Tử Cấm Thành
TRUNG QUỐC MUỐN GÌ?
H. R. McMaster
[* H. R. McMaster, trung tướng trong Quân đội Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu), là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng.]
The New Yorker, May 2020
Nguyễn Trung Kiên dịch
*
Trung Quốc nhìn nhận thế giới như thế nào, và chúng ta nên nhìn nhận Trung Quốc ra sao?
Sự kết hợp giữa tính ưu việt và nỗi bất an của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm. Hoa Kỳ cần một chiến lược mới để ứng phó với điều đó.
*
I. TỬ CẤM THÀNH
Vào ngày 8 tháng 11 năm 2017, Chuyên cơ Không lực Một [chuyên chở Tổng thống Hoa Kỳ (ND)] đã hạ cánh tại Bắc Kinh, đánh dấu sự khởi đầu của chuyến thăm cấp nhà nước, do ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức. Kể từ ngày đầu tiên khi tôi làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã là mối ưu tiên hàng đầu. Đất nước này nổi bật trong những gì mà Tổng thống Barack Obama đã xác định cho người kế nhiệm, đó là vấn đề lớn nhất trước mắt mà chính quyền mới sẽ phải đối mặt, cùng với những gì phải làm về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhưng nhiều câu hỏi khác về bản chất và tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đã xuất hiện, phản ánh nhận thức khác biệt cơ bản của Trung Quốc về thế giới.
Kể từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình, vào cuối những năm 1970, các giả định chi phối cách tiếp cận của Hoa Kỳ về mối quan hệ của đất nước chúng ta với Trung Quốc là: Sau khi được chào đón vào trật tự chính trị và kinh tế quốc tế, Trung Quốc sẽ chơi theo luật chung, mở cửa thị trường và tư nhân hóa nền kinh tế. Khi đất nước này trở nên thịnh vượng hơn, chính phủ Trung Quốc sẽ tôn trọng các quyền của người dân và tự do hóa chính trị. Nhưng những giả định đó đã được chứng minh là sai.
Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa bởi các nhà lãnh đạo của họ đang thúc đẩy một mô hình độc đoán khép kín thay cho nền quản trị dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ củng cố một hệ thống nội bộ kìm hãm tự do của con người và mở rộng sự kiểm soát độc đoán của nó; họ cũng đang xuất khẩu mô hình đó và hướng tới sự phát triển của các quy tắc mới và một trật tự quốc tế mới mà sẽ khiến cho thế giới trở nên ít tự do và kém an toàn hơn. Nỗ lực của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng trở nên hiển nhiên bởi việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai các căn cứ quân sự gần Đài Loan và Biển Đông. Bản chất của các chiến lược quân sự và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc là điều khiến đất nước này trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với Hoa Kỳ cũng như các xã hội mở và tự do khác.
Vào năm 1948, John King Fairbank, nhà sử học tại Đại học Harvard và người sáng lập chuyên ngành Trung Hoa học tại Hoa Kỳ, đã lưu ý rằng, quan điểm lịch sử không phải là một điều thừa thãi mà rất cần thiết để hiểu các chính sách và hành động của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của chúng tôi, Tập và các cố vấn của ông đã dựa rất nhiều vào lịch sử để truyền đạt thông điệp về dự định của họ. Họ nhấn mạnh một số chủ đề lịch sử. Họ tránh những chủ đề khác.
Phái đoàn Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân, Ngoại trưởng Rex Tillerson, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Terry Branstad, đã nhận được bài học lịch sử đầu tiên khi đi thăm Tử Cấm Thành, nơi ở của các hoàng đế Trung Hoa trong suốt năm thế kỷ. Chúng tôi đi cùng với Tập, vợ ông và một số nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Thông điệp được truyền tải trong các cuộc trò chuyện riêng tư và các tuyên bố công khai, cũng như chính thức trên truyền hình và từ bản chất của chuyến thăm này, phù hợp với bài phát biểu của Tập ba tuần trước đó tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIX: Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng theo đuổi "sự hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc". Như Tập mô tả, "sự hồi sinh" bao gồm sự thịnh vượng, nỗ lực tập thể, chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia – "giấc mơ Trung Quốc". Tử Cấm Thành là bối cảnh hoàn hảo để Tập thể hiện quyết tâm của mình đối với việc "di chuyển đến gần trung tâm của sân khấu thế giới và đóng góp nhiều hơn cho nhân loại".
Tử Cấm Thành được xây dựng từ thời nhà Minh, vốn cai trị Trung Quốc từ năm 1368 đến 1644, một thời kỳ được coi là hoàng kim về sức mạnh kinh tế, sự bành trướng lãnh thổ và thành tựu văn hóa của Trung Quốc. Chính trong triều đại này, Trịnh Hòa, một đô đốc trong hạm đội nhà Minh, đã thực hiện bảy chuyến đi vòng quanh Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hơn nửa thế kỷ trước khi Christopher Columbus giương buồm ra khơi. Những "chiếc tàu chứa kho báu" của ông, một trong số những chiếc tàu gỗ lớn nhất từng được chế tạo, đã chuyên chở đồ cống nạp về Trung Quốc từ tất cả các nơi trên thế giới đã được biết đến vào thời điểm đó. Nhưng bất chấp thành công của bảy chuyến đi, vị hoàng đế này kết luận rằng thế giới không có gì đáng kể để cung cấp cho Trung Quốc. Ông quyết định đánh chìm các tàu chứa kho báu này và ra lệnh đóng cửa cảng biển Trung Quốc. Thời kỳ sau đó - thế kỷ XIX và XX - được Tập và những nhà lãnh đạo khác xem là thời kỳ kỳ bất thường, khi mà các quốc gia châu Âu, và sau đó là Hoa Kỳ, đã thống trị về kinh tế và quân sự.
Giống như chương trình bế mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nơi trình diễn sự đổi mới công nghệ hiện đại trong bối cảnh lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc, chuyến tham quan Tử Cấm Thành có ý nghĩa như một lời nhắc nhở rằng các triều đại Trung Quốc đã ngự trị ở trung tâm của Trái Đất từ lâu. Phong cách nghệ thuật và kiến trúc của các tòa nhà phản ánh tín ngưỡng xã hội Nho giáo: các thứ bậc và sự hài hòa đó phù hợp và phụ thuộc lẫn nhau. Hoàng đế đã thiết triều trong Điện Thái Hòa, tòa nhà lớn nhất trong Tử Cấm Thành. Ngai vàng được bao quanh bởi sáu cây cột vàng, được chạm khắc hình rồng để gợi lên sức mạnh của một vị hoàng đế với một triều đại đang thống trị thiên hạ.
Trong khi những hình ảnh trong chuyến thăm của chúng tôi được phát đi từ Tử Cấm Thành tới phần còn lại của thế giới, nhằm thể hiện niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, người ta cũng có thể cảm nhận được sự bất an sâu sắc từ một bài học lịch sử vốn không được đề cập đến. Trong chính thiết kế của mình, Tử Cấm Thành dường như phản ánh sự tương phản giữa sự tự tin mang tính hướng ngoại và sự e ngại mang tính hướng nội. Ba vòng thành lớn tại trung tâm Tử Cấm Thành không chỉ nhằm gây ấn tượng mà còn để bảo vệ khỏi các mối đe dọa có thể đến từ cả bên ngoài và bên trong các bức tường thành. Sau khi kết thúc triều đại nhà Hán, năm 220 SCN, chính quyền trung ương đầy quyền lực Trung Quốc chỉ cai trị các tỉnh lớn khoảng một nửa thời gian [còn lại là thời gian tự trị (ND)]. Và ngay cả khi đó, Trung Quốc đã phải chịu sự xâm lược của nước ngoài và bất ổn ở trong nước. Hoàng đế Minh Thành Tổ, người xây dựng Tử Cấm Thành, quan tâm đến những nguy hiểm bên trong hơn là về khả năng xâm lược của người Mông Cổ. Để xác định và loại bỏ đối thủ, vị hoàng đế này đã thiết lập một mạng lưới gián điệp phức tạp. Để tránh sự phản đối của các sĩ phu và quan lại, ông đã chỉ đạo các vụ hành quyết không chỉ những người bị nghi ngờ là không trung thành, mà còn cả gia đình của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật tương tự trong nhiều thế kỷ sau đó. Giống như Tập, các hoàng đế ngồi trên ngai vàng [được chạm trổ] công phu ở trung tâm Tử Cấm Thành đã thực hành một phong cách cai trị độc tài để dễ dàng loại trừ tham nhũng và các mối đe dọa nội bộ.
Người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi nơi chủ nhân cuối cùng trong hoàng triều của Tử Cấm Thành, Hoàng đế Phổ Nghi, bị tước quyền lực vào năm 1911, khi ông mới 5 tuổi, trong cuộc cách mạng cộng hòa của Trung Quốc. Phổ Nghi thoái vị vào giữa "thế kỷ nhục nhã", một giai đoạn lịch sử Trung Quốc mà Tập đã mô tả với Trump khi hai nhà lãnh đạo ăn tối tại Mar-a-Lago, bảy tháng trước chuyến công du của chúng tôi. Thế kỷ của sự sỉ nhục là thời kỳ bất hạnh, trong đó Trung Quốc trải qua sự chia rẽ nội bộ, chịu thất bại trong các cuộc chiến tranh, các nhượng bộ lớn cho các cường quốc nước ngoài và chịu đựng sự chiếm đóng tàn bạo. Sự sỉ nhục bắt đầu từ việc Vương quốc Anh đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên vào năm 1842. Nó kết thúc với sự thất bại của quân Đồng minh và Trung Quốc trước đế quốc Nhật Bản năm 1945 và chiến thắng của những người Cộng sản trong cuộc Nội chiến Trung Quốc vào năm 1949.
Cuộc họp cuối cùng của chúng tôi trong chuyến thăm cấp nhà nước, tại Đại lễ đường Nhân dân, là với Lý Khắc Cường, Thủ tướng của Hội đồng Nhà nước và là người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Nếu bất cứ ai trong phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ có bất kỳ nghi ngờ nào về quan điểm của Trung Quốc về mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, thì cuộc độc thoại của Lý giúp họ loại bỏ sự nghi ngờ này. Ông bắt đầu bằng lời nhận xét rằng Trung Quốc, vốn đã phát triển các nền tảng công nghiệp và công nghệ, không còn cần đến Hoa Kỳ nữa. Ông bác bỏ những lo ngại của Hoa Kỳ đối với các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng, cho thấy vai trò của Hoa Kỳ trong nền kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ chỉ là cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô, nông sản và năng lượng để sản xuất các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng tiên tiến của thế giới .
Rời khỏi Trung Quốc, tôi thậm chí còn bị thuyết phục hơn trước đây rằng đã quá muộn cho một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Hoa Kỳ [đối với Trung Quốc]. Tử Cấm Thành được cho là truyền đạt niềm tin vào sự hồi sinh quốc gia của Trung Quốc và sự trở lại vũ đài thế giới với tư cách là Đế quốc Trung Hoa đầy kiêu hãnh. Nhưng đối với tôi, nó đã phơi bày những nỗi sợ hãi cũng như tham vọng thúc đẩy các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc dọc biên giới và xa hơn nữa, và để lấy lại danh dự đã mất trong thế kỷ bị sỉ nhục. Những nỗi sợ hãi và các tham vọng quyện chặt vào nhau. Chúng giải thích lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc bị ám ảnh bởi sự kiểm soát, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản tin rằng họ có một số ít cơ hội chiến lược hiếm hoi để củng cố sự cai trị của họ và sửa đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ - trước khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, trước khi dân số già đi, trước khi các nước khác nhận ra rằng họ đang theo đuổi sự hồi sinh của quốc gia, và trước các sự kiện không lường trước được như đại dịch virus corona, vốn đã phơi bày những lỗ hổng mà Đảng tạo ra trong cuộc đua vượt qua Hoa Kỳ và hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa. Đảng Cộng sản không có ý định thực hiện theo các quy tắc liên quan đến luật pháp, buôn bán hay thương mại quốc tế. Chiến lược tổng thể của Trung Quốc phụ thuộc vào việc cùng lựa chọn và những sức ép cả trong và ngoài nước, cũng như sự che giấu bản chất của ý định thực sự của Trung Quốc. Điều làm cho chiến lược này trở nên mạnh mẽ và nguy hiểm là sự thống nhất của các nỗ lực của Đảng trong toàn bộ chính quyền, các ngành công nghiệp, giới khoa học và quân đội.
Và, trên thực tế, các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngược chiều với lý tưởng và lợi ích của Hoa Kỳ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top