Chương 49: Bạn dai


Mười hai giờ đêm, ánh sáng lập lòe của ti vi là thứ hiện hữu duy nhất trong căn phòng khách tối tăm. Ánh sáng ấy phản chiếu trên gương mặt đăm chiêu và khuôn miệng lẩm bẩm của Diệp khiến gương mặt nó ngày thường ngây ngô ngơ ngác đến mấy thì lúc này cũng như ma quỷ đang đọc thần chú nguyền rủa.

Trên màn hình ti vi là giao diện của Facebook Messenger.

"Đờ... chữ đờ ở đâu... Đờ, á, nờ, gờ. Cách. Ơ, i. Cách. Nhờ, nhờ là nờ hắt, ớ. Dấu cách đâu rồi. Đờ, ăng là á nờ gờ. Cách wờ, á. Bấm gửi."

[Dang oi nho Dang wá]

Điện thoại của Diệp hôm qua để trong túi áo khoác, đạp xe nhanh quá văng khỏi túi bay ra giữa đường bị xe tải kẹp mất xác. Nó tin là điện thoại của nó chưa chết, chỉ là được truck-kun giúp isekai mà thôi, nhưng dù chết hay chưa thì Diệp đã mất phương tiện liên lạc với bạn trai rồi... vì vậy nó đang dùng đôi tay run lẩy bẩy nhắn tin cho Đăng bằng smart ti vi ở phòng khách lạnh lẽo. Mùa đông năm nay lạnh quá.

[Ừ, đang nhắn tin bằng gì đấy?] - Đăng rep bằng tốc độ bình thường của người dùng điện thoại.

"Tờ i vờ i."

[Ti vi] - Diệp ghi có bốn chữ cái mà loay hoay mãi mới xong.

Đăng: [...]

[Thôi ngủ sớm đi.]

Hôm qua Đăng nhắn tin cho Diệp từ chiều tới tối muộn không thấy nó trả lời. Dù cả hai cũng ít nhắn tin, bởi trên lớp thì ngồi gần bàn, tới tối thì Diệp lại qua nhà Đăng học thêm đến hơn chín giờ tối mới về nên không cần giao tiếp qua điện thoại nhiều, chỉ tới khi cả hai ai về nhà nấy mới nhắn qua lại đôi ba câu chủ yếu là gửi meme và cuối cùng là chúc ngủ ngon. Nhưng cả tối qua Đăng vừa nhắn vừa gọi mà không được, vì sốt ruột nên phi thẳng xe sang nhà nó hỏi han lúc 23 giờ 35 phút. Đăng sang vào cái giờ khá muộn nên cả hai đã đứng tâm tình khá lúng túng dưới sự quan sát của phụ huynh.

Cứ nghĩ là cả hai không quá cần thiết việc nhắn tin cho nhau, nhưng sự thật là thiếu vài câu nhắn vớ vẩn đứt quãng 10-20 phút gửi một lần cũng khiến bọn yêu nhau bứt rứt vô cùng, mà Diệp không thể mặt dày vào mượn điện thoại của bố mẹ để nhắn tin cho bạn trai được nên nó phải dùng tới phương án cuối cùng. Còn Đăng cứ tưởng tối nay không được nhắn tin với Diệp ai dè lại nhận được mấy câu nhớ nhung vào giờ này.

[Nho Đăng k ngu dc] - Mày mò một lúc nó mới biết cách để gõ tiếng Việt trên ti vi.

[Vậy nói chuyện một lúc.]

[Uh, Dăng noi chuyen di]

Dù Đăng chúa ghét thằng nào chat không dấu và viết sai chính tả, thêm nữa Diệp còn chat lâu không chịu được, nhưng Đăng vẫn rất kiên nhẫn trả lời.

[Nói chuyện gì?]

[K biet nua, chi muon nc vs Đăng thoi]

Diệp nhắn xong câu này, Đăng cứ ngồi ngây ra, ngập ngừng không biết chat lại thế nào.

[M cung chat bang tv hay sao ma rep lau the?] - Diệp nhắn tiếp.

Cuối cùng Đăng cũng trả lời: [Tao thì muốn gặp mày.]

[Hihi iu Đăng <3]

[Ngồi ở phòng khách có lạnh không? Cẩn thận ốm đấy.]

Tay Diệp lạnh cóng, gõ chữ run lẩy bẩy: [Lạnhuwáuwu. Giá mà có Đăng để om]

[Mai cho ôm.]

[Hí hi]

[Thôi ngủ sớm đi.]

Nhắn tin một lúc vừa lạnh vừa mỏi tay, chân không đi tất nên lạnh cóng, cuối cùng Diệp cũng chịu đi ngủ nên nhắn lại cho Đăng: [Um. Đăng ngủ ngon <3 <3]

Mặc dù dấu nhỏ hơn ba (<3) chat tốn sức hơn bình thường nhưng nó vẫn kiên quyết spam cho bằng được hai cái.

Đăng thả tim tin nhắn của nó: [Ngủ ngon.]

Diệp thả tim lại.

Trước khi ngủ, đột nhiên Đăng nghĩ sau này cậu muốn mau trở thành tổng tài để dắt Diệp đi mua điện thoại bất cứ lúc nào.

Sau hôm đó Diệp khúm núm xin mẹ mua điện thoại mới nhưng bị mẹ bơ toàn tập. Đau khổ, nó tìm đến người bố kính yêu của mình thì bố nói rằng bố chỉ có mấy chục tiền ăn sáng và uống trà đá mỗi ngày thôi, chứ tiền trăm thì chẳng có nổi nữa là tiền triệu để cho nó mua điện thoại. Đơn giản vì tiền lương của bố đi thẳng vào số tài khoản của mẹ rồi.

Nghe vậy Diệp lại túm ống quần mẹ nó, nhưng bị mẹ lạnh lùng xua đuổi: "Sắp Tết rồi, tiền bạc không dư dả cho cô mua điện thoại đâu. Có cái điện thoại cũng không bảo quản được mà dám đòi mua điện thoại mới à? Mơ đi."

"Nhắc đến Tết con mới nhớ, chẳng phải Tết nào mẹ cũng nói giữ tiền mừng tuổi giúp con ạ? Con nghĩ đây là lúc..."

"Tao nói là tao giữ tới khi mày đủ 18 tuổi mà. Mày đã đủ đâu? Đỗ đại học đi rồi tao mua cho điện thoại mới."

Biết không thay đổi được nên Diệp cố vớt vát: "Mua cả laptop nữa nhé mẹ."

"Cứ biết thế."

Mẹ Diệp giật ống quần bỏ đi, Diệp nằm dài trên sàn nhà lạnh lẽo suy nghĩ về cuộc đời. Không có tiền quả là đau khổ.

Đã thế, sau khi thầy cô đẩy nhanh tiến độ cho kì thi cuối kỳ I kết thúc sớm để học sinh được ăn Tết trong hạnh phúc, mẹ Diệp cũng không cho Diệp sang nhà Đăng mỗi tối để học thêm nữa. Lý do là bởi đài báo ti vi cứ đưa tin các vụ tai nạn xe cộ tăng lên do người tham gia giao thông say rượu ngày một nhiều khiến mẹ Diệp lo lắng không muốn cho Diệp ra đường.

Dù vẫn gặp nhau trên trường nhưng đôi bạn trẻ gần như có cảm giác bị chia cắt bởi đống vấn đề tới cùng lúc, may mà sau đó Diệp nhớ ra bà nội mình có một cái điện thoại Nokia đời cũ loại "ném người trọng thương, ném chó chó chết", chỉ có thể nhắn tin gọi điện và chơi rắn săn mồi, mà bà cũng ít dùng nên Diệp mượn để nhắn tin với Đăng liên tục mỗi tối.

Duy trì được hai ngày, sau đó thì tới Chủ Nhật. Đăng cứ nghĩ là sẽ được gặp Diệp, nhưng không ngờ đó lại là một trong số những ngày Chủ nhật hiếm hoi mà Diệp không sang nhà Đăng chơi.

Đáng kể hơn là, Đăng thấy Diệp đi chơi cùng một anh cực kì đẹp trai.

Nói đúng hơn là thằng Hùng cùng lớp vô tình thấy Diệp đi chơi cùng một anh nào đấy nên quay video lại và gửi cho Đăng. Lúc nhận được cậu đã tua đi tua lại rất nhiều lần.

Trong video vỏn vẹn 20 giây, Diệp đang ngồi sau xe một thanh niên cao ráo, xe dừng trước cửa hàng bán điện thoại một lúc rồi hai người bước vào trong. Khi thanh niên kia quay ra nhìn Diệp thì Đăng mới thấy rõ mặt anh ta. Người này trông khá trẻ, mặt mũi cực kỳ đẹp trai cùng kiểu tóc thời thượng, anh ta vừa mỉm cười thì cảnh xuân bung nở, cuốn hút tới mức hư cấu. Quần áo phụ kiện của anh ta phong cách nhưng không trẩu, hơi có phong thái người trưởng thành, có lẽ là độ tuổi của kẻ đang trong khoảng giữa của học đại học và đi làm.

Diệp và anh ta thoải mái tự nhiên hết mức, đứng cùng một lúc thôi mà hết trêu đùa lại cười nói, cay mắt hơn cả là việc hai người đó còn mặc... áo đôi? Cả hai đều mặc hoodie đen trơn giống hệt nhau. Vậy mà thứ duy nhất cậu và Diệp từng mặc giống nhau chỉ có đồng phục trường đấy...

Càng nhìn gương mặt tươi cười của Diệp, Đăng càng thấy khó thở.

Anh ta mua điện thoại cho Diệp?

Nghĩ như vậy, não cậu quay cuồng như bị ai đó cho vào máy giặt, chóng mặt tới mức muốn ói ra máu.

Tự nhiên muốn giết người.

Không, giết người là phạm pháp.

Nếu Diệp không thích cậu nữa thì cùng lắm là chia tay.

Không, cậu không muốn.

Hay là hỏi thẳng cho nhanh.

Đây là phương án hợp với cách làm việc của Đăng nhất, nhưng hình ảnh kia rành rành như thế làm gì còn có cách giải thích nào khác được nữa?

Đăng cố gắng bình tĩnh lại để cho bộ não hoạt động một cách bình thường. Dù thông minh đến mấy thì cậu vẫn chưa yêu ai bao giờ, tất cả những điều cậu biết chỉ là lý thuyết trên mạng, ngoài ra thì ở trên trường cũng không có đối thủ cạnh tranh nên tạm thời vẫn khá tự tin. Nhưng lúc này hết tự tin nổi.

Cậu nhớ đến mấy câu cậu đọc được trong sách, đại loại là "những thứ mình nhìn thấy tận mắt chưa chắc đã là sự thật" gì đó, nhưng càng nghĩ đầu càng loạn, IQ lao dốc bất thường như thị trường chứng khoán.

Cậu dùng tất cả tự tin bấm gọi vào số mà Diệp hay dùng để nhắn tin cho cậu. Đợi một lúc lâu sau mới có người bắt máy.

"Ai đấy?"

Đăng quên cả thưa gửi, hỏi luôn: "Bà ơi bạn Diệp có nhà không ạ?"

"Diệp á?" Bà nội ngẫm nghĩ, nhớ rằng Chủ nhật nào Diệp cũng sang nhà bạn trai chơi nên đáp: "Nó đi chơi với bạn dai rồi."

Bạn dai thì không phải là bạn trai đúng không? - Tất nhiên là Đăng không bắt lỗi chính tả bà cụ nên chỉ nghĩ trong đầu.

Cậu định hỏi kĩ hơn để tránh hiểu lầm không đáng có, nhưng vừa định hỏi kĩ hơn thì bà cụ đã bận việc gì đó cúp máy luôn rồi.

Lúc Diệp đã mua xong điện thoại thì nó và anh trai loanh quanh chợ Hạ Long một lúc mới về. Khi đi từ xa cách nhà một đoạn nó chợt thấy hình dáng đăm chiêu quen thuộc đang đứng trước cổng nhà mình. Nó lẩm bẩm trong miệng: "Đăng kìa?"

Anh trai nó - tên Lâm - hỏi: "Bạn trai mày ấy hả?"

Dù anh trai học và làm việc trên Hà Nội chẳng mấy khi về nhưng cũng nghe phong thanh bố mẹ nhắc về việc Diệp có bạn trai.

Lâm nhìn chàng trai cao lớn đang đứng trước cổng nhà. Mặc dù thần thái của Đăng trông khá trưởng thành nhưng từ chiếc áo khoác đồng phục lẫn chiếc ba lô đeo sau lưng đều toát lên vẻ "tôi vẫn là học sinh" khiến anh cười khẩy một cái. Dù chẳng lớn hơn Diệp bao nhiêu nhưng tư duy của các ông anh bà chị đã ra trường đi làm khi thấy con em thằng em mình có bạn trai bạn gái đều nghĩ "bọn trẻ ranh học đòi yêu đương nhố nhăng", vậy nên cũng không ngại xỉa xói Diệp một câu: "Tí tuổi yêu với chẳng đương."

Diệp bị anh trai móc mỉa cũng quen rồi nên rất nhanh đáp lại: "Tốt hơn anh đến tuổi yêu đương mà vẫn chẳng có bạn gái. Xấu tính xấu nết có cái bát cũng không chịu rửa."

"Mày lôi cái bát vào đây làm gì?"

Chiếc xe dừng ngay trước mặt Đăng khiến cậu ngẩng đầu lên.

"Sao mày lại ở đây?" Diệp ngạc nhiên hỏi.

Nghe câu hỏi ngạc nhiên của Diệp, Đăng hơi khó chịu. Nhưng cậu còn chưa kịp trả lời đã thấy thằng cha kia xuống xe trước, vươn tay tháo mũ bảo hiểm cho Diệp và nói: "Xuống xe đi em yêu."

"Ó??" Diệp sợ hãi phát thành tiếng. Nghe bị gọi là em yêu mà sởn hết cả gai ốc.

Vốn Đăng định nói rõ ràng và tìm hiểu kĩ hơn thay vì tin vào những suy đoán không căn cứ, nhưng chỉ vì một màn này mà lòng cậu bức bối muốn hành động trái lý trí ngay lập tức. Sự khó chịu nhanh chóng lan khắp toàn thân, nhọc nhằn lắm cậu mới dằn xuống để đi tới cạnh Diệp, kéo nó xuống xe sau đó hỏi: "Ai đây?"

Diệp chưa kịp trả lời thì bị Lâm nói trước: "Người yêu Diệp. Cậu nhóc này là ai đây em yêu?"

Dù đang tức giận nhưng Đăng lựa chọn không nghe lời tên có bộ dạng ngả ngớn này nói chuyện mà chỉ nhìn chăm chăm vào Diệp.

Nó thấy tình hình không ổn, sợ bị hiểu lầm nên vội nói: "Mày đừng nghe ông ấy nói bậy. Anh trai tao đấy. Nết xấu lắm."

Mãi đến lúc này gương mặt căng thẳng của Đăng mới giãn ra, hơi ngẩn người một chút. Bàn tay đang nắm chặt tay nó cũng nới lỏng hơn, mạch máu não bắt đầu chuyển động lại như bình thường, giúp Đăng nhớ lại việc Diệp có một ông anh ruột.

"Anh trai... hả?"

"Không thì gì? Mày tin ông ấy à? Tin thật đấy hả?"

Vẻ ngượng ngùng lộ rõ trên mặt Đăng, Lâm thấy vậy cười cực kì khả ố: "Đúng là bọn trẻ con yêu nhau, há há há há há há."

"Anh vô duyên vậy còn lâu mới có người yêu."

"Kệ tao, á há há há há há."

Đăng trầm cảm không nói gì, Diệp dùng ngón tay chọt chọt lên mặt cậu nói: "Mày bị sao vậy? Độc giả ai cũng biết đấy là anh trai tao, mày thông minh như vậy lại không biết. Đang nghĩ tao ngoại tình à?"

Đăng không muốn bản thân thua kém nên không nói ra rằng vì thấy anh trai nó đẹp trai quá nên sinh lòng cảnh giác, đành dùng vẻ mặt áy náy nhìn anh trai nó sau đó tìm lý do khác để đáp: "À, do anh không hay về nên em cũng quên mất."

Lâm mất một lúc để ngừng cười, gật gù như đã hiểu, sau đó nói: "Gần đây anh đang thực tập nên cũng bận, ngày nghỉ chẳng được bao nhiêu nên cũng không muốn về. Mà cũng do là sinh viên thực tập thôi nên được cho nghỉ tết sớm ấy mà."

Đám học sinh đứa nào cũng đếm từng ngày đợi đến Tết Nguyên Đán, hơn nữa gần đây không khí Tết càng lúc càng lộ rõ, cành mai cây đào bày bán khắp dọc đường, đi ba bước nghe "xuân xuân ơi xuân đã về", đi năm bước nghe "mùa xuân đã đến bên ém trao nụ hôn", đi mười bước nghe "tết là tết là tết là tết"... lúc Diệp ở cạnh Đăng cũng hay lẩm nhẩm hát theo như bị thế lực nào đó thao túng tâm lý, chỉ có Đăng chẳng đếm ngược, cũng chẳng buồn hát nhạc xuân nhạc tết bao giờ.

Sau cùng ông anh kia cũng đi vào nhà, để không gian cho đôi bạn trẻ tâm sự.

"Tao xin tiền bố, sau đó xin tiền mẹ, sau đó xin tiền của bà, cuối cùng là xin của anh Lâm nữa. Vậy là có điện thoại để nhắn tin với Đăng rồi."

Diệp vừa nói vừa hớn hở khoe chiếc điện thoại mới, mở danh bạ ra cho Đăng xem số điện thoại đầu tiên nó lưu là số của Đăng, tên danh bạ là "< 3 chồng's iu's < 3".

Chuyện sởn gai ốc của bọn yêu nhau, người ngoài thấy gứm, nhưng người trong cuộc là Đăng lại thấy vui. Khoé môi Đăng vừa vểnh lên một chút thì nghe Diệp hỏi lại: "Ơ thế mày lưu tên tao là gì ấy nhỉ?"

Cả hai hay liên lạc bằng Messenger của Facebook nên cũng không để ý số điện thoại lưu trong danh bạ lắm. Đăng bỏ ra cho Diệp xem.

Tên danh bạ của Diệp: Công Dới

Diệp: "..."

"Nghĩa là gì vậy?" Diệp hỏi.

"Công Chúa Kute Dễ Huông Xynh Đẹp Học Giỏi Thông Minh Tốt Bụng Đáng Yêu NHẤT THẾ DỚI." Đăng đáp.

Diệp bỏ nhiều lấy ít, chấp nhận hiểu được đến đâu thì hiểu, hỏi qua qua: "Ý mày là tao là công chúa của mày ấy hả?"

Ừ, công chúa của anh.

Nhiều người buồn nôn nhưng không dám nói.

Sắc chiều hoàng hôn dần phai, trời tối dần, Diệp vỗ vai Đăng nói: "Mày bị quáng gà nên về sớm đi, sắp tối rồi đấy."

Đăng gật đầu nói: "Ôm một cái được không?"

Đây là địa bàn nhà Diệp, Đăng không muốn chủ động ở đây nên hỏi nó.

Diệp ôm Đăng một cái, tay vỗ lưng cậu nói: "Yên tâm tao không ngoại tình đâu."

"Ừ."

Đăng trở về nhà, dù mọi chuyện đã qua nhưng trong lòng vẫn cảm thấy ngại ngùng và bứt rứt. Cậu cố gắng điều chỉnh cảm xúc, sau cùng lấy trong ba lô ra một chiếc hộp điện thoại di động mới tinh còn nguyên tem nguyên kiện, sau đó đưa cho Trâm nói: "Tặng này. Không được học sinh giỏi thì anh đòi lại."

Trâm chẳng tin anh mình mua điện thoại cho mình, vì ngày nào anh ấy chẳng cấm nó nghịch điện thoại! Nhưng nó vẫn tiến tới cầm lấy, nhanh chóng mở ra.

Bên trong thực sự là một chiếc điện thoại!

Trâm tỉnh táo nghĩ, có thể đây là một chiếc điện thoại đồ chơi thì sao. Thế là cô bé nhấn nút mở nguồn lên.

Giao diện smart phone hiện lên mượt mà.

Đây đúng là một chiếc điện thoại mới và xịn!

"Thưa anh Đăng, đây là sự thật sao?"

"Ừm."

"Em muốn có một cái ốp điện thoại màu hồng!"

"... Ừm."

Ngày Tết gần kề, người chẳng mấy khi về như anh trai của Diệp cũng đoàn tụ với gia đình. Đăng ngồi trong phòng khách, chẳng hiểu sao cảm thấy bồn chồn.

Cuộc sống tẻ nhạt của cậu đã thay đổi khá nhiều từ khi chính thức quen Diệp. Mỗi ngày gặp gỡ, trò chuyện, biến những ngày tháng bình thường, những khoảnh khắc bình thường đều trở nên đặc biệt... Nhưng còn Tết thì sao nhỉ?

Đăng ghét Tết lắm, cảm giác mình và Tết chẳng liên quan gì đến nhau cả. Cậu nhớ ngày còn bố mẹ, mỗi khi Tết đến trong nhà sẽ có thêm một cây đào và một cây quất, bánh kẹo bày trên bàn, bố mẹ không bận rộn với công việc nên mâm cơm gia đình lúc nào cũng ấm cúng đủ đầy, cậu còn được nhận lì xì nữa.

Có điều, sau ngày đó, Tết của Đăng và Trâm đã thay đổi rồi. Hai anh em cứ vậy ở nhà, chẳng biết làm gì đi đâu. Năm trước và năm trước nữa, cậu chỉ chuẩn bị một cái lì xì màu đỏ cho Trâm coi như xong cái Tết.

Hết Tết, Đăng thu lại lì xì của Trâm bảo rằng để anh giữ hộ cho, trẻ con không cầm tiền.

Không biết Tết năm nay của Đăng có khác không đây?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top