TRUYỆN SỐ 8: HAI NGƯỜI BẠN
Trong giờ nghỉ trưa tại công ty, tôi và các đồng nghiệp ngồi quây quần bên những hộp cơm. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, tôi vốn là một người hơi ít nói và khá trầm tính, ít khi tham gia vào các cuộc tán gẫu mà thường ngồi nghe các đồng nghiệp trò chuyện. Nhưng hôm nay, chị trưởng phòng cùng ăn chung bất ngờ quay sang hỏi:
- "Ê nhóc, nếu một ngày nào đó mày trúng số độc đắc, mày sẽ nói cho ai biết đầu tiên?".
Tôi ngẩn người trước câu hỏi bất ngờ của chị; Trúng số ư? Một giấc mơ xa vời mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới, tôi trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- "Em nghĩ là sẽ nói cho bố mẹ và vợ biết trước, mà nói thế chứ, em cũng phải cân nhắc kỹ lắm, vì nhiều khi trúng số cũng mang đến rắc rối, phiền phức chị ơi."
Chị trưởng phòng đưa mắt nhìn tôi rồi cười nói:
- "Thằng nhóc này còn ít tuổi mà nói đúng nhỉ. Tiền bạc đúng là nhiều khi là một gánh nặng!".
- "Mà sao chị lại hỏi em câu đó?" - Tôi thắc mắc hỏi.
Chị trưởng phòng cười nhạt, ánh mắt xa xăm, đưa đũa gắp lấy miếng thịt chiên rồi từ từ nói:
- "Nghe nói nhóc thích viết truyện hả, thế thì chị có một câu chuyện cho nhóc đây, nghe xong nếu thích thì viết lại nhé. Câu chuyện này liên quan đến câu hỏi lúc nãy đấy, đó là câu chuyện về một người đàn ông sống tại Tiền Giang, ông ta cũng trúng số độc đắc nhưng lại gặp phải một bi kịch đau lòng chỉ vì đã chia sẻ niềm vui ấy với người bạn "thân nhất" của mình..."
Chị trưởng phòng bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện đó, câu chuyện về một tình bạn bị phản bội với cái kết khá bi thảm. Nghe xong câu chuyện đó, nó làm tôi băn khoăn mãi, và cuối cùng tôi quyết định viết lại câu chuyện này để gửi đến bạn đọc, câu chuyện như một lời cảnh tỉnh về lòng tham và hãy thật cẩn thận khi tin tưởng tuyệt đối vào một ai đó. Tôi xin mạn phép đặt tên câu chuyện là "Hai Người Bạn"...
Vùng đất Tiền Giang, một miền quê yên bình và trù phú nằm ở miền Tây sông nước, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, những dòng sông hiền hòa uốn lượn và những vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm. Nhịp sống chậm rãi, con người chất phác và hiền lành, luôn niềm nở đón chào du khách phương xa.
Trong một ngôi làng nằm sâu trong vùng đất Tiền Giang, có người đàn ông tên là Thạch, ông Thạch sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ đã phải gánh vác công việc đồng áng, chăn trâu cấy lúa phụ giúp cha mẹ. Cuộc đời ông trải qua bao sóng gió và thăng trầm, nhưng với bản tính siêng năng, chịu khó và luôn lạc quan, ông đã tích cóp và gây dựng được cơ ngơi đáng kể. Đặc biệt, sau một lần đi buôn gạo về Cà Mau đất mũi, ông đã gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Thạch trở thành một trong những người chủ vựa gạo giàu có và quyền uy nhất xã.
Đằng sau sự thành công của ông Thạch là sự hậu thuẫn của một gia đình hạnh phúc, người vợ của ông, cũng xuất thân trong một gia đình khó khăn, nhưng bà là một người phụ nữ đảm đang, hiền hậu và rất thông minh, luôn biết cách chia sẻ, động viên chồng trong công việc, ông bà Thạch có ba người con, một trai hai gái, tất cả đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và lập nghiệp trên đất Sài Thành. Dù cuộc sống của các con đã ổn định nơi phồn hoa đô hội, nhưng họ vẫn thường xuyên trở về quê thăm cha mẹ và quây quần bên mâm cơm gia đình những dịp cuối tuần hay lễ Tết.
Khi công việc và gia đình đã ổn định, ông Thạch bắt dành nhiều thời gian cho sở thích đánh cờ tướng của mình, ông thường rủ rê người bạn thân là ông Khải cùng đi đánh cờ, thưởng thức cà phê và tán gẫu. Ông Khải cũng là một người giàu có, có tiếng nói trong vùng. Thế nhưng, ông Khải lại là một người có tính cách trái ngược hẳn với ông Thạch, nếu ông Thạch được người dân xung quanh biết đến là người rất hào sảng, rộng rãi, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác thì ông Khải lại là một người keo kiệt, hay tính toán thiệt hơn và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.
Sự khác biệt về tính cách giữa ông Thạch và ông Khải cũng có thể bắt nguồn từ xuất thân và hoàn cảnh sống, ông Thạch lớn lên trong nghèo khó, trải qua bao vất vả nên luôn cảm thông và sẵn sàng chia sẻ với mọi người xung quanh. Còn ông Khải sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng lại thiếu tình thương từ cha mẹ, nên lớn lên ông chỉ biết sống cho bản thân mình. Thế nhưng, giữa hai con người khác biệt như vậy, họ vẫn giữ tình bạn vẹn tròn và là tri kỷ của nhau qua nhiều năm tháng.
Có lẽ ít ai biết được rằng nguyên nhân của tình bạn kỳ lạ này có lẽ được bắt nguồn từ một sự việc trong quá khứ. Nhiều năm về trước, khi cả hai còn trẻ, trong một lần đi buôn, ông Thạch đã vô tình cứu ông Khải thoát khỏi dao kiếm của một băng cướp dữ tợn, kể từ đó, ông Khải luôn coi ông Thạch như ân nhân của mình. Dù bản tính có khác biệt, nhưng ông Khải vẫn dành cho ông Thạch một sự trân trọng và kiêng nể đặc biệt, còn ông Thạch thì luôn xem ông Khải như một người bạn tri kỷ hiếm hoi mà cuộc đời ban tặng.
Dù đã bước vào tuổi xế chiều nhưng ông Thạch vẫn giữ được sức khỏe dồi dào và tinh thần minh mẫn. Mỗi sáng, ông thường dậy sớm, đi tản bộ quanh làng, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Ông cũng chăm chỉ ghé thăm những ruộng đất của mình, trò chuyện với người làm công và chỉ bảo họ những kinh nghiệm chăm sóc lúa, hoa màu. Và bất cứ khi nào rảnh rỗi, ông Thạch đều rủ người bạn thân là ông Khải đi cùng. Hai ông già sánh vai trên những con đường đất, thi thoảng dừng lại hàn huyên với bà con hàng xóm, hoặc ghé vào quán nước ven đường, kéo một ván cờ tướng, thưởng thức những tách cà phê thơm nồng.
Ngày qua ngày, tháng theo tháng, hai ông già cứ như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau, cả khi đi làm từ thiện hay giúp đỡ người nghèo trong làng, ông Thạch cũng luôn kéo ông Khải đi cùng. Tất nhiên, ai cũng thấy lạ tại sao một người hào sảng như ông Thạch lại thân thiết với con người keo kiệt như ông Khải đến vậy.
Một buổi tối, sau bữa cơm, ông Thạch lại lửng thửng ra ngồi bên hiên nhà, đang chậm rãi đốt điếu thuốc lá hút lấy một hơi, thì chợt Bà Thạch lên tiếng:
- "Ông này, tôi thấy dạo này sao ông giao du với ông Khải nhiều quá. Đi đâu, làm gì cũng kéo ông ta theo vậy...?"
- "Sao thế bà, có gì không được à...? - ông Thạch hỏi.
- "Không có gì, chỉ là tôi thấy ông ta không phải người tốt, lúc nào cũng tươi cười nhưng ánh mắt lại đầy mánh khóe và toan tính. Tôi sợ một ngày nào đó..." - Bà Thạch vừa lau dọn chén dĩa vừa nói.
Ông Thạch bật cười, vỗ về vợ:
- "Cái bà này, cứ lo chuyện không đâu. Tôi với lão Khải là bạn tri kỷ mà, bà sợ lão hại tôi sao... Toàn lo vớ vẩn!"
- "Cẩn thận không thừa đâu ông ơi, đề phòng tiểu nhân vẫn...".
- "Ơ kìa bà! Cái lão Khải ấy giàu nứt tường đổ vách, giàu gấp ba gấp bốn nhà mình, hơn nữa tôi lại là ân nhân của lão. Bà nói xem, tôi có gì để lão lợi dụng...?" - Ông Thạch ngắt lời
- "Ai mà biết được lòng dạ con người? Ồng cứ cẩn thận vẫn hơn, bớt qua lại một chút. Lỡ mà ông có việc gì, tôi không biết tính sao!" - bà Thạch nói.
- "Cái bà này ăn nói vớ vẩn, lão Khải là bạn chí cốt, là anh em tốt của tôi, làm gì có chuyện gì được...!" - ông Thạch cười xòa.
Câu chuyện kết thúc bằng một nụ cười trấn an của ông Thạch. Nếu nhìn kỹ, có thể thấy trong mắt bà Thạch có nét đượm buồn và thoáng chút lo lắng, bà biết rõ tính cách ngay thẳng, nhiệt tình của chồng, bà sợ rằng cái tính quá tin tưởng bạn bè của ông Thạch, sẽ làm ông mù quáng, không nhìn thấy rõ bộ mặt thật của người bạn mà mình hết lòng tin tưởng bao năm qua để rồi cuối cùng mang họa vào thân.
Vào một buổi chiều tà, khi những tia nắng cuối cùng của ngày đang dần buông xuống cánh đồng, ông Thạch vừa đi thăm ruộng lúa vừa rảo bước trên con đường mòn quen thuộc về nhà. Bất chợt, ông dừng chân khi nhìn thấy đối diện nhà mình, trên căn nhà từ lâu không có người ở, giờ đây đang nhộn nhịp với một toán người lạ mặt. Tò mò trước cảnh tượng bất thường, ông Thạch quyết định ghé sang xem xét tình hình, đến gần, ông nhận ra họ đang bận rộn đào xới, san lấp tu bổ căn nhà như chuẩn bị cho việc sửa chữa. Vốn có tính hòa đồng và thân thiện, ông Thạch lên tiếng hỏi thăm:
- "Chào các anh! Các anh cho tôi hỏi tý, nhà này sắp có chủ mới hả?"
Nghe tiếng ông Thạch, nhiều người thợ quay lại nhìn nhưng họ không thèm trả lời, lại cúi xuống tiếp tục công việc, ông Thạch đang có chút hụt hẫng vì mình không được chào đón thì từ trong đám đông một người đàn ông cao lớn bước ra. Ông ta mặc một bộ quần áo bình dị nhưng toát lên phong thái bí ẩn. Mái tóc bạc trắng như cước, điểm xuyết trên gương mặt đầy những nếp nhăn của thời gian, đôi mắt ông sâu thẳm và tinh anh, ánh lên sự thông thái cùng ma mị. Tuy thân hình có phần gầy gò nhưng không có gì cho thấy ông ta đang bị bệnh, mà ngược lại có phần sung sức hơn cả độ tuổi hiện giờ.
- "Chào ông, tôi là Cường, chủ mới của mảnh đất này. Rất vui được gặp ông." - Người đàn ông lên tiếng, cất giọng trầm ấm.
Ông Thạch mỉm cười, đưa tay ra bắt:
- "Vâng chào ông, tôi là Thạch, nhà tôi ở ngay đối diện. Rất hân hạnh được làm hàng xóm với ông. Nếu cần giúp đỡ gì, ông cứ nói nhé, giúp được gì tôi đều sẵn sàng."
Ông Cường bắt lấy bàn tay của ông Thạch làm ông Thạch bất giác giật mình vì bàn tay của ông Cường lạnh ngắt như người chết, ánh mắt ông ta như xoáy sâu vào tâm can đối phương, nụ cười nửa miệng đầy ma quái:
- "Cảm ơn ông, đã có duyên gặp gỡ thì tôi và ông sẽ còn nhiều điều thú vị để chia sẻ..."
Ông Thạch cảm thấy có chút ngạc nhiên trước lời nói của ông Cường, nhưng ông vẫn giữ nụ cười thân thiện trên môi nói tiếp:
- "Ông nói cũng phải! Tôi cũng hy vọng điều đó. Ở cái tuổi này rồi mà vẫn gặp thêm được tri kỷ, quả là có duyên...".
- "Tri kỷ sao? Tôi và ông vừa gặp mà đã thành tri kỷ à, ông quả là người thú vị đấy, cuộc đời này, đúng là tìm được một người hiểu mình là điều quý giá nhỉ...?" - Ông Cường mỉm cười.
- "Ông nói phải! Nhân sinh như một chuyến đò, có lên có xuống, gặp được bạn đồng hành ắt hẳn là một cái duyên" - Ông Thạch cười bảo.
- "Mà này, tôi nghe nói ông có sở thích đánh cờ tướng, có đúng không?" - Ông Cường bất chợt hạ giọng hỏi.
Ông Thạch ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ, nhưng rồi ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh:
- "Đúng đấy! Đánh cờ là một trong những sở thích lớn nhất của tôi mà, nhưng sao ông biết hay vậy?".
Ông Cường bật cười nhẹ, như thể ông đang thưởng thức một điều gì đó vô cùng thú vị:
- "Trong thiên hạ này, có nhiều việc không thể lý giải chỉ bằng lời nói, tôi biết nhiều cái còn hơn ông nghĩ đấy, nhưng cứ hãy coi đây là cái duyên để cho chúng ta thành tri kỷ của nhau như lời ông vừa nói".
- "Ông nói chuyện bí hiểm thật, rất vui khi có người bạn như ông!" - Ông Thạch trêu đùa, nhưng trong lòng ông bắt đầu có chút hoang mang.
Nghe vậy, ông Cường nhoẻn cười và rồi chuyển đề tài, bắt đầu hỏi han ông Thạch về cuộc sống ở vùng quê này. Câu chuyện tiếp tục với những lời thăm hỏi xã giao thông thường, nhưng trong lòng ông Thạch đã bắt đầu có một cảm giác kỳ lạ về người hàng xóm mới này...
Trong bữa cơm tối hôm đó, ông Thạch hào hứng kể cho vợ nghe về cuộc gặp gỡ với người hàng xóm mới - ông Cường. Ánh mắt ông phấn khởi với niềm vui khi nhắc đến người đàn ông có dáng vẻ gầy gò như ma đói nhưng lại có kiến thức uyên bác, ông Thạch phấn khích nói:
- "Bà biết không, ông Cường này không chỉ là một người am hiểu địa lý, mà còn là một chuyên gia về phong thủy nữa đấy! Này nhé, trưa nay đứng nói chuyện với ông ấy, tôi chỉ kể về nhà mình vài ba câu, ông ta đã chỉ ra được những điểm sai trong nhà và cách bố trí lại để tăng vượng khí đấy".
Bà Thạch nghe chồng kể thì vô cùng ngạc nhiên, bà nói:
- "Ông Cường còn biết cả phong thủy sao?".
Ông Thạch gật gù, ánh mắt như đang hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng, ông phấn khích kể tiếp:
- "Không chỉ vậy đâu! tôi có kể đến việc dạo này bà hay mất ngủ, ông Cường liền viết ngay cho tôi vài bài thuốc an thần, chỉ cho tôi cách pha trà thảo mộc giúp cải thiện giấc ngủ của cả hai vợ chồng nữa đấy".
Bà Thạch càng nghe càng thấy hứng thú với người hàng xóm mới. Bà nói:
- "Không ngờ ông ta lại uyên bác đến thế, hay là thế này, ông thử tìm một dịp nào đó, mời ông Cường sang nhà mình dùng bữa. Vừa để chào hỏi người hàng xóm mới, vừa để tôi được gặp mặt ông ấy luôn".
- "Hay đó! Tôi định bàn với bà chuyện đó, ông Cường này có vẻ là người rất tao nhã, chúng ta nên mời ông ấy thưởng thức những món ăn truyền thống quê mình, bà thấy sao." - Ông Thạch tán thành.
- "Tôi thấy hay là tôi làm món thịt kho măng và canh chua cá lóc nhé? Đó là những món ăn nổi tiếng của quê mình, tôi chắc ông Cường sẽ rất thích." - Bà Thạch vui vẻ nói.
- "Hay đó bà! Chuẩn bị thêm chè sen nhãn, món tráng miệng thanh mát mà cũng rất bổ dưỡng nữa" - ông Thạch cười nói thêm vào.
Cả hai cùng mỉm cười, thấy lòng nôn nao trước viễn cảnh đón tiếp ông Cường, đây sẽ là khởi đầu cho một tình bạn đẹp và nhiều điều thú vị. Ánh đèn dầu lung linh soi rọi khuôn mặt rạng rỡ của đôi vợ chồng già, như thể đang phản chiếu niềm hân hoan đang dâng tràn trong lòng họ.
Vào một buổi chiều thanh bình ngày cuối tuần, gia đình ông Thạch hân hoan chào đón ông Cường đến dùng bữa, mâm cơm đầy ắp những món ăn truyền thống mà bà Thạch đã chuẩn bị với tất cả tâm huyết. Hương thơm của thịt kho, vị chua thanh của canh chua cá lóc hòa quyện tạo nên một bữa cơm dân dã đầy hấp dẫn.
Ông Cường thưởng thức bữa ăn, liền dành nhiều lời khen ngợi cho tài nấu nướng của bà Thạch, khiến bà vô cùng hãnh diện. Trong bữa ăn, ông Cường chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về những vùng đất ông đã đặt chân đến, những phong tục tập quán kỳ lạ mà ông được chứng kiến. Đặc biệt, ông còn đề cập đến niềm đam mê của mình với những hiện tượng huyền bí và tâm linh, ông kể về những trải nghiệm kỳ lạ khi khám phá các địa danh thiêng, những cuộc gặp gỡ với các vị thầy tu có khả năng đặc biệt, và cả những bí ẩn mà không có lời giải đáp. Ông bà Thạch vừa ngạc nhiên, vừa thích thú và đôi khi có chút sợ hãi trước những câu chuyện ly kỳ ấy, họ càng thêm ngưỡng mộ trước sự hiểu biết sâu rộng và đa dạng của người hàng xóm mới.
Trong bữa cơm tối, ông Thạch cũng không ngần ngại chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý đất ruộng và chất lượng gạo sản xuất, ông Cường nghe xong chỉ cười xòa rồi đưa ra vài lời khuyên hết sức hữu ích. Ông gợi ý về cách cải tạo đất, chọn giống và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, những chia sẻ của ông Cường như một ánh sáng xua tan mọi mối lo ngại trong lòng ông Thạch bao lâu nay.
Bữa ăn kéo dài trong không khí ấm cúng và tràn ngập tiếng cười, sau khi ăn xong chén chè sen nhãn của bà Thạch, ông Cường cũng đứng lên cười nói:
- "Cám ơn hai ông bà đã tiếp đãi tôi, sau khi nhà tôi sửa chữa xong, xin được mời ông bà sang làm khách một hôm".
Ông bà Thạch đưa mắt nhìn nhau, niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt, ông Thạch bước lên thay lời vợ nói:
- "Ồ, tất nhiên rồi, chắc chắn vợ chồng tôi phải đến chia vui với ông chứ"
- "Rất hân hạnh được đón tiếp vợ chồng ông vào ngày đó" - ông Cường cười nhẹ chào tạm biệt ông bà Thạch rồi quay lưng đi thẳng.
Bữa cơm kết thúc trong niềm hân hoan của mọi người, không chỉ là một bữa cơm thân mật, đây còn là cơ hội để gia đình ông Thạch thắt chặt tình thân với người hàng xóm đặc biệt - ông Cường, và đây mới chỉ là khởi đầu cho một mối quan hệ tươi đẹp và đầy hứa hẹn.
Sau hôm mời cơm tại nhà ông Thạch, ông Cường và ông Thạch trở nên thân thiết hơn bao giờ hết. Họ thường xuyên rủ nhau đi uống cà phê, đánh cờ tướng và trò chuyện tâm tình, ông Thạch rất hay chia sẻ với ông Cường về những khó khăn trong cuộc sống và công việc, còn ông Cường thì luôn lắng nghe, đồng cảm và đưa ra những lời khuyên sâu sắc. Tuy nhiên, điều khiến ông Thạch vô cùng tò mò là ông Cường chưa bao giờ nhắc đến thân thế của bản thân. Dù muốn tìm hiểu về người bạn tri kỷ này, nhưng ông Thạch lại không tiện hỏi nhiều vì sợ mất lòng bạn.
Trong khi tình bạn giữa ông Thạch và ông Cường ngày càng gắn bó, thì mối quan hệ giữa ông Thạch và ông Khải lại có phần rạn nứt. Mải mê với người bạn mới, ông Thạch dần quên mất ông Khải, không còn qua nhà hay rủ rê ông Khải như trước nữa. Ông Khải thì có lòng tự tôn cao, nên khi không thấy ông Thạch đến chơi, ông cũng chả thèm qua nhà tìm, nhưng 1 tuần, rồi 2 tuần, ông Khải dần cảm thấy bị bỏ rơi, lòng đầy bực tức.
Một ngày nọ, không chịu nổi cảm giác bị ngó lơi, ông Khải quyết định sang nhà ông Thạch tìm cho ra lẽ; Tại nhà ông Thạch, ông thừa nhận rằng mình vừa có thêm một người bạn mới, nên vô tình quên mất ông Khải. Không kiềm được sự tức giận, ông Khải buông lời trách móc:
- "Vậy ra ông có bạn mới rồi nên quên mất thằng bạn già này phải không? Tốt thôi, tôi cũng đủ hiểu tình bạn của chúng ta rồi!".
Ông Thạch bối rối và vô cùng áy náy trước sự giận dữ của ông Khải:
- "Lão Khải à, tôi không phải quên ông, chẳng qua là..."
- "Chẳng qua là thằng già kia thông minh hơn tôi, uyên bác hơn tôi, nên ông chơi với nó, còn tôi thì chỉ là thằng vô dụng, nên ông quên cho rồi, phải vậy không?" - ông Khải to tiếng nói.
Ông Khải nói xong thì tức tối quay lưng bỏ về, để lại ông Thạch đứng ngẩn ngơ trong sự áy náy, vì biết rằng mình đã sơ suất và làm tổn thương tình bạn với ông Khải. Với tấm lòng chân thành, ông Thạch quyết tâm làm lành với người bạn cũ, dù biết rằng không dễ dàng xoa dịu cơn giận của một kẻ xấu tính như lão Khải.
Sau cuộc cãi vã với ông Khải, ông Thạch vẫn ngày ngày lặn lội đến nhà ông Khải khi mặt trời vừa ló dạng. Con đường đất đỏ dẫn đến nhà ông Khải trở nên quen thuộc đến mức ông có thể nhắm mắt bước được, nhưng lần nào đến nơi, ông cũng chỉ thấy cánh cửa gỗ cũ kỹ đóng im ỉm, và tiếng chó sủa vang lên như báo rằng chủ nhân của nó không chào đón ông.
-"Lão Khải ơi, tôi là Thạch đây, ông có nhà không?" - ông Thạch gọi với qua hàng rào, nhưng chỉ có tiếng gió thổi qua những tán cây xào xạc đáp lại.
Ngày ngày trôi qua, ông Thạch vẫn kiên trì với hy vọng mong manh rằng ông Khải sẽ mở lòng, nhưng một tuần vô vọng không có kết quả, ông Thạch buồn bã, đành sang tìm ông Cường tâm sự.
Ngồi trước căn nhà đơn sơ đang sửa chữa của ông Cường, ông Thạch trút bầu tâm sự, sau khi kể hết mọi chuyện, ông Thạch buồn bã nói:
- "Buồn quá lão Cường à, giờ tôi không biết phải làm sao nữa, lão Khải cứ khóa cửa, không chịu gặp tôi."
Trái ngược với sự buồn bã của ông Thạch, ông Cường lại từ tốn nhấp một ngụm trà, khóe miệng nở một nụ cười bí hiểm:
- "Chuyện này có gì mà buồn, tại ông không biết cách xử trí một người cố chấp như ông Khải thôi. Cứ ở nhà đi, ba ngày nữa ông ta sẽ tự tìm đến ông."
Ông Thạch ngạc nhiên:
- "Cái gì cơ! Sao ông biết chắc thế?"
- "Đời người như ván cờ, đôi khi để thắng, ta phải biết lùi một bước" - ông Cường đáp, ánh mắt đầy thâm ý.
Dù có hơi bán tín bán nghi lời nói của ông Cường, nhưng ông Thạch vẫn thử nghe theo. Ba ngày trôi qua, ông ở nhà, lòng nôn nao chờ đợi.
Đúng như ông Cường dự đoán, vào buổi chiều ngày thứ ba, khi ông Thạch đang ngồi đọc báo trong sân, bỗng nghe tiếng cổng kêu cót két. Ông Khải bước vào, gương mặt đỏ gay vì giận dữ.
- "Này lão Thạch! Sao mấy ngày nay không thấy ông đến nữa? Tôi tưởng ông đã phải biết lỗi của mình chứ!" - ông Khải gắt gỏng.
Ông Thạch kinh ngạc đến mức suýt đánh rơi tờ báo trên tay. Ông vội vàng đứng dậy, cố gắng giữ bình tĩnh mà nói:
- "Ừ thì... tại tôi tưởng ông không muốn gặp tôi nữa... nên tôi...!"
- "Ơ hay, xin lỗi thì phải có chút thành ý chứ, mới có một tuần mà ông đã bỏ cuộc rồi à?" - ông Khải càu nhàu, nhưng giọng đã có phần dịu đi nhiều.
Ông Thạch mỉm cười, lòng tràn ngập niềm vui. Ông nói:
- "Thôi thôi, lão bớt giận, mời lão vào nhà, tôi pha cho lão tách trà thơm ngon nhất, coi như là lời xin lỗi của tôi".
Dù vẫn còn chút bực bội, nhưng ông Khải vẫn theo ông Thạch vào nhà ngồi, cho thấy ông Khải đã bớt giận và sẵn sàng lắng nghe lời xin lỗi của ông Thạch. Cả hai ông già ngồi uống trà tâm sự với nhau hàng giờ đồng hồ, thì ông Khải mới chịu đứng lên ra về.
Khi ông Khải về rồi, ông Thạch mới nhớ đến ông Cường, thầm cám ơn trời đã cho ông một người bạn tài giỏi như thế, nhưng trong lòng ông Thạch cũng tự hỏi làm sao ông Cường có thể tính toán mọi chuyện một cách chính xác đến vậy, lão Cường này thực ra là ai đây?
Thời gian thấp thoáng thôi đưa, sáu tháng trôi qua như một cơn gió nhẹ, mang theo những thay đổi tinh tế trong cuộc sống của ông Thạch. Kể từ ngày ông Cường bước chân vào cuộc đời ông, mỗi ngày trôi qua đều mang một sắc thái mới mẻ, như thể ông đang dần khám phá ra những góc khuất của chính mình.
Tình bạn giữa ông và ông Cường ngày càng sâu sắc, như rễ cây đâm sâu vào lòng đất. Những buổi trò chuyện với ông Cường luôn để lại trong lòng ông Thạch những suy tư sâu lắng, như những gợn sóng lan tỏa trên mặt hồ tĩnh lặng, ông cảm nhận được sự thay đổi trong cách nhìn nhận cuộc sống, như thể ông Cường là cái lăng kính mới mẻ của ông vậy.
Tuy nhiên, ông Thạch không khỏi lo lắng vì sự căng thẳng giữa người bạn cũ ông Khải với ông Cường, như một nghệ nhân khéo léo, ông cẩn thận dệt nên những sợi tơ kết nối, cố gắng giữ cân bằng giữa hai người bạn. Với ông Khải, ông vẫn duy trì những buổi đánh cờ thân tình, còn với ông Cường, những cuộc trò chuyện sâu sắc về cuộc đời luôn khiến tâm hồn ông rung động.
Một buổi chiều nọ, khi ánh nắng vàng rực đang dần tắt trên những tán cây, ông Thạch đang ngồi trên chiếc ghế mây quen thuộc trong sân. Bỗng nhiên, bóng dáng cao gầy của ông Cường xuất hiện, như một cái bóng đen len lỏi qua khe cửa.
"Này lão Thạch,..." - giọng ông Cường khàn khàn như tiếng chuông chùa vọng lại từ xa...
Ông Thạch ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt sâu thẳm của ông Cường, như thể đang chứa đựng cả một vũ trụ bí mật:
- "Chuyện gì đấy, lão Cường?"
- "Hôm nay tôi qua đây là để nói với ông rằng tuần sau tôi sẽ đi xa..." - giọng ông Cường như chứa đựng nỗi tiếc nuối. Nghe bạn nói vậy ông Thạch cũng buồn rầu không kém; bỗng ông Cường nói tiếp:
- "Nhưng trước khi đi, tôi muốn mời lão qua nhà tôi dùng bữa cơm thân mật, sẵn tiện tôi có món quà tặng cho lão đấy!"
- "Sao cơ, lão chuẩn bị lên đường đi xa, tôi còn chưa kịp có quà gì để tặng lão, ấy vậy mà lão lại đi biếu quà cho tôi...?" - ông Thạch ngẩn người ra.
- "Lão từng nói chúng ta là tri kỷ mà, việc ai tặng quà cho ai có gì quan trọng sao?" - ông Cường cười xòa nói.
Lời nói của ông Cường như một cánh cửa bí ẩn hé mở, khiến trái tim ông Thạch đập nhanh hơn vì tò mò.
- "Thôi được, nhưng khi nào thì lão định tổ chức?" - ông Thạch gãi đầu nói.
- "Tối mai...!" - ông Cường đáp với một nụ cười bí ẩn thoáng hiện trên môi, như thể ông đang có một bí mật lớn.
- "Nhớ đến nhé, món quà này sẽ thay đổi cuộc đời lão đấy, lão Thạch ạ." - ông Cường nói thêm một câu nữa rồi quay lưng đi thẳng
Khi bóng dáng ông Cường khuất dần sau hàng rào, ông Thạch cảm thấy như có một luồng điện chạy qua cơ thể, ông nào biết rằng, cuộc gặp gỡ ngày mai sẽ là khởi đầu cho một chương mới trong cuộc đời ông, một chương đầy bí ẩn và kỳ diệu mà ông chưa từng dám mơ tới.
Sau khi ông Cường ra về, ông Thạch quay lại ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế mây quen thuộc. Lòng ông đầy xúc động trước lời mời của người bạn, nhưng đồng thời cũng dấy lên nỗi bối rối. Ông tự nhủ, phải chuẩn bị một món quà gì đó thật ý nghĩa để chúc ông Cường lên đường may mắn.
Ông Thạch bước vào nhà, vẻ mặt đăm chiêu, lòng rối như tơ vò, bà Thạch đang ngồi đan len trên chiếc ghế bành, nhìn thấy chồng cứ đi tới đi lui, mặt đăm chiêu, liền lên tiếng hỏi:
- "Ông làm sao vậy?"
Ông Thạch thở dài đáp:
- "Bà à, lão Cường sắp đi làm ăn xa, lão mời tôi qua nhà dùng bữa tối mai. Tôi muốn tặng lão một món quà để chúc lão lên đường may mắn, nhưng chẳng biết tặng gì cho phải."
Bà Thạch mỉm cười hiền hậu bảo chồng:
- "Ông Cường là người đặc biệt, chắc hẳn ông ấy sẽ đánh giá cao những món quà có ý nghĩa tinh thần hơn là vật chất."
- "Thì tôi cũng nghĩ như bà, nhưng cụ thể là tặng gì đây?" - ông Thạch nhăn nhó.
Bà Thạch suy nghĩ một hồi lâu rồi bảo:
- "Chẳng phải ông có một cuốn sách về phong thủy rất hay sao, hay là ông tặng ông ấy đi, ông Cường vốn thích những điều huyền bí, chắc sẽ rất thích món quà này."
Đôi mắt ông Thạch sáng lên:
- "Ý kiến hay! Cuốn sách đó là báu vật của tôi, tặng nó cho lão Cường chắc chắn sẽ thể hiện được tình cảm của tôi dành cho lão. Đúng không bà?"
Bà Thạch gật đầu mỉm cười hài lòng:
- "Vậy ông cứ chuẩn bị đi. Tôi sẽ gói ghém thêm ít bánh để ông mang sang biếu ông ấy đi đường."
Ông Thạch gật đầu, lòng nhẹ nhõm, ông bước đến kệ sách, nhẹ nhàng lấy xuống cuốn sách cũ đã bám đầy bụi, khẽ vuốt ve bìa sách một cách trân trọng, ông tự nhủ, món quà này không chỉ là một món quà, mà còn là cả tấm lòng của mình dành cho người bạn đặc biệt của ông.
Khi màn đêm buông xuống, ông Thạch nằm trên giường, lòng đầy hồi hộp và tò mò. Ông tự hỏi, ngôi nhà của con người đầy bí hiểm như ông Cường sẽ như thế nào? Từ khi ông Cường xây xong nhà, ông chưa bao giờ bước qua cả.
Đúng giờ hẹn, ông Thạch bước đi trên con đường nhỏ dẫn đến nhà ông Cường, tay ôm món quà được gói ghém cẩn thận. Lòng ông tràn ngập sự phấn khởi xen lẫn tò mò. Khi đến gần, ông không khỏi kinh ngạc trước vẻ ngoài của ngôi nhà, căn nhà của ông Cường như một bóng đen âm u giữa những ngôi nhà khác, những dây leo già cỗi bám quanh tường, tạo nên những hình thù kỳ quái trong ánh hoàng hôn, cánh cửa gỗ cũ kỹ như đang thì thầm những câu chuyện bí ẩn từ quá khứ xa xôi.
Ông Thạch rụt rè gõ cửa, tiếng gõ vang lên trong không gian tĩnh mịch, như đánh thức những linh hồn đang say ngủ. Cửa mở ra, và ông Cường xuất hiện với nụ cười ấm áp quen thuộc.
- "Chào người bạn của tôi, mời ông vào nhà." - ông Cường giọng trầm ấm nói.
Bước vào trong, ông Thạch ngạc nhiên trước sự tương phản rõ rệt, bên trong nhà sạch sẽ đến bất ngờ, gần như trống trải với rất ít đồ đạc. Ánh sáng dịu nhẹ từ những ngọn đèn tỏa ra, tạo nên một không gian yên bình, gần như bình lặng.
Nhưng rồi, ánh mắt ông Thạch bị thu hút bởi một thứ kỳ lạ, trên bức tường sát cửa ra vào, một bộ sưu tập mặt nạ đủ màu sắc và hình dạng treo lơ lửng, như đang nhìn chằm chằm vào ông. Mỗi chiếc mặt nạ là một tác phẩm nghệ thuật quái gở và kỳ dị, từ những gương mặt méo mó đến những hình thù không thể định nghĩa.
Giữa tất cả, có một chiếc mặt nạ khiến ông Thạch không thể rời mắt, đó là một chiếc mặt nạ màu trắng, hình dạng một con quỷ có sừng dài, nhưng điều đáng sợ nhất là nụ cười của nó - một nụ cười méo mó, rộng đến tận mang tai, để lộ hàm răng nhọn hoắt. Nụ cười ấy như đang nhạo báng, như đang thách thức bất kỳ ai dám nhìn thẳng vào nó.
- "Lão thích bộ sưu tập của tôi sao?" - giọng ông Cường vang lên, kéo ông Thạch ra khỏi trạng thái mê mẩn.
Ông Thạch giật mình, quay lại cười nói:
- "À vâng... à cũng không phải là thích... chỉ là tôi thấy hơi rùng mình khi nhìn thấy những cái mặt nạ này thôi."
- "Haha... xin lỗi vì chúng đã làm lão thấy hơi sợ, chúng là những tác phẩm có một không hai của tôi đấy, đôi khi dùng để nhát vài đứa trẻ hư cũng rất hữu ích" - ông Cường cười sảng khoái nói.
Trong một thoáng, ông Thạch tự hỏi liệu mình có thực sự hiểu rõ về người bạn này không? Trong lòng vẫn còn đang ngẩn ngơ, thì Ông Cường đã kéo ông Thạch vào bàn ngồi và nói:
- "Nào, mời lão ngồi vào đây, chúng ta vừa ăn vừa nói tiếp.!"
Ông Thạch cũng nhanh chóng bước lại cái bàn nhỏ đã bày sẵn đầy đủ các đồ ăn uống, ông vui vẻ ngồi xuống để tránh thất lễ với bạn mình. Sau một hồi nhập tiệc, ông Thạch bất giác hỏi:
- "Thế lão lần này đi đâu, đi có lâu không?"
- "Không giấu gì lão, lần này tôi phải đi ra vùng Tây Bắc, có người nhờ tôi xem phong thủy cho nhà của họ; chuyến đi này có lẽ cũng phải mất cả tháng!" - ông Cường vừa ăn vừa chậm rãi nói.
- "Thế lão có quay lại đây không?" - ông Thạch buồn bã nói.
- "Cũng chưa biết nữa, nếu có duyên thì chúng ta gặp lại" - ông Cường cười nói.
Mặt ông Thạch tỏ ra buồn hẳn vì ông có linh cảm sẽ không gặp lại được người bạn vừa thông minh, vừa uyên bác như ông Cường nữa, thấy ông Thạch trầm ngâm ông Cường cười nhẹ rồi bảo:
- "Nhưng trước khi tôi đi, tôi có món quà đặc biệt tặng cho lão đây."
-"Ôi trời, lão không cần phải..." - ông Thạch định từ chối, nhưng ông Cường giơ tay ngắt lời.
- "Lão đừng từ chối vội đây không phải là quà vật chất gì đâu, chỉ là một lời dự đoán và một lời khuyên cho lão thôi." - ông Cường cười nói.
- "Hả...?" - Ông Thạch ngờ người khi nghe ông Cường nói như thế và như hiểu được ông Thạch đang nghĩ gì, ông Cường nói tiếp:
- "Lời dự đoán của tôi là: Ngày mai ông hãy tìm cho được vé số có dãy số 009143 và mua thật nhiều vào, càng nhiều càng tốt."
Ông Thạch há hốc mồm kinh ngạc. Ông Cường tiếp tục:
- "Còn lời khuyên của tôi là: khi có bất ngờ từ dãy số tôi cho lão, tuyệt đối không được nói với ông Khải biết"
- "Hả, tại sao...?" - ông Thạch ngạc nhiên hỏi, nhưng ông Cường chỉ lắc đầu.
- "Đó là tất cả những gì tôi có thể nói, hãy nhớ kỹ lời khuyên của tôi, lão Thạch ạ. Nó rất quan trọng với ông đấy."
Ông Thạch ngồi đó, đầu óc quay cuồng với những thông tin vừa nhận được, ông không biết liệu mình nên tin vào những điều mình vừa nghe hay không, dẫu biết lão Cường và lão Khải vốn không ưa nhau nhưng tại sao lại khuyên mình không nên chia sẻ niềm vui với ông Khải.
Sau bữa tiệc tại nhà ông Cường, ông Thạch chậm rãi bước về, đầu óc vẫn còn quay cuồng với những điều vừa nghe. Bóng tối đã bao trùm cả con đường làng, chỉ còn vài ngọn đèn le lói từ những ngôi nhà thấp thoáng. Vừa bước vào nhà, ông đã thấy bà Thạch đang ngồi đợi trong phòng khách với vẻ mặt lo lắng.
- "Ông về rồi à? Sao trông mệt mỏi vậy?" - bà Thạch hỏi, giọng đầy quan tâm.
Ông Thạch ngồi xuống bên cạnh vợ, thở dài:
- "Tôi có chuyện muốn kể với bà đây."
Ông từ tốn kể lại mọi chuyện xảy ra tại nhà ông Cường, từ bộ sưu tập mặt nạ kỳ lạ đến lời dự đoán về dãy số may mắn và lời khuyên không nên nói với ông Khải. Bà Thạch lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu không nói gì, nhưng khi nghe đến lời khuyên của ông Cường bà liền góp ý vào:
- "Ông Cường nói đúng đấy, tôi cũng chẳng ưa gì cái lão Khải ấy, vừa xấu tính, vừa keo kiệt."
Ông Thạch nghe vợ nói vậy thì không trả lời chỉ ậm ừ cho qua, không muốn bàn thêm. Hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp nhà cửa rồi lên giường đi ngủ, nhưng tâm trí ông Thạch vẫn không ngừng suy nghĩ về những lời của ông Cường.
Sáng hôm sau, ông Thạch ngồi trước cửa nhà, lòng buồn bã vì chưa kịp nói lời tạm biệt với người bạn tuy chưa quen lâu nhưng đã thành tri kỷ. Ánh nắng sớm mai rọi xuống, tạo những vệt sáng trên mặt đất ẩm ướt sau cơn mưa đêm, bỗng nhiên, một cậu bé bán vé số xuất hiện, tiến lại gần nhà ông mời mua vé số.
Định đưa tay từ chối không mua thì ông Thạch sực nhớ ra lời dự đoán của ông Cường, ông vội vàng gọi cậu bé vào nhà. Tim đập thình thịch, ông hỏi:
- "Này cháu, cháu có vé số nào mang dãy số 009143 không?"
Cậu bé gãi đầu rồi lật đi, lật lại xấp vé số, bỗng mắt nó sáng lên:
- "Dạ có thưa ông, cháu có cả một xấp 20 tờ mang dãy số đó đây này!"
Ông Thạch sững sờ, không tin vào mắt mình, đúng là dãy số ông Cường đã nói! Tay run run, ông quyết định mua hết cả xấp vé số, trả tiền vé số cho cậu bé, ông Thạch cũng tặng cho nó 1 tờ rồi bảo cất kỹ đừng bán cho ai.
Thằng bé không hiểu nhưng cũng ngoan ngoãn vâng dạ rồi quay lưng đi ra, ông Thạch ngồi lặng trên chiếc ghế mây quen thuộc, nhìn chằm chằm vào xấp vé số trên tay. Ông tự hỏi liệu lời tiên đoán của ông Cường có đúng không, và nếu quả thật trúng số, liệu ông có đủ sức để giữ bí mật với ông Khải không?
Kể từ khi mua được 20 tờ vé số mang dãy số kỳ lạ kia, ông Thạch cảm thấy như mình đang sống trong một giấc mơ, bình thường, một ngày của ông trôi qua rất nhanh giữa những công việc đồng áng và trò chuyện với hàng xóm láng giềng. Thế nhưng hôm nay, thời gian dường như đang trêu ngươi ông, mỗi phút trôi qua chậm chạp như cả thế kỷ.
Ông cố gắng tìm bận rộn với công việc hàng ngày, nhưng tâm trí cứ vẩn vơ về những con số 009143. Dù không dám hy vọng nhiều, song trong thâm tâm, ông vẫn tin rằng lời tiên đoán của ông Cường sẽ trở thành hiện thực. Cứ thế, ông Thạch trải qua cả ngày trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, mỗi lần nhìn đồng hồ, ông lại thở dài, tự hỏi tại sao thời gian lại trôi chậm đến vậy.
Cuối cùng, khi mặt trời đã bắt đầu ngả về phía tây, tin tức mà ông mong đợi cả ngày cũng đến. Tiếng loa phát thanh của xã vang lên, xướng lên dãy số trúng giải độc đắc, tim ông Thạch như ngừng đập khi nghe rõ từng con số: 0... 0... 9... 1... 4... 3...
Ông không tin vào tai mình, vội vã lấy xấp vé số ra đối chiếu, và tất nhiên là tất cả 20 tờ vé số của ông đều trúng giải độc đắc!
Chân ông run rẩy, phải vịn vào cột nhà để khỏi ngã, niềm vui sướng tột độ xen lẫn với sự kinh ngạc khiến ông không thốt nên lời. Ông Thạch nhìn quanh, muốn chia sẻ tin vui này với ai đó, nhưng rồi chợt lời dặn của ông Cường vang lên trong đầu ông: "Không bao giờ được nói chuyện này với ông Khải"
Trong giây phút ấy, ông Thạch bất chợt ánh lên một nỗi lo âu len lỏi vào tâm trí ông: Thật sự phải giữ cái bí mật này với ông Khải hay sao?
Ngồi xuống chiếc ghế mây quen thuộc trong sân, lòng ông Thạch đầy mâu thuẫn. Một bên là niềm vui sướng tột độ vì trúng số độc đắc, một bên là nỗi băn khoăn về lời dặn của ông Cường.
- "Thực sự phải giữ kín chuyện này với ông Khải sao?" - ông Thạch tự hỏi, ánh mắt nhìn xa xăm về phía chân trời, dù gì, ông Khải cũng là người bạn thân thiết của ông bao năm nay. Cuộc đời ông chỉ có hai người ông xem là bạn: một người đã đi xa, còn một người thì hơi xấu tính.
Thực ra thì qua bao năm chơi với nhau, ông Thạch cũng biết ông Khải là người xấu tính, keo kiệt và có chút thủ đoạn. Nhưng trong thâm tâm, ông không bao giờ nghĩ rằng ông Khải sẽ làm hại mình: "Hai thằng đã cùng nhau trải qua bao nhiêu sóng gió, làm sao lão ấy có thể hại mình chứ?" - ông tự nhủ.
Bỗng nhiên, một ý tưởng nảy ra trong đầu ông Thạch, ông liền vội vã bước vào nhà, tìm bà Thạch đang loay hoay trong bếp.
- "Bà ơi, chúng ta trúng số độc đắc rồi!"
- "Cái gì cơ, ông nói sao? Trúng số ư?" - Bà Thạch ngạc nhiên suýt đánh rơi cái chén đang cầm trên tay
Ông Thạch gật đầu, kể lại mọi chuyện cho vợ nghe. Sau đó, ông nói:
- "Tôi có một ý thế này. Bà hãy cất giữ một nửa số tiền trúng thưởng phòng khi có việc cần, nửa còn lại, tôi muốn chia sẻ niềm vui với bà con trong xóm và cả ông Khải."
- "Nhưng ông Cường đã dặn..." - bà Thạch nhíu mày.
- "Tôi biết, nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên quá đa nghi, dù sao lão Khải cũng là bạn lâu năm của tôi. Không lẽ chia sẻ với bà con trong xóm mà lại không chia sẻ với lão Khải thì tôi thấy cũng kỳ" - ông Thạch ngắt lời.
Bà Thạch im lặng một lúc rồi ngần ngại miễn cưỡng gật đầu:
- "Thôi thì, ông đã quyết vậy thì tôi nghe ông, chỉ xin ông hãy cẩn thận. Không biết phải giải thích với ông thế nào nhưng tôi luôn có linh cảm lời khuyên của ông Cường sẽ thành sự thật"
Ông Thạch không để ý nhiều đến lời của bà Thạch, ông chỉ mỉm cười, lòng nhẹ nhõm vì cho rằng mình đã đưa ra quyết định đúng đắn. Ông không ngờ rằng, quyết định này đã đưa ông đến một kết cục thảm khốc.
Được sự đồng thuận của vợ, ông Thạch liền chia sẻ tin vui với bà con lối xóm và ông Khải. Ông mời mọi người đến sân nhà mình, nơi những cây me già đang tỏa bóng mát rượi, Khi mọi người đã tụ tập đông đủ, ông Thạch liền thông báo về việc trúng số độc đắc, cả xóm nhỏ bỗng náo động lên.
- "Trời ơi, ông Thạch trúng số rồi!" Tiếng reo hò vang lên khắp nơi.
Mọi người đổ xô đến, vây quanh ông Thạch, ai nấy đều hân hoan chúc mừng, bà Tư hàng xóm, người quen thuộc với tính cách khảng khái của ông Thạch, lên tiếng:
- "Ôi giời ơi, ông trúng số là phải dòi. Người tốt bụng như ông, trời đất sao có thể bạc đãi được!"
- "Bà Tư nói đúng nha! Ông Thạch luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, đây chính là phúc đức tổ tiên tặng cho ông" - ông Năm trưởng thôn gật gù đồng tình.
Giữa không khí hân hoan đó, ông Thạch chậm rãi nói:
- "Kính thưa bà con, tôi nghĩ số tiền này không phải chỉ dành cho gia đình tôi, nên tôi muốn chia đều cho tất cả bà con trong xóm, để mỗi nhà đều có vốn làm ăn."
Lời nói của ông Thạch khiến mọi người sững sờ, rồi những giọt nước mắt xúc động lăn trên má những người hàng xóm. Bà Sáu, người góa phụ nghèo khó nhất xóm, nức nở:
- "Ông Thạch ơi, ông thật là người tốt bụng, ơn này, chúng tôi biết lấy gì mà đền đáp!"
Trong khi mọi người đang xúc động, ông Khải đứng ở một góc, vẻ mặt khó chịu. Mặc dù bên ngoài ông cố gắng tỏ ra vui vẻ, chúc mừng người bạn lâu năm, nhưng trong lòng lại đang sôi sục.
- "Cái lão Thạch này ngu thế, có được số tiền lớn thế này mà lại đem chia cho bọn cùng đinh!"
Nhưng lão Khải cũng miễn cưỡng bước đến, vỗ vai ông Thạch:
- "Chúc mừng lão nhé! Lão thật là may mắn!" - Lời nói nghe bùi tai như thế nhưng trong ánh mắt ông Khải lại không giấu được vẻ ghen tị và toan tính.
Ông Thạch trong niềm hân hoan, không nhận ra ánh mắt kỳ lạ của người bạn cũ. Lúc này ông chỉ cảm thấy hạnh phúc vì có thể chia sẻ may mắn của mình với mọi người, mà không hề biết rằng quyết định này đang đẩy ông vào tử lộ...
Ông Thạch bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để tiến hành lên nhận giải và nhờ chính quyền lập danh sách để thuận tiện cho việc chia số tiền cho bà con trong xóm, tin tức lan nhanh như cơn gió, khiến cả xóm nhỏ náo nức. Người người nhà nhà đều háo hức chờ đợi ngày ông Thạch phát tiền, lòng đầy biết ơn trước tấm lòng nhân hậu của ông.
Trong khi đó, ông Khải cũng nằm trong danh sách những người sẽ nhận được phần chia từ ông Thạch. Tuy nhiên, thay vì cảm kích thì lòng tham của ông ta ngày càng lớn. Ý nghĩ về số tiền lớn cứ ám ảnh ông Khải ngày đêm, khiến ông ta trằn trọc không yên.
- "Tại sao chỉ nhận một phần nhỏ, trong khi ta có thể có tất cả?" - Ý nghĩ đen tối cứ lởn vởn trong đầu lão Khải.
Nhưng rồi ông ta lại chùn bước: "Không được, không thể làm vậy. Mình sẽ bị bắt mất!"; ông ta bất giác rùng mình, cố gắng đẩy lùi những ý định xấu xa. Ngày qua ngày, lão ta liên tục đấu tranh giữa lòng tham và nỗi sợ hãi bị phát hiện, lão cân nhắc đủ mọi phương án, nhưng đều bác bỏ vì quá nguy hiểm và dễ bị phát hiện.
Rồi một đêm, khi trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên bầu trời đen kịt, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu ông Khải. Một kế hoạch đen tối, nhưng có vẻ hoàn hảo, ông ta ngồi bật dậy, mắt sáng lên trong bóng tối, miệng nở một nụ cười gian xảo.
- "Phải rồi, chính là nó! Chỉ cần một chút rượu, một chuyến dạo chơi bên bờ sông, và mọi chuyện sẽ như... một tai nạn..." - ông Khải thì thầm, giọng đầy phấn khích, một nụ cười gian trá nở rộng trên gương mặt, lòng tham đã che mờ lý trí, khiến ông ta không còn nghĩ đến hậu quả của hành động mình sắp làm, trong đầu lão ta giờ chỉ còn hình ảnh của đống tiền lớn kia.
Thế nhưng, ông Khải không hề hay biết rằng kế hoạch đen tối của mình đã bị phát hiện. Bên ngoài cửa sổ, trong bóng tối dày đặc của đêm khuya, một đôi mắt đỏ lè đang nhìn chằm chằm vào ông ta, đôi mắt ấy toát lên vẻ giận dữ và căm phẫn, như thể chủ nhân của nó đã biết được mọi ý đồ xấu xa trong tâm trí ông Khải.
Không khí đêm bỗng trở nên lạnh lẽo một cách kỳ lạ, nhưng ông Khải mải mê với kế hoạch của mình, không hề nhận ra sự hiện diện bí ẩn đang rình rập ngay bên ngoài.
Đêm trước ngày ông Thạch đi lãnh giải, lão Khải đã chuẩn bị sẵn kế hoạch. Với vẻ mặt vui vẻ giả tạo, lão ghé qua nhà ông Thạch:
- "Này ông bạn già, ngày mai là ngày trọng đại rồi. Hay ta ra quán nhậu một chút để chúc mừng nhé?"
Ông Thạch với tấm lòng chân thật, vui vẻ nhận lời. Hai người ngồi vào bàn, chai rượu đế được mở ra, lão Khải nâng ly, cười nói:
- "Nào, chúc mừng ông bạn may mắn của tôi!"
Ly này nối ly kia, ông Thạch uống ngon lành, không hề biết rằng lão Khải đang âm thầm thực hiện kế hoạch đen tối. Mỗi khi ông Thạch không để ý, lão lén đổ rượu trong ly mình xuống đất, vẻ mặt lão vẫn tươi cười, nhưng trong lòng đang âm ỉ một ngọn lửa tham lam.
Đêm đã dần về khuya, ông Thạch cũng đã say mèm, mắt lim dim, miệng lảm nhảm những câu không rõ ràng. Lão Khải biết đã đến lúc hành động, lão đứng dậy, giả vờ loạng choạng, giọng lè nhè:
- "Ông bạn già, về thôi! say quá rồi!"
Lão khoác vai ông Thạch, dìu ông ra khỏi quán, hai người vừa đi vừa hát, tiếng hát lè nhè vang vọng trong đêm tối. Nhưng trong khi ông Thạch thực sự say không biết trời đất, thì lão Khải vẫn tỉnh táo, từng bước đưa ông Thạch về phía bờ sông.
Ánh trăng mờ ảo phản chiếu trên mặt nước, tạo nên những gợn sóng bạc. Lão Khải liếc nhìn xung quanh, đảm bảo không có ai. Trong đầu lão, kế hoạch đen tối đã sẵn sàng được thực hiện, ông Thạch vẫn say mèm không hề hay biết hiểm nguy đang đến, thần chết đang rình rập ông...
Đêm đó, bờ sông vắng lặng chứng kiến một bi kịch, tiếng nước vỗ bờ át đi những âm thanh khác, như thể thiên nhiên đang che giấu một tội ác kinh hoàng. Khi bóng đêm dần tàn, mặt sông phẳng lặng không còn dấu vết của sự việc đêm qua, chỉ còn lại vài gợn sóng nhỏ đang dần lặng xuống.... Bình minh vừa ló dạng, vài người dân đánh cá sớm đã ra sông, khi thuyền ra tới giữa bờ sông, họ bàng hoàng khi phát hiện một thân ảnh quen thuộc đang nổi lềnh bềnh gần bờ, và nhanh chóng nhận ra xác chết đó là ai, tiếng kêu thất thanh vang lên, phá vỡ bầu không khí tĩnh mịch của buổi sớm mai:
- "Trời ơi! Ông Thạch!"
Tin ông Thạch gặp nạn lan nhanh khắp xóm làng như một cơn lốc, tiếng khóc than thảm thiết của những người hàng xóm tiếc thương cho người đàn ông tốt bụng nhưng bạc số. Bà Thạch gục ngã khi nhận tin dữ, các con ông cũng vội vã từ thành phố trở về, họ không thể tin khi nghe tai họa đột ngột này ập xuống nhà họ.
Cả xóm chìm trong không khí tang thương, những người dân nghèo mà ông Thạch đã hứa sẽ chia sẻ tiền thưởng giờ đây đau đớn khôn nguôi vì mất đi một người hàng xóm tốt bụng với tấm lòng nhân hậu hiếm có; họ khóc thương không phải vì mất đi cơ hội đổi đời, mà là vì họ chịu ơn ông Thạch quá nhiều, có lẽ cả đời này họ đã không còn cơ hội để trả ơn ông nữa. Giữa những tiếng khóc than và câu hỏi không lời đáp, lão Khải xuất hiện với vẻ mặt đau buồn giả tạo, lão tỏ ra bàng hoàng và đau đớn không kém gì những người khác, thậm chí còn kể lại việc mình và ông Thạch cùng nhau uống rượu tối qua, nhưng không ngờ đó lại là lần cuối cùng.
Trong khi cả xóm làng chìm trong đau thương, không ai để ý đến hai bóng người đứng lặng lẽ dưới tán cây già, đôi mắt sắc lạnh của một kẻ đó đang dõi theo từng cử chỉ của lão Khải, hắn như thể vô cùng căm giận với những ý nghĩ đen tối ẩn sau vẻ mặt đau buồn kia, còn kẻ kia không ai khác là lão Cường...
- "Ta đã dặn ông đừng nói cho "con ác quỷ" kia biết, nhưng ông lại không nghe lời ta, đáng buồn thay, lão Thạch ơi là lão Thạch..." - ông Cường lẩm bẩm với một hình ảnh không rõ nhân dạng vẫn đang im lìm với đôi mắt đỏ ngầu giận dữ.
Đám tang ông Thạch được tổ chức trong nước mắt và tiếc thương của cả làng, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu, bóng ma của sự thật vẫn đang ở đó, chờ đợi thời cơ để vén màn bí mật kinh hoàng này...
Sau đám tang ông Thạch, lão Khải trở về nhà, tâm trí nặng trĩu bởi tội lỗi và nỗi sợ hãi mơ hồ. Gió rít từng cơn qua khe cửa như tiếng thì thầm ma quái hay như là lời nguyền rủa, lão thấy ngôi nhà mình ở quen thuộc nay tự nhiên lại lạnh lẽo vô cùng, đêm nay im ắng đến lạ, một tiếng côn trùng kêu cũng không có, cố nén nỗi sợ hãi, lão ta leo lên giường rồi nhắm mắt ngủ, nhưng từng cơn gió thổi qua cứ như là từng tiếng gào thét vang vọng trong đêm tối.
Bỗng nhiên, lão nghe thấy tiếng bước chân chậm rãi, nặng nề vang lên từ phòng khách, tim lão Khải đập thình thịch, mồ hôi lạnh toát ra, khi nhận ra âm thanh quen thuộc của đôi dép ông Thạch vẫn hay mang qua nhà mình khi ông Thạch còn sống. Một luồng gió lạnh buốt xương tủy ùa mạnh vào, dù cửa sổ vẫn đóng chặt, chiếc đồng hồ treo tường bỗng đột ngột ngừng chạy ở con số 22h14 - thời khắc định mệnh mà lão ta đẩy ông Thạch xuống lòng sông lạnh.
Quá kinh hãi, lão Khải bật dậy nhìn quanh thì không còn nghe một tiếng động nào, mọi thứ như chìm vào im lặng đến rợn người. Lão Khải đưa tay lau bớt mồ hôi đang ướt đẫm trên trán, bất giác lão ta hướng mắt ra cửa sổ và giật mình khi thấy một bóng đen lướt qua sân nhà nhanh như cắt; cả thân người run rẩy, lão há hốc, rồi cố hét thật to gọi bọn người làm nhưng không ai đáp trả, gọi thêm mấy lần nữa nhưng đáp lại lão ta vẫn chỉ là một khoản không đen đúa và yên tĩnh...
Làu bàu chửi thề vài câu rồi đưa chân xuống giường, tay với lấy cái đèn pin để trên tủ nhỏ đặt sát tường, lão Khải chầm chậm lê bước ra ngoài xem đó là ai. Cánh cửa gỗ kêu lên những tiếng rỉ sét khi mở ra, ánh đèn pin rọi khắp nơi nhưng xung quanh chỉ là một màu đen tĩnh mịch, đến khi ánh đèn pin rọi xuống hành lang thì lão ta phát hiện một sự việc kinh hoàng; từng vũng nước mang dấu chân người bốc mùi tanh tưởi trải dài từ cửa nhà đến tận cổng, như dấu vết của một ai đó vừa từ sông sâu trồi lên để lại.
Quá sợ hãi, lão Khải đứng yên chết lặng, toàn thân lão tê cứng, phải sau một hồi lâu, lão mới bình tĩnh trở lại, dùng hết sức bình sinh còn lại cố gắng đóng cánh cửa gỗ nặng nề kia. Vừa chốt khóa cửa cẩn thận, định quay trở lại giường thì lão kinh hoàng hét toáng lên vì từ trong bóng tối của căn nhà, một đôi mắt đỏ ngầu đang nhìn chằm chằm vào lão ta, toát lên sự căm hận không thể diễn tả bằng lời.
Tiếng kêu thét kinh hoàng của lão Khải xé toạc bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, vang vọng khắp căn nhà và vang ra cả xóm làng, nhưng lạ thay, không một ai chạy tới để xem chuyện gì đang xảy ra. Dường như chỉ mình lão mới cảm nhận được sự hiện diện ghê rợn đó, như thể lão đang bị nhấn chìm trong một cơn ác mộng riêng, nơi tội lỗi của lão đang quay về để đòi nợ.
Suốt một đêm dài, lão Khải không dám nhắm mắt, cứ thế ngồi co ro trong góc nhà, run rẩy chờ đợi bình minh, hai tay lão chắp lại, liên tục cầu thần bái phật, mong ánh sáng ngày mới nhanh tới để xua tan đi những bóng ma đang bủa vây.
.........
Ánh bình minh vừa ló dạng, xua tan bóng tối của đêm kinh hoàng, lão Khải đã tỉnh giấc sau một đêm gần như thức trắng đầy ám ảnh, gương mặt xanh xao, hốc hác, đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, lão lảo đảo bước ra khỏi nhà. Trong lòng vẫn còn văng vẳng tiếng bước chân nặng nề và hình ảnh đôi mắt đỏ rực nhìn chằm chằm từ bóng tối. Sương sớm còn giăng mắc trên những ngọn cỏ, lão Khải lê bước trên con đường làng vắng lặng, mỗi một tiếng động nhỏ cũng khiến lão giật mình thon thót, đôi chân run rẩy cố lê từng bước vội vã đến nhà ông Thạch, nơi giờ đây đã trở thành một ngôi nhà tang.
Khi đến nhà, bà Thạch vẫn ngồi sững sờ bên bàn thờ vong của người chồng quá cố, ông Khải cố nở một nụ cười gượng gạo nói:
- "Chào chị, tôi đến thắp nén hương cho lão Thạch, đêm qua nhớ bạn, mãi không ngủ được!".
Bà Thạch vẫn ngồi im không đáp, cũng không thèm nhìn ngó gì đến lão Khải, trong thâm tâm bà, bà vẫn tin rằng cái chết của chồng mình chính do lão già xấu tính này gây ra, nhưng luật pháp muốn buộc tội ai thì phải có chứng cứ, công an thì vẫn đang điều tra; bà Thạch nghĩ vậy thì nén lòng tức giận, thở dài đứng lên, quay lưng đi thẳng vào trong.
Lão Khải cũng không màng đến thái độ dửng dưng của bà Thạch, lúc này trước bàn thờ của người bạn quá cố, lão đứng chết lặng nhìn bức ảnh ông Thạch đang mỉm cười hiền hậu. Lão run run thắp nén nhang, khói hương bay lên nghi ngút, lão quỳ xuống, giọng lí nhí:
- "Lão Thạch ơi, tôi biết lỗi rồi. Xin lão tha thứ cho tôi!"
Lão Khải cúi đầu nhưng đôi mắt gian ác vẫn liếc nhìn xung quanh như sợ có ai đó đang theo dõi từng hành động đen tối của mình. Căn nhà im lìm đến rợn người, chỉ có tiếng gió rít qua khe cửa tạo nên những âm thanh rời rạc như có ai đang xì xào bàn tán.
- "Tôi hứa sẽ mang hoa quả, trái cây đến cúng tạ lỗi với lão, xin lão đừng về phá tôi nữa!" - lão Khải giọng vẫn lí nhí khấn.
Trong suốt lời khấn tạ lỗi, lão Khải vẫn không hề có ý nhắc đến số tiền đã lấy cắp, lão chỉ đơn giản nghĩ rằng, có lẽ với chút lễ vật nhỏ nhoi này, hồn ma ông Thạch sẽ nguôi giận và để lão yên. Khi lão Khải vừa cắm nén hương vào bát nhang và đứng dậy thì một cơn gió lạnh bất chợt thổi qua, làm nén nhang vừa thắp bỗng cháy bùng lên dữ dội. Lão giật mình quay lại thì thấy trong làn khói mờ ảo một khuôn mặt giận dữ xuất hiện, rồi như có ai đó thét bên tai:
- "Trả tiền cho tao! Khải! Trả lại tiền cho tao...!" - Tiếng thét đó nghe như tiếng của từ người bạn quá cố mà lão đã ra tay sát hại.
Lão Khải không dám nấn ná ở lại nữa, vội vã bước ra khỏi nhà ông Thạch, không dám ngoái lại. Khi ra đến cổng, lão bỗng cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình, quay lại, lão thấy tấm ảnh ông Thạch trên bàn thờ dường như đang nhìn thẳng vào mắt lão Với ánh mắt đầy căm phẫn, nụ cười hiền hậu giờ đây là một cái cười đầy đáng sợ...
Sau khi từ nhà ông Thạch về, lão Khải nằm vật ra giường, cơ thể rã rời vì cả đêm gần như thức trắng, đôi mắt cay xè vì mỏi mệt, nhưng mỗi khi nhắm lại, hình ảnh đôi mắt đỏ ngầu kia lại hiện về. Lão cố gắng ngồi dậy, lê bước ra chiếc võng tre treo ngay trước nhà, hy vọng gió mát sẽ xua tan đi cơn mệt mỏi. Chiếc võng đong đưa, từng cơn gió nhẹ thổi thiêu thiêu khiến lão Khải nhanh chóng đi vào giấc ngủ, nhưng vừa chợp mắt được một lúc, lão bỗng giật mình tỉnh giấc vì trong cơn mơ màng, lão lại thấy ông Thạch, gương mặt đầy đất bùn, đang đứng bên cạnh, nước sông ôi thối nhễ nhại từ quần áo ông ta nhỏ xuống gương mặt mình, lão giật mình hét lớn, ngã sấp khỏi võng, tim đập thình thịch như muốn vỡ tung.
Từ từ ngồi dậy sau cú ngã đau, lão Khải biết rằng căn nhà bao nhiêu năm lão vẫn ở nay đã trở thành căn nhà ma, u ám và lạnh lẽo. Lão biết đêm nay phải rời khỏi nhà, không thể nào ở lại được nữa, đôi tay run rẩy, lão vơ vội vài bộ quần áo, ném vào một cái túi cũ, dặn bọn người làm đóng cửa cẩn thận rồi lặng lẽ đi thẳng, không dám quay nhìn vào căn nhà mình ở nữa. Ánh hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống, bóng tối dần lan tỏa khắp xóm làng...
Bóng đêm dần buông xuống, bao trùm con đường làng trong một màn sương mờ ảo, tiếng côn trùng rả rích hòa quyện với tiếng gió thổi qua những tán cây, tạo nên một bản nhạc ma quái của đêm tối. Sau khi ăn tối và làm vài chung rượu tại quán ăn đầu xóm để xua tan cái lạnh, lão Khải miễn cưỡng rời khỏi quán, bước vào màn đêm dày đặc.
Con đường làng giờ đây vắng tanh, không một bóng người. Ánh sáng hiu hắt từ những trụ đèn đường cố gắng xuyên qua làn sương mù, tạo nên những vùng sáng tối đan xen, lão Khải bước đi vội vã, lòng nặng trĩu những lo âu và sợ hãi. Bỗng, có tiếng bước chân vang lên từ phía sau, chậm rãi nhưng đều đặn, tim lão Khải đập thình thịch, cổ họng khô ran, lão nhanh chóng ngoái lại, nhưng chẳng có gì ngoài một màu đen tăm tối và con đường hiu hắt ánh sáng mờ ảo.
Mồ hôi lạnh toát ra trên trán lão Khải, tuy miệng cố gắng tự nhủ đó chỉ là ảo giác, nhưng trong thâm tâm, lão biết rằng oan hồn của ông Thạch vẫn đang đuổi theo, và có lẽ sẽ không bao giờ buông tha. Không còn cách nào khác, lão Khải đành bụng bảo dạ, cố gắng bịt hai tai lại, lầm lũi đi tiếp trên con đường tăm tối.
Đi được chừng trăm mét thì lão ta đến một ngã ba đường, lão Khải chợt dừng lại, lưỡng lự không biết nên đi đâu, bên trái là con đường dẫn đến nhà người em họ, cũng là một nơi có thể tá túc qua đêm, còn bên phải là đường ra bến đò, từ đó có thể sang làng bên cạnh. Cuối cùng, lão Khải quyết định đi về phía bến đò, lão tự nhủ càng rời xa khỏi nơi này càng tốt. Bóng đêm dày đặc bao trùm con đường mòn dẫn đến bến sông, chỉ có ánh trăng mờ soi rọi lối đi, tiếng côn trùng rả rích hòa cùng tiếng nước vỗ bờ tạo nên một bản nhạc ma quái của đêm đen.
Khi đến gần con sông, tim lão đập nhanh hơn vì xung quanh không còn một bóng đò nào cả, mặt nước đen ngòm phản chiếu ánh trăng, tạo nên những gợn sóng bạc trông như những bàn tay ma quái đang bò lên bờ, lão đứng chết lặng nhìn quanh, cố tìm lấy một chiếc ghe đánh cá đêm để đi nhờ, đang không biết phải làm gì tiếp thì bỗng nhiên, từ trong màn sương mù dày đặc, một con đò từ từ hiện ra, chèo về phía lão đang đứng. Tiếng mái chèo khua nước nghe rõ mồn một trong đêm vắng, người lái đò lù lù xuất trong ánh trăng mờ, cất giọng ồm ồm khó nghe:
- "Chào ông, ông cần sang sông?"
- "Phải, mày mau đưa ông sang sông! Ông sẽ cho mày tiền, nhiều tiền là đằng khác!" - Lão Khải mừng như bắt được vàng, không kịp suy nghĩ mà nói.
Nghe đến đó, người lái đò bỗng cười lên the thé, âm thanh chói tai vang vọng khắp mặt sông.
- "Tiền sao? Mày có nhiều tiền lắm hả? Vậy tiền mày lấy của tao đâu? Trả lại cho tao!"
Lão Khải giật mình, cảm thấy có điều gì đó không ổn, lão cố nhìn kỹ người lái đò trong ánh sáng nhập nhoạng, thân hình gầy gò, ướt sũng nước, khuôn mặt xanh xao với đôi mắt đen ngòm trống rỗng đang nhìn chằm chằm vào lão, lão Khải kinh hoàng nhận ra đó chính là ông Thạch!
- "Không... không thể nào! Mày đã chết rồi mà!"
Bóng ma ông Thạch chậm rãi bước ra khỏi con đò, nước nhễ nhại chảy xuống tạo thành vũng dưới chân, miệng rên hừ hừ, nói:
- "Phải, tao chết rồi, nhưng từ dưới đáy sông lạnh, tao quay về để vạch mặt thằng bạn bất nhân này, trả lại tiền cho tao, trả lại mạng cho tao!"
Lão Khải quay người bỏ chạy, nhưng chân lão như bị đóng đinh xuống đất, từng bước chân nặng nề của ông Thạch tiến đến gần, tiếng nước chảy ròng ròng theo sau. Trong cơn hoảng loạn tột độ, lão Khải gào lên và lao mình về phía trước, bỏ lại phía sau tiếng cười ma quái của ông Thạch vang vọng trong đêm tối...
Bóng tối dày đặc bao trùm con đường làng vắng lặng, lão Khải cứ chạy thục mạng, hơi thở gấp gáp, tim đập thình thịch trong lồng ngực, phía sau, tiếng cười ma quái của hồn ma ông Thạch vẫn vang vọng, đuổi theo từng bước chân của lão, mồ hôi lạnh toát ra, ướt đẫm lưng áo, nhưng lão không dám dừng lại dù chỉ một giây. Cuối cùng, ngôi nhà quen thuộc của người em họ hiện ra trước mắt như một ốc đảo cứu lấy cơn khát của lão Khải giữa sa mạc. Lão lao đến, đấm cửa ầm ĩ, tiếng đập cửa vang vọng trong đêm tĩnh mịch.
- "Mở cửa, mở cửa mau!" - Tiếng lão hét lên khàn đặc vì sợ hãi.
Bên trong, người em họ giật mình tỉnh giấc, anh ta vội vã chạy ra xem là ai, tay cầm chiếc đèn dầu leo lét; nhận ra đó là anh mình, anh ta vội vàng tìm chìa khóa để mở cửa. Cánh cửa vừa hé mở, lão Khải lao vào như một cơn gió, suýt làm người em ngã nhào.
Trong nhà, người em mở đèn sáng trưng, lúc này anh mới thấy gương mặt lão Khải hiện lên xanh xao, mắt trợn trừng đầy kinh hoàng, lão ngồi phịch xuống chiếc ghế gỗ, thở hổn hển, không nói nên lời. Người em họ nhìn lão lo lắng, vội vàng rót một ly nước ấm, rồi hỏi:
- "Anh Khải, có chuyện gì vậy? Sao anh trông hoảng hốt thế?"
Lão Khải run rẩy cầm lấy ly nước, nhưng tay lão run đến nỗi nước đổ ra cả bàn, người em hỏi gì lão cũng chỉ lắc đầu, ánh mắt vẫn đầy vẻ sợ hãi nhìn về phía cánh cửa đã đóng chặt.
Bỗng nhiên, tiếng chó sủa inh ỏi vang lên từ ngoài sân, người em họ nghe tiếng chó thì đứng dậy, định ra xem có chuyện gì, nhưng lão Khải vội vàng túm lấy tay áo anh ta, giọng run rẩy:
- "Đừng... đừng mở cửa! Là ma, là ma đó!"
Người em ngạc nhiên nhìn lão, không tin vào tai mình, anh ta liền quyết định hé cửa nhìn ra; Ngoài kia, con chó đang sủa dữ dội vào bóng đêm, mỗi ba tiếng sủa ngắn lại kèm theo một tiếng tru dài rợn người, một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng người em họ, anh ta vội đóng cửa lại, rồi quay sang định nói gì thì anh thấy lão Khải co rúm trên ghế, mắt nhắm nghiền như thể đang cố xua đuổi một hình ảnh kinh hoàng nào đó. Như đã hiểu được chuyện gì đó người em họ ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi:
- "Anh Khải, anh nói thật đi, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra vậy?"
Lão Khải mở mắt, nhìn người em họ với ánh mắt đau khổ, sau một hồi im lặng, lão bắt đầu kể lại mọi chuyện, giọng lúc cao lúc thấp, đôi khi ngắt quãng vì xúc động, lão bắt đầu kể về việc trúng số, về hồn ma ông Thạch, về những điều kỳ quái đã xảy ra. Tuy nhiên, lão lại giấu nhẹm phần mình đã hại chết ông Thạch, mà thay vào đó, lão bịa ra rằng ông Thạch đã gặp tai nạn và nhờ lão đưa lại số tiền trúng thưởng cho vợ ông Thạch, nhưng lại nổi lòng tham mà cướp đi số tiền đó, nên bị hồn ma bám theo đòi nợ.
Người em họ lắng nghe, vừa kinh ngạc vừa hoang mang, anh ta không biết nên tin hay không tin vào câu chuyện tâm linh kỳ lạ này. Nghe xong câu chuyện, anh khuyên:
- "Anh ạ, theo em thấy làm vậy không được đâu, anh nên đem trả tiền lại cho người ta...! Tiền không phải của mình thì mãi mãi không phải của mình...!"
- "Mày nói cái gì vậy? Đây là số tiền rất lớn, sao có thể trả lại được! Mày không hiểu gì hết...!" - Lão gầm lên đầy giận dữ.
- "Nhưng nếu anh không trả lại, hồn ma đó sẽ mãi bám lấy anh, không lẽ anh muốn sống trong sợ hãi suốt đời sao?" - Người em họ vẫn giữ bình tĩnh, cố gắng khuyên răn.
Lời nói vừa dứt, một cơn gió mạnh bất ngờ ùa vào, thổi bật cánh cửa chính, ánh trăng lạnh lẽo tràn vào căn phòng và trong ánh sáng mờ ảo đó, một hình bóng kinh dị dần hiện ra - hồn ma của ông Thạch với đôi mắt đỏ ngầu trừng trừng nhìn lão Khải, toàn thân ướt sũng, tỏa ra mùi tanh tưởi của nước sông.
- "Trả mạng cho tao... trả tiền cho tao!!!...Khải, thằng bất nhân!!" - Ông Thạch rên lên từng hồi với âm giọng the thé đầy oán hận
Lão Khải sợ hãi co rúm lại, tay chân run rẩy không ngừng, người em họ đứng chết lặng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh ta ngơ ngác nhìn từ hồn ma ông Thạch sang lão Khải, "Sao cơ, đòi mạng ư?" - Anh ta lẩm bẩm, cảm thấy có điều gì đó không ổn trong câu chuyện lão Khải vừa kể.
- "Sao lại đòi mạng? Anh Khải, anh giết người sao...?!" - Người em họ sững sờ hỏi.
Căn phòng chìm trong một bầu không khí nặng nề, đầy sự sợ hãi, lão Khải lúc này như thể bị dồn vào đường cùng, lão bật khóc nức nở, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt già nua, hòa lẫn với mồ hôi lạnh toát ra vì sợ hãi.
- "Tao... tao không cố ý giết mày.... Đó... đó chỉ là một tai nạn...!?" - Lão Khải lắp bắp giọng run rẩy cố lấp liếm đi tội lỗi của mình.
- "Tai nạn? Mày đã có chủ đích đẩy tao xuống sông ngay từ đầu! Vì lòng tham mà mày giết tao!" - Hồn ma ông Thạch gầm lên giận dữ, tiếng gầm như sấm dậy làm rung chuyển cả căn nhà nhỏ.
Người em họ kinh hoàng trước sự thật đang dần hé lộ, anh ta nhìn lão Khải, đôi mắt đầy sự thất vọng nói:
- "Anh... anh giết ông ấy sao? Sao anh có thể làm vậy...?"
- "Là do lòng tham và sự đố kỵ của hắn ta với người bạn của mình...!" - Một giọng nói quen thuộc vang lên.
Từ ngoài cửa, một luồng gió lạnh mang theo sương đêm dày đặc thổi vào làm lão Khải và người em họ rùng mình, một bóng người từ từ bước ra trong làn sương khói trắng, ông ta mặc một bộ vest đen, đeo một chiếc mặt nạ màu trắng hình gương mặt quỷ dữ tợn.
- "Lão Cường, lão Cường đúng không...?!" - lão Khải giọng run run nói
- "Ông nhận ra ta thì chắc chưa quên lời khuyên của ta chứ hả...?!" - kẻ đeo mặt nạ trắng nói.
Lão Khải nghe nói thế thì không nói gì thêm, cúi đầu im lặng, có lẽ trong tâm lão đang xấu hổ vì một điều gì đó.
- "Thật đáng thất vọng, vốn dĩ ta định đến đây nghỉ ngơi sau nhiều chuyện đã làm, nào ngờ lại kết giao được với hai người bạn... Hai người bạn với hai lời khuyên nhưng không kẻ nào làm được..." - kẻ đeo mặt nạ trắng nói tiếp.
Hồn ma ông Thạch quay sang hỏi:
- "Sao cơ, ông cũng cho lão Khải lời khuyên gì à?"
- "Ta đã bảo ông ấy hãy tránh xa ông trong một tuần, nếu không muốn gặp tai họa. Nhưng ông ta không nghe..." - kẻ đeo mặt nạ từ tốn nói.
Trong không khí căng thẳng của căn phòng, mọi chuyện bắt đầu quay lại ngày diễn ra bữa tiệc chia tay tại nhà ông Cường, hóa ra lão Khải đã tìm đến ông Cường trước khi ông Thạch đến. Lão ta nghe ông Thạch nhiều lần nhắc đến khả năng tiên tri kỳ lạ của ông Cường, nên trong lòng dấy lên sự tò mò không thể cưỡng lại được.
Tối ngày hôm đó, lão Khải đến nhà ông Cường với vẻ mặt huênh hoang và háo hức. Ông Cường thấy lão tới thì vẫn tiếp đón lão với thái độ bình thản, như thể ông đã biết trước về việc này.
- "Tôi nghe nói ông có khả năng tiên tri hay lắm, nay tôi muốn mở mang tầm mắt chút" - Lão khải cười đắc chí.
- " Ông muốn biết về chuyện gì" - Ông Cường thản nhiên hỏi.
- "Thì chuyện sắp tới trong tương lai, ông thử đoán xem tôi sẽ gặp phúc hay họa?!" - Lão Khải cười biểu môi.
- "Trong một tuần tới, hãy tránh xa ông Thạch nếu không muốn gặp tai họa!" - Ông Cường đưa ra một lời cảnh báo đầy bí ẩn
Lão Khải nghe không hiểu, thậm chí còn cho rằng ông Cường đang đùa cợt hoặc có ác ý với mình. Lão cười khẩy bỏ ngoài tai lời cảnh báo này, lão khệnh khạng đứng lên đi về mà không biết rằng lời cảnh báo này đã gán vào người lão một cái hoạ to lớn.
Trở lại với hiện tại, lão Khải lúc này vẫn ngồi ủ rũ với hai hàng nước mắt khi hiểu ra lời cảnh báo của ông Cường ngày đó
- "Tôi nghĩ ông nói đùa vì ghét tôi..." - lão Khải nói.
- "Ta không ghét ai trong hai ông cả, thậm chí ta còn coi cả hai ông là hai người bạn tâm giao, ta không thể trái luật nhưng cũng muốn ngăn chặn bi kịch này nên mới cho hai ông, mỗi người một lời cảnh báo. Thế mà cả ông và ông Thạch đều không nghe lời ta." - Kẻ đeo mặt nạ trắng giọng ngậm ngùi nói.
Những lời nói của ông Cường làm lão Khải hối hận vô cùng, chỉ vì lòng tham mà giờ đây lão đã hại chết người bạn thân nhất của mình và sắp tới lão còn phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật ở tuổi xế chiều, hồn ma ông Thạch lúc này cũng dần dịu lại, không còn tỏa ra oán khí nặng nề nữa...
- "Xin lỗi vì đã cắt ngang câu chuyện của ba người, tôi không hiểu ba người nói gì nãy giờ, tôi chỉ muốn hỏi là làm thế nào để kết thúc chuyện này?" - người em họ đứng kế bên nãy giờ lên tiếng.
- "Dương gian có luật thì cõi âm cũng có luật, có vay có trả, làm ác thì nhận quả ác... Hãy trả lại mọi thứ không phải là của mình và đi nhận lấy sự trừng phạt của luật pháp. Nếu vẫn giữ lòng tham, thì hậu quả sẽ không còn nhẹ nhàng như vậy đâu..." - kẻ đeo mặt nạ trắng nghiêm nghị nói
Lão Khải nghe vậy thì quỳ lên, vái lạy hồn ma của ông Thạch rồi nói:
- "Xin lão hãy tha lỗi cho tôi; Tôi xin trả lại tất cả những gì tôi đã cướp của lão, và chịu sự trừng phạt của pháp luật... Chỉ xin lão hãy tha thứ cho tôi...!"
Hồn ma ông Thạch nhìn lão Khải lạy mình như tế sao thì không nói gì, lặng lẽ từ từ biến mất vào trong không gian tăm tối, kẻ đeo mặt nạ trắng cũng quay lưng lặng lẽ rời khỏi căn nhà của anh em lão Khải.
......
Ánh bình minh đầu tiên vừa ló dạng trên bầu trời xóm nhỏ, tin tức về lão Khải đã lan truyền như cơn lốc, tiếng xì xào, bàn tán vang lên từ mọi ngóc ngách:
- "Nghe gì chưa? Lão Khải bị công an bắt rồi đó!!!"
- "Gì cơ? Sao ổng bị bắt vậy?"
- "Nghe đâu liên quan đến cái chết của ông Thạch...!"
Những người dân tụ tập thành từng nhóm nhỏ, chia sẻ những thông tin mà họ biết được, nhiều người tỏ ra vui mừng, cảm thấy công lý cuối cùng cũng được thực thi, một cụ già trong xóm khi nghe xong tin tức thì lắc đầu, thở dài:
- "Thật là một bi kịch, cứ tưởng là hai người bạn thân... Nào ngờ...!"
Trong khi đó, tại nhà ông Thạch, bà Thạch đang thực hiện di nguyện cuối cùng của chồng, đôi mắt đỏ hoe vì khóc quá nhiều, bà cẩn thận chia những phần tiền từ tấm vé số trúng thưởng. Từng người dân nghèo trong xóm lần lượt được gọi tên, nhận phần tiền mà ông Thạch đã hứa.
- "Cảm ơn bà... Cảm ơn ông Thạch, ông bà thật tốt bụng...!" - một người phụ nữ nghèo nói trong nước mắt.
Bà Thạch mỉm cười gật đầu, cố nén nước mắt:
- "Đây là ý nguyện cuối cùng của nhà tôi, ông ấy muốn giúp đỡ mọi người, dù cho... dù cho ông ấy không còn nữa."
Niềm vui và sự biết ơn tràn ngập khắp xóm nhỏ, nhiều người dân nghèo lần đầu tiên cảm thấy họ có cơ hội để thay đổi cuộc sống nghèo khó của mình... Trong khi niềm vui và sự biết ơn tràn ngập khắp xóm làng nhỏ bên dòng sông miền Tây, không ai hay biết về những sự kiện kinh hoàng đã diễn ra hai đêm qua, giờ đây chỉ còn tiếng cười nói, tiếng chúc tụng vang lên từ mọi ngóc ngách, thời gian sẽ mãi trôi và dần che lấp đi câu chuyện về bi kịch của hai người bạn, về lòng tham, sự đố kỵ và phản bội, nó mãi mãi là một bí ẩn được chôn kín.
Tiếng gió thổi qua những tán cây già cỗi, dưới bóngtối dày đặc và sâu thẳm, kẻ đeo mặt nạ trắng vẫn yên lặng ngắm nhìn nhân gian...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top