Hồi 2: Thừa - 1


Tôi đã dành tất cả kỳ nghỉ trong suốt hai năm của mình để rong ruổi trên các tuyến đường sắt ở miền Nam Trung Quốc, đi khắp đất nước để phỏng vấn năm mươi mốt nhân chứng phần nhiều đã luống tuổi, thậm chí rất lớn tuổi để biết về những sự kiện này. Khi mà lượng thông tin tôi thu được lên đến hàng nghìn trang ghi chú, tôi mới cảm thấy đủ khả năng ngồi xuống và viết cuốn sách này. Chính những trải nghiệm khi du hành khắp miền Nam đã giúp tôi hiểu tại sao miền Nam lại khác biệt đến vậy. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, sau khi đến miền Nam, tôi cảm thấy từng lỗ chân lông đều như đang rạo rực sức sống – hít thở sâu, tận hưởng từng phút giây, đến làn da của tôi trở nên mịn màng hơn, thậm chí tóc cũng dường như trở nên bóng mượt và đen hơn. Không khó để hiểu tại sao tôi quyết định viết cuốn sách này ở miền Nam.

Nhưng điều khó hiểu hơn là tại sao, khi chuyển đến đó, phong cách viết của tôi cũng thay đổi.

Tôi có thể cảm nhận rõ ràng rằng không khí mềm mại của miền Nam đã mang lại cho tôi sự dũng cảm và kiên nhẫn đến nhường nào trong việc viết – một việc mà bình thường tôi thấy khá khó chịu. Đồng thời, câu chuyện của tôi bắt đầu rẽ sang những hướng đi mới, giống như sự phát triển tươi tốt cỏ cây ở miền Nam vậy. Nhân vật chính của câu chuyện vẫn chưa xuất hiện, nhưng anh ta sẽ sớm xuất hiện thôi. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng anh ta đã ở đây, chỉ là bạn chưa thấy anh ta mà thôi. Khi mà hạt giống ẩn dưới lớp đất kia bắt đầu nảy mần, những ngọn chồi đầu tiên vẫn còn chìm trong lòng đất.

Hai mươi ba năm trước, khi mà Dung Ấu Anh cực khổ sinh ra con quái vật kia, mọi người hẳn đều mong rằng chuyện như vậy sẽ không xảy ra thêm một lần nào nữa. Thế mà chỉ vài tháng sau khi người phụ nữ bí ẩn đến sống cùng gia đình nhà Dung, lịch sử lại lặp lại. Vì còn trẻ hơn rất nhiều, tiếnghets của cô ta còn ám ảnh hơn gấp bội, như âm thanh của một con dao đang rít lên trên tấm đá mài. Tiếng hét của cô vang vọng khắp căn dinh thự u ám, làm những ngọn nến leo lắt khẽ chớp động, khiến làn da nhăn nheo của ông Dung cũng run lên. Hết bà đỡ này đến bà đỡ khác ra vào, đôi khi họ xuất hiện để đổi một chiếc khăn mới, để rồi khi đi ra ai cũng rời khỏi với mùi máu đặc quánh bám vào cơ thể và những vết máu vương vãi khắp nơi. Trông họ như đám đồ tể. Máu nhỏ giọt từ giường xuống sàn nhà, rồi lan rộng qua cả bậu cửa. Sau khi thoát khỏi căn phòng, nó nhanh chóng len theo những khe của đám gạch lót sân, len đến gốc cây mận già cỗi trong đám cỏ dại. Ai cũng nghĩ rằng những cây mận đen đúa trong khu vườn hoang tàn kia đã chết rồi, nhưng mùa đông năm ấy chúng bất ngờ nở hoa đến hai đợt – người ta đồn rằng đó là vì chúng đã uống máu người. Nhưng khi những bông hoa mận nở vào tháng Giêng, người phụ nữ bí ẩn đã chết từ lâu, chẳng biết đã thành cô hồn dã quỷ phương nào.

Những người có mặt lúc đó nói rằng thật là một phép màu khi người phụ nữ ấy có thể sinh ra đứa bé. Nếu sau khi sinh đứa trẻ ấy mà mẹ nó vẫn còn sống thì còn là một kỳ tích lớn hơn nữa mà thần linh ban tặng. Và chẳng có phép màu nào lớn đến thế, đứa trẻ được sinh ra, nhưng mẹ nó thì đã chết do băng huyết. Lấy đâu ra cơ số phép màu khi cuộc sống hiện hữu bằng xương bằng thịt. Tuy vậy, đó không phải là vấn đề lớn nhất – vấn đề thực sự đến khi bà đỡ làm sạch máu trên người đứa bé, ai nấy đều sửng sốt khi phát hiện ra rằng nó giống hệt Quỷ Đầu To: mái tóc đen dày, cái đầu khổng lồ, thậm chí, đến vết bớt lưỡi liền trên mông cũng giống nhau như đúc. Lời nói dối của Tiểu Lillie lập tức bị lật tẩy, từ một đứa bé bí ẩn được sinh ra sau chuyến hành hương của mẹ nó ngay lập tức biến thành đứa con hoang của một kẻ giết người, là nỗi ô nhục cho gia đình vốn đã chịu nhiều khổ sở. Nếu không phải vì bà Dung nhận thấy một chút giống nhau giữa đứa trẻ và bà nội của nó – Dung Ấu Anh, thì bà sớm đã vứt đứa trẻ nơi đầu đường xó chợ rồi. Chỉ bằng một sợi dây cực kỳ mỏng manh từ một người bà danh giá mà đứa trẻ ấy mới được giữ lại trong nhà họ Dung.

Đứa bé đã sống sót, nhưng điều này chẳng phải là điều vui vẻ gì đối với nhà họ Dung, họ thậm chí còn không công nhận nó là một thành viên trong dòng họ. Trong một thời gian dài, bất cứ ai khi nhắc đến nó đều gọi nó là Quỷ Chết. Một ngày nọ, ông Auslander tình cờ đi ngang qua nhà của cặp vợ chồng già được giao cho nuôi đứa trẻ, và họ lịch sự mời ông vào, hy vọng ông có thể chọn cho đứa trẻ một cái tên mới. Cặp vợ chồng này đã lớn tuổi và cảm thấy cái tên ấy như một điềm chẳng lành với họ, như thể nó đến đây để giết họ vậy. Họ đã suy nghĩ rất nhiều về việc đổi tên cho đứa trẻ. Họ cố gắng tự nghĩ ra một cái tên cực kỳ phổ thông cho nó,  nhưng dường như chẳng mấy tác dụng, khi mà ngoài họ ra, chẳng ai trong làng gọi đứa trẻ như thế. Nghe hàng xóm gọi nó là Quỷ Chết hoài khiến hai con người già cỗi rùng mình, nó còn khiến bọn họ gặp ác mộng. Vậy nên, với hi vọng cuối cùng, họ phải nhờ ông Auslander nghĩ ra một cái tên, một cái tên mà mọi người đều sẽ chấp nhận.

Ông Auslander là người nước ngoài, từng được mời đến nhà để giải những giấc mộng của bà Dung nhiều năm trước. Bà Dung rất quý ông, nhưng ông lại không phải là kiểu người mà ai cũng ưa thích. Có lần, ở bến cảng, ông giải mộng cho một thương nhân trà từ tỉnh khác, và nó khiến ông bị đánh dã man, gãy cả tay và chân, thậm chí mất đi một con mắt xanh đặc trưng của ông. Ông lết về dinh thự nhà họ Dung,  họ cho ông ở lại, xem như đó là một việc thiện để giúp bà Dung được an nghỉ nơi chín suối. Kể từ ngày bước vào căn dinh thự ấy, ông đã không bao giờ rời đi nữa. Cuối cùng, ông tìm được một công việc rất phù hợp – giúp nhà họ Dung biên soạn cái gia phả đồ sộ và rối rắm của họ. Sau này, ông trở thành người hiểu rõ các nhánh khác nhau của dòng họ hơn bất kỳ đứa con cháu nào. Ông biết rõ lịch sử nhà họ Dung, từ đàn ông đến phụ nữ, từ những nhánh chính thống đến những đứa con ngoài giá thú, ai đang thịnh vượng, ai đã suy tàn, ai đi đâu và làm gì, tất cả đều nằm trong ghi chép của ông. Vì vậy, khi nói đến đứa bé này, người khác có thể hoàn toàn mù mờ, nhưng ông Auslander biết chính xác gốc rễ của đứa trẻ và những góc tối liên quan đến sự ra đời của nó. Nhưng chính vì ông hiểu rõ dây mơ rễ má cho sự ra đời của đứa trẻ ấy, nên việc đặt tên càng khó khăn.

Ông Auslander suy nghĩ về vấn đề này và quyết định rằng trước khi chọn một cái tên chính thức, cần giải quyết vấn đề họ của đứa bé trước. Họ của đứa bé là gì? Tất nhiên, đáng lẽ nó nên mang họ Lâm, nhưng nói thẳng ra, chẳng ai muốn gợi lại những "chiến tích" tệ hại của cha nó. Nó có thể lấy họ Dung, nhưng việc lấy họ của bà ngoại lại chẳng hợp lí chút nào, mà có ai trong nhà muốn nhận nó đâu. Tất nhiên, hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu nó lấy họ của mẹ, nhưng mẹ của nó là ai? Ngay cả khi biết tên người mẹ bí ẩn, việc sử dụng cái tên đó sẽ chỉ như lật tung những bí mật đáng xấu hổ trong gia đình! Suy nghĩ kỹ càng, ông Auslander quyết định tạm gác lại vấn đề chọn lấy họ cho đứa trẻ, chọn lấy một cái tên là đủ rồi.

Ông Auslander nghĩ về cái đầu to của đứa trẻ và những đau khổ mà nó sẽ phải chịu đựng khi mất cả cha mẹ từ rất sớm, về việc nó sẽ phải tự lập mà không nhận được sự giúp đỡ nào từ gia đình. Bất chợt, một ý tưởng lóe lên trong đầu ông. Ông quyết định gọi đứa bé là Trùng Đầu To.

Khi điều này được báo lại cho bà Dung khi bà đang niệm phật, bà ngửi hương trầm một cách trầm tư và nói: "Dù người ta cũng từng gọi cha của nó bằng những cái tên tồi tệ, nhưng dẫu sao Quỷ Đầu To thực sự đã giết chết mẹ mình, một người phụ nữ tuyệt vời và là niềm tự hào của nhà họ Dung. Cái tên ấy là xứng đáng. Ngược lại, đứa trẻ này chỉ liên quan đến cái chết của một ả đàn bà hư hỏng. Người phụ nữ đó dám xúc phạm Đức Phật, một tội đáng chết nghìn lần! Việc giết ả không phải là tội, mà còn là một việc thiện. Gọi đứa trẻ tội nghiệp này là Quỷ quả thực hơi bất công. Từ nay, chúng ta có thể gọi nó là Trùng Đầu To, dẫu sao thì, con sâu cái kiến cũng chẳng biến thành rồng được"

*Rong  - Chong - Long: Họ Dung - Trùng (sâu bọ) - Long (rồng)
Trong bản tiếng anh, tên được dùng là Duckling, với ý niệm là vịt hóa thiên nga.

"Trùng Đầu To"
"Trùng Đầu To"
Trùng Đầu To sinh như một con sâu
"Trùng Đầu To"
"Trùng Đầu To"
Trùng Đầu To sống như một ngọn cỏ

Trong cả dinh thự rộng lớn đó, người duy nhất đối xử với Trùng Đầu To như một con người, như bất kỳ đứa trẻ nào khác, là ông Auslander – người đàn ông từ phía bên kia đại dương đã trôi dạt đến đây. Mỗi ngày, sau khi hoàn thành công việc buổi sáng và có một giấc ngủ trưa, ông lại đi dọc con đường sỏi nhỏ tối tăm, phủ đầy hoa, đến nơi cặp vợ chồng già sống. Ông ngồi xuống bên chiếc thùng gỗ nơi Trùng Đầu To đang chơi, hút một điếu thuốc và kể về giấc mơ mà ông đã có vào đêm trước bằng ngôn ngữ của mình. Trông có vẻ như ông đang nói chuyện với Trùng Đầu To, nhưng thực tế ông đang nói với chính mình, bởi vì Trùng Đầu To vẫn còn quá nhỏ để hiểu. Thỉnh thoảng, ông mang đến cho đứa bé chiếc lục lạc hoặc vài món đồ chơi nhỏ bằng đất sét. Cứ thế, ông là người Trùng Đầu To có quan hệ thân thiết nhất. Về sau, khi Trùng Đầu To biết đi, hay nói đúng hơn là mới biết bò, nơi đầu tiên nó bò tới là phòng của ông Auslander trong Vườn Lê.

Vườn Lê, như cái tên của nó, được đặt theo những cây lê: hai cây lê cổ thụ đã hơn trăm năm tuổi. Ở giữa khu vườn có một căn nhà gỗ nhỏ, trước đây từng được gia đình họ Dung sử dụng để lưu trữ thuốc phiện và các loại thảo dược. Một năm nọ, một người hầu gái bỗng biến mất một cách bí ẩn – ban đầu, người ta nghĩ rằng cô đã bỏ trốn cùng một người đàn ông, về sau, họ phát hiện ra thi thể của cô, đã bị phân hủy nặng, trong căn nhà này. Cái chết của cô gái tất nhiên chẳng thể che giấu được. Chẳng mấy chốc, toàn bộ nhà họ Dung và tất cả người hầu kẻ hạ trong dinh thự đều biết chuyện. Từ đó, Vườn Lê trở thành đề tài của những câu chuyện chí dị, khiến mọi người sợ hãi, không ai dám bén mảng đến đó. Chỉ cần nghe nhắc đến tên nơi này cũng khiến sắc mặt người ta thay đổi, và nếu trẻ con nghịch ngợm, cha mẹ chúng sẽ đe dọa: "Nếu không nghe lời, tao sẽ nhốt mày ở Vườn Lê!"

Ông Auslander lợi dụng sự sợ hãi của người khác đối với nơi này để sống yên tĩnh mà không bị quấy rầy. Mỗi năm, khi những cây lê nở hoa, ông ngắm nhìn những chùm hoa mờ ảo và hít thở mùi hương ngọt ngào của chúng, cảm thấy rằng nơi này chính là chốn ông đã tìm kiếm bao lâu. Khi hoa lê rụng, ông quét những cánh hoa rơi và phơi khô dưới ánh mặt trời, sau đó giữ chúng trong nhà để có thể tận hưởng hương thơm của hoa suốt cả năm như là một màu xuân vĩnh cửu. Khi sức khỏe không tốt, ông pha trà hoa lê mà uống. Loại trà này giúp dạ dày ông dễ chịu và khiến ông cảm thấy khỏe hơn.

Kể từ sau lần đầu tiên, Trùng Đầu To ngày nào cũng mò đến. Nó không nói gì, chỉ đứng dưới những cây lê và lặng lẽ quan sát ông Auslander, rụt rè như một con nai nhỏ đầy sợ hãi. Vì đã tập đứng trong thùng gỗ từ khi còn rất nhỏ, nên nó biết đi sớm hơn hầu hết những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, nó lại biết nói chậm hơn nhiều. Đến tận lúc hơn hai tuổi, trong khi những đứa trẻ cùng tuổi đã bắt đầu nói thành  từ thành câu, nó chỉ phát ra được mỗi âm "jia... jia". Điều này khiến mọi người nghi ngờ rằng có thể nó sẽ bị câm.

Tuy nhiên, một ngày nọ, khi ông Auslander đang ngủ trưa trên chiếc ghế dài bằng mây, ông bỗng nghe thấy một giọng nói buồn bã gọi ông:
"Dad... dy!"
"Dad... dy!"
"Dad... dy!"

Ông Auslander nhận ra có ai đó đang cố gọi ông là "cha". Ông mở mắt và thấy Trùng Đầu To đang đứng cạnh mình, kéo nhẹ chiếc áo ngoài của ông bằng bàn tay nhỏ xíu, mắt đẫm lệ. Đây là lần đầu tiên trong đời Trùng Đầu To gọi ai đó, và nó xem ông Auslander như cha mình. Vì trong lòng nó, người cha thực sự đã qua đời, nên nó bật khóc, và nó khóc lóc như để cầu xin cha mình sống lại. Ngay ngày hôm đó, ông Auslander đưa Trùng Đầu To vào sống cùng mình ở Vườn Lê.

Vài ngày sau, người đàn ông tám mươi tuổi này trèo lên cây lê để treo một chiếc xích đu, như một món quà dành cho Trùng Đầu To nhân dịp sinh nhật lần thứ ba của nó.

Trùng Đầu To lớn lên giữa những bông hoa lê.

Tám năm sau, đúng vào lúc những bông hoa lê bắt đầu rơi khỏi cây, ông Auslander nhìn lên những cánh hoa xoay tròn trong gió, bước đi loạng choạng, cẩn thận cân nhắc từng từ mà ông muốn viết. Mỗi tối, ông viết ra những dòng mà ban ngày ông đã nghĩ kỹ. Chỉ trong vài ngày, ông đã hoàn thành bức thư gửi cho Tiểu Lillie – con trai của ông Lillie, đang sống tại thành phố.

Lá thư đó nằm trong một ngăn kéo suốt hơn một năm, nhưng khi ông nhận thấy dường như mình đã gần chạm đến cái lưỡi hái của thần chết, ông lấy nó ra, bảo Trùng Đầu To gửi đi. Vì chiến tranh, Tiểu Lillie không cố định một chỗ mà thường xuyên phải di chuyển, nên lá thư mất vài tháng mới đến tay ông ta.

Lá thư viết:

Gửi Ngài Hiệu trưởng thân kính.
Thưa Ngài,

Tôi không biết liệu việc viết lá thư này có phải là sai lầm cuối cùng trong đời tôi hay không. Chính vì nghĩ rằng mình có thể sai, và vì muốn dành thêm thời gian ở bên Trùng Đầu To, tôi quyết định chưa gửi lá thư này ngay lập tức. Khi lá thư này đến tay ngài, là lúc tôi đang hấp hối. Và trong trường hợp đó, ngay cả khi đây là sai lầm, tôi cũng sẽ không còn quan tâm nữa. Tôi có thể sử dụng quyền của người sắp chết để từ chối gánh thêm những gánh nặng mà cuộc đời đã đặt lên vai mình. Những gánh nặng ấy, nếu tôi được phép nói, đã quá nhiều và nặng nề. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ dùng "đôi mắt thấu tỏ" được cho là của người chết để kiểm tra xem ngài sẽ nghiêm túc thế nào với những điểm tôi nêu trong lá thư và ngài dự định làm gì với chúng. Theo nhiều cách, ngài cũng có thể xem đây là di chúc cuối cùng của tôi.

Tôi đã sống trên quả đất nơi mà người và quỷ bất phân này một thời gian đủ dài – gần một thế kỷ. Tôi biết rõ cách các ngài đối xử với người chết ở đất nước này, cũng như cách các ngài đối xử tồi tệ với người sống. Điều đầu tiên thật đáng khen ngợi biết bao, còn điều thứ hai thì không. Nhưng  chính vì vậy mà tôi chắc chắn rằng ngài sẽ không từ chối thực hiện những yêu cầu cuối cùng của tôi.

Tôi chỉ có một điều tiếc nuối, và đó là Trùng Đầu To. Tôi đã là người giám hộ của nó trong nhiều năm qua, như một điều bất đắc dĩ, nhưng giờ đây tôi nghe thấy tiếng chuông cửa thiên đàng đang gọi mình, rõ ràng tôi chỉ còn vài ngày để sống. Đã đến lúc phải để người khác chăm sóc nó.

Tôi cầu xin ngài hãy tiếp nhận vai trò giám hộ nó với ba lí do sau đây:

1. Chính nhờ sự dũng cảm và hào phóng của ngài – ngài và cha của ngài (Ông Lillie) – mà nó mới được sinh ra.

2. Dù ngài có thừa nhận hay không, nó vẫn là một thành viên trong nhà họ Dung, và bà nội của nó là người mà cha của ngài yêu thương và ngưỡng mộ hơn bất kỳ ai khác trên đời.

3. Đứa trẻ này rất thông minh. Trong những năm gần đây, nó như một vùng đất mới xứng đáng được khai phá. Mỗi bước đi của nó đều khiến tôi kinh ngạc và ấn tượng bởi trí tuệ phi thường của nó. Đừng để bị đánh lừa bởi tính cách có phần lãnh đạm và lạnh lùng của nó; tôi tin rằng nó thông minh như bà nội của nó, chưa kể sự giống nhau về ngoại hình của hai người. Bà ấy cực kỳ thông minh, vô cùng sáng tạo, một nhân cách mạnh mẽ đến mức phi thường. Archimedes từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất lên". Tôi tin rằng nó chính là kiểu người như vậy. Tuy nhiên, ngay lúc này nó cần ngài, vì nó còn chưa đầy mười hai tuổi.

Hãy tin những gì tôi nói và đưa đứa trẻ này ra khỏi đây. Hãy nuôi dạy nó trong ngôi nhà của ngài, bởi nó cần ngài, cần tình yêu của ngài, và cần một nền giáo dục. Có lẽ hơn bất cứ điều gì, nó cần ngài mang đến cho nó một cái tên.

Tôi cầu xin ngài! Tôi cầu xin ngài!

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi cầu xin bất cứ ai điều gì.

Từ một người đang hấp hối,
R. J.
Trấn Đồng, ngày 8 tháng 6 năm 1944.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top