Truyen co tich Viet Nam

VÀNG LẤY CON VUA

Ngày xửa ngày xưa, có một em bé tên là Vàng, Vàng mới lên tám tuổi thì bố chết. Nhà nghèo, em phải theo mẹ đi làm thuê khắp đó đây. Quần quật suốt ngày mà mẹ con vẫn không đủ ăn. Những hôm mưa rét thấu xương cũng không được nghỉ. Nhiều bữa Vàng chỉ uống nước đi ngủ, còn dành một ít cơm nguội cho bà mẹ. Bà mẹ càng thương xót cho đứa con tội nghiệp của mình.

Ngày tháng qua đi, năm ấy Vàng đã lớn và mẹ Vàng cũng đã già yếu. Vàng một thân đi làm nuôi mẹ và nuôi mình. Thỉnh thoảng Vàng còn làm giúp hàng xóm. Tuy công việc nặng nhọc, bụng đói, nhưng ai nhờ việc gì Vàng đều cố sức làm đâu ra đấy. nét mặt lúc nào cũng vui vẻ. Vì vậy láng giềng ai cũng quý mến Vàng.

Tiếng lành đồn xa. Nhà vua biết tin Vàng làm ăn khéo, lại giỏi. Một hôm bèn cho lính đi gọi Vàng về lợp nhà cho mình. Vàng đến và trèo lên nhà ngay.

Trong khi dỡ mái xuống, chàng trông thấy phía dưới sân nhà một cô gái đang ngồi dệt vải. Vàng muốn biết mặt cô gái liền ngửa cổ nhìn lên, nhưng cô gái vẫn cúi mặt xuống tấm vải, tay đưa thoi. Vàng nghĩ ra một kế khác: lấy sợi lạt cứa vào tay mình cho chảy máu xuống tấm vải. Nhưng uổng công, cô gái vẫn thản nhiên đưa thoi. Vàng thấy không xong, càng nóng lòng bèn đánh bạo gọi:

- Cô ơi! Cho tôi xin miếng giẻ buộc chỗ đứt tay cho khỏi chảy máu.

Lần này cô gái đứng dậy đi tìm cái gậy và buộc miếng vải vào đầu gậy rồi từ từ giơ lên nóc nhà nhưng vẫn không hề nhìn Vàng. Thấy đầu gậy đã sát tay mình mà cô nàng không ngẩng mặt lên, Vàng lại giả vờ gọi:

- Cô ơi! Chua tới... chỗ này cơ mà!

Cô gái tưởng mình giơ lệch chỗ, mới ngửa mặt nhìn lên. Vàng thấy khuôn mặt xinh đẹp của cô gái hiện ra.

Tối hôm ấy, Vàng về nhà nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Hôm nay con đi lợp nhà cho vua thấy con gái của vua xinh đẹp lắm. Mẹ đi hỏi cho con lấy cô ta làm vợ.

Bà mẹ nghe nói không khỏi ngạc nhiên. Một lát, bà thở dài:

- Mẹ con ta nghèo. Vua nào lại gả con gái cho con.

Nhưng Vàng cứ một mực van nài mẹ. Cuối cùng để chiều con trai, bà đi hỏi vua. Mẹ Vàng chưa nói hết lời, nhà vua đã nổi cơn lôi đình mắng vào mặt:

- Nhà ngươi láo thật. Dám đi hỏi con gái ta cho thằng khố rách áo ôm nhà mày ư? Lính đâu, đem mụ già vào cối giã.

Bọn lính răm rắp tuân theo. Mẹ Vàng bị một trận nhừ tử. Bà van lạy mãi nhà vua mới bằng lòng thả cho về.

Khi mẹ đi, Vàng ở nhà đứng ngồi không yên, bụng như có lửa đốt. Vàng hết ra trông lại vào ngóng. Thoáng thấy mẹ về, Vàng đã hỏi ngay:

- Mẹ ơi! Được chứ! Nhà vua đồng ý chưa?

Mẹ Vàng thở không ra hơi:

- Vợ con gì. Chưa nói hết lời, mẹ đã bị vua sai lính bỏ vào cối giã, lại còn chửi mắng. Con muốn lấy thì đi mà hỏi.

Ít lâu sau, Vàng lại đòi mẹ đi hỏi con gái vua cho mình. Thương con, mẹ Vàng lại đánh liều đi hỏi một lần nữa.

Khi bà già đến, nhà vua lần này không chửi mắng và sai lính bỏ vào cối giã như lần trước nữa, mà nói với mẹ Vàng:

- Nhà ngươi muốn công chúa ta làm con dâu thì về bảo con trai tìm cho ta một chum bọ chó và một cái chĩnh dái gà đem đến đây nộp thì ta mới gả công chúa cho.

Mẹ Vàng về nhà thuật lại cho con nghe. Vàng lập tức đi tìm khắp chốn, khắp nơi, nhưng không sao kiếm được một chum bọ chó và một chĩnh dái gà. Chàng buồn rầu khóc bên bờ suối. Bỗng một cụ già râu tóc bạc phơ hiện lên, hỏi:

- Làm sao cháu khóc?

Vàng thưa:

- Mẹ cháu đi hỏi con gái vua cho cháu, vua bảo phải tìm bằng đủ một chum bọ chó, một chĩnh dái gà thì vua mới gả. Cháu đi tìm khắp chốn nơi không được cháu buồn cháu khóc.

Cụ già nói:

- Không lo, cháu về trồng thật nhiều vừng đen và khoai sọ, đợi khi vừng chín, khoai sọ mập cũ, cháu gặt vừng đập lấy hột cho vào chum, rồi bắt mấy con bọ chó rắc lên trên, bịt kín miệng chum lại. Sau đó, cháu đào khoai sọ đem cạo vỏ luộc chín đổ vào chĩnh rồi bắt mấy con gà sống mổ thịt lấy dái nó để trên chĩnh khoai và bịt kín lại đem đi nộp vua.

Y lời, Vàng về nhà làm theo lời cụ dặn. Mấy tháng sau, vừng đã chín, khoai sọ cũng đầy đủ. Vàng làm đúng như lời cụ già và mang đến cho nhà vua.

Vua nhận được đồ lễ bèn mở ngay chum bọ chó nếm thử. Vua khen:

- Úi chao! Ngon quá! Thơm như vừng.

Rồi vua lại mở chĩnh dái gà ăn mấy miếng tấm tắc:

- Tuyệt! Tuyệt! Bùi như khoai sọ.

Ăn hết chum bọ chó và chĩnh dái gà, nhà vua trở mặt:

- Ngươi muốn làm rể ta à? Chưa đủ đâu! Ngươi phải đi kiếm một đôi gà tiên, một trống một mái đem về nộp cho ta thì lúc đó mới nói đến chuyện vợ con.

Vàng tức lắm. Nhưng đành phải đi tìm gà tiên. Được ba ngày, đi mỏi rời chân mà không thấy gà tiên đâu cả. Vàng ôm mặt khóc. Cụ già khi trước lại hiện lên hỏi:

- Làm sao cháu khóc?

Vàng đáp:

- Thưa cụ, vua bảo cháu phải đi tìm một đôi gà tiên, một trống, một mái tới nộp thì vua mới gả con gái cho. Cháu đi tìm ba ngày mà chẳng được.

Nói xong, Vàng lại ôm mặt khóc.

Cụ già bảo:

- Thôi, không khóc nữa. Gần nhà cháu có cái hang đá, bên trong có vợ chồng gà tiên. Hàng ngày cứ đến giờ ngọ, vợ chồng mới ra cửa hang. Gà chồng đứng một bên gáy, gà vợ đứng một bên nghe, cháu đến rình mà bắt. Gà gáy tiếng thứ nhất, chúng xê lại gần nhau, cháu đừng bắt, gáy tiếng thứ hai, chúng xích lại gần nhau hơn, cháu đừng bắt. Đến tiếng thứ ba, chúng sát lại bên nhau, cháu lại bắt cả đôi sẽ có gà tiên nộp vua.

Hôm sau, Vàng tìm đến hang đá ngồi rình. Đúng giờ ngọ bỗng cửa hang từ từ mở ra. Ga trống tiên, gà mái tiên đi ra, mỗi con đứng một bên cửa hang. Gà trống bệ vệ vươn cổ gáy tiếng thứ nhất, chúng xê lại gần nhau. Vàng vẫn ngồi yên. Gáy tiếng thứ hai, đôi gà xích vào nhau tí nữa. Vàng vẫn không nhúc nhích. Gáy tiếng thứ ba, gà trống, gà mái sát lại liền nhau. Lúc đó Vàng mới xông đến chộp lấy chân gà. Nhưng lạ thay, gà khoẻ vô cùng, chúng kéo tay Vàng vào hang, tức thì cửa đóng sập lại. Tay Vàng bị kẹp, đau quá cố rút ra, nhưng càng rút càng đau.

Qua một đêm, bà mẹ ở nhà không thấy con về sốt ruột quá bèn đi tìm. Đi mãi, đi mãi đến hang đá, bà thấy con nằm lăn ở cửa hang, bèn hỏi:

- Sao thế! Sao lại bị kẹp cả tay hả Vàng?

Vàng mếu máo đáp:

- Con tìm được gà tiên rồi. Nó lôi con vào, con vẫn túm chặt chân nó, bị kẹp... mẹ cứu con với!

Mẹ Vàng vừa thương vừa bực, trách con:

- Đấy mẹ đã bảo! Mình là con nhà nghèo ,à đòi lấy con vua. Lần trước vua bắt con nộp bọ, dái gà, lần này lại bắt nộp gà tiên đến nỗi mắc cạn khổ thế này.

Nói xong, bà túm lấy con kéo ra ngoài. Nhưng kéo thế nào cũng không ra. Bà tức quá nói tục một câu. Hang thần nghe không nhịn được, phì cười, cửa hang mở toang chốc lát, Vàng rút được tay, kéo cả đôi gà ra ngoài và trở về nộp vua.

Đến nhà vua, Vàng quỳ xuống mà rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, thần đi tìm bọ chó, dái gà, gà tiên, con đã tìm đủ rồi, bây giờ vua cho thần được đón công chúa vua về ở với mẹ con thần.

Vua lại bảo:

- Đồ lễ cưới ngươi nộp đủ rồi. Bây giờ ngươi muốn đón vợ thì phải có nhà ở. Trong vùng này, có ông Thạch Long nhà to nhất, đẹp nhất, ngươi về làm được như thế thì hãy đến đây ta mới cho rước dâu.

Vàng lại quay về. Đến nhà Thạch Long, chàng lấy gậy đạp xung quanh nhà để đánh tiếng, Thạch Long nghe có người đạp vào nhà mình, chạy ra hỏi:

- Ai đập gì nhà tôi đấy?

Vàng đáp:

- Vua bảo tôi làm nhà to đẹp như nhà ông thì mới gả công chúa cho. Tôi đến thử đây.

Thạch Long nói:

- Cái hạng mày mà lấy được con vua thì tao nhường lại cái nhà này cho mày ở.

- Ông nói thật hay nói dối?

- Tao nói dối với cái thứ mày làm gì?

Vàng lấy cái đinh đóng vào cột rồi bảo Thạch Long: "Tu mi nam tử, nói thì phải như đnh đóng cột. Tôi đóng cái đinh này để làm chứng".

Vàng đi đến nhà vua xin đón vợ về nhà mới. Hàng xóm láng giềng rậm rịch theo sau, thổi kèn, đánh trống, chuyện trò vui vẻ. Đến nhà Thạch Long, Vàng gọi Thạch Long và bảo:

- Tôi đón dâu về rồi, ông dọn nhà đi nơi khác cho vợ chồng tôi ở.

Thạch Long mắng:

- Nhà của tao sao mày lại đuổi tao đi?

Vàng vặn lại:

- Hôm nọ ông nói gì với tôi. Đinh đóng cột còn kia. Ông ở được thì ông ở cái nhà này. Không nhổ được thì ông đi nơi khác.

Thạch Long cố hết sức nhổ nhưng không được, phải đi nơi khác.

Vàng đưa vợ về nhà Thạch Long, rồi cả hai vợ chồng cùng đi đón mẹ. Khi vợ Vàng đến, mẹ Vàng không tin, hỏi:

- Cô là ai mà đến đây đón tôi?

Vợ Vàng thưa:

- Con là con dâu của mẹ. Vợ chồng con về đón mẹ đến ở với chúng con.

Mẹ Vàng trông thấy Vàng mới tin, bèn theo hai con đi ở nhà mới. Từ đấy gia đình mẹ Vàng thêm một người con dâu biết dệt vải giỏi. Nàng cũng rất mực thương quý mẹ chồng.

Năm sua, có giặc vua nước bên sang cướp. Vàng được vua cha sai đi đánh. Chàng bàn cùng với quân lính lấy rơm bện hàng nghìn hàng vạn người giả đem cắm khắp ngả đường, chờ giặc. Giặc đến, thấy bên Vàng quân sĩ hăng hái, lại đông hàng nghìn, hàng vạn, bèn rút lui.

Nhà vua thấy con rể tài giỏi, làm giặc lui không phải đánh, liền nhường ngôi cho.

Từ đó dân bản yên ổn làm ăn. Vợ chồng Vàng sống hạnh phúc bên nhau.

Chú thỏ tinh khôn

Từ ngày xửa ngày xưa đồng bào người Việt gốc Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn thường kể chuyện về một chú thỏ tinh khôn. Chuyện của chú nhiều và dài lắm, vì trí khôn của chú lớn và chiến công của chú kể hết năm này qua năm khác không thể hết được.

Một hôm thỏ đang nằm ngủ dưới một gốc cây sung. Bỗng một quả sung chín rụng rơi đánh bốp một cái giữa đầu thỏ. Vốn nhát, thỏ giật bắn mình chồm dậy và chạy. Chạy như gió cuốn, chạy như bay. Hổ thấy thỏ chạy thì cản đường hỏi tại sao thỏ chạy. Thỏ trợn mắt nói:

- Không chạy thì chết mất ngáp. Đất đang sụt dưới chân ầm ầm kia kìa... Chạy đi thôi...

Hổ nghe hoảng hồn, cũng cắm đầu chạy đứt hơi đuổi theo thỏ. Nhưng hổ làm sao mà đuổi kịp.

Thỏ chạy trước còn hổ thì vừa chạy vừa thở phì phò như kéo bễ. Thần Gió Giêvata cười phì bảo:

- Hổ ơi sao mày to xác thế mà để thằng thỏ nhãi ranh nó lừa mày. Đất có bao giờ sụt đâu mà cần phải chạy.

Nghe thần gió, hổ tin ngay liền tìm thỏ để trừng phạt cho bõ tức. Nhưng thỏ bình tĩnh hỏi:

- Bác hổ ạ, bác ăn thịt cháu cũng được thôi, nhưng phiền một nỗi là toàn thể loài vật vừa bầu cháu làm vua rồi. Bác từ nay cũng phải coi cháu là vua. Nếu bác không tin bác cứ thử đi với cháu mà xem. Chắc hơn hết bác cứ để cháu ngồi lên lưng, ta đi dạo một vòng, nếu không đúng là các loài sợ oai vua của cháu thì bác cứ việc ăn thịt.

Hổ ngờ ngệch bằng lòng cõng thỏ đi một vòng rừng, đi đến đâu trăm loài đều sợ sệt bỏ chạy. Họ chạy vì hổ mà hổ cứ tưởng họ sợ oai thỏ thật. Lúc ấy thỏ mới ra oai quát hổ rằng:

- Nhà ngươi thấy chưa! Trăm loài trong rừng đều sợ ta. Thế mà nhà ngươi còn dám láo với ta. Lần này thì ta tha, vì nhà ngươi chưa biết oai của ta là vua của núi rừng, lần sau ta sẽ trị tội nghe không!...

Hổ sợ quá đành vâng lời.

Lừa hổ xong, thỏ cũng bỏ trốn luôn, nhưng vì bụng đói, thỏ muốn trở lại bãi cỏ xanh non bên bờ suối. Thỏ đã định phóng mình chạy ra đấy nhưng chợt nhớ lần trước mình đã lừa cá sấu nếu ra cá sấu có thể giết chết mình mất. Thỏ sợ đành gậm cỏ trong rừng vừa già vừa khô. Ăn mãi chán quá, thỏ tự nhủ có thể cá sấu quên chuyện cũ rồi chăng. Ra đến nơi thấy cá sấu bận ngủ không để ý gì đến thỏ, thỏ càng tin là cá sấu đã quên chuyện cũ thật. Ai ngờ cá sấu cũng rất cao tay, lừa thỏ đến gần bèn chẳng nói chẳng rằng há mồm ra đớp gọn, chỉ còn chờ nuốt vào trong bụng nữa là hết đời con thỏ tinh khôn. Thỏ sợ quá, rụt rè hỏi:

- Này bác cá sấu, bác có định ăn thịt cháu thì ăn nhanh lên cứ ngậm mãi làm gì, cháu sợ lắm.

Cá sấu cười mím miệng:

- Hút... hút... hút... tao sẽ làm cho mày sợ chết khiếp... chết khiếp... chết khiếp... trước khi nuốt mày vào bụng... hút... hút... hút...

Thỏ nhận ngay ra rằng muốn giữ mồm, mõm cá sấu dài phải mím chặt nên chỉ cười hút... hút được mà thôi... Thế là thỏ ta cười vang:

- A ha, buồn cười quá... buồn cười quá... cá sấu ngọng nên cứ phải kêu hút... út... làm sao ta sợ được... Muốn ta sợ mày phải cười ha... ha... cơ... chứ thế này thì buồn cười đến đứt ruột mất thôi.

Cá sấu tức quá quát:

- Tao mà ngọng à... thằng thỏ ranh... nghe đây... dỏng tai mà nghe ta cười đây... ha... ha... ha...

Để cười ha ha cá sấu phải ngoác miệng ra, thế là lập tức thỏ nhảy tót ra khỏi mệng cá sấu và quay lại dạy cá sấu rằng:

- Này thằng cá sấu ngu ngốc kia... Nghe đây... Từ nay trong miệng đang ngậm mồi thì chớ có cười ha ha nghe không...

Dứt lời thỏ chạy vào rừng.

Một lần có người muốn thử tài của thỏ, bèn đưa cho thỏ một cái đơn kiện vô cùng tối nghĩa. Đơn viết rằng: "Cách đây ít lâu, có người lấy trộm của tôi một con trâu. Không phải trâu đực cũng không phải trâu cái. Không phải năm ngoái cũng không phải năm nay, người lấy không phải họ hàng, cũng không phải người ngoài".

Thỏ chuyển đơn kiện lên các quan, các quan đều ngơ ngác chẳng thể nào hiểu được lá đơn kiện nói gì, phải nhờ thỏ giảng giải rằng:

- Vụ mất xảy ra vào đêm ba mươi Tết. Vì đêm đó có thể gọi là đêm cuối cùng của năm ngoái, nhưng cũng có thể coi là ngày đầu tiên của năm nay. Còn con trâu bị mất trộm không phải là trâu đực cũng không phải là trâu cái chỉ có thể là trâu thiến. Mà kẻ lấy trộm dứt khoát là thằng rể. Vì chỉ có thằng rể mới không phải là người trong nhưng lại không phải là người ngoài họ.

Nghe thỏ giải thích các quan toà đề phải kính phục. Lúc đó, quan toà đang đau đầu về một vụ kiện không cách nào xử được, vội xin thỏ xử giùm. Vụ kiện đầu đuôi như sau:

Có một người cưới vợ. Anh ta yêu quý vợ đến nỗi suốt ngày chẳng muốn rời nửa bước. Nhưng rồi đến buổi loạn ly anh phải đăng lính, không đi không được. Người vợ tiễn chồng đi hết đường này đến đường khác không nỡ rời tay. Đến mãi gốc cây đa kia, người chồng mới dừng lại tâm sự biết bao nhiêu điều, mãi đến khi trống thúc quân vang dậy, loa thét động trời, người chồng mới đành dứt áo ra đi. Không ngờ ở gốc đa có một con yêu tinh. Nó nghe hết mọi điều tâm sự của hai vợ chồng, lại thấy người vợ xinh đẹp, nó đành nghĩ ra một kế độc. Vài hôm sau nó bèn giả dạng thành người chồng vác gươm, giáo về quê hương nói rằng vua không bắt lính nữa. Vì biết tất cả mọi điều riêng tư của hai người nên con yêu tinh làm cho người vợ cứ yên trí đây là chồng mình thật không một chút nghi ngờ gì.

Người chồng sau một thời gian chinh chiến được hồi hương, anh mừng lắm vội vã về nhà đập cửa gọi vợ. Người vợ mở cửa thì thấy lạ quá, ngoài cửa cũng là chồng mình. Người chồng trong nhà quát hỏi người chồng ngoài cửa rằng:

- Mày ở đâu mà dám giả dạng là tao để nhận xằng vợ tao.

Người chồng mới về uất ức vặn lại:

- Người đàn bà này chính là vợ tao, tao mới cưới được vài ngày thì phải đăng lính. Mày ở đâu đến mà dám nhận xằng vợ tao là vợ mày.

Hai bên cãi nhau chẳng bên nào chịu bên nào, đến người vợ cũng đành chịu, vì hai người giống nhau quá, không thể nào phân biệt được ai là chồng thật ai là chồng giả.

Việc đưa lên quan, quan cũng đành chịu. Vừa may có thỏ ta nổi tiếng quan toà, nên chính quan toà nhờ thỏ xử hộ.

Thỏ bèn hỏi hai người chồng rằng:

- Ai là chồng thật của người đàn bà này?

Cả hai người đều tranh nhau nhận. Thỏ gật gật đầu ra vẻ suy nghĩ rồi bảo cả hai người rằng:

- Nếu là chồng thật thì phải biết trong cái hũ nào của vợ giấu một viêm kim cương. Chị vợ đâu mang hết hũ nhà chị ra đây!

Người vợ ngạc nhiên vì mình có giấu kim cương vào hũ bao giờ đâu, nhưng nghe lệnh của thỏ, chị cũng đành khuân hết các hũ nhà mình ra trước toà. Bấy giờ thỏ mới bảo rằng:

- Ai trong hai người không dùng tay, không được chạm vào hũ mà chui vào trong hũ ngậm được viên kim cương ra thì người đó chính là chồng người đàn bà này.

Nghe lệnh như thế, quỷ ta mừng lắm, bèn rùng mình, chui ngay vào hũ đầu tiên, thỏ ta bèn ra lệnh cho người chồng thật bịt ngay miệng hũ lại, mang vứt xuống sông. Quan toà ngơ ngác, thì thỏ cười mà rằng:

- Phải vứt nó đi thôi, giam nó vào hũ vì nó là yêu tinh. Chỉ yêu tinh mới có thể chui vào trong hũ. Thôi hai vợ chồng anh về nhà đi. Đừng chần chừ ở đây mà quan toà ác hơn cả yêu tinh lại cướp mất vợ của anh, thì thỏ tôi cũng đành bó tay không còn cách gì giúp nữa đâu.

Dứt lời thỏ nhảy tót vào rừng làm cho đám quan toà tức điên lên mà chẳng kịp làm gì cả...

Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu

Ngày đó trâu cùng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình rất tiện. Cũng nhờ thế, những gã mục đồng đối với trâu không dám đánh đập tàn tệ hoặc cho ăn thiếu thốn vì sợ trâu mách chủ.

Vào hồi đó có một người làm ruộng nuôi một con trâu cày, đồng thời cũng thuê một cậu bé để chăn con trâu ấy. Người và vật lúc đầu rất tương đắc. Nhưng sau rồi hai bên bất bình với nhau. Cậu bé này tính ham chơi, nhiều khi quên mất phận sự của mình làm cho trâu nhiều lúc chả được miếng gì vào bụng.

Có bữa vì say mê một cuộc đánh khăng hay đánh đáo, nhưng lại sợ trâu ăn lúa, cậu ta đã cột trâu lại một nơi không cho ăn. Những lúc đó, để che mắt chủ, hắn đã dùng một mẹo là lấy mo cau áp một lớp vào bụng con vật, rồi trát đất bùn ra ngoài. Cứ như thế, hắn dắt trâu về chuồng. Chủ nhà nhìn thấy bụng trâu căng lớn tướng thì tỏ ý hài lòng mà không căn vặn gì nữa. Nhờ mẹo ấy, cậu ta đã lừa được chủ nhiều lần nhưng cũng nhiều lần làm cho trâu rất tức tối.

Một hôm, cậu bé mải chơi quá. Hội khăng vui đáo để làm cho hắn quên mất cả. Nhưng trâu thì nhịn từ trưa cho đến chiều. Trâu gọi mãi, nhưng hắn ta nào có để ý đến. Buổi chiều hôm ấy trâu định mách chủ nhưng hắn khôn ngoan dùng lời lấp liếm không cho trâu có dịp mở miệng. Buổi sáng hôm sau, người chủ dắt trâu ra cày ruộng. Trâu cố làm ra bộ bước không muốn nổi. Chủ gắt:

- Nào có đi mau lên không. Đồ lười!

Trâu trả lời:

- Không phải lười mà tại đói.

Chủ hỏi tiếp:

- Thế nào? Ngày nào mà thằng bé chả cho mày ăn một bụng no căng.

Bấy giờ trâu mới vạch mặt:

- Cưỡi trâu ra đánh khăng đánh đáo, cưỡi trâu về nói láo trâu no. No gì mà no: trong mo ngoài đất sét, ỉa cái phẹt, hết no.

Sự giả dối của cậu bé chăn trâu vì thế bại lộ. Ngay buổi trưa hôm đó người chủ vừa lột những cái mo đầy bùn dưới bụng trâu vừa đánh cho hắn một trận mê tơi. Hắn đau ê cả người. Nhưng trâu thì rất hả hê và từ hôm đó ngày nào cũng được ăn no lại được tắm rửa sạch sẽ.

Qua mấy ngày sau, những chỗ bị đánh hãy còn sưng húp, cậu bé ngồi trên bờ ruộng giọt ngắn giọt dài. Trong khi đó trâu ung ung ăn cỏ. Bỗng dưng có một ông lão hiện ra sau lưng, hỏi cậu bé vì cớ gì mà khóc. Hắn chỉ vào trâu mà nói: "Tại nó cả. Vì nó mách chủ..." Đoạn hắn kể cho ông nghe hết đầu đuôi.

Ông lão nghe xong dỗ dành cậu bé và nói: "Ta rất thương con gặp phải chuyện không may. Bây giờ con muốn gì ta sẽ làm cho con vui lòng". Hắn đáp: "Vì nó biết nói làm cho con phải đòn. Bây giờ chỉ muốn làm thế nào cho nó không thể nói được nữa. ạng lão bảo: "Khó gì việc đó. Ta sẽ có phép làm cho con vừa ý".

Ông lão bèn rút trong người ra một cây hương đốt lên thư phù vào trâu, rồi bất thình lình ông lấy cây hương đó gí vào dưới cổ con vật. Trâu cố giãy giụa nhưng không kịp. Trâu kêu lên oai oái khản cả cổ. Tiếng nói của trâu dần dần mất hẳn. Cuối cùng, lúc nào muốn nói, trâu chỉ còn phát ra có mỗi một tiếng "nghé ọ..." mà thôi. Chỗ bị thương sau thành một cái sẹo như cái nốt ruồi, từ đó trâu không nói được nữa. Cả dòng dõi nhà trâu sinh ra cũng đều không biết nói và cũng đều mang cái nốt ở dưới cổ cho mãi đến ngày nay.

Bà Chúa Ngọc

Ngày xưa, ở xã Đại An gần cù lao Huân tỉnh Khánh Hòa có một đôi vợ chồng già không có con cáị Ông bà ở trong một căn nhà lá dựng bên vách núi, làm nghề trồng dưạ Năm ấy, đến độ dưa chín, sáng nào ra ruộng thăm, ông bà cũng thấy dưa bị hái trộm. Lạ một điều, chỉ có một quả dưa lớn nhất đẹp nhất là bị hái, nhưng kẻ trộm không ăn mà cũng chẳng mang đị Quả dưa còn nằm ở một chỗ trống, nhưng bưng lên đã thấy bị nẫụ

Thấy sự lạ, hai ông bà bèn bàn nhau cất công để ý rình. Rồi một đêm trăng sáng, họ đến nấp vào một bụi cây cạnh ruộng. Gần đến nửa đêm, bỗng đâu có cô gái trạc độ mười ba mười bốn tuổi tự nhiên hiện ra ở giữa ruộng dưạ Cô gái rón rén đi, nhìn ngắm từng quả dưa một, rồi sau đó, hình như đã chọn được quả ưng ý nhất thì cúi xuống hái lên. Cô ngắm đi ngắm lại mãi, rồi tìm ra một chỗ trống, tung quả dưa từ tay bên này sang tay bên kia, và cứ như thế, một lúc lâu, sau lại ôm lấy quả dưa mà ngắm nghía mãi không biết chán...

Đúng lúc ấy, từ chỗ nấp, hai ông bà chạy ùa cả ra, nắm ngay lấy tay cô gáị Còn cô gái, tuy không chạy trốn kịp nhưng cũng chẳng tỏ ra có chút gì sợ hãị Cô trả cho họ quả dưa, và khi được hỏi thì cô lễ phép trả lời: Cô là con nhà nghèo không còn cả cha lẫn mẹ, nhà cô ở cách đây rất xa và cô cũng chẳng nhớ được quê mình ở đâu nữa...

Thấy cô gái dễ thương, lại nghĩ mình không có con cái, nên ông bà bàn nhau nhận cô về làm con nuôi, rồi cả hai cùng nói với cô gái...

Còn cô gái, thấy cử chỉ, lời lẽ của hai ông bà đều chân thành thì cô im lặng lắng nghe và suy nghĩ, rồi sau đó nhận lờị

Cô theo họ về nhà. Sáng hôm sau, hai ông bà sửa lễ gia tiên, rồi hai bên chính thức nhận nhau là bố mẹ và con cáị Từ đấy trong ngôi nhà của họ, không khí vui vẻ đầm ấm hẳn lên. Hai ông bà hết lòng yêu thương chăm sóc cô, còn cô thì cũng rất mực yêu thương kính trọng bố mẹ.

Một hôm trời đổ cơn mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn tràn về mênh mang, khiến mọi người đều ở trong nhà không ai đi làm được cả. Bố mẹ cô, lẽ dĩ nhiên là rất lo lắng, mong sao cho nước mau cạn để cây cối khỏi bị chết úng, thì cô, do tính tình còn trẻ dại, lại thích nô đùạ Rồi cô xuống bên mé nước cậy đá lên, xếp chúng thành một hòn núi giả, lại đi tìm những cành lá gẫy cắm vào xung quanh, để chơi...

Thấy vậy, ông bà bực quá, nghĩ rằng con cái chẳng hiểu được lòng bố mẹ, bèn lên tiếng trách cứ rồi la mắng. Nào ngờ, cô gái thấy tủi thân quá, bèn lủi ra đầu hồi nhà, đứng khóc một mình. Một lúc lâu sau, nhân lúc bố mẹ không ai để ý, cô lại lén ra khỏi nhà, rồi men theo những dải đất cao, đi ra phía bờ biển. Cũng lúc ấy, dập dềnh bên mé nước có một cây gỗ kỳ nam, không biết trôi từ đâu đến. Cô gái còn khóc hồi nữa, rồi nhìn quanh nhìn quẩn, thấy mình hoàn toàn lẻ loi, cô đơn, cô bèn nhảy luôn lên cây gỗ, và một điều kỳ lạ xảy ra: Cô gái đã nhập thân vào cây gỗ. Cây gỗ dập dềnh ở đấy một lúc nữa, như có điều gì còn ghi nhớ và lưu luyến, rồi sau đó, theo sóng biển, trôi mãi lên phương Bắc...

Ông bà bố mẹ nuôi cô gái đang bận việc chẻ củi và may vá trong nhà, tưởng con khóc rồi chơi ở ngoài đầu hồi, nên cũng không để ý. Đến mãi sau, khi lên tiếng gọi thì chẳng thấy con đâu! Hai ông bà bèn nháo nhào đi tìm nhưng khắp chốn cùng nơi, cũng vẫn tuyệt âm vô tín. Nước lụt mênh mang như thế, lại đang cuộn chảy mãi ra biển, họ cho là con gái xảy chân đã trôi ra biển mất rồị Thế là ông bà gào thét, khóc than thảm thiết, sau đó làm lễ cúng chay cho con, và từ đấy trở đi, sống âm thầm, rầu rĩ cho đến cuối đời...

Còn cây gỗ kỳ nam, sau một hồi dập dềnh rồi trôi lên phương Bắc, và cứ thế trôi mãi... trôi mãi... Đến khi sóng lặng gió yên thì đã trôi được cả ngàn dặm đường và dạt vào bờ...

Một buổi sáng dân địa phương nọ ra bờ biển, vô cùng ngạc nhiên thấy có cây gỗ lạ rất đẹp trôi từ đâu đến. Họ bảo nhau mang thừng chão ra buộc vào rồi cùng kéo lên bờ, nhưng hàng trăm người xúm vào mà cây vẫn không nhúc nhích. Họ bèn đóng cọc ghim lại để tìm kế sách khác, và cũng từ đấy, dường như ngay tức khắc, tiếng đồn về cây gỗ kỳ lạ đã lan ra khắp cả vùng.

Hoàng tử ở phương Bắc bấy giờ vào tuổi kén vợ, đang đi chu du khắp chốn cùng nơi để tìm cho ra một người ưng ý. Khi đến vùng này, nghe chuyện cây gỗ kỳ lạ, chàng cũng tò mò tìm đến. Thấy cây gỗ đẹp thì có đẹp nhưng cũng không lớn lắm mà sao cả trăm người kéo không được thì chàng lấy làm lạ lắm. Cũng vẫn là tò mò, chàng xắn tay áo lên, bảo mọi người cho mình kéo thử một cái xem saọ

Chiều ý Hoàng tử, mọi người lui cả rạ Nhưng thật vô cùng bất ngờ, khi hoàng tử vừa cầm thừng co tay lại thì cây gỗ cũng lập tức chuyển động, rồi dần dần, theo sức kéo mà tiến vào bờ. Đến khi chạm đất, Hoàng tử kéo mạnh một cái nữa thì cây hoàn toàn đã nằm trên bãi biển.

Mọi người vô cùng phấn khởi, vỗ tay reo hò không ngớt. Xong xuôi, sau khi hỏi ý kiến dân làng, Hoàng tử cho quân lính đem cây gỗ về Kinh đô.

Về phía dân làng, tuy cũng có người còn tiếc rẻ, nhưng đa phần cho rằng, đưa cây gỗ về kinh là hợp lý hơn cả vì như vậy tất cả bàn dân thiên hạ sẽ đều được chiêm ngưỡng. Còn về phía Hoàng tử thì cũng chẳng có vui mừng nào hơn, chàng cho là có duyên cớ, bèn không tiếp tục đi tìm vợ nữa, mà cùng quân lính trở về kinh, cùng với cây gỗ.

Khỏi phải nói, khi về đến Kinh đô thì mọi người, mọi nơi nghe tiếng, nao nức tìm đến xem đông như thế nàọ Nhưng rồi sự kiện ấy cũng mau chóng qua đi bởi lẽ mọi người nhìn mãi rồi cũng chán, vì cây đẹp thì có đẹp nhưng chẳng thấy có biểu hiện gì là lạ lùng cả. Mà dân chúng cần là cần sự lạ lùng, xưa nay chưa từng có, chứ không phải là một cái cây đẹp.

Chỉ riêng có Hoàng tử, do chính tay mình đã chứng kiến và thực hiện được một điều kỳ diệu, nên còn giữ mãi trong lòng sự vui mừng và niềm mong đợị Khi mọi người đã xem chán xem chê, đến mức không còn ai thiết xem nữa, thì Hoàng tử mới sai quân lính đem cây về trước Đông cung để hàng ngày được nhìn ngắm và gần gũi với câỵ

Cây quả là đã có tình ý với Hoàng tử thật. Từ đó trở đi, mỗi đêm trăng sáng, Hoàng tử bỗng thấy trong thân gỗ bước ra một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, và cùng lúc, là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra theo mỗi bước chân của nàng.

Mê mẩn trước người đẹp, Hoàng tử vội vàng chạy tới, nhưng lần nào cũng vậy, hễ cứ giáp mặt, là người con gái lại biến ngay vào trong thân gỗ.

Sau vài lần như thế, Hoàng tử đã nghĩ ra được một cách, cũng khá đơn giản chứ chẳng có gì ghê gớm lắm. Chàng cho mấy người lính hầu đứng nấp ở xung quanh, còn tự mình cũng nấp saÜn ở gần đấỵ Khi cô gái vừa xuất hiện thì Hoàng tử đã bước ra nắm chặt lấy tay nàng, và mấy người lính cũng lập tức khiêng cây gỗ đem dấu biến đị Hoàng tử bảo cô gái hãy vui lòng vì chàng mà ở lạị Cô gái e lệ cúi đầụ Thế rồi, ngay lúc đó chàng dẫn nàng đến trình với đức vua cha và hoàng hậu, kể lại hết đầu đuôi ngọn ngành, và xin cha mẹ hãy tác thành cho họ.

Nhà vua lắng nghe, rồi nói: "Được. Để xem", xong cho gọi thị nữ đưa nàng về phòng riêng, còn Hoàng tử thì trở về Đông cung.

Sáng hôm sau thiết triều, nhà vua cho triệu quan Thái bốc lại để bói xem điều lành điều gở thế nàọ Sau khi nghe tấu trình là quẻ đại phúc, nhà vua cả mừng rồi ngay sau đó, cho cử đại lễ để hoàng tử sánh duyên cùng cô gáị

Từ đó, cuộc sum vầy của đôi trai gái diễn ra thật vô cùng êm ả, hạnh phúc. Ba năm sau, họ sinh được một gái và một traị

Tưởng rằng cuộc tình duyên ấy sẽ mặn nồng mãi mãi đến lúc đầu bạc răng long. Nào ngờ Hoàng tử cũng là kẻ bạc tình, chỉ chung thủy được có mấy năm đầụ Khi vợ đã có con thì chàng ta đâm ra hay chơi bời chứ chẳng quan tâm được như trước. Nay rượu, mai cờ bạc, rồi đi dong duổi khắp nơi, không chú ý gì đến việc dạy dỗ con cáị Nàng đã nhiều lần khuyên can nhưng chàng vẫn chứng nào tật ấy, làm nàng rất chán nản. Vì vậy, ở trong hoàng cung, sống giữa nhung lụa, kẻ hầu người hạ không thiếu, mà nàng cảm thấy bơ vơ, rồi buồn tủi xót xa, chỉ muốn tìm cách bỏ đi, không chút luyến tiếc. Bởi vì con người ta vốn là vậy, nên dẫu là thần thánh, thì khi tình yêu đã hết, tất cả sẽ chỉ là vô nghĩạ

Thế rồi một hôm, nhân khi Hoàng tử bỏ đi chơi lâu ngày, nàng tìm thấy cây kỳ nam mà khi trước bọn lính đã đem dấu biệt. Nàng gọi hai con đến rồi đọc một câu thần chú, thế là cả ba mẹ con cùng nhập vào cây kỳ nam. Cây kỳ nam tự chuyển động rời khỏi hoàng cung rồi lăn xuống sông. Từ sông, kỳ nam dòng nước trôi ra biển. Biển lúc ấy bỗng nhiên nổi luồng gió tráị Và theo chiều gió, cây kỳ nam trôi mãi, trôi mãi... Cuối cùng trở lại biển phương Nam.

Đến đúng trước cù lao Huân thì gió lặng và cây kỳ nam dừng lạị Cây trôi vào sát mép nước. Từ thân cây, cả ba mẹ con bỗng chốc hiện ra, bước lên bờ, rồi trở về nhà cũ. Cả hai ông bà cha mẹ nuôi lúc ấy đều đã mất. Nhà vắng vẻ tiêu điềụ Ba mẹ con bắt tay ngay vào việc dọn dẹp sửa sang cửa nhà, lập bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi cùng làm ăn sinh sống với dân làng. Từ đấy trở đi, quê hương, vùng cù lao Huân mỗi ngày một thêm ấm no, trù phú. Thế rồi đến một hôm, giữa lúc trời quang mây tạnh, trước sự chứng kiến và ngạc nhiên của mọi người, cả ba mẹ con cùng bay vút lên trời...

Ở phương Bắc, Hoàng tử đi chơi về thấy vợ con mất tích. Tìm cây kỳ nam ngày trước thì cũng chẳng thấy đâụ Chàng hối hận vô cùng, lòng tự nhủ lòng sẽ tìm ra bằng được ba mẹ con, dẫu có phải đi xuống tận địa ngục.

Khi xưa, lúc ở bờ biển chàng có nghe dân chúng nói cây gỗ này trôi từ biển phương Nam lạị Thế là Hoàng tử vào từ biệt vua cha và hoàng hậu, rồi cùng một số gia nhân, binh lính và thủy thủ xuống thuyền, dong buồm vượt biển hướng về phương Nam.

Khi thuyền vừa đúng đến cửa Đại An thì bỗng đâu một trận cuồng phong dữ dội nổi lên. Thuyền đắm, cả Hoàng tử cùng gia nhân thủy thủ đều chìm sâu xuống đáy nước. Nhưng khi cơn bão tan thì tự nhiên biển ở chỗ ấy cũng nổi lên một mô đá nhỏ, vượt cao khỏi mặt nước. Trên mặt mô đá có những hình thù ngoằn ngoèo tựa như những hàng chữ nổị Từ bao đời nay, đã có nhiều người hay chữ và kiến thức uyên bác đi thuyền tới đó, nhưng chưa ai đọc được đấy là những chữ gì. Và có lẽ như thế nên có thể cho rằng, những điều bí mật của thiên cơ, chắc còn lâu người ở dưới trần gian mới có thể hiểu thấu được hết.

Ba mẹ con nàng tiên đã về trời, nhưng từ đó đến nay vẫn thường hiển linh ở các nơi gần xa quanh vùng cửa Đại An, vùng cù lao Huân, cù lao Yến. Vì vậy dân đi biển, đi đánh cá, đi tìm tổ yến vẫn thường bày lễ vật, thắp hương rồi hướng mặt lên trời cao cầu xin sự che chở, phù hộ độ trì của nàng tiên, mà từ đó trở đi được kính cẩn tôn xưng là bà chúa Ngọc.

Bà chúa Ngọc còn được gọi là bà chúa tiên hay Thánh mẫu Thiên Ya na, theo cách gọi của người Chăm pa, một dân tộc đã định cư lâu dài ở vùng đất nàỵ Từ Huế đến Nha Trang ở đâu cũng có điện thờ bà chúa Ngọc. Triều Nguyễn có sắc thượng phong cho bà là "Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần".

Tại Nha Trang có tháp lớn cao sáu trượng để thờ bà chúa Ngọc. Lại có cả những tháp nhỏ xung quanh để thờ Hoàng tử, hai người con và hai ông bà bố mẹ nuôị Bia đặt trong tháp lớn do chính tay quan đại thần Phan Thanh Giản thời Tự Đức soạn.

Trước kia, hàng năm triều Nguyễn đều ủy thác cho bộ Lễ về đây làm lễ quốc tế.

   

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề. Nhưng tính anh vốn hay thương người. Mỗi lần đánh được nhiều cá, anh thường đổi lấy gạo đem chu cấp cho những người túng thiếu mà anh gặp. Vì vậy người nghèo khổ trong vùng, ai cũng mến anh.

Ở Cao Bằng một thời gian, Triều lại dời sang đánh cá ở vùng Thái Nguyên. Ở đây, anh lại cứu giúp mọi người không tiếc sức. Một hôm, anh không được mẻ cá nào. Nhưng lúc về dọc đường, anh bỗng thấy một ông cụ đang nằm run rẩy dưới gốc cây. Động lòng thương, anh cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp vào người ông cụ.

Bẵng đi một dạo, một hôm anh đang buông chài giữa sông, bỗng nghe trên núi cao có tiếng đàn văng vẳng. Anh dừng lại nghe một cách say sưa. Qua ngày hôm sau, anh lại được nghe tiếng đàn trên núi như hôm qua. Hôm sau nữa, cũng từ trên ngọn núi cũ, tiếng đàn quen thuộc lại bay đến tai anh. Lấy làm lạ, anh vội thu xếp đồ nghề của mình, rồi tìm đường trèo lên núi, quyết tìm cho ra người gảy đàn. Lần theo tiếng đàn, anh vạch cỏ rẽ lau tiến bước. Cuối cùng, đến một bãi rộng, anh thấy một cụ già đang ngồi trên phiến đá. Ông cụ mải mê gảy đàn không biết có người tới gần. Triều nhận ra khuôn mặt cụ già này rất giống với ông cụ nằm ở gốc cây hôm nọ. Chờ cho bản đàn dứt hẳn, anh đến trước mặt hỏi:

- Thưa cụ, cụ là ai mà ngồi đánh đàn ở đây?

Ông cụ ngước mắt nhìn anh một cách âu yếm, rồi chỉ vào một phiến đá trước mặt, bảo:

- Ta ngồi đợi con đây! Con trèo núi có mệt lắm không? Con hãy ngồi xuống đây nghỉ một tí.

Triều đỡ chén nước ở tay ông cụ, đã nghe ông cụ hỏi:

- Con có nhớ ta không?

- Có - Triều đáp ngay - Cụ có phải là người nằm ở gốc cây đa đầu làng hôm nọ không?

- Đúng - Ông cụ trả lời - Hôm nọ, con đành chịu mình trần để nhường áo cho ta. Tấm lòng này thật là ít có. Nay ta muốn đền cho con một chiếc áo khác.

Nói xong, cụ cởi chiếc áo đang mặc quàng vào mình Triều rồi biến mất.

Từ ngày được áo của Tiên cho, Triều mới biết đấy không phải là chiếc áo thường mà là một bảo vật, có phép làm cho người ta tàng hình. Mỗi lần mặc áo, không một ai nhận ra có anh ở trước mặt. Triều mừng quá, từ đấy anh đi chu du khắp nơi. Anh thường mặc áo rồi tìm đến nhà bọn giàu có, đường hoàng đi vào tận buồng chúng, lấy gạo tiền cho những người nghèo. Anh kín đáo trị tội những kẻ bất lương, bạc ác. Có những người vì quá cơ cực đang nằm lả bên vệ đường mà thở than thì bỗng thấy có những quan tiền trước mặt. Có những tên quan đang nọc người ra đánh giữa công đường thì chính hắn bỗng bị quất vào lưng đau quằn lên, nhưng ngoảnh lại thì vẫn không hề tìm thấy ai. Nhiều sự việc giống nhau xảy ra, làm cho lời đồn đại lan khắp cả một vùng. Người lo, kẻ mừng, nhưng ai cũng tin rằng Trời Phật đã có con mắt.

Cứ như thế Triều đi khắp nơi và giúp đỡ người cùng khổ. Một hôm, anh tìm đến đất kinh kỳ. Mặc áo vào, anh tha hồ đi đó đây cho thoả mắt. Hết vào nhà bọn quyền quý, anh lại vào cung cấm là nơi từ xưa không một người nào như anh dám bước chân đến. Thấy người nghèo khó nhan nhản khắp phố phường, anh lẻn vào kho tàng nhà Vua lấy của ra phân phát cho họ. Vì thế kho công luôn luôn bị hao hụt, nhưng không một ai tìm ra thủ phạm cả. Trong khi đó thì khắp kinh đô đồn ầm lên rằng có một vị Tiên thường cứu giúp những người đói khổ và trừng trị những tên gian tà. Ở đâu Tiên cũng có mặt, nhưng lại không "xuất đầu lộ diện" bao giờ.

Về phía Triều, anh vẫn ngày ngày làm công việc cứu giúp dân nghèo, coi đây là phận sự của mình, mà không hề băn khoăn đến chuyện báo đáp. Anh đã làm cho bọn giàu sang xiết bao sợ hãi, lo lắng khi thấy tiền của chúng tự nhiên không cánh mà bay, mặc dầu trong nhà ngoài ngõ đều có người canh gác cẩn mật.

Nhưng một hôm, sau khi trừng trị một tên quyền quý ỷ thế đánh người, anh vội lẻn ra khỏi nhà hắn ngay vì thấy kẻ hầu người hạ của hắn nghe tiếng động đổ xô tới rất đông. Giữa lúc vội vàng, anh vướng vào một chiếc gai tre ở bờ giậu làm cho chiếc áo toạc mất một miếng. Sợ rằng để vậy có thể bị lộ nên anh đã dùng một mụn giẻ vá lại. Sau đó, hàng ngày anh lại vào kho nhà Vua tiếp tục phận sự của mình.

Từ ngày thấy kho luôn bị hao hụt, nhà Vua hết sức lo lắng. Vua hạ lệnh cho bọn quan coi kho phải tìm bắt cho kỳ được tên trộm bí mật, nếu không sẽ trị tội không tha. Bọn này nhiều phen cố sức rình mò nhưng chỉ hoài công vô ích. Tiền bạc trong kho cứ vơi dần mà chúng vẫn không tìm ra dấu vết gì đáng kể. Sau cùng, chúng sai thửa một kiểu bẫy lưới rất nhạy để chụp vào những nơi mà chúng nghi ngờ.

Hôm ấy, bọn quan coi kho bỗng thấy có một con bươm bướm trắng ngoài cổng bay vào kho. Bướm bay đi dạo lại những đĩnh bạc trắng xoá, rồi bướm lại thủng thỉnh bay ra. Lập tức chúng chụp ngay lưới xuống chỗ có bướm. Và thế là Triều bị bắt. Chỉ vì miếng vải vá vào chiếc áo tàng hình khiến anh bị lộ. Bắt được Triều, bọn quan coi kho mừng lắm, liền giải anh lên Vua. Vua sai bỏ ngục để chờ xét xử.

Hồi ấy, có ông Vua một nước láng giềng từ lâu vẫn nuôi ngầm mưu mô đánh chiếm nước ta. Giữa lúc Triều bị hạ ngục, thì hàng vạn binh mã của nước láng giềng cũng đang ùn ùn kéo sang. Nhà Vua đã cho quân đội ra chống giữ, nhưng đánh trận nào thua trận ấy, không sao ngăn cản được kẻ địch tiến như vũ bão. Tình hình bỗng trở nên nguy ngập. Tin cấp báo từ biên giới một ngày đưa về không biết bao nhiêu chuyến ngựa trạm, làm cho kinh đô nháo nhác. Nghe được tin này, Triều liền bảo quan coi ngục tâu Vua cho mình được đi dẹp giặc cứu nước. Nhà Vua mừng quá, vội sai tháo xiềng cho anh, và gọi anh đến hỏi:

- Nhà ngươi cần bao nhiêu binh mã?

- Tâu bệ hạ - anh đáp, chỉ cần một mình tôi cũng có thể đuổi được giặc dữ. Chỉ xin bệ hạ cho tôi một thanh gươm.

Vua liền cởi gươm của mình trao cho Triều và phong anh là Hộ quốc tướng quân, Vua còn ra lệnh cho quân đội phải tuân theo lệnh anh.

Trước ngày lên đường, những người nghèo khổ nghe tin anh được tha và phong tướng đi đánh giặc, đều tìm đến cảm ơn và tình nguyện đi theo. Triều cho sắp xếp thành đội ngũ và cùng kéo nhau lên đường.

Lúc đến vùng quân giặc đang chiếm đóng. Triều mặc ngay chiếc áo tàng hình vào người đi thẳng vào trại giặc. Chỉ một lát sau, anh chém chết tên chỉ huy toán quân tiên phong. Bọn giặc mất tướng như rắn không đầu, bỏ chạy tán loạn. Những người đi theo Triều chỉ việc chia nhau đón khắp các nẻo tóm cổ đưa về. Đến những trại khác của giặc, Triều cũng làm như vậy. Không bao lâu cả đội tiên phong tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống, không sót một tên. Các đội quân khác còn lại kinh hoàng, cho là bên phía Đại Việt có vị thần thiêng trợ chiến nên bao nhiêu tướng tài của mình đều bị chém đầu. Thấy quân sĩ ngã lòng, tên Vua láng giềng đành hạ lệnh rút lui. Từ đấy biên giới lại vô sự. Khắp nơi ai nấy ca ngợi công lao của Triều.

Lúc Triều kéo quân khải hoàn, Vua khen ngợi anh hết lời. Vua phong cho anh làm quan đại thần, cắt đất đai huyện cho anh ăn lộc, lại gả con gái cho anh làm vợ. Từ đấy người ta quen gọi anh là Quan Triều. Ngày nay ở Cao Bằng có đền thờ Quan Triều.

Gốc tích tiếng kêu của vạc, cộc, dủ dỉ, đa đa và chuột

Xưa Cò, Vạc, Cộc, Dủ dỉ và Đa đa ăn ở với nhau như anh em một nhà. Chúng nó sống một cuộc đời sung sướng và hòa thuận. Con nào con ấy đều có nhà cửa, ruộng đồng riêng, nhưng mỗi khi kiếm được món gì ngon như mớ cá, rổ tép... trong đồng của mình thì chúng thường chia nhau ăn rất vui vẻ, tử tế.

Không ngờ một ngày kia chúng nó rủ nhau đánh bạc. Trước còn đánh một đồng, hai đồng nhưng sau ăn thua lớn. Trong cuộc bạc hôm ấy, Cò vơ tất cả. Cuối cùng cả mấy con kia phải vay nợ của Cò để gỡ gạc, nhưng chúng chỉ "gỡ vào" mà thôi. Hơn nữa, Cò âm mưu với Chuột viết vào văn tự nhiều hơn số tiền bọn họ đã vay. Vì không biết chữ, không ngờ bị Chuột làm gian nên hầu hết tài sản của Vạc, Cộc, Dủ dỉ và Đa đa đều thuộc về tay Cò cả.

Thua cay hơn hết là Đa đa. Cờ bạc đến lúc "khát nước" nó bèn đánh những tiếng rất táo bạo. Vì thế, đến lúc phủi áo đứng dậy, Đa đa đã gán hết từ ruộng đồng cho đến nhà ở của mình cho Cò. Ngay buổi sáng hôm sau, Đa đa trần như nhộng, phải bán xới đi kiếm ăn ở miền núi cao. Dủ dỉ không thua quá nhiều như Đa đa. Nhưng Chuột đã chơi cho nó một vố khá đau. Trong văn tự, Chuột đã viết là Dủ dỉ sẽ gán tất cả phần đồng điền của nó nếu quá hạn không trả được nợ.

Vì thế đến hạn, Dủ dỉ mất hết cả ruộng đồng, chỉ còn lại cái nhà ở. Từ đó nó phải ngày ngày đi làm thuê làm mướn kiếm ăn rất cực khổ.

Còn Vạc chỉ thua có ba mươi quan. Nhưng khi nhờ Chuột làm giấy hộ, Chuột đã viết con số ba thành con số chín. Cho nên cuối cùng Vạc cũng mất gần hết phần ruộng đồng của mình cho Cò. Nhưng Vạc vốn không sợ Cò. Không dám kiếm ăn công khai thì Vạc ta lại kiếm ăn lẩn lút trên đồng đất của Cò. Đêm đến, chờ khi Cò về nhà nghỉ ngơi, Vạc mới mò ra đồng ăn trộm con tôm cái tép. Nhờ thế cũng đủ sống qua ngày.

Riêng Cộc cũng thua cháy túi như Đa đa. Cuối cùng vốn liếng còn lại chỉ mười quan định để dành đong gạo, nhưng máu mê cờ bạc xui nó đánh luôn một tiếng vào cửa lẻ. Khi mở bát ra thì bốn đồng tiền trắng xóa làm cho Cộc sững sờ, rồi ngất đi. Cho đến khi những con khác gào vào tai: "Thua rồi, ớ Cộc!" thì nó mới tỉnh dậy, và vì xấu hổ quá nên đâm đầu chạy miết, không ngoái cổ lại.

Còn Cò nhờ cuộc bạc hôm ấy lại nhờ khóe gian của Chuột, nên làm chủ đồng ruộng mênh mông. Hàng ngày nó bay hết đồng này sang đồng khác ăn uống thỏa thích. Từ đó, dòng dõi của Cò thong dong đi lại kiếm ăn ban ngày. Người ta bảo "ruộng cò bay thẳng cánh" là thế. Trên đầu nó có mấy cái lông "seo" người ta vẫn gọi là "cò văn tự", để chỉ những khế tự giấy tờ của nó mang theo luôn luôn bên người.

Dòng dõi Vạc thì chờ lúc tắt mặt trời mới rúc ra khỏi bụi tre và kêu luôn mồm: "Thua một vác! Thua một vác!". Trời chưa sáng, chúng nó đã lò mò về tổ, chỉ sợ dòng dõi nhà Cò bắt gặp.

Dòng dõi của Dủ dỉ thường kêu những tiếng ai oán: "Đông Tây tứ chi bán hết! Mần như ri cực cực! Mần như ri cực cực!".

Dòng dõi nhà Đa đa thì không dám trở về quê hương đồng ruộng nữa. Tuy thế, chúng nó vẫn kêu lên những lời tỏ ý tiếc nhớ đời sống sung sướng ở đồng ruộng của cha ông chúng ngày trước: "Tiếc rổ tép đa đa! Tiếc rổ tép đa đa!".

Dòng dõi Cộc thì thỉnh thoảng lại gào lên mấy tiếng: "Thua rồi, ớ Cộc!" rồi đâm đầu xuống nước, lặn một mạch thật xa mới trồi đầu lên tìm chỗ vắng mà đậu.

Còn chuột, người ta bảo trong việc làm gian lận nói trên, nó chả được lợi lộc gì cả. Dòng dõi của nó ngày nay sống trốn tránh lẩn lút chỉ sợ con cháu Vạc và Dủ dỉ báo thù. Miệng vẫn kêu mấy tiếng: "Chín chục! Chín chục!".

Tục ngữ có câu:

Con vạc bán ruộng cho cò,

Cho nên vạc phải ăn mò cả đêm.

Hay là:

Vạc sao vạc chẳng biết lo,

Bán ruộng cho cò, vạc phải ăn đêm.

Sự tích củ mài

Xưa có một gia đình rất đông con, đông đến nỗi bố mẹ không nhớ hết được tên từng đứa. Người chồng tên Đang, người vợ tên Phang. Tuy đông con như thế, nhưng hai vợ chồng nhờ phát được nhiều nương và vỡ được nhiều ruộng, nên đời sống không đến nỗi túng thiếu.

Gặp năm trời hạn mất mùa, bao nhiêu lúa giống của hai vợ chồng để dành cho mùa sau đều bị bọn lang đạo cướp hết. Hai vợ chồng phải vào rừng tìm rêu đá, lá cây về cho các con ăn, nhưng kiếm bao nhiêu cũng không đủ; suốt ngày lũ con cứ gọi bố mẹ. Và kêu:

- Đói lắm, bố mẹ ơi !

Hai vợ chồng thưong con, biết rằng rêu đá, lá cây không phải là món ăn có thể thay cơm gạo lâu dài được, hai người cố đi xin người làng, kẻ cho một nắm, người vài bông lúa giống, và giấu các con, lên rừng phát rẫy tìa lúa trái mùa.

Ở nhà, đàn con đói quá, kéo nhau ra rừng tự kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, nhưng đến đêm chúng lại về kêu đói suốt đêm:

- Đói lắm, bố mẹ ơi !

Trong rừng khuya, nghe tiếng đàn con vọng tới, hai vờ chồng lòng đau như cắt. Hai vờ chồng thay nhau nói vọng về cho các con yên lòng:

- Các con ơi! Lúa đang nãy mầm.

Khi lúa đã ken xanh, họ lại gọi vọng về:

- Các con ơi! Lúa đã lên xanh.

Đến ngày lúa chín, thì hai vợ chồng kiệt sức nhưng khi nghe tiếng đàn con kêu đói thì hai người lại cố gắng nói to lên cho các con nghe:

- Các con ơi! Lúa đang chín...

Và khi mẻ gạo đầu tiên vừa giã xong thì hai vợ chồng liền đồ ngay một chõ xôi lớn, chia ra từng nắm một, rồi đem ngay xôi về nhà cho các con. Nhưng khi đến nhà thì họ không thấy bóng một đứa nào. Trong khi ấy, thì từ rừng sâu lại vọng ra những tiếng:L

- Đói lắm, bố mẹ ơi!

Tủi cực quá, hai vợ chồng gượng khiêng rá xôi vào rừng, nhưng không gặp đứa con nào cả. Trong khi ấy thì rừng cây trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải vẫn vọng ra tiếng kêu xé ruột:

- Đói lắm, bố mẹ ơi!

Lúc này thì sức hai người đã kiệt. Họ không thể theo tiếng vọng của rừng núi mà đi tìm con được nữa. Hai người đặt rá xôi xuống và cố sức gọi:

- Các con ơi! Ra đây với bố mẹ mà ăn xôi.

Tiếng gọi vừa dứt, thì một đàn chim từ các ngả bay đến đậu đầy cả khu rừng. Chim hót:

- Bang! Bang! Bang! Bang! Chúng con ăn quả đã quen; còn xôi xin nhường bố mẹ!

Bấy giờ hai vợ chồng mới biết đàn con của mình vì đói quá nên hóa chim mất rồi. Già yếu, đói khổ, lại thương xót đàn con đã hoá chim, hai vợ chồng gục đầu vào rá xôi mà chết.

Thấy bố mẹ chết thảm quá, đàn chim kêu vang cả khu rừng , rồi chúng lấy những nắm xôi đắp mộ cho bố mẹ.

Về sau, chổ mộ hai vợ chồng Đang, Phang mọc lên một cây rất lạ: Trên là cây, dưới là củ. Củ có màu trắng và khi luộc chín thì thơm dẻo như xôi. Đó là củ mài. Người ta nói rằng vợ chồng nghèo khổ ấy đã hoá ra củ mài đề cứu những con người cùng cảnh ngộ như mình. Còn lũ con của họ thì hoá thành chim "đang bang" thường kêu vang cả núi rừng vào mùa lúa chín, để nhắc lại cảnh khổ cực của bố mẹ ngày xưa.

   

Cái vết đỏ trên má công nương

Ngày ấy có một ông thượng thư đầu triều nổi tiếng là người nghiêm khắc và hách dịch. Ông có tính nóng như lửa. Đã thế ông lại có quyền "tiền trảm hậu tấu" nên không khỏi giết oan một số người vô tội. Trong triều ngoài quận người ta coi ông như vị hung thần. Mỗi lần ông thét đao phủ chém một người nào, thì dù là kẻ thân thiết nhất cũng không ai có thể can được, cho nên những người ở gần đều sợ ông như cọp.

Ông thượng có một sở thích đệ nhất là món hát bội. Ngày ấy chưa có rạp tuồng bán vé cho công chúng vào xem như sau này, cho nên các nhà quyền quý thường nuôi gánh hát riêng. Chẳng những ông thích xem hát mà còn tự tay biên soạn nhiều vở tuồng, vì vậy ông cũng có một gánh hát trong nhà. Trong số đào kép của gánh hát này thì có kép Châu là một tay xuất sắc. Kép Châu tuổi trẻ tài cao, thường được người xem tán thưởng về hát hay múa dẻo, nhất là đám nữ giới mỗi lần thấy anh thủ vai chính trên sân khấu thì thường mê như điếu đổ về cả thanh lẫn sắc.

Ông thượng không có con trai, chỉ có một cô con gái rất xinh tên là Nhung. Cũng như thói thường của mọi nhà quyền quý khác, ông chăm dạy cho con mọi điều công, dung, ngôn, hạnh. Thấy con gái thông minh và tài hoa, ông yêu dấu rất mực. Đến nỗi hằng ngày hút thuốc, nếu không có thuốc do con ông quấn thì ông hút không ngon. Tuy nhiên, một việc oái oăm ông không bao giờ ngờ tới là cô Nhung được ông dạy dỗ chăm sóc là thế lại thầm yêu trộm nhớ kép Châu. Về phần kép Châu tuy biết thân phận hèn kém, tuy biết tính mạng treo đầu sợi tóc cũng không nỡ vô tình với công nương. Hai bên đã nhiều lần kín đáo gặp gỡ và cũng đã từng chỉ non thề biển, quyết sống chết có nhau.

Một hôm ông thượng ăn mừng thọ. Ngoài tiệc tùng đãi khách như thường lệ, còn có một đêm hát bội đặc biệt diễn một vở do ông biên soạn. Thủ vai chính không có ai khác ngoài kép Châu. Trong khi đào kép đang cố gắng trổ tài trên sân khấu thì ông thượng chăm chú cầm chầu. Hứng thú, ông đốt hết điếu này sang điếu khác. Bỗng chốc số thuốc quấn sẵn đựng trong một cái hộp bằng vàng đã hết nhẵn, ông bèn sai lính hầu vào bảo công nương quấn tiếp cho ông mười điếu nữa. Nhưng tên lính hầu đi quá lâu làm cho ông sốt ruột. Cho đến khi hắn bưng được hộp thuốc vào, ông mắng ngay:

- Mày đi đâu mà lâu thế?

Tên lính hầu đáp:

- Bẩm, vì công nương không có nhà nên con lại phải đi tìm, công nương vừa quấn xong là con mang đến đây liền.

Ông thượng không nói gì. Nhưng khi cầm lên một điếu ông lập tức chau mày. Thuốc của con gái ông quấn bao giờ cũng khéo: vừa gọn vừa chặt bằng giấy quyến tinh khiết, mười điếu không sai một. Đằng này đã quấn lỏng lại có nhiều vết bẩn. Bực mình, ông quát tên lính hầu:

- Vào gọi công nương mày tới đây tao bảo.

- Dạ.

Ấy thế nhưng lần này tên lính hầu cũng lại đi mất hút. Đợi một thôi một hồi, ông mới thấy cô con gái yêu đến. Ông mắng phủ đầu ít câu về điếu thuốc quấn không thành điếu, rồi đuổi con ra. Nhưng khi cô Nhung lui gót, ông vừa nhìn theo chợt trông thấy trên má của con có một cái vết đỏ. - "Hừ, làm sao nó lại có vẻ nhem nhuốc thế kia". Nghĩ thế, song ông vẫn để tâm trí vào trống chầu.

Giữa lúc ấy, đến lượt kép Châu bước lên đài. Ông thượng liếc nhìn thấy bộ mặt hóa trang của hắn cũng nhem nhuốc, nhợt nhạt, thì ông bỗng đoán ra nông nỗi. Một cơn giận bừng bừng bốc lên: - "Chà thằng này láo thật. Đồ xướng ca vô loài". Rồi ông lại nghĩ đến con gái: - "Không ngờ con gái ta lại đâm ra mê say nó, giở trò trên bộc trong dâu. Không thể tha thứ được!". Tuy nghĩ vậy, ngoài mặt ông vẫn điềm tĩnh, tay vẫn đánh trống chầu không nhầm lỗi.

Khi màn bắt đầu hạ để chuyển sang một cảnh khác, lập tức ông đứng dậy dõng dạc truyền lệnh:

- Quân đâu, dẫn kép Châu ra sân, chém đầu!

Tiếng quân hầu dạ ran. Các quan khách và mọi người đang xem hát ai nấy đều ngơ ngác kinh hồn. Chẳng ai hiểu duyên cớ vì đâu mà có cái án tử hình đột ngột này. Đây đó tiếng người thì thầm: - "Có lẽ nó đã làm điều gì đó hỗn xược với cụ lớn". Hay là: - "Chắc tên kép ấy đã phạm "húy" cụ lớn hay là phạm "húy" hoàng đế thì phải".

Trong khi kép Châu còn nguyên cả y phục tuồng bị đao phủ lôi ra sân, thì cô Nhung vẻ mặt hốt hoảng chạy tới trước ghế của cha mình ngồi thụp xuống vái lấy vái để:

- Trăm lạy cha, xin cha tha cho anh ấy. Có giết xin cha cứ giết mình con đây!

Nghe câu nói, ông thượng vẫn không động lòng, mà lại còn cảm thấy như bị thách thức. Trợn mắt, ông quát:

- A, nếu thế thì quân bay hãy cởi trói cho kép Châu mà bắt giải công nương ra chết thế.

Bọn quân hầu nhìn nhau toáng đảm, không ai dám cất tay động chân. Ông thượng đứng bật dậy quát:

- Chúng mày đã nghe rõ lệnh ta chưa?

Lại có tiếng dạ ran. Lính hầu xúm lại dẫn cô Nhung đi ra sân. Không có một lời can ngăn. Không một ai nhúc nhích. Một lát sau, một tiếng rú của công nương bật lên ai oán, rồi tất cả rơi vào im lặng.

Bấy giờ ông thượng quay lại phía bọn đào kép đang chúi vào một xó nhắc: - "Chúng mày hãy diễn tiếp đi!".

Tiếng đàn, nhị, trống, chiêng,v.v. thốt nhiên lại cất lên. Người xem tuy chẳng còn hứng thú xem tiếp, nhưng không một ai dám bỏ chỗ ngồi ra đi. Ông thượng miệng vẫn hút thuốc, tay vẫn nắm lấy dùi trống chầu như không có việc gì xảy ra. Màn diễn đến đoạn cuối: vai chính sẽ than thở bên xác người yêu. Kép Châu lại bước lên đài, mặt cắt không được giọt máu. Anh hát những câu hết sức buồn thảm, anh khóc thật và tỏ điệu bộ não nùng chưa bao giờ làm rung động người xem đến thế. Cứ như vậy, tiếng than khóc mỗi lúc một ai oán. Cho đến câu hát cuối cùng vừa dứt, kép Châu kêu lên mấy tiếng thảm thiết không có trong vở:

- Em ôi! Em hãy đợi anh với!

Đoạn rút trong tay áo một con dao găm đâm ngay vào cổ họng và ngã lăn xuống khán đài. (1)

o O o

Khảo dị

Truyện này gần như là một truyện thuộc loại muộn nhất của cổ tích, đã mang dáng dấp truyện ngắn hiện đại. Mặc dầu vậy nó cũng có dị bản, nhưng kết cục của dị bản lại không bi đát như truyện trên:

"Trong nhà một ông tuần nọ có nuôi một gánh hát riêng. Trong số diễn viên cũng có một kép trẻ tuổi đẹp trai hát hay, lôi cuốn được nhiều người, nhất là giới phụ nữ. Cũng như truyện trên, kép ta lọt vào mắt xanh con gái ông tuần. Thế rồi mối tình thầm lén ngày một nảy nở. ở đây không có cái vết đỏ trên má cô nàng, mà là bức thư tình của cô do một bạn đồng nghiệp của kép lấy trộm đưa tới ông tuần. Cơn thịnh nộ của ông bùng lên, ông tuốt kiếm bảo người đi tìm kép dẫn đến cho ông tức khắc. Nhưng kép lại vắng mặt lúc đó, nên kết thúc của truyện mang đôi chút hài hước. Trong khi chờ đợi tội nhân, ông cho giam con gái lại; thấy đôi hia đế cong của kép, ông dùng kiếm băm vằm như băm vằm người thật để hả cơn giận. Cơn giận dịu đi trông thấy. Đến chiều, theo dự định, vở tuồng "Từ Thứ quy Tào" sẽ diễn mà vai chính Từ Thứ thì ngoài kép ra không ai có thể thay được. Nhưng, kép ta có lẽ vì sợ vẫn chưa về mà nếu về cũng không có hia để đóng. Cuối cùng, ông tuần bảo người nhà đi mua một đôi hia khác và giục đi tìm kép về gấp để cho vở tuồng không bị hoãn lại. (2)

Chồng xấu, chồng đẹp

Truyện cổ dân tộc Dao

Chuyện cổ của người Dao kể rằng, xưa kia có một ông vua sinh được ba người con gái xinh đẹp. Có nhiều quan võ đến xin làm rễ. Nhưng người nào cũng không được các cô ưng thuận. Một hôm vua gọi ba người con gái lại và phán rằng:

-Trong triều, quan tài tướng giỏi có nhiều nhưng ai hỏi các con cũng không chịu lấy. Từ nay cha để các con tùy ý kén chọn, thuận ai thì lấy người ấy làm chồng.

Ba cô vâng lời, mỗi người đóng một cái mảng, chở xuôi theo dòng sông, đi kén chồng.

Nàng Cả đi được một quãng thì gặp một chàng trai đứng ở bờ sông, vẫy tay gọi mình:

- Nàng chở máng kia ơi, ghé vào cho tôi sang nhờ với!

Thấy người ấy đen đủi, đen thui, xấu xí. nàng Cả bĩu môi:

- Ôi chao! Xấu xí thế, ai thèm chở.

Nói đoạn, đi thẳng.

Nàng Hai chở máng tới nơi, chàng trai lại gọi:

- Nàng chở máng kia ơi, ghé vào cho tôi sang nhờ với!

Nàng Hai nhăn mặt:

- Xấu xí thế, ai thèm chở.

Đến lượt nàng Ba. Mảng vừa trôi tới, chàng trai cũng cất tiếng xin chở giùm. Nàng Ba vui vẻ ghé mảng vào bờ, mời người đó lên. Chàng trai vừa bước lên mảng, bổng biến thành con cọp vằn ngồi chiễm chệ đằng trước. Nàng Ba vẫn vui vẻ. Nhưng nàng ra sức khỏa nước nhưng thuyền vẫn đứng yên, không nhúc nhích.

Nàng Cả và nàng Hai xuôi mảng, mỗi nàng tìm được một người chồng xinh đẹp, thích lắm, ngược sông trở về. Tới chổ cũ, hai nàng thấy em mình loay hoay giữa dòng, trên mảnh lại có con cọp ngồi chồm chổm, bèn chế nhạo:

- Chồng người không lấy, quanh quẩn ở đây lấy chồng cọp à?

Hai người chị vừa nói, vừa gắng hết sức chở chồng đẹp về nhà. Tiếng nói vừa dứt, thì mảng của nàng Ba tự nhiên rời bến, bơi vượt lên trên, lướt vun vút như có cánh bay.

Về đến nhà hai người chị vào cung tâu với vua cha:

- Hai chúng con xuôi mảng, kén được chồng đẹp, còn em Ba ngại đi xa, nên lấy ngay phải chồng cọp rồi!

Vua nói:

- Cha đã cho các con tự ý đi tìm chồng, ưng thuận ai thì lấy người ấy. Nay nàng Ba đã lấy phải cọp, thi cọp cũng là chồng.

Hai nàng cười lui ra.

Một hôm, vua gọi ba rễ vào bảo:

- Trâu, ngựa, bò, lợn ta thả ở trong rừng. Rể nào lùa được chúng vào chuồng mình, rể đó là người làm ăn giỏi, ta sẽ thưởng cho số gia súc đó.

Hai chàng rể xinh đẹp sai gia nhân vào rừng làm mỗi người một cái chuồng thật đẹp rồi đi vào rừng. Hai chàng ngợp mắt trước đàn gia súc của nhà vua, nhưnh không biết cách nào lùa chúng vào về chuồng mình. Họ vác gậy hò hét, rượt đuổi. Nhưng hai chàng đuổi ở đầu núi này, thì đàn gia súc chạy sang núi nọ, toát mồ hôi mà vẫn không lùa chúng về được.

Trong khi đó rể Cọp, hì hục vác gỗ to cọc lớnm quây một vùng đất rộng làm chuồng. Hàng rào của chàng tuy xấu nhưng chắc chắnm bên trong lại rộng. Chiều tối, khi hai người anh đã mệt lữ, Cọp mới lững thững bước đi vào rừng. Lạ thay, vừa trông thấy cọp, tất cả trâu, bò, ngựa, lợn của nhà vua ngoan ngoãn theo chàng về nhà.

Thấy vậy, hai chàng rể chạy về tâu vua:

- Hai chúng con có chuồng đẹp, chẳng biết sao đàn gia súc không một con nào chạy vào đó cả. Trâu, bò, ngựa, lợn đi vào chuồng xấu xí trơ trọi của em rể Cọp hết rồi.

Nàng Cả, nàng Hai tức tối:

- Trâu, bò, ngựa, lợn không được thì thôi, chồng đẹp mới quý!

Vui nói:

- Rể Cọp làm ăn giỏi xứng đáng lấy được nàng Ba.

Từ đó, vua rất quý Cọp.

Đến ngày sinh của vua cha, rể cọp bảo vợ:

- Hôm nay là ngày sinh của vua cha, để tôi đi lấy ít cá về làm cơm cho cha ăn.

Hai chàng rể người thấy Cọp đi lấy cá cũng đi theo. Ra đến suối, cả ba chung nhau một cái chài. Hai người anh tranh lấy chài, đòi quăng chài trước. Nhưng họ sợ ướt quần áo đẹp, chỉ lội quanh quẩn ở chổ nước nông nên không được lấy một con cá nhỏ. Họ bèn đưa chài cho Cọp và bảo:

- Chú Cọp làm ăn giỏi, hãy quăng thừ xem có được nhiều cá không?

Cọp xách chài lội ra chỗ vực sâu, lấy cành cây vỗ vỗ vào mặt nước dồn cá vào một chỗ rồi quăng tỏa chài xuống đó. Một lát, Cọp kéo chài lên, bắt được vô khối cá. Cọp quăng liền mấy tay chài, được một mẻ cá đầym gánh về cho vợm dặn:

- Mình đem cá này làm cơm mời vua cha. Tôi có việc đi vài ba ngày. Khi nào thấy mưa to gió lớn là tôi về đấy.

Nói xong, rể Cọp chạy ra bờ sông, nhảy tùm xuống nước biến mất.

Hai chàng rể kia thấy vậym hớt hải chạy về báo với vua cha:

- Rể Cọp ngã xuống sông chết rồi.

Vua thương tiếc cọp lắm.

Còn rể Cọp, sau khi xuống nước , chàng trút lốt da trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mặc quần áo đẹp, lên ngựa về nhà.

Lúc ấy, trời mưa to gió lớn, sấm chơp đùng đùng. Mọi người thấy một chàng trai da trắng, cưỡi con ngựa từ xa đi lài. Biết là chồng mình, nàng Ba vui mừng chạy ra đón. Bấy giờ mọi người biết đó là Cọp, vô cùng kinh ngạc. Ai cũng trầm trồ ngắm nghía. Riêng hai người chị vừa tức vừa xấu hổ.

Chàng Cọp đón vợ về nhà. Khi hai vợ chồng vừa đến nơi, căn nhà bỗng biến thành một toà nhà nguy nga tráng lệ, xung quanh có vườn, có ao, co nương, co ruộng. Hai vợ chồng Cọp ở khi nhà ấy, ngày ngày cùng nhau làm rương phát rẫy, sống cuộc đời đầm ấm, hạnh phúc. Họ nuôi được nhiều trâu, bò, ngựa, lợn. Đến mùa thì thóc lúa đầy vựa, đầy bồ.

Còn hai cô chị, tuy lấy chồng đẹp nhưng lại là những anh chàng lười nhác, chẳng làm được tích sự gì.

Quả bầu kỳ lạ

Tờ Chú (có nghĩa là anh đen) nghèo nhất làng. Họ nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có một con dao mẻ để phát nương, một cái thuổng để đào củ mài. Tờ Chú phải đi ờ cho chủ làng để lấy cơm gạo nuôi thân, nuôi mẹ.

Nhà chủ làng giàu lắm, trâu hàng đàn, voi hàng lũ, ruộng chim bay mỏi cánh, muông thú chạy chồn chân không hết. Tờ Chú không ao ước gì hơn ngoài mảnh ruộng, đám nương để cấy lúa, trồng ngô nuôi mẹ.

Một hôm Tờ Chú nói vơi chủ làng:

- Tôi không muốn ở thuê cho chủ làng mãi. Tôi muốn có một mảnh ruộng, một đám nương. Chủ làng có thể cho tôi một khoảng rừng để tôi phái nương, vỡ ruộng được không?

Chủ làng nghe chàng trai nói vậy, lắc đầu.

Nhiều lần Tờ Chú hỏi xin nhưng không lần nào chủa làng trả lời cả. Một hôm chủ làng đang uống rượu, Tờ Chú lại vào xin. Hắn bực mình chỉ lên dãy núi xanh xanh phía chân trời và nói:

- Thôi được, mày đã muốn thì tao cũng chẳng tiếc nữa. Nếu mày có sức thì cả dãy núi kia, tha hồ cho mày phát.

Nghe chủ làng nói thế, Tờ Chú sung sướng quá, vội chạy về báo tin cho mẹ biết. Mẹ khuyên:

- Con chớ nên đi, dãy núi hoang kia là chỗ ở của hùm beo, rắn rết. Con lên đấy sẽ bị chết mất xác. Rồi đây, ai thay con nuôi nấng, chăm sóc mẹ?

Tờ Chú an ủi:

- Mẹ không lo. Hùm beo con chẳng sợ, rắn rết con chẳng kinh. Chủ làng đã cho đất, nhất định con sẽ phát được nương, vỡ được ruộng.

Thấy con quả quyết, người mẹ cũng không can ngăn nữa. Sáng hôm sau, Tờ Chú từ biệt mẹ lên đường. Chàng cứ nhắm hướng núi xanh trước mặt mà đi. Đi mãi, suốt chín ngày, chín đêm liền không nghỉ, ngày thứ mười, Tờ Chú đến chân núi. Đó là một khu rừng rộng bạt ngàn, cây to cây nhỏ chen nhau kín mặt đất. Chàn dùng tay không bẻ gãy cây nhỏ, lấy đá đập đổ cây to. Qua chín ngày, chín đêm nữa, Tờ Chú đã khai phá được một khu đất rộng. Đến ngày thứ mười, anh bỗng thấy một con chim gõ kiến bay đến nói:

- Nghĩ tay một tý đã, Tờ Chú. Tôi có câu chuyện muốn nói vơi anh. Hãy để cho loài chim chúng tôi ít cây để làm tổ. Rẫy của anh đã dài hơn rẫy chủ làng rồi đó. Tôi bay rã cả cánh ra rồi mà vẫn không hết đám rẫy anh vừa phát.

Nghe chim gõ kiến nói, Tờ Chú ngưng tay không phát theo chiều dọc nữa. Chàng quay lại phát chiều ngang. Cũng đến ngày thứ mười thì chàng thấy một con nai vàng từ trong rừng chạy ra, nói:

- Rẫy của anh rộng gập đôi rẫy của chủ làng rồi. Tôi chạy đã mỏi cả gối mà vẫn không hết. Anh hãy dành chỗ đất cho loài thú chúng tôi.

Tờ Chú nghe lời nai, ngừng tay. Đúng là rẫy của chàng bề dài hơn rẫy của chủ làng, bề ngang rộng hơn rẫy chủ làng. Từ nay, gia đình chàng sẽ có ngô, lúa. Tờ Chú đập đá lấy lửa đốt rẫy. Xong việc, chàng về bản lấy thóc giống lên gieo. Nhưng khi về đến nhà, bao nhiêu thóc giống, mẹ chàng đã ăn hết cả rồi. Chàng hỏi vay các nhà trong bản, nhưng chẳng ai còn thóc cho chàng vay. Cùng đường, Tờ Chú phải đến nhà chủ làng vay thóc giống. Tên chủ làng nham hiểm cho chàng vay loại thóc đã luộc chín rồi. Tờ Chú không biết cứ mang lên rẫy gieo. Không thấy lúa mọc, chàng lại đến nhà chủ làng vay lần nữa. Chủ làng nói:

- Giàng không cho mày sướng đâu ,Tờ Chú ạ. Mày đừng phí công vô ích. Nếu lần này mày gieo không mọc thì đúng là cái số mày như vậy. Mày lại đến ở thuê cho tao thôi.

Đúng như chủ làng nói, lần thứ hai, Tờ Chú gieo lúa vẫn không mọc. Nhìn cả đám rẫy, cỏ đã bắt đầu mọc, cây non đã đâm chồi. Tờ Chú buồn quá ngồi khóc. Chắc là Giàng không muốn cho mẹ con chàng có gạo cơm, bỗng thấy một quả bầu khô từ đâu trôi đến, đụng vào chân. Bực mình, chàng đá quả bầu cho trôi theo dòng nước, nhưng nó lại trôi trở lại, đụng vào chân chàng. Hai ba lần như vậy, Tờ Chú nghĩ: "Hay là mình trồng bầu ăn vậy. Ăn bầu người cũng sống được. Nếu không, mình chỉ còn cách là lại đi làm thuê cho chủ làng".

Nghĩ vậy, chàng vớt quả bầu lên rồi về nhà từ biệt mẹ lên rẫy trồng bầu. Đến nơi, chàng ghè quả bầu vào đá, lấy hạt rắc khắp rẫy.

Hôm sau, ra xem rẫy. Tờ Chú hết sức kinh ngạc vì rẫy của chàng đã là một rừng bầu. Hôm sau nữa, bầu đã ra hoa và ngày thứ ba thì khắp rẫy lố nhố những quả.

Tờ Chú mừng quá, hái một quả về nướng ăn thì thấy rất thơm ngon. Sung sướng quá, chàng reo lên:

- Sống rồi, ta sẽ mang bầu về cho mẹ, chắc là mẹ mừng lắm.

Nhưng khi ra đến rẫy định hái bầu về cho mẹ thì cả rẫy bầu đã úa vàng. Quả bầu mới hôm qua xanh mơn mởn, hôm nay đã khô đét. Tờ Chú đi đi lại lại khắp rẫy, nhìn những quả bầu khô, nước mắt cứ trào ra. Chàng nghĩ: "Giàng không cho ăn bầu tươi, thì lấy hạt bầu về cho mẹ ăn cầm hơi vậy". Chàng liền hái một quả ghé vào đá. Quả bầu vỡ đôi, tung ra không biết cơ man nào là hạt, nhưng không giống những hạt bầu mà là một thứ hạt nhỏ, vỏ cứng. Tờ Chú nhìn kỹ thì đúng là hạt thóc. Thóc cứ chảy rào rào như thác nước. Kinh ngạc quá, chàng đập thử quả thứ hai rồi quả thứ ba, quả nào cũng đầy những thóc là thóc. Tờ Chú mừng quá vội đi hái bầu, chất từng đống vào chòi rồi gùi thóc về nhà cho mẹ.

Đến nhà, thấy mẹ đang nằm co quắp bên đống lửa tàn, da bọc lấy xương vì đói. Tờ Chú hốt hoảng lay gọi mẹ.

- Mẹ ơi, có lúa gạo rồi. Con đem về đây, mẹ dậy mà ăn.

Người mẹ mở mắt, trông thấy con, nước mắt cứ trào ra. Đến khi nhìn thấy gùi thóc bên bếp bà lại nhắm mắt lại và nói.

- Con đem bán thóc trả cho người ta, con ạ. Mẹ không nở ăn cơm gạo không phải do sức của mẹ con ta làm ra. Thà là mẹ chết còn hơn ăn phải của ăn trộm, ăn cắp.

- Mẹ ơi, thóc của nhà ta đấy mà. Tờ Chú vội nói.

Người mẹ vẫn lắc đầu:

- Con đi gieo lúa, lúa không mọc. Con đi gieo bầy, bầy ăn được thì Giàng lại làm cho héo đi. Thế mà con bảo là thóc của rẫy nhà ta thì mẹ tin sao được.

- Nếu mẹ không tin thì để con cõng mẹ lên rẫy xem, mẹ sẽ rõ.

Không đợi mẹ trả lời, Tờ Chú nâng mẹ dậy, sốc bà cụ lên lưng cõng đi. Chàng đi như bay, phút chốc đã đến chòi giữa rẫy. Chàng đặt mẹ nằm bên bếp lửa rồi lấy một quả bầu, ghè vào đá. Thóc từ trong quả bầu rào rào chảy ra như thác nước. Người mẹ thấy vậy, mắt sáng lên:

- Giàng giúp mẹ con ta rồi con ơi.

Từ ngày có rẫy bầy kỳ lạ, mẹ con Tờ Chú trở nên no đủ. Dân dưới bản bị đói, kêu nhau lên rẫy đào củ, được mẹ con chàng cho thóc, nhờ vậy mà qua được nạn đói.

Chủ làng nghe tin Tờ Chú nhờ phát rẫy trên núi trồng bầy mà có dư lúa gạo, bèn tìm cách đòi nợ. Tờ Chú trả rất sòng phẳng hàng chục quả bầu, chủ làng hí hửng màng bầy về, chắc mẩm phen này sẽ suốt đời dư thóc gạo. Nhưng khi đập bầu ra thì quả nào cũng toàn sỏi cát. Chủ làng tức giận nhưng không làm gì được chàng trai. Còn mẹ con Tờ Chú từ đó trở đi không bao giờ bị đói như xưa nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top