Hồi 1: Khai - 2


Đại học N đã nổi tiếng từ khi nó còn là Học viện Toán học Lillie rồi.

Chính Lillie đã khiến nó nổi tiếng đến thế. Ngay từ ban đầu, nó đã là tâm điểm của những tranh cãi khi ông ta bảo rằng học viện sẽ chào đón cả những học viên nữ. Trong vài năm đầu, người ta, khi đến thành phố này, không thể không ghé mắt mà tham quan trường. Nơi ấy giống như một triển lãm đặc biệt vậy. Theo lý mà nói, học viện này chẳng thể nào tuyển hàng tá học viên nữ giữa sự hà khắc của chế độ phong kiến thời ấy, nhưng sự thật đã chứng minh, nó vẫn tồn tại. Người ta đồn đoán đủ lý do, nhưng đáng tin nhất có lẽ là từ ghi chép từ gia phả của nhà họ Dung. Những nữ sinh đầu tiên của học viện đều là hậu duệ của nhà họ Dung. Có lẽ họ đang tuyên bố rằng: "Chúng tôi chỉ đang dạy dỗ đám con cháu nhà mình, người ngoài lấy lí do gì mà can dự?" Đó là một cách khôn khéo để tránh khỏi những luật lệ hủ lậu của thời cuộc. Còn đối với lời lẽ của thiên hạ, Học viện Lillie vẫn tồn tại vừng vàng trước những lời chỉ trích. Hơn thế, những lời ong tiếng ve về Học viện chỉ càng khiến nó trở nên nổi tiếng hơn mà thôi.

Người thứ hai khiến cho Học viện này được công chúng công nhận vẫn là một người thuộc nhà họ Dung - cháu gái của John Lillie, được sinh bời người anh (lúc này đã ngót nghét sáu mươi) và người thiếp của ông ta. Cô bé có một cái đầu to tròn kì lạ, nhưng kì thật ngoài điều đó, ngoại hình của cô bé cũng chẳng còn điểm gì khác thường. Bỏ qua điểm khác biệt về ngoại hình ấy, cô còn là một thiên tài. Khả năng của cô bé đã bộc lộ từ rất sớm, cô bé có năng khiếu không hề tầm thường trong việc tính toán. Cô nhập học tại Học viện năm mười một tuổi và có khả năng tính nhẩm vượt trội so với người lớn từ khi cô mới mười hai. Cô có thể tính nhẩm phép nhân bốn chữ số trong chớp mắt. Vấn đề toán học hóc búa đối với người khác thì trước mặt cô lại chẳng còn là cái gì to tát. Lắm lúc, người ra đề còn nghĩ cô đã biết trước kết quả của điều mà họ hỏi cô.

Lúc nhỏ, một ông thầy bói còn phán rằng cô là loại thiên tài ngàn năm có một, qua "cái nhìn" về cái đầu kì quặc của cô.

Năm cô mười bảy, cùng với anh họ mình, cô lên đường nhập học tại Đại học Cambridge. Khi cập cảng London trong một làn sương mờ ảo, anh trai cô chẳng thể nào ngăn cản tâm hồn thi sĩ của mình bằng cách ngâm vài câu cảm thán:

"Hỡi đại dương xanh thẳm
Ta đã đặt chân tới Đại Anh*
Ôi Đại Anh
Hỡi Đại Anh
Làn sương kia chẳng thể nào che đi vẻ đẹp kiều diễm của nàng..."


*Theo Wikipedia: Đại Anh (tiếng Anh: Great Britain) là một đảo nằm ở phía tây bắc của châu Âu đại lục. Đây là hòn đảo lớn thứ 9 thế giới, và là đảo lớn nhất quần đảo Anh cũng như châu Âu. Về mặt chính trị, "Great Britain" trong tiếng Anh cũng có thể đề cập tới đảo Đại Anh cùng các đảo lân cận hợp thành các xứ Anh, Scotland và Wales.


Cô bé nhanh chóng bị đánh thức bởi người tiếng hô anh họ đang trong cơn mộng mị. Cô nhìn vào cái đồng hồ quả quýt vàng cô mang theo, miệng lí nhí ngái ngủ:

"Chúng ta đã đi được những ba mươi chín ngày bảy giờ"

Tiếp theo là nội dung trao đổi đã quá quen giữa hai người:

"Đã ba mươi chín ngày bảy giờ?"
"Chín trăm bốn mươi ba giờ"
"Chín trăm bốn mươi ba giờ bằng..."
"Năm mươi sáu ngàn năm trăm tám mươi phút"
"Vậy Năm mươi sáu ngàn năm trăm tám mươi phút bằng...?"
"Ba triệu ba trăm chín mươi tư ngàn chín trăm giây"

Cái trò này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của cô bé và cũng chính là cơ hội để cô hiển lộ tài hoa của mình. Vì vậy, người ta vẫn hay gọi cô là cái "bàn tính sống". Tất nhiên, cô thực sự tốt hơn bất kì người nào kể cả khi họ sở hữu một cái bàn tính tốt nhất. Nó như ăn vào máu nhà họ Dung bởi họ là một đám thương nhân giàu sụ, sau bao đời, việc tính toán dường như đã trở thành bản năng của những đứa trẻ thế hệ tiếp theo.

Ở Cambridge, cô tiếp tục phát triển kĩ năng toán học của mình. Ngoài ra, cô còn bộc lộ thêm khả năng ngôn ngữ đáng nể của bản thân tại đây. Trong khi người khác chỉ bập bẹ câu được câu chăng, cô đã dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ của những bạn cùng phòng ngoại quốc cực kỳ nhanh. Cô sẽ chuyển phòng đầu mỗi kì học, và cho đến cuối kì, dường như cô đã thông thạo ngôn ngữ của người bạn cùng phòng của mình. Tất nhiên, cách này cũng không quá đặc biệt, rất nhiều người cũng làm như thế, điều bất ngờ là kết quả mà cô đạt được. Cô đã học được bảy ngôn ngữ chỉ trong vỏn vẹn vài năm. Cô không chỉ thành thạo kỹ năng nói, mà còn cả đọc và viết. Ngày nọ, cô gặp một cô gái có mái tóc tối màu ở sân trường, cô cố gắng giao tiếp với cô gái ấy. Cô đã thử cả bảy thứ tiếng mà mình biết, nhưng cô gái kia vẫn chẳng có phản hồi gì. Thì ra cô gái kia là một sinh viên mới đến từ Milan và chỉ nói được tiếng Ý. Ngay sau khi biết được điều này, cô liền rủ rê cô gái này trở thành bạn cùng phòng của mình trong học kỳ tới. Đó cũng là kỳ học mà cô bắt đầu học về kết cấu của Cầu Newton (Newton's Mathematical Bridge).

Cầu Newton là một trong những kiến trúc tiêu biểu của Cambridge. Cây cầu được dựng từ 7177 tấm gỗ, mỗi tấm đều có kích cỡ khác nhau. Với 10299 mối nối, có nghĩa, nếu mỗi mối nối cần một chiếc đinh để liên kết, bạn cần tối thiểu 10299 cây đinh để cố định chúng. Tuy nhiên, Newton đã ném tất cả số đinh đó xuống dòng Cam và dựng cây cầu chỉ với trọng lực - đó chính là điểm làm nên sự kì diệu của toán học nơi cây cầu. Nhiều năm qua, các sinh viên tài năng của khoa toán Cambridge đều mong muốn giải mã bí mật của cây cầu này, hay đúng hơn là muốn thiết kế một cây cầu như thế. Tuy nhiên, chẳng ai thành công. Đa số các thiết kế đều cần có hàng ngàn cái đinh, một vài trong số đó giảm được số đinh xuống dưới một ngàn. Một sinh viên người Iceland đã lập kỉ lục khi giảm được số đinh cần thiết xuống còn 561 cái. Nhà toán học nổi tiếng - giáo sư Joseph Larmor - chủ tịch Hội Toán học trường phái Newton (Newtonian Mathematical Society), đã hứa rằng: ai có thể giảm số lượng đinh xuống, dù chỉ một chiếc, sẽ được trao bằng tiến sĩ toán học tại Cambridge. Và đó chính là cách mà "bàn tính sống" lấy được tấm bằng tiến sĩ từ Cambridge với thiết kế chỉ tốn 388 chiếc đinh. Trong buổi lễ trao bằng tiến sĩ, để chắc chắn về khả năng ngôn ngữ của mình, cô phát biểu cảm ơn bằng tiếng Ý.

Đó là năm thứ năm của cô ở Cambridge, khi ấy cô 22 tuổi.

Năm sau đó, có hai anh em với khát vọng đưa con người bay lên bầu trời đã đến Cambridge để gặp cô. Lý tưởng và tham vọng đẹp như mơ của họ đã đưa cô đến Mỹ. Hai năm sau, tại vùng ngoại ô bang North Carolina, chiếc máy bay đầu tiên của nhân loại đã cất cánh thành công lên bầu trời. Trên thân máy bay tên của những người chế tạo ra nó được khắc lên bàng bạc. Tại dòng thứ tư:

"Người thiết kế cánh máy bay: Dung "Bàn Tính" Lillie, từ thành phố C, Trung Quốc."

Dung "Bàn Tính" Lillie là tên cô dùng trong thời gian sống ở phương Tây. Trong gia phả dòng họ Dung, cô được gọi là Dung Ấu Anh, thuộc thế hệ thứ tám của nhà họ Dung. Và hai người đã mời cô rời khỏi Cambridge chính là hai anh em nhà Wright, những người đầu tiên trong lịch sử hàng không.

Chiếc máy bay đã đưa danh tiếng của cô lên bầu trời, và cô cũng mang danh tiếng của Học Viện Lillie của nhà mình lên cao. Sau Cách mạng Tân Hợi, nhận thấy hy vọng phục hưng đất nước, cô thậm chí đã sẵn sàng hy sinh mối lương duyên kéo dài nhiều năm, trở về quê hương và đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Toán của học viện, lúc này đã được đổi tên thành Đại học N.

Mùa hè năm 1913, Chủ tịch Hội Toán học trường phái Newton - nhà toán học Joseph Larmor, mang mô hình cầu Newton do chính cô thiết kế đến trưng bày tại Đại học N. Đây là niềm tự hào lớn nhất của Đại học N, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử của trường. Có lẽ Joseph Larmor chính là người thứ ba đưa danh tiếng của Đại học N sang một trang mới.

Đáng tiếc, vào tháng 10 năm 1943, quân Nhật đã chiếm được thành phố C. Cùng với đó, mô hình 1:250 của cây cầu ấy cũng chìm trong ngọn lửa. Nhưng, chủ nhân thiết kế ấy đã không thể nhìn thấy  việc này, cô đã mất vào hai mươi chín năm trước, chỉ một năm sau chuyến viếng thăm của Joseph Larmor.

Năm đó, cô chưa đến 40 tuổi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top