NHỮNG NGÀY ĐẦU


*Tại miền Nam

Truyền hình được giới thiệu lần đầu vào tháng 10 năm 1959 tại miền Nam Việt Nam trong một hội chợ triển lãm ở Sài Gòn. Trong chương trình thử nghiệm này, các nghệ sĩ ngồi trong phòng thu hình vi âm quân đội, khán giả được theo dõi qua hai màn ảnh đặt tại trung tâm triển lãm từ 19:30 đến 20:30 mỗi ngày. Tuần báo Điện ảnh ra tháng 11 năm 1959 cho rằng: “Một khi đài vô tuyến truyền hình được thành lập, chúng tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người bỏ tiền ra mua máy để hằng ngày được theo dõi, đón coi những chương trình của vô tuyến truyền hình.”

Năm 1965, Đài Truyền hình Sài Gòn (THVN), đài truyền hình đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Ngày 22 tháng 1 năm 1966, chương trình truyền hình đầu tiên được phát sóng, và sau đó chính thức phát sóng tại miền Nam vào ngày 7 tháng 2 cùng năm. Đài phát hình đen trắng với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình hệ FCC, điều tần tiếng 4,5 MHz.

Trong thời gian đầu, do chưa có tháp truyền hình nên việc phát sóng được thực hiện bằng kỹ thuật stratovision (dùng trực thăng để phát sóng). Các chương trình, kể cả tin tức, đều được thu vào băng từ rồi được chuyển lên máy bay Super Constellation bốn động cơ. Mỗi tối, máy bay này chở trang thiết bị rời sân bay Tân Sơn Nhất tới độ cao ổn định 3.150 m tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km, rồi từ đó bay theo một lộ trình không đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/h. Sóng truyền hình từ trực thăng có thể thu được ở những nơi xa Sài Gòn như Đà Nẵng, Cà Mau hoặc Phnom Penh, nhưng chỉ Sài Gòn và các tỉnh lân cận mới có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt nhất

Cùng lúc với việc thiết lập THVN, hệ thống phát thanh - truyền hình của Quân đội Mỹ, lúc đó đang chiếm đóng tại miền Nam Việt Nam, cũng hình thành. Đài này lúc đầu gọi là AFRTS (American Forces Radio and Television Service), đến năm 1967 đổi thành AFVN (American Forces Vietnam Network). Đài phát bằng tiếng Anh trên băng tần số 11, đối tượng phục vụ chính là binh lính Mỹ đang làm việc tại miền Nam.[10]

Sau đó, AFVN tiến hành xây dựng tháp truyền hình tại số 9 Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), cũng là trụ sở chính của đài. Ngày 25 tháng 10 năm 1966, tháp truyền hình đầu tiên của Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thay thế cho việc phát sóng bằng máy bay trực thăng trước đó. Tháp cao 128m, là nơi đặt anten phát sóng Kênh 9 (FCC) 25 kW của THVN (được gọi là THVN9 từ đó), Kênh 11 và FM 99.9 MHz của AFVN.

Ngoài Đài phát chính ở Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa còn có bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ.

Đến năm 1972, Truyền hình Đắc Lộ được thành lập, đây là một hãng truyền hình tư nhân thuộc Giáo hội Công giáo VNCH, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành. Truyền hình Đắc Lộ không có kênh phát sóng riêng mà chỉ sản xuất các chương trình khoa giáo để phát sóng trên THVN9, tập trung vào nội dung giáo dục, phổ biến kiến thức cho người dân, đặc biệt là những người nghèo.

*Tại miền Bắc

Trong khi phạm vi truyền hình của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn ở phía Nam ngày một đươc tăng cường, truyền hình hoàn toàn chưa xuất hiện tại miền Bắc. Theo lời kể của nhà báo Hoàng Tùng, vào những năm 1960, mỗi lần đi công tác nước ngoài, được xem truyền hình của các nước khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng ngành truyền hình. Thực hiện ý tưởng đó, Xưởng phim Vô tuyến truyền hình Việt Nam đã được thành lập tháng 1 năm 1968, trực thuộc Tổng cục Thông tin, có nhiệm vụ sản xuất phim vô tuyến truyền hình (16 mm) để gửi cho các đài truyền hình nước ngoài, nội dung chủ yếu về chiến tranh Việt Nam, đồng thời chuẩn bị xây dựng ngành truyền hình.

Năm đó, trong một lần tiếp khách quốc tế, Hồ Chí Minh đã hỏi nhà quay phim Phan Thế Hùng: "Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?", bởi nếu chỉ làm phim gửi ra nước ngoài thì chưa đủ, đã là truyền hình thì phải phát sóng để mọi người dân được xem. Chính phủ thậm chí từng có dự định cho Tổng cục Thông tin một khoảnh đất ở gần Chùa Bộc (Hà Nội) để xây dựng đài truyền hình, song việc ấy đã không thực hiện được.

Để chuẩn bị cho việc phát sóng truyền hình thử nghiệm, một đội chuẩn bị làm truyền hình được thành lập với yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền hình tối thiểu gồm trường quay với camera điện tử, máy phát sóng truyền hình, ăng ten phát sóng, máy thu hình.Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã cử một số cán bộ sang Cuba và các nước xã hội chủ nghĩa học làm truyền hình.Ở trong nước, VOV phát động làm thí nghiệm truyền hình bằng những thiết bị phát thanh cải tiến (chuyển hai máy phát thanh thành một máy phát hình, một máy phát tiếng) và tự lắp ráp hai máy ghi hình bằng ống thu hình (super orthicon) đã qua sử dụng xin của Đài Truyền hình Mạc Tư Khoa (thuộc Liên Xô cũ), được đặt tên là "Ngựa Trời". Tên gọi này bắt nguồn từ tên loại súng “ngựa trời”, súng tự chế của quân Giải phóng miền Nam dùng trong chiến đấu. Hai chiếc camera lần lượt mang số hiệu NT1, NT2, có thể cho ra hình ảnh dù có một số tính năng chưa hoàn thiện.

Ngày 7 tháng 9 năm 1970, từ phòng thu M ở số 58 phố Quán Sứ, VOV đã phát sóng tín hiệu truyền hình đầu tiên; sang năm 1971 thì thành lập Ban biên tập Vô tuyến truyền hình, tiền thân của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hiện nay. Ngày 30 Tết Tân Hợi (27 tháng 1 năm 1971), VOV phát đi chương trình truyền hình đầu tiên, gọi là "chương trình truyền hình thử nghiệm" phục vụ khán giả Hà Nội. Do chưa có thiết bị lưu trữ nên các chương trình đều được phát sóng trực tiếp. Đến năm 1972, việc phát sóng bị gián đoạn do chiến sự leo thang và Đài Tiếng nói Việt Nam bắt buộc phải sơ tán, trước khi truyền hình phát sóng trở lại năm 1973

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thvn#tlthvn