên một tiếng, cúi xuống kéo nó ra thật nhanh.

Trung sỹ trịnh trọng:

- Nên đốt nó đi là hơn.

Ông White lắc đầu:

- Nếu cậu không muốn giữ nó thì cậu cho tôi.

Trung sỹ lắc đầu:

- Không được. Tôi ném vào lửa. Nếu ông tiếc mà giữ nó lại thì có chuyện gì xảy ra, ông đừng phiền tôi. Ông nên ném vào lửa đi cho được việc.

Ông White lắc đầu, chăm chú ngắm vật mà ông vừa làm chủ. Một lúc sau ông hỏi:

- Muốn ước, phải làm thế nào?

Trung sỹ:

- Nắm vật này trong tay mặt và lớn tiếng nói rõ những điều ước. Nhưng tôi khuyên ông hãy suy nghĩ cẩn thận lại. Nên thấy rõ những hậu quả của hành động của ông.

Bà White kêu lên:

- Giống như chuyện ả Rập "Ngàn lẻ một đêm".

Bà đứng lên lo buổi ăn tối, nói đùa:

- Đâu, ông ước cho tôi có bốn tay để làm công việc nhà nhanh chóng.

Ông chồng lấy bảo vật trong túi ra, và cả ba người trong gia đình bật cười khi trung sỹ hốt hoảng nắm tay ông lại, dặn dò thêm:

- Nếu ông cương quyết xin ba điều ước thì nên xin sao cho hợp lý.

Ông White vỏ lại vật trong túi, kéo ghế mời trung sỹ ngồi xuống bàn.

Trong khi ăn, người ta quên câu chuyện bùa chú, nhưng sau lúc ăn cả ba người ngồi quây quần bên anh quân nhân để nghe chiuện kỳ thú ở ấn Độ.

Ông khách cáo từ, Herbert tiễn ông ra cửa rồi quay vào ngay nói với cha mẹ cậu:

- Nếu câu chuyện huyền hoặc về cái bàn tay khỉ là chuyện bịa đặt cũng như các câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm mà ông ta vừa kể cho mình nghe thì mình có bảo vật đó cũng chẳng ích gì.

Bà White nhìn chồng chăm chú rồi hỏi:

- Ông có trả cho cậu đó chút đỉnh gì không?

Ông chồng:

- Của chả đáng gì. Cậu ta không thèm nữa, ném vào lửa. Tôi lượm mót, cậu ta lại khuyên tôi vứt đi.

Cậu Herbert vẻ tin tưởng:

- Đâu mình thử ước xem. Nếu linh ứng thì gia đình mình sẽ giàu có, tên tuổi, hạnh phúc. Ba hãy ước được làm vua. Và trước khi làm vua, ba sẽ không... thờ bà.

Nói xong cậu chạy quanh bàn ăn vì mẹ cậu đuổi theo toan "ký" vào đầu cậu về câu nói phạm thượng đó.

Ông White lại móc túi lấy bùa ra, nhìn nó với vẻ bán tín bán nghi, lẩm bẩm:

- Tôi chưa biết phải ước gì đây? Kể ra thì đời tôi đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì.

Cậu con đến bên cạnh cha, nói:

- Bây giờ nếu có thêm một ít tiền xài chơi chắc ba thích lắm. Vậy ba nên ước có hai trăm bạc.

Người cha cười dễ dãi, như tự tha thứ tánh dễ tin của mình rồi cầm bàn tay khỉ đưa lên cao, vẻ trịnh trọng. Ông nheo mắt về phía bà vợ đang ngồi sau chiếc dương cầm. Bà đánh lên mấy nốt nhạc thật mạnh.

Ông chồng dõng dạ nói to lên:

- Tôi muốn có hai trăm bạc.

Bà White đánh thêm mấy nốt nhạc như để phụ hoạ với lời ước ao của chồng.

Nhưng liền sau đó ông White kêu lên:

- ý trời đất ơi! Nó nhúc nhích!

Vừa lạ, ông vừa nhìn cái bàn tay khỉ đang cử động trên sàn. Ông nói tiếp:

- Khi nãy tôi có ước là trông thấy bàn tay này nhúc nhích trong bàn tay tôi như một con rắn. Rõ ràng là điều tôi ước đã được ứng nghiệm.

Cậu con cầm bàn tay khỉ lên, đặt trên bàn, nói:

- Nhưng con chưa thấy có tiền, và con cam đoan là số tiền đó sẽ không bao giờ đến với ta.

Bà vợ hoang mang bảo chồng:

- Ông ước chuyện không hay!

Ông chồng lắc đầu:

- Chỉ là trò đùa thôi. Bà đừng thắc mắc. Dù sao chuyện này cũng làm cho tôi kinh sợ.

Cả gia đình ngồi bên lò sưởi. Hai cha con ông White ngồi hút ống điếu.

Bên ngoài gió gào dữ dội hơn bao giờ hết, cánh cửa trên lầu bị gió đập kêu rầm rầm, tiếng động đó khiến ông White lo sợ không đâu.

Bầu không khí lạ thường bao trùm gia đình cho đến khi họ đi ngủ.

Cậu Herbert nói:

- Con hy vọng ba sẽ nhận được số tiền hai trăm bạc mà ba ước trong một túi lớn đặt trên giường của ba và sẽ có một cái gì ghê gớm ngồi trên nóc tủ chứng kiến lúc ba nhận số tiền đó.

II

Sáng hôm sau trời trong sáng, Herbert mỉm cười trước những điều lo sợ hoang đường trong đêm. Bàn tay khỉ bỏ lăn lóc trên mặt bàn trong phòng. Điều này cho thấy là báu vật lúc này không được người ta tín nhiệm, tưng tiu như trong đêm.

Bà White nói:

- Tôi nghĩ ông quân nhân nào cũng vậy. Họ mê tín dị đoan lắm. Vậy mà chúng mình cũng chịu khó lắng nghe. Thật là vô lý. Vào thời buổi này làm gì có những chuyện ước nguyện như vậy! Và nếu như chuyện này có thật thì số bạc hai trăm đến tay ông bằng cách nào?

Cậu Herbert xen vào:

- Chắc là từ trên trời rơi xuống!

Ông White nói:

- Cậu Morris quả quyết là các điều ước ứng nghiệm một cách tự nhiên khiến người ta nghĩ đó là sự ngẫu nhiên.

Sau khi ăn xong, Herbert đứng lên:

- Nếu có tiền thật thì ba hãy giữ nguyên trước khi con về. Con chỉ sợ số bạc đó sẽ biến ba thành một người hà tiện và má với con phải giữ số tiền đó cho ba.

Bà mẹ cười trước câu nói đùa của con. Bà theo Herbert ra cửa rồi quay trở về bàn ăn. Bà có vẻ vui tươi trước thái độ dễ tin của ông chồng.

Dù vậy khi nghe người phát thư gõ cửa, bà cũng chạy nhanh ra hy vọng có tiền. Nhưng bà chỉ nhận được giấy đòi tiền Herbert may quần áo của ông thợ may.

Đến bữa ăn chiều, vẫn không có gì mới lạ. Bà mẹ lẩưm bẩm:

- Chốc nữa đây thằng Herbert về, nó sẽ chế nhạo ông nhiều nữa cho mà coi!

Ông White rót bia vào ly nói:

- Có một chuyện lạ là bàn tay khỉ cử động khi tôi nắm nó trong tay.

Bà vợ cười:

- Đó là tại ông giàu óc tưởng tượng.

Ông chồng nhấn mạnh:

- Tôi không nghĩ mà tôi biết rõ ràng nó cử động...

Bà vợ không đáp, bà đang nhìn một người bên ngoài đang có những cử chỉ khác thường. Ông này nhìn đăm đăm vào nhà, nhưng do dự nửa muốn vào nửa muốn không.

Bà White thấy kẻ lạ ăn mặc đàng hoàn, đầu đội nón thật mới. Ba lần y đứng lại trước cổng rồi tiếp tục đi. Đến lần thứ tư y đứng lại, đặt tay lên cổng rồi bỗng nhiên cương quyết đẩy cửa cổng bước vào con đường đưa tới trước cửa nhà.

Bà White vội vàng cởi khăn choàng trước ngực giấu dưới nệm.

Bà đưa khách lạ vào phòng. Ông này có vẻ không được tự nhiên. Ông thường nhìn trộm bà và lơ đãng nghe bà giải thích vì sao phòng khách không được ngăn nắp như thường ngày.

Bà White không dám hỏi ngay lý do cuộc viếng thăm của khách lạ. Sau cùng ông khách mới nói:

- Thưa bà, tôi được người ta nhờ đến đây để...

Khách im lặng một lúc rồi tiếp:

- Tôi từ Maw và Meggins tới đây.

Bà White giật mình, hổn hển nói:

- Có việc gì không? Herbert có chuyện gì?

Ông chồng xen vào:

- Bà nên bình tĩnh. Mời ông ngồi. Chúng ta nên thong thả. Tôi nghĩ ông không mang tin dữ đến cho chúng tôi, phải vậy không?

Vừa nói ông vừa nháy mắt với khách lạ.

Ông khách ấp úng:

- Tôi rất tiếc...

Bà White vẫn không an tâm:

- Con tôi bị thương?

Khách lạ gật đầu, ôn tồn nói:

- Dạ phải, cậu Herbert bị thương nặng. Nhưng cậu cảm thấy không đau đớn gì hết!

Bà mẹ chắp hai tay lại kêu lên:

- Cám ơn Chúa đã giúp con tôi. Chua đã...

Bà chưa dứt lời, bỗng thấy khuôn mặt buồn thảm của khách lạ, bà bấm bàn tay chồng để giữ bình tĩnh.

Im lặng một lúc thật lâu, khách lạ nói thật nhỏ:

- Cậu Herbert bị kẹt trong guồng máy!

Ông White lặp lại câu đó như một tiếng vang:

- Kẹt trong guồng máy!

Rồi ông nhìn ra ngoài cửa sổ, siết chặt bàn tay vợ.

Ông nói với khách lạ, giọng thật buồn:

- Herbert là đứa con duy nhất còn lại của chúng tôi. Nó chết rồi, chúng tôi thật là bơ vơ.

Khách lạ ho mấy tiếng, đứng lên từ từ bước về phía cửa sổ. Ông nói:

- Công ty phái tôi đến để tỏ lời phân ưu với ông bà về tai nạn đáng tiếc vừa qua.

Khách nói một hơi không nhìn đôi vợ chồng già, tiếp tục:

- Tôi chỉ là nhân viên của công ty, xin ông bà hiểu cho tình thế của tôi.

Không ai trả lời. Gương mặt bà vợ tái xanh, đứng tròng và hơi thở của bà chỉ còn thoi thóp. Còn ông thì có vẻ xa vắng.

Khách lạ nói tiếp:

- Công ty Maw và Meggins không nhận trách nhiệm trong tai nạn này. Nhưng vì cậu Herbert đã giúp việc lâu năm cho công ty nên công ty quyết định gửi đến cho ông bà món tiền gọi là...

Ông White buông bàn tay của bà vợ mà ông đang nắm, nhìn khách lạ với đôi mắt đầy kinh hãi:

- Bao nhiêu?

- Hai trăm bạc.

III

Trong nghĩa địa mới lập, rộng thênh thang, cách nhà độ hơn dặm, hai vợ chồng già chôn cất đứa con duy nhất. Học trở về nhà sống âm thầm như hai chiếc bóng.

Chuyện xảy ra quá nhanh chóng khiến họ ý thức được tầm quan trọng của vấn đề. Họ vẫn ở trong tình trạng chờ đợi, hy vọng một cái gì xảy ra để cho họ nhẹ bớt được phần nào gánh nặng sầu đau, quá nặng đối với hai vợ chồng già.

Nhưng ngày lại ngày thấm thoát qua và niềm hy vọng mơ hồ của họ trở thành tuyệt vọng.

Họ sống âm thầm. Cả ngày không trao đổi với nhau một lời, vì họ chẳng còn gì để nói. Cho nên ngày tháng đối với họ thật dài, dài không chịu nổi.

Một tuần sau, ông White giật mình thức giấc vào lúc nửa đêm. Ông dang cánh tay ra và chỉ thấy một mình trên giường.

Gian phòng tối đen, chỉ có tiếng khóc nghẹn ngào bên cửa sổ. Ông ngồi dậy, lắng nghe một lúc rồi bảo:

- Bà ơi! Bà vào đây, ở đó coi chừng trúng sương, trúng gió.

Bà vợ khóc oà lên:

- Nhưng con tôi còn lạnh hơn tôi nhiều!

Ông chồng vẫn còn mê ngủ, ông nằm xuống chiếc giường ấm êm, nhắm mắt lại.

Ông đang mơ màng thì nghe tiếng bà vợ hét lên thật hãi hùng. Ông lồm cồm bò dậy thì nghe tiếng bà vợ la tiếp:

- Cái bàn tay khỉ! Cái bàn tay khỉ!

Ông chồng hỏi:

- ở đâu? Để làm gì?

Bà vợ thất thểu tiến về phía ông nói:

- Tôi muốn thấy cái bàn tay khỉ! Ông đã thiêu hủy nó chưa?

- Chưa. Tôi để nó ở ngoài phòng khách, trên giá đàn. Nhưng để làm gì?

- Mình mới chỉ ước có một điều, còn hai điều nữa.

Ông chồng kêu lên giận dữ:

- Trời ơi! Bấy nhiêu đó còn chưa đủ sao?

Bà vợ cũng to tiếng không kém:

- Chưa! Tôi còn có thể ước thêm một điều nữa. Ông xuống dưới lấy lên đây. Nhanh, nghe không? Và ước cho thằng Herbert sống lại.

Ông White ngồi dậy, vứt mền sang một bên, hoảng hốt:

- Trời đất! Bà có điên không?

Nhưng bà vợ vẫn cương quyết:

- Ông đi lấy ngay đi. Và ước cho thằng Herbert sống lại.

Ông chồng quẹt lửa thắp ngọn nến, bảo:

- Bà nên đi ngủ đi, bà không biết bà đang nói gì.

Bà vợ vẫn không chịu thua:

- Chúng ta đã có điều ước thứ nhất, tại sao lại không có điều ước thứ hai?

Ông chồng lẩm bẩm:

- Đó là một sự ngẫu nhiên.

Bà cụ ré lên:

- Ông có đi nhanh không! Và ước y như tôi nói.

Ông chồng đành đi xuống lầu trong đêm tối, mò mẫm vào phòng khách. Đến bên lò sưởi ông thấy bảo vật vẫn nằm ở chỗ cũ. Một sự lo sợ xâm chiếm lấy hồn ông. Ông sợ ước cậu con sống lại, cậu sẽ bị tật nguyền suốt đời. Với sự lo sợ đó ông toát mồ hôi, lò mò mãi mà không trở lên lầu được.

Nét mặt của bà vợ đổi sắc khi ông White bước vào phòng ngủ. Ông cảm thấy sợ cả bà vợ của ông.

Bà vợ kêu lên:

- ước đi!

Ông ấp úng nhưng bà vợ lại quát:

- ước đi!

Ông White nắm tay đưa lên:

- Tôi ước con tôi sống lại!

Cái bàn tay khỉ rơi xuống sàn. Ông thấy nó nhúc nhích.

Hai vợ chồng già chăm chú nhìn bảo vật một lúc, tâm trí như đặt hết tin tưởng vào phép lạ. Một lúc sau bà vợ tiến đến bên cửa sổ, vén màn lên. Bà đứng đó, nhìn ra ngoài chờ đợi cậu Herrbert sống dậy trở về.

Ông chồng ngồi bất động trên ghế. Ông cảm thấy khí lạnh thấm vào cơ thể, nhưng vẫn ngồi yên, thỉnh thoảng liếc về phía bà vợ đang nhìn lom lom ra phía ngoài đường.

Ngọn nến đã tàn, ném những mảnh ánh sáng chập chờn lên trần, lên tường. Cuối cùng, khi tim nến đã lụi, đốm lửa bỗng loé lên lần chót rồi phụt tắt. Ông White thấy nhẹ người khi bảo vật không đem lại lời ước thứ hai của ông. Ông trở về giường nằm. Một hai phút sau bà cụ cũng đến ngồi bên ông.

Không ai nói với ai lời nào, cả hai nằm trong tiếng tích tắc của đồng hồ. Trong sự yên lặng của đêm, dường như có tiếng răng rắc xuất phát từ thang lầu, tiếng chuột chạy sát chân tường. Bóng tối như đè lên người khiến ông cụ ngột ngạt, khó chịu. Sau khi nằm ráng một chút để lấy can đảm, ông cụ lấy hộp quẹt, bật lửa lên, đi xuống lầu để tìm một cây nến khác.

Đúng vào lúc đó có tiếng gõ cửa thật nhẹ, lén lút cho nên tiếng động rất nhỏ, gần như đủ lớn để cho người nghe thấy.

Hộp quẹt rơi khỏi bàn tay ông White. Ông đến chết sững, hơi thở của ông ngưng lại cho đến khi tiếng gõ cửa lại vang lên lần nữa. Bấy giờ ông mới quay lưng lại để chạy về phòng ngủ, đóng cửa thật nhanh.

Một tiếng gõ cửa thứ ba vang động khắp nhà. Bà cụ giật mình kêu lên:

- Cái gì vậy?

Ông chồng run run đáp:

- Chuột, một con chuột chạy lên thang lầu, suýt dẫm lên chân tôi.

Bà cụ ngồi trên giường lắng nghe. Lại một tiếng động vang lên khắp nhà. Bà kêu lên:

- Herbert về! Chính Herbert về.

Bà chạy về phía cửa, nhưng chồng bà đã tới trước bà. Ông nắm tay níu bà lại, hỏi:

- Bà định làm gì?

Bà cụ kêu lên:

- Herbert về! Nó là con tôi. Ông phải để tôi mở cửa cho nó vào. Buông tôi ra!

Ông cụ run rẩy, van nài:

- Không! Bà không nên cho nó vào!

Bà cụ bất bình:

- Coi kìa! Ông sợ cả con ông nữa sao? Hãy buông tôi ra. Để tôi mở cửa cho nó vào.

Rồi bà nói to:

- Má đây! Herbert, chờ má một chút!

Lại thêm một tiếng, rồi hai tiếng gõ cửa. Bà vợ vùng khỏi tay chồng, chạy ra khỏi phòng. Ông chồng theo bà tới cầu thàng, dang tay bất lực gọi với theo, nhưng bà lao xuống đến tầng dưới.

Ông nghe tiếng mở khoá và tút chốt thật khó khăn. Thế rồi tiếng bà vợ hổn hển kêu to:

- Còn cái chốt! Ông mau xuống mở giùm đi!

Trên lầu, ông chồng đang quỳ xuống sàn mò kiếm cái bàn tay khi. Ông cố kiếm được nó trước khi kẻ gây ra tiếng gõ cửa bước vào nhà.

Trong khi đó tiếng gõ cửa vang dội liên tiếp như một loạt súng. Ông nghe tiếng kéo ghế mà bà vợ đặt ngay trước cửa. Ông nghe tiếng chốt cửa khua lên. Cũng trong lúc đó ông tìm được cái bàn tay khỉ.

Hổn hển, ông nắm nó vào bàn tay, đưa lên cao nói lên lời ước thứ ba và cũng là lời ước cuối cùng.

Đột nhiên tiếng gõ cửa ngưng ngay tức khắc, mặc dầu những tiếng động trước đó vẫn còn vọng dội vào trong nhà. Cùng lúc ông nghe tiếng ghế kéo ở phía cửa và cánh cửa mở toang. Gió lạnh lùa vào, thổi tạt lên tận cầu thang...

Tiếng rên đầy đau đớn thất vọng của bà vợ khiến ông White có thêm can đảm để chạy xuống bên cạnh bà. Rồi như còn quán tính, ông chạy thẳng ra cổng bên ngoài. Ngọn đèn đường lù mù đối diện với ngôi nhà toả ánh sáng yếu ớt xuống con đường im vắng, không một bóng người...

Bên bờ nước

Gã bước vào quán ăn. Tấm cửa kiếng dơ dáy đóng lại sau lưng gã. Có rất đông khách hàng ngồi quanh một cái quầy dài. Gã đi qua và ngồi xuống phía trong cùng. Gã chăm chú nhìn ba cô phục vụ, hai cô khá xinh, còn cô kia trông quá sồ sề.

- Thưa ông, ông cần gì ạ?

Gã lơ đãng:

- Một côca côla.

Khi cô phục vụ mang nước đến, gã kéo tấm thực đơn và không thèm nhìn cô, gã hỏi:

- Cô có biết cô He'lène Krauss làm việc ở đây không?

- Tôi là He'lène đây.

Gã ngẩng lên. Ồ, không thể được. Cái cô sồ sề này mà là người vợ tuyệt đẹp của Mike sao? Người vợ mà đêm nào trong xà lim, Mike cũng thường nhắc đến với bao ngưỡng mộ. Gã nhìn kỹ cô nàng. Đó là một người đàn bà tóc hung đỏ, gương mặt láng mỡ rất vô duyên, thân hình đồ sộ, dễ đến gần 70 kí. Cô mang cặp kiếng cận dày cộm, sau lớp kiếng, đôi mắt xanh của cô đẫm nước đang nhìn thẳng vào mặt gã một cách lãnh đạm.

- Tôi tìm cô He'lène Krauss, ngày trước sống ở Norton Center. Cô ấy đã kết hôn với một người tên Mike.

- Chính là tôi. Anh quan hệ thế nào với Mike?

- Tôi mang tin chồng chị đến.

- Mikẻ Anh ấy chết rồi.

- Tôi biết. Tôi đã có mặt cạnh Mike trong giờ hấp hối. Tên tôi là Rusty Connos, chúng tôi đã sống chung xà lim gần hai năm.

Giọng người đàn bà thấp xuống:

- Có chuyện gì thế?

- Tôi không thể nói tại đây. Mấy giờ chị hết ca?

- Bảy rưỡi.

- Tốt, tôi sẽ chờ chị trước cửa.

Gã đứng dậy, bước thẳng, chán nản không muốn nói thêm lần nào nữa. Trước khi bước chân đến đây, gã cứ nghĩ hoài đến người vợ góa xinh đẹp của Mikẹ Theo lời hắn miêu tả thì đó là một người đàn bà rất quyến rũ và gợi cảm. Hy vọng nhiều, đến giờ thấy mặt con nỡm, gã cảm thấy mình bị lừa. Đúng là thằng Mike có mắt không tròng.

Làn gió mát buổi chiều mơn man trên người làm gã bớt bực tức. Xét cho cùng thì Mike cũng có lý. Suốt hai năm trong tù không ai thăm viếng, chỉ một mình He'lène lui tới, thì cô ta trở thành người trong mộng của hắn là điều đương nhiên. Thôi đừng thèm trách ai cả, vấn đề chính là tìm cho được chỗ giấu 56.000 đô la.

Họ gặp nhau trên chiếc ghế đá trong công viên, khi trời tối hẳn. Không ai thấy họ cả và họ cũng không trông rõ mặt nhau. Gã đưa cho cô điếu xì gà.

- Cảm ơn anh, tôi không hút thuốc.

- Đúng, Mike đã nói với tôi là chị không biết hút thuốc, anh ta đã nói rất nhiều về chị.

- Hình như trong thư gởi về, ảnh cũng thường nhắc đến anh.

Rusty vào đề ngay:

- Tôi không tin là một người lương thiện như Mike lại giết bạn mình để đoạt số tiền phát lương.

- Tôi van anh, đừng nhắc đến chuyện này nữa.

- Tôi hiểu tình cảm của chị, He'lène.

Rusty cố gắng gọi tên He'lène thật êm dịu, rụt rè cầm tay cộ Gã rùng mình khi nhận ra bàn tay mềm và mập như một miếng thịt nóng. He'lène hơi xúc động:

- Trước hôm Pete mất tích, một vài người đã thấy Mike đưa Pete đi trong chiếc xe của ảnh. Hình như Pete làm mất chìa khóa xe nên nhờ Mike hộ tống đến nhà máy để phát lương. Sau đó, Pete đi đâu thì có trời mà biết, tôi thề rằng Mike đã ở bên tôi suốt buổi xế trưa hôm đó. Nhưng cảnh sát không muốn thừa nhận lời khai của tôi nên ảnh bị kêu án mười năm.

- Mới có hai năm, Mike đã chết. Tội nghiệp, trước khi chết, ảnh nhắc đến Pete, đến số tiền, đến chi... Hình như ảnh lỡ tay làm chết Pete... và trời ạ, ảnh đã không kịp nói với tôi chỗ cất giấu số tiền.

Gã rít một hơi thuốc:

- Mike có nói gì với chị không?

He'lène lắc đầu. Gã nhìn sát vào mặt cô:

- Chị sẽ làm gì khi tìm thấy số tiền đó?

- Tôi sẽ nói với bọn cảnh sát rằng, chồng tôi không bị sưng phổi gì cả, họ đã giết ảnh, làm cho tôi góa bụa. Số tiền đó là của tôi.

- Của chúng ta - Rusty nói.

Người đàn bà ấn những ngón tay vào lòng bàn tay của người đàn ông:

- Ảnh đã nói với anh chỗ giấu tiền phải không?

- Ảnh có nói nhưng không rõ ràng lắm. Tôi nghĩ rằng, phải đến gặp chị để cùng nhau tìm cho được chỗ giấu tiền. Nơi đây, tôi là người lạ, dễ làm cho cảnh sát nghi ngờ. Nếu có chị giúp đỡ, chúng ta sẽ thành công nhanh hơn. 56.000 đô la là một gia tài lớn, chúng ta cùng chia nhau.

- Đây là một áp phe chăng?

Rusty búng đầu tàn thuốc, mắt lấp lánh:

- Không phải đâu, He'lènẹ Đây là vấn đề tình cảm - Gã tiếp tục bằng giọng ngắt quảng - Có thể... tôi hơi bị sốc... hai năm trong tù, hai năm không có đàn bà. Chị nghĩ sao, với một người đàn ông đầy sinh lực như tôi... ?

- Tôi cũng đã trải qua hai năm như anh.

Gã quàng tay qua người cô ta, siết chặt vào lòng. Môi họ tìm nhau.

- Em có phòng riêng chứ!

- Vâng, Rusty.

Họ cùng đứng lên, dìu nhau đi về cuối đường. Những mẩu tàn thuốc rơi vãi trên nền cát, nhấp nháy...

***

Gã bật hộp quẹt mồi điếu thuốc, cố ngăn cảm giác lộn mửa đang dâng lên. Thật là chán ngấy khi phải ân ái với một đống thịt sồ sề. Nhưng phải chịu đựng. Phải chịu đựng thôi. Cho tới bây giờ, mọi việc đang diễn ra tốt đẹp. Trở thành bạn thân với Mike trong tù, gã đã lần dò được sự liên hệ của hắn ta và vợ, gã mang máng biết rằng Mike đã giết người và đang cất giấu một số tiền lớn. Giờ thì Mike đã chết vì bệnh sưng phổi, nhưng gã dại gì nói cho He'lène biết điều đó, gã đã đổ thừa cho cảnh sát để gây lòng căm thù nơi He'lènẹ Có như vậy, cô ta mới nhiệt tình cộng tác với gã. Cho nên, sau khi ra tù, gã đã thuê xe đến ngay Haisesville, vì theo lời Mike, He'lène đang làm việc trong một tiệm rượu tại đây.

Giai đoạn đầu của kế hoạch, gã đã thực hiện xong. Nhưng qua phần hai thì chắc là gã phải thay đổi: Đó là dự định sống chung với người vợ góa của Mike sau khi lấy được số tiền. Gã nhăn nhó trong bóng tối khi He'lène quàng tay qua cổ gã và tựa tấm thân nái xề nhão nhẹt vào phiến ngực trần rắn chắc của gã, kèm theo tiếng thở hồng hộc như bị hen suyễn. Thật tởm. Không, không thể tiếp tục như thế này mãi được.

- Anh yêu, anh đã dậy rồi hở?

Trời ạ, nghe hai tiếng "anh yêu", gã nổi cả gai ốc.

- Anh ơi.

Gã dụi điếu thuốc vào góc tường:

- Em cần nói bây giờ phải không?

- Chắc chắn là vậy.

- Anh nghĩ rằng, tốt hơn hết là chúng ta nên hoạch định chương trình rõ ràng.

- Anh thật có lý, con búp bê của em.

Gã gỡ tay He'lène ra, ngồi dậy:

- Trước khi chết, Mike đã nói với anh rằng, không ai tìm thấy số tiền ấy đâu, vì Pete đã luôn luôn giữ nó bên mình.

- Chừng đó thôi à?

- Em muốn gì hơn nữa? Thật rõ ràng như nước chảy trên đá. Tiền đã được chôn cùng thi thể Pete Taylor.

Gã cảm thấy hơi thở của He'lène phả lên gáy gã:

- Em biết ở đó có đất và cả nước nữa. Nhưng từ hai năm nay, cảnh sát đã đào xới khắp nơi, trong vựa thóc, trại bỏ hoang, vét cả hồ nước... nhưng không tìm ra Pete.

Rusty trầm ngâm một lát:

- Pete và chồng em là bạn thân phải không?

- Vâng.

- Họ thường nhậu nhẹt, chơi bài cùng nhau chứ?

- Không, họ chỉ đi săn hoặc đi câu cùng nhau. Pete có một cái nhà nhỏ gần hồ.

- Gần Norton Center?

- Như em đã nói với anh là người ta đã đào xới khắp chung quanh đó rồi.

- Cả nơi để thuyền à?

- Pete không có thuyền. Thường họ mượn thuyền của người láng giềng để đi câu - He'lène thở dài - Từ hai năm nay, em cũng đã thử tìm mà không thấy.

- Em hãy nhớ lại xem, có gì lạ xảy ra trong ngày Pete bị giết không?

- Tất cả đều là ngẫu nhiên thôi. Nhưng người ta đã buộc tội Mike đã phá xe của Pete khiến hắn phải nhờ Mike đưa đi giùm. Khi Mike trở lại một mình và Pete biến mất cùng với số tiền, họ đã bắt giam Mike.

- Khi Mike trở lại, anh ta nói gì với em?

- Ảnh không có thời gian. Vì hai phút sau đó, xe cảnh sát đến dẫn anh ta đi.

- Trên người anh ta, có gì lạ không?

- Bàn tay của ảnh rất dơ và dính máu, ảnh lầm bầm nguyền rủa loài chuột cống. Trước toà án, ảnh nói ảnh bị một mảnh gương cứa đứt tay, nên máu dính vào xe. Nhưng khi phân tích, máu đó lại cùng nhóm với Petẹ Đó chính là lý do Mike lãnh án.

- Rất tốt. Mike đã nhắc đến những con chuột cống, có thể là anh bị chuột cắn khi chôn giấu thi hài. Nếu cảnh sát biết được điều này, họ sẽ tìm đến những nơi có nhiều chuột... cho nên anh ta phải nói dối là đã bị đứt tay.

- Nhưng điều đó sẽ dẫn anh đi đến đâu? Anh có thể đào xới hết tất cả những chỗ có chuột chung quanh Norton Center ư?

Rusty đánh tách ngón tay:

- Em đã nói rằng, khi Mike và Pete đi câu, họ thường mượn thuyền hàng xóm. Vậy thì người hàng xóm đó có nhà để thuyền chứ?

- Họ để trong nhà kho.

- Cảnh sát đã lục ở đó chưa?

- Em không biết.

- Có thể cảnh sát đã bỏ sót một vài chỗ. Nhà kho ấy giờ còn dùng được nữa không?

- Người láng giềng đã đi xa rồi. Bây giờ, nhà kho đó bỏ trống, kể cả căn nhà của Pete vì hắn không có vợ con gì cả.

- Rất hy vọng tìm thấy số tiền ở đó. Tối mai chúng ta bắt đầu nhé.

He'lène lại ngã vào lòng gã. Gã vuốt ve bộ ngực nhão của cô, cố gắng nghĩ đến số tiền sắp tìm thấy để khỏi lợm giọng. Thế nào cũng phải tống cổ cô ả này đi thôi.

***

Họ đi đến hồ bằng một con đường cát, vòng quanh Norton Center. Đêm cuối năm, quang cảnh hồ tối tăm hoang vắng.

- Tắt đèn pha đi em.

- Yên chí. Ở đây chả có ma nào đâu.

Họ cho xe vào phía sau căn nhà nhỏ của Petẹ Căn nhà bỏ hoang đã lâu, trống hươ trống hoác.

- Ở đây có lẽ không có gì đâu. Chúng ta ra chỗ nhà kho để thuyền đi.

Nhà kho đứng sừng sững sau một cái đập nhỏ, trước hồ. Không khí ẩm ướt, đầy bóng tối và bùn lầy. He'lène đi trước, Rusty đi sau với ý nghĩ nhặt một viên đá đập thẳng vào sọ cộ Không, nên chờ dịp khác tốt hơn, phải tìm cho ra số tiền đã.

Cánh cửa nhà kho đóng im ỉm với một ổ khóa to tướng đã mục rỉ. Rusty dùng một cục đá nạy ra dễ dàng.

- Chúng ta vào đi.

Họ giật mình dội lại khi thấy hàng trăm đốm đỏ di động trên nền nhà. Mắt của lũ chuột. Chúng đang chạy trốn luồng ánh sáng từ cây đèn bấm trên tay Rustỵ Gã thì thầm:

- Lũ chuột đã đến đây. Giả thuyết cúa chúng ta rất đúng.

Tia đèn lia trên nền xi măng, nơi đây, đất đá đã bị cào xới.

- Em đã nói với anh rồi, họ đã lùng sục khắp hết.

Rusty rọi đèn lên trần nhà. Trần làm bằng giấy tráng dầu, cách biệt với mái.

- Em không lưu ý gì cả ư?

- Gì cơ?

- Mái nhà quá cao so với trần nhà.

-...

- Có thể... có một chỗ trên ấy. Hãy lắng nghe xem.

Cả hai im bặt. Trong sự yên lặng, họ nghe như có tiếng mưa rơi đập trên mái. Ồ không, không phải mưa và tiếng động cũng không phát ra từ trên mái. Đó là tiếng khua của những bàn chân nhỏ chạy giữa trần và mái nhà. Lũ chuột. Chúng vẫn còn đông đảo ở đó.

- Đưa cho anh cái thang.

He'lène tìm thấy cái móc sắt, cô đưa cho Rusty khi gã tìm nơi tựa cái thang vào tường. Gã chọc thủng tấm giấy tráng dầu và đu người lên trần nhà dễ dàng. Lũ chuột đã chạy trốn hết trong các kẽ nứt. Gã bật đèn bấm. Khỏi cần nhìn xạ Chiếc hộp bằng kim loại đen ở ngay trong tầm mắt gã, bên cạnh có một vật thể lờ mờ. Rusty biết đó là Petẹ Chỉ có thể là Pete chứ không ai vào đây được, dù lũ chuột đã biến hắn thành bộ xương khô khốc, không một rẻo vải, một mảnh thịt nào còn sót lại. Gã ngửi thấy mùi tiền bốc lên chế ngự hẳn bầu không khí hôi hám tù hãm đang bao quanh gã. Lòng gã rộn lên. Một cuộc sống huy hoàng đang chờ đợi gã, nhà lầu, xe hơi, làn da mềm mại của những người đàn bà đẹp sắp quỳ xuống bên chân gã...

- Anh có thấy gì không? He'lène hỏi.

- Hãy giữ lấy cái thang, anh xuống đây.

Gã đưa cho cô gái cái móc và cây đèn nhưng giữ chiếc hộp kim loại lại. Thời gian hành động đã đến. Nhưng gã chưa kịp xác định vị trí của đỉnh đầu He'lène thì chân gã như bị hụt hẫng. Gã té nhào xuống đất, đầu va vào một cạnh sắc, gã ngất đi.

Khi tỉnh dậy, gã cảm thấy đau ở cổ tay và mắt cá chân vì bị dây thừng siết chặt. Gã mở miệng và tiếng kêu tắt nghẹn trong cổ họng: He'lène đã tọng vào miệng gã một cái khăn mùi xoa.

Dưới ánh đèn, gương mặt He'lène trở nên lạ lẫm, cô không còn đeo mắt kiếng nữa và trở nên nhanh nhẹn khác thường. Cô cúi xuống nhặt chiếc hộp kim loại ôm vào lòng, giọng cô the thé:

- Tôi không cần dàn cảnh nữa. Anh đã bắt đầu hiểu chưa! Mike đã giết Pete vì ghen tuông mà thôi. Anh chưa kịp chỉ chỗ giấu tiền cho tôi thì bị bắt. Trong nhà tù, ảnh càng không thể tiết lộ chuyện này nên đành bảo tôi hãy chờ ảnh về hoặc một người nào đó sẽ đến. - Cô cười khẽ - Tại sao tôi lại hại anh? Xin lỗi nhé, tôi chỉ tự vệ thôi vì anh định giết tôi, đúng không nào? - Giọng cô trở nên dịu dàng - Tôi thông cảm sức chịu đựng của một tù nhân, nhưng trong hai năm qua tôi cũng như đang bị tù. Bị tù vì lớp mỡ bao bọc quanh thân, vì mái tóc hung gớm ghiếc, vì cặp kiếng cận không cần thiết... Để làm gì ư? Tôi cố tạo như thế vì một người đàn bà xấu xí sẽ không còn bị ai dòm ngó. Bây giờ thì tôi sẽ ra đi. Với số tiền này, tôi sẽ vào mỹ viện làm mất 20 ký thịt dư, sẽ nhuộm lại tóc... và trở thành He'lène Krauss tuyệt vời của những ngày tháng cũ. Cuộc sống tươi đẹp đang mỉm cười với tôi.

Rusty ú ớ.

- Đừng lo ngại, không ai tìm thấy chúng ta đâu. Tôi sẽ khóa cửa để anh được yên tĩnh cùng bầy chuột. Giữa chúng ta không có hợp đồng nào cả. Thật rõ ràng như nước chảy trên đá. Giọng He'lène vọng lại từ cửa.

He'lène quay lưng về phía Rustỵ Trong một giây, gã cong người bật dậy, tống hai chân bị trói về phía trước, He'lène ngã lăn ra. Điên cuồng, Rusty dộng tiếp vào mặt cộ Ngọn đèn rơi vỡ tắt ngấm, gã vẫn không ngừng đạp vào nơi phát ra tiếng rên la... Rồi tất cả chìm vào yên lặng.

Gã lắng tai nghe một hơi thở dù chỉ thoảng qua, nhưng không hề có. Gã lăn về phía trước, bàn tay chạm phải một thi thể cứng đờ, nóng và nhầy nhụa. Gã rùng mình, lùi trở lại. Bóng tối trở nên dày đặc.

Gã cọ mạnh đôi tay vào một vật cứng vừa chạm vào lưng gã. Cườm tay gã tuôn máu nhưng sợi dây vẫn giữ chặt. Tuyệt vọng, gã húc đầu vào cánh cửa đóng kín, gã muốn đẩy He'lène về một bên để được ra ngoài. Nhưng vô ích. Thân hình cô ta quá nặng nề thô kệch, ôi quỷ tha ma bắt tất cả đi cho rồi.

Chiếc khăn mùi xoa vẫn đè mạnh cổ họng gã. Gã muốn hét to lên rằng, He'lène ơi, hãy tránh ra để gã đi, rằng cả hai đứa đang bị cầm tù đấy và tiền bạc bây giờ không còn quan trọng nữa. Đây chỉ là sự hiểu lầm mà thôi, gã không bao giờ làm điều xấu cho cô và cho bất cứ một ai. Đơn giản là gã muốn thoát khỏi nơi này.

Gã cảm thấy đau nhói ở đầu ngón chân cái. Lũ chuột đã đến.

Bức tranh quái dị

Trước nhà thờ Saint Sébalt, nơi góc đường Des Trabans là một quán nhỏ, vừa hẹp vừa cao, cửa kính bụi bậm, trên nóc có dựng bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng thạch cao.

Đó là nơi tôi trải qua những ngày buồn thảm nhất đời.

Tôi đến thành phố Nureemberg đê học hội họa từ các họa sư tên tuổi ở Đức, nhưng vì thiếu tiền nên đành phải vẽ ảnh, những ảnh xoàng xĩnh như các mụ to béo lắm lời, con mèo ngồi trên đầu gối, những ông xã trưởng đội mũ ba góc,những ông nhà giàu, đầu chụp tóc giả...

Hết vẽ ảnh, tôi vẽ những bản phác họa (Croquis) và sau cùng vẽ hình bóng (Silhouettes).

Với tôi, không có gì thê thảm cho bằng luôn luôn bị viên quản lý khách sạn hạch sách. Sáng nào ông ta cũng mím môi giọng ồn ào, vẻ xấc láo nạt nộ: "Chừng nào ông mới chịu trả tiền cho tôi? Ông có biết tiền phòng của ông lên tới bao nhiêu rồi không? Hai trăm đồng "florin" và mười đồng "kreutzer". Không có bao nhiêu phải không?".

Những ai chưa nghe giọng xấc láo của tên quản lý khách sạn này không thê hiêu được nỗi khổ của tôi trong lúc bấy giờ. Tình yêu nghệ thuật, óc tưởng tượng, sự hăng hái đi tìm cái đẹp của tôi hoàn toàn khô héo. Tôi trở nên vụng về, nhút nhát. Bao nhiêu nghị lực đều biến cũng như lòng tự trọng... Và thấy ông xã trưởng từ xa là tôi đã cúi đầu chào cẩn thận.

Một đêm, không một xu dính túi, quá lo ngại, sợ bị viên quản lý dê sợ kia cho vào tù, tôi nhất định tự tử bằng cách cắt họng. Với ý nghĩ đó, tôi ngồi trên chiếc giường tồi tàn ngó ra cửa sổ, triền miên nghĩ ngợi đến trăm ngàn ý nghĩ về triết lý. Tôi tự hỏi: "Con người là gì? Một con thú ăn tạp! Hai hàm răng có các loại răng chó, răng cửa, răng hàm chứng minh điều đó. Răng chó đê ăn thịt, răng cửa đê ăn trái cây và răng hàm đê nghiền. Nhưng khi không còn gì đê nghiền thì con người là một thứ vô nghĩa trong vũ trụ, một điều thừa, một bánh xe thứ năm...".

Đó là những cảm nghĩ của tôi. Tôi không dám mở con dao cạo ra, sợ rằng tôi bỗng nhiên trở nên can đảm mà tự tử.

Sau những lý luận như thế, tôi thổi ngọn đèn sáp, hoãn lại mọi việc vào ngày mai.

Tên quản lý khách sạn đã làm cho tôi trở nên ngu ngốc hoàn toàn.

Tôi không thấy gì khác hơn là những hình bóng và điều mong muốn duy nhất của tôi là có tiền đê ném vào mặt hắn mỗi khi hắn ta đến quấy rầy tôi.

Nhưng đêm đó, có một cuộc cách mạng kỳ lạ trong đầu óc tôi. Tôi thức dậy vào lúc một giờ khuya, vẽ nhanh lên giấy một bức phác họa theo loại Hòa Lan, tức là loại kỳ quái, không có một chút liên hệ gì tới các quan niệm về hội họa thông thường của tôi.

Các bạn hình dung, bức phác họa là một khoảng sáng tối âm u, nằm giữa những bức tường cao, loang lở. Những bức tường dầy đó có những móc sắt nhọn hoắt đóng ở trên cao vào khoảng hai ba thước. Người ta đoán ngay từ đầu khung cảnh đó là một lò sát sinh.

Bên trại có một hàng rào mắt cáo. Bạn thấy một con bò mổ banh ra, treo lên trần bằng những cái móc to tướng. Những vũng máu chảy trên nền gạch và dồn xuống một đường mương đầy rác đến dị kỳ.

Ánh sáng chiếu từ trên, giữa các ống khói. Bóng các mái nhà kế cận chồng chất lên nhau.

Bên trong là một trại... Dưới trại là một đống củi. Trên đống củi có một cái thang, vài bó rơm, một đống dây, một chuồng gà và một chuồng thỏ phế thải.

Làm sao các chi tiết ô hợp đó lại chạy vào trí tưởng tượng của tôi? Tôi cũng không biết, không thấy một cảnh nào như vậy đê nhớ lại rồi vẽ ra.

Ấy vậy mà mỗi một nét bút chỉ là một nét vẽ chững chạc được nghiên cứu cẩn thận. Không thiếu một cái gì hết!

Nhưng bên mặt, còn một góc bỏ trắng. Tôi không biết vẽ gì lên đó. Kìa, có một vật gì thấp thoáng cử động. Bỗng nhiên tôi thấy một bàn chân, một bàn chân lật ngược, tách khỏi mặt đất. Mặc dầu vị trí đó không thê có được tôi vẫn theo sáng kiến đó, không hề hiêu rõ mình sẽ vẽ gì đây. Bàn chân đó dính vào ống quyên... và trên ống quyên có một chéo áo... Liền sau đó, một mụ già, xanh xao, tiều tụy, tóc rối bời té sấp trên bờ giếng trong khi chống cự với một nắm tay đang siết cổ mụ...

Thì ra tôi vẽ một bức tranh giết người. Ngọn bút rơi khỏi bàn tay tôi.

Mụ già trong tư thế chống cự tận lực, nằm vắt lên thành giếng, mặt nhăn nhó vì kinh hãi, hay tay bám chặt lấy cánh tay của kẻ sát nhân, mụ ta làm tôi hoảng sợ...

Tôi không dám nhìn mụ. Nhưng về phần tên sát nhân thì tôi không thấy, trừ cánh tay. Tôi không thê kết thúc được bức tranh.

Tôi tự nhủ: "Mệt rồi. Chỉ còn có nét mặt của tên sát nhân nữa mà thôi. Ngày mai mình sẽ vẽ nốt. Dê mà!".

Tôi nằm xuống giường, hãy còn kinh sợ trước những gì vừa thấy qua nét vẽ của chính mình. Năm phút sau, tôi ngủ như chết.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy khi trời hãy còn mờ tối.

Vừa mặc quần áo xong và sắp sửa tiếp tục bức tranh bỏ dở thì có hai tiếng gõ cửa.

Tôi lên tiếng:

- Cứ vào!

Cánh cửa mở. Một người đã già, cao, ốm, mặc toàn màu đen bước vào thềm. Hai mắt ông gần nhau quá, mũi ông quặp xuống như mũi két, trán ông rộng, xương xẩu. Gương mặt ông có vẻ nghiêm khắc, ông chào tôi, hỏi thật nghiêm:

- Ông là họa sĩ Christian Vénius?

- Chính tôi thưa ông.

Ông ta gật đầu một lần nữa, tự giới thiệu:

- Tôi là Nam tước Frederic Van Spreckdal!

Sự xuất hiện của ông Van Spreckdal, chánh án tòa đại hình trước căn gác tối tăm của một họa sĩ vô danh khiến tôi thấy mất bình tĩnh. Tôi nhìn bàn ghế tồi tàn, sàn gác bụi bậm, xấu hổ trước cảnh nghèo của mình. Nhưng ông Van Spreckdal không chú ý đến những chi tiết đó. Ông ngồi trước bàn nhỏ của tôi nói:

- Họa sĩ, tôi đến đây...

Nhưng, cùng lúc đó, hai mắt ông dừng lại trên bức họa chưa hoàn thành... ông không nói hết câu. Tôi ngồi trên chiếc giường tồi tàn và sự chiếu cố bất ngờ của nhân vật này dành cho một trong các tác phẩm của tôi khiến tim tôi đập mạnh vì mối lo sợ khó nói.

Độ một phút, Van Spreckdal ngước đầu lên nhìn tôi thật chăm chú.

- Ông là tác giả bức họa kia?

- Dạ phải.

- Giá bức họa đó bao nhiêu?

- Tôi không bán các bức phác họa. Đó chỉ là một dự án.

Ông khách kêu lên một tiếng "A!" khi đỡ tờ giấy lên với mấy đầu ngón tay bằng vàng, ông lấy một kính phóng đại trong áo "gi lê" ra, bắt đầu nghiên cứu bức họa một cách trầm lặng.

Ánh nắng mặt trời chiếu xiên xiên qua gác. Van Spreckdal không nói một lời nào, sống mũi ông quằm xuống, đôi mày ông cau lại.

Không khí hoàn toàn im lặng, tôi nghe rõ tiếng vo ve của một con muỗi mắc trong lưới nhện. Sau cùng, không nhìn tôi, ông hỏi:

- Khuôn khổ bức tranh này như thế nào?

- Bề ngang ba bộ, bề dài bốn bộ.

- Giá tiền?

- Năm mươi đồng "ducat".

Van Spreckdal đặt bức ảnh xuống, lấy trong túi chiếc ví dày màu xanh lá cây, giống như một quả lê. Ông trút các đồng tiền vàng ra:

- Đây, năm mươi "ducát".

Nam tước đứng lên chào tôi. Tôi nghe tiếng chiếc gậy cán ngà của ông nện trên các bậc thang gác. Khi ông ta xuống đến tầng dưới tôi mới hoàn hồn và sực nhớ chưa cảm ơn ông ta. Tôi chạy nhanh xuống năm tầng lầu. Nhưng ra tới đường, nhìn hai bên, con đường vắng tanh. Tôi hổn hên" "Lạ quá!", rồi hổn hên leo trở lên gác.

Sự xuất hiện đột ngột của Van Spreckdai khiến tôi ngây ngất bàng hoàng. Ngắm chồng "ducat" ngời sáng dưới ánh nắng, tôi ngẫm nghĩ: "Hôm nay, mình tính cắt cổ tự tử vì mấy đồng "florin" không đáng, bây giờ thì cả một sản nghiệp từ trên trời rơi xuống. Mình không mở con dao cạo ra là phải! Và từ đây về sau, nếu có ý nghĩ tự tử nữa thì mình nên hoãn lại ngày hôm sau. Sau những cảm nghĩ đó tôi ngồi lại đê tiếp tục vẽ nốt bức tranh. Chỉ cần bốn nét bút là xong. Nhưng tôi thất vọng não nề. Bốn nét bút đó tôi không vẽ được. Tôi mất tong cảm hứng. Nhân vật bí hiêm kia, tôi không thê nào hình dung ra mặt mũi. Tôi cố suy nghĩ, cố phác họa, nhưng không vẽ ra hồn. Tôi đổ mồ hôi có giọt.

Đúng lúc đó, tên quản lý bước vào phòng tôi, không gõ cửa theo thói quen. Hắn nhìn chồng tiền vàng, kêu lên:

- A ha! Tôi bắt được quả tang ông có nhiều tiền vàng như thế này, thế mà ông bảo là không có tiền!

Và mấy ngón tay nhọn hoắt của hắn quờ quạng về phía đống tiền vàng trên bàn.

Tôi ngẩn ngơ vài giây. Rồi chợt nhớ tên quản lý luôn hoạnh họe bấy lâu nay, tôi nhảy xổ tới thộp cổ hắn tống ra khỏi phòng, rồi sập cửa, làm hắn dập cả mũi.

Tất cả những việc đó xảy ra thật nhanh. Tôi nghe viên quản lý kêu ầm lên ở bên ngoài:

- Trả tiền đây! Đồ ăn cắp!

Những người mướn phòng xung quanh đổ ra ngoài. Tiếng họ lao xao:

- Có việc gì vậy?

Tôi mở cửa thật bất ngờ, đạp mạnh vào mông tên quản lý khiến hắn lăn ùng ục xuống lầu, có đến vài mươi bậc thang.

Tôi hét lên:

- Việc gì hả? Tôi tống cổ thằng chó đó xuống lầu. Chỉ có vậy thôi!

Xong, tôi khóa cửa lại trong tiếng cười của các bạn phòng bên.

Tôi rất hài lòng về chuyện vừa làm, xoa tay thích thú.

Chuyện xảy ra khiến tôi hứng chí. Tôi ngồi xuống toan tiếp tục vẽ thì có tiếng động kỳ lạ. Đó là tiếng báng súng đặt xuống vỉa hè. Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy ba cảnh sát, súng dựng dưới chân, đứng canh trước cửa nhà. Tôi lo sợ hỏi thầm: "Thằng quản lý gãy tay, lọi cẳng chăng?".

Các bạn có thấy điều kỳ quái trong đầu óc con người chưa. Ngày hôm qua tôi tính cắt cổ tự tử, mà bây giờ lại run rẩy khi nghĩ tới cảnh lính bắt về tội đạp tên quản lý té lầu!

Có tiếng ồn ào trên thang lầu, tiếng chân người, tiếng súng khua, tiếng những lệnh truyền cộc lốc.

Bỗng người ta cố mở cửa phòng tôi. Cửa đã khóa. Có tiếng hô to:

- Mở cửa! Cho lính vào!

Tôi đứng lên, run rẩy, hai chân lảo đảo.

- Mở cửa!

Tôi có ý nghĩ muốn trèo lên mái nhà. Nhưng vừa ló đầu qua khung cửa sổ nhỏ bé, tôi giật thụt lùi, đầu óc choáng váng. Tôi thấy các cửa sổ ở tầng dưới với những cửa kính, những chậu hoa... dưới nữa là bao lơn, sau cùng là trụ đèn đường, bảng hiệu "Tônnelet Rouge" và sau hết là ba lưỡi lê sáng chóe đang chờ tôi rơi xuống đê đâm suốt từ lòng bàn chân đến gáy.

Trên mái nhà đối diện có con mèo to, màu hung đỏ, núp sau ống khói rình một đàn chim sẻ đang kêu chíu chít trên màng xối.

Tôi không thê hình dung mắt con người có thê thấy thật rõ và nhanh đến vậy trong khi lo sợ.

Bên ngoài người ta ra lệnh đến lần thứ ba:

- Mở cửa! Hay đê người ta phá cửa đây!

Thấy trốn không được, tôi lảo đảo đến cửa... vặn khóa.

Vụt một cái, hai cánh tay chụp lấy cổ tay tôi. Một người mập lùn, miệng đầy hơi rượu nói:

- Đây rồi!

Ông ta mặc áo xanh ve chai, gài nút tới cổ, đê râu rậm, đeo đầy cà-rá và tên là Passauf. Hắn là cảnh sát trưởng.

Bên ngoài có đến năm tên lính bồng súng nhìn tôi chăm chỉ.

Tôi hỏi Passauf:

- Ông muốn gì?

Hắn quát:

- Xuống lầu!

Và ra lệnh cho một tên lính nắm tay tôi lôi đi.

Mấy tên kia lập tức xông đến lục tung căn phòng nhỏ bé của tôi.

Tôi bước xuống lầu, dựa vào tên lính, như một kẻ ho lao đến thời kỳ thứ ba, tóc tai rối nùi, mỗi bước mỗi vấp.

- Tôi bắt anh !

Người ta vứt tôi lên xe ngựa, kẹp tôi giữa hai tên lính vạm vỡ. Khi chiếc xe chạy, tôi còn nghe có tiếng bước chân chạy theo của trẻ nhỏ.

Tôi hỏi một trong hai người lính:

- Tôi bị bắt về tội gì?

Tên này nhìn tên lính kia, mỉm cười một cách khó hiêu, nói:

- Này Hana, nó hỏi nó bị bắt về tội gì kìa?

Nụ cười đó khiến tôi sợ tái người.

Không lâu, một bóng mát bao trùm lên chiếc xe. Tiếng chân ngựa vang dưới nền gạch khô khốc. Chừng như tôi đã được đưa tới khám đường. Đối với tôi, bây giờ cái gì cũng trở lên đen tối.

Từ móng vuốt của tên quản lý, tôi rơi vào nơi ngục tối, nơi người vô thì nhiều mà người ra thì ít. Người ta giam tôi một cách thản nhiên như cất một đôi vớ trong tủ, rồi mặc kệ đó, nghĩ đến những chuyện khác.

Tôi ngồi bất động đến mười phút, nghĩ mông lung:

Thằng cha quản lý đã hét to: "Nó giết tôi" khi bị tôi đạp té xuống thang lầu. Nhưng hắn không nói rõ là ai giết hắn. Mình sẽ khai thủ phạm là ông già bán kính ở kế bên. Lão ta sẽ bị treo cổ thay cho mình.

Ý nghĩ đó làm tôi bớt lo. Tôi nhìn xung quanh phòng giam. Phòng mới quét vôi, không có một hình vẽ nào trên tường trừ một hình cái giá treo cổ mà kẻ vào đây trước tôi đã vẽ. Ánh sáng bên ngoài chiếu vào qua một lỗ tròn trên cao, cách mặt đất chừng ba thước. Đồ đạc trong phòng chỉ gồm một cái ổ rơm và một cái chậu.

Tôi ngồi lên ổ rơm, hai tay bó gối, buồn thảm không tả nổi. Tôi nghĩ là tên quản lý trước khi chết đã tố cáo tôi. Tự nhiên tôi thấy nhột ở chân như có kiến bò và tôi ngẩng cổ lên, húng hắng ho như có sợi dây siết mạnh ở cổ.

Ngay lúc đó tên cai ngục mở cửa bảo tôi đi theo hắn. Tôi rùng mình vì lúc nào hắn cũng có hai tên đồ tê vạm vỡ theo sau. Chúng tôi đi qua mấy dãy hành lang dài. Tôi thấy sau lưới sắt tên Jic Jack sắp sửa bị hành quyết vào sáng hôm sau. Hắn mặc áo bó sát tay chào và hát lên với giọng khàn khàn. Khi thấy tôi hắn kêu lên:

- Chào người anh em! Tôi sẽ dành cho người anh em một chỗ ở phía bên mặt.

Hai tên lính và viên cai ngục nhìn nhau cười trong khi tôi nổi da gà.

***

Viên cai ngục đẩy tôi vào một gian phòng cao, thật tối, có ghế sắp theo hình bán nguyệt. Phòng vắng vẻ, có hai cửa sổ cao đóng lưới sắt kín mít và pho tượng chúa bằng gỗ nâu, hai tay dang ra, đầu ngả xuống vai. Cảnh tượng đó khiến tôi hoang mang cực độ. Tất cả ý nghĩ vu khống trước đó bỗng dưng biến mất. Đôi môi tôi mấp máy cầu nguyện.

Đã từ lâu tôi không cầu nguyện, nhưng tai biến luôn luôn khiến con người khuất phục trước đấng vô hình.

Trước mắt tôi, trên ghế cao là hai nhân vật ngồi quay lưng về phía ánh sáng. Dù vậy tôi cũng nhận ra Nam tước Van Spreckdal nhờ cái bóng ông in trên cửa kính. Nhân vật thứ hai mập, má đầy thịt, hai bàn tay ngắn. Hắn cũng mặc áo thẩm phán như ông Van Spreckdal. Người phía dưới là lục sự Conrad. Hắn đang cho cán viết vào đầu lỗ tai. Khi tôi đến hắn dừng tay lại, nhìn tôi một cách tò mò.

Người ta bảo tôi ngồi xuống. Van Spreckdal cao giọng hỏi:

- Christian Vénius, làm sao anh có bức ảnh này?

Ông ta đưa lên bức tranh tôi vẽ chưa xong. Người ta trao bức tranh đó cho tôi. Sau khi xem, tôi đáp:

- Tôi là tác giả.

Im lặng khá lâu, rồi lục sự Conrad ghi lời nói của tôi. Tôi nghe ngòi bút của ông ta cào trên giấy và tôi nghĩ: "Câu hỏi đó có nghĩa gì? Nó có liên quan gì đến việc tôi đập thằng cha quản lý đâu!"

Van Spreckdal lại hỏi:

- Anh là tác giả, chủ đề của bức tranh là gì?

- Đó là bức tranh tưởng tượng.

- Anh có thấy các chi tiết này ở đâu không?

- Thưa không. Tất cả các chi tiết đều do tôi tưởng tượng.

Ông chánh án nói với giọng nghiêm khắc:

- Bị can Christian! Tôi yêu cầu anh nêu suy nghĩ cẩn thận. Đừng có nói dối!

Đỏ mặt, và với giọng bất bình tôi kêu to:

- Tôi nói sự thật!

Van Spreckdal nói:

- Lục sự ghi vào biên bản.

Ngòi bút lại chạy rần rật trên giấy.

Ông chánh án lại hỏi:

- Còn người đàn bà này. Người đàn bà mà người ta giết bên miệng giếng, anh cũng tưởng tượng ra nốt?

- Đúng vậy!

- Anh không hề nhìn thấy bà ta?

- Không hề!

Van Spreckdal đứng lên, bực mình. Nhưng ông ta ngồi xuống tham khảo ý kiến đồng nghiệp.

Hai bóng đen thẩm phán nổi bật lên trên nền sáng của cửa sổ, và ba người đứng sau lưng tôi. Không khí trong phòng im lặng đến ngột ngạt... tất cả đều làm cho tôi hoang mang lo sợ đến bải hoải. Tôi nghĩ thầm: "Họ muốn gì ở mình?

Bỗng Van Spreckdal nói với ba người lính:

- Đưa hắn lên xe. Chúng ta tới đường Metzrstrasse.

Rồi ông nói với tôi:

- Christian Vénius. Anh đang ở trong tình thế ngặt nghèo. Nếu anh thấy công lý của loài người cứng rắn thì anh chỉ còn chờ sự tha thứ của Chúa. Anh sẽ xứng đáng với tình thương của Chúa nếu anh thú tội.

Lời nói đó như búa bổ vào đầu tôi. Tôi ngã người ra sau, đưa tay lên trời kêu to:

- Trời ơi! Thật là một cơn ác mộng!

Rồi tôi ngất xỉu.

Khi tôi tỉnh lại, chiếc xe đang chầm chậm trên đường. Phía trước có một chiếc xe khác. Hai tên đồ tê vạm vỡ vẫn luôn kè kè bên tôi. Một tên mời bạn hút thuốc. Tôi đưa tay về phía bao thuốc, hắn vội vàng giựt tay lại, cho vội bao thuốc vào túi.

Mặt tôi đỏ lên vì xấu hổ. Tôi quay đầu vào vai che giấu cơn xúc động.

Bỗng tên lính có bao thuốc nói:

- Nếu anh nhìn ra ngoài chúng tôi bắt buộc phải còng tay anh lại.

Tôi nghĩ thầm: "Đồ chó! Quỷ sao không vật mày chết cho rồi!".

Chiếc xe dừng lại. Một tên bước xuống. Tên còn lại nắm cổ tôi, khi thấy tên kia đã sẵn sàng đê đón tôi, hắn đẩy tôi xuống xe một cách tàn nhẫn. Tất cả những sự thận trọng đó cho thấy con người tôi đích thị là một kẻ bất lương. Nhưng tôi vẫn chưa hiêu rõ lời buộc tội từ phía hai ông thẩm phán.

Bỗng một cảnh tượng ghê gớm mở mắt tôi ra, đẩy tôi vào tận cùng tuyệt vọng.

Người ta đẩy tôi bước vào một con đường thấp, lót gạch lồi lõm, tường rỉ nước vàng, mùi hôi thối xộc vào mũi khiến tôi choáng váng.

Tôi mò mẫm đi giữa bóng tối, phía sau có hai tên lính vạm vỡ áp giải.

Đằng xa thấp thoáng một cái sân rộng. Càng đi tới gần tôi càng kinh sợ. Không phải một sự lo sợ thông thường, mà đó là một sự khiếp đảm ghê gớm, giống như một cơn ác mộng. Tôi chỉ muốn lùi lại, chứ không thê bước được.

Một tên lính đẩy mạnh vai tôi, ra lệnh:

- Bước tới chứ!

Đến đầu hành lang, tôi thấy trước mắt cái cảnh mà tôi vừa vẽ trong đêm qua.

Đúng là cái sân ở giữa những bức tưòng dày, có những móc sắt, những đống sắt vụn, chuồng gà, chuồng thỏ... không có một chi tiết nhỏ nào bị bỏ quên. Tôi như bị sét đánh ngang tai trước hiện tượng kỳ lạ đó. Hai ông thẩm phán đứng bên cạnh miệng giếng. Dưới chân họ nằm sóng sượt một mụ già. Mụ nằm dưới tóc tai rối bời, mặt tái ngắt, hai mắt mở trừng trừng, lưỡi thè giữa hai hàm răng. Thật là một cảnh tượng kinh tởm.

Van Spreckdal nói với giọng trịnh trọng:

- Sao, anh nghĩ gì?

- Anh có nhận đã ném mụ già này? Mụ Thérésa Beker xuống giếng sau khi bóp cổ giựt tiền của mụ ta?

Tôi gào to lên:

- Không! Tôi không biết mụ già này. Tôi không hề nhìn thấy mụ ta. Xin Chúa chứng cho tôi!

Van Spreckdal gắt:

- Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi!

Không nói thêm một lời, ông cùng bạn đồng nghiệp bước nhanh ra.

Hai tên lính nghĩ là họ có bổn phận còng tay tôi lại. Họ đưa tôi trở về khám. Trong cơn bàng hoàng, lúc đó tôi hoàn toàn hoang mang, không biết có đúng là mình đã giết mụ già kia hay không.

Đối với những tên lính gác, tôi rõ ràng đã là một tên tử tội.

Tôi không kê ra đây cơn xúc động của tôi trong đêm đầu tiên nằm khám. Tôi ngồi thừ trên ổ rơm, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, thấy đoạn đầu đài xa xa. Tôi nghe tiếng người gác đêm kêu to lên trong thanh vắng: "Hỡi dân chúng Nuremberg. Hãy yên giấc. Một giờ!... Hai giờ!... Ba giờ!...".

Tôi thắc mắc, nghĩ ngợi nhiều. Người ta bảo thà bị xử giảo vô tội còn hơn là có tội. Đúng! Nhưng đó là về phần hồn. Còn về phần xác thì chết vô tội hay có tội cũng y như nhau. Trái lại, phần xác vẫy vùng, tự giải thoát khi biết vai trò của mình đã chấm dứt bằng sợi dây thắt cổ.

Đó là những cảm nghĩ buồn thảm của tôi trong đêm ghê gớm ấy.

Ngày dần dần sáng, thoạt tiên còn mờ mờ rồi từ từ sáng tỏ. Bên ngoài, đường phố nhộn nhịp. Ngày hôm ấy nhằm ngày thứ sáu, ngày nhóm chợ. Tôi nghe rõ mồn một tiếng cọc cạch của xe bò chở rau cải, gà vịt. Tiếng gà kêu trong chuồng, tiếng những người nông dân trò chuyện với nhau khiến lòng tôi lâng lâng.

Khu chợ trước mặt khám đã mở cửa. Người ta chắc đang sửa soạn chỗ ngồi. Khi ngày sáng rực, tiếng cười nói của dân chúng vang lên. Những người đi chợ lui tới, bàn cãi, mặc cả giúp tôi đoán bây giờ vào khoảng tám giờ sáng.

Với ánh sáng, tôi yên tâm hơn. Những ý nghĩ đen tối trong đêm biến mất. Tôi cảm thấy thèm thấy những gì đang xảy ra bên ngoài.

Những người tù trước tôi đã đục những lỗ hổng trên tường đê leo lên khung cửa sổ cho dê. Tôi leo lên đó, đút đầu qua cái lỗ tròn nhìn ra ngoài. Tôi thấy đám đông, sự sống. Tự nhiên tôi chảy nước mắt. Tôi không nghĩ tới tự vẫn nữa. Tôi cần sống, cần thở. Đó thật là một điều phi thường. Tôi lầm bầm: "Được sống là hạnh phúc. Dù người ta bắt mình kéo xe hay xiềng chân vào sắt cũng mặc, miên sống được là được rồi!".

Tôi lại nhìn sang chợ, nhìn những mụ già đang ngồi sau những thúng rau, giỏ gà... rổ trứng. Các người hàng thịt đang chặt thịt trên thớt. Mấy anh nông dân đầu đội nón nỉ rộng vành, chống gậy, chắp tay sau lưng hút thuốc.

Tiếng động của đám đông, sinh hoạt náo nhiệt của chợ giúp tâm trí tôi biết suy nghĩ và trong hoàn cảnh buồn thảm hiện tại tôi vẫn thấy sung sướng được còn sống trong thế giới loài người.

Khi tôi nhìn ra ngoài như vậy, có một người đi ngang qua. Hẳn là một tên đồ tê, đang nghiêng lưng vác một phần con bò trên vai. Hai cánh tay trần, khuỷu tay đưa lên trên, đầu cúi xuống. Tóc bay phất phới che kín cả mặt. Dù vậy, vừa thấy hắn ta là tôi đã giựt nảy mình.

Tôi nói thành tiếng:

- Chính hắn!

Tất cả máu trong người tôi chạy dồn về tim. Tôi leo xuống, toàn thân run rẩy đến cả đầu móng tay, tái xanh hết cả mặt mày, lẩm bẩm:

- Chính hắn!

Trong khi hắn tự do phây phây thì mình sắp chết thay cho hắn!

Chúa ơi! Bây giờ tôi phải làm gì? Phải làm gì?

Một ý nghĩ đột ngột, một sáng kiến từ trên cao lóe lên trong trí tôi. Tôi cho tay vào túi áo... hộp bút chì hãy còn trong đó. Tôi liền chạy ngay lại bức tường dày, vẽ lại khung cảnh xảy ra vụ ám sát với một hứng thú lạ thường, không còn có sự mơ hồ, dọ dẫm. Tôi biết kẻ sát nhân. Tôi trông thấy hắn dường như hắn đang làm mẫu trước mắt tôi.

Vào khoảng mười giờ, viên cai ngục bước vào khám giam. Nét mặt chim cú thường ngày của hắn nhường chỗ cho sự thích thú.

Bước trên thềm hắn hỏi:

- Có thê như thế chăng?

Tôi vẫn tiếp tục ngồi vẽ với tất cả sự phấn chấn tột cùng.

- Đi gọi các ông thẩm phán đến đây giùm tôi!

Tên cai ngục ngần ngừ:

- Các ông ấy đang chờ nơi phòng biện lý.

Tôi vẫn chăm chú vẽ nhân vật kỳ lạ trong bức tranh nói:

- Tôi muốn tiết lộ nhiều điều mới lạ với các ông thẩm phán.

Nhân vật tôi vẽ như sống thật. Bộ mặt hắn rất đáng sợ.

Tên cai ngục bước ra ngoài. Vài phút sau hai vị thẩm phán tới. Họ đứng nhìn bức tranh, kinh ngạc đến cực độ.

Tôi đưa cánh tay ra, cả người run rẩy, nói:

- Đây là thủ phạm!

Sau khi im lặng một lúc, Van Spreckdal hỏi:

- Tên hắn?

- Tôi không biết. Nhưng hắn hiện ở trong chợ, đang chặt thịt ở thớt thứ ba, bên trái nếu đi từ con đường Trabans vào chợ.

Van Spreckdal quay lại ông bạn đồng nghiệp:

- Ông nghĩ sao?

Ông thẩm phán kia trịnh trọng bảo:

- Cho người đưa hắn tới đây.

Vài tên lính đứng ngoài hành lang thi hành lệnh đó. Các thẩm phán vẫn đứng nhìn bức tranh của tôi. Còn tôi, tôi ngồi vật xuống ổ rơm, đầu gục lên gối mệt nhoài như chết.

Không bao lâu có tiếng chân vang lên bên ngoài. Những ai chưa hề chờ giải thoát, chưa đếm từng phút dài như những thế kỷ, những ai chưa biết đến xúc động cực mạnh của sự chờ đợi, của sự kinh hãi, của sự hy vọng, của hoang mang... những kẻ đó không thê thông cảm được rúng động của tôi lúc bấy giờ. Tôi nghe cả tiếng chân của tên sát nhân bước giữa đám lính. Tôi nghe họ tiến tới gần. Ngay cả hai vị thẩm phán cũng lộ vẻ xúc động. Tôi ngước đầu lên, tim se lại như có một bàn tay sắt đang siết chặt. Tôi nhìn chăm chú vào cánh cửa mở... Tên sát nhân bước vào.

Má hắn đỏ rực, hai hàm răng cắn chặt làm nổi bật hai thớ thịt, bạnh đến tận vành tai. Hai con mắt ti hí lo ngại, dữ tợn chợt như hai con mắt sói, long lanh dưới đôi chân mày rậm và nâu.

Van Spreckdal chỉ bức tranh cho hắn xem. Vừa nhìn, hắn tái mặt, rồi rú lên một tiếng dữ dội làm tất cả chúng tôi lạnh người. Đôi cánh tay vạm vỡ của hắn gạt bung mấy tên lính ra. Rồi hắn nhảy lùi ra đằng sau mấy bước. Một cuộc xung đột ác liệt diên ra ở hành lang. Người ta chỉ nghe tiếng thở hổn hên của tên đồ tê, những lời nói ngắn ngủi và tiếng chân của lính gác đổ lên. Cuối cùng là tiếng rơi nặng nề xuống sàn gạch.

Cuộc xung đột xảy ra hơn một phút.

Sau đó, tên sát nhân bước vào phòng, đầu cúi xuống mắt đầm đìa máu, tay bị trói thúc ra sau lưng. Hắn ngước nhìn bức tranh lần nữa, ra dáng suy nghĩ lung lắm, rồi nói nho nhỏ như nói với chính hắn:

- Làm sao lại có người trông thấy mình vào lúc nửa đêm?

Vậy là tôi thoát chết!

Edmond J.Lane

Cánh cửa mở

- Thưa ông, cô tôi sắp xuống tới.

Cô gái mười lăm tuổi nói với Falton bằng một giọng dạn dĩ.

Falton cố gắng tìm trong trí nhớ những lời lẽ có thể làm vui lòng cô bé. Riêng ông, ông không tin tưởng chút nào vào loạt viếng thăm một lô người hoàn toàn xa lạ mà ông đang làm đây, trong chương trình trị cái bệnh suy nhược thần kinh của mình.

Khi sắp sửa lui về đồng quê, em gái ông đã bảo:

- Anh vùi mình vào không khí đồng ruộng mà không có ai để trò chuyện thì bệnh anh ngày càng nặng thêm. Để em viết mấy cái thư giới thiệu anh với các chị bạn em ở vùng ấy. Em nhớ có nhiều người trong số đó cũng dễ thương lắm!

Falton tự hỏi chẳng biết có nên sắp bà Sake mà ông vừa trình thư giới thiệu vào hạng những người dễ thương kia không.

- Ông có quen biết nhiều người ở đây không? - cô bé hỏi.

- Không quen ai cả. Em gái tôi đã ở đây cách bốn năm nay, tại nhà ông Mục sư, cô ấy viết cho tôi mấy cái thư giới thiệu.

Falton nói câu chót với một giọng hối tiếc rõ rệt như việc đi làm quen với người khác là một cực hình đối với ông.

Cô gái bảo:

- Như vậy, ông không biết gì về cô tôi?

- Chỉ biết tên và địa chỉ mà thôi.

Falton thú thật. Ông tự hỏi chẳng biết bà Sake là goá phụ hay hiện đang ở với chồng. Trong gian phòng có một cái gì khó tả chỉ rằng có đàn ông sống tại đây.

Cô gái tiếp:

- Một thảm kịch đã xảy ra cho cô tôi cách đây đúng ba năm, nghĩa là sau ngày em ông đi khỏi vùng này.

- Một thảm kịch? - Falton hỏi ngạc nhiên, vì tại đồng quê yên lặng này, thảm kịch gì có thể xảy ra?

Cô cháu gái của bà Sake chỉ cái cửa hông mở ra một sân cỏ.

- Có lẽ ông không hiểu tại sao cái cửa kia lại mở vào một chiều thu lạnh lẽo này phải không?

- Cửa hông ấy có dính dáng đến tấn thảm kịch à?

- Cách đây ba năm, dượng tôi và hai người em trai của ông đã ra khỏi nhà bằng cánh cửa này để đi săn. Họ không bao giờ trở về nữa. Ba người đi qua một cánh đồng lầy để tới đất săn thì rơi vào một vũng sình nào không biết, rồi bị lấp luôn dưới đó. Mưa nhiều quá ở mùa hè trước, cho nên những nơi mà mấy năm trước người ta đi ngang qua không sao, bỗng nhiên mùa hè đó lại sụp dưới chân người. Không ai tìm được thây của ba anh em dượng tôi. Thật là rùng rợn!

Đến đây, giọng của cô bé có vẻ mất tự chủ và run run:

- Cô tôi rất khổ sở, nhưng tin một ngày kia ba anh em dượng tôi và cả con chó săn màu đất sẽ trở về, vào nhà bằng cái cửa đó cũng như những bận đi săn khác. Vì vậy mà chiều nào cô tôi cũng mở cửa cho tới tối. Tội nghiệp cô tôi. Cô thường kể lại cuộc đi săn ấy của ba người. Dượng tôi mang chiếc áo mưa trắng trên tay, còn chú út vừa đi vừa hát bài "Beetie, tại sao em nhảy cỡn" để ghẹo cô tôi, vì cô tôi ghét bài đó lắm. Ông biết không, những buổi chiều êm đềm như thế này, tôi có cảm tưởng rằng họ sẽ trở về bằng cái cửa này và tôi nổi da gà lên lận ông ơi!

Cô bé ngừng nói và rùng mình. Bỗng Falton thấy nhẹ nhõm người vì bà Sake vừa bước vào phòng khách, xin lỗi đã để ông chờ khá lâu. Và có lẽ nhận thấy Falton liếc cái cửa mở, bà bảo:

- Ông đừng thắc mắc vì cái cửa mở vào mùa này. Chồng tôi và các em chồng tôi đi săn sắp về tới bây giờ. Họ phải đi qua một quãng đất bùn, nên mấy tấm thảm của tôi một lát nữa đây thế nào cũng dính bùn be bét. Nhưng đàn ông nào chắc cũng thế, phải không ông?

Rồi bà tiếp tục nói chuyện vui vẻ về sự lý thú, về những con vịt trời mùa đông. Falton rợn người. Ông hết sức đổi đề câu chuyện để khỏi nghe bà Sake nói chuyện đi săn, nhưng bà vẫn không chú ý, thỉnh thoảng, trong lúc nói chuyện, bà liếc nhìn ra cánh cửa mở.

Falton cho rằng mình xui xẻo lắm nên đến nhằm ngày có lẽ là ngày kỷ niệm cuộc đi săn không trở về của chồng bà.

Ông bảo:

- Các bác sỹ đều đồng ý bảo tôi phải tĩnh dưỡng hoàn toàn, tránh sự xúc động tinh thần và môn thể thao dùng nhiều sức lực.

Ông tin rằng những người lạ và những người quen biết rất quan tâm đến bệnh trạng của mình, nên tiếp:

- Về sự ăn uống thì các bác sỹ lại không đồng ý kiến với nhau xem phải bắt tôi kiêng cử những gì.

- Thế à? - Bà Sake hờ hững hỏi qua một cái ngáp vặt mà bà cố chế ngự. Bỗng nhiên mắt bà sáng lên, tươi tỉnh ngay:

- Họ về kìa! Bùn sình tận đầu và đúng giờ uống trà dữ a!

Falton lạnh xương sống quay sang nhìn cô bé một cách thông cảm. Cô bé đang nhìn ra cái cửa mở, vẻ mặt đầy hốt hoảng. Falton cũng nhìn theo mắt cô gái.

Ba bóng người đang qua sân cỏ trong hoàng hôn và đến gần cánh cửa mở. Cả ba đều mang súng. Một trong ba người có mang áo mưa trắng trên vai, con chó săn màu đất mệt mỏi theo sau chân họ. Họ tiến lặng lẽ vào nhà, và một giọng trẻ trung cất lên trong ánh sáng lờ mờ:

- "Beetie, tại sao em nhảy cỡn?".

Falton vội vàng lấy "can", cầm mũ, như cái máy, xô cửa bước ra, hấp tấp theo lối trải sỏi, cắm đầu vượt qua cửa hàng rào. Một ông già đi xe đạp ngang qua, Falton phải sấn bừa vào hàng rào để khỏi đụng ông ta.

Người mang áo mưa trắng bảo to:

- Tụi anh mình mẩy đầy bùn, nhưng đã khô rồi, không làm dơ thảm đâu. Người nào lại cắm đầu phóng đi khi thấy tụi anh về vậy?

- Cái ông Falton lạ lùng ấy chẳng biết nữa. Ông ta đang nói chuyện với em về bệnh trạng của ông ta, rồi lại rút lui không từ giã gì cả khi thấy anh và hai chú về tới. Bộ dạng ông ta như là kẻ cắp gặp ma vậy! - Bà Sake trả lời chồng.

Cô bé xen vào, bình thản:

- Chắc sợ ông ấy sợ chó. Ông có nói với con ông ấy sợ chó lắm. Có lần chó rượt ổng vào tận gò mả trên sông, cả một đàn chó của bọn đinh ấn Độ, làm ổng phải nằm một đêm dưới một cái huyệt mới đào, còn đàn chó thì sùi bọt mép gầm gừ trên bờ huyệt. Có lẽ vì vậy mà thấy chó, ổng sợ ngay!

Cả vùng này đều biết rằng cô cháu bà Sake có óc tưởng tượng rất phong phú và có tài ứng khẩu chuyện này chuyện nọ lẹ làng như thật.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #truyện