Truyện dài - Phía sau một khung hình
Nguyễn Phước Huy
Quyển 1 của truyện dài Phía sau một khung hình của Nguyễn Phước Huy được phát hành ở phần cuối của tập truyện Cho tôi xin một nửa cuộc đời. Chi tiết xem tại đây.
Tôi sống trong một căn gác xếp của Thành Phố chật chội, căn gác nằm ở phía góc cuối của con đường, một con đường nên thơ với dãy đèn chập chờ và những bọc rác để vô lề vô lối. Căn gác nhỏ xíu, chừng bằng nửa cái bếp dưới quê, giữa trưa nóng như một cái lò bánh mỳ hạng lớn, nhưng nó là nơi tôi ở suốt quãng đời sinh viên của mình.
Căn gác tôi sống khá bừa bộn, có lẽ đứa nào học Kiến trúc đều có thể tạo ra một căn gác sáng tạo như tôi, phía trên là một bóng đèn compact, lúc lắc khi có gió thổi nhẹ qua đung đưa những ngọn sáng hiền khô trông thấy, phía dưới là chiếc quạt, một chiếc quạt không thể nào dừng thổi khi tôi ở nhà, và mớ quần áo, chăn gối lộn xộn. Tự nhủ, mình không đủ thời giờ để làm cho nó mất đi cái tự nhiên của căn phòng…nhủ vậy tôi chợt tự cười một mình.
Theo cách này hay cách khác, cuộc sống của tôi rất đẹp, dẫu cho thằng Chí có nói với tôi rằng, “nếu tao là mày chắc tao chết sớm quá”, nhưng tôi nghĩ rằng mình khó có thể chết được, vốn dĩ nếu muốn chết thì đã chết vào mấy lần bị xe tông khi vừa tung tăng trên đường, vừa đeo tai nghe lúc lắc. Hay dễ hơn là chết trong mấy lần sốt gần bốn chục độ hồi năm rồi…Ấy vậy mà tôi vẫn sống.
Tôi có những thói quen cũng không thể nào bỏ được, mà đã là thói quen thì đâu phải muốn bỏ là bỏ, ví dụ như thói quen vẽ lên tường lúc hứng, viết vu vơ mấy câu hát để rồi ngồi nhẩn nha và biểu “nếu mình hát hay chắc mình trở thành nổi tiếng mất rồi”, và thói quen nữa là đạp xe nhởn nhơ trên đường đến tận khuya.
Tôi nghĩ cuộc sống tôi thế này là đủ lắm rồi, mà nếu đời có cho tôi cái gì thêm nữa thì tôi vẫn cứ nhận. Tôi sống một mình từ cấp ba, khi từ miệt trong ra thị trấn thuê trọ học. Đến Đại học, việc xa nhà, không gắn bó với gia đình không còn là điều làm tôi trở nên trăn trở nữa. Cuộc sống vẫn thật đẹp! Dẫu thằng Chí cứ bảo rằng tôi cô đơn, êm đềm và chán ngắt.
Theo lời thằng Chí, tôi quyết định vác đồ nghề ra nhà thờ Đức Bà để vẽ chân dung miễn phí cho khách du lịch. Tôi để cái giá vẽ xuống đất bên góc của công viên, nhìn chằm chằm vào phía hàng đèn của con đường đối diện, nó đẹp, thật sự đẹp, tôi nói thằng Chí “Chí ơi! Chắc tao không vẽ người nữa quá”. Thằng Chí hỏi lại “mày khùng hả, mày không vẽ người chứ vẽ gì”.
Tôi lướt nhẹ cây bút chì qua trang giấy, cố gắng đưa hàng cây và ánh sáng của nó được hòa hợp với nhau như một bức ảnh chụp trắng đen, đưa thêm một vài nét đậm cho con đường dài xa mút. Và rồi dừng lại. Mười lăm phút. Khi tôi quay qua thì thấy thằng Chí đang chăm chú vẽ cho một chị người nước ngoài, tóc vàng hoe, chống cằm nhìn về phía xa xăm. Lâu lâu đưa tay lên dụi mắt, chắc do xe qua tấp nập, còn bụi đường thì cứ đua nhau bay nhảy dưới ánh đèn vàng rực rỡ cả một góc công viên.
Tôi ngẫm, giờ xong rồi, vẽ gì nữa ta, chẳng lẽ vầy đi về. Trong suy nghĩ của tôi về mấy thứ cây cỏ xung quanh đang làm tôi nhàm chán, và muốn buông cọ chạy đến với tụi nhóc đang giỡn với chú hề ở bên đường, thì chợt sét đánh ngang đầu, làm tôi choáng váng.
Sét ở đây là một đứa con gái, một đứa con gái với mái tóc dài thườn thượt được chẻ đều hai bên vai, cặp mắt kính dày cộm và đang cố gắng đem chiếc xe đạp của mình qua một dòng người tấp nập. Cái áo dài bận bịu đang được vắt chồng lên rổ xe, khuôn mặt buồn tủi đang len lõi quá mớ đèn sáng rực của miền đất Sài Thành vốn dĩ đã chật cội… Tiếng sên xe kêu lọc cọc, có thể là trong một phút giây nào đó thời gian và không gian dừng lại bởi một khung hình, khung hình một đứa con gái đeo kính…và một mái tóc dài.
Tôi chạy ra giữa con đường nhộn nhịp xe cộ và nói:
- Có cần tui giúp không, nếu cần thì tui sửa cho cái sên…
- Sao biết xe bị hư sên mà sửa? – Con bé bướng bỉnh nói.
- Trời đất, nhìn rõ chằm chằm đó kìa còn hỏi! – Tay tôi đang chỉ vào cái sên vô duyên đang bị chệch hướng ra khỏi xe, lê lết trên mặt đường.
- Anh sửa xong có tính tiền không? Tui không có tiền đâu nha!
- Ờ…thì sửa xong không lấy tiền, nhưng lấy cái khác!
- Vậy thôi! Tui đi…
- À…uhm…à… – tôi nhìn đăm chiêu, cái suy nghĩ nhờ con bé làm người mẫu sau khi sửa xe cho nó làm tôi thấy mình tha thiết được tiếp cận nó, nhưng cái thái độ dứt khoát, quay đi một mạch làm tôi ghét kinh khủng. Sao mà…khó ưa đến như thế không biết.
Người ta thường hay nói về cái thứ tình yêu sét đánh, nhìn một lần là yêu tới già, tôi không tin, vốn dĩ rất khó để tin. Tôi thường hay nghĩ, chỉ có thứ lẳng lơ, đa tình mới có thể yêu ngay lần đầu nhìn xẹt qua trước mắt…vậy mà giờ đây cái suy nghĩ ấy lại bị lung lay, rung rinh trước một trận giông bão, đầy gió và tiếng sét vang trời. Nghĩ cũng tức cười thật. Chợt tôi cười khinh khỉnh như một thằng điên.
Con bé dắt chiếc xe cực khổ được một đoạn ngắn. Hồi lâu bỗng dưng đứng im lại, một phút sau bỗng chiếc xe taxi phóng nhanh lao mạnh vào hướng giữa chiếc xe, con nhỏ thét lên vô định, cũng chẳng biết là thét cái gì, chiếc xe càng ngày càng nhanh, trong suy nghĩ của tôi rằng, chắc thằng cha tài xế ngủ quên…Tôi chợt chạy nhanh đến con nhỏ, thấy vạt áo dài đang kẹt trong bánh xe trước, trong phút chốc, tôi đẩy mạnh chiếc xe, nhưng vô vọng…Đến khi quay ngang qua bỗng thấy chiếc xe đang sát mặt mình. Con nhỏ chợt ôm chầm lấy tôi…
Tôi ôm chặt con bé, rồi nằm lăn qua đường, chiếc taxi đè chồng lên chiếc xe đạp vỡ vụn, một mảnh sắt khứa vào mặt trước bàn tay tôi, máu chảy bươm…
Chiếc áo dài vẫn mắc vào bánh xe trước, phần đuôi xe đã nát vụ, chiếc taxi chạy mất hút, tim tôi đập mạnh, loạn nhịp và nhắm nghiền mắt lại và tự hỏi “mình còn sống không ta”. Đến khi tôi nghe một tiếng khóc thút thít dưới hai cánh tay của mình, ấm ấm. Tôi giật mình, buông con nhỏ ra và hỏi “có sao không?”. Con bé lắc đầu, rồi kéo chiếc xe đạp vào lề, tôi lơ đãng không nhìn thấy hành động này, đến khi chiếc xe đạp đã nằm gọn gàng trong một góc công viên.
Sau đó vài phút, người ta đến mỗi lúc một đông, thằng Chí chạy đến hỏi, rồi cằn nhằn dạng như “anh hùng cứu mỹ nhân hả mày, sắp tiêu đời rồi thấy chưa”, sau đó là một tràng những câu nói lảm nhảm phát ra từ nó, tôi không để ý lắm. Con nhỏ mắt mũi tèm nhem, móc đâu đó ra miếng bông băng, rồi chạy đến nắm lấy bàn tay tôi, cuộn vòng lại rồi nói:
- Nhớ về rửa Oxy già nghen, không thôi là nhiễm trùng đó.
- Ủa sao ở đâu có sẵn vậy. – tôi hỏi, tò mò một ít về cái khuôn mặt kia. Cặp kính đã bị nứt phần nhỏ ở mép, mặt có trầy chút ít, chắc do chà sát với nền đường. Nhìn thương quá.
- Kệ tui, nhào ra cứu chi, lỡ chết luôn hai đứa thì sao.
Tôi chỉ cười, đúng hơn là không biết phải nói gì khi một đứa con gái đang cầm nắn những ngón tay thô ráp của tôi. Tôi có hay nghĩ về những ngón tay của mình, nó chai sần sật do vác mấy đống lúa mùa gặt, rồi bơi mình trong mớ thóc vàng ươm, trên tay là bồ cào cán tre, bàn tay sần sùi của của một thằng con trai miền Tây nước ngập. Cảm giác thật nhẹ nhàng và…yếu đuối.
Sau một hồi lạnh lùng và quyết liệt không cho tôi đụng vào chiếc xe đạp, thì tôi cũng đã có thể làm cho con bé điên lên vì bướng bỉnh. Tôi kêu một chiếc xích lô cõng hết toàn bộ mấy mớ bừa bộn của con nhỏ về nhà, con nhỏ còn thét lên “lỡ người ta chở của tui đi hết thì sao”. Thằng Chí cười khà khà biểu “em yên tâm đi, tụi cướp ở đây giàu lắm, không ai lấy có nửa chiếc xe đạp của em đâu”.
Tôi phang hết tất cả mọi thứ tài sản cả đời tôi cho thằng Chí, dặn nó chở về hộ tôi. Tôi đem xe đạp của mình chở con bé về. Cả đoạn đường dài, qua vài cái đèn đỏ và buộc lòng phải dừng lại, chống chân mỏi nhừ. Con bé vẫn ngồi nghiêng về một phía. Im lặng.
Tôi chỉ đủ can đảm hỏi có hai câu, “nhà gì đó ở đâu?” và “bạn tên gì?”.
Nhưng đáp án duy nhất của tôi chỉ là “hẻm 93 đường….” – cái đáp án đáng ghét đã được nghe đi nghe lại khi bác Xích lô khiêng chiếc xe đạp nát vụng để chở về nhà.
Tôi đậu trước cái hẻm 93 của con đường vắng hoe, hỏi lại lần nữa khi con nhỏ yêu cầu việc trợ giúp “bị” dừng trước hẻm:
- Đường tối hù, cần đưa vô tới nhà không?
- Thôi khỏi, quen rồi mà. – Con bé một mực từ chối, mắt lơ đãng nơi xa, không thèm nhìn tôi lấy một giây.
- Vậy thật là không cho tên với điện thoại luôn hả? – Tôi hỏi, mắt rất thành khẩn, mà thiệt ra tôi cũng ngộ, lần đầu tiên tim đập nhanh đến thế, khao khát này lớn hơn cả cái khao khát được nhận làm thêm ở một công ty nhỏ. Chờ kết quả mà hơn cả đợi chờ kết quả của kỳ thi cuối kỳ.
- Tên Tuyền, điện thoại vừa mất rồi…còn anh?
- Anh…à tui…à…Kiên!
Vậy là con bé, à không, Tuyền mất hút trong mớ đèn chập chờn của con hẻm tối mịt. Tôi lang thang mãi trong bóng đêm, lang thang qua từng tuyến phố, thấy sự trống trãi dường như làm tôi thoải mái hơn và khi về tới căn gác trọ thì cũng chừng mười hai giờ khuya. Nhận được một tin nhắn của thằng Chí - tao đã về tới nhà rồi, chở luôn mớ dụng cụ của mày sau xe nặng thấy mồ. Hồi nãy có một chú Công an đến hỏi này nọ….
Thật sự đọc tới đấy tôi cảm thấy mình hết sức để quan tâm mọi thứ về sau, cũng chẳng quan tâm đến chiếc xe taxi đó của công ty nào mà độc ác dễ sợ, cũng không quan tâm mấy chú Công An sẽ giải quyết như thế nào,…chỉ cố gắng dìm mình trong mớ suy nghĩ, Tuyền ư? Tuyền là ai? Không biết con bé học trường nào? Chắc sinh viên năm nhất quá, không biết có người yêu chưa nữa? ngộ ghê, có cái số điện thoại mà không cho, dù sao cũng là ân nhân chứ giỡn, cặp mắt gì mà độc ác, nhắm mắt lại bị ám ảnh cả đêm…Những câu hỏi nhảy lung tung trong đầu mà không lời giải đáp.
Buổi sáng hôm sau, tôi thức sớm, người mệt mỏi vì đã không thể ép mình đừng suy nghĩ về Tuyền trong đêm qua, tôi chạy xe đạp ngược hướng trường mình một chút. Cũng chỉ để hi vọng qua cái hẻm số 93, một bên là cửa hiệu hớt tóc, một bên bán cái gì đó mà tối qua mập mờ chạng vạng không thấy rõ. Đến cái hẻm ọp ẹp nhỏ xíu xiu đó, với thêm mấy cái bóng đèn lủng lẳng chập chờn, và hi vọng gặp được con bé Tuyền và thốt lên rằng “ủa tình cờ ghê heng, tui đi học ngang đây, có muốn đi ké không”…
Tưởng tượng chỉ tới đó tôi cũng thấy hưng phấn lạ thường. Khi đi ngang hẻm 93, tôi chầm chậm, đạp nhẹ nhàng và tưởng tượng sau lưng của mình có một tảng đá nặng trịch, lê từng vòng xe một. Để ý kỹ hơn vào con hẻm, thấy xa hun hút, cái nhà còn lại ở đầu hẻm bán hoa, nhìn rực rỡ cả một góc trời thành phố. Tự dưng nhìn lẵng hoa hồng, thấy cái gì đó lãng mạn trào dâng, tặng cho ai đó giờ này chắc là vui lắm. Giật mình tự hỏi, mình sến vầy hồi nào vậy trời…
Tôi đạp mạnh về phía trước, và hơi nản khi nghĩ rằng phải vòng qua một con đường nữa mới đến được trường.
Tối hôm đó, tôi cố nhớ hết tất cả mọi thứ thuộc về khuôn mặt của Tuyền, một cái mũi cao, đôi môi đỏ, khuôn mặt tròn và mái tóc dài được chẻ gọn gàng hai bên. Tôi vẽ lại theo trí tưởng tượng của mình, hơi tự hào về biệt danh tụi trong lớp đặt cho tôi “Recorder the face”, hạnh phúc trào dâng từng giây một khi nghĩ rằng, một ngày nào đó “vô tình” tôi sẽ tìm được Tuyền và đưa cho con bé xem tấm ảnh này. Tuyền sẽ thốt lên trong sung sướng và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của tôi, kể cả câu “Tuyền có người yêu chưa ?”. Nhưng tác phẩm của tôi tô vẽ mãi, mệt nhoài đến sáng mà vẫn không tài nào họa xong được đôi mắt…
Tôi đem chuyện này kể cho thằng Chí, bởi vốn dĩ từ trước đến giờ với nó, tôi chưa giấu bất cứ một điều gì. Thằng Chí là một thằng lăng nhăng – theo nhận xét chủ quan của tôi – nó thường không ủng hộ lắm việc chung thủy hoặc si tình của một thằng con trai dành cho một đứa con gái. Bởi có thể trong tay nó có quá nhiều đứa con gái mê si cái khuôn mặt non choẹt, búng ra sữa, cái thân hình ròm ròm, thư sinh và cặp mắt nằm sau đôi kính đa tình đến phát ngán. Cũng ít ai nghĩ rằng chính cái ngờ ngợ khờ khờ của thằng Chí, mà nó có thể tán tỉnh biết bao đứa, đến nỗi tôi không nhớ được nó đã kể nó đã yêu những ai và hiện tại ai đang là ‘người yêu chính thức’ của nó nữa. Và điều đó làm tôi không bất ngờ khi nó cười sặc sụa vào mặt tôi khi tôi đang chết luôn chết xuống vì một ánh mắt của đứa con gái tình cờ gặp vào một đêm ở nhà thờ Đức Bà… mà nghĩ cũng nực cười thật. Cả tuần tôi bị lặp đi lặp lại một hành động, một suy nghĩ, một nỗi nhớ, nó khiến tôi bực. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi ngày tôi không chạy xa hơi hành trình của mình đến trường, kèm một tâm lý sẵn sàng trong đầu khi đi ngang hẻm 93, sự ngẫu nhiên và tỉnh táo để hoàn thành đôi mắt còn trống trong bức tranh nghiền ngẫm hằng đêm.
Cho đến một hôm, sau một trận giông lớn, khi đủ can đảm để chạy vào con hẻm số 93 nhằm kiếm tìm một cái gì đó, thì tiệm hoa trước hẻm bị một cây xanh ven đường to khủng đè sập, cái hẻm 93 bị chắn ngang tầm nhìn một phần hơn, tôi thảng thốt đứng nhìn, và tự nhủ, ngày mai vẫn đi ngang đây chứ ?…
Nếu cuộc đời như một bức tranh, thì quả thật bức tranh của tôi thật ít màu, thằng Chí thường hay bảo thế. Cuộc đời cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc sống bình thường mỗi ngày, rồi xem mỗi ngày trôi qua như một cái vòng xoay định mệnh của chiếc đồng hồ đều mãi. Mà phải chi cứ mãi như thế thì cũng vui, cũng không có gì phải nói, đằng này đột nhiên trái tim dở chứng loạn nhịp vì đứa một đứa con gái không rõ nó là ai.
Mỗi đêm, tôi thường nhớ về hôm ở nhà thờ Đức Bà, nhớ cái ôm chặt cứng trong sợ hãi, nhớ cái khóc thút thít dưới bờ vai và cái nắm tay ngọt ngào đến lâng lâng khó tả. Tự khi nào từ cái đêm hôm ấy, bao nhiêu thứ nào là lý trí, suy nhĩ, quyết tâm đều nhảy loạn lên cả vì trái tim khờ khạo ở mức ngu ngốc. Kể cả cái bức tranh, đôi lúc hụt hẫng muốn xé toang nó, khỏi mong khỏi nhớ, khỏi chờ, khỏi đợi, ít nhất cũng khỏi phải đạp xe xa hơn đoạn đường đến trường mỗi ngày, vậy mà khi mở bức tranh ra thì động lực để xé nó đều rời rạc, bất giác.
Có thể nhờ cái cây đổ ngang con đường mà tôi cảm thấy cuộc sống mình có cơ hội trở lại bình thường như ngày trước, tôi không còn ngóng chờ con hẻm số 93 vào mỗi buổi sáng nữa. Nhưng đôi khi cũng buồn lòng vì thứ làm mình rung động đột nhiên rã rời đổ vỡ ngay trước mặt của mình, nhưng thôi kệ, cuộc đời với tôi thế cũng được rồi, tạm chấp nhận nó vậy.
Khi sắp bắt đầu kỳ thi học kỳ một, tôi mới thật sự cảm thấy việc nhớ nhung Tuyền trong gần một tháng ra là một chuyện nhảm nhí nhất mà tôi từng làm. Thằng Chí thì vẫn lôi điều này ra để giỡn trong khi tôi tức điên vì không thể kềm chế được cảm xúc của mình lúc ấy. Nhận xét cho cùng tôi cũng là một người mau thèm cũng chóng chán.
Sau vài ngày ôn miệt mài trong gian gác xếp đầy tranh vẽ của tôi, tôi mới thực sự thấy mình sắp trở thành người tiền sử vì chỉ toàn ăn đồ hộp, lười tắm và chưa thấy ánh mặt trời đã mấy ngày. Nhìn lại cũng nửa đêm, tôi rủ Chí ra nhà thờ Đức Bà để ngồi ngắm mấy đứa nhỏ vui đùa, cũng kiếm chủ đề cho bài kiểm tra Vẽ đời sống thường nhật mà tôi vừa được nhận cách đây một tuần, mà thật ra tôi có thể chọn một trong hàng tá những địa điểm để đem về cho mình những khung cảnh đẹp, thậm chí chỉ ngồi ở nhà dùng internet cũng có thể xem được những thứ mình cần muốn…nhưng không hiểu tại sao tôi lại khao khát ra nhà thờ Đức Bà đến thế.
Khi nghe yêu cầu của tôi, thằng Chí cười nắc nẻ và bảo “nửa đêm, còn đứa nhỏ nào ở ngoài đó mà ngắm với nhìn!” rồi nó từ chối tôi không nể nang một tiếng. Tôi vẫn một mình ra đó. Tôi thích đạp lang thang ở Sài Gòn vào nửa đêm, lúc xe cộ đã thật sự vắng, những ánh đèn rọi sáng con đường phía trước, bóng dáng thấp thoáng của chị lao công làm tôi chợt thấy yên bình hơn hẳn.
Quả thật nửa đêm ở nhà thờ cũng nhộn nhịp như vừa chập tối. Phía công viên có những đôi yêu nhau bắt đầu tựa đầu vào nhau ngắm những…bóng đèn treo lủng lẳng phía trên những tán cây, hay tiếng nói cười rỉ rả của tụi sinh viên đang làm không gian trở nên tươi mới hẳn lên, tuy nhiên điều mà tôi muốn lại không tồn tại vào thời khắc này. Mà tôi cũng không rõ điều mình đang muốn là gì nữa, phải chăng là bóng dáng thấp thoáng của chú hề với tụi nhỏ nô đùa xung quanh, hay chiếc xe đạp tuột sên đang bực dọc khó chịu giữa con đường nhộn nhịp…Chợt lại nhớ da diết.
Tôi ngồi đó một mình, nhìn về hướng dãy đèn xa xăm từng nằm trong bức tranh của mình đã vẽ, và cố tưởng tượng cái ánh mắt thảm thương đang lê từng vòng xe mệt nhọc lê thê. Chợt tôi thấy một đứa con gái đang mặc chiếc áo dài, đạp xe đạp vội vã, làm tôi tưởng chừng mình đang ở đâu đó giữa thiên đường, hoặc đơn thuần hơn là ông trời có vẻ đã thấu được những nỗi nhớ của mình trong thời gian qua.
Tôi thường không tin lắm vào sự ngẫu nhiên hoặc những ý định sắp đặt sẵn của thượng đế, càng không tin lắm một bộ phim tình cờ đến mức lạ lẫm kiểu như hơn mấy chục năm không gặp nhau rồi đột nhiên rớt quyển tập, cả hai quay xuống cùng nhặt rồi biết nhau, yêu nhau…và lần này cũng thế. Dẫu suy nghĩ như vậy nhưng tôi vẫn đạp xe theo cái dáng quen thuộc mà tôi vẫn chờ đợi. Tôi đạp mãi, càng hạnh phúc khi bóng dáng ấy vẫn tiếp tục đi hướng đến con hẻm số 93, nhưng không dám đạp mạnh để vượt lên bóng dáng ấy. Tôi chuẩn bị hàng chục, thậm chí hàng trăm câu hỏi để hỏi, hàng trăm câu trả lời cho sự ngẫu nhiên đến bất thường này, loạn nhịp, mọi thứ đều loạn nhịp.
Và lần này sự ngẫu nhiên ấy lại làm tôi mất niềm tin vào nó, một đứa con gái lạ hoắc… Lần đầu tiên có cảm giác ngồ ngộ đến thế.
…
Sau khi thi học kỳ, lớp tôi tổ chức cuộc vận động tình nguyện đến các mái ấm ở ngoại thành Thành phố, ngoài chúng tôi còn có một số lớp khác của trường khác cũng tham gia trong kế hoạch lớn này. Sự hào hứng chuẩn bị, tinh thần tình nguyện làm tôi xả hết được mớ rườm rà vướng mắc trong suốt quãng đường vừa qua. Nhiều khi tôi muốn kể thằng Chí nghe về suy nghĩ của mình, nhưng lại sợ cái thái độ cười vật vã của nó làm tôi áy náy.
Chúng tôi có gần một tuần lang thang ngoài các tuyến đường, các mái ấm và trên những chuyến xe bus, nghe có vẻ gian nan nhưng nó làm tôi vui hơn bao giờ hết. Nghĩ đến việc những đứa bé lem nhem đất, những đứa bé mặc quần áo rách rưới bán chewing-gum được một bữa vui chơi thỏa thích đã làm tôi thấy lòng mình lâng lâng nhẹ hẫng. Chuyến xe bus đầu tiên chúng tôi đến là mái ấm Nhật Nga tận ngoài Cần Giờ. Chuyến xe bus ngập tràn chiếc áo xanh mang tên tình nguyện, thằng Chí để tôi ngồi một mình với con Trâm mặt mụn, rồi nó lang thang ở đầu xe với những đứa con gái của trường Y Dược.
Con Trâm bị say xe, nó ói từ giờ này đến giờ khác, mặt nó xanh lè. Tôi lấy đưa nó chai dầu và cho phép nó được dựa lên vai của mình miễn phí. Hơn hai tiếng ngồi trên xe bus, tôi mỏi nhừ vì thân hình đồ sộ của nó lại lấy một cái cột liêu xiêu như tôi làm điểm tựa. Vừa đến nơi, tụi bạn nháo nhào chạy ra khỏi xe bus, còn tôi mệt mỏi lê từng bước chân của mình, tay phải dìu con Trâm mặt mụn, tụi trong lớp đứng ngoài xe cười nắc nẻ vì “đôi đũa lệch”, lệch đến mấy trăm độ như thế này. Đột nhiên tôi thấy mình hận thằng Chí.
Chương trình của chúng tôi diễn ra tại Nhật Nga trong hai ngày, chúng tôi có một buổi dã ngoại ngoài trời và một buổi tổng vệ sinh mái ấm. Với “tướng tá” của chúng tôi, thì tôi và Chí đều vui vẻ khi được phân công phụ trách nhóm trại cùng các bạn trường Y Dược và Sư Phạm. Con Trâm mặt mụn cũng đòi theo tôi một mực. Khi người ta bắt nó ở nhà để dọn dẹp thì nó chỉ khóc thé lên và biểu “em đi với anh Kiên,…” Cả đội lăn ra cười khi mặt tôi lại nóng lên hừng hực vì ngại. Đội chúng tôi có hơn bốn chục người, trong khi đó số lượng tụi nhóc siêu quậy đến gần hai trăm, nghĩ đến đây tôi chợt thấy mình choáng choáng.
Tính tôi lầm lì ít nói nên buộc phải tham gia khâu dựng lền ở một bờ biển gần đó, còn thằng Chí lanh lẹ được cử làm đội trưởng đội tổ chức sự kiện, đi lanh quanh những khu rừng thông. Đôi lúc tôi thấy ghen tị với nó, nếu tôi có được sự nhanh nhẹn, hoạt bát đó, chắc tôi không phải làm những việc nặng nhọc như thế này. Dẫu đời có bất công như thế, nhưng tự nhủ lòng mình rằng sẽ có hàng trăm đứa trẻ sẽ đua nhau trong căn lều, chúng nó sẽ vui vẻ với những thứ tôi tạo ra, sẽ hạnh phúc ngập tràn, tôi thấy mình sống cũng có ý nghĩa thật!
Chương trình tổ chức khá điêu luyện dưới bàn tay của thằng Chí, tụi nhỏ chơi bao nhiêu là trò và cười nắc nẻ đến chiều tối. Thằng Chí đã làm quen được với bao nhiêu là bạn ở các trường khác, còn tôi thì loay hoay mãi hết mớ lều trại, đến dàn cắm lửa rồi lại đến dây chạy lửa trại,… Chỉ có một mình tôi, à không với cả con Trâm mặt mụn đang ngồi nhai đi nhai lại câu nói “anh Kiên giỏi thiệt, anh kiên giỏi thiệt”,…làm tôi phát ngán.
Trong lúc tôi vẫn đang bó những cuộn dây đồng loay hoay một mình thì ngoài biển có tiếng thét thất thanh. Tôi chạy một mạch từ cồn cát ra đến biển, thấy thằng nhỏ đang với tay dưới những con sóng khủng khiếp ngoài xa. Không định thần và suy nghĩ được nhiều, nhìn quanh xung quanh chỉ toàn con gái, tôi chỉ kịp thét “Chí bơi ra với tao”… nhưng tôi không nghĩ nó lại không có ở đó.
Trong loáng thoáng suy nghĩ của tôi rằng mình sẽ đuối, nhưng với sức bơi của thằng con trai miền Tây thì tôi không lấy làm sợ. Khi thấy những con sóng cứ dập mạnh vào mặt, và gió chiều đang thổi lớn hai phía ùa về, tôi mới thấy được sự khác biệt giữa con sông êm đềm dưới quê và sóng biển vô hồn chốn đại dương bát ngát. Nghe tiếng thét của thằng bé lần cuối và khi nó tắt lịm, tôi thảng thốt. Tôi lặng xuống dưới sâu, mắt rát rạt không thể nào mở ra được. Thấy mình bắt đầu mệt nhoài, tự nghĩ giờ có thằng Chí chắc sẽ tốt hơn, nhưng điều đó bây giờ là không thể. Tôi vô hồn quơ tay trong con nước lạnh ngắt, chợt nắm được tay thằng bé…Tôi vội nắm chặt nó lên, nhưng có lẽ có cái gì đó đang níu nó lại, tôi lần từ từ đến chân, chạm vào mớ dây nhợ, chắc là lưới, đang quấn quanh chân nó. Cố gỡ trong hơi thở đang yếu dần trong não, nghe lùng bùng…
Có lẽ là may mắn khi mớ lưới chợt tuột ra khỏi chân nó, tôi bắt đầu ngước mặt lên hướng nước, cảm nhận được cái tiếng gió ù ù qua tai làm tôi sung sướng, nhưng không thể nào đi tiếp được nữa… Tôi bơi được chừng vài thước thì mắt mờ dần, mờ dần, bơi trong vô định. Điều cuối cùng tôi nhớ là tôi đã đẩy thằng bé thật mạnh vào bờ khi cảm nhận được lớp cát dưới chân mình, và mọi thứ chợt tắt…
Trong giấc mơ tôi mơ nhiều lắm, tôi thấy được bà ngoại đang ôm chầm lấy tôi, đưa tôi một cây ná thun bằng gỗ. Tôi thấy được cô ba đang ngồi giặt đồ bên bờ sông hiền hòa. Tôi hỏi ngoại, ngoại với cô ba còn sống hả, sao ngoại đi đâu mấy năm nay mà không chịu về?. Chợt ngoại xô tôi ra xa, sau đó còn đuổi tôi về đi, đừng đến gần đây nữa. Tôi khóc rất nhiều, có lẽ lâu rồi tôi mới khóc nhiều đến thế, chỉ muốn đến gần với ngoại hơn thôi, nhưng mảng đất chợt giãn ra, xa ra, mọi thứ trắng xóa, tôi chỉ biết chạy, chạy mãi chạy mãi…
Tôi mở mắt khi thằng Chí đang ôm cổ tôi và gào lên Kiên ơi Kiên, Kiên ơi Kiên, chợt tôi thấy nó cười như vừa trúng tờ độc đắc. Tôi hỏi “thằng bé có sao không”. Khi thằng Chí nhe răng cười hớn hở và trả lời, “nó được mấy bạn Y Dược cấp cứu qua khỏi rồi” thì tôi mới yên tâm. Tôi thấy giọt nước từ mắt nó rớt xuống mặt tôi, mệt quá tôi lại nhắm mắt đi, dù không phải để ngủ. Đôi lúc tôi thấy mình thật tệ vì nhiều khi ghen tỵ với những gì thằng Chí đang có.
Có thể một ngày nào đó bạn ngồi điểm lại những người mình yêu và thấy rằng số lượng đó hơn hẳn con số một. Nhưng nếu thử tìm xem một người bạn luôn ở bên bạn, luôn có mặt khi bạn gặp khó khăn, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với bạn, thì bạn đừng ngạc nhiên khi nó là số không tròn trĩnh. Vì có khi mất cả đời bạn mới tìm cho mình một người bạn chí cốt thật sự…
Tôi nghe một giọng nói ngọt sớt khi vừa mới nhắm mắt và định chìm vào giấc ngủ, mở mắt ra thì thấy và nghĩ rằng chắc mình đã…chết. Tuyền ngồi trước mặt tôi, hỏi “Kiên có sao không anh Chí”, tôi mở mắt nhìn chằm chằm thì con bé mới thôi hỏi. Tôi quay qua hỏi thằng Chí “ai vậy”…thằng Chí liền thả tôi xuống cách phịch, đầu rơi tự do và đập mạnh vào nền cát, nó thét lên, “uống nước quá khùng rồi hả mạy, Tuyền, đứa mày nhớ nhung cả tháng đó”…
Tôi không tin vào mắt mình, có lẽ đang mơ, nhưng khi Tuyền nắm chặt tay tôi, tôi thấy rõ hơi nóng hừng hực nơi ấy, chợt tim đập mạnh khi đối diện với ánh mắt ấy, dẫu tiếng vỗ tay của mọi người xung quanh bỗng vang dội, nhưng chợt tắt ngấm trong tôi. Trong khoảnh khắc nào đó, tôi thấy thời gian dừng lại…Tim tôi chợt đau thắt, đau dữ dội, và mọi thứ tối mịt….
Tôi tỉnh dậy thì trời đã tối, mắt vẫn còn nhòe vì mớ nước biển khô đọng lại giữa hai hàng mi, tự dưng nghe tiếng gió thổi xào xạc bên ngoài lều, thấy cô đơn dã man. Không hiểu tại sao đầu vẫn nhức, và hình ảnh của Tuyền cứ bao vây lấy đầu óc làm tôi nôn nao, khó tả.
Chợt tôi thấy ngực mình vẫn còn âm ỉ, quay sang để tìm thằng Chí bởi không nghĩ nó sẽ bỏ mình trong hoàn cảnh thế này. Trong cái loạn choạng của buổi tối lao xao, tôi hỏi “Ai vậy?”. Đáng lý ra cái tôi nhận được từ câu hỏi này nên là một sự im lặng, hoặc dễ chịu hơn là câu càu nhàu của thằng Chí về chuyện cách đây chừng một tháng trời, vậy mà cái âm thanh ngọt như nước mía chặt chém đầu tôi để mọi thứ lại bắt đầu nhảy lộn xộn… “Tuyền nè, anh Kiên tỉnh rồi hả, mọi người ra ngoài chuẩn bị đốt lửa trại rồi…”
Tôi mở mắt trao tráo với hi vọng tìm được cái gì đó trong bóng tối, thấy quần áo mình đã khô rang (chắc hẳn là thằng Chí đã thay), nhưng mò mẫm mãi không thấy đâu cái điện thoại để lấy chút ánh sáng, ngay lúc ấy Tuyền vội mở một cái đèn pin soi lên phía lều, rồi đưa tôi một ly ca cao thơm phức. Tôi nhìn thấy ánh mắt Tuyền và biết rằng lúc nãy mình không mơ, trong khi tay vẫn đang cố cấu vào đùi để tin rằng mình vẫn tỉnh. Tuyền lại hỏi:
- Anh Kiên có muốn ra kia không?
- Ờ, anh muốn ở đây một lát…Chí đâu? – tôi hỏi, người đang cố gượng dậy.
- Chí ra kia với tụi nhỏ rồi…mà con trai gì yếu thấy mồ, bơi một hồi mà nằm cả buổi…
Chợt tôi đâm ra…ghét Tuyền, nó đâu biết rằng tôi đã đau như thế nào ở ngực khi chân vừa chạm bờ, cũng đâu biết được rằng chỉ vì có vài ba câu nói vô tình của nó đã làm cái cơn đau đó diễn ra gấp mấy trăm lần…
- Em là sinh viên của trường Y Dược hả? – Tôi hỏi, chợt thấy cảm xúc của mình trơ trơ, tay vẫn đang xoay tròn ly ca cao vô tội.
…
Trong buổi trò chuyện hôm đó, tôi nói không nhiều, Tuyền cũng không chủ động hỏi tôi thêm câu nào nữa. Bao nhiêu can đảm, bao nhiêu thứ cảm xúc tôi đều đổ dồn vào những câu hỏi nhảm nhí tựa như “em học khó không, trường em có căn tin lớn không,…” và nhâm li ca cao nóng hổi.
Đến khi con bé đọc cho tôi số điện thoại và nói là đã không còn ở con hẻm số 93 nữa, tôi mới thấy mình thật là mắc cười trong suốt thời gian qua. Nhìn thấy cái điện thoại mình đang để góc lều, với lấy nhưng thật thảm thương vì trong đấy toàn nước biển, tắt ngấm.
Tuyền ghi lại cho tôi số điện thoại trên tờ giấy, và đặt nó vào bàn tay tôi rồi bước vội ra khỏi lều. Thấy mình thật nhút nhát và…dở người, tôi tát vào mặt mình một cái đau điếng, rồi đứng lên ra chỗ thấp thoáng những đốm lửa.
Ngực vẫn đau nhói. Tôi thấy giữa đốm lửa và những nụ cười tươi rói đang tỏa sáng dưới màn đêm bao phủ là dáng dấp của thằng Chí, nó đang làm thứ mà cả đời tôi không thể làm được, đó là làm người khác phải cười và hạnh phúc. Rồi chợt lóe trên đầu tôi những đáp án của Tuyền, thì ra hôm đó trong túi xách con bé có sẵn bông băng là vì nó học môn Sơ cứu ở trường Y Dược, cũng tình cờ biết được có lần nó nhìn thấy tôi chạy ngang qua con hẻm số 93, nó chạy theo kêu mà tôi vẫn đi xa khuất…Thật là trên đời nhiều thứ không thể nào hiểu được.
Tôi đang điểm lại những thứ xảy ra cho cuộc sống vốn dĩ rất ít màu sắc của mình, chợt thấy những màu tối và sáng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ram màu bình bình, bỗng cắt ngang suy nghĩ của tôi là…Trâm mặt mụn. Nó choàng lấy ôm tôi và ra nước mắt, nó thét lên “tưởng anh Kiên có sao rồi chứ, sợ anh Kiên chết quá trời…”. Tôi cố gỡ hai bàn tay to đùng của nó ra khỏi cổ mình, và nói “cám ơn Trâm lo lắng cho tui nghen, bạn cùng lớp, gọi tên thôi, chứ đừng gọi anh này nọ kỳ lắm”. Trong khi người vẫn đang mệt mỏi tôi hơi bực, còn Trâm thì vẫn đang cố cầm lấy tay tôi và nói “em thích gọi là anh Kiên à…”, tôi vẫn ngó về đống lửa đang rừng rực cháy, bỗng thấy con Trâm cũng đáng yêu, cũng vô tư và biết lo lắng cho người khác, chợt thấy đời còn nhiều thứ để trân trọng quá.
Khi tụi nhỏ chợt hát lên bài ca xum họp, và những bông hoa lửa bắt đầu bay phấp phới lên cao trên bầu trời, tiếng nổ rinh rích của đống củi, tôi và Trâm cùng ngắm nhìn, trân trọng phút giây hạnh phúc mà chúng tôi đã đem đến cho tụi nhỏ. Khung hình dừng lại giữa một bài ca ngây ngô, khờ dại…Tôi chạy nhanh đến vòng tròn đang hừng hực sáng, sức sáng chói vùng trời tuổi trẻ, cố tìm chen vào vòng tròn đang xoay mình theo điệu nhạc, chợt nhìn sang thấy Tuyền đang bẽn lẽn trong cái nắm tay ngượng ngạo của mình. Hồn tôi vui phơi phới…
Buổi tối khép lại sau bữa khuya, tụi nhỏ nằm gọn trong mớ lều vải, mệt nhoài, nhìn chúng nó ấm áp ôm nhau mà thương dễ sợ. Thằng Chí cho tôi biết một bí mật, buổi chiều đã có một đứa…”hôn” tôi để hô hấp nhân tạo. Trong suy nghĩ của mình chợt nổi da gà với những đáp án liên quan tới thằng Chí hoặc con Trâm thì thằng Chí vẫn khăng khăng một đáp án “nói ra chắc mày té xỉu”. Tính tôi vốn không thích day dưa dòng dài nên khi thằng Chí tỏ vẻ bí ẩn và nhất quyết khiêu khích sự tò mò của tôi thì tôi dứt khoát không năn nỉ, dù trong đầu vẫn đang thèm thuồng đáp án đó. Và đến khi trong đầu tưởng tượng ra hình ảnh của Tuyền đang cúi rập mặt xuống hôn mình, tôi lại thấy nổi da gà, ớn lạnh…hơn cả thế. Sao mà tôi giống vai một người thụ động trong khi đang muốn cưa cẩm một đứa con gái vậy không biết.
Tôi thấy Tuyền đang ngồi cạnh một đứa nhóc chạc bảy, tám tuổi, do mất cặp kính khi hồi chiều cố gắng vượt qua mấy con sóng quái quỷ kia nên không nhìn rõ lắm khuôn mặt ấy đang vui hay đang buồn. Sau khi thả hết mớ khay nhựa cho thằng Chí vác hộ, nó vẫn đang lèm bèm vì tôi nhát như cáy khi trò chuyện với Tuyền, tôi bước vào căn lều, cách mép lều không xa là Tuyền đang ngồi tâm sự với một đứa nhóc, tâm trạng chợt nặng trình trịch. Từng lời nói rót vào trái tim tôi những tấn sắt, khiến tôi thấy mình chênh vênh, nhỏ bé.
“Ngày xưa chị cũng bán dạo như em vậy, nhưng chị không được ở mái ấm như tụi em đâu, mẹ chị mất từ sớm, chị phải ở với vợ của ba, trong truyện người ta hay nói là dì ghẻ đó. Nhưng dì không ác như trong truyện đâu, lúc đó ba chị bị bệnh, chị vừa học vừa đi bán khoai lang nướng ở bến xe, có hôm bán tới mười hai giờ đêm mới về. Có lần nhà chị mất tiền, dì hỏi mãi không có ai lấy, nhưng chị thấy là anh của chị - con ruột của gì - lấy đem đi đâu đó, chị không biết nữa. Dì đánh chị đau lắm, từ đó trở đi dì không thích chị nữa, cứ đánh mãi, riết chị chai đòn luôn. Nhưng càng đau, càng buồn chị càng cố gắng để học. Hôm chứng kiến cảnh ba mất, chị sợ lắm, và rồi ba cũng bỏ chị mà đi. Có lần, chị đi học người ta gọi điện rồi biểu mẹ chị bị trúng gió phải nhập viện, chị về, không kịp nhìn mặt mẹ nữa, nên khi ba chị mất, chị chỉ nhìn chằm chằm, không dám khóc vì sợ ba lo con gái ba yếu đuối…”
Câu chuyện chợt đứt quãng, thằng nhỏ đang ngồi khóc hưng hức qua tiếng gió xào xạc của đêm, ngực tôi như thắt lại, đông cứng…có lẽ qua bờ mi đó sẽ có một làn nước chợt lướt qua má em rồi rơi đều xuống cát, chợt vỡ toan, hòa cũng tiếng sóng…
Trời đầy sao, rộng lớn và thấy mình nhỏ bé!
Sáng hôm ấy, chúng tôi trở về mái ấm, trong khi trường Y Dược chuyển sang địa bàn Bình Chánh, thì trường Kiến Trúc chúng tôi âm thầm đi qua mái ấm Hoa Hướng Dương ở cách đây vài cây số. Chợt trong phút giây lên xe bus, tôi thấy Tuyền ngước nhìn tôi, cái nhìn quyến luyến và dứt khoát hòa lẫn nhau. Tôi nghĩ, với Tuyền, tôi giống như một người bạn bình thường, có hơn đi nữa là có duyên một chút vì vài lần gặp nhau, gặp trong những lúc khó khăn nhất. Còn với tôi, Tuyền như một đứa con gái mà tôi mong muốn theo đuổi, khao khát có được cái tình cảm của đứa con gái thờ ơ, đôi mắt hút hồn đến đáng sợ. Hôm rồi, khi cố gắng giải thích tại sao tôi lại thích Tuyền đến thế, thằng Chí một mực khẳng định trong người tôi có sẵn máu nghệ sĩ, tôi cũng thấy đúng đúng. Nhưng đáp án hôm nay đã khác, khi vô tình nghe lén câu chuyện của Tuyền, một mặt thấy mình không lịch sự lắm, một mặt tôi thấy trái tim mình thổn thức, như có một cơn cuồng phong đang cuốn đi mọi lí trí.
…
Chuyến đi kéo dài trong niềm vui và sự mệt nhoài của tôi, trở về căn gác xếp quen thuộc hôm nào, soi gương qua một giây thấy mình đen đi nhiều quá, tôi nằm thượt ra, nhắm mắt và thiếp đi khi nào không biết.
Tôi thức dậy cũng vào nửa đêm, tối đen, bỗng sợ cảm giác cô đơn đang bám víu lấy mình. Có thể trong cả tuần vừa qua tôi đã quen thuộc với cảm giác nhộn nhịp khi mở mắt, quen với cái lúc bị đánh thức trong khi còn lem nhem những giấc mơ. Vậy mà giờ đây chỉ là cái quanh quẩn của những suy nghĩ, quanh quẩn những nỗi lo buồn chán đang làm tôi thấy buồn tẻ.
Tôi mở máy tính ra, xem một vài tin tức lấy lại cảm giác kết nối với thế giới. Và nhận được một thư từ công ty tôi xin làm thêm, tôi sẽ nhận công việc ấy vào hai ngày nữa. Một công việc khá tốt – đồ họa phim ảnh.
…
Thảm họa lớn nhất của sáng hôm sau khi thằng Chí đưa tôi mượn một cái điện thoại trắng đen làm tôi muốn điên với chính mình. Tôi lấy tờ giấy ghi số điện thoại của Tuyền để nhắn một tin bình thường, bỗng phát hiện ra nó đã nhòe do nước biển…tôi không đọc được một dòng nào cả!
Một lần nữa trách mình, tại sao không mượn điện thoại của thằng Chí để nhắn cho Tuyền trong mấy ngày ở mái ấm Hoa Hướng Dương, tại sao không lưu nó vào một cái gì đó cố định, vững chắc hơn một tờ giấy mỏng dính, tại sao? tại sao?…
…
Xem như đời cho chúng tôi có duyên mà không có nợ, hoặc có hơn nữa là do tôi xui quá trời đất nên lỡ bỏ hết tất cả mọi thứ cơ hội trên đời. Mệt mỏi, tôi quyết định dẹp hết mọi thứ qua và bắt đầu một cuộc sống mới, vừa học vừa làm…
Ngày đầu tiên đi làm, tôi lơ ngơ như một thằng nhóc vừa từ huyện lên Thành Phố. Khi đã ký hợp đồng về khung giờ làm và giao bàn làm việc, tôi chợt phát hiện đối diện mình là một người, có lẽ cho rằng ông trời cứ lôi tôi vào những cuộc chơi vô nghĩa, hoặc gán ghép duyên phận cho những thứ liền chặt vào nhau, và tôi thở dài, cái thở dài thườn thượt…Tôi cười và lẩm bẩm, ông trời chơi mình hả ta?…
Con Trâm ngồi trước mặt tôi, cái vẻ hớn hở ấy làm tôi hơi rùng mình. Nó mặc một cái váy xòe, trang điểm lòe loẹt và mang một đôi guốc cao chừng khoảng một tấc. Trông thật không giống nó chút nào. Đáng lý ra tôi sẽ trở thành một người lịch sự, chào hỏi bạn đồng nghiệp đang ngồi ở những bàn đối diện, nhưng nhìn thấy nó, mọi thứ chợt tan biến hết.
Buổi trưa hôm ấy, tôi được con con Trâm mời ăn cùng, biết mình là một người khó cưỡng lại được cái suy nghĩ tiêu cực rằng không thích là không thích, không cần phải ép mình phải thích, nhưng tôi vẫn lẳng lặng đi cùng nó vì vốn dĩ không biết được căn tin của công ty đang nằm ở đâu, dù rằng đã được hướng dẫn vòng vo trong suốt buổi ngồi cài đặt máy.
Bữa trưa, con Trâm kêu đến hai phần cơm cho nó, dường như không nói gì kể từ lúc đặt đũa vào chén đến lúc hạt cơn cuối cùng của phần thứ hai chính thức hết. Trong khi tôi vẫn chăm chú nhìn và rất khó để nuốt, thì nó đã hoàn thành một cách xuất sắc bữa trưa của mình. Tôi hỏi nó về công việc và lý do tại sao tôi lại gặp nó ở đây, một đáp án đột nhiên làm tôi cảm giác buồn cười, có chút hụt hẫng…ba nó là ông giám đốc.
Tự dưng tôi sợ rằng cái bộ hồ sơ xin việc đơn điệu kia, kèm theo với bức ảnh chân dung ngây ngô đến phát khiếp của mình đã được qua bàn tay của nó. Nhưng đã hứa và ký hợp đồng thử việc trong hai tháng, chẳng lẽ lại bỏ. Mà vì sao lại phải bỏ cơ chứ!
Đi làm chỉ nửa buổi, sau buổi trưa tôi về công ty nhận bộ hồ sơ cồng sở, tắt máy tính của mình và trở lại ngôi trường thân yêu. Chiếc xe đạp lọc cọc của tôi được đặt đồng hạng với những chiếc tay ga khác, nhìn thật đáng để cười và có chút tủi thân nữa.
Bác bảo vệ là một người đàn ông chạc sáu mươi, bác đang cố dắt những chiếc xe hạng lớn vào thành từng hàng ngay ngắn. Dưới ánh nắng chói chang giữa trưa, trông thấy rõ sự mệt nhoài của bác qua những giọt mồ hôi cực khổ, nhưng điều đó không làm công việc bị chậm hoặc dừng đi, mà tôi thấy được là cách làm việc nghiêm túc, quyết tâm của bác.
Khi tôi ra tới cổng, bác bảo vệ hỏi “thẻ nhân viên đâu?”, tôi thấy làm lạ vì ba chữ “thẻ nhân viên”, chắc có thể nó nằm trong mớ hồ sơ mà anh trưởng phòng vừa gửi cho tôi, nhưng vô tình tôi không để ý. Nhưng cũng khó hiểu, hồi sáng vào, đáng lý ra lúc đó mới cần thẻ nhân viên, nhưng sao giờ bước ra khỏi cổng cũng đòi thẻ. Tôi thấy hơi khó chịu, có lẽ nắng gắt quá, nhưng vẫn nói với bác “dạ cháu chưa có, cháu là nhân viên mới”. Bác bảo vệ nhíu mày, ghi chép lại họ tên của tôi và nói gắt “không phải muốn vào là vào, ra là ra, cái gì cũng có nguyên tắc”. Trong lúc tôi vẫn đang khó xử và cảm thấy bực dọc vì cái tình huống dở khóc dở cười này, định chạy lên tận lầu 8 để lấy thẻ, thì con Trâm xuất hiện. Nó bước ra từ chiếc xe hơi bóng cỡn. Nó nạt lớn vào bác bảo vệ “ông già để bạn tôi đi”…
Trong phút chốc, tôi thấy mình ậm ự áy náy, tôi chỉ biết lẩm bẩm vài câu với con Trâm “chuyện này Trâm làm hơi quá”…Con trâm nhè lưỡi và nói “Tui nói với ba hoài mà ổng đâu chịu nghe, ông già này hết sức rồi, mà cứ để ổng ngồi ở đó”. Tự dưng thấy con Trâm bực dọc, bực vì sao tôi chẳng biết, tôi quay lại chỗ bác bảo vệ, thấy bác đang cầm điếu thuốc và nhả những mảng khói vô hồn vào không gian, bỗng thấy mình có lỗi dễ sợ.
Tôi từ chối thẳng khi con Trâm đề nghị đi xe của nó và quăng xe đạp của tôi ở công ty, mặc dù sau khi sự từ chối đó là màn năn nỉ “anh Kiên ơi, anh Kiên,…” làm tôi khó chịu và cám ơn trong gượng ép, nhưng tôi vẫn nhất quyết phương án của mình, đi bằng xe đạp.
Buổi tối hôm đó về, tôi đem bức tranh dang dở của mình ra để hoàn thành phần cuối cùng cho nó. Đôi mắt đang gặm nhấm trái tim tôi từng ngày được đặt lên khuôn mặt kia một sự hoàn hảo tuyệt đối. Tự dưng tôi thấy con Tuyền đẹp. Tôi biết con Tuyền là đứa con gái miền Tây, cái giọng hiền khô và cái từ “tui” không thể lạc vào đâu được. Tôi thì lại thích con gái miền Tây, thích cái màu da không quá trắng, thích cái nụ cười thật thà, thích đơn giản cái vén mái hiền khô qua hàng tóc dài ngọt lịm… Đáng lý ra tôi không làm chuyện thế này, nhưng không hiểu sao bản năng lại xui khiến tôi làm mà không suy nghĩ. Tôi đem bức tranh của Tuyền dán lên tường, chồng lên những nét vẽ nguệch ngoạc của tôi mỗi khi rảnh người. Và nhìn bức tranh ấy, lòng nao nao khó tả, một kỷ niệm vui, một thời gian dài mong nhớ, hoặc đơn giản chỉ là tự mãn với thành quả kỳ công của mình…
Tôi trở lại công ty vào buổi sáng, buổi sáng dữ tợn ở đất Sài Gòn nhộn nhịp và lắm phần chật vật. Tôi thấy bác bảo vệ đã ngồi trước cổng, bác vẫn phong thái ấy, khuôn mặt nghiêm nghị và vô hồn, miệng thả đều những mảng khói trắng bươm bay vào không trung vô nghĩa. Thấy tôi, bác có chút chút không hài lòng, tôi đi vào cổng và nói “cháu vẫn không có thẻ ạ”, bác không lên tiếng, chỉ bình thản đưa tôi một phiếu giữ xe rồi tiếp tục với điếu thuốc của mình. Khi tôi dắt xe khuất qua những hàng cây xanh, và chọn được một chỗ ưng ý, tôi thấy bác ho sặc sụa, cái khăn che lại bỗng dưng bươm máu.
Bác vội vàng nắm lại chiếc khăn rồi đưa nhanh vào túi, vẻ như không muốn người ta thấy mình trong tình cảnh như thế. Tôi xuất hiện, tiếng dép cố tình vang mạnh để bác không nghĩ tôi đã thấy cảnh tượng vừa rồi. Tôi ngồi bên một bồn hoa, nhìn bác và cười “Cháu xin lỗi vì ngày hôm qua, cháu là người sai mà Trâm lại…” bác cắt ngang tôi, giọng khàn khàn “tuổi trẻ giờ ngông quá, ngông không đúng nơi, khó sống”. Sau đó tôi hỏi về giờ làm việc ở công ty, thì mới biết rằng mình nhớ nhầm, đáng lý ra tám giờ rưỡi mới bắt đầu, thì tôi lại lục đục đến vào lúc bảy giờ mười lăm, thật là chán cái đầu óc của mình.
Tôi ngồi nói với bác bảo vệ một hồi, được biết bác tên là Khan, bác Khan, bác biểu “tuổi trẻ giờ sướng quá, cái gì cũng có, tụi tôi ngày xưa củ lang còn không được ăn, phải nhường nhau, vậy mà sống có tình có nghĩa hơn các cậu bây giờ”…Tôi thấy bác nói cũng đúng, dù rằng hơi quy chụp nguyên cả một thế hệ, nhưng bây giờ mặt báo, bản tin, giữa đường,… tất cả mọi thứ đều in rõ ra một sự thật như thế, thì làm sao người ta không nghĩ xấu được cơ chứ.
Vô tình, trả lời câu hỏi “trước khi làm ở đây thì bác làm gì”, bác Khan đã cho tôi biết những điều thật sự hấp dẫn, những bí mật đằng sau “chiếc ghế bảo vệ” của bác…
Bác Khan là người lính cụ Hồ, bác nhập ngũ năm mười sáu tuổi, bác biểu năm đầu tiên nhập ngũ, cũng là năm Chiến tranh Đông Dương chuyển sang giai đoạn thứ hai ác liệt. Bác biểu người ta gọi đó là Chiến tranh Cục Bộ, qua cách diễn tả của bác, mọi thứ đường như đập vào mặt tôi những khúc phim thật như đang tham gia trực tiếp một cuộc chiếc oai hùng, anh dũng. Trong cuộc chiến, hoặc đúng, hoặc chết, không có định nghĩa sai hoặc bồng bột ở đây. Do tuổi nhỏ, nên trong khi anh em ra trận, còn bác thì được phân công nhiệm vụ đi săn voi cùng với một đồng chí khác lớn hơn bác năm tuổi. Người ấy tên là Phiên. Bác nói, cấp trên phân công cho bác, không phải là việc đỡ cực hơn, nhưng là việc đỡ mạo hiểm hơn.
Hồi xưa, bác Khan cũng là người cầm súng ra trận khi không được cho phép, đến khi về đùi bươm máu vì dính bom thả, mặt có một đường dài, người ta mới nhìn trao tráo rồi thét lên “Mày liều mạng vậy hả Khan”, khung hình kỷ luật gần một tháng gánh nước có lẽ là hơi ít, nhưng cũng thật sự là một hình phạt đáng để nhớ cả đời.
Buổi săn voi hôm đó, bác Khan cùng đồng đội của mình đến nơi cách địa điểm đóng quân gần mười lăm cây số. Trong khi lương khô của cả Tiểu đoàn gần như cạn kiệt, thì chi viện ở miền Bắc bị tắt nghẽn do Mỹ thả bom khai cuộc cho Chiến tranh phá hoại. Khi đến chỗ đàn voi, bác được người đồng chí tên Phiên của mình cảnh cáo, “chú bắn, hoặc voi chết, hoặc chúng ta khó sống”…Thật như vậy, bắn voi, chỉ một cách là bắn từ tai này sang tai kia, nếu không cả đàn sẽ chạy ủi mà chết, leo lên cây cũng chết. Đàn voi đang đông, nhất quyết không được nổ súng, chỉ khi nào một con lạc bầy, lúc ấy mới có thể manh động.
Bác ngắm kỹ vào hướng tai trái của con voi, trong lúc tai ngoe ngoảy, đùng, và nó nằm ườn ra chỗ ấy. Trời ngả chiều, bác Khan được giao nhiệm vụ về tiểu đoàn và huy động lực lượng cắt thịt voi trở về đơn vị. Bác nói, chiều trong rừng sợ lắm, trời âm u, cô độc và cứ đi mãi theo cái la bàn. Mà nếu không về kịp đơn vị, thì sẽ làm mồi cho hổ. Trưa hôm sau, cả hai mươi quân binh của tiểu đoàn đến nơi đặt xác voi, thì chỉ thấy con voi nằm ườn ra đó. Những mảng xương còn bươm máu vương vãi từ cành cây ra tận nơi xa. Bác nói, Phiên chết vậy đó, ổng giăng võng cách đất năm thước mà vẫn bị hổ vồ. Trong mặt trận, mọi thứ thật sự ngắn ngủi và quý giá.
Khi kể đến đây thì cũng sắp đến giờ làm việc, bác nhả đều những mảng thuốc ra ngoài rồi tắt hẳn, khi tôi nhìn nghiêng quá ánh mắt ấy, cái ánh mắt xa xăm và hình như không còn vô hồn nữa, bác thở dài “tuổi trẻ giờ có mấy ai xem trọng cuộc sống như tụi tôi, sắp đến giờ làm rồi, cậu lên đi, nhớ về phải xuất thẻ để tôi ghi lại mã thẻ, chỉ ghi một lần thôi. Tôi biết cậu người mới mà”.
Bác đứng dậy, ung dung đi ra ghi thẻ xe cho một nhân viên khác, thân hình gầy nhom, đứng thẳng và nghiêm nghị hơn bao giờ hết. Không hiểu tại sao bác lại nói tất cả cho tôi nghe, khi đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện trực tiếp với bác. Trong lời nói của bác Khan, những cảm xúc, nhớ nhung và nuối tiếc đang trào dâng từng mạch, tự khi nào tôi thấy thương con người của bác.
Khi bước vào trong phòng thì thấy vắng tanh, vì còn mười lăm phút nữa mới vào ca làm việc. Khi tôi vừa lục mớ hồ sơ để kiếm thẻ thì con Trâm cũng đến. Nghe nó mãi lảm nhảm chê bai bác bảo vệ, và nó bực bội vì ba nó không chịu đuổi bác Khan, tôi thấy khó chịu, muốn quát lớn vào mặt nó nhưng lại kềm chế và nuốt ực một cái thật đắng.
Tôi kể cho thằng Chí nghe về bác Khan, thật sự thấy mừng vì nó hào hứng với câu chuyện như thế này. Tôi rủ rê nó vào làm chung, nhưng tất nhiên là nó không thể đi làm cùng tôi vào mỗi ngày, vì nó phải học thêm anh văn lúc sáng. Tự dưng thấy mình mất “đồng minh”, điều này làm tôi không vui lắm.
Hôm nay tôi thấy thằng Chí chợt khác hẳn thái độ với mỗi hôm, tôi hỏi nhỏ “lại chia tay đứa nào nữa hả?”, nó nạt “khùng, tao thấy tao bình thường chứ có gì đâu”. Thấy nó không nói thêm, tôi cũng không có ý định sẽ điều tra đến cùng, nhưng chợt hôm nay nó hốc hác hơn hẳn, để ý mới thấy mình vô tình, nhưng dạo này hình như nó có chuyện gì đó khó khăn lắm.
Sau giờ ra chơi, tôi ra nhà vệ sinh, vô tình nghe thằng Chí nói chuyện với một người nào đó về số tiền mười triệu, nó hứa sẽ lo xong vụ này trong tháng sau, và một mực năn nỉ người ở đầu dây bên kia không dùng đến dao búa trong lúc nó hoàn thành việc chi trả.
Tự dưng tôi thấy lo cho nó, khi trở lại lớp, mặt nó như cắt không còn giọt máu, tôi gượng hỏi “có chuyện gì hả Chí”, nó cười, đang cố gắng giả vờ cười và trả lời “có gì đâu!”.
Tan học chiều tối, tôi luồng lách qua những chỗ kẹt xe, thấy đường về có vẻ không ổn, tôi chạy qua nhà thằng Chí. Căn nhà lớn nằm ở Quận 7, con đường khá vắng vẻ, tôi đến nhà nó chỉ một vài lần. Sự đồ sộ của căn nhà, à không - ngôi biệt thự làm tôi thấy ngộp. Dáng người uể oải của một phụ nữ chừng sáu mươi vội vàng bước ra, bà nói “cậu Chí đi hổm rài chưa có về, cả nhà đang nhốn nháo tìm cậu”. Tôi há hoác miệng, đừ người như trông thấy sinh vật ngoài hành tinh, phải chăng thằng Chí đã làm gì, hay nó đang xa ngã? Chợt đang lo, tôi lại chuyển thành sợ, và rồi hàng loạt đáp án rùng rợn trong đầu, làm tôi rùng mình, chào vội vã người phụ nữ đó và chạy thục mạng về nhà.
Dừng xe giữa đường, tôi gọi cho thằng Chí, nhưng không liên lạc được, chợt có một bàn tay bịt miệng tôi, trói chặt tay rồi lê tôi vào một chiếc xe hơi cỡ lớn. Quá kẽ hở của miếng bịt mắt, tôi thấy mờ mờ ảo ảo một người phụ nữ, trông quen quen, nhưng không tài nào nhớ được. Cho đến khi tôi bị cái gì đó giáng mạnh vào gáy, mọi thứ ù dần đi và tắt hẳn.
Tôi tỉnh dậy giữa một nhà kho tối tăm, chiếc khăn đen đã không còn bịt mắt tôi lại, phía trước là một người phụ nữ ngồi trên cái thùng gỗ với điếu thuốc nhả đều trên miệng. Người phụ nữ rất quen, tôi thấy sự quen thuộc đến nỗi, nếu không hồi hộp như thế này chắc tôi sẽ nghĩ ra ngay tôi đã gặp bà ta ở đâu đó rồi. Bỗng chợt một người đàn ông to con, mặc chiếc áo khoác đen hở vai, trên tai trái có một chiếc bông to như đầu ngón tay xuất hiện bên cạnh bà ta. Qua cách gọi, tôi biết được người phụ nữ ấy tên Kaleten. Bà Kaleten ấy là người Đức. Người đàn ông có biệt danh Wolf, ông ta hỏi tôi “mày là thằng Chí đúng không?”, tôi lắc đâu và nhăn mặt thấy rõ, sau đó lão Wolf quay lại nói chuyện với bà Kaleten bằng tiếng Đức, làm tôi muốn điên vì không thể hiểu.
Qua cách nói chuyện, tôi biết rõ bà Kaleten đang mắng chửi rất thậm tệ tên to xác có hàng chục hình xăm con sói chi chít khắp cơ bắp. Bỗng hắn tiến lại gần tôi và lấy một cây dao ra chĩa vào cổ, tôi thật sự cảm thấy mọi thứ dường như quay cuồng với mình, có lẽ tôi không can đảm, cũng có lẽ do quá những chuyện thế này chưa bao giờ tưởng tượng sẽ xảy ra trong cuộc đời êm xuôi như dòng nước của tôi. Đáng lý ra tôi sẽ hỏi lí do tại sao hắn lại bắt tôi vào đây và Chí đã làm điều gì khiến bọn xã hội đen như hắn phải nhúng tay vào truy sát, nhưng chiếc khăn bịt chặt miệng tôi làm tôi cảm thấy khan cổ và ức chế vì không thể thốt lên được lời nào. Lão Wolf hỏi “mày biết thằng Chí ở đâu không”, tôi cũng lắc đầu và lại nhăn một cái rõ bực, hắn đá mạnh vào hông làm tôi đau điếng.
Lão ta lấy điện thoại bấm như điên, cái vẻ lóng ngóng, bộp chộp làm tôi thấy hơi buồn cười, tôi nghĩ hắn gọi cho thằng Chí, nhưng từ lúc tôi còn đạp xe ngoài đường nó đã tắt ngấm cái điện thoại, và không liên lạc với gia đình nó rồi. Chợt tôi có hai suy nghĩ, giờ đang là tối hay đã sáng và không gọi được cho thằng Chí phải chăng đời tôi sẽ…tàn từ đây? Cái điện thoại của hắn bị bà Kaleten ném vỡ vụn.
Trong lúc cơn đói, cơn buồn ngủ đang xâu xé bao tử và bộ não tôi, thì cơn đau ngực ngày ấy lại bắt đầu tái phát. Hơi buồn cười khi nghĩ cơn đau đầu tiên xuất hiện khi đối mặt với những cơn sóng dữ tợn dần dần cướp đi tính mạng của mình, phải chăng cơn đau này là điềm báo sự sống của tôi sắp kết túc bởi một người phụ nữ bí ẩn? Cơn đau càng ngày càng lớn, tôi không để ý lắm những câu thoại khó hiểu giữa người phụ nữ và người đàn ông to con ấy nữa, nhưng cả lão ta và mụ đàn bà kia đều gợi lên một cái gì đó chết chóc, ghê rợn.
Người đàn bà ấy thật sự nhìn rất đẹp, cái nét đẹp tây tây nhìn sang trọng, không nghĩ rằng đây lại là một kẻ lăm le mạng sống của người khác. Đột nhiên điện thoại tôi reo, lão to xác chạy nhanh đến, móc mạnh bạo điện thoại từ trong túi của tôi ra, bắt máy, qua cách nói chuyện, tôi chắc chắn rằng đó là thằng Chí. Lão ấy hét lớn trong điện thoại, lăm le mạng sống của tôi nếu năm tiếng nữa thằng Chí không mang đến hai mươi lăm triệu cho hắn.
Thật ra với nhà thằng Chí thì số tiền đó không thành vấn đề, có lẽ chính vì thế hắn bắt thằng Chí cho bằng được để tống tiền gia đình nó, ai dè bắt trúng một thằng nhà nghèo như tôi. Chắc bà Kaleten và hắn sẽ buồn lắm. Nhưng sao hôm ấy thằng Chí lại nói về số tiền mười triệu? phải chăng nó đã định trước được điều này?…Những suy nghĩ thằng Chí đã đi vào giới giang hồ như hàng trăm thằng con nhà giàu khác làm tôi chợt buồn thả người hững xuống. Cũng không hẳn là buồn, có thể là cơn đau vừa dứt, kéo theo cái đói lã ruột làm tôi không cảm thấy mình còn một chút sức lực nào cả.
Nghĩ cũng vui, chơi chung, đi chung nhau chi hoài, để tụi giang hồ còn nhận nhầm, có khi xong hôm nay trên bia mộ của tôi lại ghi vào tên Trương Minh Hữu Chí cũng không chừng.
Mọi thứ chợt nhòa trong gang tất, lão dùng một con dao rạch một đường ở vai tôi, tiếng la nghẹn đứng giữa cổ, điện thoại kê sát vào miệng. Lão mở khăn bịt miệng tôi và ra lệnh tôi kêu thằng Chí đến, tôi nhất quyết im cho bằng được, cạy mãi không tôi vẫn không nói lão ấy đành đâm một nhát vào đùi, và lần nữa mọi thứ tắt lịm hẳn. Tắt sau tiếng thét thất thanh.
Lần nữa tôi tỉnh dậy khi tiếng đập cửa rình rang ở ngoài cái kho tờ mờ tối. Tôi nghĩ đó là thằng Chí, chỉ cảm nhận vậy thôi. Chắc hẳn sợ tôi chết nên ai đó đã “nhân đạo” buộc một sợi vải ngang đùi của tôi. Cảm giác lúc ấy là một cảm giác bất lực, điên cuồng và muốn chém giết bất kỳ ai nếu có thể, khi sự gò bó, cam chịu và mù mịt làm tôi phát hoảng. Mụ Kaleten thường đưa tôi vài gụm nước, nhưng nó không làm tôi trở nên dễ chịu hơn.
Tiếng đập cửa càng mạnh, lão to xác đang nhìn qua khe cửa trong khi người phụ nữ đang cầm một cây dao nhọn hoắt và hướng về phía tôi. Thằng Chí bước vào, cảm xúc của tôi vừa mừng vừa giận, có thể tôi sẽ chửi nó tan nát sau tiết mục đao kiếm mà hai người giang hồ này đã đối xử với tôi. Trong lúc đó cái đùi bỗng nhức buốt, không còn cảm giác nó tồn tại nữa, còn bộ não bắt đầu dừng hoạt động.
Bà Kaleten mở khăn buộc miệng tôi ra, và kề một cây dao vào cổ, không đủ tỉnh táo để mà sợ nữa. Chỉ nói một câu “mệt, giết thì giết đi,…”
Thằng Chí lớn tiếng “nếu hai người không bước ra khỏi đây thì số tiền sẽ tiêu theo cái que diêm này”, nhưng bà ta nhăn mặt và kề sát dao vào cổ tôi hơn, trong khi đó người đàn ông chó sói lại đi mất hút sau cánh cửa, Chí nói tiếp, nó nói bằng tiếng Anh, bà ta có vẻ không hiểu. Tôi cảm nhận được cây dao đang lăm le mạng sống của mình khi bà ta lướt nhẹ nhẹ, dần dần xuống cổ, mướt dần. Tôi nhắm chặt mắt, thấy cổ mình bắt đầu rát. Có cái gì đó li ti, âm ẩm qua lưỡi dao và sắp chảy thành một dòng trên cổ tôi. Trong phút giây ấy, người phụ nữ nằm lăn ra, sau đó đảo mắt quay ngược lại ra cửa, tôi thấy lão to xác cũng nằm gọn gàng giữa lối ra vào. Và người vừa giáng trận đòn chí mạng cho hai kẻ giang hồ ấy là…bác bảo vệ, bác Khan.
Chắc do nhìn thấy mặt tôi xanh lè, nên thằng Chí chỉ vội nói “xin lỗi mày nhiều Kiên ơi, nhưng để tao chở mày đến bệnh viện, khi nào tỉnh tao sẽ giải thích”. Một lần nữa mắt tôi mờ dần, mờ dần, trong lúc ấy tôi chỉ thấy hình ảnh của một đứa con gái quen thuộc, và câu nói “Kiên có sao không anh Chí…”, tôi cố hết sức nhướng mắt lên để nhìn rõ, nhưng không thể. Mọi thứ tắt ngấm.
…
Tôi thấy những viên đá đang chất chồng lên người mình, người chất lên lại là thằng Chí và con Tuyền. Hai đứa cứ chất đống đống lên như thể tôi đang là một trong những viên gạch vô hình mà tụi nó cố tình không thấy. Tôi thét lên vì đau, và hỏi “sao mày làm vậy hả Chí?”, thằng Chí lấy khăn buộc miệng tôi lại, con Tuyền phà một làn khói nóng hổi vào mặt tôi, rát rạt. Thằng Chí cầm dao và đâm mạnh vào đùi, sau đó còn rạch trên mặt tôi một đường dài, máu nhiều lắm, nhiều đến mức tôi không thể tưởng được, máu tràn ra và ngập sàn như một con sông, từ trắng xóa trở thành đỏ sẫm,…tôi thét lên trong vô vọng, thét mãi. Nhưng bị nghẹ ứ ở cổ.
…
Thì ra đó chỉ là một giấc mơ, thằng Chí cười hớn hở khi tôi bắt đầu tỉnh dậy và đó là cười một nụ cười nhảm nhí nhất trên đời. Tôi định hỏi nó luôn cái màn kịch mà người phụ nữ người Đức với người đàn ông to xác kia có phải là mơ luôn hay không, nhưng lại thấy đùi mình đau, nên đành im lặng có kết quả riêng cho mình…
Thằng Chí kể lại, tôi bị nhốt gần hai ngày trời trong cái kho tối tăm đó, nó chạy đến công ty và biết tôi nghỉ mà không xin phép, thấy chuyện không lành nó đành gọi cho tôi thì gặp lão Wolf to xác gào thét qua điện thoại. Nó nói chuyện này với bác Khan, bác Khan đòi theo nó bằng được để biết tụi nào cả gan dám liều mạng côn đồ giữa ban ngày. Khi bác đến, thằng Chí chứng kiến cảnh bác dùng võ đặc công để hạ tên to xác nằm dài cổ, và bắt luôn cả người đàn bà người Đức cao gần gấp rưỡi bác. Bác cười ha hả “đời ta chưa đánh đàn bà bao giờ…”. Quay qua không thấy bác Khan, tôi hỏi chuyện khác “chuyện của mày là sao hả Chí?”
Thằng Chí đứng dậy, nhìn ra cửa sổ rồi nói, chắc cả đời mày khó tha cho tao, nhưng giờ mày ngủ đi, chừng nào khỏe tao kể. Biết tính tôi dễ khó chịu trong những thứ mập mờ này, tôi nạt, vậy mày biến luôn đi, đừng có thái độ giấu giếm, mập mờ vậy mãi…
Vậy là nó chậm rãi bắt đầu câu chuyện. Thằng Chí quen với một đứa con gái, đứa con gái ấy tham gia vào một đường dây bán hàng đa cấp, khi biết mình không thể dứt ra khỏi đường dây này, nhưng lại mong muốn thoát khỏi kiếp làm người sống dựa vào số tiền của những người thân, những người bạn bỏ ra. Cô gái vô tình kể lại với Chí như một lời tâm sự, và có thể thứ tình cảm nào đó phát sinh khi suốt một thời gian quen nhau làm Chí mủi lòng. Dù đứa con gái ấy nói rằng đó chỉ là sự chia sẻ, không phải là sự cầu xin, nhưng Chí vẫn nhất quyết chủ động liên lạc với những kẻ đầu dây bán hàng đa cấp và trả số tiền hai mươi lăm triệu đồng trong vòng một tháng. Chí có được thông tin của đường dây kinh doanh trái phép ấy vì người phụ nữ kia là người Chí đã quen từ trước, nhiều lần dụ dỗ Chí tham gia, nhưng nó từ chối thẳng.
Nhưng chưa hết một tháng thì công ty bị vỡ nợ, thông báo phá sản và kẻ đứng đầu đường dây đòi nợ ngày xưa chính là người phụ nữ Đức, bà ta muốn có hai mươi lăm triệu để làm thủ tục bay trở về Đức gấp, tránh bị truy tố hình sự vì đã nhiều lần đánh người khi con nợ không hoàn trả kịp. Người phụ nữ tên Kaleten là người mà thằng Chí đã vẽ tranh hồi lúc tôi với nó ở nhà thờ Đức Bà. Lúc ấy, đứa con gái mà Chí quen cũng có mặt ở đó.
Nhưng câu chuyện chưa hẳn kết thúc đơn giản như thế, khi thằng Chí nói với tôi, nó và Tuyền đã liên lạc với nhau suốt một thời gian dài, nó tưởng tôi không nhắc tới Tuyền nữa chắc là tôi đã không yêu Tuyền lâu rồi, nên nó tiến tới. Và trong nhiều nỗi đau, trong nhiều lần tôi có thể muốn gục ngã, thì Tuyền lại là nhân vật chính cho mọi thứ ấy.
Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi ánh mắt tội lỗi của Chí hiện rõ qua khuôn mặt thư sinh của nó, nó biểu cả tuần nó phải đi vẽ dạo, phải đi phát tờ rơi, cầm hết mấy cái máy chơi game, nghe nhạc mới đủ có mười lăm triệu. Không biết nên thương hay nên trách, mà tại sao lại trách nó nhỉ, ờ, chắc trách nó vì không chịu báo công an sớm, nhưng tại sao nó lại giấu tôi chuyện của Tuyền?… nó đâu biết rằng tôi yêu Tuyền tha thiết đến mức nào, dù rằng không thể giải thích tại sao tôilại thích đến như thế và chỉ vì sợ nó cười nhạo mà tôi cứ im lặng không nói ra.
Bác Khan đến, bác cười, cái nụ cười gì mà khô khốc, cằn cỗi, bác nói “con Trâm hổm rài nhắc cậu riết,…”. Bác đem cho tôi một cà-mên cháo, rồi ngồi xuống, nhìn bác ân cần mà tôi thèm có ba ở đây hết sức. Bác dẫn theo đứa con trai, chắc khoảng chừng mười lăm tuổi. Nó ngồi im, khuôn mặt ngờ ngợ nhưng nhìn cũng điểm trai, bác Khan hồi xưa chắc cũng thế. Bác Khan ngồi nói khẽ, “con út của tôi, không được như mấy cậu, nó điếc từ nhỏ, nếu được như mấy cậu giờ chắc nó cũng học lớp mười rồi”…Tôi hơi mệt, chỉ hỏi bác một câu “em bị sao hả bác?”, bác xoa đầu nó rồi nói “nó nhiễm chất độc da cam, nhưng hơn mấy anh chị nó, nó sáng dạ”. Không hiểu sao mọi thứ nghẹ đắng ở cổ khi nhìn cái ánh mắt trìu mến mà bác dành cho thằng bé bỗng ngọt ngào. Thằng Chí lanh miệng hỏi “mấy anh chị còn lại sao hả bác”. Bác khan vặn một chai nước ra rót vào ly, đưa mấy viên thuốc cho tôi, rồi biểu “Chết hết rồi, hai viên này uống trước khi ăn mười lăm phút…”.
Sau đó tôi nhìn qua chỗ thằng nhỏ, nó tên Tâm, cái tên gì nghe buồn hiu, ngọt sớt. Nó cố với tay lấy cành lá đang lung lay ở ngoài cửa sổ, thấy đời gì mà khắc nghiệt, phải chăng số phận đang trêu đùa mọi thứ, và thấy người ta càng khóc, số phận càng hớn hở cười !?
Hôm đó, bác Khan tiếp tục kể về những câu chuyện ở mặt trận, những người anh em sốt rét ra đi trong vòng tay của bác, những hôm đào củ từ ăn lót dạ thay cơm, và những lần khóc rần vì cây rừng đột nhiên rụng không còn một lá, hay người mẹ ôm đứa bé dưới lớp lá rừng, thân bươm máu, chỉ kịp nói một câu “cứu con tui nghen, tui van xin”, thằng nhỏ khóc miết trong vòng tay của mẹ, mà đâu biết được rằng, nước mắt nhiều chị dân quân còn rơi nhiều hơn nó… Những câu chuyện lịch sử của bác làm tôi và Chí lặng yên lắng nghe, mọi thứ hiện ra trước mắt, thật quá, thật đến nỗi cảm thấy xót, thấy đau khi đến những khung cảnh mất mát hiện ra. Chiến tranh cướp của con người ta nhiều quá, kể cả khi nó đã qua rồi. Tôi thấy mình quý cuộc đời này nhiều hơn.
Bác Khan từ giã ra về, bác biểu, “sắp vô ca rồi”. Bác xin cho tôi nghỉ một tuần. Khi bác đi hẳn, tôi hỏi “mày thấy sao hả Chí”, phút chốc quên mất rằng mình vẫn còn đang có một vài xích mích với nó. Thằng Chí đổ mớ cháo ra một cái tô nhựa, nó biểu “đời tao người yêu thiếu gì, nhìn mặt mày hồi nãy tao biết mày còn yêu Tuyền lắm đúng không?”. Tôi im lặng hồi lâu, rồi lẩm bẩm, từng thôi, hôm nay chắc không… Chí đưa tôi tô cháo, rồi biểu, “mày nhận hộ tao hai nhát dao, mày không trách tao câu nào, cả đời, kiếm được một người chí cốt không dễ, quên chuyện này từ hôm nay đi”…Tôi chợt im lặng, và cười nói rằng “số tao cao, sốt bốn chục độ không chết thì thôi, chớ mắc mớ gì có nhát dao nhỏ xíu mà chết”. Và thằng Chí lần đầu tiên trong đời, thấy nó cười mà buồn dễ sợ.
Sau đó vài hôm, tôi và Chí được triệu tập đến đồn công an để lấy lời khai khai mộtvài thông tin quan trọng. Kaleten và Wolf đều đã bị bắt, và lần đầu tiên tôi tự hào về một người bạn già, một người một mình tay không cứu tôi khỏi cái đường kéo dài của cây dao ở cổ.
Chiều hôm đó thằng Chí và tôi đi chuộc lại mấy cái máy nghe nhạc, máy chơi game của nó. Nhìn nó cười hớn hở làm tôi cảm nhận được những hi sinh của nó “lớn” như thế nào khi từ bỏ những thứ quen thuộc để mang về hạnh phúc cho một đứa con gái hờ hững. Thấy nó sống có tình có nghĩa, phải chi nó nhớ đến cái xe đạp của tôi đã bị mất trong ngày hôm ấy thì hay biết mấy…
Hôm sau đó nữa, chúng tôi cùng bác Khan lại một lần đến đồn công an để…chụp hình. Những chú nhà báo rất nhiệt tình hỏi bác, bác Khan chỉ trả lời một câu “còn giúp được đời lần nào, hay lần đó”. Trong khi đó thằng Chí vẫn ngồi kể miên man một số chuyện trên trời trong cuộc hành trình “sinh tử” cho các chị nhà báo, còn tôi ngồi cười trừ vì mình trong vai người…bị hại, nên ít “chiến đấu” hơn.
Bỗng dưng bác Khan rút lẹ một chiếc khăn từ trong túi ra, bác cười, nhưng không kịp nữa, cái ho giáng trời ấy làm bàn tay của bác li ti những giọt máu, và bác ngất xuống nền trong cái nhìn ngơ ngác của mọi người. Mọi thứ nhanh quá…
Bác Khan nằm xuống trong cái nhìn ngơ ngác của mọi người, riêng tôi đã từng thấy một lần những giọt máu trong cổ họng bác tuông ra nên không lấy làm ngạc nhiên lắm. Nhưng lần này thật sự đáng sợ, bác năm xuống, mắt trân trân như nhìn một cái gì đó vô hồn, câm lặng.
Chúng tôi chăm sóc bác ở bệnh viện 115, những cái giường khít chật nhau trông thật sự nóng nực. Hồ sơ bệnh án của bác cho hay bác bị lao phổi, chắc do bác hút nhiều thuốc quá. Trong cái rủi, đôi khi lại có những cái may mắn, tờ báo hôm rồi đưa tin một tấm gương “người chiến sĩ khát đời”, khiến người ta trầm trồ nể phục. Hôm nay trên giường bệnh của bác có nhiều hoa, và cả những phong bì vô chủ. Tôi biết nói ra bác Khan sẽ thẳng thừng không nhận, nên nhờ vợ bác âm thầm dùng số tiền này chữa bệnh. Hôm ấy, thằng Chí cũng hăm hở giới thiệu một bác sĩ riêng cho bác, bác sĩ này là bác sĩ của gia đình Chí, ba mẹ nó muốn đền đáp vì đã cứu mạng nó với tôi. Tự dưng thấy cuộc đời của bác cần cái gì đó bù đắp, cho những hi sinh âm thầm đã gặm nhắm cuộc sống bác từ lâu.
Trở lại công ty làm việc thì thấy bóng dáng của một người bảo vệ khác, chút buồn, chút vui. Buồn vì sẽ thiếu vắng những câu phàn nàn khi tôi quên đem theo thẻ nhân viên, thiếu những câu chuyện khi tôi đến sớm hơn giờ làm việc nửa tiếng, thiếu những giọt mồ hôi của một người chiến sĩ không bao giờ chịu khuất phục. Nhưng những giọt mồ hôi ấy không đổ xuống cũng là niềm vui cho riêng tôi, phải chăng ở đời trồng cây là gặt quả, làm điều tốt ắt hẳn sẽ được đền đáp điều tốt hơn. Tôi không rõ lắm, nhưng tin vào một tương lai sáng hơn với gia đình của bác.
Tháng ấy là tháng lạnh nhất trong năm, tôi phải mặc một chiếc áo khoác bên ngoài vẫn cảm nhận được hơi lạnh nhứt buốt. Phơi mình ra ánh nắng gắt gỏng của ông mặt trời, nhưng vẫn lạnh, môi bắt đầu khô hanh và nứt nẻ. Cả tháng trời tôi đi làm bằng xe buýt, đôi lúc có trách thằng Chí vô tình, định dằn bụng tháng lương đầu để cho một chiếc xe đạp mới, nhưng đột nhiên một ngày đẹp trời, nó hẹn tôi đến nhà nó chơi để nói chuyện với ba mẹ nó.
Ngôi nhà nó là một căn biệt thự to ở quận 7, đường vào nhà khá yên tĩnh nhưng không có chiếc xe buýt nào vào tận trong, tôi đành đi bộ gần hai cây số. Đến nơi thì mồ hôi cũng đẫm người, sự xuất hiện của thằng Chí làm tôi bực bội, nó nhe rằng biểu “quên mất mày không có xe đạp, biết vậy tao chở mày vô rồi”. Tôi im lặng. Ba mẹ thằng Chí là hai người nhìn hơi to con, khuôn mặt lúc nào cũng cười tươi và giọng nói ấm như thấm vào từng khúc ruột. Nhìn cách ăn mặc tự dưng tôi thấy thương ba mẹ mình dưới quê dã man. Không hiểu sao bỗng dưng mủi lòng.
Hai bác cám ơn tôi vì đã…nhận giùm thằng Chí hai nhát dao, cũng cám ơn tôi vì kềm thằng Chí đi đúng con đường mà hai bác đã chọn cho nó. Tôi thấy thái độ của nó rõ ràng không hài lòng lắm cách nói chuyện xem nó là trẻ con của hai bác, nhưng nó không thốt lên lời nào, chỉ ngồi im như một con mèo ngoan ngoãn vì vừa làm vỡ một bình hoa. Nhìn nó thu mình rụt rè, thấy cũng đáng để cười, khác hẳn với nó mỗi ngày.
Khi tôi ra cổng, bác trai đưa tôi một chùm chìa khóa và biểu “hai bác gửi con chiếc xe, chừng nào thành tỷ phú nhớ trả lại”. Cách nói chuyện của bác trai hệch thằng Chí, đùa đùa, thật thật. Trong khi tôi vẫn há hốc miệng và chưa hiểu được câu nào, thì thằng Chí đã kéo một tấm khăn nhung màu đỏ ra khỏi chiếc xe honda màu đen hấp dẫn. Tôi đưa lại bác gái chìa khóa, rồi nói “con không quen như vậy bao giờ, cho con gửi lại…”. Trong lúc bối rối đó, tôi thấy mình khó nói lên một lời nào cho ra hồn, vốn dĩ tôi không phải là người ưa nói và cũng không phải là người phản xạ nhanh với những tình huống bất ngờ. Thằng Chí thì thét lên, “xe đã quá mạy, kiểu này đi làm khỏi phải đổ mồ hôi”. Khi sự ngơ ngác vẫn còn nằm trên khuôn mặt của tôi, bác gái lại biểu “như bác trai nói, con không nhận hai bác buồn lắm, hai bác cám ơn con sao hết, thôi khi nào thành danh nhớ hai bác một lần là được rồi, hai đứa ráng học, đừng mê chơi mà bỏ bê mọi thứ,…”
Khi tôi không biết nên vui hay nên bực bội về chuyện này, thì hai bác cũng bước ra cửa lên chiếc xe hơi chào tạm biệt rồi đi khuất. Và từ đâu không hiểu, tôi sợ cái suy nghĩ rằng mình đang lợi dụng thằng Chí. Càng sợ hơn nếu người khác nghĩ tôi như thế.
Xe mới chạy rất thích!
Ngày đẹp trời, chúng tôi được thông báo nghỉ tết, đó cũng là ngày hai mươi tháng chạp. Và một tin vui nữa lại đến, tết này thằng Chí sẽ tham gia cùng gia đình tôi dưới quê, ba mẹ nó vài hôm nữa sẽ bay qua Mỹ mừng lễ tốt nghiệp trước định kỳ anh trai của nó đang du học bên ấy. Hôm ấy tôi cũng chính thức nghỉ việc ở công ty, vì những áp lực không đáng có từ con Trâm cứ dồn nén làm tôi không tập trung được. Hai tháng trôi qua, cái nhận được là những kinh nghiệm non nớt, những cái lo vu vơ và nhiều sự cố xảy ra đến muốn buông khỏi cuộc sống. Vậy mà qua những thứ ấy, thấy mình có phút giây yếu đuối, nhưng sẽ cố gắng để mạnh mẽ hơn, bước qua mọi chướng ngại vật mang tên cuộc sống.
…
Phần 4: Thiên thần Tuyết
Chúng tôi về miền Tây dọc con nước theo những mái chèo vội vàng của cậu Sáu, thằng Chí thích thú nhìn sự chen chúc của những mảng rừng, những mảng vườn trái cây lủng lẳng mùa quýt hồng, bưởi đỏ. Tự dưng có một suy nghĩ sợ thằng Chí nhìn thấy gian nhà gỗ của tôi nó sẽ so sánh với ngôi biệt thự khổng lồ trên thành phố, ai dè vừa nhìn thấy, nó nhảy tít lên vì sung sướng. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao nó lại cảm thấy lạ lẫm như vậy.
Chiều hôm ấy, thằng Chí hơi bực vì sóng điện thoại chập chờn, nó không thể gọi điện cho con bé Đào, Mận gì đó ở Sài Gòn, nó nhe răng cười “mới tán tỉnh, chưa dính”. Tôi thấy vậy cũng mắc cười theo, phải chi tôi cũng như nó, mỗi tuần thấy yêu một đứa khác nhau, thì cái tên Tuyền ám ảnh kia sẽ không bao giờ đeo bám cái suy nghĩ rối rắm của tôi mãi.
Chiều hôm đó ăn cơm với con cá lóc nướng chui bự tổ chảng, thằng Chí ăn như chưa bao giờ được ăn trong đời nó, nó còn nói với tôi, “tối tối bơi xuồng vòng vòng cho biết nghen mạy”. Nhưng đến tối thì nó ngủ phì phò không còn biết trời trăng mây gió gì cả. Biết tôi về, cả xóm ríu rích như ngày hội, người mang xôi đến, người mang những chùm chôm chôm trái vụ, người mang rổ ổi,…thấy đi đâu chi xa, quê mình cũng nhiều thứ để sống cả đời mà không thấy chán. Ba ngồi rít một hơi điếu cày, rồi biểu “nhà giàu, coi chừng người ta xem thường mình, chơi biết lựa bạn chơi nghe Út”.
Có vẻ ba không thíchh thằng Chí lắm, bởi khuôn mặt của nó đầy chất thư sinh, không biết gì và lanh chanh như một thằng quỷ. Ổng biểu “thằng nhỏ này về làm người rơm tụi chim còn không sợ, đúng là vô dụng”. Tôi chỉ biết cười trừ. Tôi mà nói ra cái vụ ba mẹ thằng Chí “gửi tạm” tôi chiếc xe, chắc ba tôi ổng tự ái mà cạo hết tóc của tôi không chừng.
Nhưng dù vậy hôm sau ba không những hết ghét thằng Chí mà còn thích nó nữa.
Thằng Chí là thằng mê đọc sách, khác ngược lại hẳn với tính cách ngổ ngáo, lanh chanh của nó. Hôm đó vô tình ba nói chuyện về Lưu Bị với cậu Sáu, thằng Chí hào hứng chen vào giữa một hai câu kiểu như “con phục Lưu Bị ở chỗ dùng nhân nghĩa để đánh nhân nghĩa”, rồi nó kể một tràng câu chuyện của Lưu Bị, cậu Sáu và ba tôi ngồi mê tít.
Năm ông 47 tuổi, một hôm đi đường gặp một nho sĩ có phong thái khác thường. Vị nho sĩ nói: “Tướng quân có tướng đại phú quý, chỉ hiềm con ngựa tướng quân cưỡi có tướng sát chủ. Nên đổi con ngựa này cho ai đó thì tai vạ sẽ chuyển hết sang cho người kia”. Lưu Bị nghe thế cả giận: “Ta tưởng ông có kiến giải cao siêu, hóa ra là bày kế hại người. Chuyện lợi mình hại người bất nghĩa như vậy ta quyết không làm”. VỊ nho sĩ cười lớn: “Quả tin đồn Huyền Đức nhân nghĩa là không ngoa.”, rồi ông tiết lộ mình chính là danh sĩ Từ Thứ, nguyện giúp ông làm nên nghiệp lớn.
Được ít lâu, Tào Tháo sai Tào Nhân đem 5 vạn quân đánh Lưu Bị chỉ có 5000 quân. Lưu Bị được Từ Thứ hiến kế mai phục, đánh tan quân Tào. Biết Lưu Bị đã có nhân tài, Tào Tháo dùng mẹ Từ Thứ ép ông phải rời Lưu Bị. Pháp Chính khuyên Lưu Bị nên tìm cách giữ chân Từ Thứ, Tào Tháo đợi lâu sẽ giết mẹ Thứ, nhờ đó Thứ sẽ vì báo thù mà càng ra sức giúp. Nhưng Lưu Bị gạt đi vì cho rằng “lợi dụng lòng hiếu mà hại người là đại bất nghĩa”. Từ Thứ trước khi đi còn thề “Thân tại Tào tâm tại Hán, nguyện cả đời không hiến cho Tào một kế nào”.
Thế là từ ghét, ba tôi đâm ra “Thằng nhỏ nhìn mặt vậy mà sáng dạ, dân có học mới biết chuyện Tào Tháo – Lưu Bị, tụi trẻ giờ có ai còn mê, thằng này có chí hướng, có tầm”. Rồi ba tôi cười ha hả, biểu mẹ tối mần con gà để đãi khách Sài Gòn cho ngon coi.
Tối hôm đó, tôi được ăn no nê, nhờ công của thằng Chí, cả bữa ăn, nó với ba tôi ngồi phân tích kế “Vô trung sinh hữu” của Tam thập lục kế thời nhà Minh. Ba tôi ổng chỉ biết nói “thằng Kiên nó thiệt là biết chọn bạn mà chơi, phải chí vầy mới thành danh được”. Nhưng được vài ly rượu đế là thằng Chí nằm lê, lay mãi nó cũng không dậy.
Đã một ngày về quê, chưa được đi đâu, tôi lặn mình ra những ánh trăng cuối cùng của một năm đầy biến động, thấy mọi thứ dường như nhanh quá, mới đây thôi mà…
Những mảng lục bình chạy dọc qua con kênh, đậu lại những nhớ mong về hình bóng của một ai đó, và tự hỏi rằng, mình còn yêu không ta? Chắc là hết rồi, có chăng chỉ là những nỗi nhớ, nhớ da diết mà không rõ tại sao!
Khi tôi gần đến bến sông thì thằng Chí trong nhà cũng kêu ơi ới, nó chạy theo rồi cười sung sướng “ba mày tửu lượng mạnh thiệt”, tôi biểu “mày uống có vài ly nhằm gì, thử mười thằng như mày ba tao còn chém sạch”. Thằng nhỏ im thin thít tự ái.
Chúng tôi đi dọc qua thửa ruộng, tôi chỉ lặng im nghe thằng Chí lèm nhèm về mấy chuyện xảy ra vừa rồi, nó nói nhiều về kết quả học tập, nói vu vơ về cô Xuyến dạy môn Đường lối cực kỳ thích nó, nói về môn Kiến trúc mô hình không hiểu sao chỉ được năm điểm,… đại loại như thế mà cả đoạn đường dài, nó cứ nói mãi.
Chúng tôi dừng chân tại một hàng dừa tươi rói, thấy cái lạnh len lén lùa qua bàn tay thô kệch của mình, cố để không nhớ ai, nhưng chợt lại muốn nhớ. Thằng Chí lại lại la um lên, đi trộm cam đi Kiên ơi…nhưng tôi chết đứng vì một bóng dáng của một người con gái…ma!
Đứa con gái có ánh mắt hồng đỏ, có cái gì đó hút sâu người khác vào cái nhìn của mình, mái tóc trắng như những mảng sợi bông dài mườn mượt, nước da trắng tinh tựa như một tờ giấy không vương chút mực. Tôi hỏi “cái gì vậy?”. Thằng Chí vẫn đang dùng một nhánh cây dài thọc cao lung lay những trái cam trong vô vọng, cố nhướng qua cái hàng rào nhưng vẫn không thể làm quả cam nào rụng xuống đất, nó quay lại thét “tụi cam quái quỷ…” và nó cũng im lặng.
Nhưng cái im lặng của nó khác cái ngạc nhiên của tôi, nó đứng sau lưng và run thấy rõ. Nó nói tôi “sao mày không nói trước là…quê mày…có…ma”. Và chợt phút giây nào đó tôi thấy “con ma” ấy đang khóc. Đôi mắt đỏ chói giữa một mảnh ánh trang mờ ảo. Tôi và thằng Chí..bỏ chạy.
Cả đêm tôi không tài nào ngủ được, cái ánh mắt đầy lửa, cái câu chuyện của nội kể ngày xưa về những hồn ma chết oan giữa bến sông làm tôi gợn gáy. Thằng Chí lại hỏi “tao sợ quá mạy”. Tôi cố gắng tỏ vẻ bình thường, rồi nói “thường à, ngủ đi”. Sáng hôm đó, tôi ngủ dậy trễ, nhà đã vang nhoi lên vì một con ma mà thằng Chí thổi phồng hơi quá mức.
Con ma tôi gặp không biết bay, không có dòng máu đỏ tươi giữa mắt và miệng, mái tóc cũng không bù xù như những mảng mây, không có những móng tay dài nhọn hoắt,…nhưng qua cái suy nghĩ “trên trời” của thằng Chí, mọi thứ thành có hết ráo. Tụi trong xóm sợ hãi, chỉ có thằng nhóc Điền con cậu Niêm là ngồi đờ ra buồn hiu. Nó lẩm bẩm “ma đâu mà ma”.
Nguyên ngày hôm ấy chúng tôi bơi, tắm, lội,..tất cả mọi thứ dưới bờ sông đều đã được chúng tôi nhiệt lực hưởng ứng. Thằng Chí hưng phấn nghịch ngợm với tụi trong xóm, nó cũng quên đi mất mấy đứa Đào, Mận gì ở Sài Gòn, chỉ thấy nó vạch ra những “chiến lược” trộm xoài, mận, ổi,… ở đầu xóm. Tụi nhỏ trong xóm mê tít nó.
Tối hôm ấy, tụi tôi lại lần nữa đến với bến sông đêm có bóng ma bí ẩn, nhưng không thấy, thằng Chí hẹn hôm sau, mình lại đến. Nó thủ sẵn máy chụp ảnh, và quyết định đưa được con ma ấy ra…ánh sáng mới thôi. Nhưng hôm sau, hôm sau nữa chúng tôi vẫn không thấy.
Chì còn năm ngày nữa là đến giao thừa, nhà nhà, người người ai cũng tươm tất những cái mới. Dàn bông giấy trước nhà nở rộ, ba mân mê cây mai rồi nói, đúng giao thừa nó sẽ nở cho bay coi. Mẹ tôi đã phơi những con khô lóc, khô phi, mớ cải chuẩn bị cho một những ngày tết tươm tất. Trong khi nội ngồi tỉ mỉ những miếng lá chuối khô, nội biểu, tết này chắc gói năm chục đòn bánh tét thôi quá bay. Tôi nhìn mà muốn té ngửa.
Không khí tết ở quê vui hơn bao giờ hết, tấp nập, rộn ràng.
Chợt một hôm thằng Chí khều tôi nữa đêm, tôi quát “mày tính đi trộm ổi hả, thôi tao không đi đâu, mai qua nhà cậu Sáu hái cho mày một thau”. Thằng Chí nhất quyết làm tôi dậy bằng được, nó nói “đi gặp con ma hôm nọ”. Tôi lèm bèm “nhưng nó đâu có xuất hiện nữa”. “Tao hẹn trước rồi, có là có” – thằng Chí quả quyết.
Hôm ấy, trời lạnh hơn mọi khi, tôi thấy ghét cái quần lưng lửng của mình, tiếng ếch nhái đua nhau hát vang trời, còn tôi thì chỉ ước được nằm ngủ tiếp. Trong khi đó thằng Chí hớn hở, nhưng nó không nói câu nào, có vẻ bí mật lắm. Tôi chợt nhìn thấy một ánh mắt ám ảnh tôi mấy ngày qua, đôi mắt như có giọt máu, lờ mờ đỏ, mái tóc trắng tinh và làn da như một tờ giấy.
“Bóng ma” ấy nói “Anh Kiên”, tôi sởn hết da gà, và thằng Chí thì cười như không còn là nó. Hàng vạn câu hỏi rối bời trong đầu, ngàn ngàn nút thắt mà không biết phải gở từ đâu. Chỉ biết nhìn chằm chằm qua màn đêm rợn gáy.
Tay tôi tê cóng, có lẽ do cái lạnh ríu người của cơn gió tết đang lùa qua từng kẽ ngón, chợt thằng Chí nắm lấy tay dắt tôi lại gần một thân xác trắng bươm. Tôi thấy nước mắt, nước mắt rớt như tuyết giữa khuôn mặt trắng bệt một vùng da diết. Trong lúc vẫn còn chưa rõ ràng giữa sợ hãi và thương mến thì thằng Chí nói “đây là Tuyết, nhỏ hơn tụi mình hai tuổi”…
Thì ra Tuyết bị bạch tạng, chứng biến đổi gen mà tôi đã học được trên lớp hồi năm cấp ba. Đôi mắt đỏ là do biến thể tế bào đen không tồn tại, mái tóc trắng và làn da nhợt nhạt cũng cùng một nguyên nhân ấy. Căn bệnh này không được gọi là bệnh, nhưng nó được xem là một dạng sống tồn tại song song với những thể sống bình thường. Nhưng người ta thường gọi em là quỷ. Hoặc có nhẹ nhàng hơn cũng là bóng ma của đêm, như cái sự xuất hiện ngạc nhiên của em giữa bến sông một đêm vắng lặng.
Da của em không thích hợp cho việc tiếp xúc với ánh nắng, trong khi đó với cái hừng hực gió của trời miền Tây thì việc không gặp nắng vào ban ngày chỉ có thể chờ vào những cơn mưa tầm tã, nhìn thân hình nhoi nhóc giữa màn đêm rợn óc, thấy thương em gì mà thương dễ sợ.
Con bé hỏi tụi tôi “anh Chí với anh Kiên chịu nói chuyện với em hả? hai anh không sợ hả?”. Tôi nhe răng cười, phát hiện ra mình đã hết sợ tự khi nào không rõ, thay đổi thái độ ấy là sự thông cảm và áy náy đến mức khó tả. Thằng Chí nhanh lời “ờ, có gì đâu mà sợ với không sợ, nhìn em dễ thương mà”. Em cúi sầm mặt, buồn thiu.
Đêm hôm ấy chúng tôi nói chuyện vui lắm, dù rằng hầu như tôi chỉ ngồi để lắng nghe, một bên tiếng đêm yên lặng bị chen lấn bởi những tếng ếch nhái nhộn nhịp chờ xuân, một bên em và Chí ngồi cười vui vẻ trong câu những giấc mơ mang tên trường học…
Tôi không hiểu tính của thằng Chí, nhưng tôi biết rõ tôi và nó nghịch tính nhau hoàn toàn. Trong khi tôi lười nói như một thằng câm, quanh quẩn với mớ suy nghĩ hỗn độn tự làm khuôn mặt già đi trước tuổi, thì thằng Chí cứ mãi lầm bầm mấy chuyện xưa như trái đất, cũng chỉ quanh qua quanh lại cái mong muốn nhét vào đầu tôi những cách yêu đương nhăng nhít mà theo nói là “cách sống thời hiện đại”. Và nó chỉ là một đứa học trung bình yếu, trong khi tôi lại là thủ khoa của chuyên ngành, nhưng thật sự thằng Chí hiểu biết nhiều hơn tôi. Khác hẳn với cái tính ngông ngông của nó, khác luôn cả cách nói chuyện trên trời và suy nghĩ về tình yêu lạc quan đến mức khó chấp nhận, lại là một con người mê đọc sách hơn cả mê những đứa con gái mà nó theo đuổi. Những chuyện không thuộc cái sở thích của nó thì nó chỉ làm cho xong, như những bài kiểm tra trên lớp, nhưng với những thứ nó đã đam mê, thì có ông trời mới kéo nó ra khỏi công việc được.
Nhắc nhiều đến ông trời, tự hỏi ông trời có công bằng không ta? Chắc có, có với những người nhận quá nhiều hạnh phúc, như tôi và Chí, nhưng lại là không với những người thèm khát ngóng chờ bình minh lên, cho dù chỉ một lần, như Tuyết. Vậy là vô tình ông trời đối xử không tốt với những người mà ông ấy muốn đùa giỡn.
…
Sáng hôm ấy, tôi và thằng Chí dậy lúc mười giờ sáng, khi ba tôi vẫn đang ngồi đốn mớ củi để cho nồi bánh tét đêm giao thừa, thì mẹ vừa lột mớ dây chuối, vừa la “hai tụi bay trên Sài Gòn thiếu ngủ hay sao mà nướng khét lẹt vậy”. Chợt tôi cười khi bước ra bờ ao lấy cái khăn tắm, rọi xuống, thấy mặt mình già đi nhiều quá, mớ tóc bù xù không theo nếp vẫn đang làm khuôn mặt ấy trở nên tuyệt vọng hơn, ngồ ngộ hơn.
Buổi trưa, tôi và Chí quyết định lập một kỳ tích nho nhỏ, chạy bắt vịt. Đáng lý ra chuyện này sẽ không gì đáng kể, nhưng với cái suy nghĩ logic của thằng Chí, tôi phải bái phục nó làm đệ nhất giăng vịt, dù rằng đây là lần đầu tiên nó làm chuyện ấy.
Hệ thống giăng vịt của thằng Chí là một chuỗi những “ứng dụng” vật lý, sinh học cơ bản, trong khi tôi đang cố gắng đuổi một con vịt mập nhất (như lời mẹ dặn) thì tấm lưới của nó đã giăng được đến bốn con kích cỡ đúng y chang những gì mẹ tôi muốn. Hệ thống ấy gồm một vòng dây bằng lá dừa, ba quả trứng, một tấm lưới, lông vịt và một con vịt bị buộc mỏ. Con vịt bị buộc mỏ lại là một con vịt cái, được bỏ trong một cái lồng với cuộn lá dừa vừa với kích thước của một con vị to, những con vịt nhỏ muốn vào, nhưng chắc chắn sẽ không thể nào leo lên được. Phía dưới của cái lồng là một lổ hổng, khi con vịt đực vừa bước vào đó, hụt chân vào rơi vào lưới. Khi nó làm điều này, tôi chỉ cười khẩy và biểu “mày ngồi chờ đó chừng tháng rồi vịt nó chui vô nha”, nhưng hình như đôi lúc tôi vẫn không đúng lắm với nhận định của mình. Mặc dù tỷ lệ của việc thành công này do may mắn phần hơn.
Vào nhà, mẹ tôi hỏi thằng Chí về tốc độ bắt vịt thất thường của nó, nó cười rạng rỡ “con chạy nhanh lắm, mấy vòng là bắt được liền à”, nó còn phụ họa thêm bằng hành động lau mồ hôi qua tráng, và nụ cười gian sảo. Nhưng tôi vẫn phục nó khi nó đang cố kể kỳ tích phóng từ bờ này sang bờ kia để chộp một con vịt đực cỡ lớn.
…
Tối đó, chúng tôi lại ra chỗ bến sông, chỉ để gặp Tuyết và nối tiếp những ước mơ mà Tuyết đang xây dựng riêng cho mình. Như một thế giới vậy. Ước mơ được làm cô giáo, ước mơ được biết chữ, ước mơ được như mọi người ngắm cái ánh nắng như thiêu đốt giữa trưa oi ả. Nhà Tuyết ở gần con kênh, nơi có mái nhà tranh cùng người đàn ông cuốc đất thuê và người đàn bà giăng lưới trên con sông ấy. Tự khi nào, Tuyết khép mình lại trong cái nhìn vất vưởng của những ánh mắt không thiện chí, và lời nói xì xầm về đứa con của quỷ đầu thai. Hồi nhỏ, nó kể có lần người ta kêu mẹ nó chôn sống nó, bà nội nó cũng ép thế, dù áp lực nhiều nơi nhưng bà quyết định vẫn giữ và nuôi nó nên người.
Sự cô đơn có lẽ đã nằm sâu từ trong trái tim em. Khi trên đời vẫn có quá nhiều người tự mãn với những gì mình đang có hoặc cố gắng phủ nhận những thứ trong tầm tay, thì một số khác lại đang đau khổ chỉ vì một mình không một người chia sẻ. Hỏi thử cô đơn có dã man không? Cô đơn có độc ác không? Sao cô đơn làm một trái tim trắng hững bỗng dưng quéo quắp theo từng ngày trôi vội, có khi sợ cảm giác một mình hơn sợ một bóng ma ẩn nép sau lưng. Mà có ma cũng đỡ, ít nhất cũng cảm xúc, dù rằng đó là sợ, hay sự chia sẻ nhạt như băng.
…
Những ngày ấy tôi thấy thằng Chí khác đi nhiều lắm, nó không còn mải mê bên chiếc điện thoại lăm le tin nhắn của con Mận, con Đào gì đang ở Sài Gòn, cũng không còn những câu đùa cợt quá đáng như mọi khi. Nhiều khi thấy nó nhìn trân trân không điểm đặt, bỗng lại lo. Một hôm, khi trên đường ra chỗ Tuyết, nó nói tôi “hình như tao thương Tuyết mày ạ”. Tôi vô tâm trả lời “ờ tao cũng thấy thương”. Thằng Chí la lên, “nhưng tao thương khác”. Rồi trả lời cho câu hỏi của tôi “thương khác là sao”, là tiết mục giới thiệu về Albinism (Bệnh biến sắc Bạch tạng). Tóm lại, kết thúc cuộc trò chuyện vòng vo của nó là một câu hỏi “nếu tao nói tao yêu Tuyết rồi thì mày nghĩ sao hả Kiên?’. Tôi ngơ người, như chết đứng, nhưng sau đó cố tỏ vẻ bình thường và không nhận xét một lời nào cả.
Qua cái ánh mắt trìu mến của thằng Chí, tôi chắc chắn rằng nó đang có cảm tình với con Tuyết thật sự. Khác với thái độ của nó trước đây, nó cứ mải mê nghe những câu chuyện về thế giới trong mơ của Tuyết, và vạch ra thế giới ấy bằng một hiện thực hơi mơ mộng phũ phàng “em có thể đến với Sài Gòn, đêm có nhiều ánh đèn lắm, em có thể đến trường, bạn bè rồi cũng quen thôi, người ta ai cũng được đối xử công bằng, anh có nhiều sách lắm, hôm nào em đọc được, anh gửi thằng Kiên đem về đây cho em, đọc hết mấy cái đó là dư sức làm cô giáo”.
Không biết nên vui hay buồn, khi cái ánh mắt trìu mến mà Tuyết dành cho Chí như một lời đáp trả lại sự cảm thông mà Chí dành trọn cho Tuyết. Tôi sợ thằng Chí yêu em, bởi gia đình nó hẳn sẽ khó có thể đồng ý được mối quan hệ mập mờ này, tôi cũng sợ luôn em yêu thằng Chí, bởi với Chí, nó có hàng chục đứa con gái vẫn đang ở Sài Gòn chờ nó từng ngày – chờ cái khuôn mặt thư sinh đã lừa lọc trái tim của bao đứa ngây dại – tôi sợ Chí không chung thủy. Và tôi sợ tôi sẽ ghét thằng Chí mất, nếu nó làm một trái tim vốn dĩ mong manh sẽ sớm tan vỡ.
Hơi tết như đến dần vào ngày hai tám, tôi thấy nồi bánh tét chuẩn bị được đun lên, nội và mấy cô ngồi thoăn thoắt đôi tay cho những đòn bánh chắc nịt. Tôi với thằng Chí xin mãi mới được làm một cái, được một hồi, mọi thứ văng tung tóe và đòn bánh hình ống vẫn chưa thành công, thế là chúng tôi quyết định gói bánh chưng, nhưng cảm thấy bánh chưng khó hơn nữa nên đành buộc tròn như quả bóng và bị đuổi ra khỏi bếp không thương tiếc.
Tôi hỏi “hôm nay không xúm tụi trong xóm lại đi trộm trái cây nữa hả”, thằng Chí nhảy lên một cành ổi, ngồi phệt lên nhánh to nhất, chống cằm rồi biểu “chán thấy mồ…”. Hình như cái hương quê đã làm nó bắt đầu có cảm giác chán nản, không có internet, không có những trò chơi thú vị mà nó thường mê mẩn, không có những quyển sách mà nó nhai ngấu nghiến từ ngày này sang ngày khác, chắc hẳn đời nó vầy là tàn đi nửa thế kỷ. Rồi chợt nó mở mắt trao tráo, hớn hở thét lên “có cách rồi hết chán, giờ tao với mày qua chỗ Tuyết đi”. Tôi vẫn ngơ ngác, “giờ nó chưa ra đâu mày ơi”. Nó nhảy phịch xuống đất và nói “không, qua nhà nó kìa”.
Chúng tôi qua nhà Tuyết vào một ngày bình thường như bao ngày khác, hình như mọi thứ xung quanh đối với thằng Chí rạo rực hơn, tươi đẹp hơn, chưa bao giờ tôi thấy nó vui như thế. Lần đầu tiên nó bỏ qua những quả ổi chín trĩu cành ở nhà bác Tư, lần đầu tiên những quả Cam mọng nước yên thân trước bàn tay của nó, và đột nhiên tôi thấy nó…trẻ con quá nỗi.
Tiếng huýt sáo chạy dọc con đường bùn.
Thằng Chí nói với tôi “hôm nay tao tặng con Tuyết một cái đồng hồ của…bồ cũ tao, hồi xưa mua định tặng nó, may mà chia tay sớm rồi”. Tôi muốn cười, nhưng chỉ kịp nhếch môi một lúc rồi hỏi “mày mang theo xuống đây chi?”. Nó hớn hở biểu, “tao tính trước cho những trường hợp thế này rồi!”. Người thằng Chí sao điên dễ sợ.
Chúng tôi đến một con kênh, theo dọc con kênh là những nhánh lục bình trôi đều từng mảng, bên cạnh có một cây bần, trái to như nắm tay, thằng Chí cắn một phát thì nhăn mặt rồi biểu “trời đất vừa cứng vừa chua, trái gì vậy?”. Khi tôi nói đó là trái bần, thứ gắn liền với cái mác nghèo của dân quê tôi, nó cười nhe răng hớn hở “ngộ heng, tao tưởng trái hồng giòn”.
Ngôi nhà xuất hiện trước mắt tôi là một gian nhà lá xiêu vẹo, cọc được cắm ở mép con kênh, thằng Chí ngơ ngác “ủa, vậy là nhà đó hả?”. Tôi lặng thinh, bước về phía trước trong cái nhìn khờ khạo của mình, đúng như những gì em tả, ngôi nhà em sống, nơi người ta có thể không bao giờ tưởng tượng được đó là một căn nhà, nhưng đó là ký ức, là quá khứ của em. Mà hình như em chỉ mới ở đây chừng hai, ba năm gì đó, hoặc có thể do tôi rời xa quê hương từ hồi cấp ba, nên hầu như không để ý lắm đến những sự tồn tại bên lề như căn nhà của em bên cạnh một con kênh. Lặng thinh một khoảng lặng thinh.
Thằng Chí đang đăm đăm nhìn vào ấy, chắc nó sẽ tưởng tượng được rằng em sẽ hạnh phúc và hét toáng lên thế nào khi gặp nó và tôi, sẽ rươm rươm nước mắt vì chiếc đồng hồ mà Chí mua tận ở Thành Phố - nơi phồn hoa xa lạ hẳn với em.
Nhưng mọi thứ chợt sụp đổ khi tôi bước vào trong ấy, gian nhà trống hoác, chỉ có bếp lửa nho nhỏ ở góc vẫn còn âm ấp mùi than. Thằng Chí cười “tao đoán ra liền mà, đây đâu phải là nhà của Tuyết”. Rồi nó bước ra gốc cây với cái gì đó hi vọng. Tôi cũng hi vọng đây không phải nhà của Tuyết, hoặc nếu phải chắc nó đã đi đâu đó chơi rồi. À, nắng chợt rót xuống những mảng ly ti qua từng khe lá, thằng Chí nhìn chăm chú vào cái đồng hồ đang nhích từng giây một. Nó nhìn qua trái, chợt nói “ông trời bất công thiệt”…
<còn nữa>
PhuocHuy.com
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top