Nghiệp sát sanh

Tôi thấy có nhiều người ghét (hoặc đố kỵ) Tương Liễu nói rằng Tương Liễu chết sẽ phải xuống địa ngục? Thấy chủ đề này khá hay, hôm nay nghĩ tới nên viết vài dòng.

Có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi, Tương Liễu dẫm trên nhiều xác người và máu tanh như vậy, bằng cách nào cho đến tận lúc chết vẫn giữ được trái tim trong sáng.

Là bởi Tương Liễu giết người nhưng tâm không có sát sanh.

Tôi ngày bé giữ gà cho mẹ cắt tiết đều không dám nhìn, cho đến giờ cũng không tự giết thịt được con gì để ăn cơm. Mẹ bắt tôi mổ cá là tôi nhìn nó rất đau khổ. Sau này không dám bắt tôi mổ nữa, chỉ việc ăn. :O

Ăn uống đôi khi là do được rèn luyện từ bé trở thành thói quen khó bỏ. Nhưng tâm lý không dám giết hại lại là một phạm trù tách biệt rất khó giải thích. Nếu có nạn đói chắc sẽ được ưu tiên đi gặp tổ tiên sớm.

Cho nên tôi rất nể khi Tương Liễu thấy chiến tranh là ngu ngốc, tâm không muốn giết hại mà vẫn vung đao chém giết. Nếu tôi phải vung đao như vậy, mỗi lần như thế sẽ là một lần vấn tâm.

Tuy nhiên, Tương Liễu sống được đến mức không toan tính, không tham lam-sân si, thì trình độ tâm linh và giác ngộ của Tương Liễu cao hơn tôi, nên Tương Liễu làm được nhiều điều hơn thế trong tâm thức của y khi giết người.

Trong Phật giáo, năm yếu tố cấu nên tội sát sanh là:

1. Có chúng sinh ấy tồn tại.

2. Bạn biết rõ chúng sinh ấy.

3. Có tâm sát sanh (Lòng có ý muốn giết con vật đó, người nào đó...)

4. Ra sức cố gắng để sát sanh ( Trực tiếp giết, sai người khác giết mà họ y lời mình giết hoặc bạn làm theo lời người khác sai bảo mà giết; Tìm cách giết.)

VD như bạn cố gắng giết một con bò thì tâm lực, ham muốn bạn sinh ra sẽ mạnh hơn khi giết một con kiến, nên giết con vật càng lớn, càng mất nhiều tâm sức thì nghiệp quả càng lớn để cân bằng.

Sát sanh trong sai người khác giếtbị người khác sai giết nghĩa là: Nếu A bảo B chiều nay giết con gà này làm cỗ. Nếu B đúng chiều giết đúng con gà đó thì A là người mắc tội sát sanh. Nếu B không giết con gà đó vào buổi chiều mà để sáng hôm sau mới giết thì người mắc sát sanh lại là B. (Lúc viết đoạn này tôi cũng suy nghĩ lắm, sợ mấy bạn đọc xong lại lách luật, lần sau có đứa nào sai mình giết gà thì mình né cái giờ đó ra cho nó mắc lỗi sát sanh. Tuy nhiên riêng cái tâm đẩy tội này nó đã là vấn đề rồi các bạn. Sát sanh nặng nhất là ở cái tâm. Bạn được sai giết nhưng cũng có tâm giết thì cả hai cùng mắc sát sanh. Giết một người mà vui sướng hả dạ nó khác một trời một vực so với giết người mà đau khổ, hối hận, sám hối. Cho nên cứ thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà dưỡng tâm thôi mọi người. Đừng tính toán quá nhiều.)

5. Yếu tố thứ năm là, "chúng sinh ấy chết." Tức là giết thành công.

Cho nên, nếu không đủ 5 yếu tố này đồng thời thì chưa thành tội sát sanh, thế nhưng... vẫn có nhân quả.

Nếu Tương Liễu cũng là "phàm nhân" như chúng ta, vậy Tương Liễu tuy chưa kết sát sanh nhưng đã kết nhân quả với vô số mạng người.

Tuy nhiên, với những bậc Giác Ngộ... thì khi họ sát sanh, lại là hóa kiếp cho chúng sinh thoát khổ. Đời sau của các chúng sinh này không chỉ tốt hơn, mà còn nâng tần số tâm linh cao hơn, thậm chí cũng có giác ngộ sinh-tử. Bởi khi giết, các bậc Giác ngộ luôn kèm theo nguyện lực. Mà đức hạnh của họ vô biên, nên nguyện lực của họ cũng vô biên. Nhìn kẻ bị giết tưởng khổ mà không phải khổ. Người bị giết được giải thoát-oán hận không kết; người trợ duyên không tính công-nhân quả không còn. Cho nên ngoài đời nếu bạn gây tổn hại cho người nhân đức thì nghiệp quả sẽ rất nặng nề.

Đề-Bà-Đạt-Đa năm xưa có tâm giết hại Phật, phạm ba tội đại nghịch, trời đất không dung, rơi vào địa ngục. Tuy nhiên trước khi chết Đề-Bà-Đạt-Đa kịp giác ngộ Vô Thường, có tâm sám hối. Những bậc giác ngộ như vậy, dù thân rơi vào địa ngục, tâm lại không ở trong địa ngục. Mà địa ngục ở đâu? Địa ngục không có sẵn, địa ngục là từ tâm mà sinh ra. Tâm ở đây không phải bạn nghĩ có hay không có thì nó có hay không có.

Chẳng qua cho dù là bậc Giác ngộ cũng không thoát khỏi nhân quả. Nhưng độ hỷ của các bậc Giác ngộ rất cao, nên khi họ chịu nhân quả, khi họ xả thân vì Đạo, xả thân vì cứu nhân độ thế, họ không đau khổ như chúng ta. Trong lòng họ không có khổ và không khổ, không có sinh - tử, không có được - mất...

Tương Liễu trong lòng tôi không phải chết đi rồi mới phong thần. Y phong thần ngay chính trong Trường Tương Tư. Từ những nét bút đầu tiên xuất hiện, Tương Liễu dù là yêu quái nhưng luôn được Đồng Hoa ví như Trích tiên, đi đến nhẹ nhàng, không vướng bụi trần, không đồng thế tục.

Tương Liễu trong suốt cả cốt truyện rõ ràng chẳng phải phàm nhân toan tính thiệt hơn, không tham lam đủ thứ như các nhân vật khác, luôn đóng vai người dạo chơi bên đường. Ở đời mấy ai làm được như thế?

Ngay cả lúc chết Đồng Hoa cũng cho Tương Liễu xả bỏ toàn bộ nhục thân, tan ra thành máu, ngấm vào trong đất.

Tôi nghĩ Đồng Hoa rất am hiểu các triết lý trong Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo....

Ngay cả việc bà ấy xây dựng các tuyến nhân vật từ Sơn Hải Kinh cũng đủ thấy Đồng Hoa yêu thích và sở trường về lĩnh vực này.

Vậy theo bạn những người bị Tương Liễu giết, và cái chết của Tương Liễu, là khổ hay không khổ?

Tôi luôn tin vào trái tim vô khuyết, tinh sạch của Tương Liễu. Đồng Hoa không phải tự nhiên đợi đến tận cuối truyện mới để Tệ Quân nói ra điều này mà không phải là đầu truyện hay giữa truyện. Đi đến tận cùng Trường Tương Tư, trải qua vạn khổ, Tương Liễu vẫn sạch sẽ như cũ.

Tương Liễu giết người, nhưng không có tâm giết người. Khi giết cũng không mưu lợi cá nhân, không vì quyền lực hay tiền bạc. Không oán, không thù. Tâm không vấy bẩn. Giết chẳng qua là vì lập trường, như ăn để mà ăn, đi để mà đi.

Chuyên Húc vì nghiệp đế vương, sai người ra trận, chắc chắn tạo nghiệp sát sanh. Các tướng quân của Chuyên Húc cũng vậy. Đồ Sơn Cảnh tuy tay không dính máu, lại vì mưu lợi cá nhân thúc đẩy người khác tranh đoạt, gây nên chiến tranh đổ máu, chả lẽ không mắc vào sát sanh? Không chịu nghiệp nhân quả?

Chuyên Húc và các tướng quân sau này còn vì nhân dân đất nước xây dựng, giúp bách tính có cuộc sống ấm no, không những có thể trả nghiệp, còn có thể tạo thêm phước. Nhưng Đồ Sơn Cảnh giúp Chuyên Húc đoạt vương vị lại là vì lợi ích cá nhân, lại vừa giúp bên Thần Nông lương thực, kéo dài cuộc chiến, gây thêm thiệt hại sinh mạng. Về sau cũng từ bỏ đất nước, nhân dân, gia tộc, vậy trả nghiệp lúc nào?

Gián tiếp đẩy người khác lên tiền tuyến không có nghĩa là sẽ vô tội, người ra tiền tuyến mà không có tâm sát sanh họ chỉ tạo nhân quả. Người sai bảo, thúc đẩy mới gánh nghiệp sát sanh nặng nề.

Khi đã hiểu đúng về hai chữ "sát sanh", hãy nhìn lại Trường Tương Tư.

Ai mới rơi vào địa ngục?

P/s: Tuy tôi rao giảng Phật pháp nhưng tôi không phải bậc đắc đạo chi đâu mọi người, tôi cũng là phàm nhân sân si như các bạn thôi.

Tôi chỉ cảm thấy Tương Liễu là một nhân vật có chiều sâu, khi đứng trên mỗi góc độ lại có sự hấp dẫn khác nhau. Và tôi muốn mọi người nhìn rõ Tương Liễu hơn ở mọi góc độ.

Đọc hiểu một tác phẩm không khó, cái khó là nếu hướng nhìn và quan niệm cuộc sống của bạn khác họ, trình độ tâm linh và trí tuệ bạn cách nhân vật quá xa, sẽ không yêu thích và cảm nhận được nhân vật. Cho nên mới có Bao Công với Bạch Tuyết, ngoài ra còn có thêm Lọ Lem không chính không tà.

Tôi nghĩ là những người nói Tương Liễu sẽ rơi vào địa ngục, sẽ phải luyện tập các bài học cuộc đời thêm nhiều kiếp nữa mới đọc hiểu được Trường Tương Tư.

Cửu

https://aztruyen.top/tac-gia/cuu999999999

http://truongtuongtu9menhtuonglieu.wordpress.com/

#Trường_Tương_Tư

#Tương_Liễu

#Chuyên_Húc

#Đồ_Sơn_Cảnh

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top