Chương I: Nhập cung


Ất Dậu (Thiên Chương Hữu Đạo), mùa đông, tháng 10 năm 1225.

Toàn bộ không gian ở hương Tức Mặc chìm trong sắc màu u ám của mùa đông. Gió rít lên từng hồi như tiếng hú của loài chó vào ban đêm làm người ta có chút rờn rợn, nhưng lại cũng phần nào cảm nhận được nỗi cô quạnh và vắng lặng trong tiết trời giá rét.

Phủ đệ rộng lớn này, trước đây từng rất đông vui nhộn nhịp. Nhưng kể từ ngày chú Tự Khánh mất đi, cha ta trở thành Phụ Quốc Thái Úy, anh Liễu được phong làm quan nội hầu, thì cả hai đều đã dời lên kinh thành. Nơi đây chỉ còn lại ta, mẫu thân và em trai Nhật Hiệu cùng đám người hầu ngày ngày bận rộn với công việc của mình.

Em trai giờ mới được hơn ba tháng, gương mặt trắng trẻo hồng hào, trên người lúc nào cũng vương mùi sữa, đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn, miệng và mũi nhỏ xíu cộng lại khéo chỉ bằng ngón tay cái của ta mà thôi. Bàn tay cũng nhỏ luôn, mỗi khi ngủ những ngón tay nắm chặt trông tròn xoe như chiếc bánh nhãn ta vẫn thường hay ăn.

Nghĩ đến đây, bụng ta lại đói cồn cào, nghe rõ cả tiếng ùng ục đang phát ra. Phải rồi, trưa nay mới ăn đến bát thứ ba thì mẹ nói hôm nay cha sẽ trở về làm ta háo hức đến nỗi quên luôn cả việc ăn cơm. Cả buổi chiều trong lòng cứ cảm thấy chộn rộn không yên, đứng ngóng ngoài cửa hồi lâu mà vẫn chẳng thấy người đâu, liền cảm thấy có chút chán nản, trở về phòng thì em trai ngủ vẫn còn chưa chịu dậy nữa.

- Lại đói rồi không? Ta sai người đem bánh nhãn tới cho con nhé.

Chẳng biết mẫu thân đã bước vào từ khi nào làm ta hơi giật mình, có chút xấu hổ mà đưa tay ra ôm lấy chiếc bụng đang réo lên không ngừng trong đầu thầm thở dài chỉ muốn nói với nó "Mi có thể kêu nhỏ tiếng một chút được hay không hả".

Đĩa bánh nhãn đầy ụ, thơm lừng được bưng tới trước mặt khiến ta không thể kìm chế được nữa, từng chiếc từng chiếc cứ thế được ta sắp đặt yên vị trong chiếc dạ dày khổng lồ của mình.

- Mẫu thân, sao trời gần tối rồi mà phụ thân con vẫn chưa trở về?

Mẫu thân nhìn ta miệng đang nhồm nhoàm nhai rôm rốp từng chiếc bánh nhãn với vẻ mặt tươi cười, bàn tay ấm áp của người khẽ vuốt ve nửa mặt bên trái của ta.

- Con đừng lo, ông ấy sẽ sớm trở về thôi.

Ngoài miệng mẫu thân nói vậy nhưng ta biết, trong lòng của người cũng đang sốt ruột chẳng kém gì ta.

Mùa đông nên trời cũng tối rất mau, khí lạnh theo gió từ ngoài biển đưa vào càng làm tăng thêm cảm giác rét buốt cắt da cắt thịt càng thêm đậm.

Bỗng từ ngoài đưa tới tiếng vó ngựa lộp cộp cùng tiếng cúi chào của tên người hầu trong phủ vang lên:

- Đại nhân, người đã trở về!

- Phụ Thân...

Ta hét lớn tiếng rồi chạy ra ào ra ngoài cổng phủ để đón cha, trên những ngón tay và khóe miệng vẫn cùng dính chút đường từ những chiếc bánh nhãn thơm ngọt kia.

Phụ thân nhìn điệu bộ chạy hớt hải của ta cùng khuôn mặt còn lấm lem chút vết tích của bánh nhãn để lại thì nhíu mày vẻ không hài lòng.

- Con là đàn ông sao lại có bộ dáng lôi thôi như vậy hả? thật chẳng ra thể thống gì.

- Thôi nào, chàng lâu ngày mới về mà đã mắng con rồi.

Mẫu Thân ở phía sau lưng nói đỡ cho ta. Nghe vậy, nét nghiêm khắc trên gương mặt cương nghị ấy dần giãn ra, rồi biến mất, chỉ còn lại nụ cười vừa như nhớ nhung lại như lấy lòng.

- Phu nhân!

Nói rồi, ông ấy bước vòng qua ta mà đi tới nắm tay người vợ của mình, giống như ta chẳng hề tồn tại.

Mọi người đều nói, cha ta rất đáng sợ, mỗi lần ông ấy nổi giận là nhất định sẽ có kẻ phải ăn đòn. Trong triều, quyền hành của của phụ thân ta lớn đến mức mỗi lần vào chầu đều không cần gọi tên. Nhưng hình như điều đó không đúng lắm thì phải.

Ta đứng nhìn bóng lưng hai người bọn họ ngày một nhỏ dần mà lòng tủi thân vô hạn. Ta cũng nhớ cha chẳng kém gì mẫu thân, vậy mà người lại bên trọng bên khinh như vậy.

Ợ...

Có lẽ vì đau lòng thay cho ta mà dạ dày cũng phải lên tiếng. Chỉ có điều, lời oán thán này hình như có vị hơi... chua thì phải. Ta thầm nghĩ trong đầu, lần sau nên ăn ít đi một chiếc bánh nhãn mới được.

Trong lúc ta mải suy nghĩ, một luồng hơi lạnh tạt thẳng vào mặt khiến thần trí của ta tỉnh táo trở lại. Ta tự an ủi chính mình: "Ghen tuông, đố kị vốn là thói của đàn bà, một người đàn ông tám tuổi không nên có tâm tình nhỏ nhen như vậy".

Khi tâm trí đã thông suốt cũng là lúc ta thực sự cảm nhận được cái rét đang luồn sâu qua từng lớp áo, chạm vào da thịt trên thân thể khiến ta toàn thân run lên cầm cập.

Tên người hầu vẫn còn đứng đó, khuôn mặt nghệt ra nhìn ta như muốn nói: "Người rốt cuộc là muốn vào hay là không muốn vào để nô tài còn biết đường đóng cổng?".

Ta nhìn hắn với muôn phần áy náy và cùng tội lỗi, chân cũng tự giác bước nhanh hơn một chút.
Khi vào gần đến cửa phòng khách ta mới để ý không phải chỉ có một mình phụ thân ta trở về, đi cùng ông ấy còn có một người chú họ trong tộc nhà ta - tên Trần Thủ Độ. Nghe nói là giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ trong cung đình.

- Ta về lần này là để đón Nhị Lang vào cung.

- Cái gì? Mẫu thân đứng bật dậy làm cho nước trong chén trà cũng vì động mà sóng sánh theo, rớt cả nước ra bên ngoài.

- Chàng đã đưa Đại lang đi, giờ lại muốn mang cả Nhị Lang đi nốt. Chàng... chàng muốn ta chết trong sự cô quạnh ở cái nhà này đúng không?

Thấy vậy, người chú họ kia với vẻ mặt trầm lặng nãy giờ cuối cùng cũng chịu lên tiếng.

- Phu nhân xin hãy bình tĩnh. Đây là sắc lệnh của bệ hạ, chọn con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội cung. Chúng ta không thể trái mệnh.

- Đúng vậy, hơn nữa, người họ Trần được tuyển vào chầu hầu nữ chúa cũng là giúp cho họ ta củng cố quyền lực trong triều đình.

Nói rồi, cha ta tiến tới nắm lấy tay mẫu thân, trấn an bà ấy và tiếp: - Đợi Nhật Hiệu lớn thêm chút nữa, ta sẽ xắp xếp để cả gia đình chúng ta cùng nhau đoàn tụ ở thành Thăng Long.

Nghe đến đây, tâm trạng ta rối bời, cứ nghĩ, lần này gia đình đoàn tụ, không ngờ lại là tin tức chia ly. Ta không muốn bỏ mặc mẫu thân và em trai ở lại nhưng thầy giáo vẫn thường nói: "Trái mệnh vua thì chỉ có cái chết".

- Nhị lang, qua đây chào chú Thủ Độ của con đi.

Ta nghe thấy tiếng gọi bỗng giật mình mà bước tới, chắp tay cúi đầu hành lễ.

- Chú Độ.

- Ừ.. quả nhiên là Nhị Lang tài mạo hơn người, khá lắm, khá lắm.

Đầu óc của ta vẫn còn đang mông lung bởi tin tức vừa rồi khiến cho mấy lời khen ấy chẳng thể nào chui lọt qua tai.

- Cháu tên gì?

- Dạ... Trần Lành Canh.

Không hiểu sao, khi nghe tới cái tên này, khuôn mặt ông chú họ khẽ nhăn lại, nhìn ta có chút trầm tư rồi nói:

- Họ Trần ta vốn theo nghề sông nước, nên mới có tục đặt tên con cái theo tên cái loài cá. Nhưng nay, họ ta đã nhập kinh sư, không thể giữ cái lệ ấy nữa, bằng không thiên hạ sẽ chê cười chúng ta là hạng chài lưới mặt rệp. Ta tuy thất học, không rành chữ nghĩa, nhưng thói đời trong thiên hạ thì quen thuộc trong lòng bàn tay. Thiết nghĩ, Phụ quốc thái úy nên đặt cho Nhị Lang một cái tên khác phù hợp hơn.

Nghe ông ấy nói vậy, phụ thân ta cũng gật đầu tán thành, cho rằng suy nghĩ ấy là phải lắm. Nghĩ ngợi hồi lâu, rồi liền đặt cho ta một cái tên khác chỉ một chữ "Cảnh". Đây là nói lái từ chữ Lành Canh mà ra.

Anh trai ta có tên ban đầu được đặt theo tên loài cá Leo. Sau đổi thành Trần Liễu có lẽ cũng là dựa theo cách đặt trên.

- Ngày mai, con sẽ theo ta và một số nam nhân khác trong tộc vào cung.

- Ngày mai... Phụ Thân nhanh như vậy sao? người vừa mới trở về mà?

Vốn cho rằng bản thân còn thời gian để chuẩn bị tinh thần, thật không ngờ sự việc lại gấp gáp như vậy. Xem ra, đến tư trang cũng chuẩn bị không kịp nữa rồi.

Sáng sớm hôm sau, bên ngoài phủ ngựa xe đã chờ sẵn từ bao giờ.

Trời mùa đông, tháng giá, cái lạnh vốn khắc nghiệt nay lại như một vết dao cứa sâu hơn vào nỗi đau ly biệt ở trong tim.

Ta từ biệt mẫu thân và em trai, theo đám nam nhân của họ Trần lần lượt bước lên chiếc xe ngựa kia. Trước khi rời khỏi phủ, phụ thân đã gọi ta ra và nhắc nhở.

- Hãy nhớ, từ giờ, tên con là... Ông ấy chưa kịp nói hết câu ta đã đáp lời.

- Trần Cảnh.

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top