chương 13
“Thận tu nghi... Thận tu nghi tự mình phóng hỏa...”
Ta vừa nghe mà kinh hãi sững sờ, nhớ đến dáng vẻ của nàng ngày ấy, nhớ đến vải trắng quấn trên cổ tay nàng, nhớ đến những ngày hoàng đế bị bệnh nàng đã thành tâm quỳ trong Phật đường, nhớ đến lúc nàng thản nhiên nói hoàng đế chỉ coi nàng là thế thân. Nhưng ngàn lần ta cũng không nghĩ được tại sao nàng lại chọn phóng hỏa vào chính ngày này, dùng phương thức thảm thiết cùng cực để kết thúc năm tháng vì yêu mà sống thật rực rỡ nhưng cũng đầy đau thương, giống như sự đối kháng bi tráng trong im lặng.
Trên đường hồi cung, hoàng đế nắm chặt bàn tay đẫm mồ hôi của ta.
Khuôn mặt hắn hiện rõ nỗi lo sợ sắp phải mất đi một người bạn luôn kề cận bên mình suốt bao năm nay, cho dù khoảng thời gian ấy chỉ là ngắn ngủi nhưng cái cảm giác ấy cứ lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác, dần dần ăn mòn lục phủ ngũ tạng của hắn.
Hắn thượng gọi Thận tu nghi bằng cái tên Vãn Vãn, hắn tự lấy trong câu thơ “Bảo kế tùng tùng vãn tựu, duyên hoa đạm đạm trang thành” để đặt cho nàng. Hắn kể lần đầu tiên gặp trong buổi tuyển tú, dáng hình nàng lẫn trong đám oanh oanh yến yến, nàng chẳng son phấn rực rỡ, mà chỉ búi tóc lỏng lẻo có mấy lọn tóc để buông lơi, trông sạch sẽ lại đơn giản. Có vẻ nàng không muốn được chọn, nên sáng dậy cũng lười phải lên đồ lộng lẫy, chỉ đến cho có lệ rồi nhanh chóng lướt qua.
Dáng vẻ ấy của nàng khiến hắn chợt nhớ lại hình ảnh cuối cùng của ta mà hắn được nhìn thấy, ta đứng dưới chân núi chùa An Nguyên nói lời từ biệt với hắn, gương mặt hãy còn nét ngây thơ thuần khiết, đâu hề có vẻ mỏi mệt bi thương. Ta cúi đầu, tiện tay vuốt mái tóc xõa dài rồi buộc chặt lên phía ra, sau đó quay người đi thẳng không quay đầu lại.
Ta phát hiện Lý Thừa Mục rất thích đặt tên, đáng tiếc cái miệng xui xẻo của ta lúc nào cũng nói ngược với lòng. Tên của hắn rõ ràng mang ý chúc phúc, thế nhưng cuối cùng lại biến thành nguyền rủa. Ta không có nổi một ngày an bình, mà ngay cả sinh mệnh của mình Thận tu nghi cũng không cách nào vãn hồi được.
Chỉ là ta tin rằng, Thận tu nghi, Vãn Vãn của hắn nhất định còn có rất nhiều điểm thu hút hắn. Ví như đôi đồng tử mơ màng đa tình. Có nhiều nữ nhân sinh ra đã định chuyện tình cảm nhiều thăng trầm, mà Vãn Vãn của hắn chính là người như vậy, chỉ cần nhìn ánh mắt là biết sớm hay muộn nàng cũng sẽ chết chìm trong làn thu thủy của chính mình.
Hoàng đế nói lúc Vãn Vãn mới tiến cung, mọi thứ mới mẻ khiến nàng rất rụt rè, như cô thiếu nữ ôm cả bầu trời u ám ngập nỗi u sầu chia ly mà người ngoài nhìn vào không thể hiểu được. Tận đến một năm nọ hoàng đế dẫn theo bách quan cùng nhau tiến về phía Bắc vây săn, buổi săn kết thúc trong mỹ mãn, nhưng không ngờ vì cưỡi ngựa bắn cung suốt mấy ngày trời, hoàng đế hao tổn sức lực dẫn tới bệnh cũ tái phát. Lúc ấy Vãn Vãn vẫn còn là quý nhân, giữa chốn thảo nguyên bạt ngàn giá rét căm căm, nàng đã thức trắng một đêm để sắc thuốc cho hoàng đế. Thuốc đó phải sắc hơn hai mươi canh giờ nhưng nàng chẳng hề nao núng lập tức bắt tay vào làm. Nàng nói đây là bài thuốc bí truyền nhà nàng, nhất định phải tự mình nấu mới yên tâm.
Kể đến đây hoàng đế nở nụ cười: “Tay nghề của nàng có khi còn hơn cái thái y của thái y viện, những ngày ở thảo nguyên may mắn là có nàng, cứ như thuốc đến trừ bệnh diệu thủ hồi xuân*.
*Khen ngợi người tài chữa được bệnh nặng.
Hắn nói hậu cung có bao nhiêu là nữ nhân, có người yêu quyền thế, có người thích thanh tịnh, cũng có người hết lòng vì hắn. Nhưng hắn chưa bao giờ gặp một người cam tâm tình nguyện cho đi tất cả như thế, tựa như ngọn lửa càng thiêu cháy mãnh liệt thì càng vui sướng.
Thế mà giờ đây, Vãn Vãn của hắn vẫn chọn cách phóng hỏa tự nhấn chìm mình trong biển lửa.
Canh ba giờ Tuất, xe ngựa về tới hoàng cung, mọi người vội vàng chạy đến Bảo Hiền điện đã cháy đen như than. Ngọn lửa đã sớm bị dập tắt, dòng nước hòa vào với tàn tro, tụ thành những vệt nước chảy dài dưới chân.
Nhóm thái giám tiểu cung nữ ở Bảo Hiền điện người nào người nấy mặt dính đầy than bụi đứng nép vào nhau co rúm ngoài cung, có vẻ như tất cả đã được tra hỏi một lượt. Người chủ trì xử lý chuyện này là Thục Nghi hoàng quý phi người đang mang bệnh, có thêm cả Trang phi vào giúp một tay.
Người trước giờ không ưa náo nhiệt như Uyển phi vậy mà giờ đang đứng đối diện cửa cung, mắt dáo dác nhìn xung quanh chẳng biết tìm kiếm cái gì. Khi nhìn thấy ta, nàng như tìm được người mình đang đợi, nhấc chân bước nhanh về phía ta, chẳng đợi ta đi qua đã giơ tay ngăn lại, tay kia ấn nhẹ lên bụng ta, khẽ khàng cất giọng: “Đừng đi, điều ta sợ là muội dính vào chuyện này đấy. Bảo Hiền điện bị thiêu rụi hơn nửa, Thận tu nghi chết cháy đến nỗi không nhận ra mặt mũi. Muội đang có mang, tốt nhất đừng nên nhìn mấy thứ đó, coi chừng động thai khí.”
Nàng quả thực cẩn thận từng li từng tí cứ như người mang thai là mình vậy.
Hoàng đế nghe thế cũng dừng bước, nhìn ta gật đầu: “Nàng quay về nghỉ ngơi trước đi, chuyện của Thận tu nghi trẫm sẽ xử lý, sức khỏe của nàng quan trọng.” Nói xong hắn lại quay sang dặn dò Uyển phi: “Nàng đưa nàng ấy về đi.”
Trước khi đi ta ngoảnh đầu nhìn Thục Nghi hoàng quý phi đã lâu không gặp. Nàng ta đang cười, cũng đang khóc, nụ cười muôn vàn đau khổ đắng cay, không một chút vui vẻ. Tựa như không thể lý giải, lại cũng như đã thông suốt mọi chuyện. Trong tay nàng cầm mảnh vải trắng tơi tả, nếu không nhầm thì màu sắc và chất vải cực kỳ giống cái mà Thận tu nghi quấn trên cổ tay khi còn sống.
Trở về Thái Bình điện, ta hỏi Uyển phi rằng tại sao Thận tu nghi phải châm lửa phóng hỏa, nàng yêu hoàng đế như thế, vậy thì nỡ lòng nào lại rời bỏ ngài.
Uyển phi gảy gảy móng tay mình, đáp: “Sao muội biết nàng ấy yêu hoàng thượng?”
Ta suýt thì bị nàng chọc cười: “Chuyện này khắp cung ai không biết, nếu ngay cả Thận tu nghi yêu hoàng thượng cũng là giả thì hậu cung này đúng là bết bát không thể cứu vớt được nữa rồi!”
“Hậu cung này vốn nên như thế, giả dối hết.” Giọng điệu nàng lạnh lùng, ánh mắt nãy giờ chỉ chăm chú ngắm nghía móng tay lúc này lia qua ta: “Yêu hay không yêu, hận hay không hận, giả là thật, thật cũng là giả, lẽ nào muội nhìn mà không nhận ra ư?”
Ta sửng sốt.
Hai mươi sáu tháng mười một, đầu bảy của Thận tu nghi.
Thận tu nghi tự sát, đây là tội liên lụy tam tốc, nhưng hoàng đế lại nói chuyện nàng ra đi là ngoài ý muốn, truy phong thành Thận phi. Chúng cung nhân của Bảo Hiền điện bị hắn bắt lại, toàn bộ đánh chết. Đến cả Thục Nhi hoàng quý phi vì quản lý hậu cung không tốt nên đã bị giáng xuống làm quý phi, đồng thời phạt ba tháng bổng lộc và nửa tháng cấm túc.
Nghe nói lúc Thục Nghi hoàng quý phi - giờ là Nghi quý phi - nhận được ý chỉ mà như trút được gánh nặng khấu tạ hoàng đế. Sau đó trút bỏ châu ngọc, cuối cùng mới yên tâm nằm triền miên trên giường bệnh.
Ngược lại, Uyển phi luôn luôn coi Thục Nghi hoàng quý phi là kẻ thù sát phu lúc này lại cười không nổi, nàng nói chẳng hiểu tại sao trong lòng cứ thấy vắng vẻ thê lương.
Ta cũng lâu lắm rồi chưa đến thăm hỏi Thừa Hoa cung, tuy nói Thục Nghi hoàng quý phi bị cấm túc không gặp người nhưng ta vẫn muốn đến một lần xem sao.
Nghi quý phi từng tỏa sáng chói lọi mà nay dung nhan ảm đạm, hốc mắt sâu hoắm làm nền trên khuôn mặt bợt bạt không chút sức sống, làn môi mỏng yếu ớt mấp máy. Nàng ta nhìn chòng chọc vào bụng ta, cố hết sức nặn ra vài con chữ: “Thật tốt, trước đây chỉ cần một xíu nữa thôi là bổn cung đã có đứa con của chính mình, đáng tiếc, đáng tiếc…”
Chẳng biết nàng đang tiếc hận điều gì, tiếc hận cốt nhục của nàng bị Lâm Hựu Khanh hãm hại, hay là tiếc hận bàn cờ mà hoàng đế đã bày ra.
Ta không vòng vèo mà đi thẳng vào vấn đề, hỏi nàng lý do Thận tu nghi tự sát.
Khóe miệng Nghi quý phi hơi run run, nở một nụ cười trống rỗng gượng gạo: “Chuyện này quan trọng ư?”
“Tần thiếp khẩn xin nương nương chỉ bảo.”
“Sao ngươi chắc chắn là bổn cung biết?” Nàng ta hỏi lại.
Có thể là vì mảnh vải tàn trong tay nàng ta, thứ ấy khiến ta không chỉ có một dự cảm rằng Nghi quý phi biết, mà còn có cảm giác giữa nàng ta và cái chết của Thận tu nghi đang tồn tại mối liên hệ mập mờ không nói rõ được.
Ta nhìn đôi mắt ửng đỏ của nàng, ngập ngừng nói: “Thận tu nghi đi rồi, chắc lòng nương nương cũng khó chịu. Đối với Thận tu nghi, nương nương hẳn vẫn có tình có nghĩa.”
Trong mắt kẻ khác, Thận tu nghi sinh thời và Nghi quý phi chính là nước sống không phạm nước giếng. Nhưng rõ ràng ngày ấy ta đã tận mắt chứng kiến Nghi quý phi đứng trong tàn tích của Bảo Hiền điện, dáng vẻ khổ sở đau lòng, y như khoảnh khắc nghe tin đệ đệ Hầu Uyên Di của mình đã không còn nữa.
“Bổn cung không biết tại sao Thận tu nghi lại tự sát.” Nàng cố chấp ngẩng đầu, trở lại với vẻ cao ngạo lúc trước, “Bổn cung chịu gặp ngươi là muốn xem người như ngươi rốt cuộc có bản lĩnh cao cường đến nhường nào. Nhớ lại khi xưa không thèm bỏ ngươi vào mắt, cũng chưa từng nhìn kỹ khuôn mặt của ngươi, xem ra lần này bổn cung phải nhìn lại thật kỹ rồi. Mười năm, Hầu gia của bổn cung vì hoàng thượng vào sinh ra tử, như Thiên Lôi sai đâu đánh đó, kết quả lại rơi vào bước đường này. Mà ngươi, một nữ nhân lai lịch không rõ, thực sự làm bản cung thấy rất tò mò, làm cách nào có thể mang được long thai, cười đến cuối cùng.”
Ta biết nàng không cam lòng, nhớ lại bộ tịch phách lối của nàng lúc ở Trường Tín điện tố giác ta đốt tiền giấy, và cảnh ngộ ngang trái khi bị hoàng đế khước từ. Nữ nhân này giả vờ kiêu căng, rốt cuộc đến cuối cũng tàn bại không ngóc đầu dậy nổi.
“Tần thiếp nói với nương nương thì nương nương có chịu nói cho tần thiếp không?”
Nàng ta nhếch miệng cười lạnh: “Ngươi đang định giao dịch với bổn cung ư?”
“Phải.” Ta gật đầu, “Nương nương hiện giờ đã không còn trở mình được, còn có gì quan trọng hơn cả sự thật nữa đây?”
Những lời tàn khốc đẫm máu ấy tuy trong lòng biết rõ nhưng chưa từng có ai can đảm nói ra.
“Được.” Nàng cũng gật đầu.
Theo như Nghi quý phi, cho đến tận bây giờ Thận tu nghi chưa từng xem mình là Vãn Vãn của hoàng đế, không phải nàng tự sát, mà nàng chết vì tình yêu.
Đúng, là chết vì tình yêu - chết vì một người không phải hoàng đế, nàng quấn vải trắng cũng là vì người đó.
Hoàng đế biến nàng thành thế thân, biến dáng vẻ lần đầu tiên thấy nàng thành hình ảnh của ta trong lần gặp cuối cùng trước khi ta vào chùa. Nàng cũng xem hoàng đế là thế thân, xem hoàng đế dũng mãnh hiên ngang trên bãi săn là người thiếu niên kiên cường đã hy sinh nơi sa trường.
Nhưng nay thiếu niên trong lòng nàng đã chết, thế thì nàng cũng nguyện đi theo người ấy. Ngọn lửa được châm lên, nàng đã nắm tay thiếu niên của nàng vĩnh viễn rời xa nhân thế.
Hai con người quen biết nhau tự thuở hàn vi, giờ đây đã hoàn toàn cắt đứt mọi dây dưa với hồng trần thế tục.
Thận tu nghi tên thật là Thẩm Ngu Hoan, đã có tình cảm với tiểu công tử Hầu gia Hầu Uyên Di từ nhỏ. Năm ấy mười tám tuổi, Hầu Uyên Di lần đầu ra sa trường. Trước khi đi hai người cầm tay nhau mà hai mắt đẫm lệ, y nói chờ y chiến thắng trở về thì sẽ bảo cha đến Thẩm gia cầu hôn.
Thiếu nam thiếu nữ không quen với việc phải nói câu ly biệt, họ chỉ nói chiến thắng trở về, mà không ai nghĩ nếu binh bại , nếu thân tàn, nếu âm dương cách biệt, thì phải làm sao để tiếp tục tiền duyên đây? Thậm chí cứ cho là họ có thể cùng sống dưới trời đất này đi chăng nữa, thì còn có cơ hội gặp lại nhau nữa không?
Ngày chờ đợi như kéo dài cả một đời, Kinh Thi có câu “Khi đi tha thướt cành dương, khi về mưa tuyết phũ phàng tuôn rơi”. Nay ta đến đây, mưa tuyết tầm tã, Thẩm Ngu Hoan lại chỉ đợi từ tán ô lửa xòe rộng đến ngọn gió thu phơ phất, tiếc rằng không chờ được ý trung nhân hằng đêm trong mộng, mà là tin người ấy đã bỏ nàng mà đi.
Chú thích:
[1] Bảo kế tùng tùng vãn tựu,
Duyên hoa đạm đạm trang thành.
Búi tóc buông lơi mới kết,
Phấn thơm man mác tân trang. (Tây Giang Nguyệt - Tư Mã Quang)
[2] Đầu bảy (phong tục tang lễ): Người ta tin rằng linh hồn người quá cố sẽ về nhà trong bảy ngày đầu, người nhà nên chuẩn bị chút cơm cho linh hồn trước khi linh hồn quay về. Sau đó phải tránh đi, biện pháp tốt nhất là ngủ, ngủ không được thì trốn trong chăn. Nếu để linh hồn thấy người nhà của mình thì sẽ sinh lòng nhớ nhung ảnh hưởng đến việc đầu thai. Cũng có ý kiến cho rằng đầu bảy là linh hồn sẽ về nhà vào giờ Tý cùng ngày, người nhà sẽ đốt cho họ vật có hình bậc thang để linh hồn theo "bậc thang" đi lên trời (baidu)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top