[Bản mới] Chương 2: Thái tử
Chương 2: Thái tử
Tôi mơ hồ bước ra khỏi cửa, mơ hồ quay đầu nhìn lại mái đình làng, mơ hồ bước xuống con thuyền lớn, nhìn bến sông tan biến trong sương, cảm giác như mình đang đi giữa giấc mộng dài vô tận.
Nửa năm trước tôi vẫn còn là đứa trẻ có thầy có mẹ. Thầy sao trà, tôi ngồi bên quạt lửa, vui vẻ nghe thầy kể chuyện trên phố huyện, lòng thầm mong đến tiết Trùng Dương thầy đi thăm bạn sẽ dẫn tôi theo, lại thầm mơ về đôi ba năm nữa, khi thầy lên kinh báo đáp một ân nhân cũ, tôi cũng sẽ được theo thầy đến đấy ngắm nhìn phồn hoa đô hội chốn kinh kỳ. Trong tâm trí của tôi khi ấy, thầy sẽ mãi mãi ở cạnh tôi như thế, dắt tay tôi từng bước, từng bước khỏi lũy tre làng, đến những nơi thời trai trẻ thầy từng đến, đưa tôi đi xem hết cỏ cây sông núi.
Chớp mắt, tôi đã đi trên con đường mình từng mơ ước. Không có thầy. Sau này cũng sẽ không có nữa.
Còn mẹ, có lẽ mẹ cũng chẳng muốn nhìn tôi thêm lần nào nữa.
Năm mười tuổi, trên con thuyền giữa gió sương mờ mịt, tôi đã rời khỏi quê nhà như thế, cùng một người tôi chỉ lờ mờ biết mỗi cái tên: Phạm Nguyên, cháu của quan bình chương Phạm Vấn.
Mãi đến khi xe ngựa dừng trước cổng, quan tướng quỳ tầng tầng lớp lớp vây quanh, tôi mới biết tất cả đều là giả cả. Cậu ta không phải cháu trai Phạm Vấn, không phải tên Phạm Nguyên, càng không họ Phạm.
Chẳng trách cậu ta lại dùng tên giả.
Tôi cùng cậu ta đi cả quãng đường, gặp bao người, gần xa hỏi chuyện bao lần, hóa ra lại bị từ già đến trẻ trong đoàn hộ tống ấy lừa.
Thái tử bị thương rồi lưu lạc ở dân gian, phải âm thầm che giấu thân phận trở về, xem ra phía sau có gì uẩn khúc.
“Ngươi thích hoạn ngay hay là đợi đến mai rồi hoạn?” Nghiêng người nhón lấy mẩu mứt mơ, cậu ta bất chợt quay sang tôi cười híp mắt.
Tôi ngẩn người.
“Là cắt đi chỗ đó của ngươi.” Cậu ta điềm nhiên đáp. “Yên tâm, ta sẽ dặn chúng làm nhanh gọn, chỉ đau như kiến cắn thôi.”
“Không… Không được đâu.” Tôi xua tay, đè chặt túi quần áo chắn giữa hai đùi. “Tôi… tôi… tôi… còn phải nối dõi tông đường nữa.”
“Không sao, mười năm sau nó sẽ mọc lại thôi.” Cậu ta cất giọng chân thành. “Như thạch sùng đấy, đứt đuôi rồi vẫn mọc lại được mà.”
Một người ít nói ít cười, một khi bỗng dưng cười cười nói nói, quả nhiên có chuyện bất thường.
Tôi bị cậu ta lừa cả quãng đường, nên cậu ta nghĩ tôi ngu ngốc đến độ tin rằng chỗ đó cũng giống như đuôi thạch sùng, cắt xong vẫn mọc lại được sao?
Thật ra, quan trọng là tôi vốn chẳng có gì để cắt.
“Không hoạn thì không thể vào cung sao ạ?” Tôi ngần ngừ hỏi.
Cậu ta lại cười: “Ngươi có thể thử biến thành con gái.”
Tôi khẽ thở dài.
Tôi cũng không thể trở lại làm con gái. Thầy từng kể, từ lúc ra đời tôi đã bệnh tật triền miên, thuốc thang không khỏi, lại nhiều lần gặp tai ương suýt chết, thầy mẹ đành lặn lội đường xa mang tôi đến nhờ một vị cao tăng xem giúp. Vị kia phán dương thọ tôi vốn ngắn, muốn sống sót phải tìm cách lừa bọn quỷ câu hồn, giả làm con trai cho qua tuổi thành niên, sau đấy mới quay về sống đúng mệnh của mình. Thầy tôi từng cứu bao người từ cửa tử, xưa nay không tin chuyện hoang đường, chỉ tin mỗi lời phán của vị kia, tôi cũng không dám mang chuyện quỷ thần sinh tử ra liều lĩnh.
Thế nhưng nếu không được cậu ta giữ lại, một đứa trẻ mười tuổi không thân không thích như tôi phải sinh tồn ở kinh đô xa lạ này thế nào đây? Tôi cũng chẳng thể về nhà nữa.
“Trừ người có khiếm khuyết bẩm sinh, còn lại nếu muốn tiến cung đều phải hoạn.” Giọng cậu ta lại trở về nghiêm túc.
“Tôi có khiếm khuyết bẩm sinh ạ!” Tôi dõng dạc đáp, sau lại nhớ ra có khiếm khuyết thì phải tủi thân, phải nhục nhã, phải tự ti, nên vội quay đi, ra vẻ bản thân đang phải dằn vặt lắm, muốn nói mà không thể nói.
Tôi vừa bảo mình còn phải nối dõi tông đường, nếu lúc này lại bảo chỗ kia do đi bơi vướng phải cành cây bị rụng rồi trôi mất thì không hợp lý.
Tôi từng nghe ai đấy nhắc bệnh liệt dương, nhưng tiền căn hậu quả của bệnh này thế nào tôi không rõ lắm, nếu nói ra rồi cậu ta hỏi lại, hoặc y thuật trong cung từ lâu đã có cách chữa thì nguy.
Nếu nói dối, phải chọn lời nói dối nào đấy dù bị vạch trần vẫn có thể lấy lý do mình còn trẻ con không hiểu biết để biện minh. Tốt nhất là khiến cậu ta vừa nghe đã tin tôi, thương tiếc tôi, dùng quyền thế của cậu ta giúp tôi không cần phải kiểm tra vẫn có thể vào cung.
Tôi chỉ không ngờ, cậu ta thấy tôi ra vẻ xấu hổ không tiện nói thì suốt đoạn đường còn lại cũng không hỏi gì thêm nữa.
“Chuyện ấy…” Cuối cùng tôi đành phải lên tiếng trước. “Cái đấy… Cái kia của tôi vẫn chưa mọc ạ. Nghe thầy bảo hồi bé tôi ốm yếu nhiều bệnh, chữa mãi không khỏi, phải lặn lội nhờ một pháp sư từ Ai Lao làm phép, mang giấu cái kia đi để lừa bọn quỷ câu hồn, phải chờ đến tôi mười bảy mười tám tuổi gì đấy, nó thấy an toàn rồi nó mới mọc ra lại ạ, mà cũng phải tùy vào may rủi.”
“Thế thì giờ ngươi khác gì con gái?”
“Tôi cũng không rõ lắm, nhưng thầy pháp bảo dù sao đây cũng là cách trái tự nhiên, tuy giúp tôi sống đến thành niên nhưng e rằng về sau khó mà thọ được.” Tôi cố nhoẻn một nụ cười. “Bao nhiêu đứa trẻ muốn sống qua ba tuổi mà còn không được ấy chứ, tôi thấy mình sống được ngày nào hay ngày ấy như thế là tốt lắm rồi.”
Cậu ta gật đầu: “Tạm thời ngươi không cần nói chuyện này cho người khác.”
“Thế thì không cần hoạn nữa ạ?”
“Chờ ngươi thật sự trở thành một đấng nam nhi đã.” Cậu ta phì cười, đoạn giọng chợt trở nên lạnh nhạt. “Xuống đấy quỳ đi.”
Nhận lệnh bất ngờ, tôi ngơ ngác, nhưng rồi cũng nhanh chóng vén màn xe bước xuống.
Hóa ra đã đến hoàng cung.
Mưa vừa tạnh, mặt sân loang loáng nước. Chiếc xe chầm chậm lướt qua tôi, những người vốn quỳ chờ ở đấy cũng đứng dậy, xếp thành hai hàng im lặng theo sau.
Tôi đứng đấy, mê man nhìn quân lính đóng cửa cung. Dường như hoang mang, lại dường như hưng phấn. Cảnh vật bên ngoài dần thu nhỏ lại, nhỏ lại, nhỏ lại, cuối cùng mất hút phía bên kia cánh cửa.
Cửa đóng rồi, trước mắt cũng chỉ còn lại một con đường.
…
Suốt nửa tháng, tôi chưa từng được Phạm Nguyên truyền gọi, chỉ ngày ngày quanh quẩn trong phòng, mỗi sáng theo bà trưởng cung nữ học cách quỳ lạy, tâu bẩm các bậc quyền quý ở nội cung, đến chiều lại theo bác trưởng nội thị học cách phân biệt ngôi thứ trong hoàng tộc, chức tước cùng công trạng các công thần khai quốc, để tiện theo hầu thái tử về sau.
Bản triều vừa lập quốc không lâu, lễ nghi cung cấm vẫn còn giản tiện, không đến nỗi đi sai một bước, nói lỡ một câu đều thành đại tội. Sau mấy ngày sợ đông sợ tây, đến cả tối ngủ còn mơ thấy mình bị mang đi xử trảm, dần dần tôi cũng bình tâm lại, tự nhủ nếu trời đã đưa tôi vượt qua bao biến cố để đến đây, hẳn mệnh tôi vẫn còn dài, biết đâu nhờ đấy lại được vinh hoa phú quý, ngay cả thầy nơi chín suối cũng vẻ vang.
Cuối tháng ấy, đức kim thượng mang quân từ chiến trận trở về.
Đó là một ngày hửng nắng hiếm goi, cũng là lần đầu tôi được truyền đến chỗ Phạm Nguyên.
Lúc tôi vào phòng, Phạm Nguyên đang ngồi bên cửa sổ. Cậu ta mặc một chiếc áo lụa mềm màu hồng nhạt, chân trần buông thõng, vai khoác hờ một tấm áo lông. Trưa trời mưa, nhưng lúc này mưa đã tạnh từ lâu. Ánh chiều nhàn nhạt hắt vào phòng, phủ màu hoàng hôn lên gương mặt non nớt đang lơ đãng nhìn mưa đọng ngoài hiên.
“Ngươi ra vườn mang con chim nhỏ đó vào đây.” Cậu ta vẫn như trước, nói chuyện một nơi, mắt nhìn một nẻo.
Tôi cúi đầu đáp “Vâng” một tiếng, rồi đứng dậy đẩy cửa chạy ra ngoài. Tìm đi tìm lại khắp mấy bụi hoa, cuối cùng tôi cũng thấy một con chim nhỏ đang thoi thóp nằm trong đám lá, vội vàng nhặt lấy, nâng như nâng trứng trở vào phòng.
Phạm Nguyên cẩn thận đón lấy con chim sẻ từ tay tôi, vuốt ve mấy cái, sau đó bắt đầu làm một việc mà bọn con gái làng tôi thường rất thích làm: băng bó cho chim.
Cử chỉ tao nhã, ánh mắt dịu dàng, đúng là dáng vẻ ai nhìn thấy cũng muốn dang tay che chở. Chả trách ngày ấy khi nhìn qua gương mặt đang hôn mê của cậu ta, ngay cả đứa luôn sợ hao cơm tốn gạo như tôi cũng không phản đối việc mẹ giữ cậu ta lại trong nhà chăm sóc.
“Điện hạ, mời người ra cổng cung nghênh thánh giá!”
Đang vui vẻ vỗ về con chim nhỏ, tiếng thông truyền bất chợt vang lên ngoài cửa khiến ánh sáng trong đôi mắt Phạm Nguyên vụt tắt.
Cậu ta đặt con chim vào tay tôi, lạnh lùng bảo: “Ném đi.”, còn bản thân thì nhanh chóng gom mấy lọ thuốc trị thương đang bày la liệt trên bàn nhét vào một cái rương gần đó.
Tôi chẳng hiểu gì, chỉ nương theo lời cậu mà làm, mang con chim nhỏ mới đấy còn được yêu thương âu yếm vứt đi. Quỳ bên cổng, tôi cúi đầu nghe tiếng cười trong trẻo của cậu ta khi sà vào lòng đức kim thượng, nhìn theo bóng lưng dài rộng của ngài khi ngài dùng một tay nhấc bổng cậu ta lên, tiến vào phòng, lại nhìn đoàn người có già có trẻ, có nam có nữ khoác đầy lụa là gấm vóc theo sau.
Tuy Phạm Nguyên đã được phong thái tử, nhưng cậu ta không phải con trai lớn nhất của đức kim thượng, cũng không phải người sẽ trực tiếp kế ngôi khi về sau đức kim thượng băng hà. Cậu ta vẫn còn một người anh khác mẹ đã đến tuổi thành niên là Quốc vương, người từng theo nghĩa quân vào sinh ra tử, được đức kim thượng giao nhiều trọng trách trong triều. Chiếu theo bố cáo của triều đình năm trước, đức kim thượng có ý noi theo phép truyền ngôi đầu triều Tống, trước sẽ truyền ngôi cho con trai cả là Quốc vương, chờ đến sau này khi Quốc vương trăm tuổi, Quốc vương lại truyền ngôi cho em trai mình là thái tử.
Lối truyền ngôi như thế vốn khác thường. Không giống các triều Lý – Trần thuở trước, cũng không giống các triều Đường – Tống nơi phương bắc, đến cả gọi là noi theo triều Tống thật ra cũng là khiên cưỡng lấy một việc đã rồi làm lệ mà thôi. Bấy giờ phép nước vẫn chưa nghiêm, tin truyền ra, người người đều bàn tán xôn xao lắm, nhất là những nhà có thân thích tham gia khởi nghĩa. Tôi tò mò, từng nhân lúc dâng trà thử hỏi thầy, nhưng thầy chỉ bảo chuyện triều đình giống như chín tầng mây, thứ chúng tôi được nghe dù là thật cũng chỉ là đôi ba tầng dưới thấp, là thứ bề trên muốn chúng tôi nghe, thế nên không thể dùng để đoán, không thể đoán thì không cần phải đoán.
Lúc ấy, hẳn thầy không ngờ có ngày tôi lại trở thành người của Phạm Nguyên.
Hoá ra thái tử trông như vậy.
…
Khi mọi người đều đã rời đi cả, cậu ta mới cho viên nội thị gọi tôi vào.
“Con chim ấy còn không?”
Không khẩn trương, không lo lắng, chỉ là ngữ điệu ngang ngang như đang hỏi bâng quơ mưa đã tạnh chưa.
Tôi rướn người ra khỏi thành cửa sổ, chạm tay vào con chim lăn lóc nằm trên cỏ, thất vọng buông một câu: “Thưa, đã chết rồi ạ.”
Tôi đã cố đặt nó xuống thật nhẹ nhàng, nhưng nó lại không chịu nổi cái lạnh bên ngoài. Nếu như cậu ta không quyết định cứu con chim ấy, cứ để nó yên phận nép dưới bụi hoa như lúc đầu, biết đâu nó đã có thể tự cầm cự lâu hơn. Nếu như người đến thăm cậu ta chỉ có mỗi đức kim thượng, không có Quốc vương và các lệnh bà, mỗi người một câu cười cười nói nói đến tận cuối chiều, có lẽ chúng tôi đã kịp ủ ấm nó sớm hơn.
Phạm Nguyên không nói thêm lời nào nữa, cũng không bước đến nhìn con chim mình từng nâng niu thêm lần cuối, chỉ ung dung nằm đọc sách.
Tôi đưa mắt nhìn con chim nhỏ chết cứng trên cỏ, chợt nghĩ đến rất nhiều thứ mông lung chẳng chút liên quan.
Thái tử…
Hoá ra là như vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top