truyen cuoi
Mày để cho nó một chút
Xưa, có một anh học trò nghèo rất thông minh, thuê một căn nhà ở trọ trong phố. Đối diện với nhà anh là nhà một bà cụ chuyên nghề quay tơ, có một cô con gái út rất nết na thùy mị, chăm việc bếp núc.
Bà cụ thường đe bọn thanh niên hàng xóm: - Có già ở đây, bọn bây đừng hòng léng phéng đến con út.
Một ngày kia. Lúc bà cụ đang quay tơ, cô út nấu ăn dưới bếp, anh học trò cầm một cái chén nhỏ xíu sang nhà bà cụ: - Thưa bác, hôm nay cháu nấu ăn quên mua nước mắm, bác cho cháu xin một muỗng.
Thấy anh học trò ăn nói dễ thương nên bà cụ cũng dễ dãi: - Ừ con cứ xuống bếp nói con út đưa cho.
Anh học trò đi xuống bếp, giấu cái chén tỉnh bơ: - Cô út, bác nói cô cho tôi... nắm tay cô một chút.
Cô út sợ quá la toáng lên: - Má ơi! Anh này ảnh kêu...
- Thì mày để cho nó một chút. Có mất cái gì đâu!
Cô Út đành đứng im cho anh nắm tay. 3 bữa sau, anh học trò lại sang: - Thưa bác, cho con xin một củ hành nhỏ.
- Con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.
Anh ta lại xuống bếp: - Cô Út, bác nói cô cho tui hun cô một cái.
Cô Út la lớn: - Má ơi! Anh này ảnh đòi...
- Thì mày cứ để cho nó một chút...
Cô Út đành để cho anh ta hun. Cứ thế khi thì hạt tiêu, trái ớt, khi thì muỗng muối, hạt đường, cô Út cứ đành phải "cho một chút...". Một thời gian sau, anh ta đã được ở... rể nhà bà cụ
Câu đối có chí khí
Ông huyện đi dọc đường, gặp thằng con nít đi học về, mới kêu mà ra câu hỏi rằng :
- Tự là chữ, cất dằn đầu, chữ tử là con, con nhà ai đó?
Ðứa học trò chí khí đối lại liền:
- Vu là chưng, cất ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa hỏi ta chi?
Ông huyện nghe biết đứa có chí khí, tức lắm mà không làm gì được.
o O o
Ở hạt nọ, có một tên nghị viên họ Lại, xây một cái sinh phần đẹp. Tên này giàu có vì làm nghề lái lợn và rất hống hách. Nhiều người ghét hắn. Một đêm, không rõ ai đã đề đôi câu đối sau ở sinh phần hắn:
- Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn Lại (quan lái lợn).
- Vang lừng trong thân Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân (rận trong cu).
Hổ phụ sinh hổ tử
Hai cha con nhà kia đều nóng nảy ngang ngạnh, không nhường nhịn ai chút nào. Một hôm, nhà có khách, người cha sai con vào thành mua thịt về nhắm rượu. Người con mua miếng thịt ngon đem về, vừa sắp ra khỏi cổng thành, bỗng đụng ngay một người từ ngoài thành vào, hai người không ai chịu nhường đường đi, cùng ưỡn ngực nghênh nhau chắn ngang lối đi.
Ở nhà chờ lâu không thấy, người cha đi tìm con. Đến nơi, thấy tình hình như vậy liền bảo:
- Con hãy cầm thịt về trước làm cơm mời khách xơi, để cha ở đây cùng y đứng nghênh nhau tiếp!
Bánh tao đâu
Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu.
Ðến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người chung quang nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:
- Này, con cầm lấy!
Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy.
Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn.
Thầy nhìn thấy, giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng. Ðến lúc ra về, thầy vẫn còn tiếc mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:
- Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:
- Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?
Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:
- Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.
Trò ngơ ngác quay lại thưa:
- Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy xin thầy bảo cho con nên thế nào cho phải ạ?
Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:
- Thế bánh tao đâu...?
Sợ sét bà
Xưa có một thầy đồ ngồi dạy học ở một nhà người đàn bà goá. Bữa nào ăn cơm, bà cũng chỉ cho thầy ăn vừa sét bát thì thôi.
Một hôm, trời mưa sấm sét dữ lắm. Người đàn bà sợ run cầm cập, còn thầy đồ thì thản nhiên như không.
Người đàn bà thấy vậy hỏi:
- Thầy không sợ sét ư?
Thầy đồ đáp:
- Tôi không sợ sét của trời, tôi chỉ sợ sét của bà thôi. Cứ mỗi ngày ba sét ba lượt thì tôi cũng chết đói mất.
Chuyện ở thôn
Ông trưởng thôn nhận được thơ tay của ông chủ tịch xã gởi xuống nguyên văn như vầy:
"Sắp tới, đoàn cán bộ huyện về thăm và chọn thôn ta làm điểm. Vì vậy mà các đồng chí nên duy trì thật tốt vấn đề TTVSNCC. Ký tên..."
Cả một đêm dài mày mò dịch những chữ viết tắt, sáng hôm sau, ông trưởng thôn gởi thơ tay lại:
" Xin đồng chí chủ tịch cứ yên tâm, không sợ chó điên cắn đoàn cán bộ bởi mùa mưa rất ít bệnh dại, chẳng cần tiêm vắc - xin... ".
Ông chủ tịch xã ngớ người chẳng hiểu trời trăng gì, mới cho người phóng xe máy vào thôn hỏi. Bấy giờ mới vỡ lẽ, ông chủ tịch thì bảo: "Duy trì tốt vấn đề "Trật tự vệ sinh nơi công cộng", còn ông trưởng thôn lại dịch thành... duy trì tốt vấn đề "tiêm thuốc vắc-xin ngừa cho chó"?! Quả là... khéo dịch!
Bác Ba Phi câu cá sấu
- Xứ mình có nhiều sấu không bác Ba Phi?
- Ôi! Sấu ở đây no lên bờ nằm nhiều như củi lụt.
- Vậy làm thế nào bắt nó?
Bác Ba Phi cười rồi nói:
- Câu bắt nó thôi. Hôm ấy, tui đi làm một cái đõi đi bắt con sấu, hai vợ chồng chèo thuyền đi. Gặp con sấu lớn ở sông Quảng Phú. Hai sợi đõi nổi lên khúc eo sông. Tui kéo sợi đõi trước mũi thuyền. Thế là con sấu chạy, kéo luôn cả thuyền. Con sấu kéo thuyền thạy 15km từ Quảng Phú đến vàm Cái Đôi. Lúc đó mới bắt được nó đấy!
- Ồ! Ồ! Vậy làm sao qua được cái đập hả bác Ba?
- Ờ thì... nó qua đập, kéo ghe qua luôn mà!
Chống ra, chống vô
Có anh chồng kia rất ham ăn. Một hôm, hai vợ chồng đậu ghe ở gần bìa rừng, luộc một con gà cùng ăn. Ăn được vài miếng, nghe chị vợ xởi lởi:
- Con gà béo quá, hén mình!
Chồng vừa nhồm nhoàm nhai vừa quay sang mắng vợ:
- Đang đậu gần rừng mà nói "béo, béo", bộ hổng sợ cọp nó ra sao? Chống ghe ra!
Chị vợ lui cui lấy sào làm theo lời chồng. Còn anh chồng vẫn nghiến ngấu ăn, hết miếng này đến miếng khác.
Vừa ngồi xuống mâm, chị vợ nói:
- Tôi nói vậy có gì đâu mà mình nổi thầu lậu lên vậy?
Anh chồng quay sang nạt:
- Đang đậu giữa dòng mà nói "nổi thầu lậu", bộ muốn dông gió cho chìm ghe phải không? Chống vô!
Chị vợ không dám cãi, lại lúi húi chống ghe vô. Gặp nước chảy mạnh, toát mồ hôi chị mới đưa được ghe vào bờ. Đến lúc chị quay vào mâm thì chỉ còn lại mấy cái xương gà. Anh chồng nói với vợ:
- Phải cẩn thận vậy mới chắc ăn!
Xiển trả lời vua
Ðồn rằng có một lần vua ngự tuần ra Thanh Hóa. Nghe nói con cháu Trạng Quỳnh vẫn còn, vua bèn cho đòi đến. Xiển vâng lệnh tới hầu. Vua hỏi:
- Trước khi Trạng chết có trối trăng lại điều chi không?
Xiển đáp: - Dạ có ạ!
Vua bảo: - Thế nhà ngươi hãy thuật lại lời Trạng trối trăng cho ta nghe.
- Dạ tâu Hoàng thượng, cố tôi trước khi từ trần chỉ trối lại có một câu thôi ạ!
- Một câu cũng được, cứ nói ta nghe.
- Dạ, nhưng tôi không dám nói ạ!
- Tại sao!
- Dạ, nói ra sợ Hoàng thượng không được vui lòng.
- Ðược cứ nói, dù câu nói ấy thế nào ta vẫn không bắt tội.
Xiển năm bảy lần từ chối, vua năm bảy lần gặng hỏi, sau cùng Xiển mới thưa:
- Dạ, tâu Hoàng thượng, ông tôi kể lại rằng: "Trước khi cố tôi nhắm mắt, con cháu xúm xít quanh giường hỏi cố tôi có dặn con cháu điều chi không. Nhưng cố tôi không trả lời. Con cháu không yên tâm, cứ gặng hỏi mãi, cố tôi chỉ quát lên một câu: "Hỏi cái mả cha bay hay sao mà hỏi mãi thế?", rồi tắt thở
Làm theo bố vợ
Có anh chàng kia, tính rất khù khờ. Biết thế nên trước khi anh ta đi làm rể, mẹ anh ta đã đinh ninh dặn dò:
- Thấy bố vợ làm gì thì con phải làm theo, chớ đừng hếch mắt lên mà nhìn, người ta cười cho, nghe không?
Nhớ lời mẹ dặn, một hôm bố vợ đang cuốc đất, anh ta chạy lại đỡ lấy cuốc nói:
- Thầy để con làm cho.
Ông bố vợ vui vẻ trao cuốc cho, rồi đi trồng chuối. Thấy thế, anh ta lại chạy theo và bảo để đó anh làm cho.
Lần này ông bố vợ không nói gì cả, bỏ đi đốn tre. Anh ta lại chạy theo giật lấy dao. Bực mình vì anh con rể giành mất việc mà chẳng làm xong việc gì, ông ta bỏ về nhà. Dọc đường cái khăn bịt đầu vướng phải cành tre, ông ta cũng không buồn nhặt, cứ thế đi. Anh con rể không có khăn cũng vội cởi ngay áo treo lên cành tre, rồi tất tả chạy theo bố vợ về.
Về đến nhà, ông ta hầm hầm chạy vào buồng vợ sinh sự với vợ:
- Ðồ ngu! Chọn thế nào mà lại vớ phải một thằng rể điên. Sáng nay chẳng làm được việc gì với nó cả!
Hai vợ chồng cãi nhau, rồi ông ta đạp cho vợ một đạp.
Anh rể vừa hộc tốc chạy về, thấy thế cũng co cẳng đạp cho mẹ vợ thêm một đạp nữa ngã lăn kềnh.
Diêm Vương thèm ăn thịt
Trên dương thế, có một con lợn bị đem ra giết thịt. Hồn nó về kêu với Diêm Vương. Diêm Vương hỏi:
- Nỗi oan nhà ngươi như thế nào? Hãy nói rõ đầu đuôi nghe!
- Dạ! Họ bắt tôi làm thịt!
- Được rồi, hãy khai rõ ràng. Họ làm thịt như thế nào?
- Dạ, trước hết, họ trói tôi lại, đè ra chọc tiết. Xong họ đổ nước sôi lên mình tôi, cạo lông.
- Rồi sao nữa?
- Cạo sạch rồi, họ mổ ra, thịt tôi họ xé thành từng mảnh, chặt nhỏ bỏ vào rổ. Thế rồi... họ bắc chảo đổ mỡ vào, phi hành cho thơm, thêm mắm thêm muối xào lên...
- Thôi! Thôi... đừng nói nữa mà tao thèm!
Thơ vịnh con chó
Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là trò nghèo, thương hại, bảo:
- Có phải học trò thì ta ra thơ " Con chó" cho mà làm, làm được sẽ có thưởng.
Anh học trò nghĩ một hồi lâu đọc:
Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo
Thương ôi! Con chó ngỡ con mèo.
Quan huyện nghe xong, phán:
- Học trò thật! Thơ không hay lắm, nhưng được cái đúng vần.
Liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo. Anh kia lạy tạ ra về. Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi:
- Tiền gạo đâu ra thế?
Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc, liền đọc:
Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy thời
Thương ôi! Con chó ngỡ ông trời.
Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi, rồi đuổi ra.
Ôm cổ rắn
Mùa hạn năm đó, tui đi ăn ong mật sâu trong rừng U Minh. Đến trưa, ngồi dựa lưng vào gốc cây tràm nghỉ mát, tui móc gói thuốc ra ngồi hút. Thấy đằng kia, cách chừng ba công bề đứng, có một cây móp hay cây gì đó chết khô, cành lá rụng rơi đâu hết, chỉ còn lại thân cây trơ trọi. Cây khô này cao hơn các cây xung quanh. Gốc ngọn nó nứt nẻ, thẳng băng, da đen hơi mốc, trên có cái cháng hai. Một điều kỳ lạ là mỗi khi có con chim nào đậu lên cháng hai đó liền bị mất hút, không thấy bay ra.
Tui cũng không để ý, cứ quảy gùi, xách mác đi ăn. Đến xế qua, mật ong đã đầy gùi, tui định về, bỗng nghe có tiếng lửa cháy ào ào từ phía trên gió. Rừng U Minh này bị lửa cháy vào mùa hạn thì ngọn lửa bốc cao ngất trời, táp tới ầm ầm, như một trận bão. Đi rừng mà gặp lửa cháy thì phải mau mau đào đất trấp, chui xuống dưới hoặc trèo lên những cây thật cao, chờ lửa cháy ào qua chớ không phương nào chạy kịp. Lúc đó tui đào đất trấp chui không kịp, phải chạy tìm cây cao mà leo. Tui chạy đến, quăng bỏ gùi mật ong, bỏ cây mác còn lại và tìm được một cây. Tui ôm cây, trèo lên tuột xuống. Cái cây gì mà trơn chuồi, thót lên ba phóng thì bị tuột trở xuống hết hai. Nhưng lửa cháy đã tới gần, tui phải cố trèo. Trèo lên vừa tới chỗ cháng hai thì lửa cũng vừa cháy tới, nhưng chổ cháng hai cái cây sao có nhiều mảnh dầm lười xười tách ra đâm tay tôi đau quá. Mặc dù mỏi run tay nhưng ngó xuống thấy lửa đã cháy tới phía dưới, tui lấy làm khoái chí.
Lửa cháy qua rồi, tui định tụt xuống, nhưng sao nghe cái cây động đậy. Rồi ngay chổ cháng hai lại mọc ra nhánh chà cây quơ qua quơ lại, cào cào vào đầu tui. Tui thụt xuống chút nữa. Cái cây kia cứ ngoéo xuống quét vào đầu tui, vào cổ tui. Nó còn trây vào mình tui một thứ gì nhớt nhợt như nước miếng. Trời đất! Chổ cháng hai lại có hai cái mu lồi ra láng bóng và rực sáng như đèn xe hơi. Trời! Khi không hai cây khép lại, mở ra nghe bầm bập... Hồn vía lên mây, tay chân rũ liệt, tui ngã người ra, sút tay rớt luôn xuống đất. Hai lỗ tai nghe vo vo, mắt nhắm híp lại, phú mặc số mạng cho trời đất.
Khi rớt xuống tới đất, tui thấy mình nằm y chổ ngồi hút thuốc hôm qua. "Cái cây" đằng kia bắt đầu bò đi, le lưỡi, thổi hơi phèo phèo.
Chỉ tiêu chữ lẻ
Có ông thầy đồ dốt, nhưng lại muốn học trò đến đông học nên hay xổ chữ. Ai đến chơi ngồi chuyện là ông ta tìm cách hỏi cho được vài câu chữ nho, tuôn ra hàng tràng những "chi hồ giả dã", ra vẻ ta đây học thông, lắm chữ.
Bà vợ ở trong nhà, nghe mãi, sốt ruột, một hôm, ngồi ăn cơm khẽ bảo chồng:
- Ông ạ! Ông có một dúm chữ thì để làm lưng làm vốn, chứ gặp ai ông cũng vung vãi ra như thế, còn gì nữa mà làm ăn.
Ông ta mắng vợ:
- Bà biết gì mà nói! chữ của thánh hiền có phải như tiền bạc đâu, cứ tiêu là hết. Với lại đó là mấy chữ lẻ, còn vốn của tôi thì tôi xếp trong bụng này kia mà. Tôi chỉ tiêu những chữ lẻ đấy chứ!
Trả lời vắn tắt
Có anh chàng vốn tính tham ăn, hễ ngồi vào mâm là chú mục vào những món ngon, cắm đầu gắp, lo sao ăn cho đầy bụng. Vì thế, anh ta rất ngại nói chuyện trong bữa cơm.
Một lần đi ăn cỗ ở nhà nọ, ngồi vào mâm là anh ta gắp lia lịa. Có một ông khách lạ thấy anh ta ăn uống lỗ mãng như thế, mới tìm cớ nói chuyện để hãm bớt anh ta lại. Ông ta hỏi:
- Chẳng hay ông người ở đâu ta?
Anh ta đáp:
- Ðây!
Rồi cắm cổ gắp.
- Thế ông được mấy cô, mấy cậu rồi?
- Mỗi!
Lại cúi xuống gắp lia lịa.
Ông kia vẫn chưa chịu thua, hỏi tiếp:
- Các cụ thân sinh chắc là còn cả chứ?
Anh ta vẫn không ngẩng đầu lên đáp:
- Tiệt!...
Thừa một con thì có
Một anh ngốc ra chợ mua được một đàn bò sáu con, ngồi lên lưng con đầu đàn rồi dắt cả đàn về. Giữa đường, Ngốc ta lại nhìn đàn bò đằng sau, đếm: Một, hai, ba; Một, hai, ba, bốn... năm. Ðếm đi đếm lại năm, bảy lượt, Ngốc ta vẫn thấy có năm con. Cuống lên Ngốc ta vật đầu vật tai, nhưng không biết làm thế nào cả.
Về đến nhà, thấy vợ đứng chờ ở cổng. Ngốc ta ngồi trên lưng bò mếu máo nói:
- Chết mất thôi! Tôi đánh mất một con bò rồi!
Vợ hỏi:
- Mua mấy con để mất một con?
Ngốc ta chỉ đàn bò năm con theo sau:
- Sáu con, bây giờ chỉ còn năm.
Chị vợ vừa cười, vừa nói:
- Thừa một con thì có!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top