Một lần gặp gỡ
Phần 1
Mỗi lần hết chuyện để nói thì cô bé lại nói:
- Dạ chị, em yêu đàn bà, chị.
Và cứ mỗi lần như thế Hân lại trả lời:
- Me too!
Thế là cả hai cùng cười, chuyện yêu đàn bà đâu có gì mới mẻ, gần như là một chuyện thừa giữa hai người. Nhưng mà cứ mỗi lần cô bé nhắc đến, tự nhiên Hân lại thấy buồn cười. Cô bé có cặp mắt rất sáng và thật trong, giống như hai vì tinh tú giữa một bầu trời đêm. Nhiều khi Hân tự hỏi tại sao ông trời sinh em ra thông minh thế nhỉ ? Hân yêu lối nói chuyện của Mai, thẳng thừng, đôi khi thành cộc lốc, " em không play game, chị", "em không thích surprise", nhưng ở đâu đó trong lời nói của cô bé, hình như có phản ảnh phần nào một sự thật, dù là sự thật mất lòng, nhưng vẫn là sự thật.
Hân đi làm có bốn tiếng một ngày, half retired, từ sau ngày xảy ra tai nạn, cô không thiết tha gì với cuộc sống nữa, đời là phù du, hôm nay có, ngày mai không. Nhìn xuống bàn chân tàn phế của mình, Hân lại ngao ngán nhớ đến một kỷ niệm đau đớn.
Đêm hôm đó, Nga lái xe hai tiếng đến nhà Hân, lúc đó vào khoảng nửa đêm, Hân đang ngủ, giấc ngủ vô tư, bình yên. Nga xuất hiện đột ngột, kéo Hân ra khỏi giường, Trường đánh Nga, Hân ơi !!! tay Nga bầm tím, nước mắt Nga đoanh tròng, khóc xong Nga đòi về, còn hai đứa nhỏ nữa Hân ơi, phải về lo cho tụi nó. Hân nói:
- Nga không lái xe về một mình được đâu, để Hân lái xe đưa Nga về rồi mai Hân đi xe lửa về.
Cả con đường chở Nga về, mắt Hân cay xè vì buồn ngủ. Con đường 95 quỷ sứ này bỗng dưng sao dài vô tận, Nga dựa đầu vào vai Hân ngủ ngon lành, Nga của Hân đó, mới ngày nào là một cô giáo bé bỏng, dạy Hân Pháp văn, cả trường gọi là cô Tây, xinh đẹp như một con búp bê, lấy mất trái tim của Hân khi Hân mới mười tám tuổi mà bây giờ đã trở thành một người đàn bà vất vả, bương chải nuôi chồng, con. Trường đi học tập cải tạo về, thân tàn ma dại, chị của Nga bảo lãnh cho cả gia đình sang Mỹ. Trường sang Mỹ, bỗng dưng phát tướng đẹp trai hẳn lên. Mà Trường ở Việt Nam cũng đã thuộc loại đẹp trai, cao lớn, nhưng vì thiếu ăn nên trông thê thảm. Đàn bà mê Trường như điếu đổ, trong đó có cô giáo Nga của Hân. Chồng đẹp là chồng người ta mà, Nga khổ sở vì tính đào hoa của Trường. Nga càng ghen tuông, hắn lại càng khó chịu, đây không phải là lần đầu tiên Nga bị Trường đánh, chỉ khác có một điều là những lần trước Nga chưa gặp lại Hân, phải cắn răng chịu đựng .
Không ngờ ba năm trước Nga đến nhà một người bạn chơi tình cờ đọc được thiệp mời dự đám cưới của anh ruột Hân, từ đó Nga bắt liên lạc lại được với Hân. Từ ngày gặp lại Hân, có chuyện gì Nga cũng kêu đến Hân, mặc dù hai người ở cách nhau hai tiếng lái xe . Xe hư kêu Hân, mẹ la kêu Hân, quên trả tiền credit card, kêu Hân, vì Hân giỏi quá mà, chuyện gì Hân cũng lo xong. Chuyện gì dù khó khăn đến đâu, Hân cũng giải quyết một cách êm đẹp. Nga khóc là Hân có phải lấy ông trời xuống cho Nga, Hân cũng đi lấy.
Về đến nhà Nga thì trời cũng vừa sáng, Trường và hai đứa nhỏ đã đi làm, đi học. Nga kéo Hân vào nhà, ở lại với Nga đi Hân, Nga năn nỉ. Hân cười buồn:
-Hân phải về đi làm Nga ơi, hôm nay ở sở có một cuộc họp quan trọng, với lại Hân mà ở lại chắc Trường khó sống.
Thế là Nga chở Hân ra ga xe lửa về lại nhà Hân. Cả hai đều mệt mỏi vì phải thức cả đêm, đường xá vào giờ đi làm ở Washington DC đông không thể tả được. Mọi người tất tả lái xe cho kịp giờ đến sở, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng bánh xe thắng gấp mà vẫn không làm cho Nga tỉnh nổi , cô ngủ quên trên tay lái, chiếc xe đâm vào lề đường, may mắn cho Nga, xe Nga có airbag bên người lái, cô chỉ bị xây xác nhẹ nhàng thôi, nhưng xui xẻo cho Hân, cả người Hân bay ra đằng trước, bàn chân Hân bị gẫy nát vun...
Phần 2
Hân và Nga được xe cấp cứu chở vào bệnh viện, hai người nằm cách nhau một bức màn mỏng, Hân đau nhức lắm, cô la khóc một lúc lâu rồi mệt quá thiếp đi. Tiếng động lao xao ở giường cạnh làm Hân tỉnh dậy. Mẹ và chị của Nga đã biết tin, họ chạy thẳng vào nhà thương tìm Nga, tiếng mọi người lo lắng, hỏi han Nga làm Hân tỉnh dậy, miệng Hân khô đắng, cô muốn cất tiếng gọi y tá nhưng thốt không ra lời vì lúc nãy la khóc nhiều, cổ họng cô đã khan, vết thương làm cô rất đau đớn. Hân cố gắng mò mẫn dưới gối tìm nút bấm gọi y tá. Chỉ mất có năm phút thôi, người y tá đã xuất hiện, ông ta nhìn Hân ái ngại:
-You have got yourself into a very serious injury, we are trying to find a good orthopedic to take a look of your leg because our doctors had different opinions how to fix it, luckily we scanned your brain while you were unconcious and found nothing damaged, all of your tests are ok.
Hân thều thào:
- How serious is it ?
Người y tá ngần ngại một lúc rồi cũng trả lời Hân:
-They are thinking about amputation but I would better let them talk to you. I will give you some pain medicines and we will have to wait for the orthopedic, we do not know when is he going to be available.
Hân quay mặt vào tường bật khóc nức nở, cô chỉ mới có hai mươi lăm tuổi đầu, vừa học xong ra trường với bằng Certified Public Accountant, được nhận vào làm trong một công ty lớn, tương lai rực rỡ. Bây giờ cô không còn cảm thấy đau đớn nữa mà chỉ thấy sợ hãi. Sống một mình ở Mỹ, cô làm tất cả mọi thứ một mình đã quen, cô lo lắng không biết phải xoay sở như thế nào nếu một mai cô trở thành một người tàn tật?
Hân tỉnh dậy thì mọi việc đã xong, sau mười ba tiếng chờ đợi cuối cùng người bác sĩ về xương cũng đến định bệnh cho Hân, những người bác sĩ này thật đáng được kính phục, họ làm việc không kể ngày đêm, ông quyết định mổ cho Hân càng sớm càng tốt để khỏi phải cắt bỏ bàn chân của Hân. Hân sung sướng nhìn xuống chân mình, nó trông thật khủng khiếp với những thanh sắt đâm qua xuyên lạị, kệ nó, xấu cũng được miễn là mình còn giữ được chân của mình. Cô nghe thấy tiếng Nga năn nỉ mấy cô y tá cho qua nằm cùng phòng với Hân, dĩ nhiên là không được rồi, một bên là cho người hồi phục sau khi mổ, một bên là cho người chỉ ở lại một đêm. Một chốc sau, Hân nghe tiếng Nga rón rén bước vào, cô giả vờ chưa tỉnh, Nga ngồi xuống bên cạnh Hân, khóc.
Vậy mà thấm thoát đã được sáu năm, bốn tuần nằm bịnh viện, năm tháng nằm trên giường bệnh, mười tám tháng ngồi xe lăn, bốn năm chống nạng, bây giờ Hân đã tiến bộ nhiều, cô đã có thể dùng gậy để đi thay vì dùng nạng. Cô nhớ lại những ngày đầu mới về nhà, Nga chỉ có thể ở lại với cô vài tuần đầu vì Nga còn có gia đình phải lo. Hân phải tự mình lo lấy mọi thứ, lúc đó Hân vẫn còn đau lắm, nằm triền miên trên giường, tất cả mọi thứ đều hôi thối, chỉ có chân của Hân là sạch sẽ vì y tá đến thay băng mỗi ngày cho khỏi nhiễm trùng, nhiều khi cô y tá thấy thương hại Hân, rót cho Hân một bình nước bự để cạnh giường, Nhưng Hân cũng chẳng buồn ăn uống, ăn uống làm gì để phải lết vào nhà tắm? ăn uống làm gì để phải trườn như một con rắn xuống nhà bếp ? Hân sống không biết ngày và đêm, cứ tỉnh dậy là ăn cracker để uống thuốc giảm đau Oxycotin, xong lại ngủ tiếp vì thuốc hành, cuộc sống của cô không khác gì một con vật. Lâu lâu cuối tuần Nga về, lôi Hân ra tắm rửa, cắt móng tay móng chân, sắp xếp lại những thức ăn khô cho cả tuần. Thứ hai cô lại phải về lo cho con vì tụi nó còn bé, tụi nó cần mẹ. Hân lớn rồi, Hân đâu có cần ai. Hân nằm như vậy được năm tháng, đến tháng thứ sáu, cô có thể tự mình trèo lên được chiếc xe lăn. Lăn qua lăn lại thì cũng chỉ lăn lòng vòng trong nhà, lúc này ánh sáng làm Hân sợ. Nằm trong bóng tối năm tháng trời cô đã quen, ánh sáng mặt trời đôi khi làm cô bị lóa mắt.
Đến tháng thứ bảy may sao ông boss cũ nhớ đến một người làm công giỏi, cho người đến hỏi Hân có muốn đi làm lại không? Công ty sẽ đưa xe đến đón và chở về, cũng công việc cũ nhưng thay vì làm tám chục ngàn một năm, ổng chỉ trả mười tám đồng một giờ, vì ổng còn phải mướn thêm một CPA nữa để làm những việc Hân không làm được, cũng cùng một cái đầu, bây giờ Hân làm mười tám đồng một giờ và làm có bốn tiếng một ngày trên chiếc xe lăn. Hân nhận lời mặc dù cô biết là mình bị bắt chẹt, đây là cơ hội duy nhất cô được ra khỏi nhà.
Và cứ thế, cô sống lặng lẽ, sáng chống gậy đi làm và trưa chống gậy đi về, cuộc đời của cô cũng tàn phế như chân của cô. Nga đến thăm cô cũng chẳng vui, Nga ra về cô cũng chẳng buồn.
Phần 3
Mỗi tháng Hân phải đi gặp bác sĩ hai lần. Sau khi từ nhà thương ở Washington DC về, lần đầu tiên khi Hân đi tái khám ở bệnh viện gần nhà, ông bác sĩ già về xương đã rú lên một tiếng thất thanh:
-I cannot believe that they could save your foot, look how beautiful your foot is. What a good doctor you had. You are so lucky!
Hân lắc đầu, đúng là chỉ có những con mắt chuyên nghiệp mới có thể nhìn thấy cái chân gẫy của cô là đẹp. Ông bác sĩ già hết lời năn nỉ Hân nên đi therapy nhưng Hân vẫn không đi, cô đã quá hững hờ với cuộc sống, không lẽ cô uống thuốc tự tử, để quên tất cả những nổi bất hạnh mà Thượng đế đã bắt cô phải gánh chịu. Tất cả mọi vật chung quanh đều nhắc nhở lại cuộc sống ngày xưa của cô, văn phòng làm việc ngăn nắp sang trọng của cô ở công ty bây giờ đã có người thay thế, ngôi nhà nhỏ xinh đẹp của cô cũng bị người ta lấy mất vì không có đủ tiền trả mỗi tháng, còn người thương của cô thì cũng không gọi cô thường xuyên như xưa nữa và những cuộc thăm viếng cũng dần dà thưa thớt, còn cô thì một bước cũng phải có người nâng đỡ, đôi khi, mặc dù đã quen rồi, Hân vẫn ứa nước mắt những khi ông tài xế mải nói chuyện quên đỡ Hân lên xe.
Chiều nay cũng như mọi buổi chiều, Hân đi làm về, cô bước vào ngôi nhà quạnh hiu của cô và cũng như mọi ngày, cô ngồi xuống một góc nhà, thậm chí không muốn bật đèn mặc dù trời đang chuyển mưa, trong nhà cô đã tối xầm lại. Cô không muốn ăn uống gì cả nhưng nghĩ lại mấy viên thuốc giảm đau cô cần phải uống, Hân uể oải đứng lên đi đặt nồi cơm thì chuông điện thoại cũng vừa reo, ở bệnh viện họ gọi lại báo tin cho Hân biết là họ phải hũy bỏ cuộc hẹn của Hân với ông bác sĩ già ngày mai vì ông ấy đã qua đời tối hôm qua, họ muốn biết Hân có muốn chọn một người bác sĩ khác để thay thế ông này hay không. Hân trả lời nhát gừng, ai cũng được, miễn là ngày mai Hân được gặp vì cô đã dặn ông tài xế của công ty ngày mai chở cô đến bệnh viện. Cúp điện thoại xong Hân tự hỏi, bác sĩ mà cũng chết cơ à?
Mai về thường trú ở bệnh viện này đã được sáu tháng, dân ở đây là dân tỉnh lẻ, hiền hòa, bệnh viện lại nhỏ nên cô không bận bịu như lúc cô làm việc ở bệnh viện John Hopkins, nhưng Mai lại bị nhớ gia đình, bố mẹ và anh chị em của cô đều ở trên Washington DC, tuần nào Mai không có ca trực là cô lái xe về DC thăm gia đình và ăn thức ăn Việt Nam, Mai không thích chỗ này chỉ vì mỗi một điều, không có thức ăn Việt Nam. Ăn thức ăn Mỹ hoài cô thấy ngán, đi chơi thì cũng tạm được, ít nhất nó cũng có một cái skating rink. Cô đi trượt với những người bạn cùng sở vào những ngày nghỉ. Bạn bè thì khỏi nói, cô ở đâu cũng có nhiều bạn, Bác sĩ mà, ai mà chẳng muốn làm bạn, lại là bác sĩ chuyên môn nữa. Cái tỉnh này nhỏ quá, mới có vài tháng mà ai cũng biết cô. Mai thông minh và chữa bệnh mát tay nên dân ở đây rất là ái mộ, cô thường viết những bài về y học cho mấy tờ báo đia phương nên lại càng nổi tiếng. Mai thích cuộc sống độc thân, tự do, không bị ai ràng buộc, vã lại cô còn muốn học cao hơn nên không tha thiết gì đến chuyện bồ bịch.
Phần 4
Hân ngạc nhiên đến sững sờ khi Mai bước vào phòng khám bệnh, bác sĩ Hoàng Thanh Mai rõ ràng là một bác sĩ Việt Nam, Hân nhìn chăm chú vào bảng tên của Mai, không thể lầm lẫn được, đúng là bác sĩ Việt Nam. Thấy gương mặt đờ đẫn của Hân, Mai cười, nói bằng tiếng Việt:
- Chào chị, tôi là bác sĩ Thanh Mai, tôi sẽ thay thế bác sĩ Waddy chăm sóc cho sức khỏe của chị, tôi đọc bệnh án, thấy chị cũng là người Việt Nam.
Hân lúng túng trả lời:
- Chào bác sĩ ...
Mai chặn lại:
- Chị hơn tôi mười tuổi, cứ gọi tôi là Mai hoặc là em cũng được .Chân chị hôm nay như thế nào rồi?
Hân trả lời:
- Dạ, thưa bác sĩ tôi...
Một lần nữa Mai ngắt lời Hân:
- Chị có biết nói tiếng Anh không?
Hân hơi ngạc nhiên:
- Dạ biết.
Mai tiến lại gần Hân hơn:
- Nếu tôi nói tiếng Việt mà chị không hiểu được thì tôi sẽ dùng tiếng Anh.
Hân thấy kỳ, tự nhiên gọi bác sĩ của mình bằng tên, gọi bằng em lại kỳ cục hơn. Nhưng cô thấy hơi ngán Mai nên miễn cưỡng trả lời:
- Chân tôi cũng vẫn còn đau lắm cô Mai ạ
Mai nhìn Hân hài lòng:
- Nếu ở Việt Nam thì chị gọi tôi là bác sĩ cũng được, nhưng ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, chỉ có chị với tôi là người Việt, nếu tôi là bác sĩ, chị là bệnh nhân thì chán lắm, người ngoài họ nhìn vào lại bảo cái xứ gì mà chán muốn chết, Việt Nam chỉ có hai mạng, một mạng là bác sĩ, một mạng là bệnh nhân!!!
Hân bật cười vì sự vui tính của Mai, cô ngồi yên nhìn Mai trong lúc Mai đang khám chân cho cô, mái tóc dài của Mai được cột gọn gàng sau gáy, cặp mắt kính cận dày của Mai vẫn không che dấu được đôi mắt linh động, thông minh, tràn đầy nhựa sống của cô. Ở Mai toát ra một sức sống mãnh liệt mà Hân đã đánh mất gần mười năm về trước . Nghĩ đến đây, Hân lại muốn khóc, cô với tay lấy hộp Kleenex và chậm rãi thấm những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thấy Hân khóc, Mai ngừng khám, ngước mắt lên nhìn Hân dọ hỏi:
- Mai làm chị đau hở ? – Cô cố lấy giọng dịu dàng hỏi Hân vì trông Hân tội nghiệp quá.
Hân ngượng ngùng trả lời:
- Dạ không có gì quan trọng cả .
Mai hiểu rồi, những người bệnh nhân này thường rất nhậy cảm, họ lúc nào cũng cảm thấy tội nghiệp cho họ mà không nghĩ rằng họ phải chế ngự những cảm xúc bi quan để tranh đấu cho their well being, thỉnh thoảng Mai vẫn có khó khăn tìm đúng chữ Việt để diễn tả ý nghĩ của cô cho nên cô cố gắng nói tiếng Việt để đừng quên tiếng mẹ đẻ.
Mai bất ngờ hỏi Hân:
- Bộ chị lười lắm hả?
Hân giật mình:
- Pardon me, Doctor?
Mai cười, giải thích:
- Mai đùa với chị đó mà, chị bị đụng xe đã gần mười năm nay, vết thương của chị dù có nặng thật nhưng nó không có nghĩa là không chữa được, các bác sĩ đã làm hết sức để cứu cho được bàn chân của chị. Nhưng chị phải cố gắng để nó có thể làm việc lại cho chị. Độ co giãn của bàn chân chị chỉ có năm phần trăm mà thôi. Chị không thể nào đi được một mình nếu chị không đi THERAPY.
Mai nhấn mạnh những chữ cuối cùng để Hân hiểu được tầm quan trọng của việc luyện tập để cho bàn chân của Hân được trở lại bình thường.
Hân cảm thấy tội lỗi, cô chống chế:
- Dạ, bác sĩ Waddy có khuyên tôi nên đi tập nhưng...
Một lần nữa Mai ngắt lời Hân:
- Nhưng chị nhất định không chịu đi phải không? I am not joking, Trước hết chúng ta phải chữa bệnh cho cái đầu của chị, Tôi sẽ gửi chị đi gặp một trong hai ông bác sĩ, bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ tâm lý, chị muốn đi gặp ông nào?
Hân bướng bỉnh trả lời:
- Tôi không muốn gặp ông nào cả.
Mai hăm he:
- Chị có biết là nếu tôi yêu cầu chị đi gặp bác sĩ thần kinh mà chị từ chối là against the law không?
Hân hơi hốt hoảng:
- Dạ tôi không biết nhưng mà tôi đâu có bị điên đâu mà đi găp bác sĩ thần kinh.
Mai biết cô đang hù dọa Hân, cô thấy tội nghiệp cho Hân nhưng nếu cô không cứng rắn thi Hân sẽ không chịu làm gì cả:
- Tôi không biết chị có bị điên hay không nhưng nếu tôi gửi chị đi để các ông ấy chuẩn bệnh thì thế nào họ cũng tìm ra được là chị bị điên, nghề của họ mà.
Hân nghĩ thầm, bác sĩ Việt Nam coi bộ rắc rối hơn bác sĩ Mỹ, cô trả lời đại để được đi về:
- Cô muốn sao cũng được tôi mệt rồi.
Mai chẳng vừa:
- Ok, vậy là chị để tôi chọn phải không? Chị sẽ phải đi gặp bác sĩ Miller, ông này chuyên môn về những người vừa bị bệnh thần kinh và vừa cứng đầu.
Hân giật mình:
- Thôi Mai cho tôi đi gặp bác sĩ tâm lý đi vậy.
Mai quay mặt vào tường, cô cố giấu đi nụ cười ranh mãnh, yes, it worked!!
Hân cầm tờ giấy giới thiệu trên tay, ông tài xế hơi khó chịu vì phải đợi lâu hơn bình thường, cô xin lỗi ông tài xế:
- Oh, I am sorry, I have a new doctor, she asked a lot of question.
Ông tài xế cũng muốn gợI chuyện:
- Who is she? your doctor..
Hân trả lời:
- Doctor Mai, she is a new one in the hospital.
Ông tài xế trợn mắt:
- Her name is... Mike?
Hân đính chính:
- No, her name is M-A-I, she is a Vietnamese
- Oh, you must like it uh ?
Hân trả lời cộc lốc:
- No
Thấy Hân khó chịu, ông tài xế cũng không muốn hỏi thêm.
Phần 5
Đã hai tuần lễ trôi qua, Hân quên bẵng đi tờ giấy giới thiệu mà bác sĩ Mai đưa. Ông tài xế mấy hôm nay bà vợ đi đẻ nên hôm thì đi sớm, hôm thì đi muộn, Hân khổ sở vô cùng vì phải lệ thuộc vào người ta. Có nhiều hôm cô muốn nói cho ông boss biết nhưng lại sợ ông tài xế mích lòng, cho nên cô luôn phải sống trong tình trạng phập phòng, lo lắng. Nga về thăm Hân cuối tuần cũng chẳng làm Hân khấm khá gì hơn vì ba ngày hôm nay cô không được uống thuốc giảm đau. Lần khám bệnh cuối cùng bác sĩ Mai không viết toa cho Hân đi mua thuốc mà Hân vì tức giận bác sĩ Mai nên cũng quên không hỏi luôn. Không cần uống thuốc, Hân cũng chẳng muốn ăn uống cho nên Hân trông càng tiều tụy hơn. Cô nhớ những viên thuốc giảm đau của cô.
Tuần này Mai về thăm gia đình, cô hí hửng kể cho mẹ nghe cô có một bệnh nhân mới người Việt Nam. Mẹ cô ngạc nhiên hỏi :
- Ở đấy mà cũng có người Việt cơ à?
- Dạ mẹ, con cũng ngạc nhiên, con muốn làm quen với cô ta nhưng thấy hơi ngại vì cô ta trông buồn và tội nghiệp lắm.
- Thế hả con - Mẹ Mai chép miệng – con liệu giúp đỡ được gì cho người ta thì con giúp nhé, à mà cố ấy là người gì vậy?
Mai thấy buồn cười vì câu hỏi của me. Hễ nói về người Việt Nam là y như rằng mọi người thắc mắc không biết là người miền nào, nhưng lúc hỏi thì lại bỏ quên chữ miền. Tuy nghĩ thế cô vẫn trả lời:
- Dạ con nghĩ cô ấy là người Bắc, nhưng con chưa nói chuyện nhiều nên con cũng không biết chắc. Cô ấy có vẻ không thích con lắm vì con bắt cô ấy đi gặp bác sĩ tâm lý.
- Ối, sao con lại bắt người ta đi gặp bác sĩ tâm lý? con biết là người Việt mình không thích những việc vớ vẫn như thế đâu nhé.
- Đi gặp bác sĩ tâm lý mà mẹ nói là vớ vẫn, mẹ coi, cô ta bị xe đụng gẫy chân đã gần mười năm rồi mà vẫn không tự mình đi được, may mắn là cô ta còn chống gậy đi lại cho nên cái chân của cô ta vẫn còn xử dụng được, con sợ thêm vài năm nữa nếu cô ta không đi tập thì cái chân ấy sẽ hoàn toàn chết luôn. Nhưng Mẹ à, ở cái xứ này, chuyện có muốn đi tập hay không là quyền của người ta, con không thể bắt buộc được cũng như việc đi gặp bác sĩ tâm lý, họ không muốn đi thì chẳng ai bắt họ đi được nhưng cô ta cần phải hiểu là chúng ta còn sống là còn phải tranh đấu. Nói đến đây, Mai lại tủm tỉm cười, cô nhớ lại câu chuyện cô lừa Hân đi gặp bác sĩ tâm lý.
Mẹ Mai khoác tay:
- Con nói gì Mẹ chẳng có hiểu nổi nhưng mà khi nào nhẩn nha thì con mời cô ấy về nhà mình chơi nhá.
- Mẹ, đây với đó cách nhau hai tiếng mà Mẹ cứ làm như hàng xóm láng giềng ở Việt Nam. Vã lại cô ta cũng đang bị ghiền cho nên cô ta cũng chẳng biết ai vào với ai đâu.
Mẹ Mai ái ngại:
- Khổ đến thế đấy à, đã bệnh tật thế mà còn nghiện với ngập. Đàn bà Việt Nam mà cũng hút sách nữa cơ à ?
Mai trả lời Mẹ mặc dù cô hơi khó chịu vì hơi một tí là Mẹ lại bảo" đàn bà Việt Nam". Đàn bà Việt Nam thi đã sao?:
- Không phải cô ta nghiện ngập như mẹ nghĩ, cô ta dùng nhiều thuốc giảm đau quá nên cô ta bị nghiền thuốc, vì trong thuốc giảm đau thường có chất á phiện.
Nói đến đây Mai thở dài, cô cố ý không viết toa cho Hân đi mua thuốc, giờ này chắc là Hân đang bị cơn ghiền hành hạ. Mai ân hận là đã không viết toa cho Hân tuần này vì Mai không có mặt ở bệnh viên, ngộ nhỡ Hân có việc gì, chắc là cô sẽ ân hận lắm. Cô tự nhủ, nếu tuần nào cô về, cô sẽ thu xếp xin cho Hân vài viên thuôc giảm đau trong trường hợp Hân cần, nhưng viết toa mua thêm thuốc giảm đau thì chắc cô sẽ không bao giờ viết thêm.
Phần 6
Sáng thứ hai Mai trở về bệnh viện, việc trước tiên cô làm là xem quyển sổ bệnh nhân coi Hân có gọi không, thấy không có tên Hân, cô rất mừng, vậy là Hân Ok. Mai dặn cô thư ký gọi điện thoại cho văn phòng bác sĩ Tyler xem Hân có đi gặp ông này không. Đến giờ nghỉ trưa cô thư ký báo cho Mai biết văn phòng bác sĩ Tyler không có bệnh nhân nào tên Lê Ngọc Hân cả. Mai thất vọng định kêu cô thư ký goi điện thoại hỏi Hân nhưng không hiểu sao cô lại đổi ý, Mai biết chắc là Hân sẽ lấy đủ mọi lý do để không đi gặp bác sĩ, cô quyết định sau giờ làm việc sẽ đến nhà Hân xem tình trạng của Hân ra sao.
Nhà Hân ở trong một khu cư xá trung bình, mỗi căn nhà dù nhỏ, nhưng cũng có một khoảng đất ở đằng trước để trồng bông. Hầu hết nhà nào, không ít thì nhiều cũng có trồng một ít hoa cho nên dù nhỏ nhưng khu cư xá này trông cũng rất khang trang và xinh xắn. Mai lái xe vào, không cần tìm cô cũng biết căn nhà nào là của Hân, trước hết, không có chiếc xe nào đậu ở chỗ đậu xe dành cho nhà Hân, sau đó là trước cửa nhà Hân dường như không có gì gọi là sự sống, lá cây cũ từ những mùa thu trước vẫn còn nằm một đống không ai dọn, giờ này trời đã bắt đầu tối rồi, nhà nào cũng đã lên đèn mà nhà của Hân vẫn còn tối thui. Mai bấm chuông nhà Hân một lúc mà không thấy ai trả lời, cô tức mình lượm một cục đá lớn ở ngoài lế đường và bắt đầu đập ầm ầm vào cửa nhà Hân . Vừa lúc đó thì ông hàng xóm bên cạnh thò đầu ra hỏi:
- Who are you looking for?
Mai trả lời:
- Do you know a lady who lives here? Her name is Hân.
Ông hàng xóm hất đầu về phía nhà Hân:
- She's in there. Tell her to clean up her yard, would you?
Mai đứng lay cửa một hồi rồi tính bỏ đi thì cánh cửa bỗng vụt mở, Hân đứng đó, một tay chống gậy, một tay vịn vào cánh cửa, đầu tóc thì bù xù, quần áo thì xốc xếch. Mai tự nhiên thấy ngượng cho Hân, cô chào Hân:
- Chào chị .
Hân bối rối chào lại:
- Chào bác sĩ.
- Hôm nọ tôi quên không viết toa cho chị nên hôm nay tôi mang thuốc lại cho chị. Mai tự nhiên nói dối một cách tỉnh queo, nói xong, cô xòe bàn tay ra cho Hân thấy mấy viên thuốc giảm đau mà Hân hay uống .
Hân mừng rỡ định chụp lấy thì Mai nắm tay lại, cô nghiêm nghị nói bằng giọng một người lớn nói với một đứa trẻ đang thèm ăn kẹo:
- Can I come in?
Hân chẳng đặng đừng đứng tránh ra cho Mai bước vào. Nhà của Hân tuy nhỏ nhưng rất là ngăn nắp, Mai ngạc nhiên vì không ngờ nhà Hân lại sạch sẽ và ấm cúng như vậy, trong nhà tuy hơi tối vì chỉ có một ngọn đèn ngủ đang bật, nhưng lại có một tiếng nhạc mở nhè nhẹ, cô nhận ra giọng cô ca sĩ Pháp quen thuộc Sylvie Vartan, cô quay lại hỏi Hân:
- Chị thích nghe Sylvie Vartan hở?
Hân ấp úng trả lờì:
- Nhạc này không phải là của tôi, là của cô giáo dạy Pháp văn cho tôi. May I have my pain killer now ?
Mai lắc đầu khiêu khích:
- No
Hân giận dỗi:
- Why not ?
Mai không trả lời mà chậm rãi hỏi Hân:
- Can I sit down ?
Hân lận đật kéo ghế cho Mai ngồi, Mai nhìn quanh quẫn rồi hỏi:
- Chị có cái gì uống không ?
Hân chống gậy bước đến tủ lạnh, mở cửa lấy ra chai nước vừa rót cho Mai vừa lẩm bẩm, "Gosh Damn it what esle does she want now." Mai liếc nhìn vào tủ lạnh của Hân, nghĩ thầm, "trời ơi, tủ lạnh gì mà chỉ có đúng một chai nước."
Mai cầm ly nước trên tay, cô từ tốn giải thích cho Hân nghe tại sao hôm nay cô đến thăm Hân, cô nói cho Hân nghe là cuộc đời rất là đáng quí, cô sẽ cố gắng giúp Hân đi lại được bình thường. Hân cúi đầu lặng lẽ ngồi nghe, khi Mai dứt lời, Hân oà lên khóc. Đã lâu lắm rồi cô mới được khóc nhiều, khóc lâu và khóc có người nghe như vậy. Hân khóc vì tủi thân, Hân khóc vì đau khổ và nhất là Hân khóc vì sao Mai tử tế với cô quá. Hân kể cho Mai nghe những chuyện gì đã xảy ra cho cô, chuyện bảy năm cô yêu Nga, một người đã có chồng và mười năm cô phải trả nợ cho cái tình yêu dại dột ấy. Mai ngồi lặng người nghe Hân nói, sao Hân có thể khờ khạo được như thế? yêu một người đồng phái đã là một cái tội, mà yêu một người đồng phái đã có chồng thì cái tội ấy còn nặng như thế nào? Mai lấy khăn giấy chậm nước mắt cho Hân. Dưới ánh trăng xuyên qua cửa sổ nhà Hân, Mai thấy Hân đáng thương quá, lòng cô chùng xuống, thương cho thân phận đàn bà của Hân.
Từ sau ngày hôm ấy, Hân nghe lời khuyên của Mai, cô bằng lòng đi tập vật lý trị liệu ba lần một tuần. Mai cũng rất chu đáo, cô sắp xếp cho xe bệnh viện đến đưa đón Hân đi tập. Những ngày đầu đối với Hân thật đúng là cực hình, cổ chân cô đã lâu không cử động cho nên bây giờ rất khó tập luyện. Có một lần Mai đang làm việc ở gần chỗ Hân đang tập, bất thình lình cô nghe một tiếng la thất thanh thật to bằng tiếng Việt:
- Ối trời ơi!!!
Hốt hoảng, Mai chạy vội lại thì thấy một cảnh tượng vừa khổ sở, vừa khôi hài; Hân nước mắt dàn dụa, một tay nắm áo người huấn luyện viên ráng kéo ông ta ra, còn một tay kia thì ôm lấy bàn chân của mình, miệng thì la chói lói bằng hai thứ tiếng:
- Ối trời ơi, ối trời ơi, đau quá, let go of my foot, let go of my foot!!!
Người huấn luyện viên thì vừa giữ chân của Hân lại vừa la:
- Let go of my shirt, let go of my shirt!!!
Mai vừa tức cười vừa thấy thương Hân, cô giằng tay ông huấn luyện viên ra:
- You just go ahead take a break, I will take care of her.
Ông huấn luyện viên vừa đi vừa phàn nàn:
- My wife just ironed my shirt this morning.
Hân nằm xuống khóc tấm tức, Mai biết là cô đau lắm vì Mai đã từng chứng kiến nhiều người Mỹ to lớn mà còn chịu không nổi bị ngườI ta bẻ tay bẻ chân huống hồ chi Hân. Cô ngồi xuống bên cạnh giường, nâng bàn chân của Hân lên rồi nhìn Hân năn nỉ:
-Vì Mai nghe?
Hân gật đầu rồi quay mặt vào tường, răng cô cắn chặt vào chiếc khăn trải giường, hai tay của cô thì bám cứng vào thành giường, và cứ thế, Mai dùng hết sức mình đề bẻ cho cổ chân của Hân cử động lại được, còn Hân thì cố cắn chặt răng để khỏi phải bật lên tiếng khóc, cô sợ làm Mai buồn.
*+*
Sau sáu tháng gian truân, cổ chân của Hân đã co giãn được hai mươi lăm phần trăm. Cô đã đi được những bước ngắn mà không cần phài dùng gậy. Mỗi trưa Hân đi làm về, cô dùng mấy tiếng trước khi xe bệnh viện đến đón, đề nấu cơm chiều mang cho Mai ăn. Hôm nào cô không đi tập thì cô dùng xe bus. Hồi đầu, Mai cũng thấy ngại, cô đã từ chối, nhưng sau đó cô nghĩ rằng Hân cần phải đi bộ càng nhiều càng tốt cho nên cô để cho Hân đi, với lại Hân nấu cơm Việt Nam ăn ngon lắm cho nên Mai khó lòng từ chối.
Cô bé Mai ở ngoài đời khác hẳn Mai ở bệnh viện, cô hay đùa như một đứa con nít nhưng cô rất thẳng tính, đôi khi thẳng quá, nó trở thành tàn nhẫn, mặc dù Mai luôn luôn nói sự thật. Hân thì khác hẳn, chỉ trừ khi cô bị thuốc hành, Hân ăn nói rất khéo léo, điềm đạm và rất dễ thương. Ở hai người là cả một trời khác biệt, nhưng nhờ thế họ lại bổ túc cho nhau. Cô bé Mai hay chọc Hân:
- Dạ chị, em yêu đàn bà chị!
Và cứ mỗi lần như vậy, Hân lại cười:
- Me too!
Mai không yêu ai cả, vì công việc của cô rất bận rộn và cô lại ham học cho nên mỗi lần ai nhắc đến chuyện tình cảm là cô lại gạt ra ngay. Cô hay nói với Hân "độc thân như vầy không sướng sao chị?". Hân thì lại khác, cô rất là thương Mai, dĩ nhiên rồi, Mai đã mang lại cuộc đời cho cô, nhờ Mai mà cô đã trở về với cuộc sống cùa ngày hôm nay. Không có Mai, Hân bây giờ vẫn còn lê lết bên lề cuộc đời, Hân bây giờ vẫn còn quằn quại trong một cuộc tình không lối thoát. Mai mang đến cho Hân tuổi trẻ, mang đến cho Hân sức sống, nhưng quan trọng nhất là Mai đã mang đến cho cô một niềm tin mà cô đã đánh mất từ bao năm qua.
Hân bắt đầu làm lại được những công việc mà đã cô yêu thích ngày xưa, Hân chịu khó dọn dẹp và trồng một ít hoa ở đằng trước cửa nhà, cô cử động vẫn còn khó khăn lắm, nhưng mỗi lần nghĩ đến Mai, cô lại hăng hái làm việc. Có đôi khi vì phải đứng lâu để đào đất, chân cô đau điếng, Hân vẫn cứ làm, cô cứ nghĩ đến một ngày nào đó khi những cây bông hồng mà cô đang trồng nở hoa, cô sẽ mang đến tặng cho Mai, để cho Mai mừng là cô đã có nhiều tiến bộ và nhất là để cho Mai biết là cô đã thương Mai nhiều như thế nào.
*+*
Mùa hè đến thật dịu dàng, năm nay khí hậu không nóng lắm cho nên vườn hoa của Hân trông thật tươi tắn và mỹ miều. Sáng hôm ấy, Hân phát hiện ra một trong những cây hồng của cô đã nở bông, cô sung sướng cắt ngay xuống rồi gói lại cẩn thận, Hân gọi cho công ty để xin nghỉ, cô muốn đem đến cho Mai, ngay lập tức, tình yêu mới mẻ và nóng bỏng của cô.
Hân đến bịnh viện tìm Mai thì cũng vừa đúng lúc Mai nghỉ trưa trong phòng riêng của cô. Thấy Hân, Mai rất mừng:
-Oh, look at you, hôm nay không đi làm hả chị?
Hân cười hớn hở:
- Không Mai, hôm nay tôi xin nghỉ...
Mai vui vẻ ngắt lời Hân:
- Chị nhớ nhắc Mai đưa lại cho chi mấy cái hộp đựng cơm, hôm qua chị kho đậu hũ ngon quá, Mai ăn không biết chán. Hôm nay chị nấu món gì vậy ?
Hân ngập ngừng:
- Mai à, hôm nay....
Mai vẫn vô tình:
- Ủa mà chị ăn cơm trưa chưa? Ngồi xuống đây ăn với Mai đi.
Hân chịu hết có nổi, cô nắm lấy tay Mai nhỏ nhẹ nói :
- Mai nè, nghe Hân nói.
Thấy Hân nghiêm nghị quá, Mai vội vàng trả lời:
- Dạ chị.
- Sáng nay... trong sân nhà Hân... có cây hoa hồng mới nở... Hân mang đến tặng Mai...
- Oh, đẹp quá há? Nhưng mà Mai không thích hoa chị ơi, sao chị không trồng rau đi, chị không trồng rau giống mấy cái gia đình Viêt Nam mà Mai biết đó, ồ mà sao chị không trồng rau muống? Mai khoái ăn rau muống lắm đó.
Hân thở dài:
- Nếu Mai muốn ăn rau muống thì tôi sẽ trồng rau muống.
Hân trở về nhà, cô không giận Mai, cô biết rằng cả cuộc đời cô, cô sẽ không bao giờ giận Mai. Hân chỉ giận cô sao đã yêu Mai, tại sao cô đã biết là tình yêu đó sẽ không đi đến đâu, sẽ không có tương lai, cũng giống như tình yêu của cô đối với Nga, mà sao cô vẫn cứ yêu.
Phần 8
Thứ Sáu này lễ, Nga lái xe về thăm và lau chùi nhà cửa cho Hân. Những lúc gần đây cô thấy Hân có nhiều thay đổi, cô rất mừng. Từ sau ngày xảy ra tai nạn, Nga lúc nào cũng sống trong ân hận, cô không biết phải làm gì cho Hân trở lại được như lúc trước, Hân của cô ngày xưa là một thiếu nữ vô cùng thông minh và tràn đầy nhựa sống, cô là một trong những học trò giỏi nhất của Nga, mặc dù như Hân nói "Hân chỉ muốn vào học lớp Pháp Văn này vì cô giáo xinh đẹp quá". Hân là như thế đó, lúc nào cũng lịch sự, lúc nào cũng chu đáo và lúc nào cũng rộng rãi . Mọi thứ đối với Hân lúc nào cũng phải hoàn mỹ. Cho nên khi Hân yêu, cô cũng phải chọn một người đẹp nhất trường để yêu. Không ai có thể cưỡng lại sức lôi cuốn đam mê mãnh liệt của Hân, trong đó có Nga. Cô lấy chồng được một năm thì gặp Hân. Người ta lấy chồng năm đầu tiên thì vẫn như là còn trong tuần trăng mật, cô lấy chồng năm đầu tiên thì đã ngã vào vòng tay của Hân. Hân làm cho cô không thể nào quay lại được với Trường, cho đến bây giờ, cô vẫn không hiểu được là tại sao cô lại có thể đi yêu một người đàn bà, có phải vì những ngày sáng đưa chiều đón? Có phải vì những bó hoa hồng rực rỡ mà Hân đã làm cho tất cả các bạn đồng nghiệp của cô phải ganh tức? Hay có phải vì những bữa ăn sang trọng ở những nhà hàng lộng lẫy, trong lúc cả Sài Gòn đang chết vì đói? Nga không biết là vì sao? Vì những nhu cầu vật chất mà Hân đã cung ứng cho cô hay là vì sự quyến rũ không ai cưỡng lại được của Hân đã làm cho cô bị sa ngã, Nga không biết.
Cô chỉ biết có một buổi chiều, Hân đã ra đi, không một lời từ giã, không một câu hỏi han, Hân bỏ cô để đi Mỹ, Nga giống như một người mất trí khi Hân ra đi. Cô đi lang thang trên khắp các nẻo đường của Sài Gòn để tìm kiếm dấu vết Hân. Rồi sau đó, không một lá thư gửi về, không còn một sợi dây liên lạc nào hết. Nga vùi đầu vào nuôi chồng, nuôi con cho đến khi cả gia đình cô được giấy đi Mỹ. Cô mang theo tất cả những lá thư tình, tất cả những món quà tặng mà Hân đã cho cô, hy vọng một ngày nào đó Nga sẽ được gặp lại Hân khi cô bước chân đến Mỹ.
Thượng đế đã đáp ứng lại lời cầu xin của Nga.
Nga vào nhà Hân như mọi khi, mấy cây bông của Hân hôm nay đã nở rộ lên trông thật vui mắt. Trong nhà, Hân đã thay toàn bộ màn cửa mới, khăn trải bàn mới, và mền phủ giường mới , Nga không thắc mắc vì biết tính Hân rất sạch sẽ, nhưng mùi thơm của thức ăn từ trong nhà bếp bay ra mới làm cho cô ngạc nhiên, Hân đứng cạnh bếp đang chăm chú nấu, cô vừa nêm nếm vừa hát khe khẽ. Nga đứng lặng người nhìn Hân, cặp mắt Hân đang cười, đôi môi Hân đang cười , mái tóc Hân đang cười, cả thân thể Hân đang cười, Hân đang yêu và đang hạnh phúc quá, Nga cắn chặt môi cô, cô nhìn Hân lần cuối rồi bỏ đi.
Phần 9
Tuần này Mai không phải trực, cô về DC như mọi khi, cô vừa lái xe vừa nghe đĩa nhạc mới mà Hân đã tặng cho cô. Mai lúc này rất ít về thăm nhà, lái xe vừa đường xa và vừa hay kẹt. Nhà cô mỗi lần hè tới là có cả đống họ hàng xa lắc xa lơ về chơi, nhiều khi không phải họ muốn đến thăm bố mẹ cô mà chỉ muốn đi xem thủ đô nước Mỹ. Thức ăn Việt Nam thì cô hết thèm rồi vì Hân nấu cho cô ăn mỗi ngày. Hân trồng một vườn rau mới để nấu cho Mai ăn, thức ăn của Hân nấu vừa tươi vừa ngon. Đi chơi với Hân thì thật là vui, trò gì cô cũng biết, Mai thích nhất là đi ăn tiệm với Hân, Hân đi ăn tiệm rành đến nỗi cô biết làm cách nào để uống bia free, ăn thức ăn free. Không phải Mai và Hân không có tiền nhưng mà cô thích coi Hân lừa người ta, Hân lừa người nào cũng giỏi, Hân lừa Nga nè, Hân lừa Mai nè và đi ăn tiệm thì Hân lừa mấy ông bồi bàn Mỹ. Mỗi lần ăn xong Hân hay gọi mấy ông bồi bàn đến:
- May we have a beer?
Mấy ông bồi bàn lanh chanh không cần hỏi, chạy đi lấy ngay một ly bia y chang ly bia mà Hân đã order trong bữa ăn, mấy ông ấy vừa đặt ly bia xuống bàn là Hân đã nói:
- Oh, I am so sorry, it must be my accent, I meant may we have a bill? Hân nói bằng một giọng vô cùng thật thà và đau khổ cho nên mấy ông bồi bàn tin liền, không bao giờ tính tiền ly bia đó. Hân dạy cho Mai tất cả những mánh khóe trên đời, cô dạy Mai làm sao mua vé máy bay vừa rẻ mà vừa trả lại được, cô dạy Mai làm mặt khờ không biết nói tiếng Anh mỗi lần bị cảnh sát thổi. Mai cả cuộc đời đi học nên không biết gì cả.
Chỉ có một chuyện buồn mà cả hai đều không muốn nhắc đến, đó là chân của Hân, Mai nói cho Hân biết là chân của cô chỉ có thể trở lại năm mươi phần trăm bình thường mà thôi và chân của Hân sẽ phải chịu nhức nhối cả đời, đôi khi Hân di chơi với Mai, cô vẫn phải vịn vai Mai để bước qua những đoạn đường gập ghềnh. Nhưng có Mai bên cạnh là Hân hạnh phúc rồi, cô không thấy đau đớn và cũng chẳng thấy cô là môt người bị thương thương tật.
Đường xá chật chội, khó chịu, Mai mất kiên nhẫn, cô không muốn về nhà nữa, cô quay xe trở về để tìm Hân. Không biết giờ này Hân dang làm gì nhỉ? Đang ngồi hát nghêu ngao hay đang đọc sách? Mai tính tối nay rủ Hân đi ăn và đi xem cine, mỗi lần đi coi phim là Mai dùng xe đẩy để đẩy Hân vào rạp, nếu đi xe đẩy vào rạp thì sẽ không tốn tiền vé, hai người thích làm như vậy chỉ để thấy mắc cười.
Mai về đến nhà Hân thì đúng lúc Hân đang làm vườn, Hân mồ hôi nhễ nhại đang đào đất, chân của Hân vì đứng lâu, máu tụ lại nên sưng hẳn lên, Mai biết là Hân đang đau lắm, cô ứa nước mắt, từ trước đến giờ cô đâu có ngờ Hân phải làm cực như vậy để trồng rau cho cô ăn. Cô bước xuống, gương mặt giận dỗi, Hân sợ cô la nên phân trần:
- Mấy cái luống rau muống cũ mình đã ăn hết rồi, Hân phải làm lại đất để gieo hạt giống mới. Em ăn gì chưa ?
Mai giằng lấy cây cuốc ra khỏi Hân, cô cầm lấy tay Hân rồi áp vào mặt mình:
- Không bao giờ Mai xa chị và để cho chị phải khổ như thế này.
Hân sung sướng đón nhận tình cảm của Mai nhưng cũng cùng lúc đó cô biết rằng cô không thể để cho Mai phải đi lại những đoạn đường chông gai mà cô đã đi, Mai còn cả một cuộc đời rộng mở, Hân thì tật nguyền, hoang phế. Nếu Nga nghĩ cho cô mười tám năm về trước mà từ chối tình yêu của cô thì giờ đây cô đã không phải đau khổ như thế này. Hân nhắm mắt lại, cô nuốt từng chữ một:
- Thôi Mai về đi, chị là của Nga và vĩnh viễn sẽ là của Nga.
Hân đau đớn nhìn theo bóng xe Mai mờ dần, dù cho đau khổ nhưng cô cũng cảm thấy trong lòng thanh thản. Em còn cả một tương lai trước mắt, tôi chỉ là một kẻ qua đường. Một lần gặp gỡ em , đủ để tôi sống hạnh phúc một đời.
Virginia Beach, May 25, 2006
__________________________________HẾT____________________________________
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top