truyen cuoi 5

Có bán thuốc lào không hử?

Tư Ếch từ ngày biết hai câu thơ:

Trúc xinh trúc đứng hàng rào

Em xinh em hút thuốc lào... cũng xinh!

cho nên bị lên cơn ghiền sâu mắt đã hai hôm, mà đợi đến phiên chợ làng thì còn những một tuần nữa, nên bèn lân la vào ngõ cô gánh hàng xén:

- Cô mình có bán thuốc lào không hả?

- Không có bác ơi!

Qua hôm sau, chưa bảnh mắt, Tư Ếch lại ra ngõ ấy vừa ngáp lia lịa vừa hỏi:

- Cô mình có bán thuốc lào không?

Cô hàng xén mới mở hàng đang ế, phát cáu:

- Này, này... em bảo cho bác biết nhá, em chưa từng bán thuốc lào, em không có bán thuốc lào, và em sẽ không bao giờ bán cái ngữ thuốc lào! Bác còn dấm dớ hỏi nữa là em búa cho bác mấy búa đấy...!

Qua tờ mờ sáng hôm sau nữa, đang lúi húi dọn hàng ra thì cô hàng xén đã thấy Tư Ếch lò dò đến:

- Này, cô mình có bán búa không hử?

Cô hàng xén chưng hửng:

- Làm gì có búa mà bán!? Rõ chán cái bác này!...

Tư Ếch mừng ra mặt:

- Thế... có bán thuốc lào không hử!?

Con trăn rồng

Mùa nước năm đó, có một đêm trời mưa bão làm đổ ổ quạ ngoài cây tràm một. Lũ cò, diệc bị gió đánh rơi lướt khướt, rã cánh té đầy đường. Ở những lùm cây rậm, loài dơi quạ đeo thành đùm bằng cái thùng thiếc sát vào các nhánh cây. Rừng tràm U Minh đêm đó nổi sóng ì ùm không thua gì sóng biển. Vợ chồng con cái tui ngủ trên túp chòi có sàn gác, bị giông đẩy đưa tựa như ngồi xuồng nan trên biển.

Độ nửa đêm, tui nghe bên dưới sàn gác có tiếng động ở gần những bụi chung quanh. Chuyện đó thì cũng chẳng có gì là lạ. Thường những đêm mưa giông như vậy, lũ thú rừng bị ướt ổ, lạnh, đâm ra quạu, cắn lộn nhau kêu ầm ầm.

Đến sáng thiệt mặt, dượng Tư nó từ đàng nhà mang một cái giỏ trên vai đi lượm cờ rót, dài dài lại nhà tui. Tui thì còn ngồi co ro trên sàn gác, chưa chịu dậy. Đang ngồi bập bập điếu thuốc, tui bỗng nghe dượng Tư nó la bài hãi bên dưới :

- Trời đất quỉ thần ơi! Cái con gì dị hộm kỳ đời, anh Ba ơi!

Tui lật đật với cây mác thông, tuột xuống thang gác, chạy tới xem. Là tay thợ rừng đã từng sành sỏi, nhìn con vật đó tui cũng phải bí lù, không thể hiểu nổi là giống vật gì. Cái mình là mình con trăn, nhưng trăn sao đầu lại có sừng? Cái đầu là đầu con rồng, nhưng tại sao rồng gì lại không chân mà nghe tiếng kêu "bét bét"?

Con vật bắt đầu bò đi. Mình nó láng ngời, sụông óng, đầu nó có sừng chà chôm, cổ nghểnh lên, miệng cứ kêu "bét bét". Tui đặt tên đại cho nó là con trăn rồng. Nhưng dượng Tư nó không chịu, dượng bảo là con trăn gấm vừa nuốt một con nai, đầu nai còn ló ra ngoài nên nhìn thấy nó lạ lùng như vậy.

Con trăn rồng ấy cứ bò tới, nghểnh cổ, quơ sừng, kêu bét bét.

Chà bằng gạc nai

Tui có nuôi một con trăn gấm, cũng không còn nhớ là được mấy năm. Nó lớn quá cỡ, lớn đến nỗi mình kiếm đồ ăn cho nó không xuể. Mỗi tháng tui cứ thả cho nó ra rừng tự kiếm ăn một lần. Có lần vài ngày, có lần cả tuần lễ nó mới về. Nó ăn nào là chồn đèn, chuột cống, cúm núm, trích cồ...

Có một lần, cũng như thường lệ, bầy trẻ cho nó ra rừng kiếm ăn. Nó đi hai bữa, rồi ba bữa cũng chưa thấy về. Rốt lại mười bữa rồi cũng mất tiêu luôn. Bầy trẻ túa ra đi quần kiếm mà không gặp. Chắc là nó lại về rừng. "Lá rụng về cội" thôi. Loài thú rừng mà... Cả nhà ai cũng tiếc con trăn gấm, nhưng ngày qua ngày rồi cũng quên.

Vào độ nửa tháng Chạp năm đó, nghe tu hú kêu ngoài bụi tre, thấy gió chướng vờn trên lá cây, tui nhớ ra đã gần ngày Tết. Vợ chồng con cái tui vác phản, ôm lưới lội ra cái đìa mé rừng mà chụp cá. Cái đìa mới đào hồi mùa hạn, chưa kịp cắm chà gộng gì cả. Nhưng dù sao cũng có cá đủ ăn Tết. Nhờ cái nó nhẹ dọn cỏ và cũng khỏi nhổ chà.

Cha con tui bỏ lưới trên bờ, dùng phản rong mé cỏ. Một chuyện lạ đời là mỗi nhát chém xuống, phản nào cũng trúng nhằm chà nghe rốp rốp.

Ai lén cắm chà đìa mình vậy kìa ? Tui tự hỏi, rồi cố dọn cỏ cho xong. Mấy cây phản giở lên coi, cây nào cũng mẻ sếu sáo như lưỡi cưa hết thảy.

Đến khi cỏ được kéo cả lên bờ, tui lại thấy dưới đìa đầy chà gộng ló lên mặt nước. Kỳ lạ là toàn chà cùi, không có nhánh nhóc gì hết. Chà bắt đầu xạo xự mạnh lên như có ai lặn ở phía dưới, rồi cầm mà rung. Chừng đó cha con tui mới bật ngửa. Té ra con trăn của nhà mình lâu nay nó ra rừng ăn phải bầy nai chà, nên chà gạt nai đâm lủng lưng, trổ lên phía trên. Có lẽ vì đau quá, nên nó còn nằm đấy dưỡng bịnh, chưa chịu về chuồng.

Thơ vịnh con chó

Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là trò nghèo, thương hại, bảo:

- Có phải học trò thì ta ra thơ " Con chó" cho mà làm, làm được sẽ có thưởng.

Anh học trò nghĩ một hồi lâu đọc:

Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo

Thương ôi! Con chó ngỡ con mèo.

Quan huyện nghe xong, phán:

- Học trò thật! Thơ không hay lắm, nhưng được cái đúng vần.

Liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo. Anh kia lạy tạ ra về. Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi:

- Tiền gạo đâu ra thế?

Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc, liền đọc:

Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy thời

Thương ôi! Con chó ngỡ ông trời.

Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi, rồi đuổi ra.

Tin ma quỷ

Ông chủ nhà hỏi đứa ở:

- Mày có tin ma quỷ không?

- Thưa không.

- Tại sao tuần rồi mày xin phép về chôn ông già vợ mày mà sáng nay ổng lại đến tìm mày?

Cá nuôi

- Nè nè. Anh em đừng chài cá bổi. Cái bổi ăn không được đâu! Anh em bộ đội thì tui thương lắm, mới nói cho mà biết vậy đó. Cá bổi tui nuôi trong vuông đất này là loại đặc biệt, chớ không phải loại thường nuôi để bán đâu. Chú em mầy cất chài đi. Cá bổi phệt của qua coi lớn bằng cái quạt mo vậy, chớ thịt ăn chát ngấm thôi. Vô nhà biểu mấy đứa nhỏ lấy vài cần câu cá rô với một cần câu cá lóc ra đây. Đứa bắt cào cào, đứa bắt nhái nhót mà câu, mà nhắp một hồi ăn chết mệt không hết. Mấy con cá bổi phệt lỡ chài lên được đó, thả xuống đìa lại đi. Thứ cá rô mề của qua, hai đứa câu một lát có mà khiêng, chớ quân ngũ nào ăn cho hết. Con nào con nấy bằng bàn tay xòe, da đen trạy, trứng óc nóc, đuôi đỏ chót, mỡ cứng như mỡ rùa vậy. Còn nói chi đến thứ cá lóc kềnh của qua nuôi. Con nào mà không mọc hai sợi râu dài cỡ lóng tay sắp lên. Chú em mày thử nhắp lên vài con cá lóc thì biết. Tụi nhỏ xóm này thường lấy vảy cá lóc của qua làm đồng xu để đánh đáo đó. Vì cá của qua có cho ăn mồi đàng hoàng mà. Loại nào cho mồi nấy. Chú em mày trông thấy đó! Vườn qua trồng rặc có ba thứ cây: xoài, cau với dừa. Suốt năm cây sai oằn cứ để cho trái rụng xuống cho cá ăn. Cá bổi thì ăn cau tầm vun nên thịt nó chát ngấm. Cá rô thì ăn xoài, bởi vậy cá rô nấu canh chua không cần bỏ me, dầm me gì đâu. Nè! Ráng nhắp ít con cá lóc mang về tối nấu cháo ăn tẩm bổ nghe. Cả vườn dừa của qua vậy đó, dừa khô cứ rụng xuống mương, rụng bao nhiêu thì cá lóc táp ăn hết trọi. Bởi vậy thịt cá lóc nấu cháo thì khỏi phải vắt nước cốt dừa mà ăn cũng béo ngậy

Cái tĩn Nam Vang lẽ bạn

Mấy chú hỏi tại sao nhà tui có cái tĩn Nam Vang lớn mà tốt vậy à? Cái tĩn màu da lươn bóng ngời, đựng trên một giạ gạo đó. Hồi xưa, nhà tui có chẵn cặp chớ đâu phải cu ki một cái này. Cặp tĩn của ông bà để lại mấy đời. Từ miệt Sa Đéc, vợ chồng tui xuống chỉ có một cặp tĩn đó với chiếc giỏ mây, đến đây sanh cơ lập nghiệp. Gia sản lưu truyền mà, nhưng đã bị mất đi một cái. Mỗi lần nhớ tới, tui thấy tiếc hùi hụi trong bụng.

Đó là một buổi chiều, tui xác cặp tĩn ra lung , định múc nước về xài. Ra đến, thấy cá rô phóng như cơm sôi, tui mới nghĩ cách kiếm vài con cá để chiều ăn. Tui bẻ một nhánh trắm con làm cần câu, bứt sợi dây bẫy cò của ai đó làm nhợ, rút cây lông nhím trên đầu tóc xuống uốn cong làm lưỡi câu, bắt một mớ cào cào làm mồi. Cá rô vùng đất U Minh này hồi mới khai mở thì khỏi phải nói, con nào con nấy cân nặng tay, màu da đen trạy, có râu. Vừa bỏ mồi xuống là thấy "chàng y" đớp liền. Nhợ câu bị lôi xiên xiên về phía trên gió. Mình nhóng nhóng thử ngọn cần câu, nghe bên dưới trì trì thì giật lên một cái. Một chú rô mề đỏ đuôi, có hai sợi râu dài thượt, giãy lõm bõm. Cứ vậy mà lôi lên. Cái miệng tĩn vòng cỡ hai gang tay, nhưng phải cầm con cá rô ấn mạnh thì cái đầu nó mới chụp được vào trong. Tui vừa câu vừa "ấn" một hơi độ nửa tiếng đồng hồ thì đầy nhóc một tĩn cá. Còn lại một tĩn múc nước, tìm một khúc cây làm đòn, gánh về. Đến chừng bắt cá ra làm thịt, bà vợ tui cằn nhằn vì lấy cá ra khó quá. Thử hỏi, cá rô mà cầm hai tay ấn mạnh cái đầu nó mới phụp vô miệng tĩn thì tới chừng bắt ra làm sao lôi ngược nó ra được? Bị vợ cằn nhằn một hồi tui nổi khùng, xách cây đập cái tĩn một phát cho xong. Thế là bây giờ chỉ còn có một cái.

Ôm cổ rắn

Mùa hạn năm đó, tui đi ăn ong mật sâu trong rừng U Minh. Đến trưa, ngồi dựa lưng vào gốc cây tràm nghỉ mát, tui móc gói thuốc ra ngồi hút. Thấy đằng kia, cách chừng ba công bề đứng, có một cây móp hay cây gì đó chết khô, cành lá rụng rơi đâu hết, chỉ còn lại thân cây trơ trọi. Cây khô này cao hơn các cây xung quanh. Gốc ngọn nó nứt nẻ, thẳng băng, da đen hơi mốc, trên có cái cháng hai. Một điều kỳ lạ là mỗi khi có con chim nào đậu lên cháng hai đó liền bị mất hút, không thấy bay ra.

Tui cũng không để ý, cứ quảy gùi, xách mác đi ăn. Đến xế qua, mật ong đã đầy gùi, tui định về, bỗng nghe có tiếng lửa cháy ào ào từ phía trên gió. Rừng U Minh này bị lửa cháy vào mùa hạn thì ngọn lửa bốc cao ngất trời, táp tới ầm ầm, như một trận bão. Đi rừng mà gặp lửa cháy thì phải mau mau đào đất trấp, chui xuống dưới hoặc trèo lên những cây thật cao, chờ lửa cháy ào qua chớ không phương nào chạy kịp. Lúc đó tui đào đất trấp chui không kịp, phải chạy tìm cây cao mà leo. Tui chạy đến, quăng bỏ gùi mật ong, bỏ cây mác còn lại và tìm được một cây. Tui ôm cây, trèo lên tuột xuống. Cái cây gì mà trơn chuồi, thót lên ba phóng thì bị tuột trở xuống hết hai. Nhưng lửa cháy đã tới gần, tui phải cố trèo. Trèo lên vừa tới chỗ cháng hai thì lửa cũng vừa cháy tới, nhưng chổ cháng hai cái cây sao có nhiều mảnh dầm lười xười tách ra đâm tay tôi đau quá. Mặc dù mỏi run tay nhưng ngó xuống thấy lửa đã cháy tới phía dưới, tui lấy làm khoái chí.

Lửa cháy qua rồi, tui định tụt xuống, nhưng sao nghe cái cây động đậy. Rồi ngay chổ cháng hai lại mọc ra nhánh chà cây quơ qua quơ lại, cào cào vào đầu tui. Tui thụt xuống chút nữa. Cái cây kia cứ ngoéo xuống quét vào đầu tui, vào cổ tui. Nó còn trây vào mình tui một thứ gì nhớt nhợt như nước miếng. Trời đất! Chổ cháng hai lại có hai cái mu lồi ra láng bóng và rực sáng như đèn xe hơi. Trời! Khi không hai cây khép lại, mở ra nghe bầm bập... Hồn vía lên mây, tay chân rũ liệt, tui ngã người ra, sút tay rớt luôn xuống đất. Hai lỗ tai nghe vo vo, mắt nhắm híp lại, phú mặc số mạng cho trời đất.

Khi rớt xuống tới đất, tui thấy mình nằm y chổ ngồi hút thuốc hôm qua. "Cái cây" đằng kia bắt đầu bò đi, le lưỡi, thổi hơi phèo phèo.

Viết chữ thờ

Vùng Lệ Thủy người ta gọi học trò là thầy khóa. Hồi còn là "thầy khóa", nhà bố vợ lập cái bàn thờ nhỏ ở nơi bếp, ông bảo Phủ Tuấn:

- Khóa Tuấn học hành xưa nay, bây chừ viết cho tui mấy chữ để thờ.

Khóa Tuấn liền lấy giấy bút viết hai chữ lớn : "TUẤN CAO". Ông bố vợ không biết chữ, kính cẩn treo lên bàn thờ. Một hôm, có người khách trông thấy hỏi :

- Chữ thờ trong bếp răng lại "Tuấn Cao". Anh Tuấn đã chết đâu mà bác lập bàn thờ.

Bố vợ sửng sốt, gọi khóa Tuấn đến trách:

- Tưởng mi học hành khá, tui nhờ viết chữ thờ, ai ngờ mi lại viết tên mi để thờ !

Khóa Tuấn thưa :

- Bẩm thầy! Ai nói rứa là họ chưa thông đấy thôi. Con viết đúng ý thầy đó ạ "Tuấn cao" nghĩa là "Táo quân". Ở bếp thờ táo quân răng gọi là dốt được !

Câm điếc

Nổi tiếng là người thông thái, hiểu rộng, biết nhiều, nhưng Quỳnh ngán chuyện cử nghiệp. Mỗi lần triều đình mở khoa thi, nhiều người giục chàng lều chõng ứng thí, chàng đều gạt phăng nói sang chuyện khác.

Lần ấy, vì nể ý thầy học, lời khuyên của bạn bè dân làng, Quỳnh đành đi thi cho phải phép. Năm đó, nhà chúa mừng sinh được con trai, các quan trường bèn nảy ra ý nịnh hót chúa, bàn nhau ra đề thì nói về điềm lành của đất nước. Đoán được ý ấy, Quỳnh nghĩ ra cách làm một bài văn phải hàm được hai nghĩa: bề ngoài, đọc lên nghe như lời ca ngợi công đức của Chúa và sự an vui của mọi người, nhưng ẩn ý của nó lại là một sự phủ định. Trong bài văn ấy có hai câu khái quát hiện trạng đất nước như sau:

"Quan tắc cổ, dân tắc cổ, đái hàm quan Nghiêu Thuấn chi dân" (Nghĩa là: Quan cũng theo phép xưa, dân cũng theo phép xưa, đội ơn quan, dân được sống đời Nghiêu Thuấn) và đối lại:

"Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lai Đường Ngu chi đức" (nghĩa là: Trên cũng vui thay, dưới cũng vui thay, dựa vào đám đầu lại có đức độ thời Đường Ngu)

Mới nghe đọc lần đầu, chúa Trịnh đã khen: Hay quá! Xứng đáng cho giải nhất! Quan chủ khảo liền đứng lên tâu với Chúa:

- Khải chúa! Trong hai câu ấy, thần thấy có cái ẩn ý không thuận.

- Quan thật đa nghi quá. Ca tụng công đức của chúa như vậy mà còn gì không thuận?

- Khải chúa, cứ theo cái nghĩa chữ Hán thì hai câu ấy đúng là hay thật, nhưng Quỳnh là loại thâm nho, từng đã dùng chữ nghĩa chơi khâm nhiều người, và chắc hắn không bao giờ bằng lòng thứ văn chương một nghĩa. Theo sự hiểu biết cạn hẹp của thần, thì hai câu ấy xướng theo nghĩa đồng âm trực tiếp nghe ra ngại lắm, không dám đọc lên để chúa thưởng lãm.

- Ta cho phép, quan cứ nói.

- Khải chúa, nếu vậy thì thần xin thưa. Hai câu ấy có dụng ý phỉ báng, táo tợn. Nếu đọc theo kiểu nôm thì rõ là câu chửi tục.

- Chửi tục không sao, nhà ngươi cứ trình bày ta nghe thử!

- Vậy thần xin mạo muội thưa: "Quan tắc cổ, dân tắc cổ" có nghĩa là "trên cũng câm, dưới cũng câm," thưa tắc cổ là câm không dám nói đấy ạ! Còn "đái hàm quan Ngiêu Thuấn chi dân" tức là "đái vào hàm bọn quan dám bảo rằng dân chúng đang sống dưới thời Nghiêu Thuấn".

- Nếu quả vậy thì Quỳnh láo thật!

- Khải chúa, chưa hết đâu. Câu sau này còn hàm ý báng bổ tệ hại hơn. "Thượng ung tai, hạ ung tai" có nghĩa là "đứa trên thối tai, đứa dưới cũng thối tai", là cả trên dưới, ai ai cũng là một lũ điếc đấy ạ. Vì điếc hết nên không biết rằng "ỷ đâu lai Đường ngu chi sĩ" nghĩa là "ỉa vào đầu lũ nha dám bảo rằng kẻ sĩ đang mở mặt giữa đời Đường Ngu".

Quỳnh lần ấy bị đánh hỏng nhưng lại có cơ hội đả kích vào thói xu nịnh của đám quan trường và "chọc" nhà chúa một trận nên thân, còn mình thì vẫn giữ tròn khí tiết.

Thừa giấy vẽ voi

Trong lần thi hội, Cống Quỳnh không có ý định ứng thí, nhưng vì nể lời chúa Trịnh ép đi thi để lấyTrạng Nguyên, nên Quỳnh nhận lời.

Lúc vào trường thi, Quỳnh làm bài rất nhanh, xong sớm trước nhiều thí sinh khác. Lẽ ra Quỳnh đem nộp quyển, nhưng vì chẳng biết chuyện đỗ đạt, nên táy máy giở bài ra xem lại. Thấy có một đoạn giấy trắng bên dưới, Quỳnh liền chấm bút vẽ ngay một bầy voi, rồi tiện tay đề luôn bên cạnh mấy câu thơ ngẫu hứng:

Văn chương phú lục đã xong rồi,

Thừa giấy làm chi, chẳng vẽ voi,

Tớ có một điều xin bảo thật

Đứa nào cười tớ, nó ăn bòi.

Quỳnh làm như vậy là cố ý chọc tức quan chủ khảo, họ sẽ điên tiết lên khi đọc những dòng này và sẽ đánh hỏng Quỳnh với tội "phạm trường quy." Thật ra, Quỳnh đâu cần sự thăng quan tiến chức.

Lúc ấy, có viên giám thị đi theo dõi. Liếc thấy bài thơ tứ tuyệt ngạo mạn của Quỳnh, bèn chạy đi báo với quan giám khảo. Quan sơ khảo và quan phúc giám khảo rón rén đến dòm thử, thì quả đúng như vậy. Quỳnh biết các hành động của ban giám khảo, nhưng cứ tảng lờ coi như không. Đợi đến lúc các quan trường xúm lại đông đảo, Quỳnh mới đưa bút viết tiếp hai câu thơ nữa vịnh bức tranh voi vừa vẽ:

Voi mẹ, voi con, voi lúc nhúc

Chú sơ, chú phúc, rúc mà coi.

Đám quan viên lúc này cảm thấy sượng sùng nên bấm nhau rút lẹ. Đứng lâu ở đó e không khéo lại bị Quỳnh chơi khăm, mất mặt nữa.

Trả nợ anh lái đò

Quỳnh thường đi đò ngang, khất chịu tiền, lâu quá món nợ tích lại cũng khá nhiều, không trả được. Lúc anh lái đò đến đòi, Quỳnh bảo:

- Ừ, đợi đấy, vài hôm nữa, sẽ trả đầy đủ.

Ở giữa sông có một cồn cát, bỗng xuất hiện một cái nhà nhỏ, lợp lá gồi. Người ta đồn rằng đó là cái lầu yết thơ của Trạng. Thế là mọi người tò mò rủ nhau đi xem. Muốn ra nơi cồn nát, chỉ có con đường đò ngang, mới đầu chỉ lưa thưa ít người. Ra đến nơi họ thấy có một cái biển đề mấy chữ bằng vôi trắng "Cha đứa nào kể với đứa nào".

Tất nhiên khi về, gặp người khác hỏi thì ai cũng trả lời độc một câu:"Ra mà xem!"

Cũng có người tếu tán thêm: "Hay lắm, ra mà xem."

Thế là thiên hạ lũ lượt kéo nhau ra xem "lầu yết thơ của Trạng", lúc đầu là người trong làng, rồi các làng lân cận, lan ra đến cả tổng. Còn anh lái đò chèo mệt nghĩ, nhưng hả hê với số tiền lớn thu được của khách, cho đến khi người ta biết là bị Quỳnh cho "quả lừa" thì mới vơi khách.

Anh lái đò vãn việc, chợt nhớ món nợ của Quỳnh, mới đến hỏi.

Quỳnh mắng:

- Ai nợ nhà anh? Anh nợ ta thì có. Nhờ mẹo của ta mà anh vớ bở; ta chưa hỏi phần của ta đấy. Thôi ta cứ gửi lại đó mà trừ dần cho tiền đò sau này.

Anh lái đò chợt hiểu, cười sung sướng, rồi cám ơn Quỳnh rối rít.

Dê đực chửa

Tiếng tăm về cầu bé thần đồng ở vùng Thanh Hóa bay đến kinh đô. Nhà vua muốn biết hư thật như thế nào, bèn ban lệnh: Cả phủ Thanh Hóa, mỗi làng phải đem nộp một con dê đực đang chửa. Sau hai tháng, nếu làng nào không nộp sẽ bị trị tội. Dân chúng phủ Thanh Hóa hốt hoảng sợ hãi. Cả làng Quỳnh ở, ai cũng nhớn nhác lo âu. Tìm đâu ra dê đực chửa? Biết chuyện đó, Quỳnh nói với bố:

- Về việc ấy xin Thầy đừng lo. Thầy cứ bảo dân làng chuẩn bị cho con một trăm quan tiền và gạo ăn đường, con sẽ kiếm được dê đực chửa cho làng.

Nghe con nói, ông bố không tin, nhưng cũng thưa lại với dân làng. Không có cách nào khác mọi người đành làm theo lời yêu cầu của Quỳnh. Sáng hôm sau, hai cha con Quỳnh lên đường. Họ đến kinh đô đúng lúc nhà vua có việc đi qua cửa Đông. Quỳnh nép xuống cống sát vệ đường chờ. Khi xa giá nhà vua đến gần, Quỳnh khóc rống lên. Vua sai lính lôi đứa bé đang khóc lên hỏi nguyên do. Quỳnh vờ như không biết đãy là vua, càng gào to, kể lể:

- Mẹ tôi chết đã mấy năm nay, tôi nói mãi mà bố tôi vẫn không chịu đẻ em bé cho tôi bế...

Vua cho là đùa bé bị bệnh dại ngây, cười và nói:

- Mày thật là đần độn, đàn ông mà đẻ sao được!

Bãy giờ Quỳnh nín bặt, đứng chắp hai tay nói rất trang nghiêm:

- Thưa ông, vậy mà nhà vua bắt dân làng tôi phải nộp dê đực chửa.

Nghe nói, nhà vua giật mình, biết ngay đây là đứa bé ở Thanh Hóa mà bấy lâu nay mình vẫn nghe đồn.

Bán kẹo

Hai vợ chồng nhà nọ muốn ghẹo nhau giữa ban ngày, nhưng sợ đày tớ biết. Hôm ấy, ở làng dưới có đám ma, anh chồng nghĩ mẹo cho đầy tớ đi buôn kẹo đến đó bán kiếm thêm ít tiền, tiện thể cho nó đi khuất mắt.

Người đầy tớ nghĩ bụng: "Quái! Sao bỗng dưng hôm nay lại bảo mình đi bán kẹo? Hẳn ở nhà có sự gì đây". Thế là anh ta trở về lẻn ra đằng sau nhà, rình xem.

Vợ chồng nhà chủ đưa nhau vào buồng, chồng hỏi đùa vợ:

- Về sau tôi chết, thì mình khóc là gì nào?

- Tôi khóc mình là: "Anh ơi! Chứ là gì nữa?"

Vợ lại hỏi đùa chồng:

- Về sau tôi chết, thì khóc là gì?

- Tôi khóc là: "Em ơi chứ là gì nữa?"

Người đày tớ nghe thấy thế, liền rao lên:

- Ai mua kẹo ra mua!

Anh chồng vội chạy ra quát:

- Sao không xuống dưới mà bán!

- Thưa ở đây có những hai đám ma còn không bán được đồng nào, nữa là đằng

kia chỉ có một đám.

Đọc ngược

Có cụ đồ nhà quê ra phố Vinh chơi, đi đường xa đến ngã tư, cụ mắc quá, đến chỗ bức tường tìm nơi tiểu tiện, thấy trên tường có hàng chữ "Cấm không được đái đây", cụ toan thôi. Nhưng thấy còn một dòng dưới: L'interdit à pisser, cụ lẩm bẩm: chắc chỉ cấm người Tây..., nói rồi, cụ vén quần. Bất ngờ tên cu-lít tới. Hắn chộp ngay ngực cụ:

- Mù hay sao không đọc được tiếng Việt à?

- Có chứ! - Cụ đồ bình thản đáp, rồi cụ giơ tay chỉ từng chữ từ phải qua trái mà đọc to:

- Đây đái được không cấm!

Tên cu-lít tức anh ách nhưng nghĩ cũng có lý bèn "mẹc, cô-soong" một hồi rồi ngoảnh mặt cho cụ đi... tè.

Có hiếu

Hai vợ chồng nhà nọ rủ nhau đi bắt cá. Anh chồng bắt được con cá quả khá to , đưa vợ cầm về trước, bảo làm thịt, thái khúc, kho tương để ăn một bữa cho hả hê.

Ðến bữa ăn, sực nghĩ đến cha mẹ, chồng nói:

- Không đem thức ăn cho ông bà à?

- Tôi đã gắp một miếng to rồi - Vợ đáp.

- Miếng to là miếng nào? Cái thủ kia à?

- Anh yên trí, tôi đã gỡ hết thịt hai bên má rồi.

Chàng rể bé

Có một anh mới tí tuổi đã đi làm rể. Lần nào đến nhà bố vợ, cha cũng phải đi cùng. Một hôm nhà bố vợ có giỗ, cho người mời cả hai cha con. Trên đường đi, cha dặn:

- Hôm nay đến ăn cỗ, mày đừng liếm đĩa nhé! Liếm đĩa, bên nhà vợ người ta cười cho đấy.

Sở dĩ cha phải dặn như thế là vì con còn dại, ở nhà mỗi khi ăn cơm thường hay liếm đĩa.

Mâm cỗ nhà bố vợ hôm ấy có bốn người: hai cha con, bố vợ và ông khách. Ăn

cơm uống rượu xong, mọi người đứng dậy thì chàng rể chạy lại bên cha, nắm lấy tay và nói:

- Hôm nay con không liếm đĩa nhé. Có đĩa cá rán ngon lắm, cha liếm đi kìa!

Thừa một con thì có

Một anh ngốc ra chợ mua được một đàn bò sáu con, ngồi lên lưng con đầu đàn rồi dắt cả đàn về. Giữa đường, Ngốc ta lại nhìn đàn bò đằng sau, đếm: Một, hai, ba; Một, hai, ba, bốn... năm. Ðếm đi đếm lại năm, bảy lượt, Ngốc ta vẫn thấy có năm con. Cuống lên Ngốc ta vật đầu vật tai, nhưng không biết làm thế nào cả.

Về đến nhà, thấy vợ đứng chờ ở cổng. Ngốc ta ngồi trên lưng bò mếu máo nói:

- Chết mất thôi! Tôi đánh mất một con bò rồi!

Vợ hỏi:

- Mua mấy con để mất một con?

Ngốc ta chỉ đàn bò năm con theo sau:

- Sáu con, bây giờ chỉ còn năm.

Chị vợ vừa cười, vừa nói:

- Thừa một con thì có!

Chàng ngốc nói chữ

Một chàng ngốc nọ là chồng chưa cưới của cô gái thứ hai trong gia đình có ba chị em nọ. Một hôm chàng đến nhà, cô em út ra chào và nói:

- Tọa sàng yến phu lang. (Mời chàng ngồi bàn tiệc)

Nghe câu nói văn hoa Hán tự đó, chàng chẳng hiểu gì, ở lâu sợ mất thể diện nên ngốc ta luống cuống chào về.

Lần sau trong một đêm trăng, ngốc lại đến thăm người yêu, nhưng lần này không dám đi ngả trước, lại lẻn ngả sau. Bất ngờ gặp lúc ba chị em đang tắm ngoài giếng. Nghe tiếng ba chị em cười khúc khích, chàng lén nhìn thấy cô út chỉ vào mình mà khoe rằng:

- Bạch bạch như phấn trang. (Trắng như thoa phấn)

Cô thứ hai lặp lại động tác của cô út mà nói:

- Úc úc như hình quy. (Hình tựa mu rùa)

Cô chị cười:

- Hắc như côn lôn. (Ðen như quả núi)

Nghe được câu nói trên, ngốc lẩm nhẩm đọc đi đọc lại cho thuộc, bụng nghĩ rằng đó là những câu ẩn ý cao siêu cần phải ghi nhớ. Rồi chàng hớn hở ra về.

Lần thứ ba, ngốc ta hăm hở đến nhà người yêu. Cô út ra chào mời:

- Tọa sàng yến phu lang.

Ngốc chỉ ngay vào cô út mà rằng:

- Bạch bạch như phấn trang.

Cô út toát mồ hôi, không hiểu sao hôm nay chàng ta lại ăn nói "văn hoa" đến như vậy. Cô ngượng ngùng rút lui để người yêu của ngốc ra tiếp. Thấy chàng, cô thứ hai mở lời âu yếm hỏi:

- Phu quân như hà ti?

Ngốc làm bộ sành sỏi trả lời:

- Hà ti chi mà hà ti. Úc úc như hình quy.

Nghe vậy, cô ta thẹn đỏ mặt, nguây nguẩy bước vào. Cô chị thấy tình thế có vẻ căng thẳng, muốn giảng hoà, chạy ra cản ngăn ngốc:

- Thôi, dượng bất mật ngôn. (Dượng nói không ngọt ngào)

Ngốc lại chỉ vào chị tỉnh bơ nói:

- Mật ngôn chi mà mật ngôn. Hắc hắc như côn lôn.

Người chị đứng sững như trời trồng, rồi ù chạy một mạch chẳng dám quay đầu lại

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: