Phụ chương: Trợ thủ đắc lực của anh Đăng
Đêm giao thừa, tôi được chị Diệp và anh Đăng lì xì, cùng ngồi xem phim giờ muộn mà không bị bắt đi ngủ sớm, đến đêm còn được nằm giữa anh Đăng và chị Diệp để ngủ.
Ấm quá.
Sáng hôm sau, chị Diệp gọi tôi dậy từ khá sớm, lấy bánh chưng từ trong ba lô ra và nói là để ăn sáng. Chị Diệp dùng nan bánh cắt thành tám miếng đều đặn cực kì chuyên nghiệp, sau đó nói với tôi: "Bánh chưng nhà chị làm đó, em ăn đi."
Tuy mấy ngày này ai cũng nói đến bánh chưng nhưng kì thực tôi mới chỉ được thấy bánh chưng ở trong sách, chứ bình thường chẳng bao giờ được ăn. Lúc này được gặp bánh chưng, tôi thấy nó ở ngoài đời xấu hơn trong sách, vì vỏ ngoài của nó không phải màu xanh mơn mởn như trong tranh minh hoạ sách giáo khoa vẽ, mà là một màu xanh héo úa do bị luộc quá lâu.
"Em chưa ăn bánh chưng bao giờ á?" Chị Diệp hỏi.
"Em chưa ạ."
Có rất nhiều thứ trên đời này tôi thích, nhưng tôi chẳng bao giờ nói ra vì tôi không muốn anh Đăng nhọc lòng, một phần cũng vì tôi không biết thứ mình muốn có đắt đỏ hay không nữa. Đó cũng là lý do vì sao đống đồ dùng học tập và đồ chơi của tôi lại xấu đến vậy.
Tôi xúc một miếng bánh chưng thật to đưa vào miệng, tức thì mặt tái mét: "Nhân bánh chưng có gì vậy chị?"
"Thịt lợn." Chị Diệp đáp.
Tôi nhè nhân bánh ra, lòng thầm xin lỗi loại bánh truyền thống, sau đó chỉ ăn phần vỏ bánh làm từ gạo và đỗ.
Chiều hôm đó chị Diệp vẫn phải về nhà ăn Tết. Tôi rất muốn chị Diệp ở lại nên đã nhắn tin cho chị rất nhiều, có điều chị Diệp không còn cách nào khác, chỉ có thể nhắn tin an ủi tôi:
[Chị phải tập trung kiếm tiền để trang trải cho chúng mình, Trâm ở nhà ngoan nhé.]
[Vâng ạ.]
Tôi nhắn tin trả lời, sau đó ngước nhìn anh Đăng hỏi: "Anh ơi trang trải là gì ạ?"
"Là kiếm tiền để chi trả cho cuộc sống."
"Vậy ạ... khổ thân chị Diệp, trẻ như vậy đã phải đi làm kiếm tiền."
Anh Đăng: "?"
Ba ngày sau, tôi và anh Đăng được mời qua nhà chị Diệp chơi.
Đó là lần đầu tôi gặp đầy đủ gia đình của chị Diệp. Trong số đó, tôi có ấn tượng với mẹ của chị Diệp nhất vì cô ấy rất đẹp, cười rất hiền hậu, vừa gặp đã xoa đầu và lì xì cho tôi.
Nhà chị Diệp được trang trí vô cùng ấm cúng, trong góc nhà có một cây đào khá đẹp, nhưng trông hơi lệch. Lúc tôi ngờ nghệch chỉ ra sự nghiêng lệch của cây đào, mẹ chị Diệp quay ra nhìn chị một cách rất trìu mến nói: "Cành đào nhà mình lúc mới mua rất cân đối."
Chị Diệp ngoan ngoãn cúi đầu đáp: "À dạ."
"Ừ, thế nhìn lại đi."
Chị Diệp liếc nhìn cây đào đáng lẽ có thể cân đối đẹp đẽ mà nay trông như Dương Quá cụt một bên tay, đáp một cách dối lòng: "Cân bằng một cách hoàn hảo, rất đẹp."
Nói xong vô thức lấy tay che mông lại.
Bữa cơm hôm đó rất đông người, rất vui vẻ, tới tối thì tôi được ngủ cùng phòng với chị Diệp.
Trong phòng ngủ, tôi không nhịn được thủ thỉ với chị Diệp: "Mẹ chị Diệp tốt bụng quá. Rất đẹp nữa."
Chị Diệp im lặng một lúc mới hỏi lại: "Em thích có mẹ không?"
Tôi đáp: "Em không biết, em cũng không thích lắm."
"Sao thế?"
"Có mẹ khổ lắm."
Chị Diệp ậm ờ hỏi: "... ai nói với em vậy."
"Bạn em." Tôi đáp.
"Khổ thế nào?"
"Mẹ hay đánh với mẹ mắng. Theo như em đọc trong sách thì có mẹ còn phải làm nhiều nữa."
"Hả?"
Tôi kéo ba lô mà mình đeo sang nhà chị Diệp, lôi cuốn sách Tập đọc lớp 3 ra. Vì muốn mọi người có ấn tượng rằng tôi là một cô bé chăm học nên tôi đã mang theo vài quyển sách tới đây. Tôi lật vài cái tới trang bài đọc "Khi mẹ vắng nhà".
[Khi mẹ vắng nhà
Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng.
...]
Tôi vừa đọc bài vừa phân tích cho chị Diệp: "Khổ thân các bạn có mẹ, cơm nóng quá phải thổi thì cũng hiểu được, nhưng chả hiểu sao ở nhà phải giã gạo. Chắc mỏi tay lắm. Chẳng biết giã gạo để làm gì. Quét sân với quét cổng thì em có giúp anh Đăng đó chị! Mỗi tội cái chổi hơi to. Lúc em nói với anh Đăng là cái chổi to quá khó cầm thì anh ấy mua cho em cái chổi bé hơn."
"........"
"Ờm... Thế bình thường ở nhà em làm gì?"
"Anh Đăng có ở nhà mới được chơi điện thoại xịn. Còn lại thì học bài. Nhưng em không thích học bài đâu."
"Em có thể chia sẻ tâm sự với anh Đăng."
"Em nói em không thích học nhưng anh Đăng không hiểu. Anh Đăng thích học bài."
"..."
"Em ghét môn Tiếng Việt lắm. Mặc dù anh Đăng dạy em là chỉ cần học theo bài làm mẫu là được, nhưng em vẫn ghét lắm. Toàn phải bốc phét thôi."
Tôi vừa nói vừa lật lật cuốn sách, chị Diệp ngó đầu nhìn theo, miệng ồ à lẩm bẩm: "Khi mẹ vắng nhà, Mẹ vắng nhà ngày bão, Quạt cho bà ngủ, Thư gửi bà... Toàn mẹ với bà, sách gì mà ác ôn quá vậy."
Đó là lý do phong độ của tôi rất thất thường đối với môn Tiếng Việt. Luyện viết thì ổn, đọc thành tiếng cũng ổn, nhưng mà đọc hiểu thì không ổn lắm...
Nói tới vấn đề này, trông chị Diệp có vẻ như đang áy náy. Chị ậm ừ tìm cách an ủi tôi: "Ừm, em không có gì cần phải buồn cả. Có mẹ không vui thật. Từ hồi chị chưa biết đi mẹ đã đánh chị rồi. Đánh bốp bốp như thế này này." Chị Diệp dùng động tác tay trong không khí để miêu tả, vừa chém không khí vừa nói, "Sau đó còn bị mẹ sai làm rất nhiều việc nữa, như là nấu cơm rửa bát, nhổ lông nách, rồi còn bắt chị đi chợ cùng nữa. Mỗi lần đi chợ phải đi ba vòng chợ mà chỉ mua được mỗi một cái áo, tiền mừng tuổi thì cầm mãi không thấy trả..."
Chị Diệp đang nói hăng say thì khựng lại, nhổm đầu liếc mắt về phía cửa, thấy mẹ chị ấy đang cầm tay nắm cửa đứng đó.
Mẹ chị Diệp nói: "Mẹ thấy con quên không đóng cửa này Diệp."
Chị Diệp lẩm bẩm: "Ngày thường vẫn gọi mày xưng tao, hôm nay gọi con xưng mẹ."
"Mẹ nghe thấy đấy Diệp ạ. Thôi, ngủ nhớ đóng cửa nhé, trời lạnh lắm đấy. Cho chân vào trong chăn đi, đừng để thò ra ngoài như thế." Mẹ chị Diệp nói tiếp.
"Dạ." Chị Diệp đáp.
Mẹ chị Diệp mỉm cười rồi giúp đóng cửa lại.
Ở trong chăn, tôi cầm tay chị Diệp quan tâm hỏi: "Chị ơi sao chị run rùn rụt thế?"
"Do trời lạnh quá ấy mà. Với lại em nên dùng từ run cầm cập, hoặc run lẩy bẩy, chứ không có run rùn rụt đâu."
"Vâng ạ."
Có lẽ do giọng tôi vẫn hơi ủ rũ, chị Diệp dùng bàn tay lạnh toát của chị ấy phủ lấy bàn tay lạnh toát của tôi hỏi: "Em sao thế?"
"Thực ra em vẫn nghĩ có mẹ thì tốt. Mẹ giúp chị đóng cửa và nhắc cho chân vào trong chăn. Ở trên lớp các bạn đều nói về mẹ, mẹ mua cho cái này kia, mẹ nhắc nhở cái này cái kia, khi đi học về các bạn sẽ có người để kể chuyện hôm nay trên lớp làm gì học gì..."
"Những gì em muốn mẹ làm, em có thể nói anh Đăng làm cho em."
"Thật vậy hả chị?"
"Ừ, thì anh Đăng là người đóng cửa cho em, cũng là người nhắc em cho chân vào trong chăn."
"Anh ấy có nhắc nhở em dịu dàng như mẹ chị Diệp đâu, anh ấy đe doạ em."
"Ấy... em đừng tin mẹ chị như thế... Mà thôi, em chỉ cần biết là anh Đăng có thể thay thế mẹ em là được rồi."
Tôi ngẫm nghĩ một chút, thấy điều chị Diệp nói có lẽ đúng: "Đúng là anh Đăng cũng có mấy chỗ giống mẹ chị Diệp. Nhất là cầm tiền lì xì không thấy trả."
"..........."
Sau cùng tôi chui vào lòng chị Diệp, lẩm bẩm: "Em không buồn đâu, vì ngoài anh Đăng ra, em còn có chị nữa."
Tôi nghĩ, phần lớn do anh Đăng rất bận để có thể để ý tới tôi, phần còn lại do anh là con trai nên tôi thấy mình chẳng hợp để nói chuyện. Từ ngày có chị Diệp, tôi mới thấy mình bắt đầu giống bạn bè, có đồ dùng học tập đẹp, có đồ chơi đẹp, được chơi với chó, vui nhất là có người để kể lể những câu chuyện trên lớp nữa, dù chỉ đơn giản là mấy chuyện vớ vẩn như hôm nay ăn gì học gì, rồi mấy bạn trong lớp đùa nghịch nhau ra sao...
Tôi ôm chị Diệp, lòng thầm quyết tâm sẽ không để bất kì ai cướp chị ấy khỏi tay tôi và anh Đăng.
___
Lời tác giả: Gòi tới đây là hết rồi. Sau đây xin giải đáp thắc mắc của mn về các ngoại truyện của cp phụ:
- Ngoại truyện Quân Tú: Hồi trước bảo không viết đâu, nhưng dạo này tức cảnh sinh tình nên viết tiếp :) Mọi người vào Wattpad của mình, tìm truyện "Nhiệt độ tan chảy" để đọc về hai bạn này nhé! Nếu có hứng thú với boylove thì mọi người có thể ghé ủng hộ cả bộ "Đôi bạn cùng tiến" của mình nhe.
- Ngoại truyện Nhi Phong: Mình viết qua qua thôi vì hai đứa nó là trapboy trapgirl, mình không có kinh nghiệm với trap- nên chỉ viết được tới vậy.
- Ngoại truyện Hoàng Pảo Châm: Vì chưa chốt được nam chính cho em ấy nên mình quyết định không viết.
- Ngoại truyện Vũ Thu: Quên mất, làm gì có ai hỏi về cặp này đâu, haha :)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top