4

Truyện Ma có thật ở miền Tây: CẮM CÂU ĐÊM

Nói về ma thì từ bé đến giờ tuy tôi chưa từng gặp nhưng vẫn tin rằng nó tồn tại xung quanh chúng ta. Những câu chuyện được ông bà xưa kể lại, nhất là những người đã trải qua giai đoạn chiến tranh ác liệt, khi đất nước còn khó khăn, điện đài, đường xá, nhà cửa vẫn còn hạn chế thì  trong giai đoạn này ma xuất hiện nhiều nhất. Sau đây là câu chuyện chính tôi được nghe kể lại từ những người lớn tuổi ở vùng miền tây sông nước, những người lao động thật thà, chất phát thì dám chắc hai từ “bịa đặt” để hù doạ con nít sẽ không tồn tại ở đây.

Miền tây là nơi được thiên nhiên ưu ái một nguồn thuỷ sản hết sức phong phú với lượng sông ngòi chằng chịt. Hậu Giang quê tôi cũng được thừa hưởng một phần như thế. Để phần nào cuộc sống người dân những năm sau giải phóng đỡ vất vả hơn, chén cơm manh áo mỗi gia đình không còn khiến họ bận tâm khi mà chim trời, cá nước bạt ngàn tha hồ bắt. Ông Sáu (giờ hơn 70 rồi) ở cách nhà tôi hai căn kể lại. Thời đó cá lóc, cá trê, rùa, rắn, tôm…nhiều vô số, ai muốn ăn chỉ cần tự làm dụng cụ bắt rồi ra ruộng hơn chục phút là mang về ăn ngán tthì thôi. Ông kể vui: Nhiều khi đi cắm câu ban đêm cá lội đụng vào xuồng mà muốn chìm xuồng. Ông Sáu ở xóm tôi nổi tiếng là dân sát cá, chỉ cần mang theo năm chục cây cần câu sau 1 đêm là có gần 30kg cá lóc, cá trê mà con nào cũng to, phải ba người mới ăn hết một con. Cũng chỉ dùng mồi trùng (giun), dế mà ko ai câu được như ông, nếu có thì may lắm cũng được 1-2 con to, còn lại chỉ thuộc dạng vừa thôi. Người ta nói ngoài cách móc mồi ông còn có cách cắm câu độc đáo, đây là bí quyết để bắt được cá to. Nhưng bí quyết đó là gì thì đành chịu vì hỏi ông chỉ cười cười như “giấu nghề” vậy.

Cắm câu ở miền tây khá thú vị, giới thiệu sơ qua một tí: cần câu được làm bằng tre, tầm tám tấc, tre được vuốt nhỏ như đũa ăn, phần đầu dẹp và phải được uống cho dẻo để có khả năng chịu được sức ghì của cá, phần thân tròn và phần cuối phải nhọn để dễ dàng cấm xuống đất. Để chuẩn bị cho 1 đêm cấm câu việc cần làm là ban ngày phải đào trùng. Thường trùng hổ là món cá trê khoái nhất. Nếu tháng nắng thì tìm chỗ đất ẩm đào đa phần là trùng chỉ cũng làm mồi được. Ngoài ra còn bắt dế cơm ở mấy đống rơm ẩm hoặc nhái bầu đây là 2 món ăn ưa thích của cá lóc. Những ai ở thành phố lâu lâu về miền tây cũng đều muốn đi cấm câu 1 đêm để khám phá cái không gian yên ắng mà cũng đầy huyền bí. Nhưng đó chỉ là thú vui – đi cho biết, đi để trải nghiệm, đi theo đám đông… chứ những ai như ông Sáu thì đây coi như đó là một cái nghề phải gắn bó với nó để nuôi sống gia đình. Dù vất vả, dù có đêm gặp những thứ không muốn gặp thì ông vẫn phải đi, vì cuộc sống mưu sinh.

Đây là câu chuyện tôi được nghe ông kể lại, lúc đó tôi mới học lớp 6 cách đây hơn 10 năm rồi mà mỗi khi nhắc lại vẫn còn ghê rợn.

6 giờ tối như thường lệ ông Sáu vác bó câu và lon trùng ra sau hè, leo lên cái xuồng cũ kỹ, thứ mà đã gắn bó với ông hơn 20 năm với cái nghề này. Ông chống xuồng ra ruộng bắt đầu công việc. Mất hơn 15 phút mới ra tới chỗ. Nhờ đêm tháng 7 trăng sáng nên cũng tiện cho ông trong việc móc mồi. Xong xuôi ông tìm những chỗ ngã bốn nước chảy để cắm câu vì những chỗ này cá thường lội qua lại nhiều, hay những chỗ có bụi sậy lớn vì cá hay làm ổ ở đó. Cắm hết 50 cần câu cũng gần 7 giờ rưỡi và bây giờ nhiệm vụ của ông là tìm chỗ nghỉ ngơi cho đến khoảng 10 giờ sẽ đi thăm câu. Cái chòi lá cách đó không xa vẫn là nơi ông thường ghé qua để nghỉ. Cái chòi này là nơi mà tự tay ông dựng trên mảnh đất hoang ở sát con mương với vài cây tre tươi và hơn ba mươi miếng lá để lợp và dựng vách. Cứ khi cắm câu xong là ông vào đó ngủ để chờ tới giờ thăm câu. Cột dây chiếc xuồng lại, rửa tay chân xong, như thường lệ ông lại vào chòi mở cái đài lên nghe cải lương, hút xong điếu thuốc rồi nằm xuống ngủ. Cái đài vẫn mở đó. Được một lúc sau thì đột nhiên có tiếng động bên ngoài chòi làm ông thức giấc. Ông giật mình tỉnh dậy. Cái đài cũng đã tắt tự bao giờ mà ông không biết. Nghĩ chắc là do hết pin bởi vì chính âm thanh bên ngoài mới là nguyên nhân làm ông giật mình, ông ngồi xổm dậy rồi lắng tai nghe. Hình như có ai đó đang ở trên chiếc xuồng của ông. Tiếng lụp cụp như ai mang guốc gỗ bước lên cứ vang lên đều đều trong đêm tối tĩnh lặng.

Trời sinh tính ông không sợ ma nên lúc này ông chưa nghĩ tới điều đó.

Ông hỏi vọng ra : Ai đó ?

Không có ai trả lời. Tiếng guốc gỗ vẫn vang lên lụp cụp như có ai đi qua lại.

Ông ra khỏi chòi mang theo cây đèn bão đến chỗ chiếc xuồng thì không thấy ai, âm thanh vừa rồi cũng biến mất. Đêm đó trăng rất sáng bởi vậy chỉ cần nhìn sơ qua, ông cũng  biết được rằng chung quanh đây không có một bóng người. Ông nghĩ chắc tại mình nghe nhầm nên cũng không bận tâm lắm. Ông lại quay vào chòi nằm. Bây giờ gần 9 giờ rưỡi, khoảng nửa tiếng nữa đi thăm câu câu là vừa. Vừa nằm ông vừa nghĩ đến một đêm đầy cá như mọi khi. Châm điếu thuốc hút mà suy nghĩ bâng quơ, trời bên ngoài gió nhẹ, tiếng nước từ con mương chảy dập vào chiếc xuồng nghe róc rách. Đang lâng lâng khói thuốc bỗng âm thanh lụp cụp lúc nãy lại phát ra. Lần này không đợi lâu, ông chạy nhanh ra ngoài tiến đến chiếc xuồng. Cũng như lần trước vẫn không thấy ai nhưng nhìn kỹ trên ván xuồng, ông thấy có vài vũng nước còn mới, như có ai mang dép ướt vừa bước lên rồi để lại dấu.

Lúc này sống lưng ông bắt đầu lành lạnh, da gà nổi khắp người.

Dù là người không sợ ma nhưng chứng kiến cảnh này ông cũng bị mất kiểm soát.

Lấy lại bình tĩnh ông chửi thề 1 câu: “Đ* m* có giỏi thì ra trước mặt tao mà nhát, chứ kiểu ch* này thì làm được gì tao?” Rồi ông lấy cây sào chống xuồng quất xuống nước 1 cái ầm. Nước văng lên làm ông cũng bị ướt. Bước vào trong chòi lấy cái đèn bão đi xuống xuồng, ông bắt đầu đi thăm câu vì đã 10 giờ rồi. Lúc này ông cũng hơi sợ sợ, trong đầu tiếng lụp cụp và hình ảnh dấu nước trên ván xuồng vẫn còn đó. Ông đứng chống xuồng mà chỉ nhìn thẳng về trước. Chưa đêm nào tâm trạng ông như đêm nay. Tới chỗ cắm câu ông lần lượt đi thăm từng cần câu một. Đang còn chăm chú thăm câu thì bỗng phía sau lưng ông như có ai đang lội dưới nước nghe ầm ầm. Ông nghĩ là cá dính câu nên quậy nước. Nhưng không, nếu nghe kỹ lại thì không phải. Âm thanh này phải bằng một đàn trâu đang lội nước nghe rất lớn và mạnh. Ông quay lại thì tiếng động đó biến mất. Vài giây sau lại ầm ầm…ầm ầm. Lần này âm thanh đó lớn hơn và dường như đang tiến lại gần ông. Ông quay lại thì trời ơi đằng sau xuồng ông là một bóng người không mặc áo, chỉ mặc cái quần ngắn ngang đùi đang ngồi quay lưng lại ông, hai chân thòng lọng xuống nước đập đập như một đứa bé đang vọc nước.

Lúc này ông Sáu như muốn đứng tim tại chỗ.

Ông cứ nhìn chăm chăm về phía đó. Mất vài giây sau ông mới hoàn hồn lại rồi mở miệng lấp bấp: “mày..mày..là đứa nào?”

Cái bóng vẫn ngồi đó, hai chân vẫn ngồi đập nước, chỉ nghe tiếng rên thê thảm phát ra từ phía đó giống người ta bị bịt miệng sắp chết.

Rồi tự nhiên ông Sáu cảm nhận phía xuồng chỗ ông đứng như có ai từ từ nhấc lên, còn phía đầu bên kia thì từ từ chìm xuống. Cái bóng ngồi đó cũng vừa vặn quay mặt lại phía ông. Một lần nữa ông muốn ngất tại chỗ. Khuôn mặt nó máu đang chảy ròng ròng xuống, cái miệng mở to hơn người bình thường nhưng không có cái răng nào, đưa ra hàng nướu máu me gớm guốc , còn cặp mắt chỉ toàn tròng trắng máu cũng từ đó chảy ra xối xả, tiếng rên vẫn phát ra từ cổ họng. Ông Sáu lấy hết can đảm cầm cây sào quất mạnh về phía đó. Ầm một tiếng cái đuôi xuồng bị vỡ miếng ván to. Cái bóng cũng biến mất. Nghe dưới nước như có ai vừa nhảy xuống cái ầm rồi lội ầm ầm ra xa xuồng ông sau đó biến mất vào bụi sậy chỗ ông cắm câu . Ông trấn tĩnh lại biết là mình vừa gặp ma. Câu cắm ông chưa thăm hết nhưng do cảnh tượng vừa rồi hiện rõ trước mắt làm ông sợ hãi. Ông quyết định chống xuồng về nhà, mai trời sáng sẽ ra cuống câu. Ông nghĩ rằng chắc mình phải nghỉ cắm câu một thời gian dài để ổn định lại tinh thần. Nhưng rắc rối vẫn không buông tha cho ông. Gần 11 giờ đêm, chỗ bể trên xuồng lúc nãy khiến nước tràn vào khá nhiều. Cái xuồng sắp chìm. Ông nhanh tay lấy rào tát nước ra bớt rồi chống lại về chỗ cái chòi lúc nãy vì hiện giờ có muốn về nhà cũng không được do quá xa. Ông quyết tối nay sẽ ngủ lại ở chòi, sáng mai ra lội nước cuốn câu, còn xuồng sẽ sửa lại sau. Vừa chống xuồng vừa tát nước, cuối cùng cũng tới thì lúc này cái xuồng cũng chống đối lại ông. Vừa  mới lên bờ thì nó đã chìm hẳn dưới nước.

Ông mò tay xuống tìm sợi dây cột lại thì có cảm giác như đụng vào 1 vật vừa trơn vừa tròn như đụng phải cá lóc.

Ông nắm lấy đem lên khỏi mặt nước xem kỹ thì hoảng hồn.

Trời ơi đây là cánh tay của con nít, nó xanh lè, cụt ngủn, ngón tay phình to, chỗ bị đứt còn rướm máu.

Ông ném cánh tay ra giữa mương nghe cái tủm rồi từ từ chìm xuống. Ông chạy nhanh vào chòi, thở hổn hễn, mồ hôi ra như tắm. Mọi chuyện đến quá nhanh và kinh hãi khiến ông không còn tâm trí nghĩ tới cái xuồng nữa. Ông nằm xuống chắp tay khấn “nam mô a di đà phật, nghề của tôi là để nuôi sống gia đình, tôi nào giờ chưa đắc tội với ai, nếu nay có lỡ mạo phạm đến các vị khuất mặt khuất mày thì xin tha thứ cho tôi vì tôi không cố ý, mai tôi sẽ nấu mâm cơm canh mang ra cúng các vị để chuộc lỗi ” khấn xong miệng ông niệm ” nam mô a di đà phật” cho đến khi ông chìm vào giấc ngủ.

Ông ngủ đến sáng khi mặt trời lên cao. Đêm đó ông không còn thấy gì lạ nữa. Ông ra khỏi chòi lấy cây sào rà xuống chỗ cái xuồng thì nó vẫn còn đó. Ông lội nước đi cuốn câu, cá dính rất nhiều nhưng con nào cũng chết do mắc câu lâu quá nên bị ngạt. Xong việc ông đi đường ruộng về nhà, nấu một mâm cơm, canh mướp, cá kho ông câu được, mua thêm bánh kẹo một ít vàng mã mang ra chỗ cái chòi và cúng như lời hứa. Vừa khấn xong tô canh mướp nóng hổi đã thiêu nhớt, bốc lên mùi khó chịu, rồi cơm , cá cũng bị vậy. Ông Sáu mỉm cười, gật đầu như lời khấn của ông đã được đồng ý.

Từ đó mãi đến giờ ông Sáu đi cắm câu ngang đó thì không còn bị nhát nữa. Nhưng ai nghe ông kể câu chuyện đó xong thì không ai dám đi cắm câu ở đó luôn. Mãi sau này mới nghe người ta nói lại, chỗ đó lúc còn chiến tranh có một thanh niên tầm 26 tuổi bị nguỵ bắt Nó bị lính ngụy dùng kìm bẻ răng, móc mắt rồi bắn chết rồi vất xác luôn xuống cái mương đó. Do không ai cúng kiến, nên thành ma đói quậy phá, chọc ghẹo mọi người.

Nguồn: Lê Công Danh

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: