Chương 1
Lời nói đầu: Ý tưởng câu truyện được sinh ra từ một đêm mình bị mất ngủ. Mình muốn đem hơi thở Việt Nam nói chung (và cái hồn Sài Gòn) hiện đại vào chính tác phẩm này, do đó mình sẽ dùng một vài từ ngữ địa phương nếu thấy thích hợp. Mình còn rất trẻ, chưa đi nhiều nơi và kinh nghiệm sống cũng chả phong phú. Tất cả những suy nghĩ, nhân vật và nền cảnh trong tác phẩm đều được thể hiện bằng cái nhìn hạn hẹp của trí tưởng tượng của mình. Quan điểm của bản thân có thể không phù hợp với quan điểm của một vài đọc giả.
Chương 1
Khu ổ chuột tồi tàn rách nát. Văng vẳng tiếng chó sủa xa xa và tiếng người chửi bới hoạch họe nhau um xùm cả một góc trời. Tuy nhiên, mọi người xung quanh vẫn điềm nhiên tiếp tục công việc dang dở. Chẳng ai màng bận tâm. Có gì lạ đâu? Ở cái khu ổ chuột bẩn thỉu này, người ta sẵn sàng thậm chí giết chóc lẫn nhau chỉ để có thêm vài trăm ngàn trong túi.
Ánh đèn lập lờ hắt ra từ những căn nhà dựng tạm bợ bên con kênh đen ngòm đầy rác thải. Không khí vẩn lên mùi hôi thối khó chịu. Ban đêm cái mùi ấy còn dịu đi chút ít. Chứ ban ngày nắng nóng hắt vào làm nó trở nên gay gắt như xộc thẳng vào mũi người. Khu ổ chuột này được dựng cạnh một nghĩa địa đang nằm trong khu quy hoạch "treo" của thành phố. Chính phủ còn "treo" thì tội tình gì người dân không dám ở. Kiếm đâu ra chỗ ở miễn phí trong cái Sài Gòn đất chật người đông này? Và với lẽ đó, người sống, người chết ở chung với nhau ngót nghét gần hai mươi năm qua. Được cái này thì mất cái khác. Chỗ ở miễn phí thì nghe có vẻ lí tưởng đấy, nhưng các điều kiện sống khác của con người thì...ôi thôi. Điện chập chờn bữa đực bữa cái. Nước sạch cũng chẳng có, người ta phải mua từng can từ bọn chở nước thuê với giá trên trời. Hôi hám, tạp nham và thiếu thốn đủ thứ. Bạn có thể hỏi: Tại sao người ta có thể sống tại một nơi kinh khủng như thế này? Thực tế là họ vẫn sống đấy thôi. Đối với họ, có cái ăn qua ngày, nghĩa là sống. Đối với họ, sáng ngủ dậy, mở mắt và biết mình còn thở tức là mình còn sống.
***
Đã gần hai giờ sáng, dáng một cô gái lững thững băng qua những dãy mồ mã để tiến về nhà của mình. Gọi là "nhà" cho sang chứ thực ra nó chẳng khác gì cái chòi nát với những tấm tôn rỉ sét được dựng vào nhau đủ che nắng che mưa cho hai người sống trong đó.
"Về trễ vậy con?" Tiếng một người đàn bà lồm cồm ngồi dậy từ chiếc giường èo ộp hỏi cô gái.
"Hôm nay con tăng ca." Tâm nhẹ giọng trả lời rồi đổ bịch hủ tiếu còn nghi ngút khói vào tô. "Mốt mẹ đừng đợi con nữa. Trễ lắm. Cũng hên đầu hẻm còn hủ tiếu gõ. Mẹ ăn ngay cho nóng." Cô chu đáo nói với mẹ.
Người đàn bà gật gù, cầm đũa sang gần hết thức ăn cho con, chỉ chừa cho mình một ít nước lèo và bánh hủ tiếu. Tiếng trò chuyện nho nhỏ giữa hai người đầy ấm cúng.
Càng về đêm, trời càng trở lạnh. Nhưng trong căn chồi ấy, vẫn ấm áp tình thương mẫu tử, tình cảm gia đình và...tình người cao cả. Bởi giữa hai người, thực tế thì làm gì có thứ gọi là máu mủ ruột già mà người ta vẫn nghĩ! Một câu chuyện về những người cùng khổ, gặp nhau và chở che đùm bọc lẫn nhau sao? Cả chính tác giả cũng không biết nữa. Có nhiều người từng bảo cô rằng nên vứt quách bà già lúc tỉnh lúc điên ấy vào trại tâm thần cho xong, hơi đâu mà nhọc sức. Đến người thân còn có thể phản bội nhau, huống chi Tâm và bà già ấy chỉ là người dưng nước lã. Cô chỉ cười khuẩy. Con thú còn biết nhớ ơn người cứu nó. Chẳng lẻ cô sống không bằng một con thú sao?
***
Quay ngược thời gian trở về rất nhiều năm về trước...
Tâm lúc đó chỉ là một đứa trẻ mồ côi, một con bụi đời không nơi nương tựa. Thực tế, không phải cứ bạn là trẻ mồ côi thì bạn sẽ được xã hội giúp đỡ, được đi học và sống trong một môi trường lành mạnh. Giấy má, rồi những thủ tục và cả những mối quan hệ quen biết, đủ các thứ rắc rối mới là chiếc chìa khóa đưa những đứa trẻ mồ côi đến với nơi gọi là mái ấm, nhà mở và trại mồ côi. Thử nghĩ xem, nếu mọi chuyện đơn giản thì chúng ta đã không thấy bọn trẻ ấy nhan nhản trên các vỉa hè của Sài Gòn này.
Tâm từ nhỏ tính tình đã gan góc, cứng đầu. Từ bán vé số, nhặt ve chai cho đến móc túi, trộm cắp vặt,... không việc gì mà cô chưa từng làm qua, dù rằng lúc đó cô chỉ khoảng 15 16 tuổi.
"Con khốn! Tao cho mày chết. Mày dám xỉa cả điện thoại của tao." Gã thanh niên sừng sộ túm lấy cổ áo của một cô bé gầy gò rách rưới.
"Anh tha lỗi cho em. Tại em đói quá nên làm liều..." Tâm khẩn thiết van lơn, chắp tay vái lấy vái để tên thanh niên nọ.
"Mày không có tiền hả? Không có tiền thì làm gái mà sống. Mặt mũi mày làm nghề đó coi bộ chắc cũng đắt khách lắm. Hay để tao mở hàng cho mày, thấy sao?" Hắn phát lên một nụ cười bệnh hoạn.
"Khốn nạn! Thứ cặn bã như mày nói chuyện không bao giờ qua khỏi cái lưng quần." Tâm hừ mũi lạnh lùng, dường như thái độ thành khẩn vừa rồi chưa từng tồn tại trong cô. Câu nói kia như đụng chạm sâu đến lòng tự tôn cũng như cái bản năng đàn ông đê hèn của gã. Gã vung tay tát mạnh lên gương mặt của cô gái rồi giật phăng hàng cúc áo trên người cô. Tên thanh niên lao vào Tâm như một con sói đói. Cảm giác tởm lợm trào dâng lên cuống họng Tâm làm cô rùng mình đến mức buồn nôn. "Buông tao ra! Thằng chó!" Cô giận dữ hét lớn, cố gắng vùng vẫy thoát khỏi cánh tay của gã. Tiếng hét của một cô gái văng lên giữa màn đêm và bị nuốt chửng vào không gian tĩnh lặng. Im bặt. Tâm cảm thấy nhục nhã ê chề. Một con bụi đời thì biết kiếm cái nghề gì lương thiện mà kiếm sống. Làm gái sao? Vậy còn danh dự và tự trọng? Những kẻ như cô có những thứ đó chăng? Về cơ bản, danh dự của trẻ bụi đời chưa bao giờ được công nhận. Khi bạn thấy một đứa con nít rách rưới lang thang trên phố, bẩn thỉu – là điều bạn sẽ nghĩ đầu tiên. Sau đó bạn sẽ nghi ngờ và đề phòng, "Liệu chúng nó có phải đám móc túi? Liệu chúng nó có bị nghiện xì ke?" Thế đấy, người ta có bao giờ nghĩ tốt về trẻ bụi đời đâu. Về cơ bản, những ánh nhìn phiến diện và thờ ơ kia đã vô tâm tước đoạt danh dự hay lòng tự trọng gì gì đó của bọn chúng.
Bản thân Tâm thì sao? Cô có cần danh dự không nhỉ? Mà danh dự là cái quái gì chứ? Chẳng đáng một xu và cũng chẳng làm cô cảm thấy no bụng. Nhưng Tâm thực sự không cần nó sao? Cô nhếch mép mỉm cười nhạt nhẽo, và chấp nhận sự thật rằng làm gái cũng là một cách để kiếm sống.
Ngay khoảnh khắc Tâm nghĩ mình sẽ mất đi cái quý giá của đời người con gái... Ngay khoảnh khắc cô nghĩ mình sẽ trở thành một con điếm thực sự... Một tiếng la kinh hoàng xé toạc bức màn đêm tăm tối. "Mày buông con tao ra. Thằng khốn nạn." Giọng một người đàn bà dữ dội. Cây đòn gánh trên tay bà quật túi bụi vào lưng gã thanh niên kia. Chẳng biết lực đánh mạnh nhẹ thế nào, hoặc cũng có thể bà đã đánh trúng huyệt đạo nào của gã. Tên thanh niên nằm bất tỉnh gục trên người Tâm. Cô bàng hoàng ngồi dậy, kéo áo che đi phần cơ thể của mình. Người đàn bà kéo cô bỏ chạy, xa thật xa. Chạy bao lâu cô cũng không biết nữa, chỉ biết chân mình mỏi rã rời. Bà bỗng dưng đứng khựng lại, xoay người ôm chầm lấy cô mà khóc nức nở, "Con tôi... Tội nghiệp con gái tôi quá..."
Con ? Mình làm gì có mẹ? Cô ngơ ngác suy nghĩ. Chuyện gì thế này? Tâm cảm thấy mình đang hoang tưởng hay gì mà sang chấn tâm lí như ông bác sĩ mà cô tình cờ nghe được trên TV. Tâm muốn bỏ chạy. Tuy nhiên, chân cô mỏi quá. Cô không thể cử động đôi bàn chân mình được nữa. Và cả người Tâm cũng mệt mỏi nữa. Cô đứng yên để mặc người đàn bà ôm chầm lấy mình. Cảm giác trong vòng tay của mẹ là như vậy ư? Cô chưa bao giờ có mẹ. Cô thiếu thốn tình thương đến nỗi phải nhận bừa một người xa lạ làm mẹ mình sao? Nước mắt khẽ chảy dài trên gò má Tâm. Hai mắt Tâm nhòe dần rồi cô gục vào lòng người đàn bà ấy.
***
Khi Tâm tỉnh dậy, trời cũng đã hửng sáng. Tiếng búa lộp cộp đập vào làm xẹp xuống những chiếc vỏ lon bia. Tưởng ai xa lạ, dè đâu là bà ve chai trong xóm. Bà này Tâm cũng biết, cô hay thấy bả lục lọi trong bãi rác gần xóm để tìm phế liệu, ve chai. Nghe đâu người ta nói bả bị điên. Tâm cũng không biết nữa. Mà chắc bị điên thật. Chứ người bình thường đâu ai khi không tự nhận người lạ làm con gái mình. Có lần thấy lủi thủi nhặt ve chai, cô cũng động lòng trắc ẩn, nhưng chính cô còn không có cái để ăn thì lấy gì mà giúp người khác đây? Một hôm, Tâm đánh giày cho một ông Tây trên phố. Ông này hào phóng bo hẳn cho cô một trăm ngàn. Hôm đó, cô bội thu. Tâm quyết định chơi sang mua hẳn một ổ bánh mì thịt. Lại gặp bà ve chai trong xóm. Chẳng hiểu sao cô lại cắn răng bấm bụng chia cho bà một nửa. Tưởng bà ve chai cảm ơn rối rít hay đại loại như vậy. Ai ngờ bà vừa thấy cô đã mừng quýnh, ôm chằm lấy cô mà khóc hù hụ rồi tự đánh mạnh vào bản thân mình. Cô hoảng quá, vứt cả nửa ổ bánh mì trên tay mình bỏ chạy một mạch.
"Con tỉnh rồi hả? Mẹ có nấu cháo ở trong bếp. Để mẹ hâm lại cho nóng rồi con ăn." Giọng nói của người đàn bà làm cô thức tỉnh khỏi dòng hồi tưởng của mình.
"Bà đừng có nhận bậy nha. Tôi có phải con gái bà đâu." Tâm nhíu mày.
"Nhỏ này... Nói gì lạ vậy. Con là Biển, con của mẹ chứ của ai?"
"Biển Bùn gì ở đây, tôi tên Tâm." Cô cảm thấy bực bội quá, cô muốn rời khỏi cái chòi ngột ngạt này. Tâm đứng dậy, toan bước đi.
"Con đừng bỏ mẹ. Là lỗi của mẹ. Tất cả là tại mẹ. Mẹ sẽ ngoan, ngoan mà. Con đừng bỏ mẹ đi." Người đàn bà ghì chặt lấy cánh tay Tâm khẩn thiết van nài. Nước mắt ràn rụa trên gương mặt hốc hác của người mẹ đáng thương nghèo khổ. Nhưng cô gái nọ vẫn cố gắng vùng vẫy khỏi người đàn bà ấy và bỏ chạy. Người đàn bàn bị đẩy té nhào nhưng vẫn gắng gượng đứng dậy đuổi theo Tâm, "Đừng đi. Đừng đi mà." Tuổi già sức yếu, lại phải chạy vội vã theo Tâm, bà già ngã lăn trên nền đất lạnh ngắt. Đầu gối rách bương, máu chảy ròng ròng nhưng miệng vẫn không ngưng gọi tên Biển.
Người ta là người ơn của mình. Nghĩ vậy, rồi cô dừng bước, quay đầu nhìn về phía bà ve chai rồi tất tả chạy đến bên bà. Tâm cõng bà về căn chòi rách nát mà cô đã bỏ chạy cách đây không lâu.
Người luôn khao khát tình thương gia đình. Kẻ lại quẩn trí vì mất đi đứa con thân yêu. Như một sự sắp xếp tình cờ của số phận, họ gặp gỡ nhau giữa dòng đời xô bồ vồn vã.
Và chẳng biết tự bao giờ, Tâm đã xem người đàn bà điên này như mẹ ruột của mình. Còn trong mắt người đàn bà đó, có lẽ Tâm chỉ là bé Biển của bà, là đứa con mà bà đã đánh mất. Biển là ai? Là con trai hay con gái? Cô cũng không biết nữa. Dù ích kỉ nhưng cô giờ đã có một nơi để đi về, một mái ấm và... một người mẹ. Không phải là những bà mẹ "mìn" chuyên đi thu gom con nít để bắt đi ăn xin, cũng chẳng phải là những "má mỳ" bắt con gái người đi làm những chuyện nhơ nhuốc. Là một người mẹ đúng nghĩa.
***
Khu ổ chuột này vốn đã ồn ào. Nhưng hôm nay có vẻ náo nhiệt hơn cả. Nguyên nhân là có tin một bà nhà giàu nào đó sẽ phát gạo từ thiện chiều nay ở khu này. Mỗi cá nhân trong xóm cứ nghĩ rằng khu này đã bị người ta quên lãng giữa cái chốn Sài Gòn hoa lệ này rồi ấy chứ! Bằng chứng là cả chục năm nay có ngày nào mà khu có điện, nước đầy đủ đâu. Người thường còn ngại đi vào mấy chỗ hôi hám như ở đây, huống chi là người giàu có. Đã vậy gười ta còn phát gạo miễn phí nữa. 10kg gạo chứ ít ỏi gì! Có khi hai mẹ con cô ăn được cả mấy thắng. Vậy nên Tâm cũng hăm hở không kém mấy người trong xóm.
Chiều. Người ta xếp một hàng dài trước cửa dân phòng. Trong hàng người ấy, có cả Tâm. Không khí ồn ào và náo nhiệt, nhưng điều đó không mấy tác động đến cô, bởi cô đang dồn tất cả sự chú ý vào một điều khác (hay nói đúng hơn là một người khác). Dù ở khoảng cách rất xa, cô có thể thấy rõ khuôn mặt và những đường nét của "bà" nhà giàu kia. Mà người ta đâu có già đến mức phải gọi bằng "bà"! Người đó là một cô gái trẻ trạc tuổi Tâm với dáng người mảnh khảnh và mái tóc đen óng ả như bầu trời đêm. Kinh ngạc, sửng sốt - là cảm xúc đầu tiên khi Tâm nhìn thấy cô gái ấy tại nơi này. Và kéo theo đó là sự lo lắng, hồi hộp, sự tự ti và...cả sự yên bình êm dịu. Đừng hiểu lầm, Tâm không phải cô gái nhìn thấy người giàu thì sinh ra ghen tị hay ngưỡng mộ gì gì đó. Chỉ là, lần trước (lần đầu tiên) gặp gỡ cô gái này, Tâm cũng cảm thấy như vậy. Cô gái luôn mang đến cho cô những cảm xúc phức tạp và hỗn độn. Tâm chẳng biết tại sao lại như thế.
.
.
.
.
.
Câu hỏi được đặt ra: Mình có nên tiếp tục?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top