Cổ tình nhân (1)

CỔ TÌNH NHÂN (1)

#Cổ_tình_nhân.

Đồng sinh cộng tử, đồng mệnh liên tâm.

Một hoặc hai mạng mà Tương Liễu đã mất trên Dao Trì vô cùng tàn khốc. Chúng ta chỉ đọc qua câu chữ ngắn gọn, không để ý đến thời gian, nên luôn cảm thấy quá trình giải cổ này xảy ra chóng vánh. Nhưng thực sự nó kéo dài từ nửa đêm đến hừng đông, tức khoảng 4-5 tiếng đồng hồ.

Lúc cấy cổ, chỉ có vài lân tinh cuốn quanh hai người. Lúc giải cổ, tràn ngập cả một bầu trời "đom đóm", ánh sáng lung linh huyền ảo phủ khắp bầu trời và Dao Trì, đến mức người ngoài nhìn vào chỉ thấy ánh sáng như mộng ảo, ngay cả đến cái bóng cũng bị bao trùm bởi ánh sáng.

Vô số lân tinh như những con sâu trùng khát máu lao tới trái tim của Tương Liễu, đây là thời điểm sinh mạng của Tương Liễu bị bào mòn từ từ, trong suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Những con trùng này lúc bay đến đều trong trạng thái điên cuồng "muốn ăn" chứ không phải "để ở", là trạng thái của phản phệ.

Người phụ nữ Cửu Lê mà Văn Tiểu Lục từng kể lúc chết cũng có hiện trạng xác tan dã, bị những con trùng nhỏ như kiến đến ăn.

Chỉ khác ở đây, Tương Liễu có nhiều mạng, nên chúng ta không phải nhìn thấy cảnh tượng Tương Liễu bị bào mòn thân xác thực thể bằng mắt thường, mà y bị bào mòn nguyên hình trong linh hồn.

Trước đây ở đoạn này tôi luôn băn khoăn là, Tương Liễu giết cổ hay giữ cổ trong người. Bản trên mạng dịch là "dùng mệnh đổi mệnh" khiến khó hình dung được là cổ bị giết hay chưa, mà có thể hiểu là dùng mệnh để đổi cổ sang người. Sau khi dịch lại để hiểu kỹ hơn, 99,99% có thể xác định được chắc chắn rằng cổ đã bị giết, và Tương Liễu cũng đã chết ít nhất một mạng qua cụm từ "Đồng quy vu tận".

Nhưng bởi vì câu nói "Cổ của cô đã được giải", nên chúng ta băn khoăn, tại sao chỉ có "cổ của cô", vậy còn cổ của Tương Liễu thì sao.

Điều cốt yếu của Cổ tình nhân không bao giờ được quên là, PHẢI CÓ ĐÔI CÓ CẶP. Cho nên, nếu Tương Liễu đã đồng quy vu tận, vậy cổ phải chết, và đã chết là phải chết cả đôi, không thể chết một mình cổ của Tiểu Yêu. Đây là điểm quan trọng nhất không thể thay đổi và có thể đạp đổ mọi luận điểm khác.

Tương Liễu trộn lẫn máu huyết hai người cùng cổ chú để đánh lừa Cổ tình nhân trong người Tiểu Yêu, khiến chúng không phân biệt được ai là Tiểu Yêu, ai là Tương Liễu, rồi chui ra. Nhưng sau khi chui ra rồi chắc chắn Cổ tình nhân đã phát hiện bị đánh lừa. Nên khi bị máu và cổ đực trong tim Tương Liễu dẫn dụ, cổ của Tiểu Yêu đã lao vào phản phệ cắn chết Tương Liễu. Nó không hề đi vào hiền lành như lúc gieo cổ ban đầu. Hai con cổ này, bắt buộc phải luôn ở chung một chỗ, hoặc gieo trên hai người nam nữ. Tuy hai trái tim, nhưng chung một nhịp, tưởng xa mà gần, linh hồn hợp chung một chỗ. Cách cổ tinh nhân điên cuồng lao vào cắn xé, rất giống một người đang yêu đột nhiên bị chia cách gào khóc oán hận, "bắt đền" Tương Liễu. Cổ đực trong người Tương Liễu chắc chắn cũng không để Tương Liễu yên.

"Cổ của cô đã được giải", có lẽ đơn giản chỉ là câu trả lời của Tương Liễu dành cho yêu cầu của Tiểu Yêu trước đây.

Tuy nhiên cách giải thích này vẫn khiến cho chúng ta cảm thấy khó thỏa mãn. Nếu mà để miêu tả cốt lõi của Trường Tương Tư là gì, lấy hình ảnh giải cổ của Tương Liễu để hiểu:

"... Dưới bầu trời đêm, trên Dao Trì, cả một trời đom đóm bay, ánh lên ánh sáng phản chiếu trong nước. Hình bóng dưới mặt nước phản chiếu rõ ràng hình ảnh thực trên mặt nước. Chân thực và ảo ảnh phản chiếu lẫn nhau, thật giả hòa lẫn vào nhau, khiến người ngoài nhìn vào chỉ thấy trên trời dưới đất đều là ánh sáng huyền ảo lung linh, đẹp như mộng cảnh."

Trường Tương Tư là một câu chuyện thật giả lẫn lộn, thiện ác khó phân, trái phải đan xen, dễ khiến cho người đọc lầm tưởng, đi lạc đường không biết đâu mới là sự thật.

Giống như tình thân, tình thân ruột thịt và người thân nhặt được bên đường. Bên nào mới sống tình nghĩa hơn, mới đáng báo đáp hơn?

Giống như tình yêu, lời nói hoa mỹ và cảm xúc khó khống chế trong lòng, đâu mới là thật?

Lại giống như bằng hữu, thân mật hữu ái từ bé đến lớn như Cảnh và Phong Long, hay thanh đạm như nước giống Tệ Quân và Tương Liễu, cái nào bền lâu hơn?

Hay giống như trưởng thành, chiều chuộng bao bọc hay dạy dỗ khắc nghiệt để vươn lên, cái nào tốt?

Lại giống như bảo vệ, cho nhiều kẻ mạnh đi theo bảo hộ, hay dạy cho họ sức mạnh để họ tự phòng thân, cái nào mới là thiết thực?

Hoặc giống như Xi Vưu và A Hành, là anh hùng hay là ác ma? Là tình yêu chân chính hay gian phu dâm phụ?

Hoặc như yêu đương lén lút, tiểu tam. Người được tung hô bảo vệ, kẻ bị trừng phạt nguyền rủa. Ai đúng ai sai?

Hoặc giống như Cộng Công và nghĩa quân Thần Nông, là trung thần bất khuất hay những kẻ không biết thức thời. Chúc Dung tàn ác tham sống sợ chết, tham quyền giữ lợi mà đầu hàng hay lại là kẻ biết thức thời, biết suy nghĩ cho lê dân bá tánh?

Bạn tin cái nào thì cái đó là thật, sự thật là thật hay giả đâu còn quan trọng nữa. Đôi khi nó chỉ là vấn đề "lập trường", đúng tùy thời điểm, tùy vị trí.

Câu nói "Cổ của cô đã được giải" này của Tương Liễu có lẽ có tính ám chỉ, cũng có lẽ đơn giản chỉ là trần thuật một sự thật. Tương Liễu trả lời cho một câu hỏi đã cũ, nhưng độc giả lại quen nghĩ nhiều.

Trên mạng có một số bài viết cho rằng cổ trùng không chết mà luôn ở trong người Tương Liễu, sau đó vì Cảnh Yêu động phòng nên bị phản phệ mà chết.

Nội dung này cực kỳ phi lý và buồn cười. Bởi phong cách của Đồng Hoa không bao giờ bỏ qua cảnh H của cặp đôi yêu nhau trong các tác phẩm của bà ấy. Cho nên Cảnh Yêu không có cảnh động phòng là một điều rất hiển nhiên, vì tình cảm giữa họ phức tạp, không đơn thuần là tình yêu, nên Đồng Hoa không cho. Bà ấy chỉ dành điều đó cho cặp đôi yêu nhau thực sự. Không chỉ nguyên trong Trường Tương Tư không xảy ra cảnh động phòng, mà vĩnh viễn sau này có thể cũng không xảy ra.

Còn nếu bạn cố chấp cho rằng Cảnh Yêu động phòng lúc không ai biết, chẳng qua ĐH không miêu tả mà thôi. Lại càng không liên quan đến Tương Liễu, bởi Tương Liễu đã nói, giữa hai người họ sau khi giải cổ đã không còn liên hệ gì nữa.

Tương Liễu xưa nay không bao giờ nói dối, nếu gặp một câu hỏi khó không thể nói thật, Tương Liễu sẽ đáp lại bằng một câu hỏi ngược, đẩy vấn đề lại cho người hỏi tự phán đoán. Nên bất cứ câu nói mang ý khẳng định nào của y, đều là sự thật. Tương Liễu đã nói không còn liên hệ gì thì chắc chắn cái chết của Tương Liễu không liên quan đến Tiểu Yêu.

Hơn nữa, Cảnh Yêu có vô số lần ở bên nhau, họ có thể vượt rào bất cứ lúc nào Tương Liễu chẳng đề phòng được. Nhân vật nữ của ĐH không riêng gì Tiểu Yêu, đều luôn rất mạnh bạo và chủ động, không quan tâm đến việc phải kết hôn mới động phòng. Lúc thân mật với Cảnh, Tiểu Yêu cũng rất chủ động không hề phản kháng. Nhưng Tương Liễu lại chưa từng e sợ, điều đó chứng tỏ cổ tình nhân chủ yếu khống chế về mặt tinh thần. Nếu tấm lòng kiên trinh thì quan hệ thể xác với bao nhiêu người cũng không tính là phản bội.

Nên trong đám cưới của Phong Long, dẫu Tương Liễu đến cướp hôn chắc chắn cũng không phải bởi vì sợ bị cổ phản, hoặc dù không đến cướp hôn cũng chẳng cần sợ bị cổ phản.

Xem ra cổ tình nhân của Đồng Hoa và quan niệm về sự chung thủy của Đồng Hoa khá cởi mở. Nó không đủ thoả mãn về một tình yêu hoàn hảo và trọn vẹn.

Tất nhiên con cổ tình nhân này cũng phát triển hoàn toàn bình thường không hề bị đột biến. Bởi nếu nó bị đột biến thì Tương Liễu đã không thể sử dụng được các tính năng của nó để cứu mạng Tiểu Yêu những hai lần. Tiểu Yêu cũng chẳng thể cảm nhận được nhịp đập của hai trái tim khi Tương Liễu ngừng khống chế.

Việc Tương Liễu chặn chiều cổ không cho Tiểu Yêu cảm nhận được là vì muốn bảo vệ nàng. Bởi nếu Tương Liễu bị thương khi đánh trận, Tiểu Yêu cũng sẽ bị thương.

Cổ không chết trên Dao Trì mà chỉ chui vào trong người Tương Liễu, nó không quá logic với bốn chữ "đồng quy vu tận". Tuy nhiên nếu theo hướng lập luận cổ vẫn trên người Tương Liễu, thì đơn giản là lúc Tương Liễu chết bởi vô số mũi tên và thần khí thượng cổ gông cùm, cổ tình nhân chết theo Tương Liễu mà thôi. Bốn chữ "Đồng qui vu tận" lúc này sẽ được hiểu là, khi nào Tương Liễu chết thì cổ chết, chứ không hẳn là lúc giải cổ thì "đồng qui vu tận" ngay. Con đường này thì đau đớn hơn, vì Tương Liễu không chỉ bị cổ phản cắn chết một mạng ở Dao Trì. Mà còn liên tục chịu đựng nỗi đau khống chế cổ đến tận lúc chết.

Tương Liễu tuy cường đại, nhưng đó là Tương Liễu của thời điểm ban đầu khi chưa gặp Tiểu Yêu. Sau này, Tương Liễu đã mất rất nhiều mạng vì Tiểu Yêu và Đồ Sơn Cảnh. Trước đó không lâu lại chịu đựng quá trình giải cổ tàn khốc liên tục dùng tinh huyết để trị thương cho Tiểu Yêu và vẽ huyết chú trên vỏ sò. Sức mạnh của Tương Liễu đã suy giảm cực độ. Đại quân của Thương Huyền lại dốc toàn lực, thần khí thượng cổ cũng mang ra nên họ giết được Tương Liễu không phải điều phi lý. Chẳng qua là chính Tương Liễu cho họ cơ hội để giết mình mà thôi.

Tôi luôn nghĩ trên người Tương Liễu chắc chắn có rất nhiều vết sẹo cùng vết thương chồng chéo lên nhau. Bởi tất cả linh dược trên đời đều không có tác dụng trị thương đối với Tương Liễu, duy nhất chỉ có máu của Văn Tiểu Lục và Tiểu Yêu là có thể. Dưới lớp áo trắng tinh khiết không nhiễm bụi trần, là vô số vết thương và máu huyết. Những người có thể đi đến "vô dục vô cầu", là bởi họ đã nếm qua cùng khổ.

Cơ chế trị thương của Tương Liễu là "ngủ sâu", giống như rắn ngủ đông. Trong 37 năm trong vỏ sò tuy mỗi tháng lấy tinh huyết một lần, nhưng mỗi ngày Tương Liễu vẫn không bỏ việc quân, cùng vô số trận chiến mà chúng ta không biết tới. Mỗi ngày khi trở về, Tương Liễu đều nằm như xác chết, cơ thể hoàn toàn chuyển về chế độ off, trao đổi chất ở mức thấp nhất giống như người thiền sâu, đến mức hơi thở cũng không có. Tiểu Yêu có cổ tình nhân cũng không cảm nhận được.

Xuyên suốt truyện, mỗi lần Tương Liễu đi làm việc quân, đi chiến đấu,... hoặc ngay cả khi lúc hẹn gặp Văn Tiểu Lục hay Tiểu Yêu. Tương Liễu thường chọn vào những ngày trăng tròn, lúc nửa đêm, là thời điểm linh lực cao nhất. Đây là cách Tương Liễu dùng để tự bảo vệ bản thân, giảm thiểu tổn thương ở mức thấp nhất có thể.

Tương Liễu có lẽ đã qua lại cõi "tịch diệt" vô số lần trong tâm thức. Bởi cách Tương Liễu khống chế cổ thực ra cũng rất đơn giản, đó là giữ tâm bình lặng. Tâm Tương Liễu lúc nào cũng ở trạng thái như người đang thiền, không có dao động, chỉ khi cảm xúc đột ngột bị tác động quá lớn Tương Liễu mới để lộ dấu vết.

Trước nay Tương Liễu luôn tự "chữa lành" vết thương thể xác cho bản thân. Văn Tiểu Lục là người đầu tiên đến "chữa lành" cho Tương Liễu. Chắc hẳn lần đầu tiên khi nếm được máu Văn Tiểu Lục, Tương Liễu đã rất ngỡ ngàng, giống như người khát khô trên sa mạc lần đầu được thoả cơn khát, có ý nghĩa rất lớn. Bởi cảm giác "tự chữa lành" và được người khác "chữa lành" nó khác hẳn nhau. Văn Tiểu Lục cũng như những người trước đó, đã mang đến cho Tương Liễu được sự an ủi vô cùng lớn. Tất cả mọi báo đáp về sau Tiểu Yêu đã thay Văn Tiểu Lục nhận lấy.

Trong vô số cuộc gặp gỡ với Cộng Công, binh sĩ Thần Nông, Phòng Phong Bội, mẹ Phòng Phong Bội, Tệ Quân, Văn Tiểu Lục, Tiểu Yêu, cùng vô số nhân duyên khác như họ Quỷ Phương mà chúng ta không biết... Tương Liễu đã đi một con đường dài để hoàn thiện bản thân từ chém giết để sinh tồn, đến nhận được tình thương rồi cho đi tình thương. Từ yêu tính, có nhân tính, cuối cùng trở thành thần tính.

...

P/s: Tôi muốn nghĩ theo cách thứ nhất cho bớt đau đớn hơn, nhưng tâm lý vẫn cảm thấy cách thứ hai có tính hợp lý. Cho nên trạng thái lúc thế nọ lúc thế kia, cái nào cũng thấy có điểm đúng, mà cái nào cũng có chỗ không trọn vẹn.

Cửu

#Trường_Tương_Tư

#Tương_Liễu

#长相思相柳

#Cửu_mệnh_tương_Liễu

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top