Hồi 1: Khai - 1
Năm 1873, ông ta rời khỏi Đồng trấn trên chiếc phà nhỏ màu đen để du học hải ngoại. Ông là con cháu nhỏ tuổi nhất đời thứ bảy của một dòng họ buôn muối có tiếng - nhà họ Dung ở Giang Nam. Ngày trước, ông tên Dung Tự Lai, nhưng khi trở về từ phương tây, ông được gọi là John Lillie. Theo những gì người ta nói sau này, ông là người đầu tiên trong nhà họ Dung rời bỏ truyền thống kinh doanh và trở thành một học giả, sau còn trở thành một nhà ái quốc vĩ đại. Tất nhiên, sự thay đổi này gắn chặt với những năm dài ông đã sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, lí do ban đầu nhà họ Dung muốn ông đi du học, không phải vì họ muốn thay đổi vận mệnh của gia tộc, mà chỉ là vì hy vọng điều đó có thể giúp bà Dung sống lâu hơn một chút.
Thời còn trẻ, bà Dung đã chứng tỏ mình là một bà mẹ mẫu mực, khi sinh cho nhà họ Dung chín người con trai và bảy người con gái chỉ trong hai thập kỷ. Hơn nữa, tất cả chúng đều khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành. Chính những người con này đã đặt nền móng cho của cải kết xù của nhà họ Dung, và khiến bà ngồi vững vị trí độc tôn trong gia tộc. Nhờ sự chăm sóc tận tụy của con cháu, bà đã sống lâu hơn rất nhiều so với tuổi thọ bình thường, nhưng bà lại không phải là một người đàn bà hạnh phúc. Bà bị ám ảnh bởi nhiều giấc mơ đáng sợ và phức tạp, đến mức bà thường xuyên tỉnh giấc cùng tiếng hét thất thanh. Thậm chí, vào ban ngày, bà vẫn còn run sợ trước hình ảnh kinh hoàng từ những giấc mơ ấy. Khi mà những cơn ác mộng vẫn luôn hành hạ bà, thì đàn con đông đúc, cùng với gia tài khổng lồ, dường như trở thành một gánh nặng, lần nữa đè lên bà. Tiếng hét mỗi đêm của bà lại là nguyên cớ cho những làn hương khói vương đầy khắp dinh thự. Mỗi buổi sáng, có vài học giả trong vùng được mời đến nhà để giải mã giấc mơ cho bà, nhưng dần dà người ta nhận ra rằng không ai trong số họ thực sự hữu dụng.
Trong số nhiều người được gọi đến để giải mã giấc mơ, bà Dung ấn tượng nhất với một thanh niên người nước ngoài mới đến Đồng trấn. Cậu ta không chỉ không mắc sai lầm khi lí giải những ẩn ý trong giấc mơ của bà, mà đôi khi cậu ta còn dường như có khả năng tiên đoán về một số giấc mơ có khả năng bà sẽ gặp được. Nhưng chỉ vì tuổi trẻ của cậu mà khả năng này còn yếu kém – hay theo lời các cụ:
"Chủy thượng vô mao, bạn sự bất lao"*.
Cậu ta rất giỏi giải mã giấc mơ nhưng kỹ năng "dịch** mộng" của cậu chàng thì khá kém. Có vẻ như nếu bắt đầu sai, cậu ta sẽ lạc luôn. Cụ thể, với nhưng giấc mơ trước nửa đêm, cậu ta họa chăng còn giải được, nhưng hoàn toàn bất lực với những giấc mơ vào lúc gần sáng hoặc các giấc mơ trong giấc mơ. Cậu ta bảo rằng mình chưa từng học chính thức học cái gọi là "giải mộng" này, mà chỉ học lõm được chút ít từ ông nội mình. Với chút xíu thực lực đó, khó mà bảo cậu ta là chuyên gia được. Bà Dung ấn vào một cơ quan ẩn trên tường, lộ ra một chồng bạc trong bức tường giả ấy. Bà cầu xin cậu mời ông nội của mình đến. Đáp lại yêu cầu chỉ là một câu trả lời rằng điều đó là không thể. Có hai lý do cho việc này: thứ nhất, ông nội cậu ta vốn đã chẳng còn quan tâm đến việc kiếm tiền với khối tài sản của mình; thứ hai, ông đã rất già, và việc vượt biển để đến đây là một điều cực kỳ đáng lo ngại. Tuy nhiên, người thanh niên đã đề xuất một giải pháp thiết thực cho bà: cử ai đó đi du học.
Đây là lối thoát duy nhất trong hoàn cảnh này.
* Chủy thượng vô mao, bạn sự bất lao: dịch thô là Mồm không lông, sự chẳng thông. Ý bảo cần có tuổi, có thâm niên, mới tinh việc. Mình chưa tìm thấy thành ngữ VN tương đương trong lúc dịch, nếu có góp ý, mình luôn đón nhận.
** Dịch: chữ "Dịch" này chính là chữ "Dịch" trong Kinh Dịch. Có thể hiểu "Dịch Mộng" ở đây là hiểu những biến chuyển, những tầng nghĩa sâu hơn và sự liên kết giữa các phần của giấc mơ. Còn giải mộng có thể hiểu là đọc được và liên kết được một phần.
Việc tiếp theo là tìm một người thích hợp trong số cháu chắt của bà Dung. Người này cần hội đủ hai yêu cầu: một, phải là người có lòng hiếu thảo đặc biệt với bà Dung, sẵn sàng chịu đựng vì bà; hai, người này phải là người thông minh và ham học hỏi, có thể nhanh chóng học các kỹ thuật phức tạp về cả Giải Mộng lẫn Dịch Mộng. Sau một quá trình chọn lọc kỹ càng, cháu trai hai mươi tuổi tên là Dung Tự Lai được chọn. Thế là Dung Tự Lai, mang theo thư giới thiệu từ thanh niên nước ngoài và nhiệm vụ tìm cách kéo dài tuổi thọ của bà Dung, lên đường vượt đại dương tìm kiếm tri thức. Một tháng sau, vào một đêm bão tố, khi con tàu của Dung Tự Lai đang vượt qua sóng biển, bà Dung lại mơ thấy một cơn bão nuốt chửng con tàu và khiến cháu trai mình thành mồi cho cá biển. Trong cơn mơ, bà sợ hãi đến mức ngừng thở. Cú sốc từ giấc mơ dẫn đến cơn đau tim, và bà qua đời trong giấc ngủ ấy. Sau chuyến đi dài và khó khăn, khi mà Dung Tự Lai đứng trước người thầy của mình và cung kính gửi tấm thư giới thiệu, cũng là lúc ông ta trao lại cho cậu một bức thư khác thông báo về cái chết của bà. So với con người, tin tức lại luôn nhanh hơn, vì vậy, nó đến đích trước cũng chẳng phải điều gì bất hợp lý.
Ông cụ già hoắm nhìn người thanh niên đến từ rất xa lạ bằng ánh mắt sắc bén hình viên đạn, sắc đến mức như thể dùng để bắn hạ một con chim. Có vẻ như ông thực sự muốn thu nhận học trò ngoại quốc này, người đã đến với ông vào những năm cuối trước khi cánh cửa cuộc đời khép lại. Tuy nhiên, chuyện bà Dung qua đời làm cho việc học cái kỹ năng bí truyền này không còn cần thiết, nên dù rất xem trọng lời đề nghị của ông cụ, Dung Tự Lai vẫn quyết định quay về. Nhưng trong lúc chờ tàu về, cậu quen biết một người Hoa khác tại trường. Người này dẫn cậu đến dự một vài lớp học, và sau đó cậu không còn có ý định rời khỏi đó nữa, vì cậu đã khám phá ra rằng ở đây có nhiều điều làm cậu hứng thú. Cậu ở cùng cậu bạn người Hoa kia. Ban ngày, cả hai học toán và hình học với các sinh viên đến từ Bosnia và Thổ Nhĩ Kỳ. Vào buổi tối, cậu tham gia các buổi hòa nhạc với một sinh viên cao học từ Prague. Cậu vui vẻ đến mức không nhận ra thời gian trôi nhanh như thế nào, đến khi cậu quyết định trở về, bảy năm đã trôi qua.
Vào mùa thu năm 1880, Dung Tự Lai lên tàu cùng với vài chục thùng rượu mới và bắt đầu hành trình dài trở về quê hương. Cậu về đến nơi vào cuối đông, rượu đã sẵn sàng để uống. Theo lời cư dân Đồng trấn, nhà họ Dung chẳng hề thay đổi chút nào trong suốt bảy năm đó – nhà họ Dung vẫn là nhà họ Dung, thương nhân muối vẫn là thương nhân muối, gia tộc thịnh vượng vẫn tiếp tục thịnh vượng và của cải vẫn không ngừng chất vào kho. Điều duy nhất khác biệt là người thanh niên ra đi – ông không còn trẻ nữa và đem về một cái tên kì lạ: Lillie. John Lillie. Hơn nữa, ông con mang thêm vài thói quen kì lạ về đây: ông không còn để tóc dài, mặc áo ngoài ngắn thay vì trường bào, thích uống rượu có màu đỏ như máu, nói chuyện thỉnh thoảng lại chen vài từ như tiếng chim hót chẳng tài nào hiểu được, và còn nhiều điều nữa. Nhưng điều kỳ lạ nhất là ông lại chẳng thể chịu được mùi muối – khi ông xuống bến cảng hay vào cửa hàng và mùi hăng của muối xộc vào mũi làm ông bắt đầu buồn nôn, lắm lúc còn nôn ra cả dịch vàng. Thật đáng sợ khi con trai của một thương gia muối lại không chịu được mùi muối, ai đời sống bằng muối lại không thể đụng đến muối? Sau này, Dung Tự Lai đã kể lại rằng: khi đang trên hành trình vượt đại dương, ông vô tình ngã xuống nước, nuốt quá nhiều nước mặn đến mức suýt chết. Sự kinh hãi của sự kiện này đã khắc sâu vào tận tủy xương của ông. Sau đó, ông luôn phải ngậm một lá trà trong miệng khi ở trên tàu, nếu không ông chẳng thể chịu nổi.
Dĩ nhiên, giải thích là một chuyện, còn khiến người ta chấp nhận thì lại là chuyện khác. Nếu ông không thể chịu được mùi muối, làm sao có thể làm việc trong nhà được? Không thể để ông chủ đi vòng quanh với miệng đầy lá trà mãi. Đây đích thị là một vấn đề nan giải.
May mắn thay, trước khi ông đi du học, bà Dung đã viết rõ ràng rằng khi ông trở về sẽ được nhận tất cả số bạc nơi bức tường trong phòng bà như một phần thưởng cho tấm lòng thảo hiếu của ông. Sau này, ông đã dùng số tiền đó để mở một trường học tử tế ở Thành phố C, thủ phủ của cả tỉnh, mà ông gọi là Học viện Toán học Lillie.
Đó là tiền thân của Đại học N danh tiếng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top